|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
• Đêm Trường • Sinh Nhật • Thơ Bệnh
• Yêu • Biên Niên Vô Độ • Sinh Thời • Đầu Thai
• Trên Tàu Hỏa Paris - Frankfurt • Lầu Chuông • Cảm Ơn • Vịnh Đinh Hùng
• Vọng Ý Thời Gian • Ẩn Mật • Lục bát Viên Linh
• Vườn Nhân Loại • Gọi Hồn • Hình Nhân • Giả Sống
Những Bài Cúc Hoa (khoihanh.com)
Thiên Địa Ca (damau.org)
Thơ trích từ thi phẩm Hóa Thân và Thủy Mộ Quan (vinhhao.info)
Nhớ em rồi Cúc Hoa xưa
Đêm nay dưới ngói trời mưa tầm tầm
Nhớ em vèo cái thu âm
Hồn theo bóng ngoại phân thân chín từng.
Nhớ em ly rượu còn lưng
So đôi đũa mộc cười bừng cơn say
Phải anh rồi phải anh đây
Bữa cơm hai bóng một ngày phần dương.
Nhớ anh chưa Cúc mắt vàng
Cúc xanh mi Cúc biếc hường trái tim
Cúc đen đâu đó Cúc mềm
Vùi anh trong bụng Cúc hiền như dao.
Năm năm đời trú mái sầu
Thời gian phai nhạt những màu yêu đương
Nhớ em lần lữa chiếu giường
Đêm nay lại một đêm trường như xưa.
Hôm nay năm tận, Sài Gòn
Tôi nghe khiếp hãi tâm hồn già nua
Giật mình con quỉ ban trưa
Tiếc mùa hoan lạc hái chưa đủ hời.
Hôm nay trời đất có tôi
Trên ba mươi tuổi làm người lãng quên
Xuân hồng, một góc thiếu niên
Năm năm mê mải những miền hoài nghi.
Trên ba mươi tuổi ù lỳ
Đêm về kéo cửa ngày đi kiếm mình
Cảnh đời, một cõi u minh
Cảnh tôi thấp thoáng bóng hình những ai.
U mê hết tháng năm dài
Chân trong lối kiệt hồn ngoài bến không
Hôm nay năm tận, bàng hoàng
Giục thêm tiệc rượu ngồm ngoàm đĩa vơi.
Nhìn ra cảnh cỗi, riêng tôi
Trong hiên viễn phố thấy đời buồn lây.
Lúc này hình đất tượng cây
Đời ta như nước chảy đầy bãi xa
Chiều rồi lòng mở không ra
Mênh mông trong ngực mùa hoa hải tần.
Khói um kín mộng thanh tân
Hình ta sụp đổ mấy lần trong gương
Bên kia bóng vội lên đường
Đằng sau mặt thủy trùng dương sóng dồi.
Nước xa cuồn cuộn ra khơi
Sâu trong tâm thể có đôi giọt gần
Bãi sầu trời ngập đến chân
Dương gian la lún nửa thân còn gì.
Chiều nay mưa dưới Âm Ty
Ta nghe kiếp trước thầm thì hỏi han.
Hôm nay anh thấy em rồi
Một bông hoa muộn trên đồi xanh non.
Yêu em, yêu những cái còn
Yêu luôn cái đã hao mòn từ xưa.
Yêu từ thời đại hoang sơ
Yêu sang man dại, yêu chờ u mê
Yêu đi chẳng ngại yêu về
Yêu em
Như thể
Lời thề
Ma vương
Yêu em trời có một phương
Vườn sau, Ngõ trước, Bên đường,
Dưới hoa
Yêu em
Vô định là nhà
Yêu em
Yêu những cái là của em.
Đêm qua anh hỏi ngọn đèn
Từ đây trăng có tới miền thùy dương
Đèn soi hai ngả yêu thương
Trăng kia chỉ rọi nửa đường u minh.
Nửa này trôi nổi phù sinh
Nửa kia chìm đắm mối tình hoài mong
Lại đây anh hỏi chuyện lòng
Đã bao sương khói vào trong mắt này.
Sương rằng khói đã mù bay
Khói rằng sương đã phủ đầy biển dâu.
Cho anh đôi mắt bồ câu
Tâm tư Hợp Phố / Mối sầu Đồng Đăng
Cho anh êm ái giọng vàng
Dáng đi chân sóc điệu nằm mèo ươn.
Cho anh dòng lệ u buồn
Nhỏ to tiếng gọi ngoan tròn lời xin.
Cho anh em nhé lòng tin.
(Khởi Hành số 161 tháng 3.2010)
Khởi từ hiện tại
Qua bao kỷ nguyên
Nghìn thu nhìn lại
Cõi người vô biên.
Dưới đèn một bóng
Tấc lòng thanh niên
Cổ kim mấy độ
Lên đường xuân xanh.
Bóng câu cửa sổ
Hiên đời mong manh.
Khởi từ hiện tại
Ngược đường xuân thu
Trăm năm tìm lại
Đâu thần linh xưa?
Lỡ một sân ga
Đổi một con tầu
Cá ra hải đảo
Chim vào hang sâu.
Một hồn miếu cổ
Hương lửa bay cao
Một thân tượng đổ
Trôi về mai sau
Chốn nào Hợp Phố
Nơi nào Doanh châu
Uống ly thuốc độc
Ta lìa xa nhau
Hắt hiu mái lá
Sầm sập mưa mau
Bến bờ quạnh quẽ
Bao la sóng sầu.
Yêu em tan tác
Mối tình Sông Ngâu
Quỉ thần chung bến
Đội đá thiên lao
Nhang tàn anh thắp
Câu kinh nguyện cầu
Bay lên hương khói
Gọi người thiên thâu.
Hồn không quốc độ
Thuyền em chốn nào.
Utopia Utopia
Utopia Utopia.
Quê nhà ta đâu? (2006)
(Khởi Hành số 169 tháng 11.2010)
Tôi nhìn thấy tôi đi
Đúng giờ chuông báo chết
Tay mang theo vốn đời
Tôi từ đây khánh kiệt
Kẻ vắng mặt hôm nay
Lúc sinh thời có đó
Tuy dấu vết mỗi ngày
Phai nét cùng bia mộ
Ai cúi xuống nhìn tôi
Chân tay như dã thú
Địa phủ cũng làm người
Lìa đời tôi vẫn sợ
Sống như loài bò sát
Nhìn lệch hướng thiên đường
Niềm vui kia dẫu thấp
Nhưng lưng vốn nằm ngang
Vậy mỗi khối thịt xương
Mấy linh hồn ẩn trú
Chuông lễ đã reo inh
Hồn cúi và thân lú
[Tôi vừa kể quãng đời
Một người khi đã chết
Nhưng có khác gì tôi
Khác gì anh đổi lốt.] (Sài gòn 1960)
Khởi Hành số 162, Tháng 4.2010)
Sớm nay trả lại ưu phiền
Đời ta đã nhẹ trăm miền hợp tan
Xuân hồng chỉ đỏ ngồi đan
Lưới thưa giăng một trần gian đứng chờ
Đừng khô sợi chỉ đừng khô
Trăm năm sống vội ngựa thồ xe bon
Ngón này chỉ nọ đan luôn
Lưới ơi mau rộng thân buồn sắp rơi.
Sớm nay trả lại ơn đời
hâu canh bụi phủ thân người lãng du
Giọt mòn gieo mái thiên thu
Chân mưa dạ héo hon bù lúc vui
Sớm nay rộng đất xa trời
Trăm tay tượng đá nghe rời chỗ xưa
Lưới ơi chỉ hỡi đừng thưa
Bên kia dương thế hồn chưa chịu về.
Hóa Thân, 1964, đang tái bản ngàn thứ 3.
(Khởi Hành số 171&172 Tháng 1&2. 2011)
1.
Thiếu em, thơ thiếu một dòng,
Lời ca thiếu nhịp, trong lòng thiếu vui.
Tàu di, tiếng sắt bùi ngùi
Đáy toa gió giật bóng người lùi nhanh.
Thiếu em, lan thiếu một nhành
Tay dư mười ngón, bóng hình dư gương.
Bánh lăn, trục cuốn chiếu giường
Một nghìn cửa sổ thiếu đường tìm em.
Tàu êm, rượu rủ vào đêm
Ly men rót mãi cũng mềm lòng ga.
Rượu say, đâu cũng là nhà
Hai thanh đường sắt thế mà gặp nhau.
2.
Chim bay từ Bắc sang Nam
Mặt trời đang lại nỗi hàn đang xa.
Em ơi từ lúc phôi pha
Mặt trăng càng tỏ sân ga càng gần.
Con tàu lặng lẽ vào sân
Anh là hành lý gửi lầm đến đây.
(*) ... Nhân dịp bổ túc thêm về cách "bố cục tập trung" trong thơ lục bát mà người viết bài này có lần bàn đến, thêm vài ý kiến nhờ đọc được bài thơ mới đây của Viên Linh đăng trong "Giai phẩm Xuân 2004" của nhật báo "Viễn Đông", một trong ba tờ báo Việt ngữ phát hành hàng ngày tại Nam California.
Thoạt tiên, ta bị "bắt mắt" bởi nhan đề bài thơ đầy gợi cảm. Sự gợi cảm này bắt nguồn từ những bài thơ đi du học Âu Châu trở về của Nguyên Sa và Cung Trầm Tưởng xuất hiện trong Văn Học Miền Nam cuối thập niên 1950. Ta vẫn còn mường tượng những đường tàu, những nhà ga mênh mông mông nối liền các thủ đô văn minh; qua Đức là xứ của các triết gia siêu hình mà lãng mạn; qua Áo là xứ của các nhạc sĩ lừng danh; chưa kể Paris ánh sáng là nơi khởi hành của các chuyến tàu xe lửa ước mơ ... Nhưng con tàu hỏa của Viên Linh thật trừu tượng, đó là chuyến tàu của truyện tình cho dù thỉnh thoảng tác giả nhắc ta trở về cụ thể có trục bánh xe, có đáy toa gió giật, có hai thanh đường sắt ... Chỉ đoạn sau mới thật sự là chuyến tàu cụ thể khi đoàn xe lửa tiến vào sân ga lúc bóng trăng tỏ rạng. Nhưng ta bị bất ngờ với sân ga thiếu thân mật, có lẽ xô bồ, trái với ước mơ đặt chân vào xứ sở mộng tưởng do sách vở. Và đó cũng là một cách "bố cục tập trung" của lục bát, tập trung bằng bất ngờ vào hai câu cuối. Các nhà thơ làm thơ lục bát ngắn thường tập trung vào hai câu cuối để gây ấn tượng bằng tu từ pháp như nhân cách hóa, bằng hai vế biền ngẫu trong câu tám, bằng thi ảnh thật đẹp ... Hoặc tập trung bằng câu thơ bàng bạc như "Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai" (Tản Đà), hoặc bằng câu thơ vang vọng như tiếng quay tơ đều đều ngày tháng "Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh" (Lưu Trọng Lư). Nhưng riêng Viên Linh trong bài này tập trung bằng ý tưởng bất ngờ, chủ tâm làm trái với đinh ninh mơ tưởng của ta về đoạn kết của một nhan đề thơ mộng.
(trích "Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam" tr. 457, Trần Văn Nam)
Tặng em tôi, Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu, để nhớ những ngày Vạn Hạnh
Nhận tin em một năm rồi
Thành xưa đã đổi con người đã thay
Cơn mơ chia biệt tháng ngày
Vẫn rơi tầm tã lòng này đêm đêm.
Mưa lầy con phố bôi tên
Em chôn tầm vóc thanh niên giữa đời
Nhớ em biển sách làm khơi
Thả thân trôi giạt với lời muôn phương.
Nhớ em đêm tựa lầu chuông
Rung con tim nhỏ
nghìn đường âm thanh
Em yêu lá ở trên cành
Yêu chim trong gió
yêu thành vắng quân.
Em yêu miếu mộ linh thần
Yêu đầu không mũ yêu chân lột giầy
Yêu người không biết đi dây
Yêu nhà văn hóa đi Tây lại về.
Em yêu lòng trúc ý tre
Yêu kinh vô tự như bè yêu sông
Em yêu Camus lạnh lùng
Đạt Ma qua biển Ngộ Không giữa trời.
Yêu anh phóng đãng lầm nơi
Văn chương sai lúc thân dơi lộn chiều
Em yêu cuộc sống em yêu
Lầu chuông gác sách
mộng điều tuổi xanh.
Hôm nay túi vải bên mình
Em tôi bán dạo trong thành phố quen
Ầm vang trong trí cơn điên
Ném thân anh giạt tới miền hư sinh.
Hơn ba mươi, mộng tan tành
Tay xương quét lệ hoen quanh mắt mờ
Thấy em lầm lũi hơn xưa
Loanh quanh ngõ dưới dật dờ lối trên
Em tôi không sách không đèn
Một đầu tư tưởng bôi lem nghĩa đời
Đêm nay tầm tã mưa rơi
Tĩnh ra tôi thấy mặt trời trắng tinh.
Thấy trăng mọc lúc bình minh
Thấy người lưu xứ lênh đênh Quê Nhà
Thấy tôi đập kính soi hoa
Trên cây nhân thế la đà trái đen.
Thấy tôi nguyền rủa thánh hiền
Cầm dao giết Phật giả điên đốt chùa
Nhớ mưa xưa nhớ mưa xưa
Tháng Tư úng thủy đầu mùa máu tuôn.
Mưa đưa tôi lại Sài gòn
Trán căng nhiệt đới
hồn còn Đông Dương
Gặp em trở lại Lầu Chuông
Dang tay nện xuống Hư Không
một chày.
Chuông không tiếng đã bao ngày
Nghe quen, em tưởng chiều đầy
âm thanh.
Washington D.C., 1979
Khởi Hành số 30, Tháng 4.1999
Cảm ơn câu hỏi đêm qua
Sáng nay giấc mộng quê nhà lại xanh.
"Hỏi rằng Bến Hải Sông Gianh
Bờ Nam bờ Bắc lòng anh bờ nào?"
- Lòng anh quanh quẩn bờ ao
Như con nhện nước ra vào lưới trong.
Cám ơn câu hỏi bạn lòng
Chí xa muôn dặm sao còn bên tôi?
- Đi đâu cũng nước non người
Gần em nghe tiếng khóc cười quê ta.
Cảm ơn tan tác lìa xa
Chân mây góc biển một nhà mà thôi.
Cảm ơn nhan sắc giết người
Yêu em em giết cho đời nhanh hơn,
Yêu em hiểu chuyện hoang đường
Vọng Phu hóa đá
Nam Xương chờ chồng,
Bôn ba trong chốn Bụi Hồng
Hiểu ra nhân thế sẵn lòng phôi phai.
Lâu nay thao thức đêm dài
Hiểu ra trăng tỏ đoái hoài đèn lu.
Cảm ơn con sóng Thần Phù
Xưa ta qua đó, bây giờ chìm đây.
Em ơi đừng hỏi đêm nay
Cho anh được sống đôi ngày yên thân.
Cảm ơn em dẫu một lần
Cho anh yên lặng hỏi thầm lòng anh.
Hỏi rằng trên Bến Xuân Xanh
Bờ Chân bờ Ảo lòng anh bờ nào?
Lòng anh quanh quẩn bờ rào
Như con bươm bướm bay vào bay ra.
Lòng anh không muốn chia xa
Chỉ xin quanh quẩn giữa ta với người.
Anh xin ở giữa cuộc đời
Anh xin quanh quẩn bên người anh thương.
Cảm ơn em nhé tình nương
Em đi đâu đó mười phương lại về.
Mai sau em hiểu câu thề
Anh xin bỏ gốc Bồ Đề theo em.
Cảm ơn câu hỏi bạn hiền
Hỏi ta Đất Nước mấy miền thổ ngơi?
Bạn hời bạn hỡi bạn ơi
Ba năm cóc chết, con người mấy năm?
Non cao phượng ẩn hổ nằm
Ao sâu long mạch âm thầm chuyển mưa.
Ta từ vận nước tiêu sơ
Tào Khê suối cũ trơ trơ một giòng.
Ta từ thân thế lưu vong
Chiếc hồn phiêu dạt tấm lòng mưa sương.
Cảm ơn trời đất muôn phương
Ta còn một mảnh Quê Hương điêu tàn.
Cảm ơn Thiên cổ mang mang
Ta còn chiếc cổng Tam Quan đợi chờ.
Cảm ơn tôi có bài thơ
Gửi người không biết bây giờ nơi đâu.
Thiếu Thất
(Khởi Hành số 41, Tháng 3.2000)
(*) ... ngày nay nhắc lại vết thương xưa, con sông Bến Hải, nhịp cầu Hiền Lương bài thơ chúng tôi tâm đắc nhất là của Viên Linh, một nhà thơ Miền Nam, từ Bắc di cư vào Nam rồi từ miền Nam di tản sang Mỹ, hiện chủ biên tạp chí Khởi Hành tại California.
Bài thơ Viên Linh khơi lại tâm tình một thế hệ: đất nước chia đôi, lòng người cũng phân ly. Bây giờ đất nước đã thống nhất, và đã bớt người bỏ nước ra đi, nhưng lòng người vẫn ly tán; và người đi vẫn chưa thấy ngày về. Đâu đây vẫn còn những con sông Bến Hải chia cắt lòng người và cây cầu Hiền Lương mới xây chưa chắc gì đã nối lại được hết những ước mơ dở dang và tình thương nửa đời nửa đoạn. (Đặng Tiến nhận xét trong bài Cầu Hiền Lương)
Khúc hát Mê Hồn anh cất lên
Muôn năm tiền sử dội vang rền.
Đại ngàn cháy rực cơn sầu muộn
Thành cổ chìm sâu giấc thụy miên.
Dã thú hồng hoang làm chính sự,
Con người tân thế hóa muông chim.
Hỡi ôi lưu lạc tôi thường nhớ
Có một thi hào sống đã thiêng.
Có một thi hào sống đã thiêng
Kẻo mây vào chiếu, lửa vào chăn,
Yêu người, thanh nữ ra kỳ nữ,
Thương nước, chòi tranh đổi ốc vàng.
Hoàng tử rời đô, dân lữ thứ,
Văn chương bỏ nước, hồn mênh mang.
Hôm nay ngồi nhớ người năm cũ
Tôi hỏi tôi vì tôi nhớ anh.
Tôi hỏi tôi vì tôi nhớ anh,
Kiếp người ngắn lắm, lại vô cùng.
Mực đen ta gửi dòng tâm huyết,
Máu đỏ ai ngờ giọt lệ suông.
Giấy trắng cư tang, đời khóc chữ,
Lòng son chiêu mộ, nước kêu non.
Cánh tay hào kiệt ngoài muôn dặm
Khơi ngọn thần đăng, dụng hỏa công?
Khơi ngọn thần đăng dụng hỏa công
Tụng lên Xích Bích niệm Sông Hồng.
Trăng xưa Trấn Quốc soi vương-tự
Lửa trẻ La Ngà tôi * thiết-song.
Hà Nội thành xưa ta kiếm lại,
Rùa vàng chuyện cũ người tìm gươm;
Anh đi tan vỡ miếu đường
Thơ anh ở lại phố phường phục hưng.
1.8.2000
Khởi Hành số 46, Tháng 8.2000
Chiều xuống dơi bay nhập bóng chim
Thân mao cánh vũ có ai tìm
Sáng ra đuôi chuột còn trên mái
Nhảy bốn chân cà thọt trái tim.
Thức giấc chong đèn soi mộ thơ
Đường vào thăm thẳm lối đi ra
Đêm qua phủi bụi thời gian đọng
Tìm thấy ta nằm trong sách xưa.
Ném sách quăng ta thấy nhện buông
Chân tay níu lấy sợi tơ chùng
Tơ giăng vào sách, neo vào sách
Mở sách coi chừng hại đến thân.
Khởi Hành số 51&52, Tháng 1&2.2001
I.
Mùa xuân tôi trở lại
Miền Tây hoa đang tàn
Duy những nhánh cành xanh vĩnh cửu
Khăng khăng vươn ngọn vượt thời gian
Nhắc nhở gã vương tôn thất chí
Cúi ngó lòng mình
Ôi cánh thẳm yêu thương
Bay mải miết trong vườn em mộng mị.
II.
Tôi lóp ngóp kiếm tìm
Giấc mộng đời ấp ủ
Trong rực rỡ bình minh
Âm u hồn héo úa.
Vẫn im soi kiến trúc cổ thời
Dáng phượng hình loan
Triều các cũ.
Về đây lòa sáng nhật nguyệt đường
Rọi chiếu anh lao lung hai bờ sinh tử
Hoặc
Yêu em,
Ôi một tối trúc tơ lòng tư mã lưu vong
Trong khô hạn rạt rào mưa ẩn mật.
III.
Chúng ta trông nhau đi
Giữa vườn đời quạnh quẽ
Cành nhánh mọc xum xuê
Trái nhân sinh hệ lụy.
Tháng Tư hoa máu rụng bời bời
Biển ngoài đất nhớ
Kiếp kiếp chờ mong
Em khép mắt tối bừng chấn song tù ngục
Anh cô đơn hối hả bốn tường vây
Lạ mặt.
Soi bản hoài
Soi cùng quẫn đau thương
Thấy chớp mắt mưa sa
Thấy chập chùng tuyết đổ
Sao đôi ta yêu nhau chẳng cùng gắn bó
Chập choạng cánh dơi về
Kiếm đâu thiên đường lỡ,
Em hãy hát anh nghe
Câu hát Bắc Ninh
Điệu hò cố lý
Đời một mai ai biết thuở trùng hưng
Trong tro bụi phượng hoàng vươn cánh dậy.
IV.
Chẳng phải hồn tăng lữ
Ngờm ngợp mái vô thường
Rượu uống như nước lã
Lòng tịnh tựa thu sương
Yêu em u uất trăm năm chậm
Đêm gửi tình đau qua đại dương
Hỡi ơi hoang phế miếu đường
Lòng son như ngói âm dương tan tành
Yêu người mái tóc còn xanh
Trong đôi mắt mộng còn anh đợi chờ
Chín năm rồi chín năm qua
Fm ơi có nhớ Đạt Ma ngồi thiền
Tịnh tâm. Bẻ gối. Tìm quên
Một hôm bích nhãn lên thuyền về Đông.
V.
Nhớ lại tháng này mải miết
Lớp lớp tàn vong
Bằng hữu chia tay
Anh em bốn hướng biệt mù giông bão tán
Còn lại ta hớt hải giữa đường
Ngó lung giòng nước lặng
Soi suốt hình dong chàng dũng sĩ vô nhan
Gươm đàn lỡ dở
Một tối cuồng say hương phấn
lãng chuyện Non Sông
Kết duyên đời ẩn dạng.
Ai hay buổi sáng tỉnh thức mơ mòng
Mênh mông bến nước
Mới biết đêm qua ngủ vùi đò dọc
Say giả chân gầy cuộc trăm năm,
Xưa hảo hớn một thời
bôn ba tới Lương Sơn Bạc
Chiều tà lỡ bước
Hươi gươm chẹt lộ
riết rồi thành kế mưu sinh
Rốt cuộc chỉ làm tên cướp cỏ
Tôn gái quê làm áp trại phu nhân,
Hưỡn hưỡn một phương hùng cứ mọn
Mơ xa chỉ thấy bụi trên đường.
VI.
Đôi khi tôi thất lạc
Trong chữ nghĩa hàm hồ
Giữa đường lầm bạn tác
Hư ngụy tưởng chân như.
Xem tranh trê cóc quên đồng dạng
Niệm Phật Quan Âm bụng vẫn ngờ
Chuyện cũ mười lăm năm nhớ lại
Lòng như sương giá hối bi thu.
VII.
Lúc gặp người bạn mới
Tình ngỡ tự xuân xanh
Yêu ngay không kịp nói
Hai mươi năm tìm em.
VIII.
Mọc ở biển đông trong tuyết giá
Thơ ôm niềm nhớ ngại Trăng tan
Hạc vàng mai có bay theo gió
Trăng lặn về Tây Thơ lặn sang.
IX.
Câu hỏi Thơ là gì?
Cỏ hoa nào muốn trả lời
Giáo điều đành không thể.
Thơ đắm chìm kẻ sĩ lưu vong.
Thơ yêu đương ngược đường tuổi trẻ.
Thơ triều các phế hưng biển dâu quá khứ.
Thơ tro tàn trùng phục ngày mai.
Thơ của tôi tịch mịch đền đài
Bát ngát tuyết đông sang
Biệt mù thu phong hỏa.
U huyền em cặp mắt đêm sâu
Lòng nhiệt đới lời ngọt ngào thổ ngữ
Rào rạt mùa xuân cũ
Nỉ non mưa những mái nhà sầu
Ẩn mật,
Em,
Đâu?
X.
Nghi thức của ngày hội ngộ:
Dưới chân thang, (lặng lẽ), đợi chờ em.
Thoảng nhẹ như sương rơi đọng đầu thềm
Cửa hé mở, (cầm tay), thân quấn ngã.
Chuyến bay khuya
Dung nhan mờ tỏ
Lai về đây ngôi nhà cuối ngõ
Âu yếm ca dao
Mặn mà tục ngữ
Mắt cười xanh. Giọng biếc. Ẩm hường môi.
(Nghiêm cẩn) xin em hái một nụ cười
Đặt vĩnh viễn trong bình hoa thảo mạc.
XI.
Hoa dung nhan rực rỡ
Cây nhân sinh rạng ngời ...
XII.
Mùa xuân tôi trở lại
Miền Tây hoa đang tàn
Cánh hạc trong Trăng kịp về trước sáng
Soi mở nhật nguyệt đường
Tìm thấy mộng ấu thời ấp ủ
Sau lớp bụi thời gian quên.
Đêm qua anh hỏi ngọn đèn
Tàn bao nhiêu mộng thì em giải thề?
Đèn không soi thấu cơn mê
Mênh mông Trời Đất lối về đời nhau.
Đến đây thân ái cửa vào
Bình yên phút ở lao đao phút lìa
Hai người cùng hỏi sao khuya
Bao năm thảo muội sầu kia mới tàn?
Sao không tỏ. Thét sao băng
Vụt nghe tiếng hạc trong Trăng gọi mời
Chúng ta một lứa bên trời
Yêu nhau yêu tự cõi đời sơ tân.
Ba sinh hương lửa có gần
Gửi em đầy đủ
Thân
Tâm
Ý
Lời.
Gửi em tiếng khóc câu cười
Văn Chương, Hạnh Phúc, Cuộc Đời, v.v...
California - Virginia, 3/4 - 1984
Khởi Hành số 63&64, Tháng 1&2.2002
Chữ Nghĩa
Đêm qua Thơ hỏi ta rằng
Người ơi vần điệu vô hằng còn không?
Trái tim người có còn hồn
Nhánh cây đau khổ có trồng vườn ai?
Trái tim ta đã ở ngoài
Vườn ta thảo mộc u hoài từng cây.
Sáng nay Chữ hỏi câu này
Người ơi Ý Tứ còn đầy hay vơi?
Chân phương Ý ở trong đời
Hoài nghi Tứ đã ra lời này kia.
Chữ ta từ nghĩa ra đi
Tâm ta chỉ hiểu phân ly là nhà.
Chập chờn trong sách là ma
Tấm chân diện mục là hoa trái mùa.
Đêm qua tầm tã cây mưa
Văn chương vô mệnh hoang sơ lắm rồi.
Hỏi ta đừng hỏi bằng lời
Một cây rụng lá vườn trời không bay.
Đêm qua giấy hỏi câu này
Tay ai cầm bút ban ngày hỏi ta?
Sách Xưa
Sách xưa đọc lại dăm trang
Hững hờ không hiểu ta đang đọc gì.
Phải rồi thời khắc đang đi
Cái ta trong sách phân ly với đời.
Chiếc thân cuộc thế đất trời
Trăm năm luân phách. Bời bời tử sinh.
Tắt đèn trời đã bình minh
Ta ra khỏi sách. Thấy mình ở trong.
Tạp Thi
1.
Sừng sững như núi như rừng
Mênh mông trang sách cánh đồng cổ xưa
Thiên thu một mối mơ hồ
Bao nhiêu mùa gặt chưa vừa bụng ta.
2.
Nửa đêm nghe động ngoài thềm
Thắp đèn mở cửa ngó mình trân trân
Xóm người, ma quỉ nào thăm
Trở vào đã thấy bóng trăng vào nhà.
3.
Văn là đẹp vẽ là văn
Sử truyền ta vẽ từ năm xuống thuyền
Vẽ con cá sấu lên mình
Đôi khi nghệ thuật mạo hình quỉ ma.
Chị Tôi
Tự dưng nghe tiếng tù và
Đồng chiêm nước mặn quê nhà nôn nao
Thẫn thờ vo gạo cầu ao
Áo phin quần lãnh má đào chị tôi.
Yêu
Yêu là chuyện của dung nhan
Yêu là có lúc bàng hoàng nhớ thương
Yêu là có lúc trên giường
Thấy người yêu vẫn soi gương ngắm mình.
Chuyến Xe
Tặng Trần Lam Giang
Về Nam lưu chuyển ba người
Tóc xanh đầu bạc, mắt ngời mộng đêm.
Tình xưa - Bạn mới - Thân quen
Lên xe về Bắc nặng thêm ít nhiều.
Thủy Nguyệt
Anh nằm gối bụng xem trăng
Thấy sông muồng tía thấy đồng xanh rêu
Thấy người lặn lội tìm yêu
Dầm thân bến nước sớm chiều bôn ba
Ẩm hoen một giải giang hà
Chan chan cõi nguyệt la đà mộng sơn
Yêu em quanh quẩn bên cồn
Gác chèo anh thấy bồn chồn sóng xô
Em yêu, anh sống từng giờ
Thuyền anh chỉ đậu bến bờ có em.
Thương Hồ
Lênh đênh nửa mái thương hồ
Khóc cười với nước reo hò trong mây
Cơ đồ chỉ một tầm tay
Thương yêu chỉ bến sông này có ta.
Khởi Hành số 75&76 (Xuân Quí Mùi), Tháng 1&2.2003
Có khu vườn nhân loại
Ngày đêm mọc quanh ta
Mỗi một mầm gieo xuống
Có trăm dòng lệ sa.
Mùa nào mầm cũng mọc
Xuân hạ cùng thu đông
Nắng lửa và giông bão
Vườn càng nở thêm bông.
Thế kỷ ta đang sống
Chập trùng nhiều khúc quanh
Khu vườn đời đây đó
Càng ngày càng lan nhanh.
Mầm của mùa đói kém
Cây của mùa đao binh
Mầm của mùa chủ nghĩa
Cây của mùa điêu linh.
Có vườn mùa phong kiến
U uất hồn oan khiên
Có vườn nhân cách hiếm
Lác đác nhánh cần vương.
Có vườn thời khởi nghĩa
Cây cỏ đầy thanh niên
Có vườn mùa dân chủ
Cây cỏ toàn anh em.
Mầm của mùa dị giáo
Ma quỉ lầm nhân sinh
Mầm của mùa dân tộc
Nghĩa địa rền chân kinh.
Mầm của mùa ngụy tín
Lời nguyện cầu u minh
Cỏ cây vườn phát xít
Xe tang đầy xác dân.
Có vườn mùa cộng sản
Bia đá làm công an
Có vườn mùa cải tạo
Mồ mả làm ăng ten.
Mênh mông ngoài hải phận
Chìm đắm lòng đại dương
Có khu vườn nhân loại
Thả những mầm trơ xương.
Cửa Thần Phù mái lật
Đá Tào Khê sóng mòn
Mầm của mùa giải phóng
Nổi trôi về âm cung
Ngược thuỷ triều vĩnh biệt
Phiêu bạt vườn lưu dân
Trăm năm thành hải thụ
Giữa đời vào mồ hoang.
Mầm của mùa lưu lạc
Đời nay đã cỏ vàng.
Có khu vườn nhân loại
Ngày đêm mọc quanh ta
Mỗi một mầm gieo xuống
Có trăm dòng lệ sa.
Mầm ấy là thi thể
Được bón bằng huyết hoa
Khu vườn là nghĩa địa
Xanh đều đều mộ bia.
30.4, Santa Ana, 2000
Khởi Hành số 90, Tháng 4.2004
Trên Huyết Hải thuyền trôi về một chiếc
Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương.
Thấp thoáng trần gian
Mịt mù bóng đảo
Trôi về tây về bắc về đông
Trôi về đâu bốn bề thủy thảo?
Về đâu kiếp đắm với thân trầm?
Hồn ơi dương thế xa dần
Hồi đi thôi nhé thủy âm là nhà.
Hồn về trong cõi hà sa
Sống không trọn kiếp chết là hồi sinh.
Xong rồi một cỗi u minh
Ngựa Hồ chim Việt biến hình mà đi
Hồn vẫn ở la đà Nam Hải
Hồn còn trôi mê mải ngoài khơi
Hồn còn tầm tã mưa rơi
Tháng Tư máu chảy một trời sương tan.
Thân chìm đắm cõi điêu tàn nước cũ
Những lâu đài thành quách những vàng son
Những tân thư kỳ mặc những linh đường
Những rực rỡ của một thời dựng nước.
Bao mắt mở bao tóc sầu dựng ngược
Bao tay cùm bao ngực vỡ hôm qua
Trong rêu xanh ngần ngật bóng sơn hà
Lướt hải phận về dưới trời cố quốc.
Nhắm hướng hôi tanh
Chia bày trận mạc
Hồn binh tàn hỗn chiến Thủy Môn Quan.
Đêm rơi thời hết vận tàn
Ô y cầu nhỏ người sang Lạc Hà.
Thác rồi thân hóa phù sa
Mom men trở lại quên nhà mỗi đêm.
Về đâu đêm tối
Hương lửa lung linh
Những ai còn bóng
Những ai mất hình?
Những ai vào kiếp phù sinh
Hóa thân hồ hải làm binh giặc trời
Khi nào hết quỉ ngoài khơi
Ta vào lục địa ta hồi cố hương.
Cùng nhau ta dựng lại nguồn
Chẻ tre đẵn gỗ vạch mương xây đình.
Ông Nghè về lại trong dinh
Tướng quân giữ ải thư sinh dưới đèn.
Từ Thức lại trở về tiên
Sĩ phu giảng huấn người hiền bình văn
Nương dâu trả lại con tằm
Ruộng xanh trả bác nông dân cần cù.
Ngựa ông trả lại thằng cu
Nhà chung trả Chúa chùa tu trả Thày
Quạt mo tao trả cho mày
Các cô yếm thắm trả bày trai tơ.
Việt Nam dựng lại sơn hà
Móng rồng năm lượt Quê Nhà phục hưng.
Đã tỉnh sầu u thương tiếc hết
Bình minh lên nghe, hoàng hôn biết
Chim lạnh về Nam sông núi ta
Không nói không cười chân trở bước.
Nỏ thần thủa trước
Gươm bén hồ xưa
Tràn lên như nước vỡ bờ
Lạc Long lại đón Âu Cơ về thuyền.
Các con từ dưới biển lên
Từ trên núi xuống, hai miền gặp nhau ...
Năm nghìn năm lại bắt đầu
Chim nào tha đá người đâu vá trời
Chúng ta rời bỏ xử người
Loài chim trốn tuyết qui hồi cố hương.
Virginia, 1981.
Khởi Hành số 95, Tháng 9.2004
Về đây đối diện thân xưa
Chim muông trên đỉnh ngựa lừa dưới chân
Người trung nghĩa kẻ gian thần
Có khi thoả hiệp lại ngầm tính thôi
Về đây bản chất quên tôi
Thấy ai trong trí thấy người quên ta
Khi gian dối lúc thật thà
Khi quen lúc lạ khi xa lúc gần
Bây giờ lộ mặt hình nhân
Tôi ôm hạnh phúc canh tân nó sầu
Về đây phận số tôi đâu
Canh khuya đối diện ma thâu cuộc đời
Bàng hoàng một kiếp chim dơi
Lưng khom dáng thú bụng phơi hình người.
(Nghệ Thuật số 1, 10.1966. Chủ nhiệm: Mai Thảo, Tổng TKTS: Viên Linh)
Trích lại từ Khởi Hành số 142, Tháng 8.2008
Kẻ nào tới tận cùng số phận
Nhìn đám đông như bọn giả nhân
Tối qua tới tận cùng cõi sống
Tôi nhìn quanh một bọn vô tâm
Giữa cuộc đời, vâng tôi yếm thế
Bởi tinh thần lẽo đẽo thịt xương
Hôm qua một người già lạc lối
Hỏi tôi ông có biết không ông
Con đường đó với gia đình đó
Tôi lắc đầu lẩn tránh loanh quanh
Sẽ tới lúc căn nhà tôi tạm trú
Cũng lăn nhào như kẻ động kinh
Nhưng có phải sống là dự tính
Và hoàng hôn sửa soạn bình minh
Tôi biết vậy tuy trong mỗi sáng
Vẫn ngồi ăn lấy sức cho nhanh
Ta đội mũ chưa chắc bù nhìn
Tuy chim vẫn liệng vòng sợ hãi
Tư tưởng anh chưa phải là tôi
Nhưng đành vậy, ta liên kết đại.
(Nghệ Thuật số 22. Chủ nhiệm: Mai Thảo, Tổng TKTS: Viên Linh)
Trích lại từ Khởi Hành số 142, Tháng 8.2008
- Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh Viên Linh Nhận định
- Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan Viên Linh Thơ
- Bạch thư Phạm Huấn Viên Linh Nhận định
- Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà Viên Linh Nhận định
- Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi Viên Linh Nhận định
- Ngọc Linh (1931-2002), nhà văn với bốn chữ mặn mà Viên Linh Hồi ký
- Nỗi âu lo của nhà giáo Bảo Vân Viên Linh Hồi ký
- Con hạc của vua Tự Đức Viên Linh Giai thoại
- Tản Đà Và Hai Chữ Non Nước Viên Linh Hồi ký
- Hoài Điệp Tử, nhà văn nhà báo chết trong ngọn lửa Bolsa Viên Linh Hồi ký
• Nhà thơ Viên Linh “Hóa Thân” tại VA, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi (Việt Báo)
• Đi thăm Viên Linh (Đinh Trường Chinh)
• Đọc Những Dòng Thơ Mới Của Viên Linh (Trần Tuấn Kiệt)
• Viên Linh, một đời chỉ sống với sách vở, báo chí, và viết (Trần Yên Hòa)
• Lục bát Viên Linh (Tuệ Sỹ)
• Những Công Án Bất Ngờ (Nguyễn Văn Sâm)
• Viên Linh Trên Những Chặng Đường Thơ (Huỳnh Hữu Ủy)
• Độc giả và những người làm một tạp chí văn chương (Trần Phong Giao)
• Khởi Hành cùng nhà thơ Viên Linh qua 20 năm (Quốc Dũng)
• Sách mới phát hành: “Tác giả, Tạp chí: Nói và Viết với 40 Nhà văn Hiện đại” - VL (Người Việt)
• Viên Linh (Võ Phiến)
• Đọc thơ Viên Linh (Lê Huy Oanh)
• Viên Linh (Học Xá)
• Khởi Hành: Nơi Gìn Giữ Nền Văn Học Tự Do (Vũ Ánh)
• Cầu Hiền Lương (Đặng Tiến)
• Biển Đông Huyền Ảo Trong Thơ Viên Linh (Trần Văn Nam)
• Đọc thơ Viên Linh (Nguyên Sa)
Văn chương tôi không phục vụ niềm vui
(Thế Dũng, talawas.org)
Thể loại văn truyện nhiều chất xã-hội-tính (tân truyện và tiểu thuyết) (Trần Văn Nam, talawas.org)
Viên Linh – Làm báo văn nghệ ở miền Nam trước tháng Tư 1975 (Phan Nhiên Hạo phỏng vấn, litviet.com)
Phỏng vấn nhà thơ Viên Linh về giải thưởng do báo Khởi Hành khởi xướng (Mặc Lâm, rfa.org)
• Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh (Viên Linh)
• Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)
• Bạch thư Phạm Huấn (Viên Linh)
• Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà (Viên Linh)
• Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi (Viên Linh)
Thị trấn miền đông (talawas), (bản ebook).
Tạp chí Văn học Nghệ thuật Lịch sử Nhận định Biên khảo Sáng tác Sinh hoạt, Số 1 (tháng 11.1996), Số 171+172 (tháng 1-2.2011), Chủ nhiệm, Chủ bút: Viên Linh.
Ðịa chỉ P.O Box 670, Midway City, CA 92655.
Email: phamcongkh@yahoo.com
Website: http://www.khoihanh.com/
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |