Đọc thơ hiếm khi thấy cái chết sát gần như trong thơ ta thời 54-75. Ở Nguyễn Bắc Sơn, Tô Thùy Yên, Hà Thúc Sinh..., giữa cái chết và câu thơ đang viết không có được một khoảng cách... phải chăng: hoặc năm tới, hoặc tháng sau, hoặc tuần tới v.v... Không được thế đâu. Tệ hơn nhiều. Chỉ là: sáng mai, đêm nay, lát nữa!
Đêm nay, lát nữa, có thể là cái chết; và là cái chết tàn bạo, thảm khốc. Lắm khi là không toàn thây, là tan xác.
Chưa bao giờ thi sĩ gần cái chết đến thế. Và sát kề cái chết, người thi sĩ lại có giọng cười cợt, đùa giễu. Nhẹ nhõm lạ.
Tuy vậy nhẹ nhõm chỉ có thể là cái chết của chính họ. Còn của ai khác, của những người thân - cha mẹ, bạn bè - cái chết vẫn làm trĩu nặng câu thơ.
Vũ Hữu Định phiêu bạt lâu ngày, một hôm, một buổi chiều mùa đông mưa gió, trên đường về, bỗng dừng chân đổi ý:
"Thôi chẳng về chi thôn xóm quạnh
nhà xưa giờ chắc cũng điêu tàn
...
mẹ, chị, đàn em không có mộ
thăm ai? thăm ai? ta về quê."
(Chẳng hay)
Trong thơ Tường Linh cũng một chiều đông về thăm làng. Và chuyến về cũng bất thành:
Bến sông chiều Vĩnh Điện hắt hiu mưa
Muốn đi lên nhưng súng vọng đôi bờ
Nguồn với biển trở thành xa cách quá."
(Vọng tình chim)
Dừng chân bên này sông Vĩnh Điện, "lòng gọi mãi tên làng xưa Trung Phước".
Làng của Vũ Hữu Định là làng nào? Có phải cũng là cái làng Trung Phước danh tiếng của Tường Linh, Tạ Ký, Bùi Giáng ấy chăng? Chỉ biết làng của Vũ cũng là một chỗ ngặt nghèo, một chốn hiểm địa: cả mẹ, cả chị, cả một đàn em của thi sĩ đều chết mà không có mồ chôn.
Những thi sĩ xứ Quảng mất làng ấy, họ thân nhau, thương nhau. Tường Linh có bài "Gặp lại Vũ Hữu Định". Những gặp gỡ như thế, thôi thì rượu chè say khướt, thì kỷ niệm, thì người xưa, làng cũ, bạn bè thân quyến, thì trắng đêm tâm sự. Vũ Hữu Định lại có bài "Ấp ủ đưa theo những chuyến đi dài", viết "gửi anh Tường Linh".
(Vọng tình chim)
Vũ kể với anh Tường Linh về sự ấp ủ cái gì nhỉ? Ấp
ủ một hình ảnh thiếu nữ nào chăng? Không đâu:
"Hồn của quê hương không gửi được cho ai
Ấp ủ đưa theo những chuyến đi dài
Trong gian khổ tôi biết lòng sẽ ấm."
Chữ "quê hương" ở đây không chỉ cả nước Việt Nam đâu: Vũ và anh Tường Linh cùng đang sống ngay trong nước mà. Vậy cái "quê hương" ấy chính thị là ngôi làng nọ ở Quảng Nam thôi.
Và đây là một khía cạnh tình cảm đặc biệt trong cuộc chiến vừa qua ở Miền Nam. Tức cái đau buồn ngất ngư của những kẻ xa làng, hướng về làng mạc thôn xóm, về những thân thuộc cách biệt và cả những thân thuộc không mồ ở trong làng xưa. Những trai xứ Quảng vẫn nổi tiếng hào hùng. Nhưng trong truyện xưa từng có bậc danh tướng mình đồng da sắt, gươm giáo không sờn, toàn thân tuy vậy có một chỗ nhược, kẻ địch lùa được mũi nhọn vào đó là sụm thôi. Nhớ làng là chỗ nhược của mấy người bạn Quảng của chúng ta.
Vũ Hữu Định gọi "anh" Tường Linh, Tường Linh kêu Vũ là "ngươi". Tâm hồn họ gần nhau như anh em. Thơ họ cũng ngà ngà hơi rượu tiền chiến. Nhưng "ngươi" Vũ Hữu Định có vẻ bừa bãi, cẩu thả hơn người anh Tường Linh. Sống cẩu thả hơn và viết cẩu thả hơn.
Trong cái sống, Tượng Linh giữ quân kỷ, sinh hoạt mực thước. Vũ Hữu Định say sưa, sống bất thường và chết bất thường. Tôi nghe nói một hôm ở nhà bạn, ông say ngất ngưởng, đang ngồi trên bệ cửa sổ té từ một tầng lầu xuống đường, chết.
Trong cái viết, Tường Linh nghiêm chỉnh hơn, thường nương tựa vào các lời, các chữ, các hình ảnh khuôn sáo, thường có những kẻ mài gươm, những chàng áo lục v.v... Vũ Hữu Định không mấy khi vướng vào khuôn sáo. Câu thơ ông lắm lúc xốc xếch hơn, và hay hơn.
1 - 1995