|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
(... ngay sau lúc một cú điện thoại khác báo tin Y Uyên đã từ trần, chiều hôm trước, tại Phan Thiết. Trả lời anh bạn văn tôi cố lấy giọng bình tĩnh: "Cám ơn anh. Có điều muộn mất rồi vì Y Uyên đã tử trận". Đầu dây bên kia anh bạn văng tục và nói cao giọng: "Này, ông đừng hòng qua mặt tôi bằng lối đùa cợt bậy bạ đó ...".
Như mọi người, anh không tin là Y Uyên đã chết. Anh chỉ tin điều đó vào buổi sáng hôm sau, khi anh, mặc quân phục, cùng mấy quân nhân khác đặt tay vào sợi dây chão, từ từ thả chiếc quan tài bọc xác Uy xuống sâu trong lòng đất lạnh!...)
Nhà văn Y Uyên
Bây giờ, thú thật, tôi không còn nhớ nổi những liên lạc lúc đầu tiên giữa Y Uyên và tôi. Có điều chắc chắn đó là, ít nhất trong giai đoạn khởi đầu, mối liên lạc bình thường giữa một thư ký toà soạn và một nhà văn trẻ có nhiều triển vọng.
Một trong những chủ trường của VĂN, ngay từ những số đầu tiên, là quy tụ, hướng dẫn và khám phá những cây bút trẻ. Nếu việc "bắt liên lạc" với Thế Uyên là do anh Nguyễn Mạnh Côn, thì việc tìm tới Y Uyên hẳn do anh Võ Phiến. (Tôi không nhớ rõ, vì lỡ để lạc đâu đó những thư từ liên lạc với Y Uyên).
Y Uyên có mặt trong VĂN số 6, tuyển tập đầu tiên giới thiệu những cây bút trẻ. Đăng truyện Bấm đốt ngón tay, rồi tôi có gửi cho Y Uyên một lá thư. Thư này dường như làm cho anh không hài lòng, nên mãi lâu lắm về sau, tới số 16, VĂN mới lại đăng truyện Sương rơi ngoài vườn. Cùng với bưu phiếu nhuận bút, lại có một cánh thư dài của tòa soạn. Mặc dù thư được viết rất khéo léo, nhưng chắc chắn cũng đã làm cho người nhận không vui lòng. Gần tết Ất Tỵ, nhận được bài mới của Y Uyên, tôi biết là anh buồn mà không giận (truyện Vết chân thần thoại đăng trong VĂN số 28).
Tới đây ghi dấu giai đoạn "căng thẳng" quan trọng mối giao tình giữa Y Uyên và tòa soạn VĂN. Những bài anh viết gửi về, liên tiếp bị chúng tôi gửi trả lại anh, kèm theo những lá thư luôn luôn thúc giục đòi hỏi nơi văn tài anh một cái gì "khác hơn thế nữa, mới hơn thế nữa". Tôi nhớ, vào dạo đó, có một lần tôi viết gửi anh đại ý "cậu có cố chẻ sợi tóc ra làm tư đi chăng nữa thì giỏi lắm cậu cũng chỉ bằng được Võ Phiến là cùng; hãy viết khác đi, hãy dời bỏ những thăm dò ngược về quá khứ, hãy xông vào cuộc đời trước mặt, chất liệu truyện hãy lấy ngay từ cuộc sống thường nhật, cuộc sống của một thầy giáo dạy trường làng miền Trung đang chìm trong khói lửa ..."
Thiết tưởng tôi cũng cần mở một dấu ngoặc để nói rõ thêm về sự "trả lại bài" các cộng tác viên. Chúng tôi làm việc đó chỉ vì mong muốn các bạn mình sẽ đi xa, đi nhanh hơn. Nếu các bạn đó đưa bài gì chúng tôi cứ thế mà đăng thì, chao ôi, yên ổn quá. Sẽ chẳng làm gì có chuyện mất lòng mất bề với bất cứ ai ... Cùng lúc với Y Uyên, chúng tôi còn trả lại bài của nhiều anh chị em khác. Có người, giận, không bao giờ đưa bài cho VĂN nữa, nay đã trở thành một tác giả có sách bán chạy. Một tác giả khác, bạn thân của Y Uyên, đưa chúng tôi ba truyện, chúng tôi đăng một, hoàn lại hai. Anh bạn này giận, không cho truyện nào khác. Ít lâu sau, gặp chúng tôi, anh kêu "Nhất, truyện Bão Khô của Y Uyên là nhất". Chúng tôi chỉ còn biết cười buồn, vì biết làm sao hơn với người tự bằng lòng đứng giậm chân tại chỗ!
Khác với mấy bạn vừa kể, Y Uyên lẳng lặng viết, có phần nào nghe theo ý kiến của các anh em trong tòa soạn VĂN. Truyện ngắn Tượng đá sườn non đăng trong VĂN số 40, tôi còn nhớ gửi cho Y Uyên hai bưu phiếu: một bưu phiếu nhuận bút còm và một "để cậu đi nhậu với một vài bạn ngoài đó, coi như đã nhậu với anh em trong này, để ghi dấu ngày cậu bắt đầu viết khác ...".
Truyện đăng trong VĂN số 42 (cái nhan do tòa soạn đặt Có heo may Hà Nội) là một trường hợp ngoại lệ, cho hợp với chủ đề của tờ báo.
Truyện Tiếng hát của người gác cầu đăng trong VĂN số 46, ngoài bưu phiếu nhuận bút, tôi có gửi Y Uyên hai lá thư. Một thư viết trên giấy mang tiêu đề của nhà xuất bản Giao Điểm, hẹn sẽ in một tập truyên của anh, gồm một số truyện do tôi lựa chọn. Thư sau, tôi còn nhớ đã viết trong một buổi tối kẹt mưa, phải ngồi lại tòa soạn tới khuya, thư viết dài tới bốn trang giấy pelure. Trong thư này tôi thuật lại trường hợp đặc biệt của đoản tác Thư từ Tuy Hòa (của Cảnh Cửu, đăng trong VĂN số 45); đọc bài này tôi thích quá, không chuyển cho Ban Tuyển đọc Tác phẩm như những bài lai cảo khác, tự ý cho đăng ngay vào trong một số không phải là tuyển tập thơ văn (số 45 là số giới thiệu Francoise Sagan). Bài đăng rồi, anh em "chịu" tôi là tinh, và đồng ý nên khuyến khích tác giả. (Đáng tiếc thay, tác giả này đã làm chúng tôi thất vọng. Mặc dù sau đó chúng tôi đã cố vớt, cố đăng thêm một hai đoản thiên nữa của anh, nhưng anh không thể đi được xa hơn). Tôi lưu ý Y Uyên về cái "không khí đặc biệt Tuy Hòa" trong đoản tác vừa kể. Tôi còn dẫn Camus (on ne pense que par des images), dẫn thêm nhiều kinh nghiệm khác rút trong cuốn Esquisse d'un roman .v... và dặn: cậu có thể rời bỏ những nhân vật thầy giáo cô giáo rồi đó.
Truyện Những ngày cuối năm trên miền núi đăng trong VĂN số xuân Bính Ngọ; truyện Bên ngoài khán đài đăng trong VĂN số 52, ngoài bưu phiếu nhuận bút, tôi không viết gì. Điều ấy dường như làm cho Y Uyên thấp thỏm. Uy viết gửi tôi, rào đón, ngần ngại. Tôi trả lời: được rồi, cứ tiếp tục, tôi sẽ in những truyện đó trong tập truyện đã dự trù.
Đầu tháng 5/1966, nhận được truyện Bão khô, tôi vội viết ngay cho Y Uyên: tới rồi, cố giữ lối viết đó, không khí đó, cái souffle đó. Trong thư, tôi kể tên sáu truyện đã chọn và đề nghị đặt nhan tập truyện là Bão khô, nhà Giao Điểm sẽ lo ngay việc xuất bản. Bão khô đăng trong VĂN số 58 rồi, tôi viết gửi Uy, đại ý: từ nay, cậu gửi bài về, tôi không cần đọc lại nữa, cứ thế cho xếp chữ in ngay. Ít lâu sau, tôi nhận được thư Uy, có vẻ xúc động trước lời ngợi khen biểu lộ qua sự tin cậy của tôi, nhưng lúng túng vì nhà Thời Mới lấy trước mất hai truyện tôi đã chọn để in thành sách (Mùa xuân qua đèo và Tiếng hát của người gác cầu), Uy đề nghị tôi thay thế bằng hai truyện khác: Ngoài khán đài (VĂN số 52) và Cái cối xay dưới đồng bằng (Nghệ Thuật số 51). Tôi trả lời Uy đại khái không tiếc vì hai truyện đã bị "phỗng tay trên", nhưng chỉ tiếc là nếu nhà Thời Mới in hai truyện đó với những truyện Uy viết trước Tượng đá sườn non thì hơi uổng, vì sách sẽ không được "nhất trí". Tôi cũng tiếc Bão khô không là tác phẩm đầu tay của Uy.
Đoản văn Trong ánh sáng lân tinh là trích đoạn truyện dài, Uy yêu cầu tôi đăng để "có trớn viết tiếp", và Uy cũng hỏi han tôi nhiều về sự khác biệt giữa truyện ngắn và truyện dài. Tôi thu thập ý kiến của nhiều anh em và trả lời Uy trong một thư khá dài.
Truyện Kiểm Diện đăng trong VĂN số 66, Uy đã viết vội để Bảo khô có đủ số trang.
Những đoản tác đăng sau đó trên VĂN, hoặc là trích đoạn truyện dài, hoặc là đoản thiên, đều không có gì đặc sắc (Gió cuối năm, VĂN số 71; Dáng thú số xuân Đinh Mùi; Cái xương lá mục số 87; Pho tượng đứng đó số 92; Có mùa hoa nào lấy vợ số 97, nhưng tôi không nói gì với Uy về những nhận xét của riêng tôi hay của anh em, bỡi lẽ tôi biết Uy đã hoàn thành những sáng tác đó trong nỗi ám ảnh nặng nề:ám ảnh bị gọi lính! Sau lần vào quân trường mấy ngày rồi lại được về vì "thặng dư tài nguyên", Uy có than thở với tôi "rã rời, hết muốn viết, anh ạ!".
Truyện dài Ngựa tía, thật ra nhà Giao Điểm không nhận in. Sau khi đọc một vài trích đoạn, tôi có viết thư cho Uy, trình bày những nhận xét cùng đề nghị của riêng tôi. Uy không trả lời thư này và cũng không gửi bản thảo cho tôi, tuy là cách đó ít lâu, Uy nói: "sắp viết xong những trang cuối". Tôi còn đang đinh ninh là Uy đang còn sửa, viết lại không chừng, thì một hôm anh Võ Phiến đến, đưa cho tôi tập bản thảo Ngựa tía, nói "ông in đi, tôi đi khắp cả mà không nhà in nào dám nhận, vì tác giả viết chữ nhỏ quá, khít quá, thợ sắp chữ không nổi". Tôi nhận tập bản thảo rồi viết gửi Uy. Trả lời: tôi biết là anh không thích, nhưng nếu có thể thì anh in giùm, tôi sắp đi lính .v.v...
Từ Tuy Hòa, Y Uyên vào Sài Gòn lấy khoản tác quyền Ngựa tía để "đi thanh toán một chuyện tình cảm vướng mắc đã từ lâu, mong là lần này nó sẽ dứt khoát". Dứt khoát rồi, anh chàng buồn, đòi tôi dẫn đi uống rượu say mèm, đêm khuya tôi phải chở về nhà; ít bữa sau anh chàng trở ra Tuy Hòa, quên cả ghé nhà in ký tên trước lên cahier đầu sách. (Chuyến về này Y Uyên đem biếu thân phụ tôi một chai rượu sâm Cao Ly. Chai rượu này mới vơi có phân nửa, mà người cho rượu đã ra người thiên cổ!)
Thời gian sau đó và suốt cả thời gian sống trong quân trường Thủ Đức, Uy không viết được gì. Mãn khóa, ngay sau khi trở lại miền Trung, Uy gửi về đoản tác Cao nhất, một vài ghi chép đầu tiên cho một thiên truyện dài sẽ được khởi viết "trong những ngày không phải xuống đồi dẫn lính đi lấy nước" (Trích thư ngày 14-10-1968).
Thư 30-10-68 Y Uyên nhớ tới hai việc: Việc thứ nhất: "có một thằng bạn văn vừa mới chết một cách khá thảm, để gián tiếp báo tin cho một số bạn bè và coi như thắp cho nó một nén hương, nhờ anh đăng cho ít lời chia buồn (đính kèm) ..."
Việc thứ hai: " ... nếu anh thấy có thể in giúp được "Đuốc sậy" mà không phiền lòng anh Võ Phiến, nhờ anh in một tập nữa ..."
Việc thứ nhất, tôi cho đăng mẫu "chia buồn", ngay trong VĂN số 118. Việc thứ hai, hôm mới đây, gặp Võ Phiến, tôi nói: "Nếu ông không in Đuốc sậy, ông có thể chuyển nó cho tôi. Tôi sẽ in, mặc dù hai lần in sách của Y Uyên rồi, lần nào tôi cũng bị lỗ khá nặng ...". Võ Phiến xem thư Y Uyên, rồi ít bữa sau, anh đưa tập bản thảo Đuốc sậy tới giao cho tôi. Chúng tôi dự định tập hợp tất cả những truyện ngắn khác chưa in thành sách của Y Uyên, phân loại lại, rồi sẽ in, có lẽ thành hai hoặc ba tập (*). (Nhân đây, xin được thưa thêm một chuyện: chúng tôi được biết, trước ngày nhập ngũ, hồi còn ở ngoài Trung, Y Uyên có viết được một số đoản tác, giao cho anh em có ý định ra báo, in tuyển tập, nội san v.v... Chúng tôi rất mong anh chị em nào còn giữ được bản thảo chưa in của Y Uyên vui lòng gửi cho chúng tôi, để việc xuất bản thêm phần đầy đủ. Trường hợp những anh chị em cho in những sáng tác đó trong những ấn bản phổ biến hạn chế tại địa phương, cũng xin vui lòng gửi cho chúng tôi một bản. Muôn vàn cảm tạ).
Trên đây chúng tôi đã ôn lại mối giao tình giữa Y Uyên, tác giả, và chúng tôi, thư ký tòa soạn VĂN.
Nhắc lại những kỷ niệm về Y Uyên thì thât không có gì đáng nhớ. Tìm trong xấp thư cũ, thấy một vài điểm mà các bạn khác trong những bài đăng cùng số này, chưa nói tới, tôi lục chép ra đây, nghĩ cũng là để "soi sáng" thêm về cuộc sống của Y Uyên.
"... Trong đó anh kêu "thảm lắm!" thì ngoài này cũng muốn kêu "bực lắm!". Suốt từ đầu niên học tới giờ, làm hiệu trưởng một cái trường toàn đàn bà với ông già, tinh thần chỉ còn như một chất công văn, chỉ thị. Ngoài một truyện gửi về cho Nghệ Thuật số gần đây vì dịp hè có lỡ hứa với anh Viên Linh, không còn viết được gì. Đầu óc lởn vởn toàn chuyện bỏ nghề mà không quyết được vì thấy kém thực tế. Nhận thư anh, mừng vì có phút được kéo khỏi những lo toan thường trực vụn vặt, nhưng cũng ngại không có bài gửi về anh kịp thời. Dù sao cũng phải gắng như từ trước tới giờ vẫn phải gắng nghe theo lời anh. Nhất là lại nghe anh nói: "một tuyển tập lạ lắm", thấy hấp dẫn không ít. Về ... muốn hỏi ý anh trước ..." (Trích thư Tuy Hòa, 15-10-1966)
Thì ra cu cậu cũng đã có lần tính bỏ nghề. Không phải vì sợ bị "sa lầy" trong nghề dạy học, mà vì thấy "kém thực tế" - Ôi cái thực tế đã làm thui chột biết bao tài năng ở đất nước ta!
"... Ở ngoài này cháy đều đều - mùa lạnh cần lửa mà. Lại vừa gặp một "cú" tình cảm nên bỗng dưng thấy mình không còn là một tên viết lách mà là một nhân vật tiểu thuyết của bà Tùng Long - cái đó mới ly kỳ ..." (Trích thư Tuy Hòa, 15-12-1967)
(Lửa ở thư trên là lửa đam mê của thú đánh bài; cháy là cháy túi. Thư còn yêu cầu gửi một số VĂN trong có đăng bài của Uy tặng một cô gái ở đường Duy Tân, An Cựu, Huế)
Cô gái Huế này tôi không rõ là ai (báo nhờ gửi cho một người đàn ông, cạy chuyển lại), nhưng khi nghe Y Uyên hỏi ý trong chuyến về Sài Gòn, tôi có lèm nhèm, đại ý "gái Huế", ái tình lăng nhăng thì được, còn cái mục xây dựng thì đừng, ấy là dựa theo kinh nghiệm bản thân cùng là đúc kết kinh nghiệm của một vài anh em có vợ Huế khác". Y Uyên gật gù. Không biết trong "vụ" này, cu cậu đã làm nhân vật tiểu thuyết đến đâu, được bao lâu?
"Hồi này đã hết sức tu thân, không hiểu các anh ở nhà có còn tiếp tục cái chuyện "coi như cho ăn mày ..." (Trích thư Tuy Hòa, 17-4-1967)
Hắn đến tòa soạn và đòi đưa đi chơi. Chơi cái gì? Đang hẹn đến NĐT làm canh xì còm đây. Nghe thấy chữ "xì", mắt hắn sáng hẳn lên. Gặp đông đảo anh em quanh chiếu bạc, hắn mừng ra mặt. "Mòng đây, mòng mới từ Tuy Hòa về đây. Tây tẩy xì, đi hai chục". Anh em nhao nhao: "Hai chục rẻ quá, coi như cho ăn mày ..." Hắn thích thú lối nói đó. Ra tới Tuy Hòa còn tiếc cái không khí đó, cái không khí không thể nào có ở bất cứ một nơi nào khác, với bất cứ anh em bạn bè nào khác ...
"Nhận được thư anh giữa lúc đang bịnh, lo bài gửi về sẽ không kịp đúng kỳ hẹn quá. Bây giờ viết hết được dòng cuối mới thấy mừng. Mừng như thoát nợ. Mừng hơn hết mọi lần khác. Mấy hôm trước cứ ân hận không biết rõ ngày số Nắng Hè ra nên lâm vào cảnh "cuối cùng vẫn phải viết". Ngày hôm qua vừa đi mổ cái nhọt, từ nay mỗi sáng phải lên bệnh xá một lần, như vậy không mong gì tính chuyện về Sài Gòn. Lá thư vừa rồi của anh như có điều gì bất thường, đọc đi đọc lại vẫn không có được một giải thích hợp lý. Ở nhà có điều gì "kẹt" bất ngờ chăng? Đã định viết hỏi anh ngay hôm nhận được thư nhưng lại nghĩ phải viết bài trước đã, hậu tính. Giờ thì có thể nghỉ ngơi, mướn chưởng về đọc và chờ thư anh ..." (Trích thư Tuy Hòa, 3-5-1967)
Mới đây nhận được bài của anh Trần Huiền Ân, tôi đã phì cười khi thấy anh nhắc lại chuyện đã làm cho Y Uyên thắc mắc trong thư dẫn trên. Tôi phì cười cũng như Y Uyên nói "buồn cười". Số Nắng Hè tôi có ý định đăng bài của những anh em có mặt trên chiếu bạc nhà NĐT hôm Y Uyên về chơi. Góp bài không đủ. Trong số người vắng mặt, có cả Y Uyên, mặc dù bị đau (phải đi mổ nhọt) vẫn cố viết bài gửi về mà không kịp kỳ báo. Cu cậu cố viết bài tuy đau, có phải tại vì đã "sợ" lời "đe dọa" của tôi? Nếu đúng thế, nghĩ thât tội nghiệp, tội nghiệp vì chuyện chỉ đáng "buồn cười" ...
"Lộ xỉ, lộ hầu, tướng đi không chắc bước ... tay này chết yểu ...", một nhà văn lão thành đã nói bâng quơ như thế, khi cụ nhìn theo Y Uyên lúc đó vừa bước ra khỏi cửa tòa soạn. Nghe lời vị túc nho cao niên nọ nói mà tôi bỗng rùng mình. Lúc đó Y Uyên đang thụ huấn trong quân trường. Tôi cố nói với một vài chỗ quen biết nhờ lưu ý để kéo cho hắn đi ngành. Tôi được trả lời là cứ yên chí. Vốn tính cả tin, tôi yên chí mãi. Mãi cho tới hôm hắn mãn khóa, về chơi nhà tôi, ngật ngưỡng nốc cạn ly cognac, chậm rãi ngã lưng vào thành ghế bành, rồi mới khặc khừ "em đi địa phương quân, anh ạ!". Tôi bảo hắn nếu được chọn, chọn ngay vùng I cho tôi nhờ. Ít bữa sau, hắn ghé báo quán, cho biết đâu hắn được đi Côn Lôn, nhưng hắn tình nguyện xin đi Bình Thuận. Tôi xô ghế đứng lên, nói như quát: "cậu quên lời tôi dặn rồi à?". Hắn nhìn tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, tia nhìn mới thanh thản và trong sáng làm sao, và hắn ấp úng: "tôi ... tôi có duyên nợ với vùng duyên hải Trung phần lắm mà anh ...". Bữa đó tôi giận lắm, giận hắn, giận những người tôi đã cạy nhờ, giận tôi, giận tất cả, nên tôi để mặc hắn ra về mà không buồn dẫn hắn đi nhậu một bữa tiễn hành như đã dự trù từ trước. Duyên nợ? Hừ, duyên nợ cái mốc xì! Dại gái, hầu hết nếu không muốn nói tất cả những thằng con trai mới lớn đều dại gái. Tôi đã nghĩ về Y Uyên như vậy khi nhìn theo hắn leo lên chiếc xe lam ngừng bên mé đường bên kia rước khách ...
Ít tuần sau, nhận được thư hắn báo tin nơi đóng đồn cũng nhàn, lại có an ninh, viết lách được nhiều, tôi cũng thấy nguôi ngoai.
Ít lâu sau, chúng tôi được biết quân đội đã chiếu cố tới hắn. Một bưu điệp đã được gửi ra tiểu khu nơi hắn trú đóng, cho hắn nộp đơn xin thuyên chuyển về Sài Gòn.
Chờ lâu chưa thấy hắn về, một nhà văn bạn lại xin với thượng cấp cho hắn được đặc cách thuyên chuyển về Sài Gòn. Tôi được tin văn hữu nọ đã lo xong mọi thủ tục cần thiết (việc gọi Y Uyên về Sài Gòn chỉ còn là việc thu xếp trong vòng vài ngày), ngay sau lúc một cú điện thoại khác báo tin Y Uyên đã từ trần, chiều hôm trước, tại Phan Thiết. Trả lời anh bạn văn tôi cố lấy giọng bình tĩnh: "Cám ơn anh. Có điều muộn mất rồi vì Y Uyên đã tử trận". Đầu dây bên kia anh bạn văng tục và nói cao giọng: "Này, ông đừng hòng qua mặt tôi bằng lối đùa cợt bậy bạ đó ...". Như mọi người, anh không tin là Y Uyên đã chết. Anh chỉ tin điều đó vào buổi sáng hôm sau, khi anh, mặc quân phục, cùng mấy quân nhân khác đặt tay vào sợi dây chão, từ từ thả chiếc quan tài bọc xác Uy xuống sâu trong lòng đất lạnh!
Tô Thùy Yên, xin cho tôi được cám ơn anh lần nữa. Con người ta sống chết, riêng tôi tin là có mệnh số. Riêng anh, anh đã lo lắng giùm Uy nhiều hơn là cho một bạn văn không thân thiết, với trọn vẹn tấm lòng thẳng thắn và đôn hậu. Tấm lòng đó làm anh khác hẳn với những người khác - những người miệng đã nói với chúng tôi nhiều điều nhân nghĩa, nhưng rút cục chỉ toàn là "đánh trống bỏ dùi" ... Mặc dù tin nhắn thân nhân phải ra ngay nhận xác, nếu không sẽ không kịp; mặc dù tôi đã gạt hết mọi công việc, lao xe như bay lên Gò Vấp, báo tin cho gia đình Uy; mặc dù nước mắt đã ứa ra ... chính tôi, tôi vẫn chưa tin là Uy đã chết. Chết.Tại sao lại chết, trong lúc biết bao người chăm lo mạng sống của Uy? Biết bao nhiêu người chạy theo kim đồng hồ, cố kéo Uy về chốn an toàn?
Kỷ niệm của tôi về Y Uyên thật ít (một vài lần dẫn nhau đi ăn nhậu, đánh bài, du hí; một vài lần hắn đi phép ghé nhà tôi "tắm một cái rồi thay đồ, vào trường cho khỏe" ... có đáng gọi chăng là kỷ niệm?) nhưng tôi thât tình quý mến Y Uyên. Tôi coi Y Uyên như em. Tôi đã làm tất cả những gì có thể làm cho Y Uyên nhà văn, U Uyên chuẩn uý. Việc làm của tôi có thể không có kết quả, hoặc kết quả chỉ đến quá muộn màng, quá chậm. Giờ đây, tất cả những gì tôi còn có thể làm cho hắn, ấy là tôi nghĩ thế, là thu nhặt những gì hắn đã viết rải rác đem in thành sách. Những cuốn sách đó có chịu đựng được sự thử thách của thời gian không, đó là một việc. Đối với riêng tôi, việc in chúng ra là việc cần làm. Tôi sẽ làm (*). Và tôi thiết tha mong mỏi anh chị em khắp nơi để tâm giúp đỡ tôi trong công việc đó. Không phải vì tôi, hẳn thế, mà vì bạn của chúng ta, vì Y Uyên.
(*) Anh Trần Phong Giao đã giữ lời hứa trước vong linh Y Uyên, đã in tiếp hai tập: Đuốc sậy và Có loài chim lạ, với sự trợ giúp của Nguyễn Lệ Uyên và Mang Viên Long sắp xếp bản thảo (TQBT)
- Một Tiếng Thở Dài Trần Phong Giao Hồi ức
- Thân Phận Thi Phẩm Của Hoài Khanh Trần Phong Giao Nhận định
- Đóa Hồng Trắng Không Gai Trần Phong Giao Tùy bút
- Độc giả và những người làm một tạp chí văn chương Trần Phong Giao Thư Ngỏ
- Nhớ Y Uyên Trần Phong Giao Tạp bút
• Chiến tranh đi qua những truyện ngắn của Y Uyên (Nguyễn Lệ Uyên)
• Núi Tà Dôn và dấu chân Y Uyên (Lê Mai Lĩnh)
• Tưởng Nhớ Y Uyên (1943-8.1.1969) (Nguyễn Lệ Uyên)
• Y Uyên, văn chương của một cuộc chiến (Viên Linh)
• Nhớ Y Uyên (Trần Phong Giao)
• Y Uyên (Thư Quán Bản Thảo)
Thư gởi người đã chết (Trần Thị Uyên Ngọc, Talawas)
Chiếc xương lá mục, Có loài chim lạ, Bão khô (Talawas)
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |