|
Mai Trung Tĩnh(..1937 - 20.12.2002) | Việt Dzũng(8.9.1958 - 20.12.2013) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Bạn bè và những người quen biết thường giới thiệu tôi là nhà báo hoặc nhà văn trong những lần gặp người lạ. Có người hỏi tôi: “Anh vừa là nhà báo, vừa là nhà văn, vậy anh thích được gọi là nhà văn hay nhà báo?” Câu hỏi này phân loại nhà văn, nhà báo ở hai vị thế khác nhau, và có vẻ như ngụ ý hai đẳng cấp khác nhau nữa.
Trước khi dự tính cầm bút viết, bạn có thể phân vân tự hỏi: mình viết văn hay viết báo? Viết truyện giả tưởng, hay truyện thật? Văn và báo có gì giống nhau? Hai lối viết khác nhau ở chỗ nào?
Theo ý niệm thông thường của nhiều người, nhà báo là người viết báo, thường là những vấn đề thời sự; còn nhà văn là người viết sách, thường được hiểu là truyện, tiểu thuyết. Nhưng trong giới nhà văn, nhà báo, lại có nhiều loại: tiểu thuyết gia, người viết kịch, phóng viên, thông tín viên, người sửa bài, chủ bút.
Lối phân loại căn cứ theo hình thức báo và sách không hoàn toàn đúng. Có nhà báo cũng viết sách, và có nhà văn cũng viết báo. Trong trường hợp này, người viết đội hai mũ ở trên đầu: vừa là nhà văn, vừa là nhà báo.
Lối phân loại căn cứ vào sách cũng gượng gao đối với một số người khác. Ông Trần Trong Kim viết quyển
Việt Nam Sử Lược và mấy cuốn sách giáo khoa, đâu có nghe thấy ai gọi ông là nhà văn. Các chính trị gia, như các ông De Gaulle của Pháp, Winston Churchill của Anh, Richard Nixon của Mỹ, Nguyễn Cao Kỳ của Việt Nam, có tên ngoài bìa sách, mà có mấy người gọi những ông này là nhà văn. Những người viết sử, những nhà nghiên cứu, những người hoạt động trong ngành chuyên môn như kinh tế, tài chánh, khoa học, y tế, giáo dục, thể thao, khi viết về lãnh vực của họ, thường được gọi là sử gia, kinh tế gia, khoa học gia, bác sĩ, giáo sư, hoặc gọi chung là tác giả.
Có người là tác giả nhưng không phải là người viết sách như trường hợp một số chính khách, tài tử, ca sĩ nổi danh của những quyển tự truyện hay hồi ký. Những tác giả này đóng góp vào việc biên soạn sách bằng cách kể chuyện về đời họ, hoặc cung cấp tin tức, tài liệu, rồi có người khác viết hộ. Người viết hộ nhiều khi không để tên ở sách, nên được gọi là “cây viết ma.”
Một số người đưa ra tiêu chuẩn: nhà văn viết truyện dài, truyện ngắn thuộc loại hư cấu và chỉ những loại truyện này được coi là văn chương. Còn loại không hư cấu, trong đó có báo chí, viết về những sự việc xảy ra để tường thuật tin tức, trình bày sự kiện và giải thích tình hình. Tiêu chuẩn này cũng không được chỉnh. Một số tác phẩm trong thời gian mấy chục năm gần đây không thuộc loại hư cấu mà đã được giải thưởng văn chương lớn trên thế giới. Trong số này đáng kể nhất là Quần Đảo Goulag của Aleksandr Solzhenitsyn đoạt giải Văn Chương Nobel năm 1970. Cuốn sách viết về những trại tù lao động ở Nga dưới thời Lenin và Stalin, và dựa vào kinh nghiệm tám năm tù đầy của chính bản thân tác giả cùng hơn 200 tù nhân khác mà ông đã chuyện trò và phỏng vấn. Ông cũng đã sưu tầm, tra cứu tài liệu về chế độ cộng sản trong thời gian đó để tác phẩm được thêm xác thực.
Con ghẻ của văn chương?
Báo chí đã một thời không được coi là văn chương, vì văn chương theo định nghĩa ở thế kỷ 19 chỉ gồm có thơ, kịch, tiểu thuyết và truyện ngắn. Báo chí khi mới ra đời thường loan báo tin tức và hoạt động trong cộng đồng, phổ biến thông cáo của nhà cầm quyền. Sau báo chí tường thuật thêm những vụ đâm chém, bắn giết nhau, rồi tới những cuộc bầu cử, những vụ tranh giành quyền thế, nên dễ gây ra những tranh cãi vì lập trường đối nghịch nhau. Báo chí thời trước đã có nhiều khuyết điểm, như đăng cả tin đồn, tin bịa đặt, tin giật gân để khai thác thị hiếu của độc giả. Có báo Mỹ vào cuối thế kỷ 19 đăng truyện hoang đường của những người dơi có chân dài sống trên mặt trăng. Một số nhà báo không chú trọng đến sự kiện, chưa biết thu lượm và giải thích sự việc theo lối khoa học. Khi phóng viên thú nhận đã bịa đặt truyện, tờ báo cũng chẳng thèm cải chính. Báo chí khi ấy viết vội vã để kịp in ra mỗi ngày, lại không có ban sửa bài, nên văn từ không được chăm sóc cẩn thận và lập luận dễ thiên lệch, một chiều. Thi sĩ người Anh Mathew Arnold (1822-1888) vì vậy mới nói “báo chí là văn chương viết vội vàng.”
Khi báo chí bắt đầu phát triển vào hậu bán thế kỷ 19, với những báo có số in hàng trăm ngàn tờ một ngày, đã cạnh tranh và đe dọa ngành in sách. Một số người, trong đó có những nhà xuất bản sách, không muốn nhận báo chí vào làng văn, nên nói báo chí không phải là văn chương. Hai anh em Edmond và Jules de Goncourt ở Pháp có nhà xuất bản, sau thành lập Hàn Lâm Viện và giải thưởng văn chương Goncourt, nói toạc rằng “báo chí là kẻ thù tất nhiên của sách, như gái điểm là kẻ thù của phụ nữ chính chuyên”
Trước cuộc tranh luận giữa văn chương và báo chí, Oscar Wilde (1854-1900), nhà văn và là cây viết hài hước người Anh, mới bảo sự khác biệt giữa báo chí và văn chương là “báo chí không thể đọc được, còn văn chương không ai đọc.” Mark Twain (1835-1910), nhà báo và là nhà văn dí dỏm của Mỹ, cũng nói “văn chương cổ điển là thứ ai cũng ca tụng, nhưng chẳng đọc”
Báo chí từng bị một số người coi nhẹ, như con ghẻ của văn chương, vì báo chí dễ sai lầm khi loan báo tin tức, nên thường mang tiếng “làm báo nói láo ăn tiền.” Hoặc người viết báo, với lập trường chính trị khác biệt, dễ gây ra những bất đồng ý kiến, những chống đối. Có người, vì mục đích chính trị hay hậu ý nào khác, đã thiên lệch, uốn nắn ngòi bút để cố lái người đọc theo chiều hướng mình muốn, tạo ra những ý kiến va chạm, nên không dễ được cảm tình bằng những truyện hư cấu thường có tính cách tiêu khiển. Nhà văn kiêm nhà báo Lê Văn Phúc cho rằng “thi sĩ làm một bài thơ, hay nhạc sĩ làm một bài hát, nếu được ưa thích sẽ được người ta ngâm vịnh hoặc hát nghêu ngao. Nếu người ta không thích thì không ngâm hoặc không hát, chứ không ghét. Còn nhà báo viết một bài, nếu họ không thích, họ có thể ghét mình”
Với đà phát triển và lớn mạnh mau lẹ của báo chí, việc phân biệt giữa báo chí và văn chương càng khó hơn nữa khi sang thế kỷ 20 báo chí trở thành phương tiện truyền thông đại chúng, một món ăn tinh thần hàng ngày trong xã hội. Tại Mỹ vào đầu thế kỷ 20 có báo đã đạt số phát hành tới cả triệu mỗi ngày. Với hai cuộc chiến tranh thế giới và mấy cuộc chiến tranh khác, số binh sĩ Mỹ đi tham chiến hoặc đồn trú ở nước ngoài, cũng như những cuộc tiếp xúc giữa các nước được mở rộng, người dân đọc báo chí nhiều hơn để theo dõi tin tức thời sự, những biến chuyển trên hoàn cầu. Cùng với phát thanh và truyền hình, báo chí trở thành nguồn tin tức hàng ngày, đi vào mọi gia đình, và người đọc muốn biết những sự việc xảy ra ở trong nước cũng như ở trên thế giới.
Độc giả những tạp chí trước kia chuyên về truyện hư cấu đã đòi hỏi những tác phẩm không hư cấu nhiều hơn. Câu Lạc Bộ Sách Mỗi Tháng (Book-of-the-Month Club) ở Mỹ, được thành lập năm 1926, trong thời gian từ 1926-41 đã chọn hầu hết tiểu thuyết làm sách hàng tháng. Từ 1946 đã có những tác phẩm không hư cấu được chọn lựa. Một số tạp chí ở Mỹ, như Saturday Evening Post, Life, New Yorker, trước kia thường đăng những truyện giả tưởng, sau đăng dần thêm những bài hoặc truyện không giả tưởng. Từ 1960 trở đi, 90% chỗ để đăng bài được dành cho bài không hư cấu, theo nhận xét của William Zinsser. Ông từng là nhà báo, bỉnh bút gia của tạp chí Life, chủ biên Câu Lạc Bộ Sách Mỗi Tháng và là tác giả hơn một chục cuốn sách.
Viết sách, dù là tiểu thuyết hay truyện thật, thường đòi hỏi thì giờ và công lao nhiều hơn một bài báo. Nhưng báo chí ngày nay, dù có viết vội, không phải chỉ giới hạn trong phạm vi thông tin, mà còn có nhiều bài đặc biệt, hoặc bài dài đăng từng loạt, viết thật công phu, có tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng, rất có giá trị và hấp dẫn, trong lúc không thiếu những cuốn sách viết tầm thường và ít giá trị.
Văn chương, dưới mắt một số người, là những tác phẩm do người viết sáng tạo với lời lẽ văn hoa, thơ mộng. Sáng tạo từ cốt truyện, nhân vật, lời đối thoại, bối cảnh, đến tả cảnh, tả người, tả tình, tả tâm tư và cảm xúc trong lòng. Báo chí và loại viết không giả tưởng cũng làm được những điều đó, không thua gì những truyện giả tưởng. Những tác phẩm này cũng đi sâu vào những khía cạnh thầm kín bên trong, tìm hiểu sự việc xảy ra như thế nào, trong trường hợp nào, vì đâu nên chuyện, những nguyên nhân nào đưa đẩy tới sự việc. Khác với người viết truyện giả tưởng, người viết báo không phải lo đến cốt truyện, nhân vật, lời đối thoại và bối cảnh, vì truyện đã có sẵn dựa trên sự việc xảy ra, trong đó có cả nhân vật, bối cảnh, cùng lời người trong cuộc kể lại. Thực tế trong cuộc sống thường ngày, nhiều chuyện thật xảy ra còn kỳ lạ và hấp dẫn hơn cả truyện giả tưởng. Nhiều cây viết về những vấn đề không hư cấu đã viết đàng hoàng, hấp dẫn và duyên dáng. Họ biết dùng kỹ thuật kể chuyện để tạo ra tác phẩm hay và thích thú như tiểu thuyết, đôi khi còn hay hơn nữa.
Loại văn chương mới
Người viết văn, viết báo về căn bản chỉ là người kể chuyện. Nhà văn kể truyện ngắn, truyện dài qua sách. Nhà báo tường thuật sự việc xảy ra trên mặt báo. Người đọc sách thích đọc truyện, người đọc báo muốn biết sự việc diễn ra quanh mình hoặc trên trái đất. Báo chí sau này, ngoài việc loan báo tin tức, đã dùng lối viết truyện để tường thuật hấp dẫn những sự việc xảy ra hàng ngày, vừa cung cấp tin tức thời sự và những kiến thức hữu ích cho người đọc, vừa có công dụng giải trí độc giả. Lối viết mới này một phần nhằm lôi kéo độc giả, phần khác giúp báo chí cạnh tranh với phát thanh và truyền hình. Những đài này có lợi điểm loan tin mau lẹ hơn báo chí, nhưng vì thì giờ eo hẹp chỉ loan tin vắn tắt và sơ lược mà thôi.
Truyện hay, văn hay, như vậy không phải chỉ có trong tiểu thuyết, mà ở cả trong sách báo thuộc loại không hư cấu. Hay, hoặc không hay, là ở người viết, chứ không phải ở hình thức sách hoặc báo. James B. Stewart, tác giả Den of Thieves, một trong những quyến bán chạy nhất ở Mỹ và từng đoạt giải Pulitzer, đã viết trong cuốn Follow The Story rằng hư cấu hoặc không hư cấu đều có thể viết hay. Những kỹ thuật kể chuyện từng được hun đúc qua bao thế kỷ đã được áp dụng thành công trong lãnh vực không hư cấu, làm truyện sáng tỏ, phong phú, gần gũi như nắm bắt được, để độc giả sáp nhập vào những tình huống của đời sống hàng ngày, suy ngẫm và đáp ứng lại.
Vì ranh giới giữa văn và báo thường trùng hợp, xen kẽ với nhau, một số người cho văn chương và báo chí như hai trẻ sinh đôi dính liền với nhau nhưng khác biệt nhau, hay nói theo kiểu của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiểu là “tuy hai mà một,” “tuy một mà hai.” Tom McGuane, tác giả đương thời Mỹ, nổi tiếng về những truyện ngắn, tiểu thuyết và truyện phim, nhận định vào năm 1987 rằng
Frank O'Connor, tác giả người Ái Nhĩ Lan ở thế kỷ 20 và được coi là bậc thày về những truyện ngắn, cũng nói trong tất cả những người viết giỏi đều có yếu tố báo chí. Nhà văn Nga Anton Chekhov (1860-1914) còn nói mạnh hơn nữa: yếu tố báo chí chiếm tới 95%. David M. Murray, nhà báo kỳ cựu từng đoạt giải Pulitzer, đã có tập thơ và hai quyển tiểu thuyết được xuất bản, một thời vẫn nghĩ về căn bản ông là nhà báo chứ không phải nhà văn theo nghĩa văn chương mà nhiều người hiểu. Cho tới một hôm ông mới nhận thấy những bài thơ, những truyện giả tưởng và những tác phẩm không giả tưởng mà ông đã viết đều dựa trên nền tảng vững chãi của báo chí.
Biết vậy người ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều cây viết nổi tiếng, từng được giải thưởng văn chương Nobel, đã xuất thân hoặc ở trong ngành báo chí, như Albert Camus của Pháp, Emest Hemingway, John Steinbeck của Mỹ. Camus gia nhập làng báo lúc 25 tuổi. Hemingway vào nghề phóng viên cho báo Kansas City Star, làm phóng sự cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha, rồi thế chiến thứ hai, sau mới quay sang viết văn và đoạt giải Nobel năm 1954. Steinbeck đã viết cho báo San Francisco News về cuộc sống của công nhân di dân ở nông trại, rồi sau đấy viết thành truyện Grapes of Wrath (Chùm Nho Uất Hận.) Quyển truyện được giải Nobel năm 1962 và được quay thành phim. Gần đây những người đoạt giải thưởng văn chương Nobel như Gabriel Garcia Marquez, năm 1982, người Colombia thuộc Nam Mỹ, và Imre Kertesz, năm 2002, người Hung Gia Lợi, đều từng là nhà báo.
Tại Việt Nam, những nhà văn nổi tiếng Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam trong Tự Lực Văn Đoàn đều là cột trụ của báo Phong Hóa. Tiểu thuyết Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng và Đoạn Tuyệt của Nhất Linh được khởi đăng đầu tiên ở báo Phong Hóa. Trước đấy, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, những người có công phát triển chữ quốc ngữ thành phương tiện truyền thông hữu hiệu và góp phần đáng kể vào việc khởi đầu hình thành nền văn chương mới của Việt Nam, cũng như những người kế tiếp là Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, được coi là những nhà văn hóa, đều là những nhà báo. Nhiều nhà văn Việt Nam khác đã xuất thân từ nhà báo, và nhiều nhà văn đã bước vào ngành báo. Không muốn phân biệt nhà văn với nhà báo, Nguyễn Hiến Lê đã chọn từ “văn nhân” để chỉ hết thảy những người cầm bút từ ký giả đến tiểu thuyết gia, thi sĩ, khảo cứu gia.
Ngày nay số người kiếm sống bằng nghề viết báo nhiều hơn số người kiếm sống bằng nghề viết truyện giả tưởng. Số tác phẩm không hư cấu được in và phát hành nhiều hơn số sách hư cấu. Trên thế giới, thị trường sách không hư cấu vượt xa sách hư cấu. Art Spikol, tác giả sách Magazine Writing, cho rằng thị trường không hư cấu gấp từ 20 đến 40 lần thị trường hư cấu. Vào năm 2000, trị giá thị trường sách hư cấu trên thế giới là 25 tỉ, còn thị trường sách không hư cấu là 55 tỉ, theo Dan Poynter viết trong Writing Non Fiction. Mặt khác, độc giả khi đọc truyện giả tưởng để giải trí thường không cần nhớ lâu đến truyện, nhưng người đọc truyện thật dễ có khuynh hướng nhớ lâu hơn bằng cách giữ sách hay bài báo làm tài liệu tra cứu về sau.
Theo William Zinsser, tác giả cuốn On Writing Well (Viết Giỏi), lịch sử Mỹ cho thấy báo chí| hay trở thành văn chương hay, ngành viết không hư cấu đã trở thành văn chương mới, và báo là loại văn chương mới. Ông viết thêm việc trình bày và diễn giải rõ ràng tin tức trong ngành báo chí là một nghệ thuật, và ngày nay đối với hầu hết những người học viết, con đường đi là ngành viết không hư cấu.
Nếu văn là chữ viết được trau chuốt, thì viết văn, viết báo hay viết sách mà diễn đạt ý tưởng được gọn gàng, trong sáng và dễ hiểu đều là văn chương, là nghệ thuật. Chọn lựa lối viết văn hay viết báo là tùy ở bạn. Tùy theo sở thích, ý hướng và khả năng mà bạn thấy thích hợp cho lối viết hư cấu hay không hư cấu. Đừng quan tâm đến việc được gọi là nhà văn hay nhà báo. Bạn có thể viết cả hai loại, nếu thấy thích.
Tháng 5, 2004
Người viết có 48 năm trong ngành báo chí trong đó 33 năm với Washington Post, và là tác giả ba quyển sách Sài Gòn Tuyết Trắng: Việt Nam tháng 4, 1975, Quê Hương Thương Ghét: Nỗi Lòng Người Việt Hải Ngoại, Rồng Vàng Vượt Biển.
Bài trên được trích đăng từ quyển thứ tư Múa Bút: Thuật Viết Văn, Viết Bảo, Hồi Ký để Viết Dễ, Viết Nhanh, Viết Hay, phát hành trong tháng 6, 2004. Sách dày 300 trang, giá bán $20. Đặt mua tại: Catherine Vũ, P.0. Box 5060, Springfield, VA. 22153.
- Văn với Báo tuy hai mà một, tuy một mà hai Vũ Thụy Hoàng Nhận định
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
• Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và một màu hoa trên ngàn (Bùi Vĩnh Phúc)
• Bùi Giáng (1926 - 1998) (Bùi Vĩnh Phúc)
• Ôn ra đi để lại nụ cười (Trần Trung Đạo)
• Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh (Viên Linh)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |