|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Như Khởi Hành đã nhiều lần loan tin, trong tháng 4. 1999 đã có một cây cầu mới bắc qua sông Bến Hải, thay cho cầu Hiền Lương cũ, cách cầu cũ 20 mét về phía Tây . Cầu mới xây bằng xi măng cốt sắt, dài 194 mét, tổn phí 3 triệu mỹ kim, hoàn tất trong thời gian hai năm.
Tháng này, sau 45 năm ngày Quốc Hận 20 tháng 7 , cầu Hiền Lương cũ đã trở thành di tích lịch sử, vì là cây cầu duy nhất nối liền hai miền Nam Bắc Việt Nam, thời chia cắt đất nước, từ 1954 đến 1975 theo hiệp định Giơneo chấm dứt chiến tranh Đông Dương. Hòa ước Giơneo quy định ranh giới quân sự tạm thời là vĩ tuyến 17, cụ thể là sông Bến Hải, cắt ngang huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị, từ Đông sang Tây, từ cửa biển Cửa Tùng đến thượng nguồn biên giới Lào Việt.
Sông quanh co khoảng 100 kilo mét, rộng hẹp tùy địa hình, ví dụ nơi cầu Hiền Lương sông rộng 170 thước, đến Cửa Tùng lòng hẹp lại còn 30 thước. Tùy nơi, sông có nhiều tên gọi khác nhau: sông Cửa Tùng, sông Hiền Lượng, sông Rào Thành. Trong PHỦ BIÊN TẬP LỤC, Lê Quí Đôn gọi là sông Hồi: Đầu nguồn là làng Bô Hô Su trên bản đồ, tiếng Việt gọi là xứ Bò Ho, dân cư thưa thớt, thuộc đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Cây cầu Hiền Lương lý lịch nguyên ủy của nó là sản phẩm của chiến tranh, được công binh Pháp xây cất trong chiến tranh Việt Pháp vào năm 1950, vật liệu cũng ngoại lai: sắt thép của nước Anh, ván gỗ của nước Mỹ, cả thảy có 894 tấm, ván cầu made in Virginia. Vật liệu được thả dù xuống và lính viễn chinh cùng với tù binh lắp ghép tại chỗ. Mà phải làm hai lần, lần đầu cầu bị lũ lụt sông Bến Hải cuốn phăng đi.
Cầu Hiền Lương cũ có 7 nhịp, dài 178 mét. Thời phân chia Nam Bắc, mỗi bên quản lý đúng 89 mét, nhưng so số ván lót cầu, thì phía bắc dôi hơn 6 tấm theo sự đo đếm của nhà văn Nguyễn Tuân qua nhiều bút ký viết về vùng giới tuyến. Màu sơn cầu cũng khác nhau: lúc đầu phía Bắc sơn nâu, phía Nam sơn xanh; về sau phía Bắc lại cũng sơn xanh, phía Nam đổi sang màu vàng, đỏ.
Cầu bị máy bay Mỹ đánh sập khi tự do oanh tạc vùng Vĩnh Linh, khoảng năm 1967.
Bản thân một cây cầu là nối tiếp thông thương, ít ra cũng "gợi chút niềm thân mật". Nhưng qua hai mươi năm chia cắt, cầu Hiền Lương là một hình ảnh vết thương đất nước. [Tố Hữu có mấy câu thơ: Sông Bến Hải bên bồi bên lở, Cần Hiền Lương bên nhớ bên thương... Câu thơ mang âm hao tình cảm của một cộng đồng dân tộc bị phân ly, nhưng không có giá trị nhân chứng lịch sử vì Tố Hữu đã làm tại Tam Đảo mùa Hè năm 1973, hơn một năm sau khi quân đội miền Bắc đã dùng đại quân và chiến xa đánh tràn qua vĩ tuyến 17 ngày 30.4.1972 và một tháng sau là chiếm hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Sau đó quân đội miền Nam đã giành lại Cổ Thành Quảng Trị. Nói khác đi, không cần đợi đến 1975, mà ba năm trước đó, một năm trước hiệp định Paris, con sông Bến Hải và cây cầu Hiền Lương đã mất tính cách pháp lý và chính trị. Biểu tượng tình cảm của nó từ đó cũng biến mất].
Tuy nhiên trong lịch sử và tâm cảm nhiều thế hệ Việt Nam, cây cầu Hiền Lương vẫn là một vết thương nhiều năm nhức nhối. Nhà thơ Lưu Trọng Lư, 1958, trong bài: Sóng Vỗ Cửa Tùng, nhìn sang bên kia bờ đất nước, thấy thân phận mình không bằng con chim con cá:
Ngoài khơi con chuồn con nục
Mùa nước trong hay nước đục
Cũng thung thăng biển bắc dòng nam
(...)
Trời trong hay trời động
Con chim con cá
cũng thẳng cánh thẳng vi
Sao đến chỗ ni
Trước mắt tôi như có hào sâu ngăn lại
Đất Việt Nam người Việt nam
không bước tới
Mắt mãi nhìn/mắt mòn
hết nửa con ngươi
Thân đứng đây/thân chết nửa
con người
Lời tôi nói/ lời tôi nghe đứt đoạn.
Cũng khoảng thời gian đó, Hoàn Trung Thông có bài Cửa Tùng, Tế Hanh có bài thơ Nói Chuyện với Hiền Lương, nhưng lời thơ giáo điều, khuôn sáo như nhiều thơ tuyên truyền cổ động, ngày nay không còn ai đọc.
Ngay đến những bút ký "giới tuyến" của Nguyễn Tuân viết rất công phu và xúc cảm nhưng quá nặng tính chiến đấu nên với thời gian, đã mất tính cách nhân văn là nền tảng của văn học. Gạn lọc lắm mới cứu vãn được vài đoạn:
"Trong cuộc sống phát triển không đều nhau của các dân tộc trong nhân loại trên vỏ trái đất, cái cầu bao giờ cũng là hình ảnh của yêu thương, của giầu có, của hạnh phúc. Yêu thương, giầu có, hạnh phúc ở một con người, ở hai con người, ở một dân tộc, ở một quốc gia. Bằng tre một cây, bằng gỗ, bằng gạch, bằng đá, bằng sắt, bằng bê tông cốt sắt, cái cầu bao giờ cũng là một niềm vui một nét sống. Một trái tim và một nhịp cầu. Trên cầu, vương vấn những trái tim chân chính. Trong tim, bắc được những nhịp cầu. Bình thường, cái cầu là như vậy. Và cầu Hiền Lương dẫn ra đây là một cái cầu không bình thường. Thường mỗi khi gặp sông mà sông lại có luôn cả cầu, ta yên chí như là đã chực sẵn tại đó một ông đò quen thuộc, chắc tay và đúng hẹn. Nhưng tới bờ sông đệm mà nhìn cầu tuyến, chưa khi nào và chưa có người bộ hành yêu nước nào ở Việt Nam lại thấy được mảy may yên lòng. Nếu lịch sử tiến lên dạy chúng ta phải qua được cái cầu đó, nếu lịch sử dạy chúng ta rằng hạnh phúc dân tộc ta thế tất phải qua cái cầu đó, và quan hệ bình thường Bắc Nam là phải qua lại được nơi cầu đó, thì hôm nay đây tôi cũng muốn nói rằng nhân loại trên thế giới ở Á, ở Phi, ở Mỹ Latinh, ở Âu, đừng ở đâu, đừng nước anh em nào phải bất hạnh có một cây cầu như cầu Hiền Lương hai mầu ở nước tôi".
(Cầu Ma, 1963? in lại trong KÝ, 1976, tr 105, Tuyển Tập II, 1994 tr 391).
Thơ "quốc hận" ớ miền Nam và "cổ động thống nhất" ở mỉền Bắc, ngày nay còn một ít bài chịu được sự đọc lai, như Gửi Sông Hiền Lương của Xuân Diệu:
Người xinh cái nón cũng xinh
Sông lành sông dẹp cái tên cùng lành
Hiền Lương nước biếc mây xanh
Lòng ta đến đó sao mà quặn thắt?
(...)
Xa gì xa bề ngang chiếc đũa
Chỉ bắc cầu giải yếm cũng vừa sang
Soi đôi bên mặt anh lẫn mặt nàng
Xa gì xa trong bàn tay mở!
Lên trên nguồn/có bờ đâu nữa
Xuống dưới biển
Cửa sông chỉ vài đòn gánh mà thôi
"Xa chi xa oan xa ức, xa tức xa tối
Xa không sợ tội với ông trời"
Sóng vô hạn, vô hồi hôn đôi bãi cát
[...]
Một trời đất, có chi là đổi khác?...
Xuân Diệu, quê mẹ Bình Định quê cha xứ Nghệ - "cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong" - đau thật sự niềm đau của một đất nước bị xẻ đôi; nên khi nói đến giấc mơ thống nhất, ông có nhiều câu thơ giàu xúc cảm, chưa kể là về nghệ thuật, dù là thơ tuyên truyền, thơ ông cũng điêu luyện hơn nhiều người khác.
Nhưng ngày nay nhắc lại vết thương xưa, con sông Bến Hải, nhịp cầu Hiền Lương bài thơ chúng tôi tâm đắc nhất là của Viên Linh, một nhà thơ Miền Nam, từ Bắc di cư vào Nam rồi từ miền Nam di tản sang Mỹ, hiện chủ biên tạp chí Khởi Hành tại California.
Cầu Hiền Lương cũ, chủ đề sáng tác giai đoạn 1954-1975
Cảm ơn câu hỏi đêm qua
Sáng nay giấc mộng quê nhà lại xanh.
"Hỏi rằng Bến Hải Sông Gianh
Bờ Nam bờ Bắc lòng anh bờ nào?"
- Lòng anh quanh quẩn bờ ao
Như con nhện nước ra vào lưới trong.
Cám ơn câu hỏi bạn lòng
Chỉ xa muôn dặm sao còn bên tôi?
- Đi đâu cũng nước non người
Gần em nghe tiếng khóc cười quê ta.
[...]
Lòng anh không muốn chia xa
Chỉ xin quanh quẩn giữa ta với người.
Anh xin ở giữa cuộc đời
Anh xin quanh quẩn
bên người anh thương.
Cảm ơn em nhé, tình nương
Em đi đâu đó mười phương lại về.
Mai sau em rũ câu thề
Anh xin bỏ gốc Bồ Đề theo em.
Cảm ơn câu hỏi bạn hiền
Hỏi ta còn nhớ mấy miền thổ ngơi?
Bạn hời bạn hỡi bạn ơi
Ba năm cóc chết, con người mấy năm?
Non cao phượng ẩn hổ nằm
Ao xâu long mạch âm thầm
chuyển mưa.
Ta từ vận nước tiêu sơ
Tào Khê suối cũ trơ trơ một giòng
Ta từ thân thế lưu vong
Chiếc hồn phiêu bạt
tấm lòng mưa sương.
Cảm ơn Trời Đất muôn phương
Ta còn một mảnh Quê Hương
điêu tàn ...
Bài thơ Viên Linh khơi lại tâm tình một thế hệ: đất nước chia đôi, lòng người cũng phân ly. Bây giờ đất nước đã thống nhất, và đã bớt người bỏ nước ra đi, nhưng lòng người vẫn ly tán; và người đi vẫn chưa thấy ngày về. Đâu đây vẫn còn những con sông Bến Hải chia cắt lòng người và cây cầu Hiền Lương mới xây chưa chắc gì đã nối lại được hết những ước mơ dở dang và tình thương nửa đời nửa đoạn.
Bài này tác giả viết cho Chương trình Văn nghệ, phần Việt ngữ Đài BBC, phát thanh về Việt Nam trong tháng 4 vừa qua.
- Chim và Rắn: cái nhìn tương đối trong văn chương Võ Phiến Đặng Tiến Nhận định
- Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến Đặng Tiến Nhận định
- Nhân ngày giỗ Nhất Linh 7/7 Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh Đặng Tiến Khảo luận
- Cầu Hiền Lương Đặng Tiến Tạp bút
- Chiều Tà, tranh Hàm Nghi Đặng Tiến Tạp bút
- Ngựa phi đường xa Đặng Tiến Khảo luận
- Vũ Hoàng Chương Đặng Tiến Tiểu sử
- Trịnh Công Sơn: Đời và Nhạc Đặng Tiến Tạp bút
• Nhà thơ Viên Linh “Hóa Thân” tại VA, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi (Việt Báo)
• Đi thăm Viên Linh (Đinh Trường Chinh)
• Đọc Những Dòng Thơ Mới Của Viên Linh (Trần Tuấn Kiệt)
• Viên Linh, một đời chỉ sống với sách vở, báo chí, và viết (Trần Yên Hòa)
• Lục bát Viên Linh (Tuệ Sỹ)
• Những Công Án Bất Ngờ (Nguyễn Văn Sâm)
• Viên Linh Trên Những Chặng Đường Thơ (Huỳnh Hữu Ủy)
• Độc giả và những người làm một tạp chí văn chương (Trần Phong Giao)
• Khởi Hành cùng nhà thơ Viên Linh qua 20 năm (Quốc Dũng)
• Sách mới phát hành: “Tác giả, Tạp chí: Nói và Viết với 40 Nhà văn Hiện đại” - VL (Người Việt)
• Viên Linh (Võ Phiến)
• Đọc thơ Viên Linh (Lê Huy Oanh)
• Viên Linh (Học Xá)
• Khởi Hành: Nơi Gìn Giữ Nền Văn Học Tự Do (Vũ Ánh)
• Cầu Hiền Lương (Đặng Tiến)
• Biển Đông Huyền Ảo Trong Thơ Viên Linh (Trần Văn Nam)
• Đọc thơ Viên Linh (Nguyên Sa)
Văn chương tôi không phục vụ niềm vui
(Thế Dũng, talawas.org)
Thể loại văn truyện nhiều chất xã-hội-tính (tân truyện và tiểu thuyết) (Trần Văn Nam, talawas.org)
Viên Linh – Làm báo văn nghệ ở miền Nam trước tháng Tư 1975 (Phan Nhiên Hạo phỏng vấn, litviet.com)
Phỏng vấn nhà thơ Viên Linh về giải thưởng do báo Khởi Hành khởi xướng (Mặc Lâm, rfa.org)
• Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh (Viên Linh)
• Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)
• Bạch thư Phạm Huấn (Viên Linh)
• Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà (Viên Linh)
• Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi (Viên Linh)
Thị trấn miền đông (talawas), (bản ebook).
Tạp chí Văn học Nghệ thuật Lịch sử Nhận định Biên khảo Sáng tác Sinh hoạt, Số 1 (tháng 11.1996), Số 171+172 (tháng 1-2.2011), Chủ nhiệm, Chủ bút: Viên Linh.
Ðịa chỉ P.O Box 670, Midway City, CA 92655.
Email: phamcongkh@yahoo.com
Website: http://www.khoihanh.com/
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |