|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Bài liên quan:
Người tặng Phan Khôi danh hiệu kiện tướng là Vũ Ngọc Phan tác giả cuốn Nhà văn hiện đại (nhà xuất bản Tân Dân 1942).
"Kiện tướng" Phan Khôi
Cuốn Từ Điển Văn Học tập 2 (nxb Khoa học Xã hội Hà Nội 1984) không hề có một hàng cho Phan Khôi.
Còn kẻ viết bài này biết đến Phan Khôi khi học bài Tình Già ở chương trình trung học.
Nhưng cái chuyện ngắn "Ông Năm Chuột" mới đi vào tim vào óc kẻ ngu muội này.
Tôi nhớ như in câu Năm Chuột nói với Phan Khôi: "Nghe nói cậu đậu tú tài mà cậu khóc phải không? Giả sử cậu đậu được thủ khoa thì cậu làm nên cái trò trống gì?" Một gáo nước lạnh xối vào xương sống Phan Khôi. Không biết có phải do gáo nước lạnh này mà Phan Khôi bỏ con đường khoa cử. Phan Khôi học giỏi 18 tuổi đậu tú tài (1905), nếu họ Phan cứ theo đuổi thêm vài khóa nữa biết đâu chẳng chiếm khôi nguyên. Thế mà cụ lại từ bỏ Hán học quay sang học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp.
Cụ học tiếng Pháp khá thông, cụ đã từng dịch mười hai bài liên hoàn của Thượng Tân Thị ra tiếng Pháp đăng trong Revue Franco-annamite xuất bản ở Hà Nội. Cụ đọc sách triết học Tây phương nắm vững phương pháp luận lý học (logique), văn cụ viết giản dị và sáng sủa, dùng chữ rất đúng nên văn của cụ không có cái vẻ bóng bẩy, mơ màng, tối tăm, lộn xộn như mấy ông đồ cổ.
Cụ viết đủ loại về: luận thuyết, khảo cứu, nhưng bút chiến là lối sở trường của cụ. Cụ bút chiến về người, cụ bút chiến về việc, rồi bút chiến cả về những chữ dùng sai. Cụ coi các cuộc bút chiến này là cần có để cho người mình ngày khá hơn, tiếng nước mình ngày phong phú, chứ không phải để hạ người, để nâng mình.
Sau đây ta sẽ đi vào các loại bút chiến của Cụ.
1. Viết sai chữ quốc ngữ.
Nam kỳ Lục tỉnh là nơi đầu tiên nẩy sanh nền văn học Việt Nam bằng chữ quốc ngữ. Nhưng chữ quốc ngữ ở Nam kỳ mà viết sai bậy bạ hết là bắt đầu từ mấy ông làm báo (phần nhiều là nhà nho không học mấy quốc ngữ; chỉ học vần sơ sơ mà ráp lại mà viết). Họ viết sai ngay cả tên của họ. Cụ nêu lên hai ví dụ điển hình: hai ông Nguyễn Chánh Sắt và Đặng Thúc Liêng nếu viết đúng theo chữ Hán của hai ông trên danh thiếp thì phải là Sắc và Liên mới đúng, nhưng vi phát âm của người Nam kỳ hồi đó lầm lẫn t với c, lẫn có g và không g nên đã viết sai tên.
Bài báo này khiến cho ông Đặng Công Thắng con cụ Đặng Thúc Liên lên tiếng.
Ông Thắng nói: chữ quốc ngữ viết thế nào thông nghĩa thì thôi không cần viết đúng vì không có hàn lâm viện, không có mẹo luật.
Cụ bẻ lại ngay: "Thế gian này có thứ chữ nào viết không đúng, mà lại thông nghĩa được, cụ lấy ngay ví dụ: 'chẳng lẽ' nghĩa là 'chẳng có lẽ' mà viết là 'chẵn lẻ' cũng được sao." Còn không có mẹo luật thì phải làm cho nó có mẹo luật, không có hàn lâm viện thì phải làm cho nó có hàn lâm viện .
Cụ rất thận trọng khi viết, có chữ nào hơi nghi một chút lật tự vị của Huỳnh Tịnh Của hay của Trương Vĩnh Ký ra coi. Tra xong, ghi chữ ấy vào một tập vở nhỏ hàng ngày nhìn lấy nó cho nhớ nhập tâm, ghi đầy một quyển vở trăm trương mà nhớ cho hết thì có thể viết đúng được phần nhiều rồi.
2. Đả phá quan niệm coi thường chữ quốc ngữ.
Ông nghị viện quản hạt Hồ Duy Kiên trong phiên họp hội đồng ngày 10-9-1931 có tuyên bố: "Tiếng An Nam là Patois (thổ ngữ)." Ông cho rằng tiếng An Nam là thổ ngữ của xứ này, cha mẹ đẻ ra ai cũng tự nhiên biết đọc và biết viết rồi, không cần phải học nữa vô ích. Lý lẽ của ông đưa ra là muốn bác ý kiến của ông nghị khác muốn xin lấy tiếng An Nam làm gốc cho nền sơ học.
Cụ lên tiếng: người Việt Nam mình hình như có một quan niệm coi tiếng Việt là dễ mà không chịu học. Chính tai cụ đã nghe thấy một bà mẹ mắng con: "sao mày ngu quá, chứ tao ngày trước, tao đọc vần xuôi vần ngược chỉ mất công trong mươi năm bữa, rồi ráp vần mà viết như chơi, cho đến bây giờ sách gì tao cũng đọc được, thơ từ tao cũng khỏỉ mượn người ta..."
Cụ bảo: "biết xập xuội mà chơi thì dễ, chứ muốn biết đọc biết viết cho đâu ra đó thì có dễ gì đâu. Phải gia công học tập lung lắm mới được... Có nhiều người tự xưng mình là học giả, là nhà văn, đã từng xuất bản sách nọ sách kia mà viết chữ quốc ngữ sai cả chữ và nghĩa thì sự đó tôi tưởng không thể nào dung thứ được."
Không thể coi thường tiếng Việt được, không thể khinh rẻ nó là tiếng Patois được.
Hãy xem "Cái văn của sách nho giáo thật là sạch sẽ, đúng đắn mà lại dễ dàng. Cái cách đặt câu gọn gàng và rõ rệt, dùng toàn những lời thường dùng mà đử nói ra được những cái lẽ cao thâm huyền diệu... Nó phân chứng cho thiên hạ biết rằng tiếng Việt Nam, là thứ tiếng mà người ta chưa chịu công nhận là hoàn toàn kia, cũng có thể dùng mà viết ra bộ sách lớn để cắt nghĩa về triết học."
3. Dùng danh từ cho trúng.
Năm 1931, cụ có mở mục ở "Phụ Nữ Tân Văn" gọl là mục "Vai ngự sử trên đàn văn" để nhặt những cái sai lầm trong các thơ văn và các bài báo. Chỉ xin dẫn ra vài thí dụ:
- Trong một cuốn tiểu thuyết, có câu than của một người đàn bà: "Thân phận tôi ngày nay khác nào như hoa trôi theo giọt nước."
Cụ cho rằng chữ "giọt nước" đó dùng sai, Vì "giọt nước" là nước mưa trên mái nhà hoặc trên tàu lá nhỏ xuống từng giọt, thì hoa đào kia trôi theo làm sao được. Chữ "giọt nước" phải đổi làm "giòng nước" mới đúng.
- Trong một bài nói về vấn đề triết học ở tờ báo kía có câu: "Tôi đây học thức hiếm hoi...", chữ "hiếm hoi" dùng vào câu đó gần như không có nghĩa.
- Chữ "hiếm hoi" hay dùng với ý ít con hay là khó nuôi con. Hay có thể nói "nhân tài hiếm hoi" v.v..., còn "học thức" là danh từ trừu tượng, chúng ta không thể đếm được do đó phảl nói "tôi học thức có ít" hay "... kém cỏi" hoặc "... tầm thường" thì mới có nghĩa.
- Chữ "cảm phiền" theo chữ nho có nghĩa là "tôi dám phiền ông". Như vậy mà nói: "xin cảm phiền" chỉ nghĩa: "xin chớ lấy làm phiền" là sai. Nên bỏ chữ "cảm phiền" đi, đừng dùng nữa là phâi.
- Cụ cũng chỉ cho cách phân biệt hai chữ: phát minh (inventer) và phát kiến (découvrir). Cál gì từ xưa đến nay vẫn còn có đó, duy chưa hề có ai biết mà chi ra hết, mà mình biết mà chỉ ra như thế gọi là phát kiến.
Còn cái gì từ xưa đến nay vốn chưa có, tự mình bày ra rồi nó mới có như thế gọi là phát minh.
Nên bảo ông Colombo phát kiến ra châu Mỹ. Ông Watt phát minh ra máy hơi nước.
Bàn về mục này nhà văn Vũ Ngọc Phan viết: "Phan Khôi mà đóng vai ngự sử đàn văn thì thật là xứng đáng, vì không mấy người kiêm được nhiều điều kiện như ông: có óc tỷ mỷ, soi mói, lại dùng chữ rất đúng, học rộng, kinh nghiệm nhiều. Từ ngày mục ấy không còn, tôi thấy rằng về sau các tạp chí văn học khác cũng có nêu lên những mục tương tự như thế, nhưng không mấy người đủ tài để viết."
4. Làm giầu tiếng Việt.
Học giả Phạm Quỳnh
Vấn đề này Phạm Quỳnh có lên tiếng: "Tiếng Việt Nam tuy kể là giàu về tiếng dùng vào văn chương, thi phú. Chớ dùng để nói tâm lý triết học, cách trí thì thiếu thốn nhiều. Muốn thêm nhiều tiếng tất phải mượn chữ Tầu, cũng như người Pháp mượn tiếng La Tinh. Phần nhiều các chữ ta dùng, cũng là muợn Tàu cả, song đặt theo âm điệu ta, nên nó thành tiếng ta, và khi giao thiệp với người Tàu, ta nói họ có hiểu chi đâu."
Ông Nguyễn Duy Thanh một người học về khoa học tại Pháp gửi bài về phản đối với lý lẽ sau:
- Người mình coi rẻ tiếng nước mình mà cho tiếng của nước người hay hơn.
- Người mình làm biếng không chịu đặt ra tiếng mà dùng.
Nên ông Thanh nói đi muợn tiếng nước người là ăn cắp và cho rằng "cứ giữ cái tánh ăn gởi ở nhờ người mãi, thi không còn ngày nào mở mặt ra với đời được nữa."
Ông đề nghị viết:
- "Cá nhân chủ nghĩa" là "nghĩa vì mình"
- "Cách mạng" là "đổi lịnh".
- "Cộng sản" là "chung của".
Phan Khôi hoan nghênh lòng yêu tiếng Vlệt của một thanh niên du học tuy còn nhiều chỗ thiên lệch. Nên cụ đề nghị một nguyên tắc:
"Phàm chữ nào nói tiếng ta được thì cứ nói tiếng ta, phàm chữ nào nói tiếng ta không được, hoặc nói riêng là không ngộ, không hết ý, không gọn... thì dùng tiếng Tàu; tiếng Tàu không mãn nguyện thì cũng dám dùng tới tiếng Pháp hoặc tiếng ngoại quốc nào khác nữa."
Cái nguyên tắc của Phan Khôi đặt ra khi đó (1932) đã được noi theo. Nay số từ Hán Việt nhập vào tlếng Việt không phải hàng ngàn hàng vạn, nó chiếm trên một nửa số từ tiếng Việt. Ngày nay với đà phát triển của khoa học tự nhiên và xã hội con số ấy lại tăng rất nhlều và tăng mãi.
Nhưng tiếng Việt không phải chỉ chịu ảnh hưởng bởi chữ Hán mà nó còn chịu ảnh hưởng của các ngôn ngữ Âu châu nhất là tiếng Pháp.
Trong sự tiếp xúc với tiếng Hán, tiếng Việt vay mượn chủ yếu những thành ngữ miêu tả.
Trái lại trong sự tiếp xúc với các ngôn ngữ Âu châu, tiếng Việt vay mượn chủ yếu là những kiến trúc của tư duy, suy lý, những công cụ để xây dựng những đoạn văn nguy nga, khẳng định vai trò chủ đạo của tư duy, nhằm trình bày tư tưởng sao cho có tầng tầng, lớp lớp, có thứ tự chặt chẽ: đó là tư duy khoa học.
Học giả Trần Trọng Kim
Khi quyển đầu Nho Giáo của Trần Trọng Kim ra đời in lần thứ nhất (năm 1930). Phan Khôi đã viết các bài phê bình liên tiếp trên báo "Phụ Nữ Tân Văn" xuất bản tại Saigon trong các số 54 ngày 29-5-1930, số 60, số 63 31-7-1930. Trần Trọng Kim cũng trả lời trên báo đó trong các số 60, 74 ngày 16-10-1930.
Các bài phê bình cũng như trả lời khá dài và nêu lên nhiều luận điểm không thể chép hết vào bài này vì khuôn khổ bài báo và tờ báo cũng có hạn.
Vậy chỉ xin nêu vài luận điểm.
a. Trong quyển I. Nho Giáo (in lần thứ nhất 1930) Trần Trọng Kim có viết:
"Đối với cuộc tạo hóa thì Khổng Phu Tử cho rằng lúc đầu ở trong vũ trụ chỉ có cái lý vô cực tức là đời hỗn mang mờ mịt không rõ gì cả. Lý vô cực ấy tức là lý Thái cực..."
Phan Khôi liền bẻ lại rằng: "Ấy là cái thuyết vô cực nhi thái cực của Chu Đôn Hi nhà Tống, chớ Khổng Tử không hề nói như vậy. Trong Kinh Dịch, Khổng Tử chỉ nói: "Dịch hữu thái cực, thị sanh lưỡng nghi..."
Lần tái bản quyển I. Nho Giáo họ Trần đã đồng ý với họ Phan. Đó là một sự phục thiện đáng phục.
b. Trong Nho Giáo, Trần Trọng Kim nói: "Khổng Tử đã tin có Trời, có thiên mệnh, tất tin có quỷ thần."
Nhưng theo ý Phan Khôi thì Khổng Tử là một nhà "vô thần luận giả".
Hai ông đều dẫn các câu trong Luận ngữ ra để biện minh cho lập trường của mình, cùng một câu mà hai cách hiểu khác nhau. Phan Khôi còn dẫn sách Mặc Tử có một thiên gọi là "Minh quỉ" chứng minh rằng quỉ thần có thật để phản đối lại cái vô thần chủ nghĩa của đạo nho; vậy nếu Khổng Tử tin có quỉ thần, thì Mặc Tử còn phản đối làm gì?"
Trần Trọng Kim bẻ lại: "Khổng Tử lại rất chú ý về việc tế tự, không lẽ ngài không tin là có, mà lại bảo người ta hết lòng thành kính mà tế tự.
Lại còn câu: "Kính quỷ thần nhi viễn chi" đã không tin quỉ thần thi kính cái gì mà viễn cái gì?
c. Bàn về đạo Trung Dung.
Trần Trọng Kim viết: "Đạo trung dung tức là đạo người quân tử rất hay rất phải, người xứ nào theo cũng được mà bao giờ thi hành ra cũng được".
Phan Khôi phản đối: "Khổng Tử cho rằng đạo trung dung là cực khó. Vậy khó như vậy còn bày ra làm gì?"
Trần Trọng Kim phản pháo:
Câu trên có nghĩa: "Đạo ấy là cái đạo phải, thì dẫu người xứ nào hay thời nào cũng cần phải theo. Nói như thế không có ý gì là ý bảo đạo ấy rất dễ. "Còn nếu khó mà bỏ đi hết, thỉ còn dậy người ta cái gì nữa. Vì mục đích giáo dục là ở sự cố gắng, không có cố gắng là không có giáo dục. Thà nói rằng cái dở phải bỏ đi chớ nói cái khó phải bỏ đi thì tôi không hiểu."
d. Quân quyền:
Trần Trọng Kim cho rằng: "Cái quân quyền do một người giữ thì gọi là đế là vương, mà do một bọn người của công dân đã thừa nhận cho được giữ, thì gọi là thống lĩnh; đế vương hay thống lĩnh đều thuộc về cái nghĩa chữ quân cả."
Phan Khôi cho rằng ông vua chuyên chế thời xưa với ông Tổng thống của một dân quốc đời nay quyền hạn khác hẳn nhau, mà cũng vì thế, có nhiều dân tộc văn minh đã trải qua biết bao sự khó khăn, sự hy sinh, mới lập được một chế độ dân chủ.
Ngô Tất Tố cũng cho rằng chữ Quân của Khổng Tử không có cái nghĩa là Quân Quyền như Trần Trọng Kim đã nói. Sự thực thì cái lối trung quân của Khổng Tử là "trung với bản thân những người làm đế làm vương"
e. Khổng giáo với Khoa học.
Phan Khôi nói "cái huyền học của Khổng giáo trái với khoa học" rồi dẫn cái thuyết: "Minh minh đức, Tân dân, chỉ ư chí thiện" làm bằng chứng. Vì theo ông: "Khoa học trọng chứng cứ và thực nghiệm. Cái thuyết minh tân chỉ là một lý tưởng cao siêu, chớ đem đối chứng với lịch sử thì không thể chứng nghiệm là thực được..."
Trần Trọng Kim bẻ lại "nghĩa rộng của khoa học tức là nói tổng cộng các mối trí thức của người ta, có lý quán thông và có phương pháp mà lập thành hệ thống. Nghĩa hẹp là nói riêng về một trí thức rất xác thực, như hóa học, vật lý học v.v...
Vậy Khổng giáo là khoa triết học có lý quán nhất, có phương pháp và có hệ thống tức là nó hợp với khoa học. Phương pháp của Khổng giáo là lấy trực giác làm chủ, mà cái hệ thống của Khổng giáo là thiên địa vạn vật nhất thể (panthéisme).
Triết học Tây phương cũng dùng phương pháp chứng luận (méthode démonstrative) lấy cái định nghĩa trên thiên đích (définition posée à priori) hay là cái giả định (hypothèse) làm căn bản. Cái phương pháp chứng luận thì khi đã nhận một cái lý nào làm căn bổn rồi, cứ lấy cái lý ấy làm chứng mà luận, các quan điểm khác đều phải hạp với cái chứng luận ấy mới được.
Khổng giáo theo cái chủ nghĩa "Thiên địa vạn vật nhất thể" và lấy cái định nghĩa tiên thiên làm gốc, cho thiên hạ như một nhà, một nước như một người: đã là thiên hạ vạn vật cùng đồng một thể thì cái đạo nhân của tâm tất là cùng với đạo nhân của nhất thể. Cái đạo nhân của nhất thể bởi đâu mà ra? Bởi tánh trời phú cho, tự nhiên nó linh thiêng, không mờ tối vậy, cho nên mới gọi là minh đức.
Cái học của bậc đại nhân là cốt bỏ cái tư tâm, tư dục, để tự mình làm sáng cái minh đức của mình.
Cái minh đức của mình đã sáng ra, thì tất có lòng Thân Dân (theo cụ Kim: Thân mới đúng, Tân là sai). Làm cho sáng cái minh đức, là lập thành cái thể của thiên địa vạn vật nhất thể; Thân Dân đã được cái dụng của thiên địa vạn vật nhất thể. Cho nên minh minh đức là ở sự thân dân, mà sự thân dân là để làm cho sáng cái minh đức. Ta thân cha ta để cho kịp đến cha người và cha thiên hạ, rồi sau cái nhân của ta mới thật là cùng với cha ta, cha người và cha thiên hạ hiệp làm nhất thể như thế, thì rồi cái minh đức của sự hiếu mới sáng rõ ra được." Với anh mình, với vợ mình, với vua tôi cũng vậy. "Nhiên hậu cái minh đức của ta không có cái nào là không sáng, và mới thật lấy thiên địa vạn vật làm nhất thể được. Bởi thế mới nói rằng sáng cái minh đức thiên hạ, và mới nói rằng tề gia, quốc trị, thiên hạ bình. Cái thuyết minh minh đức, thân dân khởi tự thân mình ra đến thiên hạ quán thông như vậy. Nếu đổi chữ Thân ra chữ Tân thì cái lý ấy không suốt được."
Lê Dư (biệt hiệu Sở Cuồng) sau khi sao lục từ chữ "nôm" ra chữ quốc ngữ, những áng thơ của nhà đại văn hào Nguyễn Bình Khiêm (1491 - 1585) đã cho phát hành dưới danh hiệu "quốc học tùng thư", nên Phan Khôi mới viết một bài nhan đề là "Luận về quốc học" đăng trong Phụ Nữ Tân Văn (số 94 ngày 6-8-1931) để bác cái việc đề xướng mà ông cho là vô căn cứ.
"Theo chữ 'quốc học' ngày nay mà người ta dùng thì cho là học thuật của một nước từ xưa đến nay mà ảnh hưởng đến sinh hoạt của xã hội. Không chắc cho lắm, nhưng hình như nó bao hàm triết học và khoa học (nghĩa rộng vào trong). Còn đối với văn học thi theo nghĩa rộng của chữ quốc học nó có thể bao cả văn học nữa, vì người ta nói được rằng văn học của một nước; nhưng theo nghĩa hẹp thì nó lại đẩy văn học ra ngoài, vì nếu chuyên về mặt có ảnh hưởng đến xã hội mà nói, thì quốc học có ảnh hưởng trực tiếp, còn văn học có ảnh hưởng gián tiếp. Bởi vậy như nước Tàu bọn Châu, Trình, Lục Vương, người ta cho đem vào học thuật sử (tức là quốc học sử); còn Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ thì chỉ cho vào văn học sử mà thôi.
Xem như trên đó, đủ biết quốc học và Văn học là khác nhau. Trong khi thảo luận về quốc học không nên trộn lẫn vào vấn đề văn học."
Cụ Ngô Đức Kế
Ngô Đức Kế cũng đồng ý với Phan Khôi: "Nước Việt Nam ta, vài nghìn năm nay, học chữ Hán, theo Khổng học, Hán văn tức là quốc văn, Khổng học tức là quốc học."
Phạm Quỳnh cũng định nghĩa: "Quốc học là gồm những phong trào về tư tưởng, học thuật trong một nước có đặc sắc, khác với nước khác và kết tinh thành những sự nghiệp trước tác lưu truyền trong nước và ảnh hưởng đến các học giả trong nước."
Với định nghĩa quốc học này thì: "Anh hùng ta có, liệt nữ ta có, danh sĩ cao tăng ta có, nhưng trong cõi học nước ta, cổ kim chưa có người nào sáng khởi, phát minh ra những tư tưởng mới, dù có vẻ độc lập một "nhà" đối với "các nhà khác", như bách gia chu tử bên Tàu ngày xưa."
"Chúng ta không có lấy một tác phẩm khả dĩ được coi là hoàn toàn sáng tác, là hoàn toàn không bắt nguồn hay chịu ảnh hưởng từ bên ngoài (nghĩa là Trung Hoa), do đó đáng được ghi nhận trong kho tàng văn chương quốc tế để chứng tỏ tánh cách độc đáo của mình."
Phạm Quỳnh quá đề cao chuyện Kiều: "Chuyện Kiều là Quốc hoa, Quốc hồn, Quốc túy Việt Nam... Nguyễn Du đã đổ máu làm mực, làm vẻ vang cho giống nòi... chuyện Kiều còn, tiếng Nam còn; tiếng Nam còn, nước Nam còn..."
Nên cụ Ngô Đức Kế bèn viết bài "chánh học cùng tà thuyết" trên báo Hữu Thanh số 21 ngày 1er Septembre 1924 lên án chuyện Kiều: "Văn tuy hay mà truyện là truyện phong tình, thì cái vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi, tám chữ ấy không tránh đàng nào khỏi". Chính Nguyễn Du cũng tự nhận "Lời quê góp nhặt nên bài, mua vui cũng được một vài trống canh."
Thế mà ngày nay đức văn sĩ giả dối biểu dương Truyện Kiều lên để khai hóa quốc dân, đem Truyện Kiều làm sách "quốc văn qiáo khoa" (sách dạy) làm sách "Sư phạm giảng nghĩa" (sách thầy). Văn sĩ thường nói rằng "Học Hán văn là học mướn, học Pháp văn là học mướn, học quốc văn mới là học nhà. Truyện Kiều tức là sách đó."
Cụ công kích "Truyện Thanh Tâm Tài Nhân là tiểu thuyết hèn mạt bên Tàu, mà nay nước Việt Nam tôn phụng làm chính kinh chính sử, thiệt là rước lấy một cái đại sỉ nhục.
Cụ lên án: "... Thế thỉ khi chưa có Truyện Kiều thì nước ta không có quốc hoa, không quốc túy, không quốc hồn..." hay sao?
Phạm Quỳnh không trả lời bài của cụ Nghè Kế nên bị Phan Khôi vạch tên: "Hạng người ấy ỷ có học rộng, trí thức nhiều, văn hay trí thuật cũng khá, rồi tự coi mình như bậc thầy", chẳng kể dư luận ra chi. Đã hay rằng mình giỏi, song thế nào cho khỏi sự sai lầm, vậy mà họ tự phụ quá, cứ mạt sát quá. Ừ cái dư luận nào không chính đáng, họ mạt sát chẳng nói làm chi, cái này, khi người ta công kích họ một cách chính đáng; mà họ cũng làm thinh. Làm thinh, không phải tỏ ra là họ phục, nhưng làm thinh, tỏ ra là họ không thèm nói với, thế mới đáng ghét.
Tôi dâng cho họ cái huy hiệu "Học Phiệt" lấy nghĩa rằng họ có ý kế nghiệp nhau mà chuyên quyền trong học giới, cũng như bọn "quân phiệt" đã nối nhau mà chiếm cứ đất đai và quyền chánh bên Tàu.
Tôi chẳng nói xa gần chi hết: tôi nói ngay rằng hạng "'Học Phiệt' ấy ở nước ta chẳng bao lăm người mà Phạm Quỳnh tiên sinh là một."
Sau khi đọc bài "Cảnh cáo các nhà Học Phiệt" Phạm Quỳnh mới trả lời trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 67 ngày 28-8-1930 (lúc đó cụ Ngô Đức Kế đã qua đời).
Cuộc tranh luận này nổ ra vào năm 1933 do Hải Triều khởi xướng, sau này Trần Huy Liệu ca ngợi: "đã đánh bại đối phương không còn mảnh giáp, mà còn nhân dịp tuyên truyền rộng rãi về lập trường quan niệm của người Mác xít trên lãnh vực tư tưởng và nghệ thuật."
Phan Khôi lấy tinh thần làm căn bản, vật chất làm phụ thuộc. Còn Hải Triều nói trái lại: vật chất là căn bản, tinh thần là phụ thuộc.
Trên căn bản nhận thức đó nên Phan Khôi viết: "Hễ tinh thần đã đến một trình độ kia, thì vật chất cũng đến một trình độ kia. Tinh thần còn ở cái trình độ này thì vật chất còn ở cái trình độ này. Theo lẽ ấy thì vật chất Đông Phương sở dĩ kém Tây Phương là tại tinh thần cũng kém Tây phương."
Rồi ông dẫn một cái thí dụ: sự sáng chế một cái ô-tô, ông nói "Phải duy trước hết đã có cái tinh thần vật lộn với cái sức tự nhiên, lại còn muốn cho cả người ta và loại vật đều khỏi vất vả nên mới sáng chế ra được cái ô-tô ấy."
Còn Hải Triều bẻ lại: "Không phải thế tôi nói quả quyết rằng: Sự sáng chế cái ô tô là chính cho đỡ sự "vất vả" trước đã, nói cho đúng hơn là vì gặp một nền kinh tế sinh sản nhiều, cần phải tiêu thụ gấp nên cần sáng chế ra cái ô tô để đi cho tiện cho mau. Còn cái tinh thần vật lộn chỉ là vấn đề phụ thuộc."
Đây là lần đầu ra quân bút chiến với Hải Triều cán bộ văn nghệ cộng sản.
Phải đến hơn hai chục năm sau trực diện với cộng sản chuyên chính, ngòi bút chiến đấu sắc bén của cụ mới bộc lộ rõ ràng hơn.
Danh hiệu Kiện Tướng khi nhà văn Vũ Ngọc Phan tặng cho Phan Khôi chắc với nghĩa: tay tài giỏi, bậc đàn anh. Phải đến hồi Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc, cái nghĩa thứ hai của danh từ kiện tướng là Viên Tướng Mạnh mới được rõ nét.
Nhân Văn Giai Phẩm Số 1, 1956
Phan Khôi không đi lính, không cầm quân, không có súng, nhưng vũ khí của Phan Khôi là ngòi bút, chiến trường của Phan Khôi là báo chí, bom đạn của Phan Khôi là các bài bút chiến với tụi cầm quyền, làm chúng tối tăm mặt mũi, đầu phải cúi xuống trước lý luận của Phan Khôi.
Mùa thu 1956 cụ viết bài "Phê bình lãnh đạo văn nghệ" đăng trong Giai Phẩm Mùa Thu. Cụ đặt thẳng vấn đề:
- Vấn đề tự do văn nghệ sĩ.
Cụ bảo hai năm nay (1955-1956) lãnh đạo đã xâm phạm mỗi ngày một hơn vào quyền riêng nghệ thuật của văn nghệ sĩ.
Cụ nói thẳng với Nguyễn Tuân và Hoài Thanh các ông có nghệ thuật của các ông, còn tôi có nghệ thuật của tôi. Có như thế thì mới được cái quang cảnh trăm hoa đua nở. Nhược bằng bắt mọi người viết phải viết theo một lối với mình thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết.
Cụ phản đối cái lối chủ bút cho "dàn bài" ra "yêu cầu" và "mục đích" lại hạn luôn cả số chữ, uất ức quá cụ kêu với cụ Đồ Chiểu.
Ở đây nào phải trường thi
Ra đề, hạn vận một khi buộc ràng!
- Vụ giai phẩm mùa Xuân.
Tố Hữu trùm văn nghệ mang Trần Dần ra hỏi tội. Hoài Thanh viết bài trên báo Văn Nghệ ghép Trần Dần vào tội phản đảng.
Cụ hạ bút: Trần Dần còn phúc hơn cậu cử Thuyên con Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Cử Thuyên làm bài thơ chỉ có 56 chữ, ý tứ vu vơ mà bị chết chém liên lụy đến anh em bạn bè, cụ Thành phải uống thuốc độc chết. Trần Dần làm bài thơ dài hơn năm trăm câu mà chỉ bị kết án là phản động. Thời đại dân chủ cộng hòa rộng rãi với văn nghệ sĩ hơn thời đại chuyên chế triều Gia Long rất nhiều!
Vụ giải thưởng Văn học 1954-1955.
Cụ nêu lên một hiện tượng quái thai: ba ông Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh có tác phẩm dự thi mà lại còn ở trong ban sơ khảo và chung khảo. Trường thi thời phong kiến, một người nào có con em đi thi, thì người ấy có được cắt cử cũng phải "hồi tị" không được đi chấm trường. Bây giờ cả đến chính mình đi thi mà cũng không "hồi tị"!
Thế nên: "Ngôi sao" của Xuân Diệu giải nhì về thơ. Truyện "Anh Lục" của Nguyễn Huy Tưởng giải nhì về văn. "Nam bộ mến yêu" của Hoài Thanh không có chi là giá trị văn học cũng được giải.
Nên cụ kết luận: "một lẽ là trắng trợn vì thấy mọi cái 'miệng' đã bị 'vú lấp'".
Bài này đã làm nhân dân Hà Nội xôn xao. Có người viết trên báo Thời Mới ví bài của cụ Phan như một "quả bom tạ" thả ngay giữa Hà Nội. Có người thốt lên rằng chín mười năm nay mới lại nghe thấy tiếng nói "sang sảng" của cụ Phan.
Vì tờ Giai Phẩm chỉ là một tạp chí về văn học, không đủ phạm vi để đấu tranh rộng rãi về chính trị nên cụ Phan chịu đứng ra làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Nhân Văn.
Tờ Nhân Văn số 1 ra đời vào ngày 15-9-1956, ra được mấy số thì đảng cử Thạc sĩ Triết học Hoàng Xuân Nhị công kích nhóm Nhân Văn là muốn tách rời văn nghệ khỏi chính trị, chịu ảnh hưởng nhân văn tư bản, không chịu sự lãnh đạo của đảng, nói xấu chế độ v.v...
Bùi Quang Đoài lên tiếng trong bài "Chủ nghĩa nhân văn của ông Hoàng Xuân Nhị" để chống lại thái độ xuyên tạc và chụp mũ của ông Hoàng Xuân Nhị. Sau bài này Hoàng Xuân Nhị cũng im hơi mà đảng cũng lờ đi không trả lời tác giả.
Bài "Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ" của Trần Duy tố cáo đảng Lao Động tìm cách phá hoại tờ Nhân Văn, để bóp chết một cách kín đáo bằng cách:
- Khủng bố những người phát hành
- Khủng bố người đọc
- Vận động thợ in không in
Mặc dầu vậy báo vẫn tiếp tục được nhân dân ủng hộ.
Nên buộc Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ngày 15-12-1956 tước quyền tự do ngôn luận báo chí, buộc báo chí phải phục vụ vô sản chuyên chánh. Sau sắc lệnh các báo: Trăm Hoa, Đất Mới, Giai Phẩm đều chết không có cáo phó.
Sau khi một loạt báo chết để lấp chỗ trống đảng cho phép Hội Văn nghệ xuất bản tờ tạp chí "Văn".
Nhưng "Văn" lại dở chứng cho đăng các bài: "Lời Mẹ Dặn" của Phùng Quán; vở kịch "Tiếng Hát Trương Chi" của Hoàng Cầm; Tranh vẽ "Một phương pháp xây dựng văn nghệ" của Trần Duy chế diễu sự can thiệp thô bạo của đảng vào văn nghệ.
Cuối cùng là truyện "Ông Năm Chuột" của Phan Khôi.
Cái truyện tôi đã nói với độc giả ngay khi mở đề, nay xin đi vào nội dung một chút.
Năm Chuột không cha mẹ, vợ con, làm nghề thợ bạc kiêm thợ rèn vào loại khéo. Năm Chuột đến ngụ cư ở làng Bảo An (làng của Phan Khôi).
Ở ngụ cư nhưng chuyện gì của dòng họ nội ngoại Phan Khôi Năm Chuột cũng rành:
- Chuyện "Cậu của Phan Khôi", con cụ Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Nội đánh Tây đến chết mà nghèo không có tiền lợp lại căn nhà đã tróc ngói. Còn "con" mới làm tri phủ đã mua được mươi mẫu ruộng hạng nhất, không những keo kiệt, mà lại nghiện thuốc phiện trái với "gia ước".
- Chuyện "ông bố của Phan Khôi" mới 38 tuổi đầu mà cáo bệnh từ quan. Phan Khôi tưởng là bố khẳng khái không thích Tây. Đến lúc Năm Chuột giải thích: làng này còn hai ông nữa làm đến tri huyện đều bỏ quan mà về trước tuổi hưu, chả nhẽ cũng chống Tây hay sao?
Năm Chuột tiếp: làng Bảo An, người ta nói làng không có đất phát quan lớn, từ trước đến nay bao nhiêu ông làm đến tứ phẩm trở lên đều bị cách tuột hết. Thế nên "quan lớn nhà ta" đến tri phủ là xin về, chứ nếu nói không chịu làm quan với Tây thì không làm từ đầu, chứ không có lẽ lúc mới ra làm quan, không biết rằng mình sẽ làm với Tây.
Tháng 1-1997 - Viết để kỷ niệm 110 năm sinh Phan Khôi.
- "Kiện Tướng" Phan Khôi mới thực là Lãnh tụ của Văn Chương Phản Kháng Thái Việt Khảo luận
- Thân phận trí thức trong xã hội cộng sản (Đọc “Tuỳ Tưởng Lục” của Ba Kim) (Vũ Thư Hiên)
- Tuyên bố của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam về Giải Văn Việt lần thứ Ba (Văn Đoàn Độc Lập)
- Phê Bình Văn Học Hôm Nay: Phê Phán Nhiều, Sáng Tạo Ít (Vũ Tú Nam)
- Hà Minh Tuân: Giữa hai trận tuyến ngu ngơ
(Lê Xuân Quang)
- Trần Đĩnh - Đèn Cù, Số Phận Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản (Diễn Đàn Thế Kỷ)
- Nghi Án 60 Năm (Trần Gia Phụng)
- Nhận Diện Chân Dung Nhà Văn: Quang Dũng, ... (Lý Hồng Xuân)
- Thụy Khuê với Nhân Văn Giai Phẩm (Hồ Trường An)
- Ghi (1954 - 1960) (Trần Dần)
- Thụy An (1916-1989) (Thụy Khuê)
Về Kinh Bắc (Hoàng Cầm)
Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt (Lưu Quang Vũ)
Đêm Giữa Ban Ngày (Vũ Thư Hiên)
Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất (Nguyễn Khải)
Chuyện Kể Năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn)
Hậu Chuyện Kể Năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn)
Ba Người Khác (Tô Hoài)
Đèn Cù - I (Trần Đĩnh)
Đèn Cù - II (Trần Đĩnh)
Thời Của Thánh Thần (Hoàng Minh Tường)
Trần Đức Thảo - Những Lời Trăng Trối
(Tri Vũ - Phan NGọc Khuê)
Chế độ kiểm duyệt sách báo tại Việt Nam
(Nguyễn Hưng Quốc)
Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm (Thuỵ Khuê)
Thụy Khuê và Nhân Văn Giai Phẩm (VietNam Film Club)
Phim tài liệu (VietNam Film Club, 2013):
Tập I: Nhân Văn Giai Phẩm
Tập II: Cải Cách Ruộng Đất
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Trang Thơ (Phù Sa Lộc)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |