|
Mai Trung Tĩnh(..1937 - 20.12.2002) | Việt Dzũng(8.9.1958 - 20.12.2013) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Trên tờ tuần báo Nghệ Thuật, số đầu tiên ra ngày 1-10-1965, Mai Thảo đã dựng lên một tuyên ngôn của những người cầm bút (trong nhóm) về thái độ của nhà văn trước thực tế của đất nước, bằng một cái nhan rất kêu:
“Văn học Nghệ thuật trong chiến tranh hiện tại và hoà bình tương lai”, bằng thái độ chọn lựa rạch ròi, bằng trách nhiệm và bổn phận trước quốc gia, dân tộc, lịch sử mà nghe cứ như lời rao giảng ngày tận thế với cơn đại hồng thuỷ và chiếc thuyền của Noé:
“Nói đến đời sống, cái chết, chiến tranh và hoà bình, lửa máu và nước mắt, nhân phẩm và danh dự, nói đến hạnh phúc, bất công áp bức, ý thức, thượng đế, thân phận con người, triết thuyết, hành động, thực tế và trí tuệ, cá nhân và toàn thể, nói ở đâu bằng ở Việt Nam không nói, nói ở đâu bằng Việt Nam đau khổ, nói ở đâu bằng Việt Nam treo căng trên từng từng bất hạnh, nói ở đâu bằng Việt Nam có quyền nói đến trước tiên? Văn học nghệ thuật chúng ta phải nói lên bằng được sự thực vĩ đại hiện hình trên Việt Nam quằn quại.
Vai trò của Văn học nghệ thuật hiện nay do đó là phải đi vào thực tế chiến tranh, bởi thực tế ấy là một sự thực…” (SĐD).
Một tuyên ngôn như vậy, trên một tờ báo văn nghệ như vậy, trong thời khắc chiến tranh bắt đầu lan nhanh như một vết dầu bẩn trên phần đất này một cách ồ ạt, khốc liệt có vẻ như thừa, như thiếu hơi, đuối sức?
Trước đó, trước khi nhóm Sáng Tạo hụt hơi trì kéo những trường phái siêu thực, hiện sinh vào văn học Miền Nam Việt Nam, thì đã có rất nhiều nhiều người cầm bút đã chọn lựa một thái độ, một trách nhiệm trước cuộc chiến rồi, tác phẩm của họ ít nhiều đã vẽ lên bộ mặt xấu xa, kinh tởm của chiến tranh rồi!
Và như vậy, các nhà văn, khi viết về chiến tranh Việt Nam, mỗi người chọn một đề tài khác nhau, bối cảnh khác nhau, các nhân vật khác nhau, không ai giống ai; muôn màu muôn vẻ để, người đọc có thể nhìn thấy, một cách trọn vẹn, bộ mặt gớm ghiếc của cuộc chiến tranh phi nhân, phi nghĩa này, một cuộc chiến khởi đi từ những mù quáng, căm thù… đẩy cả dân tộc vào thảm cảnh đau thương nhất trong lịch sử.
Ở Tiền Đồn, Thế Uyên nhìn chiến tranh như là một sự phi lý được khắc hoạ một cách kinh hoàng nhất, tởm lợm nhất qua thân xác của người phụ nữ bị kẹp giữa hai lằn ranh của thù hận: ban ngày là sự gần gũi vội vã của người chồng và ban đêm là sự “hì hục cuồng nhiệt” của anh du kích. Tất cả đều diễn ra trên thân xác của người phụ nữ như biểu tượng nhục nhằn của lịch sử, dân tộc. Chị không có sự chọn lựa nào khác giữa vùng xôi đậu này, ở đó Việt Cộng và Quốc Gia thay phiên nhau “cai trị” những người dân hớt hải chạy, hớt hải về. Nói cho đúng, chị không có quyền lựa chọn. Sự chọn lựa đã được sắp đặt sẵn, để thân xác chị luôn bị dày xéo một cách tàn nhẫn từ hai phía. Người đàn bà tên Ba, nhân vật chính trong Tiền Đồn là biểu tượng của sự nhục nhã nhất mà cả dân tộc phải gánh chịu trên vai. Thật kinh khủng!
Với Nhã Ca, bộ mặt chiến tranh cũng trở nên bi thảm không kém đối với những người dân sống “bình yên” trong thành phố. Họ còn trẻ, và là những trí thức đang đứng trước những chọn lựa, những thái độ phải bày tỏ bằng những hành vi cụ thể. Chất bi thảm của thế hệ trẻ là sự lắng nghe, nhìn thấy một cách mơ hồ chiến tranh đang diễn ra đâu đó ngoài rìa thành phố với những cảm giác đầy sợ hãi phập phồng trong Đêm Dậy Thì, Đêm Nghe Tiếng Đại Bác.
Đến Phan Nhật Nam, Trần Hoài Thư… thì chiến tranh là sự đụng mặt gần sát, là những cuộc hành quân, bao vây, phục kích, là súng nổ, người chết, dân lành gồng gánh trong nước mắt, hối hả chạy trên bờ ruộng hẹp, lo sợ những viên đạn cắm phập vào tim, nhưng không thể không ngoái nhìn lại căn nhà tranh vách đất chẳng đáng giá là bao (nhưng chứa đựng biết bao tình cảm thiêng liêng) đang bốc cháy ngùn ngụt phía sau.
Chiến tranh trong tác phẩm của họ là sự nhìn thấy rõ ràng, rất cụ thể: súng nổ, người chết. Những người tham gia các trận đánh là những người bạn, người lính thân yêu bên cạnh mình, từ từ, lần lượt ngã xuống… Và không chỉ có dùng súng đạn để đánh nhau, thậm chí họ còn sử dụng cả lời nói để hạ gục đối phương: “Staline của Nga chết, cha Tố Hữu của ngoài mầy làm thơ: “ông Staline ơi… ông Staline ơi… Thương cha thương một, thương ông thương mười”. Anh Kennedy, Kennedy là Tổng Thống thứ 35 của Mỹ, đẹp trai, con nhà giàu, giỏi, chết, mầy thấy có thằng làm báo Miền Nam nào viết bài thơ khóc cái anh Kennedy này chưa? Và sau cùng hết, mầy chỉ làm được một việc này với tao thì tao gọi mầy là thánh tao chịu nghe hết lời của mầy, tao tin mầy là “dân chủ xã hội”. Bây giờ tao hô “đả đảo đế quốc tư bản Mỹ”, mầy hô:”đả đảo đế quốc Trung Hoa đỏ, đả đảo đế quốc Liên Sô”. Đấy mầy và tao cùng hô một lần, tao đếm 1,2,3… thì bắt đầu. Tôi hô: 1,2,3… Nghe trong máy có tiếng rè rè của tầng số bị phá…" (Phan Nhật Nam, Mùa Hè Đỏ Lửa trg 136, NXB Sáng Tạo, SG 1972).
Đó là chưa kể nỗi xót xa, đau đớn đến tận cùng khi đồng đội bị thương, khó lòng vượt qua cái chết đang cận kề, đã van nài nhân vật xưng tôi (THT) “mày hãy bắn tao đi, mày hãy bắn chết tao đi!”. Mà đâu chỉ có một mình Trần Hoài Thư mới chứng kiến cảnh đau lòng, xé nát tim gan anh như vây? Hầu hết các nhà văn quân đội khác tôi đã đọc tác phẩm của họ, ít nhiều đều ghi lại những cảnh hãi hùng đó!
Những người trong cuộc lẫn những người dân vô tội đứng bên ngoài hay trong cuộc chiến tương tàn, đều chung một số phận bi hài như nhau.
Nhưng với Y Uyên thì khác, nói như Lê Văn Chính (SBT): “Trước ngày nhập ngũ, anh đã viết nhiều truyện thời chiến. Lúc đó anh còn là nhà giáo, nên truyện thường mang nặng tính chất tưởng tượng hoặc dựa theo những kinh nghiệm chiến tranh mà anh được nghe kể lại” (Núi Tà Dôn và Dấu Chân Uy, Thư Quán Bản Thảo, số 18 tháng 2/2005 Tưởng nhớ Y Uyên). Đúng, khi đọc một tác phẩm ta có quyền lựa chọn, có quyền bình phẩm theo ý thích của riêng ta. Đó là quyền của người đọc. Riêng với nhà văn, khi ta viết điều ta yêu thích, điều ta cảm, ta gần gũi, ta sống với nó, hít thở với nó, chứng kiến nó diễn ra hàng ngày, thậm chí ôm nó vào lòng lăn lộn với từng giấc ngủ đầy mộng mị hãi hùng.
Y Uyên sống trong thời khắc cuộc chiến nổ ra ác liệt nhất, trên vùng đất kinh hoàng nhất. Ví dẫu rằng, nếu như anh chưa hề là nhà văn, chưa hề cầm bút thì hàng ngày anh không thể không nhìn thấy chiến tranh diễn ra ngay trước mắt anh, diễn ra một cách bình thường, lặng lẽ mà đau đớn đến nát tan cõi lòng. Với người cầm bút thì anh càng không thể đứng ngoài ngắm nhìn như kẻ bàng quang, kẻ ngoài cuộc, thậm chí là kẻ trốn chạy khỏi vòng vây chiến tranh. Tôi vẫn nhớ như in, hồi còn học Văn Khoa Sài Gòn, GS Nguyễn Văn Trung luôn tự hào về giảng khoá cho đám sinh viên năm dự bị, với cái nhan Nhà văn, người là ai, với ai? Ông đã dựa vào những phát biểu trong bài diễn văn của nhà văn A. Camus đọc tại giảng đường Viện Đại Học Upsal, Thuỵ Điển, nhân dịp nhận Giải Nobel Văn Chương năm 1957, xoay quanh cái trục trách nhiệm và thái độ của nhà văn trước cuộc sống để rao giảng cho chúng tôi, những thanh niên mới bước chân vào cổng trường Đại Học, rằng “khi một nhà văn quyết định cầm bút viết văn tức là tự nhận lấy một chức vụ trong xã hội. Từ nay, người đó (ý nói nhà văn) ra khỏi đám đông, quần chúng vô danh, trở thành một nhân vật, được thiên hạ biết đến và sẽ được khen chê ủng hộ đả đảo tùy theo lối nhìn, thái độ của họ” (Nguyễn Văn Trung, Nhà Văn, Người Là Ai, Với ai). Xin lạm nhắc lại chuyện xưa, để nhìn lại thái độ của Y Uyên và những tác phẩm của anh trước cuộc chiến khủng khiếp này!
Những truyện anh viết về chiến tranh không bao giờ có súng đạn nổ chát chúa, không có cảnh quân hai bên giương súng bắn vào nhau, vây nhau tầng tầng lớp lớp, không hận thù ai oán như chọn lựa cách viết của Phan Nhật Nam, Trần Hoài Thư, Thảo Trường… mà lại là những điều, những thứ bị cuộc chiến xô đẩy tới bờ vực của đổ nát tang thương, của tiếng lòng dội xé. Đó cũng là cách chọn lựa đề tài, nhân vật, bối cảnh của Dương Nghiễm Mậu, của Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ…
Hầu hết những truyện ông viết đều bắt nguồn từ khi anh dạy học ở Tuy Hoà, một thị xã nhỏ bé của duyên hải Miền Trung giữa lúc chiến tranh đổ ập xuống nửa phần đất nước một cách khốc liệt nhất. Cái thị xã tí xíu mà ông và bạn bè ông đang sống, chẳng phải là một khu phi quân sự, một vòng đai an toàn mà là một lò lửa. Đạn luôn nổ, người chết, nhà cháy, đồng khô, dân quê bồng bế nhau chạy trốn hòn tên mũi đạn, ngày Quốc gia, đêm Cộng sản giành giật nhau… Cuộc chiến rất kỳ cục, phi nhân ấy cứ thế mà diễn ra ngày này sang năm khác để người dân khốn đốn kêu lên “chiến tranh mẹ gì mà lâu dữ vậy?” (Mùa xuân qua đèo). Cuộc chiến quái gở ấy không phải chỉ có anh và tôi đánh nhau, mà một bên là có sự trợ giúp công khai, một bên là lén lút nhận vũ khí, quân trang quân dụng để “giương cao ngọn cờ chính nghĩa” đã đẩy người dân vô tội xô dạt bên này hay bên nọ (cốt để tránh hòn tên mũi đạn). Không khí truyện của Y Uyên không “nhảy tọt” vào giữa chiến trường, bởi ông chưa hề là một chiến binh thực thụ, mà ông “chạy theo, áp sát vào” những xô dạt không chừng mực trong những lần chạy giặc dài ngắn để nghe, để thấy, để cảm và chia sẻ nỗi đau của họ.
Những nhân vật của ông luôn là những nông dân nghèo, lam lũ, những người bình thường nhất đang sống ở vùng xôi đậu, đêm chạy trốn nơi an toàn, ngày mò về chắt mót từng hột lúa, củ khoai, là những thầy giáo, cô giáo, những đứa trẻ ngơ ngác. Anh yêu mến tất thảy bọn họ chẳng qua vì anh quá gần gũi với họ hàng ngày, hiểu được những trớ trêu của bọn họ.
Tất cả các nhân vật nữ của Y Uyên không có ai như chị Ba trong Tiền Đồn, như chị Tư trong Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp bị dày xéo, chà đạp đến tàn nhẫn, như là những biểu tượng tượng trưng cho thân phận của toàn thể mọi người dân ở những phần đất bị bom đạn cày xới nát tan, phải ngửa mặt ra hứng lấy mọi tai hoạ.
Cái chất dịu dàng, thong thả, nhẫn nhục của người phụ nữ, đa số là dân quê, lánh nạn ra thị xã. Đó là những người bình thường nhất trong xã hội được Y Uyên phác hoạ là những người trung thực, bị đẩy đưa do hoàn cảnh, chấp nhận sống trong hoàn cảnh bi đát ấy. Những Bích, những Hiền và chị Hiền là một phần của đất nước bị băm vằm bằng nhiều nhát dao oan nghiệt. Họ vì cuộc sống mà phải bỏ làng tản cư lên thị xã, phải nhắm mắt làm người phụ nữ “sạch sẽ” nhất trong thời loạn: “Một lần nghi Bích không tin mình, giấu tiền không cho mình vay, lúc hai người đang nằm ở giường, anh ta chợt nẩy ý tưởng đòi khám Bích. Bích từ chối cầm chừng. Lúc trật hai chiếc xú-chiêng xuống nửa chừng, anh ta sững sờ một lát rồi ôm Bích thật chặt, hôn Bích như một sự đánh liều để cố quên mình đang có một cơ thể bị đòi hỏi hành hạ. Sau đó anh ta nói một câu kỳ quặc nhưng hơi mất bình tĩnh “Vú Bích sáng ngời, nóng và trơn thế mà từ lâu nay nào anh có hay”… Một nửa anh bị ám ảnh bởi bộ ngực của Bích, một nửa anh ngại, nếu tiến thêm, Bích sẽ nhoà đi như những người đàn bà anh đã gặp” (Bên Ngoài Khán Đài).
Và dẫu không “dữ dội, bi thảm” như chị Ba, chị Tư của Thế Uyên, Thảo Trường nhưng những “người đàn bà có chồng lên núi mấy năm nay” của Y Uyên lại phải chịu đựng một cách khác, dơ dáy một cách khác, bi thảm một cách khác:
“- Ai đó?
Giọng Bích cố thoát ra khỏi hai hàm răng. Một cánh tay vòng lấy lưng Bích chắc nịch.
- Qua đây chớ ai.
Nghe có tiếng nói cất lên, Bích thấy đỡ sợ nhưng xúc động sợ hãi vẫn còn rung da thịt. Bích thấy kẻ ôm lưng mình là một bóng den cao lớn đã chui vào mùng từ lúc nào. Vòng tay đó thắt chặt lại. Một tờ giấy được nhét vào tay Bích. Bích chắc là một tờ giấy bạc và thấy mình bị kéo xuống khỏi giường. Bích vùng đạp mạnh vào Hiền, cố giật người thoát ra khỏi vòng tay sau lưng. Hiền nhỏm dậy hỏi:
- Chi đó?
Vòng tay tự nhiên nới rộng, mở ra. Hiền yên lặng đứng dậy, bước ra điềm nhiên:
- Ông xã đó phải không?
Bích đã hết sợ, ngồi dựa vào góc tường, ngạc nhiên.
- Ai ngủ với em trong đó?
Giọng người đàn ông hỏi uy quyền.
- Bạn em đó.
Người đàn ông im lặng một lát rồi Bích thấy Hiền như bị ôm sát.
- Bữa nay có bạn em…
- Bạn em thì sao?
Bích thấy Hiền bị nhấc bổng ra khỏi mùng, theo bước chân người đàn ông ra khỏi cửa. Một lát, bên giường chị Hiền có tiếng trở mình. Bích thấy chị rón rén bước sang giường mình. Bích hỏi:
- Chuyện gì đó chị Hai?
Người chị Hiền ghé ngồi vào mùng, nhỏ giọng:
- Còn chuyện chi nữa.
- Hiền nó đi với người đàn ông đến đâu?
- Ra ngoài hiên chớ đâu.
Bích ngạc nhiên:
- Cha đó vào bằng lối nào kìa?
Mùi khế úng lại thoảng vào trong mùng. Bích nghe như có một giọng đáp từ xa:
- Nhà này có khác chi nhà ông xã”.
(Bên Ngoài Khán Đài)
Hình như ông xã của Y Uyên và tay du kích của Thế Uyên làm cho chiến tranh thêm đậm mùi hơn, cái “mùi khế úng” bay vào chỗ tận cùng của thánh thiện và dơ bẩn nhất của cuộc đời này?
Đó cũng là nỗi lo sợ vu vơ, những hoài nghi vu vơ ngay chính bản thân mình và cho người khác trước cuộc chiến ngày một lan rộng, dữ dội:
“Chiêu hỏi:
- Chừng nào anh vô lại SàiGòn?
Mường ngạc nhiên:
- Anh không có ý định đó.
Chiêu giận:
- Anh giấu em.
(…)
Chiêu quả quyết:
- Có tin những điều anh nói không?
- Không.
- Thực may cho anh. Chính anh cũng không hiểu phải nói gì với Chiêu.
Chiêu bật khóc. “Anh khinh em”. Mường yên lặng thấy mình ngây ngô.”
(Gió Cuối Năm)
Làm sao mà Chiêu không “bật khóc” và Mường không “ngây ngô” khi sự chờ đợi của người thiếu nữ là sự chờ đợi mỏi mòn và anh Mường mới giải ngũ không thể tự định đoạt nổi số phận chính mình, huống hồ đèo bòng “thứ tình yêu mới lớn của Chiêu”? Rồi những chị Bước (Chiều Trong Làng), Kiều (Miền Không Vết Chân Người) vẫn cứ nhẩn nha giữa những tai hoạ đang vây bủa chung quanh, giữa một vùng cát tị nạn ngui ngút những căn lều tạm bợ, ở đó hai vợ chồng một nông dân, một thợ dệt cứ lo ngay ngáy sao cho chiếc giường không kêu “rắc rắc” như chiếc giường của vợ chồng Hai Bát kê ngay bên cạnh. Đó, chiến tranh dưới ngòi bút Y Uyên nó mò sát tới chân giường của đôi vợ chồng nghèo. Rõ ràng ông không hề tưởng tượng hay nghe kể lại, mà chính ông đã “tận mắt ngắm nhìn” một cách cẩn thận để chia sẻ! Bởi hàng ngày ông đụng mặt với nó, bởi những nhân vật kia là phụ huynh của những đứa trẻ anh đang dạy dỗ, là những hàng xóm trong khu nhà trọ, ông chủ quán nấu cơm tháng…
Đến như Bão Khô, một trong số ít truyện ngắn được đánh giá là hay nhất của Y Uyên, thì không khí chiến tranh càng kinh hoàng, thê thảm hơn. Chiến tranh đang tiếp tục lởn vởn, bay nhảy trên thân thể anh lính lệch vai, trên chiếc khăn tang của người đàn bà, những tờ sấm truyền tụi học trò ngồi trong lều chợ buổi trưa, chép chuyền tay nhau, là chiếc xe đò Vạn Hưng bán đồ uống cho Mỹ, là người lính Mỹ ngủ gà gật bên thềm chợ, mấy người đàn ông ăn bánh tráng, bà chủ quán mặc áo dài đi chân đất, là hai người đàn ông mặc áo xanh của một giáo phái kỳ bí với “những lời sấm bọn học trò truyền nhau chép và họ dường như có một liên lạc vu vơ”… Những nhân vật ấy xoay quanh một ngôi chợ tồi tàn bên kia cầu, hằng ngày ông lên xuống bốn bận đi dạy học. Đâu có súng nổ, đâu có bom rơi, đâu có cảnh quân hai bên xung phong xáp lá cà? Vậy mà nó, chiến tranh hiện ra một cách tàn nhẫn trên từng lời nói, cử chỉ, ngôn ngữ của bao nhiêu con người ấy. Nó làm cho ta quay quắt một nỗi đau không cùng. Và giả dụ như những kẻ cầm đầu cuộc chiến tương tàn này, đọc Bão Khô (cùng những tác phẩm khác của những nhà văn khác), họ sẽ nghĩ gì? Sẽ đẩy cuộc chiến tới mức tồi tệ nào nữa?
Với giọng văn rất bình thản, ông dẫn người đọc đi dần vào thế giới đau thương, tan tác đó bằng những tấm bảng hiệu “Laundry number one” trước hiên quán, hoặc “Refreshment” bên hông xe ba bánh, đến khi người lính lệch vai xuất hiện trên khu chợ, hỏi thăm chiếc xe đò Vạn Hưng phủ kín tấm màn màu đỏ sặc sỡ:
“Người lính nhìn thằng bé lê trên mặt đất với cái mẹt trước mặt.
- Mầy có biết mấy người con gái bán trong xe đó không?
Thằng bé lắc đầu chỉ cho người lính thấy vùng đất bên dưới dốc ngổn ngang những vệt bánh xe.
- Làm sao thấy mà biết. Cửa xe có vải đỏ che kín, đậu dưới đó ai mà dám xuống.
- Con đĩ.
Tiếng người lính nguyền rủa giận dữ. Anh ta bỏ đi vào phí chợ”. (Bão Khô)
Người đàn bà ấy là ai, đi đâu, làm gì?:
“Nỗi sợ hãi thiệt không hình dạng. Đột ngột như cái rùng mình của một cơn say. Anh không muốn hỏi, muốn nghĩ gì cả. Anh không muốn. Người đàn bà chết thảm đó không thể là vợ anh được. Nó đang giấu mặt trong trong chiếc xe đò Vạn Hưng đó… Anh gục xuống với nỗi sợ hãi chập chờn trước mặt. Cánh tay cổ tròn vạch lên tường ngày gà khởi ấp vẫn hợp với người đàn bà gánh lúa, gánh thóc lúc chồng vắng nhà hơn. Những lời đồn đãi về vợ anh, từ trước tới giờ cuối cùng anh vẫn thấy gần lòng tin nhất. Vợ anh ngồi sau tấm màn đỏ theo lời đồn và chết lúc gánh gạo theo trí tưởng tượng mơ hồ và có lý như nhau” (sđd).
Và người đàn bà thứ hai trong truyện này:
“Từ dưới bãi cát người đàn bà khăn tang trở lên, hai ống quần ướt và quệt đầy bụi. Người lính hỏi bà chủ quán:
- Chồng chết?
- Chết mìn hôm trước đó. Một cái xe Lam, một cái xe nhà binh, chết sáu mươi mấy người.
- Kiếm chi dưới đó?
- Cánh tay có mang cà rá của chồng. Lúc điên, lúc tỉnh, lúc dại, lúc khôn, biết sao mà tin.
Người lính lầm bầm chửi tục, trề môi:
- Chồng chết lấy chống khác, mắc mớ chi mà điên” (sđd)
Và kết thúc truyện:
“Bằng những bước đi dài và nhẹ, chị ta khom người từ từ vào sâu lòng chợ, nơi có một con chó không chạy vào lều, ngồi cúi đầu gậm một khúc xương. Người lính say mửa một hồi lại gục xuống mặt bàn, người như chúi về một phía.
(…) Có một giọng đàn bà lẫn với tiếng gió ở sau tấm liếp như tiếng mẹ thằng bé. Nó nhìn lên mặt lộ. Trên con đường lổn nhổn đá xanh dẫn lên trên đó, người đàn bà có khăn tang nhẩy qua nhẩy lại, rượt theo một con chó ngậm trong mồm một khúc xương” (sđd ).
Cái khúc xương mà con chó ngậm trong mồm có phải là cánh tay người chồng chị đàn bà mang khăn tang bị mìn nổ banh xác? Hay đó là khúc xương người phụ nữ có cổ tay tròn ghi ngày gà khởi ấp trên tường (cũng bị mìn nổ) chết đâu đó? Chị ta là nhân vật chỉ xuất hiện trong truyện qua những dòng suy nghĩ của anh lính lệch vai, hay của người đàn bà đang tìm kiếm xác chồng? Rõ ràng người lính lệch vai không mong chị chết, nếu đổi cái chết ấy với chuyện chị ngồi trong chiếc xe đò Vạn Hưng vẫn hơn. Nỗi nhục nhằn buộc phải chứng kiến cảnh nhớp nháp của vợ với những người lính ngoại quốc trong chiếc xe đò phủ vải đỏ sặc sỡ vẫn làm người lính yên lòng hơn là vợ anh chết thật sự, chết đâu đó mất xác như cái chết của chồng người đàn bà khăn tang kia!
Trong lối ví von, so sánh, Y Uyên đã đẩy tới tận cùng sự tan nát, đớn đau: thà làm đĩ, có nhơ nhuốc thật, nhưng còn sống vẫn hơn là chết bờ chết bụi!?
Rồi chỉ với một khúc xương trong mồm con chó, Y Uyên đã vẽ ra một cảnh thê lương, hãi hùng của chiến tranh đang phủ chụp xuống, không chừa một ai: Nỗi đau chết trận và nỗi đau của sự mất mát, chịu đựng không cái nào nhẹ hơn, bởi một đằng là tức thì với cảnh banh ruột máu me đầm đìa, một đằng kéo dài âm ỉ đau, âm ỉ khổ nhục… Cả hai vẫn thế.
Những người phụ nữ bình thường ở nông thôn, dưới ngòi bút Y Uyên luôn phải mang trên vai những gánh nặng khổ ải nhất trong thời chiến. Chiến tranh không nổ ra ngay tại những toà dinh thự lộng lẫy của các lãnh tụ hai phía, mà diễn ra khắp cùng các làng mạc ở nông thôn, xua đẩy những nông dân xác xơ chạy lánh nơi an toàn ở thị xã, thị trấn. Và như vậy, buộc họ phải coi trọng cái ăn. Những người đàn ông không thể về vùng quê xôi đậu để mang lúa lên sống chờ chiến tranh kết thúc như anh Hai của Bình, mà là người vợ, chị Hai. Chuyến về lấy lúa ấy, chị mất tích luôn. Chị đi đâu? Làm gì? sống chết? Toàn là những lời đồn đại không thể kiểm chứng:
“… Bình lấy giọng bình thường bảo anh:
- Anh giận hoài chị Hai, tội quá. Chị có chịu khổ như vậy cũng vì phải về lấy lúa lên sống.
- Không nói nữa, mệt quá. Nó nhơ nhuốc, độc ác như con cú mèo.
Bình phủi lớp bụi bám trên vai áo da, kiên nhẫn:
- Anh chị dù sao cũng sống với nhau bảy tám năm rồi…
- Nó đi Nha Trang rồi…
- Anh gặp chị hồi nào hay chỉ nghe nói?
- Cả xã Đại Tùng người ta biết nó. Nó bắt một đứa nhỏ mồ côi đi theo để ăn mày cho dễ (…) Đầu nó bào nhẵn như đầu thầy chùa. Nó băng qua bãi cát mà ra biển. Tới gốc cây đại thọ nó mang thằng nhỏ vào cái hang rễ cây, cầm xương rồng khô đốt cháy mà trui mặt mũi, chân tay thằng nhỏ. Muôn đời nó không dám về cái xứ này nữa.
- Người ta bày đặt, anh chớ có tin … Anh gắng để ý kiếm chị một chút.
- Kiếm để ăn đạn, ăn mìn sao? Không nói nữa, mệt quá”
(Mùa Xuân Mặc Áo Vàng)
Đó, chiến tranh đi qua truyện Y Uyên bằng thứ đạo đức xổ dốc, bằng những nhân cách lạnh lùng, bằng sự ích kỷ, sợ sệt bám riết theo các nhân vật. Họ có nhau, là của nhau, nhưng luôn chia lìa, xa cách trong những ý nghĩ hoang mang tột độ; hoang mang với bản thân và với chồng vợ. Hành động của anh Hai, chị Hai không thuộc về bản chất, nó thuộc về một thế giới khác, thế giới của hữu hình và vô hình trộn lẫn để đẩy con người ta vào hóc kẹt tối tăm làm người. Cái thế giới trộn lẫn ấy chính là điều Y Uyên muốn nói đến, nhắc đến, bởi hàng ngày ông đi qua,ông nhìn thấy, chứng kiến, sờ đụng…
Chiến tranh cùng khắp, ồn ào và không ồn ào, nổ chát chúa và nổ bùm bụp trong cõi lòng. Nổ tung từ vùng nông thôn lan tận rìa thành phố, đâu đâu cũng là sự nhớp nháp của chiến tranh, đẩy con người từ già trẻ gái trai tụt dần xuống miệng hố đen ngòm. Trong hàng triệu con người nhếch nhác ấy, Y Uyên dựng lên một nhân vật có thật, nhếch nhác hơn thế: ông Mịch. Ông muốn bảo vệ cho thứ luân lý, đạo đức, trật tự có sẵn, ngay thẳng, trong sạch nhưng bị kết án là: “Ông già làm bộ giả điên để chửi tất cả cho sướng mồm” (Đuốc Sậy). Ông Mịch ca ngợi Tán Thuật, gây sự với lính Đại Hàn, chửi người lính già commando, theo đoàn người biểu tình chiếm Ty Tâm lý chiến, ”ông kéo lùi chiếc xe díp của một thiếu tá, giữ lại cho mọi người chất vấn, ép phải hô lớn “Mẹ Việt Nam bất diệt! Tổ quốc Việt Nam muôn năm!”. Ông tiếp tục gây sự với mọi người và kêu gào mọi người hãy tham gia vào việc thiết lập trật tự đạo đức bị chà đạp, xuống cấp nghiêm trọng:
“Ông túm lấy một người con gái đội mũ nan chóp nhọn, chỉ vào mặt:
- Bọn mầy ở mấy cái xổng chở đĩ tới đây hồi hôm?
Người đàn ông lùi lại kêu lắp bắp:
- Ông không có quyền…
(…) Ông Mịch lùi vào bức cửa sắt đóng kín, hai tay dang ngang, hét lớn “đồ đĩ, đồ đĩ của Mỹ. Tao phải giết hết”. Ông vỗ vào cánh tay, vén ống áo lên tới nách lúc tiến lúc lùi, thủ thế” (ĐS).
Theo sát những hành động và những lời chửi bới điên khùng kia là cảnh: “Bọn người ở dưới làng lên ngủ nhờ bắt đầu đông. Họ vào nhà, cất nón cất xe, hỏi thăm Sương nhưng không ai lên lầu gặp ông Mịch. Họ ra trước cửa ngồi la liệt dưới mái hiên trên hè đường ồn ào nói chuyện” . Nhưng chạy đàng nào, đi ngủ nhờ đàng nào rồi họ cũng nhìn thấy: “Đạn lửa đỏ rực lừng lững nối đuôi nhau, bay trên cánh đồng, ngang qua mặt quốc lộ ngoài kia”. Và rồi mọi chuyện cũng phải kết thúc bởi đạn bom không chừa một ai, ngay cả người hô hào sự công bằng, đạo đức, lên án mọi phi nghĩa đang bày ra nhan nhản trước mặt: “Những chiếc khăn trắng nhờ nhờ trải đầy trên mặt cát. Ông Mịch đã bỏ đi, đứng cách đó khá xa. Người ông cũng nhuộm màu mây đỏ. Sương thấy ông chậm rãi nằm úp tai xuống cát. Chiếc mũ sắt cắm vục xuống nom đen đủi, tròn bóng. Chắc ông lại nghe xem đoàn quân Tán Thuật lại gần hay chưa?”. Những dòng cuối cùng để kết thúc truyện Đuốc Sậy là sự gãy gập đoạn trường bởi những biểu tượng cho lòng ngay thẳng, thanh tao, mọi giá trị nhân bản cũng đều gục ngã theo ông Mịch “người ông cũng nhuộm màu mây đỏ”.
Từ những người nông dân chạy loạn, đến ông trí thức giả điên hay điên thật đều được phơi bày một cách trần trụi, bình thản như những tấm lưng cong oằn chịu đựng, như cơn giận bốc lên bất ngờ của ông Mịch. Nhưng những số phận heo hắt đó, đâu chỉ dành riêng cho những người “nhà quê”. Nó còn đè nặng và hơn hết là cảnh sống mỏi mòn chờ đợi của những công chức là các thầy giáo trong ngôi trường ở quận lỵ miền núi, ngày đến lớp, đêm cùng học trò ra trốn ở các lùm bụi rậm, chỉ cách thị xã không bao xa: “Những người dạy ở An Bình tuy cách thị xã cả ba bốn chục cây số, tuy rất dễ gặp một ổ phục kích, một trận đánh, một trái mìn giữa đường, nhưng đường về thị xã còn có thể đi lại được. Ở đây thì hoàn toàn cô lập” (Những Ngày Cuối Năm Trên Miền Núi).
Bởi “đường bị cô lập”, nên những Huỳnh, Ngưỡng, Phan… vẫn còn kẹt tại nơi đèo heo hút gió này, ngóng đợi từng chuyến trực thăng bay về thị xã, với những tâm trạng nôn nao trong những ngày giáp tết để rồi ngày hai bữa vẫn phải ngồi vào bàn ăn: “Vẫn đĩa trứng thường xuyên, vẫn hai bát rau muống chẻ, một khúc cá và ba tô canh bầu hạt tổ bự”. Ngày ngày vẫn phải tới lớp, tối vẫn phải chui trốn với lũ học trò, vẫn phải chứng kiến cảnh: “… có đứa nghỉ hôm trước, hôm sau gửi cho thầy một lá thư đầy lỗi chính tả hẹn ngày “giải phóng”cho thầy”. Và một đứa học trò khác với Ngưỡng: “Thưa thầy em muốn xin rút lại hồ sơ… Em muốn xin thôi học lấy lại hồ sơ để…đi biệt kích” – “Đi biệt kích?” Ngưỡng lạ lùng. “Nhỏ như em làm sao đi lính?”. Thằng bé tự tin: “Em đã hỏi cẩn thận rồi. Cứ lên gặp họ, nói không có chỗ trốn Việt Cộng, họ nhận liền”. Hai đứa học trò bậc tiểu học, một đứa lấy lại hồ sơ để “giải phóng” cho thầy, đứa kia xin đi biệt kích, chỉ vì “không có chỗ trốn Việt Cộng”!? Thử hỏi còn cảnh nào bi thương hơn? Chiến tranh là thứ gì mà nó bóp nát những quả tim bé thơ dưới ngòi bút Y Uyên đến vậy?
Mối tình với cô giáo Diệu không thể nào xoá đi cảnh “bốn chiếc oanh tạc cơ bay thành hình bầu dục trên rặng núi trước cổng trường” trong buổi lễ cuối năm.
“Những chiếc máy bay sà xuống thật thấp, lao vút vào những cột khói đen sậm ở chân núi. Những trái rockets như những cái chầy bạc lấp lánh dưới nắng tới tấp phóng xuống trước nền rặng núi xanh đậm. Đất rùng rùng từng đợt dữ dội. Bọn trẻ nhao hướng về phía đó”. (NNCNTMN).
Các nhân vật “học trò” kia không rõ chúng có thực hiện điều mà chúng nói, viết thư cho thầy giáo Ngưỡng hay không, nhưng những toan tính buổi đầu của chúng là sự dã-man-đến-tận-cùng của chiến tranh. Nó không chừa một ai, không dung tha một ai. Tất cả đều bị cuốn hút vào guồng máy súng đạn khổng lồ, căm thù chất ngất, phi lý đến cùng cực, bởi nó không có hình thù, mặt mũi, chân tay mà lại có thể bất ngờ siết cổ họng anh đến ngạt thở, đưa tay moi móc ruột gan mọi người banh ra ngoài, chiến tranh không có giấc ngủ… : “Chiến tranh và nỗi khổ hỗn độn xung quanh như không trộn lẫn được những người công chức thị xã với người dân nạn nhân. Những đêm nghe bom, đại bác dội về rung cả cánh cửa, anh thấy chiến tranh không có giấc ngủ. Nhưng lúc nom những xác người nằm trong một căn phòng nhà thương, anh lại thấy chiến tranh gồm toàn những giấc ngủ triền miên, anh chẳng thể hỏi han như hỏi han bà hàng vịt lộn” (BênNgoài Khán Đài).
Mới hôm nào anh còn là trí thức trên giảng đường đại học, ngoảnh một cái, anh chui tọt vào vòng xoáy chiến tranh, đánh mất tất cả mọi niềm tin: “Tôi chạy đến thì anh tôi đã bỏ đi. Một đám đông bu trước tiệm nước. Chiếc khăn bàn anh tôi ngồi rũ xuống một góc được giữ lại bằng một lưỡi dao ngập trên bàn” (Có Heo May Hà Nội). Hành động của anh chàng đã từng “cắp nách những cuốn triết hoặc cần cù tô từng nét chữ Hán cho đậm nét” kia giờ đã là người lính bất đắc dĩ. Chuyện giận dữ vô cớ cắm lưỡi dao trên bàn, chuyện cãi nhau với mẹ, chuyện xin phép đơn vị về đám giỗ… chỉ là cái cớ để anh trút tất cả nỗi thất vọng, hoài nghi của thế hệ mình vào lớp trí thức sa lông như chú anh (chồng của cô ruột) vẫn cứ hăng hái nói về những lý tưởng, nhớ nhung quá khứ, những người thuộc thế hệ quá khư đều là những anh hùng, sẽ cứu lấy đất nước rách nát, xác xơ này và nhìn ngắm lũ trẻ như là bọn vô tích sự. Và rồi bọn trẻ kia cũng đâu chịu lép vế, họ cũng vùng lên, phản kháng yếu ớt:
“Tao không chịu được những bộ mặt trí thức thất bại lộ ra cả trrong việc theo vợ đi ăn giỗ, nói chuyện thời thế và Hà Nội. Họ khôn khéo ăn nói những thứ mọi người đang thích ăn thích nói để che lấp nỗi nhớ tiếc vốn là mầm sống của họ. Họ không nhớ một mình Hà Nội, cũng không nhớ Hà Nội như tình cảm của một chiến bại, hoặc cao hơn,, một nỗi nhớ cần nhiều cố gắng thực tại để bù đắp sự thất bại còn dây dưa chưa biết đến bao giờ. Họ còn thương nhớ cả những nếp suy nghĩ của mình nữa. Trước tình thế này, họ nên khuất mắt, đừng lẩn quẩn bên chân những người vừa mới lớn lên đã phải nhào vào chống đỡ những sụp đổ do họ gây ra” (CHMHN).
Người chú trí thức (chồng của bà cô ruột), người anh trí thức đang vào lính (anh của nhân vật xưng tôi), hai thế hệ khác nhau cùng sống trong một giai đoạn lịch sử đầy bấc trắc, biến động và cùng có những ảo tưởng khác nhau về cuộc đời, số phận, về trách nhiệm, bổn phận… trước lịch sử, một lịch sử trong thời kỳ mọt ruỗng, một đất nước trong thời kỳ mọt ruỗng, một bên hiển hiện rõ ràng bằng máu và nước mắt, khăn tang, một bên là những hoài niệm về một thời vàng son của cả dân tộc cùng đứng lên kháng chiến:
“Những ảo tưởng về tương lai tuy chua xót, nhưng bao giờ cũng đáng phấn khởi hơn những ảo tưởng về những chuyện đã qua, dù đẹp những tình và chết như bóng thím Hương trên bức tường hoa, bên những trụ gạch dát hình rồng phượng bằng các mảnh sành mảnh sứ” (CHMHN).
Vâng, con rồng con phượng chỉ là hình tượng đẹp trong trí nhớ mọi người. Còn những mảnh sành sứ là có thật, là những mảnh vỡ được ghép lại!
Chiến tranh đi qua tác phẩm Y Uyên thực không rõ ràng, không hình dạng, bị băm vằm ra từng mảnh. Khi đọc, ta gặp chỗ này một chút, chỗ kia một ít, nhưng khi gập sách lại, chắp nối các chi tiết tác giả đã mô tả, dẫn dắt, bày tỏ thì mới thấy hết phía sâu thẳm tận cùng, bên trong. Có lẽ đây là điều gây khó chịu cho người đọc, làm cho người đọc không thích truyện Y Uyên nhưng vẫn phải đọc, đọc để tìm ra điều tác giả gây khó chịu ấy. Ví như truyện dài Ngựa Tía, những nhân vật Thừa, bốn Phây, Diễn, thằng Mạnh, Thu, Thương… xoay vòng vòng những tâm trạng thấp thỏm âu lo cho công việc, số phận: Thừa trở lại quê nhà tạm nghỉ để chờ chuyến đi tiếp chỉ có thể nhìn thấy cuộc chiến qua hình ảnh của người cha và con ngựa tía; như Thương, một thiếu nữ đầy bất hạnh mang lời ca để vỗ về những người cầm súng hôm qua ở bên kia, hôm nay ở bên này; như ông Phước Hải nuôi chim yến làm giàu và qua hình ảnh ông, người ta như nhìn thấy những kỷ niệm của chính mình do ông cất giữ như một cái bảo tàng, bảo tàng của kỷ niệm, bảo tàng của thứ tình cảm riêng tây?… cùng hàng loạt những nhân vật khác. Tất cả đều xoay vòng vòng đến khó chịu, như câu ca dao anh dẫn ra:
“Con ngựa tía ăn quanh đèo Cả
Vầng nguyệt đêm rằm bóng ngã về đông…”.
Trong Ngựa Tía, chiến tranh đi qua đời sống mỗi nhân vật như một định mệnh oan khốc của chính mính, bắt đầu từ làng quê, vùng ngoại ô, rồi lan xuống thành phố vây chặt lấy số phận họ và từ lúc nào nó bùng vỡ ồ ạt mà không ai hay. Tất cả đều lạc lõng, đều bơ vơ trước một nghịch lý cay đắng nhất. Những người trẻ tuổi trong Ngựa Tía như Thừa, Diễn… là những người có số phận buồn thảm nhất. Buồn thảm đến độ bi hài như chính lão chủ quán cơm:
“Ở quầy hàng, một người lính trẻ tuổi gây gỗ với gã chủ tiệm vì gã bắt quân nhân phải đóng trước tiền nửa tháng cơm. Gã chủ tiệm một mắt méo mồm, vận bộ bà ba trắng mặt nhô sau quầy, như không phân giải, không cãi lý, chỉ căng rộng mồm kêu: “… trận núi Sầm vừa rồi, bẩy người không trả tiền cơm, trận Đồng Leo năm người, bữa mìn nổ ở cây số 3 cũng mất hai người nữa, tôi không thể dễ dãi hoài như vậy, tôi không thể dễ dãi, dễ dãi tôi chết cả nhà tôi, tôi không thể…, trận Long Biền mất bốn, trận…” (Ngựa Tía, trg 55).
Đọc đến dòng cuối cùng của trang cuối cùng, người đọc không hề tìm thấy chiến tranh nổ ra, quân hai bên đánh nhau khủng khiếp như những bài bút ký của Phan Nhật Nam, những truyện viết dưới hầm, bên trong lô cốt của Trần Hoài Thư… Vậy mà, sao nó cứ đeo bám nhùng nhằng trên vai mỗi người có mặt trong truyện? Phải chăng vì, như Thanh Tâm Tuyền đã nhận xét về anh: “Y Uyên đã hội đủ những điều kiện để trở thành một nhà văn: có một khung cảnh của riêng mình (như Dickens có Luân Đôn, như Dostoievski có St. Pétersbourg), có những nhân vật mà mình yêu mến" (VĂN số 129).
Những nhân vật của Y Uyên chẳng có gì xa lạ, họ không phải là chàng thanh niên và cô thôn nữ của Lê Xuyên ngồi nấp sau bờ ruộng chờ đợi nụ hôn, không phải là các bà mệnh phụ trong những căn phòng lộng lẫy, những thiếu nữ đài các than thở về mối tình sứt sẹo của bà Tùng Long, hay những trí thức sống trong tháp ngà của Mai Thảo…, mà là những con người rất đỗi tầm thường như Bước, như Phon, như Kiểm… Họ ngơ ngác nhìn tai hoạ đổ ập xuống bụi cỏ xác xơ, bụi tre làng cao ngọn lay lắc buồn thảm, những con đường làng trở nên vắng vẻ, âm u. Lúc nào và ở đâu chiến tranh cũng có thể nhìn thấy được, ngay cả trong giấc ngủ, ngay trong câu nói bâng quơ của người nông dân ít học, ít hiểu biết thời sự nhất:
"- Trước, một buổi mai bán ở chợ dưới, hàng bán còn gấp đôi số hàng bán cả hai buổi bây giờ. Chợ chi mà chỉ có người bán.
- Chiến tranh mà chị
- Chiến tranh mẹ gì mà lâu dữ vậy” (Chiều Trong Làng)
Họ, những người nông dân chất phác, quê mùa chẳng thể biết, hiểu được chiến tranh là cái gì. Nhưng nó, chiến tranh, cứ đeo bám bên hông họ, bên mẹt hàng của họ từ ngày này đến năm khác để phải bật ra tiếng kêu “chiến tranh mẹ gì mà lâu dữ vậy”. Chính cái dây dưa cà cuống nhùng nhằng đó mới đẩy một ông Mịch trở thành kẻ điên, đẩy Bước thành một kẻ luôn lo sợ vu vơ, thành một ám ảnh, thành nỗi hoang mang vô cớ và thường trực trong đầu óc Bước:
" Thuở nhỏ Bước sợ ma quỷ bắt về âm phủ... Bây giờ từ miệng một người phu xe qua thôn, từ một thành phố Bước chỉ tin là có vì được nghe phát thanh chốc chốc nhắc lại “Đây là tiếng nói nước Việt Nam phát thanh từ…” từ một ngôi nhà làng… đâu đâu cũng có lệnh cho Bước, ai ai cũng có thể ra lệnh cho Bước. Dẫu Bước không có một căn cứ cụ thể như có bụi cây để nghĩ ma quỷ lẩn quất ở đó là hợp lẽ, bây giờ Bước vẫn phải tin và tuân những lệnh đó và vẫn sợ những trừng phạt kèm theo” (Chiều Trong Làng).
Nhắc lại rằng, trong hầu hết các tác phẩm của Y Uyên, các nhân vật không trực tiếp tham gia hay đối diện với những cái chết kinh hãi, của cảnh bom rơi đạn nổ kinh hoàng, nhưng giữa những đổ nát ấy, giữa cảnh máu đổ thịt rơi đang xảy ra đâu đó xa chỗ họ đứng, họ sống thì chiến tranh vẫn thường trực đè nặng lên người họ, tâm trí họ. Những nhân vật hiền lành như Nhưỡng, một giáo viên, như Diệu người yêu của anh ta, đang đi bên nhau vẫn nẩy ra một cảm giác lo sợ vu vơ, bất an ngay trong ý nghĩ: “Nghe tiếng lá khô loạt xoạt cọ vào nhau liên hồi, Ngưỡng vững lòng. Nếu có người bò trong đám mía, có vấp ngã, những tiếng loạt xoạt cũng át đi, khỏi sợ lộ” (Ngày Về Của Bọn Họ).
Đó cũng là tâm trạng của Hồ, anh cố vượt qua con đèo dài để kịp về sum họp với người thân yêu trong những ngày tết, nhưng anh vẫn cảm thấy như sự bất trắc của bom mìn vẫn chờ chực đâu đó, chờ bước chân anh đi qua, của đoàn người qua đèo mà nổ tung lên: “Một nỗi hoảng sợ đến kinh dị chiếm lấy Hồ. Hồ cắm đầu chạy nhào đuổi theo đoàn người trước mặt. Lúc đã tới chân dốc, Hồ mới nhận ra vẻ hớt hải của mình”. (Mùa Xuân Qua Đèo).
Truyện ngắn duy nhất mà Y Uyên vẽ ra khuôn mặt người lính là truyện Tiếng Hát Của Người Gác Cầu trong tập truyện ngắn Tượng Đá Sườn Non do nhà Thời Mới xuất bản năm 1966. Đó là truyện ngắn có hình dạng, có chân dung của người lính hẳn hòi. Nhưng những người lính xuất hiện trong truyện không phải là những người anh hùng, không phải là những thiên thần, không có cấp bậc, không bao giờ biết ngồi lên xe “díp” là gì. Họ là những người nông dân vào lính, là những bè bạn trong làng vào lính và cầm súng. Chuyện vào lính của họ là đương nhiên, không thể cưỡng lại, đứng ngoài; còn cách cầm súng của họ không phải ra ngoài mặt trận bắn nhau, mà là để đứng gác trên chiếc cầu dài, mặt phải luôn nhìn xuống dòng nước lũ trôi qua gầm cầu, ở dưới đó sẽ có những bất trắc cho tính mạng chiếc cầu, tính mạng người lính và đám đông. Nhưng thỉnh thoảng người lính gác cầu cũng nhìn đoàn xe chạy vụt qua, nhìn chiếc bảng cấm ở đầu cầu xoay đi xoay lại như chính cuộc đời của bọn họ, những thanh niên nông dân, là bạn bè thân thiết nhau. Đó là Nhựt, Thấu, Phon, Đành… cùng vào nghĩa quân. Phon đứng gác trên cầu nhìn dòng nước lũ và nhìn những con bò, ngựa chết trôi sông và ao ước “có tụi nó ngồi nhậu”. Còn tụi nó, tức đám bạn thân của Phon là nghĩa quân ở xã, cũng nhớ Phon nay đã lên quận, đang ngồi nhậu thịt ngựa với rượu đế và nhớ lời ca ruột của bạn: “Cúc Hoa ơi nếu chúng ta còn cách xa nhau vì kẻ tuyền đài người dương thế thì mãi mãi anh còn là kẻ bị đày ải đơn côi trong ngục thất của tâm hồn…”.
Ngày nào cũng như ngày nào, Phon cầm súng đứng trên cầu và nhìn xuống dòng sông đục ngầu, thỉnh thoảng nhìn tấm bảng xoay qua xoay lại và nhìn xuống dòng nước coi có xác con vật nào trôi qua? Cảnh nhàm chán ấy cứ lặp đi lặp lại mãi đến nỗi Phon cất tiếng hát bài ca của đứa bạn đã chết tên Xanh, như một thói quen nhớ bạn bè. Nỗi nhớ cuồn cuộn chảy dưới gầm cầu được Y Uyên miêu tả đến tận cùng sâu thẳm của tâm hồn Phon, phơi trần bản chất đặc sệt nông dân từ trong suy nghĩ đến hành động. Con người cùng khổ ấy chỉ có mỗi một ao ước cháy bỏng là được nhậu một bữa cho ra nhậu. Những giọt nước mưa bám trên mặt mũi anh cũng gợi một sự liên tưởng, như một nỗi ám ảnh không nguôi: “Phon ước những giọt nước mưa trên môi mình là rượu. Phon vuốt mặt, nhô ra khỏi cây sắt”. Sự ám ảnh ấy, lại còn dính chặt tầm mắt Phon theo xác con vật trôi trên sông: “Con vật trôi mau. Tựa bụng vào thành cầu, Phon cúi xuống nhìn. Chiếc đầu với hai cái sừng nhô lên một lần nữa. Con vật chắc mới chết. Lúc Phon ra gác cầu, trận đánh mạn trên sông mới bắt đầu. Phon chắc nó cũng trúng đạn như con bò tuần trước trôi qua đây (…) Phon bứt rức lắng tai xem có tiếng động nào chứng tỏ con vật còn đang ở dưới chân cầu. Chỉ có tiếng nước xoáy.
- Nó đã bị kẹt vào dây kẽm gai”.
Cái nhìn thấy, sự suy nghĩ của người lính dưới ngòi bút Y Uyên vẫn nguyên hình là những anh nông dân chất phác, thật thà, không chỉ riêng mỗi một nhân vật Phon mà còn cả những nhân vật khác, là bạn thân của Phon đang là lính nghĩa quân dưới làng: “Không phải thịt con ngựa hồi hôm đâu anh Năm. Lòng ngựa xổ cả đống lẫn lộn với lòng Cai Bốn, ai mà dám ăn”. Những người lính nông dân đi cầm súng chỉ để cầm súng, chỉ để ước ao điều mình chưa đạt tới “ngồi trên xe thiết giáp chạy qua bên kia quận” như cách rông chơi chứ không phải đi đánh nhau, và hơn hết: ”Một đùi thịt bò còn nóng máu, một xị rượu lúc đã thay quần áo khô, có lẽ không còn điều gì đáng ước ao hơn thế. Tay Phon nhiều lúc đặt trên cán dao bên thắt lưng. Một đùi bò, một xị rượu…”.
Bóng dáng chiến tranh trong hầu hết các truyện ngắn của Y Uyên là sự chập chờn qua dòng suy nghĩ, là lời kể lại, là nhìn thấy một sự khôi hài rất khôi hài, ví như chính trong truyện này, ông đã mô tả lại cảnh cãi nhau giữa hai thiếu uý ngồi trên xe “díp” và những người ngồi trên chiếc M113 ở giữa cầu, để anh lính gác cầu là: “Phon ngẩn ngơ nhìn theo, nghĩ thầm:
-Mỗi ngày gặp một vụ như vậy có khi đỡ sầu”.
Người lính gác cầu buồn vì xa làng, xa bạn, xa những cuộc nhậu, đêm ngày chỉ quanh quẩn bên chiếc cầu dài hun hút, nhìn tấm bảng quay qua, quay lại, nhìn đoàn người xe qua lại một chiều như thể khắc chạm trong đầu anh nỗi buồn thật sự. Đó là những tai ách làm anh và đám bạn anh phải xa nhau, phải buồn.Và rất hiếm hoi, anh mới có chút hăm hở để thấy mình thật sự là mình như từ trước khi vào nghĩa quân: “Nắng lộ dần trên các vòm cầu. Cánh cửa đóng im ỉm ở đầu nhà ga bật mở. Người con gái sang ngủ ngày với Trưởng đồn nắm chiếc khăn tay đi ra, bước lên một chiếc xe Lam-bét-ta. Phon nắm một con dao, bước xuống bờ sông” (THCNGC)
Đó là mấy dòng cuối cùng của truyện Tiếng Hát Của Người Gác Cầu khép lại một cách lạnh lùng, bình thản như chiến tranh bình thản đi qua trên mỗi số phận, mỗi cuộc đời.
Và rồi khi Đành ở lại xã, đôi bạn nghĩa quân nhớ nhau, Đành đã lên quận tìm Phon đang đứng gác dưới mưa. Mẫu đối thoại giữa đôi bạn thân thật ra không có gì đặc biệt đáng lưu tâm, nó vô vị nhạt nhẽo như nhận xét của nhiều người, đôi lúc có cảm tưởng như anh cố tình kéo dài ra lấp đầy trang. Mẫu đối thoại không đâu vào đâu, không ăn nhập gì tới sự nhớ thương nhau cả:
“Phon giơ tay vẫy, chân bước sang mạn cầu bên kia chờ bạn. Đành hất mặt lên cười với bộ mặt bóng nước. Hắn đạp xe lên, dừng trước mặt Phon, chân phải đặt trên đường dành cho bộ hành.
- Mạnh giỏi mầy?
- Mạnh. Có chuyện chi đó?
- Có chuyện chi đâu.
- Rảnh chuyện vậy na.
- Ờ, tụi tao mà.
Phon sờ vào chiếc áo lụng thụng của bạn:
- Tụi mầy xếp thiệt.
Đành liếm nước quanh môi, nghe những tiếng súng từ vùng núi đầu sông vọng xuống.
- Vậy là đỡ rồi. Chỉ còn có hai tháng nữa mầy đã có lương.
- Bữa đó tao gắng xin về gặp tụi mầy. Nghe nói sau bữa tao đi thằng Năm có chuyện với tụi mầy.
- Nó thông cảm rồi. Bữa thằng con nó chết nó cũng mời tụi tao lại nhậu. Con nó chết được hơn tháng.
- Thiệt tội
- Thằng Thấu nói hay quá nó cũng đỡ sầu.
- Ờ Thấu…
Một chiếc xe ríp phóng vụt qua, Phon quay mặt ra thành cầu
- Cấm nói chuyện trên cầu?
- Cấm.
Đành ngó trước ngó sau rồi vòng xe trở lại:
- Vậy tao về.
Phon dựa lưng vào thành cầu:
- Tao có lời thăm Thấu”
(Tiếng Hát Của Người Gác Cầu).
Chịu khó đọc lại mẫu đối thoại trên lần nữa, ta thấy dường cái vô vị nhạt nhẽo dẫn dần trôi ra khỏi trí óc khi Đành nói “Vậy tao về”. Bình thường, giản dị, cứ y như ta nghe hai người nói chuyện ngoài đời chứ không phải nói trong văn chương. Vậy mà Y Uyên bê vào nguyên xi để ta cảm được cái tầm thường của những người nông dân, ngoài chuyện nghĩ đến ăn nhậu, miếng cơm manh áo, chuyện lo sợ nơm nớp tai hoạ của chiến tranh đổ xuống, nó còn toát lên cái tình, tình bạn chân thành, không giấu giếm, úp mở, khách sáo… và một sự chịu đựng ghê gớm của tầng lớp nông dân đang chạy loạn ở miền duyên hải Trung Phần “Vậy tao về” rõ ràng không phải là sự hờn dỗi. Câu nói tầm thường này là cả một sự dàn trải về lòng nhẫn nại, cam chịu, nhịn nhục xuyên suốt toàn bộ cốt truyện. Cái khó chịu trong phong cách sử dụng chữ nghĩa của Y Uyên là chỗ đó, đồng thời nó tạo cho ông có một bút pháp riêng biệt, không giống ai. Nói như nhà văn Võ Phiến, thì:
“Giữa một văn đàn náo nhiệt, Y Uyên, kẻ nhỏ tuổi nhất, lại nhỏ nhẹ, bình tĩnh, kín đáo. Y Uyên như thể không bao giờ chịu nói hết lời. Chỉ có chuyện băng ngang qua một quãng đồng dưới nắng rồi ngồi lại duỗi cẳng cho con bú, chỉ có xách Solex đi thăm cô bạn cũ một ngày mưa mù, chuyện vãn lai rai rồi chiều lại xách xe về, vậy mà người đọc đọc xong, buông cuốn sách xuống, ngồi lặng lờ, thấy nhạt cả mồm, thấy ngao ngán. Đời không là thành sầu bể khổ gì ráo, đời không phi lý không hữu lý gì cả, không làm ai buồn nôn lợm giọng gì cả …
Nhưng cuộc sống sao mà … nhếch nhác một cách … “tự nhiên”, làm ta rùng mình. Một nỗi buồn nhẹ nhàng cứ lặng lẽ thấm dần, liễm dần vào hồn ta như mưa bụi lặng lẽ thấm ướt cảnh vật một chỗ quận lỵ.
Truyện để lại một âm vang xúc động tựa như thơ.
Cái ma lực của một phong cách văn chương. Ghê thật.”
(Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, trg 1856, NXB Văn Nghệ, Hoa Kỳ 1999).
Nhà thơ Viên Linh, người rất kiệm lời trong việc khen chê, vẫn phải thốt lên khi nhận xét về một nhà văn trẻ, tài hoa này:
“Y Uyên là người viết về chiến tranh hay nhất mà tôi được đọc.” Câu nhận định ấy về một tác phẩm mong manh của một tác giả trẻ lần đầu có sách xuất bản, là một câu nhận định rất táo bạo. Tác phẩm Y Uyên còn dang dở, một dang dở không ai tiếp tục nổi, bởi anh là người mang chiến tranh vào văn chương như mang một hình bóng ám ảnh thầm lặng nhưng ray rứt, xao xuyến, nặng nề, dài dặc trầm trầm mòn mỏi mãi mãi không kết thúc.
Y Uyên không viết về chiến tranh “chó má” với những nhân vật không biết làm gì hơn là văng tục của những tác giả viết văn như viết phóng sự, viết hoạt cảnh sau này... Chiến tranh trong tác phẩm Y Uyên kéo khán giả đó vào chụp vào mũi hắn ống hơi bình dưỡng khí, và hắn cảm thấy ngay áp lực điều-kiện-hóa giữa hai lá phổi. Nhà văn không đi trước để làm chứng nhân cho những phán xét sau này, nhà văn đi trước để được sống sót, cho dù có trở thành nạn nhân và dù đã chết”
(Viên Linh, Những nhà văn chết trẻ, Người Việt Online)
26 tuổi với 7 tác phẩm đã được đón nhận như một nhà văn có cá tính, chân tài đã gây xúc động cho biết bao độc giả yêu mến ông, bạn bè, người thân khi ông nằm xuống bên dòng suối dưới chân núi Tà Dôn. Và, 35 năm sau, kể từ ngày ông bỏ bạn bè, rong chơi ở cõi “đời” khác, đọc lại những truyện ông viết về một thời loạn lạc, tôi vẫn thấy sự loạn lạc ấy chưa hề chấm dứt như điều đã từng dằn vặt ông “chiến tranh mẹ gì mà lâu dữ vậy?”. Vâng, “Quê Nhà” ông vẫn chưa thật bình yên, mọi người ở quê nhà vẫn là hình bóng con Ngựa Tía chạy quanh Đèo Cả của ông…
Nguyễn Lệ Uyên
l’ Aveyron , tháng 11-2004
Trích Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay Tập I (Thư Ấn Quán, HK, 2010)
Nhà văn Y Uyên
(Họa sĩ Duy Thanh vẽ)
Tên thật Nguyễn Văn Uy, sinh năm 1943 tại làng Dục Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Năm 1954 cùng gia đình di cư vào Nam, cư ngụ tại Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.
Tốt ngiệp trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn năm 1964, dạy học tại Tuy Hòa. Năm 1968 động viên khóa 27 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Mãn khóa chuyển về đóng tại Nora, Phan Thiết. Không lâu sau đó bỏ mình trong trận phục kích bên dòng suối dưới chân núi Tà Lơn, Phan Thiết ngày 8.1.1969
7 tác phẩm đã xuất bản, ghi dấu một phong cách viết riêng biệt và được coi là cây bút viết về chiến tranh hay nhất thời bấy giờ.
Tác phẩm:
- TƯỢNG ĐÁ SƯỜN NON, tập truyện (Thời Mới 1966)
- BÃO KHÔ, tập truyện (Giao Điểm 1966)
- QUÊ NHÀ, tập truyện (Trình Bày 1967)
- NGỰA TÍA, truyện dài (Giao Điểm 1967)
- CHIẾC XƯƠNG LÁ MỤC, tập truyện (Tân Văn 1968)
- ĐUỐC SẬY, tập truyện (Văn Uyển 1969)
- CÓ LOÀI CHIM LẠ, tập truyện (Tân Văn 1971)
- Trần Thị NgH, viết: xạo ke , vẽ: cà rỡn Nguyễn Lệ Uyên Nhận định
- Thơ Phương Tấn Là Đồng Vọng Những Đau Thương Của Dân Tộc Nguyễn Lệ Uyên Nhận định
- Thơ Nhã Ca, một vài tư liệu nhỏ Nguyễn Lệ Uyên Nhận định
- Cảnh Cửu Và Sự Cô Đơn Đến Tận Cùng Nguyễn Lệ Uyên Nhận định
- Như Mới Hôm Qua Nguyễn Lệ Uyên Hồi ức
- Gia Tài Của Võ Hồng Nguyễn Lệ Uyên Tham luận
- Cát Bụi Mệt Mỏi, Bản Giao Hưởng Định Mệnh Của Nguyễn Đức Sơn Nguyễn Lệ Uyên Nhận định
- Tình Muộn Nguyễn Lệ Uyên Truyện ngắn
- Chinh Ba – Đi tìm tự do qua chiếc xương cụt? Nguyễn Lệ Uyên Nhận định
- Bên Ngoài Hàng Rào Nguyễn Lệ Uyên Truyện ngắn
• Chiến tranh đi qua những truyện ngắn của Y Uyên (Nguyễn Lệ Uyên)
• Núi Tà Dôn và dấu chân Y Uyên (Lê Mai Lĩnh)
• Tưởng Nhớ Y Uyên (1943-8.1.1969) (Nguyễn Lệ Uyên)
• Y Uyên, văn chương của một cuộc chiến (Viên Linh)
• Nhớ Y Uyên (Trần Phong Giao)
• Y Uyên (Thư Quán Bản Thảo)
Thư gởi người đã chết (Trần Thị Uyên Ngọc, Talawas)
Chiếc xương lá mục, Có loài chim lạ, Bão khô (Talawas)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |