Nhà thơ Viên Linh
(Etcetera vẽ)
Tìm đến chùa xưa bặt tiếng chuông
Sư già còm cõi tựa chân hương
Nhìn lên tượng Phật người không khác
Lặng lẽ quay ra lạc mất đường.
(Lạc Đường, đoạn 39, Thuỷ Mộ Quan, trang 25)
Không phải tất cả bài nào trong Thuỷ Mộ Quan của Viên Linh cũng có tính chất công án, cũng đưa cho ta những vấn đề phải suy nghĩ, nhưng những bài như Lạc Đường không thiếu. Vừa mô tả cuộc đổi đời, ở đây ngay cả trong nhà chùa, vừa mở ra một con đường trước mắt. Tại sao: Vì đâu? Ý nghĩa?
Người đọc thơ có thể mệt vì phải tự mình giải thích những công án đó. Nhưng thơ không phải để dông dài, để thừa ý, nhất là Viên Linh tự giới hạn mỗi đề tài trong 28 chữ [thất ngôn tứ tuyệt]. Ý phải mở rộng, trong khi chữ đã giới hạn nên tính chất gợi ý được tác giả sử dụng tối đa. Về thăm chốn xưa, nhà hoang cỏ mọc, thềm vắng hiên rêu vách gió lùa. Tang thương, lỡ làng, bẽ bàng, phế hưng, sự lạc đường của khách trở về đều được nói đến.
Mai khách về thăm lại chốn xưa
Chớ buồn chi nhé, chỉ là mơ
Cỏ cây trước ngõ um tùm mọc
Thềm vắng hiên rêu vách gió lùa.
(Mai khách về, đoạn 27, TMQ, trang 21)
Chùa thay đổi màu vôi một đêm nào đó. Trắng, thành vàng (?) đỏ (đỏ). Người sư nữ bỏ bộ hoàng y mặc yếm nâu. Không thể tu được trong một xã hội đổi thay? Bị bắt buộc phải lao động trong một thế giới khước từ tôn giáo? Tất cả đều khả thể nhà thơ không cần nói rõ, chỉ gợi ý đặt một công án dành giải thích cho người đời có thể tìm được. Có thể không.
Ở cạnh chùa xưa dưới gốc cau
Có đêm vôi trắng bỗng thay màu
Sáng ra tôi gặp nhà sư nữ
Bỏ bộ hoàng y mặc yếm nâu.
(Dưới gốc cau, đoạn 6, TMQ, trang 14)
Đáp thai không quan trọng bằng vấn đề được đặt ra, đặt ra thì trước sau cũng sẽ được trả lời thôi. Càng có khả năng đưa ra nhiều đáp số càng tốt.
Một cổ miếu dưới bóng trăng, một con thuyền im bên bờ. Một xác ai nằm giữa ruộng khô. Tại sao? Nhân sinh hệ lụy? Biến đổi tang thương? Hồng nhan bạc mệnh. Bất lực của nhà cầm quyền? Sắt máu của kẻ say mê quyền lực. Người đọc tự tìm đáp số. Bài thơ được viết là xong, phần còn lại để cho người đọc. Thơ đi vào sự suy nghĩ, thơ mở tung trí óc bận bịu của mọi người, đánh bật dậy những tế bào óc xếp nếp sét rỉ vì chén cơm manh áo. Mệt? Thú vị tùy người, nhưng ít ra Viên Linh cũng có công đặt ra, tìm kiếm đề tài, sử dụng kỹ thuật để tạo ra một âm hưởng khi bài thơ đã được khép lại:
Cổ miếu âm thầm dưới bóng đa
Đêm trăng vàng lạnh nguyệt thu già
Bờ đê nước cả thuyền buông mái
Một xác ai nằm giữa ruộng khô.
(Nước Cả, đoạn 20, TMQ, trang 22)
Thơ văn bây giờ buồn. Chết chóc. Đau khổ. Đổi thay. Nhưng nếu những mô tả đó dài dòng, ta sẽ không có thơ. Ở Thủy Mộ Quan những chấm phá được thay vào. Giá trị tố cáo vẫn còn nhưng con đường ý mở rộng hơn. Người đọc góp phần. Người con gái chết trên đường tìm tự do: chỉ có trùng dương theo hộ tang. Xin đặt vòng hoa xuống đại dương. Những chiếc tầu không có người đến bến: dạo cảnh vu vơ mấy xác truồng. Con người lạc lõng trên quê hương thay đổi, trở về xứ lạ một mình anh. Mẹ già ngóng tin con khi đất nước được gọi là thanh bình: mẹ già lãng đãng ngoài sân lạnh. Cuộc thế tang thương đem theo thiên tình lỡ: kẻ bước ngang đường, kẻ bước lui. Người dân Việt túa ra muôn phương kéo theo những vấn đề se lòng: ngày mai nếu trở về quê cũ, hi vọng ta còn tiếng khóc chung. Con người thú tính trước cái chết: em nhỏ trắng thơm mùi thịt ngọt. Ngày thuyền tới bến mất em tôi.
Tất cả là vấn đề kỹ thuật. Viên Linh đang thí nghiệm sự chuyên chở thật nhiều ý trong một số chữ giới hạn. Đó là con đường anh tự vạch. Đã thành công một phần lớn, đã làm giàu cho ngôn ngữ, đã xếp chữ vào nhau và cho chữ một vai trò quan trọng hơn khi bình thường.
Trinh nữ trầm oan nổi giữa giòng
Thân băng ngàn hải lý về sông
Xung quanh không một người than khóc
Chỉ cá trùng dương theo hộ tang.
(Trầm Oan, đoạn 29, trang 22)
Chị biệt trần ai chẳng nhập quan
Thả hồn phiêu bạt khắp muôn phương
Ngày sau nếu có người thăm mộ
Xin đặt vòng hoa xuống đại dương.
(Đại Dương, đoạn 71, trang 36)
Chiến trận nghe tàn đã bảy năm
Trai đi chiến trận vẫn mù tăm
Mẹ già lãng đãng ngoài sân lạnh
Không biết tìm ai để hỏi thăm.
(Chiến trận, đoạn 38, TMQ, trang 25)
Một sự khám phá nào cũng đáng hoan nghinh và cũng có những giới hạn. Viên Linh đã vượt qua giới hạn đó bằng một sự khéo léo đáng khâm phục, một trong những lý do giải thích sự ủng hộ nồng nhiệt Thủy Mộ Quan từ lúc phát hành cho tới bây giờ.