|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Ảnh Vũ Hoàng Chương,
Đặng Tiến mang sang Pháp (1979)
LTS. Nhà phê bình Đặng Tiến là người khám phá ra bài thơ Khai Xuân Thạch Vấn này của Vũ Hoàng Chương. Sau khi nhà thơ qua đời, mùa hè 1979, ông từ Pháp về Việt Nam, cùng với Trần Phong Giao đến thăm bà Vũ Hoàng Chương, được bà giao phó bức di ảnh của thi sĩ, chụp năm 24 tuổi, đã đóng khung lồng kính, để trên trang thờ.
Đặng Tiến đã mang về Pháp và giữ nguyên si như vậy, không dám động đến, cho đến khi mới đây nhận lời giúp báo Thế Kỷ 21 thu thập tài liệu về Vũ Hoàng Chương, ông mới đánh liều mở khung để lấy hình sao chụp cho tờ báo. Do đó, ông mới khám phá ra tờ giấy lót màu hồng đào, phía sau tấm ảnh, là một mảnh bìa của tờ báo Nhà Văn, Sài Gòn, số Xuân Ất Mão 1975. Trên mảnh giấy này có một bài thơ chữ Hán do chính Vũ Hoàng Chương viết, bài Khai Xuân Thạch Vấn.
Mặt bên kia của tờ giấy viết bài thơ có lời mở đầu “sang năm thứ hai …” của báo Nhà Văn, in ở giữa trang, hai bên có hai cột hình ảnh chân dung một số văn nghệ sĩ Miền Nam thời đó. Theo thứ tự từ trên xuống, bên trái: Nguyễn Thanh Trịnh, Hoàng Trúc Ly, Ngụy Ngữ, Nguyễn Tạo Lâm, Nguyễn Mai. Bên phải: Nguyễn Trung, Nguyễn Quốc Thái, Du Tử Lê, Từ Kiến Tường, Đặng Hải Sơn, Trần Dạ Từ.
Bài Khai Xuân Thạch Vấn,
thủ bút Vũ Hoàng Chương, mới tìm thấy
Tòa soạn Thế Kỷ 21 đã nhờ nhà biên khảo Từ Mai đọc và giảng giải bài thơ này, trong khi nhà phê bình Đặng Tiến gửi bài thơ về Hà Nội để nhờ giáo sư Nguyễn Huệ Chi làm công việc tương tự.
Sau đây chúng tôi rất hân hạnh được đăng cả phần giải thích của giáo sư Từ Mai, lẫn phần dịch thơ và chú thích của giáo sư Nguyễn Huệ Chi.
Riêng Đặng Tiến cũng đóng góp một bài dịch thơ. Vì bất ngờ, nên công việc này tòa soạn phải làm gấp rút và rất cảm ơn hai anh Từ Mai và Huệ Chi đã hợp tác nhanh chóng.
Kết quả, tình cờ và may mắn thôi, gọi là hồng phúc cũng được, đây là một giai thoại tuyệt đẹp, một lẵng hoa xuân kết bằng những đóa hoa tinh thần gửi đến từ những phương trời khác nhau, theo ngọn gió giao thừa, có lẽ do một anh hồn nào đó từ xa xăm phù trợ.
KHAI XUÂN THẠCH VẤN
Tường vân mãn tọa, nguyệt bôi minh
Hi chúc xuân khai dạ bán quỳnh
Đông liễu tây đào song tận mỹ
Tần tang Yên thảo nhất hồi thanh
Tẫn giao cố quốc hoài kim phấn
Tự tả cuồng ngôn xuất thạch bình
Đồi ngọa dữ sa trường túy ngọa
Cổ lai thùy dã chiếm cao danh?
Vũ Hoàng Chương
Theo nhà phê bình văn học Đặng Tiến, bài thơ thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương được in trên một trang giấy hồng điều, mặt sau mang một vài chi tiết cho biết thuộc số Xuân Ất Mão 1975 của báo Nhà Văn tại Sài gòn. Theo nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà văn là một nguyệt báo về văn do ông và cố thi sĩ Nguyên Sa cùng chủ trương, số đặc biệt Xuân Ất Mão 1975 có in một trang phụ bản để giới thiệu một bài thơ thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Ta có thể yên tâm nói rằng bài thơ chúng ta đang đọc chính là bài nhà thơ Trần Dạ Từ đề cập tới, và đã xuất hiện tại Sài gòn nhân dịp Xuân Ất Mão, gần 1/3 thế kỷ trước đây.
Do một thói quen từ nhiều năm, mỗi khi gửi thơ với thủ bút chữ Hán để in trong các báo Xuân, thi sĩ Vũ Hoàng Chương thường gửi kèm theo các phần phiên âm, chú giải, có khi cả bản dịch bài thơ, để làm rõ nghĩa bài thơ thủ bút. Nếu chúng ta có thể tìm lại toàn thể tập báo Nhà Văn Xuân Ất Mão (Sài gòn, tháng 2-1975), việc tìm âm và nghĩa bài thơ này không khó khăn. Nhưng sau cuộc “đổi đời” năm 1975, việc thấy lại tập báo này tại Sài gòn hiện nay không khác tìm kim đáy biển. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, vị hiền nội của ông, và thi sĩ Nguyên Sa đều đã qua đời. 30 năm chứa một cuộc bể dâu, nhà thơ Trần Dạ Từ cùng gia đình thi sĩ Nguyên Sa không ai còn giữ được tập báo ấy.
Trong một hoàn cảnh gần như vô phương, chúng tôi mạo muội nhận trách nhiệm được ông Chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21 trao cho là: phiên âm bài thơ ra quốc ngữ, đánh lại chữ Hán theo lối chân phương để mọi người có thể đọc dễ hơn, cùng giải thích một vài chỗ khó hiểu. Tuy có theo học tại Đại học Văn khoa Sài gòn trong ít năm từ 1959 tới 1963, chúng tôi chỉ mới có hoàn cảnh đọc chữ Hán trong sách in cùng những tài liệu giảng huấn viết theo lối chân phương, chứ chưa có cơ hội học chữ thảo bao giờ. Những chữ Hán viết thảo của thi sĩ Vũ Hoàng Chương lại thuộc loại khó đọc. Để cố gắng thực hiện nhiệm vụ được trao, chúng tôi đã:
- “một mặt kêu gọi sự tiếp tay của một số thân hữu có căn bản Hán học như các giáo sư Lê Văn Đặng, Lưu Trung Khảo, Nguyễn Ngọc Kỳ, Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính … Giáo sư Đặng và Tiến sĩ Chính có hoàn cảnh vui với thảo thư trong mấy năm gần đây. Hai giáo sư Khảo và Kỳ từng có cơ hội đọc qua nhiều trang thủ bút khác của thi sĩ Vũ Hoàng Chương;
- “một mặt tìm đọc lại các thi phẩm có kèm theo thủ bút của cố thi sĩ, hi vọng có thể gặp một vài chữ trùng hợp, hầu xác định những chỗ nghi ngờ.
Phần phiên âm và tạo chữ phía trên là kết quả những thảo luận giữa chúng tôi. Vì thảo thư là một nghệ thuật hơn là một khoa học, các nhà viết chữ thảo không bó buộc phải theo một thể cách duy nhất, nên dù đã hết sức cố gắng, chúng tôi vẫn không dám đoan chắc là đã phiên âm được đúng tất cả những chữ nhà thơ Vũ Hoàng Chương muốn dung. Chúng tôi trình bày phần phiên âm phía trên một cách dè dặt, mong được nghe cao kiến của các bậc thức giả.
Người viết những dòng này không có cơ duyên ở gần thi sĩ Vũ Hoàng Chương giai đoạn ông sáng tác bài thơ này (Sài gòn, cuối 1974?, đầu 1975?). Lần đầu đọc bài thơ sau hơn 30 năm bị khuất trong bong tối, tuy hết sức cố gắng để có thể trình bày lại một cách trung thực ý nghĩ ông theo như chỗ chúng tôi được biết, rất có thể có những chỗ sai lầm. Kính mong các bậc uyên bác, các vị yêu thơ Vũ Hoàng Chương cùng yêu quý thơ văn Việt Nam, không ngần ngại chỉ cho những chỗ sai ấy.
Xét một cách khách quan, ba câu đầu của bài thơ không có gì đặc sắc:
Mây lành đầy khắp chỗ ngồi, ly rượu dưới trăng sáng lóng lánh
Vui đùa chúc Xuân sang, đêm đẹp gần như ngọc
Liễu bên đông, đào bên tây, cả hai cây đều tuyệt đẹp.
Đây là những câu “lề lối”, cần có trong một bài thơ chúc Xuân để đăng trên báo Xuân, mô tả cảnh ngày Tết trong một gia đình trung lưu hay trên mức trung lưu ở miền Nam Việt Nam thuở ấy. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đưa ra cảnh một đêm xuân. “Mây lành” quanh chỗ ngồi có thể chỉ khói hương trầm. “Đông đào, tây liễu” có thể không dụng ý tả thực. Là những từ quen thuộc lấy từ ca dao:
Em ngồi cành trúc, em tựa cành mai
Đông đào, tây liễu biết ai bạn cùng?
Bốn tiếng này đề cập tới cây cảnh chưng bày nhân ngày Tết một cách tượng trưng, có thể là đào, mai …, khóm cúc hay chậu quất. Nói chung cả ba câu thuộc loại “thơ Xuân” được các báo đặt trước để in trong số Xuân, kèm với thủ bút chữ Hán của Vũ Hoàng Chương mà chính ông cũng thường gọi một cách đùa bỡn là “vẽ bùa” (viết kiểu chữ loằng ngoằng ít ai đọc nổi như trong những đạo bùa để “trừ tà”, “trấn quỷ” của các pháp sư). Trong một bài thơ viết cho một người bạn ở xa để nói về cuộc sống hiện tại của mình, ông đã có những câu:
Báo chương mấy độ vẽ bùa
Chắt chiu cũng đủ tiền mua trăng rằm.
Ý tưởng đích thực của ông chỉ được đưa ra từ câu thứ 4:
Dâu đất Tần, cỏ đất Yên cùng xanh.
Tuy thoạt nghe như một câu thơ sáo chỉ để đối với câu thứ 3, Vũ Hoàng Chương muốn nhắc tới bài “Xuân tứ” của Lý Bạch:
Yên thảo như bích ti
Tần tang đê lục chi
Đương quân hoài quy nhật
Thị thiếp đoạn trường thì …
(Cỏ xứ Yên như tơ biếc
Dâu đất Tần hạ thấp nhánh xanh
Lúc chàng mong trở về
Chính là lúc em đang đứt ruột …)
Tiếp sau ba câu tả cảnh Xuân đẹp tươi, Vũ Hoàng Chương nhắc ngay tới cuộc chiến tranh đang xảy ra. Tuy người Mỹ đã rút khỏi Việt Nam từ 1973, quân đội miền Bắc vẫn đóng ở miền Nam và đang chuẩn bị tấn công. Trong cảnh Xuân tươi vẫn nhiều nỗi chia ly. Ông dùng “dâu Tần, cỏ Yên” để nói một cách kín đáo: giữa lúc Xuân tới, bao thiếu phụ, thiếu nữ đang não nề “đứt ruột,” bao thanh niên, trai tráng đang sa trường dầu dãi, không được về với gia đình.
Câu 5 chuyển sang trình bày tình cảm:
Dù vẫn nặng lòng nhớ thương hương phấn nước cũ.
“Tẫn giao” có nghĩa là mặc dầu. “Kim phấn” nghĩa đen là phấn của nhụy hoa, nghĩa rộng chỉ trang sức của phụ nữ, nghĩa bóng chỉ nữ giới hay những nét đẹp mong manh. Tuy có mang tình cảm thiết tha ấy, tác giả vẫn:
Tự viết lời nói cuồng [để có thể] ra khỏi tấm bình phong bằng đá.
“Tả” có nghĩa là viết. Tháp Bút tại đền Ngọc Sơn ở Hà Nội đắp hình một chiếc bút chỉ lên trời, phía dưới khắc ba chữ “Tả thanh thiên” (viết lên trời xanh). Theo nghĩa đen, “thạch bình” là tấm bình phong bằng đá, nhưng cũng có nghĩa là núi đá, vách đá … dựng đứng như bình phong. Tác giả cho biết ông có một u uất, muốn viết ra, để “lời nói cuồng” của mình có thể vượt xuyên qua một vách đá dựng đứng. “Lời nói cuồng” ấy là một câu hỏi, được ghi lại trong hai câu 7 và 8:
Giữa người say nằm một cách suy nhược (ở nhà) và người say nằm ở sa trường
Xưa nay ai cao danh hơn ai?
Khi dùng hai tiếng “đồi ngọa” (say nghiêng ngả, nằm một cách suy nhược), Vũ Hoàng Chương muốn nhắc tới Lý Bạch trong bài “Xuân nhật túy khởi ngôn chí”:
Sở dĩ chung nhật túy
Đồi nhiên ngọa tiền doanh
(Cho nên [ta] say suốt ngày
Nằm bừa ở hàng cột trước nhà)
Trong bốn tiếng “sa trường túy ngọa” (say nằm ở bãi cát), ông muốn nhắc tới hai câu chót trong bài “Lương châu từ” của Vương Hàn:
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?
(Say nằm trên bãi cát, xin anh chớ cười
Xưa nay đi chiến trận nơi xa, mấy ai trở về)
Vũ Hoàng Chương đã đưa ra quan điểm của ông: tuy Vương Hàn là một nhà thơ có tài và bài “Lương châu từ” với câu “Cổ lai chinh chiến …” là một trong những bài thơ được truyền tụng nhiều nhất, chính Lý Bạch, với các biệt hiệu “thi tiên” hay “trích tiên,” vẫn nổi danh hơn (Lý được coi là một trong ba nhà thơ quan trọng hơn cả ở đời Đường: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Sau dó còn Mạnh Hạo Nhiên, Vương Duy, Vương Xương Linh … và nhiều người nữa rồi mới tới Vương Hàn). Ông muốn nói một cách gián tiếp: say nghiêng ngả ở nhà (như Lý Bạch) đúng hơn say nơi sa trường như trong thơ Vương Hàn. Nói cách khác, “ông thà say sưa như Lý Bạch” chứ không chấp nhận chiến trường giữa anh em ruột thịt ngay trên quê hương.
Sau khi đọc xong cả tám câu thơ, chúng ta có thể yên tâm hơn để về với nhan đề. Ba chữ đầu tương đối rõ: Khai xuân thạch … Chữ thứ tư rất khó đọc vì ông viết theo lối thảo. Nhận thấy cũng thuộc bộ “môn” với chữ “khai” ở trên và có chữ “khẩu” bên trong, giáo sư Đặng suy ra chữ “vấn” và chúng tôi đồng ý. Nhan đề bài thơ nhiều phần là “Khai xuân thạch vấn” (Xuân sang đá hỏi). Đây là câu hỏi “Ai cao danh hơn” nhắc tới trong hai câu 7-8. “Thạch vấn” còn có nghĩa là câu hỏi không thành tiếng, hỏi nhưng không thể thốt nên lời (tương tự “thạch nữ,” người con gái không thể sinh đẻ, hay “thạch điền,” ruộng không thể cày cấy). Tóm lại, đầu năm 1975, Vũ Hoàng Chương đã mượn một bài thơ đăng báo Xuân để đề cập tới cuộc chiến giữa người Việt trên quê hương, thảm họa đã khiến, và đang khiến, nhiều thanh niên Việt Nam đi không ngày trở lại. Tuy phải làm thơ cho báo Xuân, ông có một câu hỏi cay đắng không thể thốt nên lời.
Đây không phải lần đầu Vũ Hoàng Chương bày tỏ niềm đau xót trước cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc. Ít lâu sau biến cố Mậu Thân 1968, trong một bài lục bát nhan đề “Chơi xuân,” ông đã viết như sau:
Bao nhiêu chàng trai ra đi
Bấy nhiêu cô gái đến thì hỏi xuân
Hết quan, tàn mấy miền dân
Cớ sao còn chửa kéo quân vơ về?
Trong trò chơi “ô quan” của trẻ con miền Bắc thời trước, hai ô lớn hình bán nguyệt ở hai đầu bàn ô được gọi là hai “nhà quan”. Trong khi chơi, nếu cả hai ô ấy đều không còn viên sỏi nào, sẽ gọi là “hết quan.” Khi đã “hết quan,” đối thủ ở hai phía bàn ô được quyền kéo hết các viên sỏi trong các ô gần phía mình về, ai thu được nhiều sỏi hơn là thắng: “Hết quan, tàn dân, thu quân kéo về.” Ông mượn luật chơi ô quan của trẻ con thời trước để hỏi cả hai phía tham chiến: “Nay đã hết quan, tàn hại bao nhiêu miền dân, mà sao vẫn chưa chịu ‘thu quân kéo về’?”
Ông phác họa cảnh một cô gái thơ ngây, “tóc mới buông thề,” ngồi một mình chơi ô quan. Vì không người cùng chơi, cô phải kiêm cả hai phía, tự mình đấu với mình một cách hăng say:
Trò chơi sỏi đá tưng bừng
Đàn năm ngón ngọc qua từng cửa ô.
Vì kiêm cả hai phía nên cô vừa thắng vừa bại. Phía “hình” thua, phía “bóng” được. Trên danh nghĩa, tuy có một phía “được” nhưng cô cũng mệt nhoài. Ông không nói cô gái ham chơi, hiếu thắng ấy là ai, nhưng cho biết trò chơi này có hai thủ đô là “Rồng” và “Nghé”:
Nghé kêu, Rồng quẫy hai đô
Sỏi khan rồi, đá cũng khô tâm tình
Được thua mình chỉ với mình
Hình thua, bóng được, cô mình buồn, vui?
Bài thơ khai bút năm Nhâm Tý 1972 được ông viết như sau:
Trường chinh mộng hậu tức phong yên
Thiên lý long câu, vạn lý thuyền
Hốt ngộ tiền thân: nhất yển thử
Ẩm hà mãn phúc, túy xuân thiên.
(Sau giấc mộng trường chinh, khói lửa đã tắt
Một con “thiên lý long câu” (ngựa hay, mỗi ngày vượt ngàn dặm), một chiếc “vạn lý thuyền” (thuyền tốt, có thể vượt vạn dặm)
Chợt nhận ra tiền thân: một con chuột
Uống nước sông thỏa thích, say với trời xuân).
Dù “thiên lý long câu” hay “vạn lý thuyền” thì cũng chỉ là công cụ cho người sử dụng. Ham danh tiếng hão (chẳng hạn “đạo quân tiên phong của thế giới vô sản,” “tiền đồn của thế giới tự do” …) chỉ khiến người ta trở nên dại dột, tự nguyện làm phương tiện cho kẻ khác cưỡi lên để lao vào một cuộc chiến nhằm phục vụ quyền lợi của người khác. Hậu quả là gieo tai rắc họa khắp nơi và thân thể đầy thương tích. Trong năm Nhâm Tý (năm chuột), ông mong ước khi khói lửa đã tắt, “long câu” và “vạn lý thuyền” sẽ cùng nhận ra tiền thân của mình và cùng nhìn thấy con chuột nhỏ (chắc ông muốn nói tới chuột đồng) trong hạnh phúc đơn giản, uống nước sông thỏa thích, vui say với trời xuân. Bản tiếng Việt của ông như sau:
Giấc mộng trường chinh lửa ngút mây
Tỉnh ra, ngựa đấy với thuyền đây
nhìn nhau: Chuột nhỏ tung tăng dạo
Vừa uống sông xuân một bụng đầy.
Tóm lại, sinh làm dân Việt những năm 1945-1975, chứng kiến bao thảm cảnh của cuộc huynh đệ tương tàn, thi hứng của Vũ Hoàng Chương không khác thi hứng của Giản Chi trong những câu sau đây:
Giật mình đợt súng xa đưa
Niềm quê hương chẳng gió mưa cũng buồn.
Mỗi dịp Xuân đến, nỗi buồn của ông không khác nỗi buồn của Đông Hồ qua những câu:
Giao thừa đâu nữa trầm phun xạ?
Nguyên đán về đây gió vẫn tanh!
Không tiện đưa những ý đau buồn ấy ra một cách quá rõ trong một bài thơ được yêu cầu viết để đăng báo Xuân (cần tránh nhắc tới chuyện buồn), ông phải mượn Lý Bạch, Vương Hàn … và nói một cách xa xôi. Đọc lại ông 30 năm sau, chúng ta có quyền – và có bổn phận – nói ra cho ông tâm trạng cùng những dụng công ấy.
Năm 1965, để tưởng niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du, ông viết những câu sau đây:
Tiếng thơ từ buổi lên đường
Gươm đàn chắp cánh, đoạn trường ra khơi
Mang mang rốn biển, chân trời
Quặn đau ruột đất, rã rời vòng sao.
Theo ông, từ lúc Nguyễn Du trưởng thành ("gươm đàn chắp cánh”) là lúc dân tộc bước vào một thời kỳ ly loạn và đau khổ triền miên: họ Nguyễn, họ Trịnh, nhà Lê … theo nhau sụp đổ. Rồi cuộc tranh chấp kéo dài giữa Nguyễn và Tây Sơn với bao nhiêu tàn sát. Nguyễn vừa thống nhất đất nước là tới cuộc xâm lăng của người Pháp, rồi 80 năm đô hộ. Ngoại thuộc vừa chấm dứt thì người Việt lại tranh giành, chém giết lẫn nhau. Đúng là:
Mở hai thế kỷ nghe vào
Xương khô lỗi nhịp, máu đào còn căm.
Qua mấy tiếng “máu đào còn căm,” ông muốn đề cập tới tinh thần hiếu sát ghê gớm trong những câu sau đây:
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Hoặc:
Mắt sáng quắc, tay xanh lòe mã tấu,
Vụt ào lên, quyết phanh thây, uống máu,
Giặc cường quyền,
Ôi khoái trá vô biên ….
Theo ông, nét đẹp trong thơ Nguyễn Du là kết tinh những đau khổ Nguyễn Du đã trải qua hay phải chứng kiến:
Nơi đâu trường dạ tối tăm
Để nơi đâu có trăng rằm đầy trang.
Ông ngậm ngùi thương xót thi hào họ Nguyễn:
Hồng bay, để dấu bất bình
Tuyết non cao thoắt hiển linh ý thần
Nỗi đau ném chữ, gieo vần …
Sau khi đọc xong bài “Khai xuân thạch vấn” ông đưa ra đầu năm 1975 với “câu hỏi không thể thốt nên lời” của ông, chúng tôi thành thật nghĩ: một số câu ông viết để truy niệm Nguyễn Du cũng đồng thời là những câu chúng ta nên đọc để tưởng niệm ông. Chẳng hạn hai câu: “Hồng bay, để dấu bất bình” và “Nỗi đau ném chữ, gieo vần.”
TRẦM CA KHAI BÚT ĐÊM XUÂN
Mây quấn ngôi thơ, rượu rực ngời,
Đêm quỳnh chén ngọc chúc xuân tươi.
Đông tây đào liễu hơ hơ hớ,
Dâu cỏ Yên Tần phới phới phơi.
Tiếc nhụy – hoa nghiêng đài nhớ nước,
Cuồng ngâm – thơ dựng vách in trời.
Thơ Say khướt hỏi người Chinh Chiến:
Túy ngọa sa trường, ai nhượng ai?
7.01.2007
KHAI XUÂN THẠCH KHÚC (1)
Tường vân mãn tọa tọa bôi minh,
Hy chúc xuân khai dạ bán quỳnh.
Đông liễu Tây đào song tận mỹ,
Tẫn giao (2) cố quốc hoài kim phấn (3),
Tự hữu cuồng ngôn xuất thạch bình (4).
Đồi ngọa (5) dữ sa trường túy ngọa,
Cổ lai thùy dã chiếm cao danh?
Dịch nghĩa:
KHÚC TRẦM TẤU KHAI BÚT ĐÊM XUÂN
Mây lành đầy khắp chỗ ngồi, chén rượu sáng lóng lánh,
Đùa chúc cho phút giao thừa xuân sang, nhiều điều tốt đẹp.
Liễu phía Đông và đào phía Tây cả hai đều đẹp tuyệt.
Dâu nước Tần và cỏ nước Yên cùng một sắc xanh.
Dẫu cho vẫn nặng long nhớ thương hương phấn cũ,
Song đã có một lời ngông vọng lên giữa núi dựng như thành.
Giữa kẻ say nằm nghiêng ngả và người say lăn nơi sa trường,
Xưa nay ai lưu danh hơn ai?
Bản dịch thứ nhất:
Chỗ ngồi mây bọc, chén long lanh,
Đùa khấn xuân sang: đêm tốt lành.
Đào, liễu Đông Tây đều tuyệt sắc,
Cỏ, dâu Tần Sở thảy tươi xanh.
Phấn hương nước cũ chưa khuây nhớ,
Vách dựng lời ngông đã trót thành.
Say khướt văn nhân, say tráng sĩ,
Xưa nay ai dễ chiếm cao danh?
Bản dịch thứ hai:
Mây lành vờn khắp chỗ ngồi,
Giao thừa rượu sánh, bỡn vời chúa xuân.
Liễu, đào dáng đẹp bội phần,
Cỏ, dâu mơn mởn mấy lần xanh tươi.
Phấn hương nước cũ chưa nguôi,
Vách cao trót đã buông lời nói ngông.
Sa trường ngất ngưởng mấy ông,
Cùng ta say xỉn, ai hòng hơn ai?
Chú Thích:
(1) Chữ này trong bản viết rất khó đọc; bạn Phạm văn Ánh đoán là chữ khúc (.). Chữ thạch (.) có nghĩa là âm thanh không vang. Chu lễ ( … ) hậu thanh thạch. Trịnh Huyền (..) chú: ( …) Chung đại hậu, tắc như thạch, khẩu chi vô thanh. Nghĩa là: chuông lớn mà dày thì như đá, gõ vào không có tiếng. Chúng tôi tạm dịch là Khúc trầm tấu.
(2) Tẫn giao: mặc dầu, mặc cho. Mai Khắc Trang (…) đời Tống trong Hậu thôn tập (…) quyển 6, bài Sạ quy (…) thứ 9 có câu: (…) Tẫn giao nhân biếm bác / Hoán tác Lĩnh Nam thi; nghĩa là: Mặc cho người chê bai khích bác / Gọi là thơ Lĩnh Nam.
(3) Kim phấn: 1. Phấn nhụy hoa; 2. Chỉ những trang sức của phụ nữ; thơ xưa nói về chuyện phụ nữ thường dùng ẩn dụ này, ví dụ trong Tây sương ký (…) có câu: (…) Hương tiêu liễu Lục triều kim phấn / Thanh giám liễu Tam Sở tinh thần; nghĩa là: Mùi hương tiêu tan rồi phấn hương người con gái Lục triều / Sự trong trẻo giảm rồi tinh thần Tam Sở.
(4) Thạch bình: Núi đá dựng đứng như bình phong. Cao Thích (..) trong Cao thường thi tập (…) quyển 2 bài (...) Yến vi tư hộ sơn đình viện có câu: (...), Đài kinh thí khuy tiễn / Thạch bình khá phan ý. Nghĩa là: Lối rêu thử nhòm theo mà đặt chân / vách dựng đứng có thể vin vào mà dựa.
(5) Đồi ngọa: theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh là đồi nhiên túy ngọa (...): say quá nằm liều, cũng chỉ kẻ văn nhân thất chí.
(Phần chữ Hán trong dấu ngoặc và chấm (…) đã bỏ so với phần chú thích trong báo Thế Kỷ 21)
- Sau đúng 60 năm, đọc lại bài thơ trừ tịch của Đặng Đức Siêu và Đông Hồ Trần Từ Mai Khảo luận
- Thử Tìm Hiểu Ý Tưởng Vũ Hoàng Chương Trong Bài "Đọc Lại Người Xưa: Bành Ngọc Lân Trần Từ Mai Nhận định
- Thử Tìm Hiểu Ý Tưởng Vũ Hoàng Chương Trong Bài "Đọc Lại Người Xưa: Trần Đào" Trần Từ Mai Nhận định
- Một bài thơ xuân mang nhiều ý nghĩa của thi sĩ Đông Hồ Trần Từ Mai Nhận định
- Nguyễn Trãi đã sáng tác "Loạn Hậu Đáo Côn Sơn Cảm Tác" vào thời điểm nào? Trần Từ Mai Thơ
- Giới thiệu Bài Thơ "Trừ Tịch" của Đặng Đức Siêu Trần Từ Mai Giới thiệu
- Khai Xuân Thạch Vấn Trần Từ Mai Tiểu luận
- Trở lại bài thơ Khai Xuân Thạch vấn Trần Từ Mai Tiểu luận
• Nhân chuyện câu “Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” được gán cho thi sĩ Vũ Hoàng Chương (Trần Huy Bích)
• “Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ” (Nguyễn Văn Tuấn)
• Bài Thơ Tết Cuối Đời Của Vũ Hoàng Chương (Đàm Trung Pháp)
• Mười cái chết oan khiên của Văn Nghệ sĩ miền Nam (Phạm-Văn Duyệt)
• Họp mặt văn nghệ tại nhà Vũ Hoàng Chương (Mai Thảo)
• Mấy Tháng Cuối Cùng Với Vũ Hoàng Chương (Mai Thảo)
• Thử Tìm Hiểu Ý Tưởng Vũ Hoàng Chương Trong Bài "Đọc Lại Người Xưa: Bành Ngọc Lân (Trần Từ Mai)
• Thử Tìm Hiểu Ý Tưởng Vũ Hoàng Chương Trong Bài "Đọc Lại Người Xưa: Trần Đào" (Trần Từ Mai)
• Vũ Hoàng Chương (1915-1976) South Vietnam's Fearless Poet Laureate (Đ.T.Pháp&V.Linh)
• Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến)
• Vũ Hoàng Chương (Võ Phiến)
• Những Nhân Vật Nữ Trong Thơ Vũ Hoàng Chương (Viên Linh)
• Khai Xuân Thạch Vấn (Trần Từ Mai)
• Trở lại bài thơ Khai Xuân Thạch vấn (Trần Từ Mai)
VHC, Tiếng thở dài của phương đông trầm mặc
(Tạ Tỵ, Talawas)
• Bài Ca Sông Dịch (Vũ Hoàng Chương)
• Sao Lại Thế Được (Vũ Hoàng Chương)
• Đọc lại Nguyễn Du (Vũ Hoàng Chương)
• Trước một ngày trao (Vũ Hoàng Chương)
• Hồ Xuân Hương (Vũ Hoàng Chương)
Ta đã làm chi đời ta (Bút ký, Talawas)
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |