01-05-2014 | VĂN HỌC

Nhân chuyện người lính buồn trong thơ Văn Lê

  TRẦN MẠNH HẢO


     Nhà thơ Văn Lê
(Ảnh nhavantphcm.com.vn)

Trước và sau tiểu thuyết nổi tiếng: “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh, văn học dòng chính thống của chế độ đương thời, chừng như chưa có tác phẩm nào dám dựng chân dung buồn đau tới tận cùng của người lính chiến?


“Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, câu thơ của Phạm Tiến Duật có thể đại diện cho hình ảnh người lính chiến đi vào chỗ chết trong văn học mà vui như tết, mà vỗ tay vỗ chân hát hò mê sảng hơn trúng số! Cho nên, Tố Hữu – ông trùm của thi ca cách mạng mới khẳng định tính chất sắt đá đến phi nhân của đảng cầm quyền, một đảng không biết hỉ nộ ái ố, không có trái tim như sau: “Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt da đồng”


Rất lạ, năm 2013, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân đã cho xuất bản tập thơ “Vé trở về” của nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh, đạo diễn Văn Lê với hình ảnh người lính buồn từ A tới Z.


Người lính của thơ Văn Lê khác một trời một vực với người lính của Phạm Tiến Duật, khi anh được giấy gọi đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu:


“Anh nhìn con dấu đỏ tươi trên lệnh động binh

Lòng trống vắng như vòm trời không đáy

Cánh đồng ngơ ngẩn buồn

Anh cũng ngơ ngẩn buồn trong váng nắng chiều sót lại”


Quê hương người lính không phải là thiên đường xã hội chủ nghĩa như tuyên truyền, mà là một cảnh loạn lạc, bi ai, tráo trở, buồn thương của đám tang cha mẹ:


“Rắn rết trong hang bò ra đầy ngõ

Náo loạn làng quê chó sủa

Náo loạn bầu trời vẩn vũ chim bay

Cuộc trở mình của tự nhiên diễn ra giữa ban ngày

Mọi trật tự bỗng nhiên gãy đổ

Sông suối thay lòng đổi dạ

Cuộc đưa ma tại làng quê nhức nhối tiếng gọi hồn”


Người lính trong thơ Văn Lê ra trận trong nỗi buồn sầu thảm:


“Đồng chiều ngơ ngẩn buồn

Anh ngơ ngẩn buồn bước về quá khứ

Ở đâu đó giữa hoang vu chợt cất lên tiếng thánh ca âm u khổ sở

Âm u khổ sở tiếng thánh ca của muôn loài sinh vật tiễn đưa anh”


Hãy nhìn hình ảnh người em gái cô đơn tiễn anh ra trận qua chữ nghĩa Văn Lê:


"Em gái anh

Dáng như bà già

Khoác chiếc áo tơi mỏng manh như món đồ dễ vỡ

Nó đứng chờ anh ở ngay đầu ngõ

Miệng cười lóe vệt trăng non”


Và người lính ấy mang nỗi buồn vô tận vào cuộc chiến để chết buồn như chiếc lá:


“Câu chuyện về người lính hy sinh buồn như lá thu bay”


Các anh đã chết cho cái gì vậy:


“Những năm chiến tranh đất nước gieo neo

Giấy báo tử về làng như lá rụng

Khủng khiếp nhất là phải làm người sống

Sáng mở mắt ra đã nơm nớp trong lòng”


Hãy đọc tiếp niềm đau buồn của thơ Văn Lê khi anh tả nỗi buồn cô đơn của cô em gái –người thân duy nhất còn sót lại của người tử sĩ buồn:


“Ngày anh trai hi sinh bến nước bơ vơ

Cô chẳng còn ai mà chờ đợi nữa

Mọi trật tự trong cô sụp đổ

Cô lang thang cuối đất cùng trời

Xác xơ như bà lão ăn mày

Vô cảm như người điên ngoài chợ”


Cô gái đi tìm người anh đã chết trận như một người điên, trên quê hương điên, với những lý tưởng viển vông điên dại ai mang đến lừa mị quê hương:


“Những hi vọng tìm anh sau chiến tranh

Tràn ngập trong cô như nước mùa tháng tám

Xé lòng cô như cánh đồng gặp hạn

Ăn mòn cô như nắng lột da người”


Những người lính sinh Bắc tử Nam, chiến đấu để giải phóng nhân dân, để xây thiên đường xã hội chủ nghĩa ư? Hãy nhìn đáp số cuộc chiến tranh chết hàng chục triệu người qua thơ Văn Lê viết về nỗi buồn lính:


“Quê anh bây giờ lôm nhôm lam nham

Anh ngắm nhìn mà thương con mắt

Những bức tường đá xanh biến mất

Nhường chỗ cho những ngôi nhà mái bằng nép sát vào nhau

Cao thấp nhấp nhô như người bị chắt đầu

Chẳng tìm đâu ra những mái nhà đội nón

Cuộc sống dường như đảo lộn

Chẳng còn ai vướng bận đến quá khứ xa xưa

Có lẽ vậy nên làng anh bây giờ

Cuộc sống mất đi cái hồn cái vía…”


Chao ôi, hàng triệu người lính đã chết trận để sau ngót bốn mươi năm, quê hương ta chỉ còn là cái xác không hồn? Những câu thơ Văn Lê bình dị, lắng đọng, sâu xa mà như một lời lên án bọn đầu nậu chiến tranh đã dùng máu mấy triệu người để làm cuộc buôn lớn có tên là cách mạng. Hãy nhìn xã hội tham nhũng vô phương cứu chữa, kẻ cầm quyền giàu có hóa thành tư bản để vô sản hóa nhân dân, tiếp tục cho nhân dân ăn bả lừa thiên đường thiên điếc. Nhà thơ quân đội, nhà văn cách mạng, nhà biên kịch đạo diễn có hạng Văn Lê đã vượt lên trước đội hình nhà văn lề phải để lý giải, để thúc giục nhân dân tỉnh ra sau khi bị ăn bả cách mạng thành ngớ ngẩn, thành mất trí:


“LÀNG QUÊ U U MÊ MÊ

NGƯỜI TA NHƯ ĂN CHÁO LÚ”


Cám ơn thi sĩ Văn Lê đã gọi sự vật bằng tên của nó, khi ông đanh thép tố cáo “trò lừa lý tưởng” cho dân ăn cháo lú của những ông lú cầm quyền:


“Họ (nhân dân –chú của TMH) lao ra bến sông bãi chợ

Giành giật miếng ăn của nhau

Chợ quê tràn ngập đồ Tàu

Chẳng thiếu thứ gì, ngoại trừ đồ thật!”


Thật đau thương cho một nhân dân sau khi đã cống hiến hàng triệu con em làm vật hiến tế hi sinh cho các cuộc chiến vì lợi ích ngoại bang như lời cố tổng bí thư Lê Duẩn từng nói: “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”, như lời thơ Tố Hữu: “Ta vì ta ba chục triệu người / Cũng vì ba ngàn triệu trên đời”… lại được trả công bằng hàng giả cả từ tinh thần đến vật chất thế này ư?


Văn Lê lý giải hiện tượng làng anh tha hóa, mất hết hồn dân tộc, đang tan tác như đám gà gặp cáo chỉ vì thờ sai thần, vào nhầm miếu:


“CÓ NGƯỜI BẢO DÂN LÀNG ANH NHƯ THẾ

ĐÃ VÀO NHẦM MIẾU LẠI CÚNG NHẦM THẦN”


Đọc đến đây, ai là người còn tấm lòng với đất nước đều hiểu nhà thơ Văn Lê không chỉ nói làng anh, mà nói dân tộc anh đã thờ nhầm thần Marx –Lenin, đã vào nhầm miếu cộng sản nên đất nước mới thành ra tan nát thế!


Một tập thơ tâm huyết thế này, trung thực và xúc động dám nói thẳng nói thật tận tâm can như thế này, lại được một nhà xuất bản lề phải Quân Đội Nhân Dân cho in, liệu có phải là tin mừng hay không?

Viết đến đây, chúng tôi xin kể một kỷ niệm với nhà thơ Văn Lê (anh từng được giải thơ cùng hạng A với Hữu Thỉnh và Anh Ngọc trong cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1975-1976); rằng sau khi thống nhất đất nước, Văn Lê rủ chúng tôi từ Sài Gòn ra Bắc về thăm quê hương (Hà Nam Ninh) sau ngót mười năm xa vắng. Chia tay Văn Lê ở thị xã Ninh Bình cuối năm 1975, hai đứa chúng tôi vào một quán phở mậu dịch. Bát phở được bưng ra, chúng tôi cầm thìa lên múc phở nhưng thìa chảy hết nước ra ngoài, không thể ăn được. Mọi người bảo hai chú bộ đội từ chiến trường ra, rằng thìa ở đây đã được cấp ủy duyệt cho cửa hàng phở lấy đinh đục nát thìa ra lỗ chỗ như hố bom để cho nhân dân chúng nó không còn ăn cắp thìa mang về nhà làm của riêng được nữa. Văn Lê ngồi khóc. Anh thương nhân dân quê hương Ninh Bình của mình khổ đến thế để đánh thắng Mỹ mà không ăn nổi bát phở, đành để cho hai ba ông ăn mày giành nhau… Còn tôi kìm xúc cảm, vẫn ăn hết bát phở để chia tay Văn Lê, lấy sức đi bộ về quê Nghĩa Hưng, Nam Định…

Kể chuyện này, có lẽ nhiều người bảo chúng tôi bịa, rằng làm gì có chuyện đó. Vâng, tôi xin lấy danh dự ra mà nói rằng, còn nhiều chuyện kinh thiên động địa hơn chi tiết này rất nhiều nhưng vẫn là sự thật. Bây giờ thì đất nước ta, đảng ta không còn phải đục thìa ra để nhân dân ăn phở thoải mái mà không sợ bị mất như ngày sau cuộc chiến tranh xưa nữa; nhưng những cái thìa tinh thần của dân tộc ta, thì than ôi, đã và đang bị ai đó cùng với các đồng chí bốn tốt 16 chữ vàng đục lỗ chỗ ra hết, có phải không nhà thơ Văn Lê?


Sài Gòn ngày 30 tháng tư năm 2014

Trần Mạnh Hảo

(danchimviet.info)