1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Bờm Có Cái Quạt Mo (Vĩnh Như) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      2003 | TIỂU LUẬN

      Bờm Có Cái Quạt Mo

          VĨNH NHƯ

      1. Ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, phương ngôn trong nền Văn Hóa Việt vô cùng phong phú. Có thể nói đó là những áng văn chương giản dị, nhưng thể hiện trọn vẹn nhất, đầy đủ nhất và trung thực nhất về kinh nghiệm sống, khí phách, tình cảm, tư tưởng và v. v... của người Việt từ ngàn xưa. Nó phản ảnh được toàn bộ sinh hoạt của người dân Việt trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, cách xử thế, v.v... Nó là kho tàng quí báu của nền Văn Hóa Việt. Có những bài ca dao như một thông điệp của tổ tiên truyền lại để con cái Việt noi theo.


      Trong cuộc sống, khi có mâu thuẫn, ông cha ta khuyên hãy khước từ bạo lực, đối thoại để giải quyết vấn đề:

      Khôn chẳng qua lẽ, khoẻ chẳng qua lời.


      về tín ngưỡng và truyền giáo:

      Lệnh làng nào làng ấy đánh,

      Thánh làng nào làng ấy thờ.


      về cách sống hướng thượng:

      Trong đầm gì đẹp bằng sen,

      Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.

      Nhụy vàng bông trắng lá xanh,

      Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.


      về tình thương:

      Thương người, người lại thương ta,

      Ghét người mình lại hóa ra ghét mình.


      rồi không còn phân biệt mình người: 

      Thương người như thể thương thân.


      2. Thường thường ca dao rõ ràng, trong sáng, giản dị, nhưng bài ca dao "Bờm có cái quạt mo" là một trong những bài ca dao làm cho chúng ta nhức óc. Bài ca dao mang tính triết lý đã được biết bao người bình giải để minh định thái độ và quan niệm của Bờm.


      Loại bỏ ý kiến cho rằng chỉ có "kinh thi" của Trung Quốc hoặc ngụ ngôn của Pháp mới có giá trị triết lý, giáo dục, v. v... còn ca dao Việt Nam nôm na, tầm thường chẳng có giá trị gì. Bài ca dao Bờm có cái quạt mo chỉ để diễu cợt cái khờ dại, xuẩn ngốc của Bờm, chứ nội dung không hàm ý gì.


      Thằng Bờm có cái quạt mo,

      Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.

      Bờm rằng, Bờm chẳng lấy trâu.

      Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.

      Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè.

      Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim.

      Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim.

      Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.

      Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi.

      Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.


      Có người nhìn Bờm ở một góc độ khác cho rằng Bờm chưa vượt ra khỏi miếng ăn. Không biết những gì khác ngoài "chén cơm" nên khi phú ông xin đổi "nắm xôi", Bờm cười nhận lời ngay. Thiên hạ đang trên đà tiến tới không ngừng về mọi mặt từ ăn no sang ăn ngon, mặc ấm đến mặc đẹp; Bờm đang dậm chân tại chỗ.


      Phần đông cho rằng Bờm không khờ dại hay ngu đần. Bờm chẳng lấy trâu bò, cá mè, gỗ lim, chim đồi mồi, bởi lẽ những thứ ấy tuy thực dụng nhưng ở tương lai. Đó là những vật trong hiện tại xa tầm tay của Bờm. Bờm bằng lòng đổi cái quạt mo với nắm xôi, vì nó ở ngay trước mắt. Nó là thực tiễn. Nó là đáp số cho sự sống còn của Bờm ngay bây giờ. Hơn nữa, nó còn nói lên tính thuần lương của Bờm. Trao đổi như thế là sòng phẳng, giữa nắm xôi và cái quạt mo, giá trị không có gì chênh lệch. Nó là công bằng.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Có lẽ chúng ta không nên dặm chân tại đây mà thử tìm một giải thích hợp tình hợp lý hơn. Sống ở nông thôn, Bờm hẳn phải biết trâu bò, cá mè, gỗ lim là những vật quý giá vô cùng. Thế mà phú ông dùng đủ mọi cách để dụ Bờm đổi cái quạt mo, nào trâu bò, cá mè, gỗ lim, chim đồi mồi, Bờm đều từ chối. Phú ông dùng độc chiêu, đánh đòn bao tử bắt ép, đem nắm xôi gợi thèm, Bờm cười.


      Theo tự điển của ông Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính thì có trên 90 loại cười: cười ha hả, cười ruồi, cười tình, cười dả lả, cười nhếch mép, và v. v... Cần có trạng từ đi kèm mới rõ rệt được. Nhưng qua nội dung ý nghĩa và bối cảnh sống thực tiễn thì cái cười này là cười biểu lộ ý không bằng lòng. Bờm đã nhiều lần thẳng thắn từ chối không chút màu mè giả dối, dù phú ông có thế lực, có tài sản trâu bò, ao cá, rừng cây, v. v... Bây giờ không muốn trả lời "không" nữa, nên Bờm cười: cười đáp lễ. Tác giả bài ca dao, tuy không nói ra, nhưng chúng ta vẫn có thể hình dung được nụ cười của Bờm đi kèm với động tác lắc đầu nhè nhẹ để biểu lộ cái ý không chấp nhận của mình.


      Trong nhà phú ông chắc chắn phải có đủ loại quạt - quạt lụa, quạt the, quạt lông phải có kẻ hầu hoặc phải có hai ba bà vợ hầu quạt cho ông, ông cần gì phải có cái quạt mo của Bờm là cái gì mà khiến cho phú ông quyết tâm dùng đủ mọi cách để đoạt cho được cái quạt mo. Nếu là cái quạt mo đơn thuần, phú ông chỉ cần bỏ tiền ra mua mo cau hoặc dùng mo cau ở vườn nhà, thuê người làm mấy cái mà không được. Phải chăng chỉ có cách giải thích cái phú ông "không có" mà Bờm "lại có". Cái "có" và "không" đó, không phải là cái quạt mo, nhưng được tượng trưng bằng cái quạt mo.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      3. Bờm biểu tượng cho người nông dân Việt chất phác, thuần lương, thẳng thắn, còn giữ được truyền thống của dân tộc. Lịch sử cho thấy hơn một ngàn năm dưới ách đô hộ của phương Bắc, chế độ xã thôn tự trị đã bảo toàn được sinh mệnh văn hóa dân tộc. Nhờ thế mà sau hơn mười thế kỷ Bắc thuộc, người Việt mới còn là người Việt, nói tiếng Việt, sống nếp sống Việt. Bờm không ham tiền, thấy lợi không thay đổi lòng, gặp thế lực quyền uy không khiếp sợ. Bờm không sợ gian nan nghèo khó nên phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười, cái cười biểu lộ cái ý không chấp nhận. Đó là cái cười nhạt, cười mỉa. Bờm giữ trọn khí tiết và chức năng của một con người mẫu mực, lý tưởng của Việt Nam: một con người trưởng thành. Tất cả bản năng, khí phách và nhân cách ấy làm sao hạng người mất gốc như phú ông có được. Và hạng người như phú ông làm sao khuynh đảo được Bờm.


      Chính cái khí phách ấy, tinh thần tự lực tự cường khiến cho dân tộc Việt có khả năng chống chọi với bất cứ thế lực ngoại xâm nào để giữ vững đất nước được độc lập tự do, đồng thời bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.


      Phú ông đại diện cho lớp người bị bật ra khỏi truyền thống văn hóa dân tộc về vật chất cũng như tinh thần. Cho nên phú ông không thể có cái mà Bờm có được. Cái Bờm có mà phú ông không có là những yếu tố tinh thần truyền thống dân tộc. Cái Bờm có mà phú ông không có là nếp sống hài hòa giản dị, chất phác của người nông dân, với gia đình phân công hòa thuận, một vợ một chồng, không chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo. Chính tinh thần truyền thống dân tộc đó và hệ thống xã thôn tự trị đã duy trì được sinh mệnh văn hóa dân tộc suốt chiều dài lịch sử.


      Phú ông cũng đại diện cho người biết tìm đường về với truyền thống dân tộc - tinh hoa của đạo sống Việt, tinh hoa tư tưởng Việt. Là người Việt, là dân tộc Việt không thể dùng tư tưởng Hán, hay Ấn Độ hoặc Tây phương kể cả Bắc Mỹ (Tư bản, Cộng sản, thực dụng cực đoan) làm nền tảng cho việc phát triển đất nước. Phải vận dụng cái tinh hoa của đạo sống Việt, với sự tiếp thu cái mới có chọn lựa. Có nghĩa là tự ý thâu nhận, trong tinh thần tự chủ mang tính khai phóng và dung hóa trong giao lưu, những cái gì có lợi và thích hợp với tình tự dân tộc để làm phong phú nền văn hóa dân tộc, bằng các chất bổ dưỡng thích hợp khác của thế giới.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      4. Truyền thống tốt đẹp văn hóa dân tộc - đạo sống Việt, tinh hoa nếp sống Việt - không những chỉ là nội lực, cội nguồn, bản sắc của dòng sinh mệnh dân tộc mà còn là yếu tố thiết yếu trong sự tiếp nhận thành công xu thế toàn cầu hóa/liên quốc gia hiện nay. Sự gẫy đổ kinh tế của Á châu trong toàn bộ kiến trúc kinh tế toàn cầu gần đây, một phần không nhỏ, có thể do sự áp đặt một cách máy móc nền văn minh kỷ thuật Tây phương mà bất kể đến truyền thống văn hóa của những xã hội Đông phương. Trong thế giới liên quốc gia, mọi người đều cần gốc rễ, cần phải thấy mình thuộc về một cộng đồng địa phương nào đó. Về mặt kinh tế, các kế hoạch phát triển quốc gia cũng như quốc tế nếu tách rời khỏi nền tảng văn hóa dân tộc thì sớm muộn gì cũng đưa đến thất bại (1).


      Cái lầm lẫn của phú ông ở chỗ nghĩ rằng dùng tiền và thế lực là có thể trở về với truyền thống dân tộc. Một khi đầu óc bị tư tưởng ngoại lai đầu độc - không phân biệt được cái bản chất (cái cốt lõi tốt đẹp của Văn hóa Việt Nam), với cái hiện tượng (cái rác rưởi nổi lềnh bềnh trên mặt do ảnh hưởng của tư tưởng ngoại lai), không thể dùng tiền, thế lực, bằng cấp hoặc phỉ báng, miệt thị Tổ Tiên mà giải độc được. Việc cần phải làm là trở về với chính mình, trăm hay xoay vào lòng vì ngàn đèn được tỏ trước khêu bởi mình, để thực hiện cuộc cách mạng tâm linh (Dalai Lama) hay cuộc chuyển hóa tâm thức (Krishnamurti) nhằm hóa giải mọi tâm lý nô lệ ý thức hệ, tư tưởng ngoại lai đã và đang qui định những hành vi suy tư của mình. Từ đó nhận thức rõ ràng những lớp sơn văn hóa ngoại lai đã và đang bao phủ cốt lõi đạo sống Việt để chúng ta không ngộ nhận Văn Hóa Việt chỉ là những tư tưởng tổng hợp của Trung Hoa, Ấn Độ và Tây phương.


      Cái quạt mo tượng trưng cho truyền thống dân tộc. Đó là bản sắc hiếu hòa, tinh thần nhân bản, nhân chủ và dân chủ, với nếp sống hài hòa - hòa cả làng - lấy tình nghĩa làm đầu: một bồ cái lý không bằng một tí cái tình, đặt nền tảng trên trí tuệ (khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống) và tình thương (thương người như thể thương thân). Triết lý sống hài hòa đó bắt nguồn từ nếp sống nông nghiệp trồng lúa nước ổn định lâu đời nên khác hẳn bản sắc hiếu chiến của Trung Hoa và Tây phương, bắt nguồn từ nền văn hóa gốc du mục (2).


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Cái quạt mo còn biểu tượng cho tinh thần thực tiễn, thực dụng của người nông dân Việt. Quạt mo làm bằng mo cau, phương tiện sẵn có trong vườn nhà. Cách làm rất đơn giàn, không cầu kỳ phức tạp cho nên ai cũng có thể làm được. Là người Việt Nam ai cũng có sẵn bản chất Việt trong tâm hồn, ngoại trừ những người chạy theo ngoại bang như phú ông, đầu óc mới bị đầu độc, bị bật ra khỏi gốc.


      Bóc mo cau ra, dùng dao cắt bằng đầu, rồi lượn cạnh, lấy sống mo làm cán, rồi chà nhẵn cho hết sơ, hết dầm. Thế là xong, tha hồ sử dụng, tha hồ quăng ném, đập ruồi, đập muỗi, quạt mát, phẩy lò, nhóm bếp, che đầu, v. v... đa dụng và rất bền bỉ. Điều muốn nói ở đây là óc thực tiễn của người nông dân Việt ngày xưa, biết tận hưởng cái gì mình đang có (cái quạt mo với ý nghĩa tượng trưng) và vui thích với việc đồng áng mình đang làm.


      5. Tóm lại, có thể nói người nông dân Việt ngày xưa, với óc thực tiễn họ chấp nhận hiện thực/thực tại, sự kiện đang xảy ra mà không có vấn đề với nó. Nói cách khác, họ chú trọng tới "chân thật" - mang tính thực tiễn của nó được thực chứng qua chính sự hiện thực và tri thức thực nghiệm hơn là chân lý của một triết thuyết mang tính trừu tượng siêu hình và còn nặng tính thuyết phục. Ông cha ta đã dạy "trăm nghe không bằng mắt thấy, trăm thấy không bằng trải qua".


      Tiếc thay! tinh thần thực tiễn đó đã bị soi mòn. Chịu ảnh hưởng sâu đậm tinh thần từ chương của Tống Nho - tư tưởng Nho học của Khổng Tử đã bị bóp méo, biến thái lạc hậu - giới trí thức sau Nguyễn Trãi (Hậu Lê), nhất là dưới triều Nguyễn đã làm mất đi tinh thần thực tiễn đó. Nô lệ tư tưởng là nô lệ từ trong tim óc; và từ đó phát sinh tinh thần vọng ngoại, trọng ngoại, sợ ngoại và ỷ ngoại. Trông chờ ngoại bang là trông chờ nô lệ, ỷ lại ngoại bang là trao trọn vẹn sinh mạng và đất nước cho người.


      Vĩnh Như

      (Văn Hóa Việt Nam, số 16/2002)

      Đọc thêm: Thằng Bờm (Hà Sĩ Phu)

      Ghi chú:

      (1) Thường Nhược Thủy - Đạo sống Việt, NXB Ngày Nay, năm 2000 trg 11-12.

      (2) Cần biết thêm chi tiết về truyền thống Văn hóa Việt, xin đọc Đạo Sống Việt, NXB Ngày Nay, năm 2000.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022
      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Bờm Có Cái Quạt Mo Vĩnh Như Tiểu luận

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)