|
Mai Trung Tĩnh(..1937 - 20.12.2002) | Việt Dzũng(8.9.1958 - 20.12.2013) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
1. Có người Việt Nam nào lại không thuộc bài ca dao thằng Bờm:
Thằng Bờm có cái quạt mo ...
nhưng ý nghĩa của bài ca dao thì mỗi người hiểu một cách.
Có người bảo Bờm là đại diện cho người nông dân khôn ngoan, biết đúng giá trị cái quạt mo của mình nên không bị mắc lừa phú ông khi phú ông gạ đổi những thứ quá lớn về giá trị so với cái quạt mo.
Có người bảo Bờm tiêu biểu cho loại người tầm thường thiển cận, thậm chí ngốc nghếch, chẳng biết gì ngoài miếng xôi để bỏ ngay vào miệng. Người thì cho đây là trò bỡn cợt của phú ông, vì phú ông cần gì đến cái quạt mo mà phải đem cả "ba bò chín trâu", cả "bè gỗ lim" ... ra mà đổi, đây là thói ngông hoặc miệt thị của kẻ giầu. Người thì cho bài ca làm ra cốt để ca ngợi chiếc quạt mo của người nông dân lao động. Người thì bảo mục đích triết lý của bài ca dao chẳng qua là nêu vai trò của hạt gạo đối với đời sống con người. Có người lại tán ra rằng kẻ bóc lột rất thâm độc, hẳn biết chiếc quạt mo là thứ không thể thiếu của người lao động nên quyết tâm chiếm lấy bằng được! ... Chắc còn có thể có nhiều cách hiểu khác nữa.
Đành rằng trong một cuộc đổi chác tất nhiên phải có những vật đổi cụ thể, tất nhiên phải có hai bên, mỗi bên có tuyến suy nghĩ riêng của mình và tất nhiên có khôn dại, thiệt hơn, ... nhưng không hiểu sao từ lâu tôi vẫn bứt rứt với cảm giác hình như tất cả những cái cụ thể này không phải là cái đích mà bài ca dao Thằng Bờm muốn diễn đạt.
2. Bỗng một hôm, tôi nhận ra trong cuộc đổi chác chiếc quạt mo này người chủ động là phú ông chứ không phải Bờm. Phú ông "gạ đổi" cái này không được lại "gạ đổi" cái khác, đến khi nào Bờm đồng ý mới chịu thôi, còn Bờm thì chỉ có thái độ thụ động, đồng ý hay không đồng ý. Vậy thì phải phán đoán cho ra cái chủ đích trong hành vi của phú ông. Nếu là cuộc đổi chác thông thường thì trong quá trình mặc cả rất lâu này, kẻ chủ động (tức là người có nhu cầu bức thiết hơn, ở đây là phú ông) phải nâng dần các giá trị của các vật đem đổi, cho tới khi phía bên kia chấp nhận. Đằng này không phải, xét về giá trị hàng hóa cũng như giá trị xử dụng, các món hàng mà phú ông đưa ra thay đổi rất bất thường; mở đầu là "ba bò chín trâu" rồi tụt xuống còn "một xâu cá mè", vọt lên thành "một bè gỗ lim" rồi lại giáng xuống "một con chim đồi mồi" và cuối cùng là một "nắm xôi"!
Lại một điểm nữa, khi đổi chác thì mặt hàng quan trọng một phần, nhưng số lượng cũng quan trọng lắm chứ, ba con bò có thể không đổi nhưng mười con bò chẳng hạn thì có khi lại khác hẵn rồi. Vậy mà các từ số lượng ở đây được dùng rất lỏng lẻo: theo cách nói Việt Nam thì "ba bò chín trâu" đâu phải ba con bò chín con trâu. Ngay số lượng "xôi" cũng được truyền miệng rất khác nhau, có nơi nói là hạt xôi, có nơi nói là nắm xôi, mâm xôi ... (và như thế thì việc xác định "một xâu cá mè" hay "ao sâu cá mè" cũng không có gì quan trọng lắm).
Vậy thì đây là một chuỗi phép thử, không hơn không kém, chuỗi phép thử mang tính chất định tính không có tính chất định lượng. Cuộc đổi chác không nhằm đổi chác, người chủ động muốn gặt hái được một cái gì đó chứ không phải để thu được chiếc quạt mo. Sau chuỗi phép thử của phú ông hai điều cốt lõi được khám phá:
- Điều thứ nhất, chiếc quạt mo mà Bờm luôn mang bên mình khi ăn, khi ngủ, khi nghỉ, khi làm việc, lúc nắng, lúc mưa ... tưởng chừng thân thiết hay quan trọng lắm, nhưng không phải, Bờm sẵn sàng đem đổi lấy một thứ khác cần thiết hơn.
- Điều thứ hai, cái nhu cầu thiết thân ấy là hạt gạo. Khi nông dân có đủ gạo thì họ sẽ có tất cả. Từ sự sung túc lúa gạo sẽ tậu được "trâu bò" để kéo cày, sẽ có "cá mè" để cải thiện bữa ăn, sẽ có "gỗ lim" để làm nhà, đóng đồ, sẽ có "chim" nuôi làm cảnh ... và lúc ấy muốn tìm lại bao nhiêu "quạt mo" mà chẳng được! Câu "dân dĩ thực vi thiên" (không phải là "dĩ thực vi tiên") phải hiểu trong toàn bộ chuỗi quan hệ này của đời sống mới biểu lộ được hết ý nghĩa, nếu không rất dễ hiểu nông cạn thành "dân coi miếng ăn làm to": Thế là Bờm không đần, đã đành, nhưng nếu vẫn hiểu Bờm là chủ thể tư duy mà cho là Bờm khôn thì vẫn chưa nắm trúng cái thần của bài ca dao.
Bờm ở đây tuy là một con người thực, nhưng trong chuỗi phép thử của phú ông Bờm đóng vai một thực thể khách quan, chỉ trả lời phép thử bằng cách gật hay lắc theo kiểu ngôn ngữ nhị phân của máy tính, tùy theo yếu tố bên ngoài cộng hưởng hay không cộng hưởng với cái lõi bên trong của nó, chứ không qua sự khôn dại chủ quan và ngôn ngữ dài dòng của con người, và chính vì thế mà kết quả thu được từ phép thử là hoàn toàn chân thực.
Hãy xem việc làm, đừng nghe lời nói! Phú ông không hỏi Bờm cần gì, Bờm không nói mình muốn gì, "đối thoại" cứ diễn ra âm thầm qua những phép thử. Chỉ qua hành động, chỉ bằng những phép thử thông minh con người mới vượt qua được cánh rừng ngụy trang đầy những ngôn từ, đầy những tưởng tượng, suy diễn, đầy những tâm lý phức tạp để tiếp cận những cái thực chất cốt lõi, và cái cốt lõi sâu kín bên trong này lại thường rất đơn giản, có khi đơn giản đến ngạc nhiên như hạt lúa củ khoai, đơn giản đến nực cười! Cái cười của thằng Bờm (đừng lầm với nụ cười ưng thuận của Bờm) bật ra chính từ sự khám phá bất ngờ đầy kịch tính này.
3. Tư duy của bài Thằng Bờm về bản chất là tư duy triết, tư duy lô-gích, tư duy toán và tư duy thực nghiệm. Trong các khoa học thực nghiệm chỉ những yếu tố cần đem thử mới được thay đổi, còn những yếu tố khác phải giữ hằng định. Ở đây cũng thế, trong chuỗi phép thử của phú ông chỉ những vật đem thử là thay đổi, còn hành động thử là "gạ đổi" thì lặp đi lặp lại như một quy trình, một hằng số thí nghiệm. Cái ngôn ngữ và cấu trúc đơn giản tự nhiên của ca dao không ngờ lại là phương tiện thích đáng để tải cái tư duy khoa học khúc triết. Những phú ông, thằng Bờm, những quạt mo, mâm xôi, những xâu cá mè, bè gỗ lim ... vừa phải đóng vai cái cụ thể sinh động của những hình tượng văn học, vừa phải đóng vai cái biểu tượng vô hình được mã hóa trong các mạch tư duy của luận lý khoa học.
Bài ca dao đơn giản vui như khúc hát chơi ấy lắng lại trong tâm hồn người Việt Nam như một cái khung, cái sườn tư duy sắc bén, và cứ mỗi khi lịch sử đứng trước những xáo động phức tạp thì cái sườn ấy được người đương thời đắp vào những da thịt mới để làm sống lên bài ca Thằng Bờm của thời đại mình.
...
Tiếng cười hay nói đúng hơn là nụ cười của Bờm mộc mạc như một phản ứng dương tính trước một phép thử đã tắt đi rồi mà những tiếng cười rất đa dạng của khán giả mãi còn khắc khoải, âm vang ...
(*) Phụ lục tập "Chia Tay Ý Thức Hệ", Hà Sĩ Phu, NXB TIN, Paris, Noel 1995.
- Thằng Bờm Hà Sĩ Phu Tiểu luận
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |