align="left"
|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Đêm ngồi café lộ thiên Đất trích
Người Trăm Năm Trước Tuy Hòa Tái Ngộ
Niệm Đặng Dung Bâng Khuâng Mùa Rụng
Gửi một thuở tình suông Lập Thu
Uổng tình tôi một hòn đá vụn
Rớt vô tình xuống đáy sông tan
Cuốn theo tiếng hú hồn lẩy bẩy
Bay trên dòng nước siết mang mang
......
Người đến chi rét mầu nắng quái
Chốc nữa về đau ngọn mưa điên
Gớm chưa! mây một trời tan tác
Tôi một mình quấn quýt oan khiên
Bỗng ngó lại đời rung cánh đập
Nát lòng chưa ngàn giọt mưa xuyên
Nằm giả chết xuôi thân lá úa
Lá rụng thầm... cũng đủ vỡ tim
1970
Trích: Thơ Tình Miền Nam, Thư Ấn Quán - 2008.
Chảy di chảy đi
Hởi sông buồn lắm
Nước thôi chờ chi
Thuyền xưa đã đắm
Người đi người đi
Trăm năm bến vắng
Xa hút bờ kia
Bóng người mây thoáng
Chảy maau chảy mau
Đời nông tình cạn
Mà nước quá sâu
Trăm chiều khổ nạn
Ta bơi qua sông
Mới hay đời nặng
Đời có như không
Tiếc gì tay trắng
Thôi thà rêu rong
Ta gieo xuống sông
Vỡ dòng nước chết
Nước đứng tim đêm
Ta còn thở hết?
Chảy đi chảy đi
Người về đâu biết
Chảy mau chảy mau
Đời: con nước siết
Tình: vực nước sâu
Em: dòng ly biệt
Ta chiếc lá chìm
Chảy thôi chảy thôi
Còn trông còn ngóng
Nhớ ai gương xưa
Chờ ai cửa rộng
Đưa ai tiễn ai
Phai hình mất bóng
Khổ lắm người ơi
Qua sông mất nón
Sông trôi sông trôi
Về đâu mà đón
Thôi hẹn hò chi...
Với người xưa ấy
Đã khói sương che
Chút tình xa ngái
Đã cách bến bờ
Biết lòng không đậu
Trông chi thuyền về
Người như khung cửa
Khép lại hững hờ
Người như gương vỡ
Trăm năm lỗi thề
Người như phong vũ
Lạnh màu thê thê...
Tuy Hòa, 1972, (Tập san VĂN)
Trích: Thơ Tình Miền Nam, Thư Ấn Quán - 2008.
thương ai mà nhớ nát lòng
chanh chua, đá lạnh, rượu nồng chưa nguôi
ngồi đây chưa tỏ bóng đời
đêm trong vườn chợt rụng rời trái non
nghe ra dạ đắng bồ hòn
thuốc tàn rượu hết tình còn lâng lâng
yêu ai bủn rủn tâm thần
tình chưa đi trọn mà chân mỏi rồi.
Trích: Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến. tập I, Thư Ấn Quán - 2007.
Mươi lít gạo trộn vài cân muối
Nấu với tình em ăn vẫn ngon
Tình em nước sông Ba đầy bát
Đời ta như nồi trống niêu trơn
Bốn phía rừng xanh mầu nước độc
Đông tây nam bắc núi chận đường
Một lũng đất bằng khu chén nhỏ
Trói chân ta vào chân Trường Sơn
Bó đời ta nửa manh chiếu rách
Đêm nằm mộng lớn nuốt mộng con
Chiêm bao cứ thấy mình mọc cánh
Bay với chim trời ra cố hương
Canh khuya cọp gầm vang núi Lá
Giật mình tưởng ai gọi đầu non
Nằm chi đây, thân tàn đất trích
Chờ ai đây, đói lã chết mòn
Mươi nắm gạo trộn vài vốc muối
Đeo lên vai nặng nghĩa đầy ơn
Mai ta bỏ thân ngoài sạn đạo
Xin tình em một mảnh đất chôn
Củng Sơn, 1971
Trích: Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến. tập I, Thư Ấn Quán - 2007.
Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp
Nước đua chen đớp bọt nắng tàn
Đò qua sông đìu hiu bến đợi
Buồn rút lên bờ cây khai quang
Mây đổ xù lông như chó ốm
Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang
Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp
Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn
Có biết ta về không cố lý?
Mười năm chưa lạ mặt xóm làng
Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín
Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han
Cổng khép rào vây vườn cỏ dại
Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang
Ngõ vắng bàn chân như hụt đất
Tre già đang kể chuyện chôn măng
Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể
Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng?
Khóc làm sao vừa lòng cố lý?
Phải đây là cố lý ta chăng?
Đâu bóng mẹ già sau khung cửa
Và những người em mặt trái xoan
Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ
Bên luống cà xanh liếp cải vàng!
Đất đá thở ra mùi u uất
Bốn bề hun hút rợn màu tang
Ai chết quanh đây mà cú rúc
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan
Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
Cố lý mười năm ngày trở lại
Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian!
1972
Trích: Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến. tập I, Thư Ấn Quán - 2007.
Từ khi mưa nắng đổi thay
Đất trời dị biệt gió mây bất đồng
Người bờ Tây - ta bờ Đông
Ngồi nghe sóng vỗ bạc lòng ngày đêm...
Giờ này phương ấy nắng lên
Ở đây ta đốt ngọn đèn soi ta
Giờ này phương ấy nắng tà
Ở đây thao thức tiếng gà tàn canh
Nằm mơ biển ngọt dỗ dành
Tỉnh ra tâm sự kết thành muối khô
Từ khi Tý Ngọ khác giờ
Đêm không đồng mộng, đành mơ... mộng ngày
Lòng ta uống gió mà say
Tan ra cồn khói đảo mây chập chờn...
Biển sâu? Ly biệt sâu hơn!
Muôn đời sóng vỗ mỏi mòn bến không
Mỏi mòn tiếng sóng nghe chung
Bờ Tây tóc rụng... bờ Đông bạc đầu!
(Đà Nẵng 2002)
Dài đêm rả rích mưa suông
Bỗng đâu dăm tiếng ễnh ương dội về
Làng quê? Phải tiếng làng quê?
Ao khô hồ cạn não nề kêu mưa
Làng xưa! Ôi tiếng làng xưa!
Tiếng trong tiếng đục mấy mùa nước nôi
Lòng tôi? Bao tiếng lòng tôi!
Tiếng câm tiếng nghẹn một thời tang thương
Mấy mươi năm ở phố phường
Đêm nay nghe tiếng ễnh ương nhớ nhà
Nhớ làng vời vợi xót xa
Nhớ quê muôn dặm chắc là đang mưa
Thấm lòng bùn đọng nước chua
Ễnh ương đâu biết... tôi vừa bật kêu!
(tháng 9.2002)
(*) Tòa soạn ghi thêm:
... Sau 1975, Phạm Ngọc Lư đưa vợ con về Huế, những không thể chịu đựng nổi cảnh hàng ngày phải gánh từng đôi nước cách xa cả hàng cây số để tưới cho những vồng khoai lang khô cháy, mới gửi vợ con về quê ngoại (Qui Nhơn) và lang bạt vào Long Khánh, sau đó là Cao Lãnh kiếm sống. Cái miếng ăn thời "bao cấp" với nhiều người đã khó, và với anh càng khó hơn. Cuối cùng lại bồng bế nhau quay về Đà Nẵng để buôn văn bán chữ (kèm tiếng Anh cho trẻ con). Trước khi Hành Phương Nam, Lư ghé lại Tuy Hòa, nơi trước đây anh từng dạy học, viết văn để thăm bạn bè cũ (l979). Bữa cơm chia tay tại nhà chúng tôi chỉ có hột vịt đổ chả, nước mắm ớt và cơm trắng. Lư ngồi ăn và nói: "mình chưa ăn bữa cơm nào trong đời mà ngon như hôm nay". Nghe mà đau thắt cả lòng.
Phạm Ngọc Lư có những truyện ngấn rất Trung bộ, có duyên trên Văn, Bách Khoa, Nghệ Thuật... Còn nay, trong thế anh viết: "Con đường văn chương của tôi quá ngắn ngủi, sau 75, coi như tuyệt lộ. Đáng buồn. Tiếc thay giấc mộng của một thời thanh xuân! Bất phùng thời, đành vậy... không chơi, không tham dự gì với nền văn học nghệ thuật đương đại từ đó đến nay, và mãi mãi.". Ở đoạn khác anh viết: "Muôn viết văn xuôi lắm nhưng chắc phải học lại đã, lâu năm quá chữ nghĩa sét gỉ hết rồi... Thỉnh thoảng nghe VOA có biết TQBT. Nghe và lòng ít nhiều nôn nao, bỗng dưng quá khứ phục hiện, bằng hữu một thời tái hiện, bồi hồi giật mình khi thấy mình cứ chìm xuống bóng tối của thời gian lặng lẽ, rồi thở dài và thở dài" (NLU)
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 9 Tháng 1, 2003.
Ngày về - Về Huế - Huế xưa
Về em xuân muộn - anh vừa chớm thu
Đưa nhau ra bến sa mù
Lơ ngơ kỷ niệm chần chừ bước theo
Lòng em đẩy nhẹ mái chèo
Trôi đi... trôi với bọt bèo lòng anh...
Đưa nhau qua mấy cửa thành
Màu rêu bất tuyệt còn xanh não nùng
Xưa chờ em cửa chính Đông
Anh in vào đá nỗi lòng héo hon
Xưa tìm em cửa Hiển Nhơn
Đá câm gạch lạnh rêu mòn dấu tay...
Sao lòng ngèi nghẹn nước mây
Trôi đi... trôi với tháng ngày mù sương
Đưa nhau qua những con đường
Thâm u lá rụng cuối vườn tịch liêu
Xưa em guốc mộc khua chiều
Giấu trong tà áo ít nhiều vu vơ
Anh qua cửa phủ đứng chờ
Chiều em về muộn rêu mờ dấu chân...
Sao lòng gợn sóng bâng khuâng
Mây trôi... nước lại ngập ngừng chưa trôi
Trôi đi... bèo bọt một thời
Mái chèo tâm sự... rã rời lòng nhau
Đưa em lên ngọn giang đầu
Chia ly ngày ấy rầu rầu Huế mưa
Sông Hương no nước căng bờ
Tim anh cuồn cuộn - lững lờ tình em!
Tình ơi không nặng sao chìm
Trăm năm rời rợi nằm im đáy lòng!
Rồi thôi... gió bụi mịt mùng
Cuốn em ra khỏi khuê phòng đài trang
Rồi thôi... nước mắt lỡ làng
Vùi trong vạt áo vô vàn tiếc thương
Ngày về... lặng khói im sương
Về trong Huế mới... buồn buồn Huế xưa
Về em ngấn lệ chưa mờ
Về anh tay lạnh thẫn thờ nâng tay
Nhìn nhau lòng nghẹn nước mây
Hồng nhan em cạn... anh đầy đa truân
Lòng như gợn sóng bâng khuâng
Chuyến đò dĩ vãng tần ngần... đang trôi
Trôi vô lòng Huế - Huế ơi!
mùa thu năm 2000
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 10 Tháng 4, 2003.
Xưa ta cầm tuổi hai mươi
Vay em nhan sắc về nuôi tâm hồn
Nuôi bao mộng mị vàng son
Một đêm trắng mộng... chỉ còn đan tâm!
Kể từ bén tiếng tri âm
Nợ tình lẽo đẽo bao năm dày vò
Đời cùn, chí cạn, lòng khô
Hồn ta xanh một nấm mồ tịch liêu!
Mười lăm năm nát thân Kiều
Còn thân ta nát bao nhiêu năm rồi?
Đoạn trường tuế nguyệt gấp đôi
Từ đêm trắng mộng, vốn lời trắng tay!
Vật vờ hồn khói xác mây
Thoát đêm mộng dữ gặp ngày hỗn mang
Đi trong địa ngục huy hoàng
Gặp em trước cổng thiên đàng xác xơ
Ôm nhau đồng thiếp bóng trưa
Buông nhau rơi xuống chiều mưa mịt mùng
Dìu qua bến sắc bờ không
Chơi vơi ngã xuống muôn trùng phù vân
Bất ngờ tái ngộ thanh xuân
Cầm tay nhan sắc... rưng rưng cúi đầu
Ôm ta... ôm nỗi buồn đau
Vòng tay nghiệp dĩ siết nhau đứt lìa!
chong đèn thức với mưa khuya
Hồn thơ xác chữ đầm đìa mưa xanh
Mộng con, mộng lớn tan tành
Chỉ còn bút mực đan thanh tươi màu
Bao nhiêu năm nợ nần nhau
Tình ta trăm bể ngàn dâu héo mòn
Trao em một tấc lòng son
Mai kia bia mộ tâm hồn... đề thơ...
4.2003
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 11 Tháng 7, 2003.
Phải em là khách chiêm bao?
Từ đêm thiên cổ lạc vào đêm nay
Xiêm vàng áo giấy lay bay
Mơn man nét khói đường mây đa tình
Em từ quê quán Vô Minh
Thoát thai cát bụi tái sinh đào hồng
Khuya nay mở quán Phù Dung
Mời ta khai vị sắc lòng phấn hương
Đêm xưa tao ngộ Tầm Dương
Nhận ra giòng dõi đoạn trường với nhau
Khóc cười chung một biển dâu
Tài hoa đồng hội, khổ đau đồng thuyền
Phong trần xé áo rách xiêm
Ba đào đắm mộng, truân chuyên hớp hồn
Ta chơi vơi giữa sinh tồn
Em chưa thoát nợ phấn son kiếp nào
Đêm nay rượu gửi tình trao
Đề thơ lên cửa chiêm bao, chạnh lòng...
Lạnh dần một quán hư không
Khép dần một đoá phù dung vô hình
Em chìm xuống đáy Vô Minh
Bỏ ta trên bến nhân sinh bàng hoàng
Sương rơi, đêm cạn, quán tàn
Cô đơn vòi vọi... trần gian ta ngồi
Chung quanh vẫn vậy cuộc đời!
(1999-2003)
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 14 Tháng 4, 2004.
Đêm đêm môi ngậm mắt ngùi
Đào sâu thương tiếc chôn vùi xót xa
Bốn bàn tay quá thật thà
Lau mưa rửa nắng cứ là tay trơn!
Lau chùi xác áo xơ cơm
Hai mươi ngón mỏi ngón mòn ốm o
Níu nhau: đau đớn dày vò
Rời nhau: Tang-hải-trận-đồ bủa vây.
Từng đêm anh trở em xoay
Biết đâu bụi đỏ trói tay nhau rồi!
Xót xa thân ngậm thế ngùi
Em lau bạch lệ anh chùi phù vân
Bốn bàn tay vẫn trắng ngần
Đem thanh cao chọi phong trần, mà chơi!
Hai mươi ngón rã ngón rời
Đêm đêm ấm lạnh... bồi hồi dìu nhau.
12-2003
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 14 Tháng 4, 2004.
Người trăm năm trước về chơi?
Y thường vẫn đẹp, mắt môi đang nồng...
Gặp nhau đêm hội Phù dung
Nhận ra thanh khí tương đồng, kết giao
Biết ta thua trận Ba Đào
Thiên Thư vạn quyển trôi vào hư vô
Biết người hồn mỏng như tơ
Căng ra mà nối hai bờ Âm Dương
Tỉnh người lệ kết tình sương
Mà nay ẩn một trùng dương sóng cồn
Ta thì chất ngất cô đơn
Giương lòng khinh bạc che hồn đan thanh
Bách niên chi kế bất thành
Uổng hồng môi nọ, tiếc xanh mắt này!
Thôi thì ngẫu hợp đêm nay
Trăm năm vẫn ngọt vòng tay nõn nà
Lìa nhau, người bỗng khóc ta:
Hồng nhan đang mặn… tài hoa phai rồi!
Giật mình... gió hú ma trơi
Dưới cồn sương lạnh trên đồi trăng khô
Nhìn nhau... bối rối sững sờ:
Người trăm năm trước... không ngờ: hồn ta!
01.2004
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 16 Tháng 10, 2004.
Vẫn người xưa, vẫn trăng này
Rượu nguyên tiêu cứ rót đầy thâu đêm
Thâm tình còn mấy anh em
Và người rót rượu tay mềm như trăng
Ba mươi năm... ba mươi năm
Vẫn xanh đôi mắt đăm đăm một thời
Nâng cao bao chén rượu mời
Chén buồn hắt xuống ngàn khơi muôn trùng
Chén vui xin cụng môi hồng
Chén buồn chén tủi tạ lòng Trước Sau
Kể gì sớm bể chiều dâu
Tấc-Lòng-Thiên-Cổ bạc đầu chưa yên (*)
Xưa ta đồng nội hoa niên
Ba mươi năm vẫn đồng thuyền, ô hay!
Vẫn tình xưa, vẫn đất này
Kể chi vật đổi người thay, thắt lòng!
Cụng đầu... một chén uống chung
Ba trăm năm nữa... tương phùng phương nao?
16-02-2003
(*) "Ta hồ! Văn chung chi sự, thiên cổ thốn tâm" (cổ văn)
Trích từ tập thơ Đan Tâm. Thư Ấn Quán in lại - tháng 10 năm 2004.
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Trời vẫn xanh màu xanh cố cựu
Mây trầm ngâm, khói nước miên man
Mười năm dong ruổi mòn đất khách
Về cố hương chiều xế bóng tàn
Bỏ nón, tháo giầy, xăn tay áo
Rửa phong trần thẹn với Tam Giang
Kè đá rêu xưa ngâm bến cũ
Còn người đi người đợi đò ngang
Còn xóm chài lưa thưa mành lưới
Còn nhấp nhô thuyền thúng thuyền nan
Không còn người chèo đò năm xưa tóc bạc
Cô lái đò chiều nay trán nhăn
Trừng mắt nhìn ta trách móc
"mười mấy năm chú mới về làng"
Mười mấy năm? Phải rồi, ta quên mất
Cái thuở áo cơm trở mặt phủ phàng
Điêu đứng năm Mùi ra đi năm Tuất
Ra đi mưu cầu y thực
Trở về nặng trĩu gian nan
Nhớ buổi ra đi thân tình đưa tiễn
Vợ xếp trang thơ chị gói khúc đàn
Đệ tử mươi người tung hô dâng rượu
Thôn nữ vài em gởi gắm gió trăng
Mẹ tóc trắng nhìn theo lặng lẽ
Con tóc xanh hai đứa dùng dằng
Ta mím môi, chỉ Tam Giang thề hẹn
Không là Tương Như mà khí khái dâng tràn
Bước xuống thuyền nhìn trời cao dõng dạc
Gõ mạn thuyền ngâm khúc "Hành Phương Nam"
Hành phương Nam, hành phương Nam
Mười mấy năm tấm cám, thau vàng
Thấp cao danh lợi
Chí khí dở dang
Tơi tả bao phen buồn thân thế
Đắng cay mấy bận kiếp hồng nhan
Mưa miền Nam, nắng miền Nam
Trông mây thấp thỏm, nghe gió bàng hoàng
Mười mấy mùa trôi qua không nhớ
Quá đổi mưa đau
Quá nhiều nắng khổ
Lẽ nào Trời bỏ ta chăng?
Đọc thơ Nguyễn Bính chua tâm sự
Đọc lại thơ mình thẹn gió trăng
Chén rượu quê người sao mà bạc
Ân tình đất khách lắm đa đoan
Chiều nay về... bên phá Tam Giang
Phía bờ Đông vẫn xóm vẫn làng
Mười mấy năm còn ai trông ngóng
Mười mấy năm mỏi mòn ước vọng
Mẹ có thương con gió bụi lầm than?
Chị có xót em một đời thất chí?
Em không buồn ta?
Sao lòng ta phai nhạt đá vàng?
Phá Tam Giang, ôi phá Tam Giang!
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Nước vẫn mặn mòi, mây quen thuộc
Sao lòng ta sóng gió ly tan
Xin xấu hổ với lời thề ngày trước
"Không công danh bất phục hoàn"
Xin biết ơn cô lái đò nhân hậu
Còn thương ta mời ta quá giang
Thôi rửa hết phong trần nơi bến nước
Để trở về... đứng khóc dưới hương quan!
Trích từ tập thơ Đan Tâm. Thư Ấn Quán in lại - tháng 10 năm 2004.
Uống cạn mươi ly
Nhớ quên rồi cũng hết
Trời buổi chiều bỗng dưng mù mịt
Đầu ta như khói bốc miên man
Lòng lênh đênh lạnh buốt sông Hàn
Cơn say nào cao vút Hải Vân
Ta bay vèo… mây gió lâng lâng
Xôn xao trời thu tung tăng hoàng diệp
Mênh mông ngàn thu... rụng rời thương tiếc
Ô hô!
Ngươi có – ta không
Ta còn – ngươi mất
Thoắt bóng thoắt hình
Chập chờn hư thực
Chưa say, ném hồ trường qua biển Bắc
Yên ba tan tành im bặt
Hương quan gờn gợn mù tăm
Say rồi, tung chén rượu xuống trời Nam
Trời Nam ào ào mưa ngây ngất
Giang hồ lênh láng, sóng lên men
Say rồi,
Nhớ tuổi quên tên
Xót lòng trông cây nhớ cội
Phải ngươi ba chìm bảy nổi
Bắt ta mười kiếp long đong
Mây có – gió không
Tình câm – thơ điếc
Giai nhân còn mà anh hùng hết
Chưa mùa đông sao tóc xanh rơi bạch tuyết.
Ngũ thập rồi, tay trắng xóa bạch vân
Ô hô!
Thiên địa vô cùng
Uống say mà khóc Đặng Dung - Thuật hoài!
Khóc rồi,
Đập nát cơn say
Hốt nhiên bừng bừng hào khí
Vươn vai nhập thân hào sĩ
Dậm chân nổi gió Đông – Đoài
Cởi chim hồng nhạn mà bay
Theo trăng qua Đằng Vương các
Thâu lại hồ trường nơi biển Bắc
Nhặt lên chén rượu cuối trời Nam
Chơi hết tháng ngày chưa tương đắc
Tung hê cơm áo bất phùng thời
Uống nữa ngươi ơi
Một ngàn ly một lần xin cạn
Ấm lạnh sông Hàn ơi!
Chỉ còn ngươi…
Chỉ còn ngươi soi bóng ta thôi
tháng 10, 1994
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 19 Tháng 4, 2005.
Xuân tình phì nộn tốt tươi
Một năm xuân sắc trên người bất kham
Liếc ta một khóe hồng nhan
Ranh ma chồn cáo điếm đàng mắt môi
Cầm con dao nhọn săm soi
Găm lên miếng vận miếng thời, ba hoa
Cuốn lên váy mị xiêm tà:
Miếng mê miếng hoặc nở hoa đỏ lòm:
Màu hoa anh túc nhiếp hồn
Màu môi rờn rợn tô son huyết người
Mơ màng mặt tốt mày tươi
Sướng em ngả ngớn nói cười huênh hoang
Muốn nhe răng cắn hồng nhan
Giận thân lực khí tàn... ngồi câm
3. 2005
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 20 Tháng 7, 2005.
Lòng ấp ủ một làn hương
Từng đêm âm ỉ lịm buồn lửa tro
Từng đêm le lói, cơ hồ...
Người về thắp mộng đốt lò chiêm bao
Cháy lòng từng ngọn khát khao
Từng canh hoài tưởng cồn cào tro than
Cứ nghi ngút khói mơ màng
Sao người tắc mộng khép làn hương đau!
Đắng lòng ngậm biển nuốt dâu
Treo chân địa võng gối đầu thiên la
Đất - trời - im - lặng trêu ta
Mùi hương ấp ủ... chỉ là hương câm!
4. 2005
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 20 Tháng 7, 2005.
hà nội, 2.6.2012
Nằm dài trước mặt trùng dương
Dang ra... mở hết ngọn nguồn châu thân
Phơi em hơ hớ trắng ngần
Cơ hồ một đoá bạch vân tượng hình
Hương trời sắc nước kết tinh
Như chưa hề vấy dục tình trần gian
Rướn người em thở hân hoan
Với đê mê sóng mịn màng trườn qua
Lịm người trước biển bao la
Ồ... em dang rộng... mở ra muôn trùng
Mọc lên một đoá hư không!
8.2005
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 21 Tháng 10, 2005.
Gối tay nằm ngửa ngó trời
Mây... mây hí lộng vẽ chơi đủ trò
Quen tay vẽ chó đầu to
Vẽ trâu mặt cụt cỡi bò lưng cong
Vẽ chồn đổi lốt thay lông
Mỏi tay vẽ rắn vẽ rồng linh tinh...
Chán phèo một lũ súc sinh
Xoá đi... vẽ đám âm binh lộn đầu
Mặt lừa lưng ngựa vai trâu
Những hình nhân khéo tô râu điểm mày
Vẽ thằng nam đang múa may
Vẽ thân con nữ vỗ tay reo mừng
Xem trò vân cẩu... cẩu nhân!
Ngứa tay, lột cái phong trần vẽ chơi
Tung hê... vung vãi khắp trời
Ào ào gió nổi... mây trôi cuống cuồng.
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 21 Tháng 10, 2005.
Mài gươm!
Gươm khuyết bao giờ?
Cắm chuôi gươm gỉ trước mồ trượng phu!
Cảm hoài khí tiết thiên thu
Ngâm câu "thế sự du du..." lệ nhoà
Lão hà! Ôi... nại lão hà! (*)
Mày râu vô mệnh hoá ra tầm thường
Cúi đầu trả lại thanh gươm
Trăng tà đá khuyết... mài suông nỗi lòng.
(*) Câu đầu trong bài thơ Thuật Hoài của Đặng Dung (tuẫn tiết năm 1413): "Thế sự du du nại lão hà"
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 21 Tháng 10, 2005.
Gói bằng màu đỏ lá phong
Gởi về tôi một sắc lòng còn tươi
Vô tình gói cả mùa rơi
Mang mang phong vị phương trời tri âm
Bồi hồi khói quyện "đan tâm"
Có ai vừa thả hương trầm vào thơ?
Mà thao thức nhúm tàn tro
Mà nghe mực nghẹn bút khô thở dài!
Mơ màng đang chạm tay ai
Bâng khuâng mùa rụng... nhặt vài lá phong
Gói giùm tôi một nỗi lòng
Thả vào mây trắng bềnh bồng chiều thu...
9.2005
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 22 Tháng 1, 2006.
Ú ớ tìm nhau đêm mộng du
Tài hoa điếc lác giai nhân mù
Ê chề hương lửa như cơm nguội
Rỗng cái tình suông lúc mãn thu
Sóng soải một hồng nhan ẩm mốc
Thườn thượt buồn nỗi buồn nhọn hoắt
Em và ta tua tủa gai non
Săm soi nhìn nhau mặt đanh mặt
Nhìn xuống bóng mình nằm lạnh ngắt
Nhìn ra rần rật mây đùa mây
Nhìn quanh cửa đóng đời im ỉm
Nhân thế đi rồi bỏ ta đây?
Kìa em sống sượng chùi son phấn
Đo cái truân chuyên xem mỏng dày
Cởi cái đa tình trau chuốt lại
Lột nỗi buồn rửa gió lau mây
Thôi ghé đời nhau như quán trọ
Bởi cái trăm năm quá vội vàng
Một tấm tài hoa còn mấy tấc
Ơ hờ đắp điếm mảnh hồng nhan
Ơ hờ kéo áo che tâm sự
Hai nỗi lòng bốn phía hở hang
Chiều thu xuống gió như trêu cợt
Đụng cái tình suông kêu rổn rang.
Tháng 11.2005
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 24 Tháng 7, 2006.
Gió lập thu thổi ướt lòng
Áo tà em mỏng phập phồng nao nao
Ngàn cây ngây gió xôn xao
Và mây về tự hôm nào đang trôi
Thổi về một chút thu thôi
Mà hiu quạnh thấu đất trời tịch không
Mình em khép nép qua sông
Dài tay kéo sợi che lòng bâng quơ
Sau tà khói mỏng phất phơ
Màu thu như nhuộm hai bờ Vân giang
Lòng em như lá mơn man:
Nửa xuân xanh biếc, nửa vàng theo thu.
2005
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 25 Tháng 10, 2006.
Em nằm ngủ mái tây hiên
Vàng tươi nguyệt thắm hồn nhiên như là
Từ trong viễn mộng trôi ra
Chảy dung nhan xuống giang hà chiêm bao
Em nằm mộng - mộng tào lao
Trần truồng như cá lội vào hư không
Đẻ ra hạt trắng hạt hồng
Nở ra muôn đóa phù dung hão huyền
Em nằm mộng - mộng vô duyên
Khỏa thân đọ với vô biên vô cùng
Rập rờn đuổi sắc bắt không
Như con bướm chợt bay trong biển mù
Bay qua dằng dặc thiên thu
Tam thiên thế giới tù mù mọc ra
Tứ thiên huyễn mộng ngụy tà
Xô em xuống cái ta bà nằm trơ!
1995 - viết lại 2005)
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 25 Tháng 10, 2006.
Qua về nhẵn mặt con sông
Đời trôi nước chảy suông lòng nào hay
Ngày qua hối hả theo ngày
Cứ giang đông sớm, thoắt tây ngạn chiều
Thoắt mười năm chảy xiết theo
Còn trơ nước bọt mây bèo bám chân
Qua về hổn hển phong vân
Hồn như núi dựng mà thân trôi hoài
Trôi trôi... lầm lũi miệt mài
Ngờ đâu mây nổi trên vai bồng bềnh
Đâu ngờ cạn cợt nhân sinh
Mà chao lượn gớm! dập dềnh cũng ghê!
Ngày trôi tháng chảy ê chề
Mười năm nhẵn mặt qua về ngó sông
Đời trôi lũ lượt một dòng
Căm căm tâm sự ôm lòng không trôi!
8-2004 (chẵn 10 năm ngụ cư ĐN)
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 28 Tháng 7, 2007.
Giao vườn nộp ruộng lìa quê
Ra đi như thể trời thuê đi đày
Thân không dung nổi đất này
Lan man chi chuyện khói mây phương trời
Mấy năm đời đổi - đổi đời
Râu cùn mày cụt tả tơi chí tàn
Thú cầm biết giữ ổ hang
Cớ sao ta phải bỏ làng mất quê?
Bao năm bấm bụng không về
Vườn xưa ruộng cũ cứ nghe mọc nhà...
Người xưa "thiên hạ vi gia"
Nay thiên hạ bỏ mặc ta lưu đày
Ngâm câu vận khứ... thời lai
Nghe đau lưỡi cuốc đang mài mồ hôi
Quê người cuốc đất mà chơi
Cơ hồ đang cuốc ruộng trời trồng mây!
7 - 2007
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 34 Tháng 12, 2008.
Em đến, lập đông, chiều nắng ngọt
Tôi về, thời tiết ngỡ nằm mơ
Đa tình cái gió Tuy Hòa mặn
Xao xác lòng nhau gió ỡm ờ
Đắm đuối xanh chiều xanh sóng mắt
Mắt uống hoàng hôn sao tôi say?
Ngông nghênh mua hết Tà Huy quận [*]
Đổi hồng nhan một nét chân mày
Hư ảo mùi hương chiều túy mộng
Tôi chơi vơi quên lửng trần ai
Vô tình con mắt Tuy Hòa nhọn
Cắm xuống hồn thơ... tiếng thở dài!
12-2012
[*] Tà Huy = Tuy Hòa
Trích Thư Quán Bản Thảo, tập 55 Tháng 1, 2013.
- Xuân Thao, Thơ và Người Phạm Ngọc Lư Bình luận
- Biên Cương Hành Phạm Ngọc Lư Thơ
- Trang Thơ Phạm Ngọc Lư Phạm Ngọc Lư Thơ
- Hoài Khanh và Thân Phận Phạm Ngọc Lư Nhận định
- Nén Nhang Cho Người Bạc Mệnh Phạm Ngọc Lư Tạp bút
• Nhớ Phạm Ngọc Lư (Nguyễn Lệ Uyên)
• Vài suy nghĩ Về Tập Truyện Sợi Khói Bay Vòng Của Phạm Ngọc Lư (Đỗ Trường)
• Vài cảm nghĩ về thơ và truyện Phạm Ngọc Lư (Nguyễn Vy Khanh)
• Lưu Biệt và tính phổ quát trong thơ Phạm Ngọc Lư (Trần Hoài Thư)
• Phạm Ngọc Lư, người vẫn giữ lửa cho nền văn học miền Nam (Đỗ Trường)
• Đọc Đan Tâm của Phạm Ngọc Lư (Khuất Đẩu)
• Thơ Như Một Định Mệnh Oan Nghiệt (Nguyễn Lệ Uyên)
• Phạm Ngọc Lư (Học Xá)
Vĩnh biệt Phạm Ngọc Lư (Trần Hoài Thư)
Từ thơ thể loại “Hành,” tới thi ca một thời của Phạm Ngọc Lư (Du Tử Lê)
“Biên cương hành”, địa-chấn-thi-ca Phạm Ngọc Lư (Kỳ 02) (Du Tử Lê)
“‘Hành biên cương’, ‘đàn tràng chiêu hồn tử sĩ’, thời đại mới? (Du Tử Lê)
Phạm Ngọc Lư (Luân Hoán)
Đọc Đề thơ trước mộ thanh xuân (Trần Kiêm Đoàn)
Nghĩ Về Nhà Thơ Phạm Ngọc Lư (Cung Tích Biền)
Đọc Biên Cương Hành của tác giả Phạm Ngọc Lư (Huỳnh Xuân Sơn)
Đọc Cố Lý Hành của tác giả Phạm Ngọc Lư (Huỳnh Xuân Sơn)
Gặp Lư Ở Tuy Hòa (Huyền Chiêu)
Đi Thăm Nhà Thơ Phạm Ngọc Lư (Nguyễn Quang Chơn)
• Xuân Thao, Thơ và Người (Phạm Ngọc Lư)
• Biên Cương Hành (Phạm Ngọc Lư)
• Trang Thơ Phạm Ngọc Lư (Phạm Ngọc Lư)
• Hoài Khanh và Thân Phận (Phạm Ngọc Lư)
• Nén Nhang Cho Người Bạc Mệnh (Phạm Ngọc Lư)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |