1. Head_

    Dương Quảng Hàm

    (14.7.1898 - 19.12.1946)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nàng Thơ Và Cảm Hứng (Viên Linh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      05-03-2011 | VĂN HỌC

      Nàng Thơ Và Cảm Hứng

        VIÊN LINH
      Share File.php Share File
          

       

      Kể từ khi hai tiếng Nàng Thơ xuất hiện, người sưu tập thường nghe hỏi: Nàng Thơ của ông là ai; hay nàng thơ của người đó như thế nào?


      Nàng Thơ đương nhiên phải là một phụ nữ chăng? Trong trường hợp thi sĩ là một phụ nữ, chắc chắn câu hỏi sẽ khác. Chẳng hạn: Nguồn Cảm Hứng. Câu hỏi sẽ là: Nguồn cảm hứng của bà là gì; hay nguồn cảm hứng của Thanh Quan như thế nào?


      Đôi khi có nhà phê bình, nhà biên khảo, khi viết về Thơ, nhắc đến chữ Muse. Muse chính là Nàng Thơ. Muse chính là Nguồn Cảm Hứng. Thế nhưng có bao nhiêu Muses trên đời này, và trên đời kia?


      [Muses có nguồn gốc từ Thần Thoại. Có tới chín nữ thần Muses, tất cả là con gái của Thần Zeus và Mnemosyne (Mnemosyne có nghĩa là Kỷ Niệm, là Trí Nhớ, là Hồi Ức; trong có ba cô là Nữ thần Thi Ca: Calliope Nữ thần Sử Thi, Erato Nữ thần Thơ Tình Yêu và Euterpe Nữ thần Thơ Trữ Tình, Thơ Lãng Mạn. Các thi sĩ Hy Lạp Hesiod (cuối thế kỷ VIII trước Công nguyên, tác giả Works and Days; và Homer, thế kỷ IX trước CN, tác giả Iliad và Odyssey;) và Virgil (thi sĩ La Mã, 70-19 trước CN, tác giả Eclogues, The Aeneid) nói đến các Nữ thần Thi Ca rất nhiều. Họ xưng tụng và cầu khẩn các Nàng. Hai Sử thi của Homer và Virgil là hai thiên anh hùng ca về Thành Troy mà hầu như không một nhà thơ Tây phương nào không đọc.]


      NGƯỜI TÌNH, Mithuna - Tượng sa thạch, Ấn Độ, thế kỷ XI. Theo ông Pratapaditya Pal, để cầu mong cho được mùa, nông dân Ấn thời kỳ Tân-thạch có lễ yêu đương ngay ngoài đồng ruộng; sau này việc đó được thể hiện trong nghệ thuật như bức tượng trên, thường thấy ngay bên ngoài các đền miếu thờ.
      Hình LACMA, Phòng Sách Khởi Hành.

      Trong Thơ Việt Nam, Thế Lữ là người đầu tiên nói đến hai chữ Nàng Thơ. Hai chữ này, cũng như những chữ Nàng Mỹ Thuật, Nàng Ly Tao, xuất hiện trong hai bài thơ có tính cách tuyên ngôn của ông. Phải rồi, chính người tiên phong tạo dựng Nền Thơ Mới khoảng đầu thập niên '30 tại Hà Nội là người đã khai sinh ra hai chữ Nàng Thơ. Trong tập Mấy Vần Thơ (in năm 1935) có bài thơ Thế Lữ làm tặng họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhan đề Lời Than Thở của Nàng Mỹ Thuật. Trong bài, Nàng Mỹ Thuật cho biết tên mình là Đẹp:


      Họa sĩ qua chơi lúc bấy giờ,

      Lòng em phơi phới trí ngây thơ:

      Em xinh em đẹp mà không biết,

      Không biết vì ai em ngẩn ngơ.

      ...

      Em thấy chàng yêu mới nhớ ra

      Tên em là Đẹp, bạn em là...

      (Thế Lữ, Lời Than Thở ...)


      Người họa sĩ là người yêu cái đẹp, hay yêu Nàng Mỹ Thuật:


      Bao nhiêu cảnh tượng, muôn hình sắc:

      Ánh sáng, non sông, mây, cỏ, hoa ...


      Trong bài thơ tặng Tứ Ly (Hoàng Đạo), nhan đề Cây Đàn Muôn Điệu, Thế Lữ nói tới hai nàng khác: Nàng Ly Tao, và Nàng Thơ:


      Mượn lấy bút Nàng Ly Tao, tôi vẽ

      Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca.


      Bốn câu thơ kết thúc của bài này, Thế Lữ mới nói đến biểu tượng cao khiết mà ông ngưỡng mộ nhất:


      Với Nàng Thơ, tôi có đàn muôn điệu,

      Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn màu;

      Tôi muôn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu;

      Lấy Thanh Sắc trần gian làm tài liệu.

      (Thế Lữ, Cây Đàn Muôn Điệu)


      Trên nửa thế kỷ trước, nhà phê bình Hoài Thanh đã ghi nhận đúng vóc dáng ấy: "Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam ... người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này." (HT, Thi Nhân Việt Nam, Hoa Tiên, Sài gòn, 1968, tr. 58)


      Tìm ra tung tích Nàng Thơ, - người viết bài này tin rằng đó là tung tích đúng nhất * - bây giờ người sưu tập có thể đi tìm nàng thơ của một số thi sĩ Việt trong thế kỷ XX. Với chủ đề Người Nữ, bài này đi tìm Nàng Thơ, hay Nguồn Cảm Hứng, của một số nhà thơ Việt Nam, hạn chế trong chỉ một bài, hoặc nhiều lắm, trong hai bài là cùng. Một hạn chế khác: bài thơ ấy nói đến một phụ nữ. Chúng ta bắt đầu từ những người nhiều tuổi nhất, và cũng chỉ từ Phong trào Thơ Mới thời Tiền Chiến trở lại đây mà thôi. Người đầu tiên phải là Thế Lữ.


      Thế Lữ - Lưu Trọng Lư - Đoàn Phú Tứ - Đoàn Văn Cừ - Bàng Bá LânJ. Leiba - Hồ Dzếnh

      Nguyễn Bính - Nguyễn Nhược Pháp - Bích Khê - Đinh HùngVũ Hoàng Chương

      Nguyên Sa - Tô Thùy Yên - Viên Linh


         :: Thế Lữ (6.10.1907 - 3.6.1989)


      Tên thật Nguyễn Thứ Lễ, người Thái Hà Ấp, Hà Nội, lớn lên tại vùng rừng núi Lạng Sơn, thi sĩ tiền hô của Phong trào Thơ Mới, in thi phẩm đầu tay Mấy Vần Thơ từ năm 1935. Sáu năm sau in Mấy Vần Thơ, Tập Mới. Ông còn viết truyện trinh thám (Vàng và Máu, Lê Phong Phóng Viên) và hoạt động kịch nghệ. Sau 1954, kẹt lại ở Hà Nội, hoàn toàn ngưng sáng tác. Bài sau đây có thể hiểu là lời Loan tiễn Dũng, hai nhân vật trong truyện Đoạn Tuyệt của Nhất Linh.


      Loan là một thiếu nữ tân thời, mẫu người nữ chủ trương sống tự do, - theo chủ trương của Tự Lực Văn Đoàn - chống lại xã hội cổ hủ bất công với nữ giới những năm nửa đầu thế  kỷ XX tại Việt Nam. Một cách nào đó có thể hiểu Nàng Thơ của Thế Lữ là người phụ nữ tân thời như cô Loan cuối thập niên '30 và đầu thập niên '40.


      GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG

      Tặng tác giả "Đoạn Tuyệt"*


      Anh đi đường anh, tôi đường tôi,

      Tình nghĩa đôi ta có thế thôi,

      Đã quyết không mong xum họp mãi,

      Bận lòng chi mãi lúc chia phôi?


      Non nước đương chờ gót lãng du,

      Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu,

      Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc,

      Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ.


      Anh đi vui cảnh lạ, đường xa,

      Đem chí bình sinh dãi nắng mưa,

      Thân đã hiến cho đời gió bụi,

      Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?


      Rồi có khi nào ngắm bóng mây

      Chiều thu đưa lạnh gió heo may

      Dừng chân trên bến sông xa vắng

      Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây;


      Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy

      Giam hãm thân trong cảnh nặng nề,

      Vẫn để hồn theo người lận đận,

      Vẫn hằng trông đếm bước anh đi.


      Lấy câu khẳng khái tiễn dưa nhau,

      Em muốn cho ta chẳng thảm sầu,

      Nhưng chính lòng em còn thổn thức,

      Buồn kia em giấy được ta đâu?


      Em đứng nương mình dưới gốc mai,

      Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi,

      Cười nâng tà áo đưa lên gió,

      Em bảo: hoa kia khóc hộ người.


      Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng,

      Nhìn nhau bình thản lúc ra đi.

      Nhưng trong khoảng khắc Ơ thờ ấy,

      Thấy cả muôn đời hận biệt ly.[...]

      (Mấy Vần Thơ, Tập Mới, Đời Nay xuất bản, Hà Nội, 1941; chỉ lấy 8 đoạn. Tác giả Đoạn Tuyệt (Chuyện Loan và

      Dũng) là Nhất Linh.)




         :: Lưu Trọng Lư (16.9.1911 - 10.8.1991)


      Sinh tại Quảng Bình, ra Hà Nội học nhưng rồi bỏ học đi làm báo, làm thơ. Là người đầu tiên viết bài tán thành Phan Khôi khi tác giả Tình Già "trình chánh" lối "thơ mới" với làng báo, làng Thơ và cùng lúc, phổ biến những bài thơ mới sáng tác của ông theo chủ trương này. Tác giả thi phẩm Tiếng Thu (1939). Bốn tác phẩm in sau 1954 không được ai nhắc đến. Người nữ trong bài thơ dưới đây chính là Người Mẹ. Bài này được dùng dạy trong chương trình bậc Tiểu học. Bài thứ hai nói về một thiếu nữ quay tơ, hình ảnh của nhẫn nại, bình lặng, và tàn phai. Người nữ trong thơ Lưu Trọng Lư, qua hai bài trích dẫn, là người đàn bà thôn trang với sinh hoạt miền quê nơi tác giả sinh ra và lớn lên.


      NẮNG MỚI

      Tặng hương hồn thầy me *


      Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

      Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

      Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

      Chập chờn sống lại những ngày không.


      Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời

      Lúc người còn sống tôi lên mười;

      Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

      Áo dỏ người đưa trước dậu phơi.


      Hình dáng me tôi chửa xóa mờ

      Hãy còn mường tượng lúc vào ra:

      Nét cười đen nhánh sau tay áo

      Trong ánh trưa hè trước dậu thưa.


      THƠ SẦU RỤNG

      Tặng Hoài Thanh, người bạn đầu tiên đã đưa lại cho ta cái hương vị say nồng của cuộc đời và của văn chương. *


      Vừng trăng từ độ lên ngôi,

      Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ.

      Để tóc vướng vần thơ sầu rụng

      Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo.

      Năm năm tiếng lụa xe đều,

      Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây.

      Nhẹ bàn tay, nhẹ cánh tay.

      Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông.

      Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng,

      Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh.


      * Từ ngày ra Hải ngoại, báo chợ và báo chí lá cải thường tự tiện cắt bỏ lời đề tặng nơi các bài thơ, có thể vì họ không thâý vai trò của người được thi sĩ đề tặng: Thế Lữ tặng hai bài thơ tuyên ngôn nghệ thuật cho Hoàng Đạo và Nhất Linh vì đó là hai lý thuyết gia của Tự Lực Văn Đoàn; và Lưu Trọng Lư đề tặng Hoài Thanh trong bài trên thì lý do có nói rõ ngay lời đề tặng. Bỏ lời đề tặng của tác giả (cũng như bỏ tên tờ báo cuốn sách mình trích dẫn) là che đậy có tính vô ơn, lấp liếm. Tuy nhiên các thi sĩ làm thơ tặng gái, có tính giao tế, thì cả hai bên đều không vinh hạnh gì.




         :: Đoàn Phú Tứ (10.9.1910 - 20.9.1989)


      Quê Tiên Du, Bắc Ninh, đang học Triết và Luật ở Đại học Hà Nội thì bỏ dở đi làm kịch, làm báo; chủ nhiệm báo Tinh Hoa (1937), thành viên Nhóm Xuân Thu Nhã Tập (cùng với Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh,) trong đó bài Màu Thời Gian là một bài thơ tinh khôi, tân kỳ, quí phái. Người nữ là cung phi đã già, được vua gọi, không muốn vua thấy mặt mình nữa, nên cắt tóc gửi cho vua với lời tạ từ, đành 'nép mày hoa thiếp phụ chàng.' Cùng với Nguyễn Xuân Sanh, Phạm V. Hạnh, cái đẹp mà nhóm này ca ngợi đều rất cao kỳ sang cả (đáy đĩa mùa đi nhip hải hà / áng tóc não nùng...)


      MÀU THỜI GIAN


      Sớm nay tiếng chim thanh

      Trong gió xanh

      Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình


      Ngàn xưa không lạnh nữa - Tần phi

      Ta lặng dâng nàng

      Trời mây phảng phất nhuốm thời gian


      Màu thời gian không xanh

      Màu thời gian tím ngát

      Hương thời gian không nồng

      Hương thời gian thanh thanh


      Tóc mây một món chiếc dao vàng

      Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

      Trăm năm tình cũ lìa không hận

      Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng


      Duyên trăm năm đứt đoạn

      Tình một thuở còn vương

      Hương thời gian thanh thanh

      Màu thời gian tím ngát

      (Ngày Nay, Hà Nội, 1940)






         :: Đoàn Văn Cừ (1913 - )


      Sinh năm 1913 tại Nam Trực, Nam Định, có thơ đăng báo Ngày Nay của Nhóm TLVĐ từ những năm '30, xuất bản thi tập Thôn Ca, 1944. Nhân vật nữ trong bài thơ chính là mẹ tác giả (dân quê gọi là U.) Bài thơ vẽ ra một hình bóng hầu như không còn nữa, hay nếu còn, chỉ là mờ nhạt, vì thời gian khi tác giả viết và khi ta đọc bây giờ, năm 2004, là 62 năm. Người mẹ, hình bóng đó là nguồn cảm hứng thiêng liêng mà trong thế hệ Đoàn Văn Cừ, Lưu Trọng Lư, mang vóc dáng, màu sắc, đường nét của 'nét cười đen nhánh sau tay áo' - cười mà che nụ cười - bên hàng dậu, trong tiếng gà, tiếng quay tơ, 'thúng cắp bên hông nón đội đầu,' 'yếm thắm, áo the nâu,' 'thôn nữ ... giữa cánh đồng'...


      ĐƯỜNG VỀ QUÊ MẸ


      U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân

      Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,

      Lại dẫn chúng tôi về nhận họ,

      Bên miền quê ngoại của hai thân [...]


      Thúng cắp bên hông nón đội đầu

      Khuyến vành yếm thắm, áo the nâu,

      Trông u chẳng khác thời con gái

      Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au [...]


      Tà áo nâu in giữa cánh đồng

      Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng,

      Bóng u hay bóng người thôn nữ,

      Cuối nón mang đi cặp má hồng.


      Tới đường làng gặp những người quen,

      Ai cũng khen u nết thảo hiền,

      Dẫu phải theo chồng thân phận gái

      Đường về quê mẹ vẫn không quên.

      1942



         :: Bàng Bá Lân (1912 - )


      Sinh tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, nguyên quán huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, tên họ cũ là Nguyễn Xuân, từng viết báo Đàn Bà (Hà Nội, l939), Văn Nghệ tập san (Sài Gòn, 1955), tác phẩm đã xuất bản: Tiếng Thông Reo (1934), Xưa (1941), Tiếng Võng Đưa (1957). Thế hệ Bàng Bá Lân, vào tuổi Hai Mươi, như Nguyễn Bính, thường thắc thỏm tiếc nuối cái nhan sắc chân quê trong nhịp sống tân thời hóa lúc ấy. Hình ảnh người nữ trong thơ ông, rõ nét nhất, là hình ảnh cô hái dâu (trong bài Vườn Cũ Nào Đâu, Cô Hái Dâu: Hỡi cô yếm thắm hái dâu ơi / Người sắc này đây, sắc cũ phai.)

      Bài dưới đây nói rõ hơn về nàng thơ ngày một lùi khuất vào dĩ vãng của thế hệ ông. Và tới thời chúng ta hình như đã mất hẳn. Xa Miền Bắc từ 1954, tới nay đúng nửa thế kỷ không trở về, người viết không biết rõ hình bóng ấy đang lùi khuất, hay đã mất hẳn lâu rồi. Càng nghĩ thế, càng thấy cần viết ra những gì đã hay đang qua, và viết với những nguyên tác cần thiết của người đi trước.


      TRỞ LẠI ĐỒNG QUÊ


      Hôm nay về trại gió hiu hiu

      Nhìn lớp mây qua nhuộm máu chiều,

      Nhớ lại lược xưa màu đỏ thắm

      Cài trong tóc lụa xõa liu diu.


      Nhớ lại năm xưa còn ở quê,

      Chiều bên đường cỏ đợi trâu về:

      Em nhìn chim vút trên trời thẳm

      Anh lắng diều than trong tiếng tre.


      Năm năm vội vã thoáng đi nhanh,

      Em nhãng quên quê luyến thị thành

      Lược đỏ không cài trên tóc búi,

      Cỏ đường chẳng vướng gót chân xinh.


      Em biếng về quê, cây nhớ nhung,

      Lúa đồng rướn ngọn đứng như mong

      Đất đường luyến tiếc bàn chân ngọc,

      Cỏ rạc ven bờ mãi ngóng trông.


      Lòng rối như là cỏ rối bong,

      Tương tư! trải vắng rộng hơn đồng,

      Em ơi, vui thú phồn hoa mãi

      Có biết đồng quê đang nhớ mong?



         :: J. Leiba (1912 - 1948)


      Tên thật là Lê Văn Bái, sinh ở Yên Bái, nguyên quán Nam Trực, Nam Định, có thơ đăng các báo Loa, Ngọ Báo, Ích Hữu ở Hà Nội từ 1934. Có thời gian đi theo một nhóm hát rong. Học chữ Hán ở nhà. Nên làm thơ mới mà lại có giọng cổ kính. Năm 1935 đậu Thành Chung, làm công chức nhưng nhiều bệnh tật, phải nghỉ.

      Nàng Thơ của Leiba là sự chết, kiếp sống mong manh trước thời gian khắc nghiệt. Nàng thơ ấy đã mang ông đi khỏi cõi đời khi còn trai trẻ. Ông yêu sớm (Em nhớ năm em lên mười lăm ... Bài Năm Qua.) Và chết sớm, năm 36 tuổi. Là nhà thơ không có thi phẩm in thành sách, ông vẫn nổi tiếng, nhất là với bài Hoa Bạc Mệnh. Người nữ cũng như nguồn cảm hứng của ông chính là sự phù sinh. Ông nhìn thấy tự trong tâm khảm thân thể mình sự sống đang rời bỏ. (Ví biết phù sinh đời có thể ... Mắt nhắm, tay buông, giữ được gì?)


      HOA BẠC MỆNH

      Tháng ba, hoa bạc mệnh

      Tàn trước mọi cành xuân

      (Dịch thơ cổ)


      Người đẹp vẫn thường hay chết yểu,

      Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai.

      Ba xuân, muôn thắm thêu cành biếc,

      Bạc mệnh, hoa kia đã rụng rồi!


      Héo trước trăm hoa, hoa bạc mệnh,

      Đang xuân, để khỏi thấy xuân tàn.

      Chúa xuân nếu biết tình hoa thế,

      Xin kiếp sau đừng nở thế gian.


      Hồn kết gió hương trời Nhược thủy,

      Cánh viền mây thắm động Thiên thai,

      Hóa thành những giọt mưa thơm ấy,

      Tưới nở trăm hoa đã héo rồi!

      1942




         :: Hồ Dzếnh (1916 - 1991)


      Tên thật là Hà Triệu Anh, người Minh hương (cha Hoa, mẹ Việt), ra đời tại Quảng Trường, Thanh Hóa, học trường Dòng ở tỉnh, học Trung học ở Hà Nội. Thơ truyện của ông xuất hiện từ 1937 trên các báo Trung Bắc Chủ nhật, Tiểu Thuyết thứ bảy. Nổi tiếng với hai tác phẩm Chân Trời Cũ, 1942, Quê Ngoại, 1943. Còn viết tiểu thuyết với bút hiệu Lưu Thị Hạnh. Cảm hứng của ông về Quê Mẹ cũng là cảm hứng của bài thơ dưới đây: Cô gái Việt Nam. Có lẽ ít có nhà thơ Việt Nam lại mô tả cô gái Việt Nam một cách tha thiết bằng Hồ Dzếnh.

      Nàng Thơ của ông chắc chắn là người nữ quê Mẹ, dù là mẹ ông hay sau này, vợ ông. Khi nghĩ đến người nữ quê bố, chỉ thấy ông nhắc đến các nàng trong Lịch sử, Dã sử mà thôi: "Buồn Tư Mã, nhớ Chiêu Quân," (Bài Đợi thơ.)


      CÔ GÁI VIỆT NAM

      Tặng Hồng Nhật (sau là vợ tác giả)


      Cô gái Việt Nam ơi!

      Từ thuở sơ sinh lận đận rồi

      Tôi biết tình cô u uất lắm

      Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi.


      Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa

      Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha

      Khi cô vui thú là khi đã

      Bồng bế con thơ đón tuổi già!


      Cô gái Việt Nam ơi!

      Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi

      Thế hệ huy hoàng không đủ xóa

      Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi.


      Tôi đến đây tìm lại bóng cô

      Trở về đường cũ hái mơ xưa

      Rau sam vẫn mọc chân rào trước

      Son sắt lòng cô vẫn đợi chờ.


      Giải lúa cô trông nay đã tươi

      Gió xuân ý nhị vít bông cười,

      Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa

      Trong một làng con đã héo rồi!


      Cô gái Việt Nam ơi!

      Nêu chữ hy sinh có ở đời

      Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực

      Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.




         :: Nguyễn Bính (1918 - 20.1.1966)


      Quê huyện Vụ Bản, Nam Định, mồ côi mẹ, học chữ ở nhà với cha và cậu cho tới hơn 10 tuổi thì ra Hà Nội rồi vào Nam, sống bằng ngòi bút khắp ba miền, đi kháng chiến ở trong Nam năm 1946, rồi tập kết ra Bắc 1954. Năm 1956 ra báo Trăm Hoa, cùng chiến tuyến với Nhân Văn - Giai Phẩm nên từ 1958 bị buộc phải bỏ bút, trở về quê sống lay lất tới khi chết. (Có tin ông tự tử chết, cũng có tin nghe nói ông bội thực vào một ngày được bạn mời ăn Tết, trong một thời gian nhịn đói và ăn đói quá lâu, từ sau vụ Nhân Văn tới lúc đó, 1966, khi ông mới 48 tuổi.) Rất nhiều thi phẩm được xuất bản, hai cuốn đầu tay trong cùng một năm là Lỡ Bước Sang Ngang (1940), và Tâm Hồn Tôi (1940).

      Nàng Thơ muôn đời của Nguyễn Bính là cô gái quê và tình chân quê - ông là trưởng tràng trong phạm vi này - dù cô gái ấy là một người chị, như ông thường nhắc đến trong thơ. Có điều đáng ghi nhận, ông yêu thương và cũng cùng lúc ghen bóng gió, ghen ngầm hay hoài nghi nàng thơ của mình: đó là một Nàng Thơ đang thay đổi.


      CHÂN QUÊ


      Hôm qua em đi tỉnh về

      Đợi em ở mãi con đê đầu làng

      Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng

      Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!


      Nào đâu cái yếm lụa sồi

      Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

      Nào đâu cái áo tứ thân?

      Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?


      Nói ra sợ mất lòng em

      Van em em hãy giữ nguyên quê mùa

      Như hôm em đi lễ chùa

      Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.


      Hoa chanh nở giữa vườn chanh

      Thày u mình với chúng mình chân quê

      Hôm qua em đi tỉnh về

      Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

      1936




         :: Nguyễn Nhược Pháp (12.12.1914 - 19.11.1938)


      Sinh ở Hà Nội, nguyên quán ở Thường Tín, Hà Đông, học Luật tại Cao Đẳng Hà Nội, đến 1933 vào nghề làm báo, mất vì bệnh thương hàn. Tác phẩm duy nhất: Ngày xưa, tập thơ, 1935. Nguyễn Nhược Pháp chọn các nhân vật nữ nổi tiếng trong Lịch Sử làm nguồn cảm xúc: nàng Mỵ Nương trong cổ tích Sơn Tinh Thủy Tinh, nàng Mỵ Ê hoàng hậu Chăm người đã nhảy thuyền rồng tự trầm, thà chết chứ không chịu nhục trong tay kẻ chiến thắng (bài Mỵ ê), chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy (bài Mỵ Châu), chuyện cung phi Nguyễn Thị Kim chậm chân không theo kịp Vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tầu, nên đã xuống tóc đi tu, đó là đề tài bài thơ sau đây:


      NÀNG NGUYỄN THỊ KIM KHÓC LÊ CHIÊU THỐNG

      Triều Lê quí có nàng tiết liệt


      Nhà tan, nước mất, chàng di thôi,

      Thiếp nén lòng đau khóc nghẹn nhời.

      Chậm bước đành nương mình bóng Phật;

      Mảng tin trông ngóng nhạn chưn giời.


      Chuông đồng canh vắng, hồn mơ sảng,

      Giăng lạnh, đêm sâu, cú đổ hồi.

      Thê thảm chàng đi, về có vậy!

      Thiếp chờ ai nữa! Hỡi chàng ơi!

      30 Décembre 1932




         :: Bích Khê (24.3.1916 - 17.l.1946)


      Tên thật Lê Quang Lương, sinh tại Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, học Trung học ở Huế, Hà Nội, bỏ dở dang, về sống và dậy học một thời gian ở Phan Thiết. Có thơ đăng các báo Tiếng Dân, Tiểu Thuyết Thứ Năm. Tập thơ đầu tay xuất bản năm 23 tuổi: Tinh Huyết (1939). Yểu mệnh vì bệnh lao. Nguồn cảm hứng của Bích Khê là nỗi đam mê sống trong khắc khoải vội vàng; xúc cảm được thể hiện bằng những danh từ, trạng từ, và động từ như 'vú non non' (Mộng Cầm Ca), 'ấp bóng nường' (Tân Hôn), 'Hai vú nàng! Hai vú nàng! Chao ôi!' (Tranh Lõa Thể), 'cắn' (Nàng! Hở nàng! Hãy cắn vào hồn ta.) (Bàn Chân) ...


      CÙNG NGƯỜI TRONG SÁCH TƯƠNG HỘI


      Trong sách có người ngọc

      Khép cửa mặc hoa xuân

      Đốt lò vàng. Mở quyển

      Tương hội với tân nhân.


      Ngu Cơ theo Bao Tự!

      Phi Yến lẫn Ngọc Chân!

      Người đẹp ở trong quyển

      Niên hoa mãi có phần


      Ngoài trời là mộng cả;

      Hương lại thêm vài phân.

      Người như trang Đạo Uẩn

      Ta như khách Tô Tần!


      Tương kỳ cùng tương ứng,

      Tương cảm lại tương thân.

      Cùng nhau ta hoan lạc,

      Hư thực chẳng phân vân.




         :: Đinh Hùng (3.7.1920 - 24.8.1967)


      Quê làng Phượng Dục, tỉnh Hà Đông, hoạt động văn nghệ thơ, kịch trong Nhóm Dạ Đài tại Hà Nội với Trần Dần trước khi vào Nam, 1954. Chủ trương Ban Tao Đàn trên Đài phát thanh Quốc Gia. Thi phẩm đầu tiên là Mê Hồn Ca (1954).


      Người nữ trong bài thơ sau là người bỏ ra đi, về một chốn xa, một chốn mà thi sĩ gọi là tha hương. Nàng Thơ thực sự của Đinh Hùng không phải là người nữ chân phương: đó là một dị nữ, kỳ nữ, và có thể là ma nữ, ở bài thơ thứ hai. Trong Thi ca Việt Nam chưa có bài thơ nào ca tụng Nữ Sắc nồng nhiệt mê đắm với ngôn ngữ chuốt lọc như bài Kỳ Nữ của Đinh Hùng.


      BÀI HÁT MÙA THU


      Hôm nay có phải là thu?

      Mây năm xưa đã phiêu du trở về.

      Cảm vì em bước chân đi,

      Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.


      Ai về xa mãi cô thôn?

      Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà.

      Ngày em mới bước chân ra,

      Tuy rằng cách mặt, lòng ta chưa sầu.


      Nắng trôi vàng chẩy về đâu?

      Hôm nay mới thực bắt đầu vào thu.

      Chiều xanh trắng bóng mây xưa,

      Mây năm xưa đã viễn du trở về.


      Rung lòng dưới bước em đi,

      Lá vàng lại gợt phân ly mật rồi!

      Trời hồng chắc má em tươi?

      Nước trong, chắc miệng em cười thêm xinh?

      Em đi, hoài cảm một mình,

      Hai lòng riêng để mối tình cô đơn.

      Hôm nay tưởng mắt em buồn:

      Đã trông thấp thoáng ngọn cồn, bóng sương.

      Lạnh lùng chăng, gió tha hương?

      Em về phương ấy ai thương em cùng?


      KỲ NỮ


      Ta thường có từng buổi sầu ghê gớm

      Ở bên em - ôi biển sắc, rừng hương!

      Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm,

      Em đến đây như đến tự thiên đường.


      Những buổi đó, ta nhìn em kinh ngạc,

      Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly.

      Ôi mắt xa khơi! Ôi mắt dị kỳ!

      Ta trông đó thấy trời ta mơ ước.


      Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước,

      Cả con đường sao mọc lúc ta đi,l

      Cả chiều sương mây phủ lối ta về,

      Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ.


      Ta run sợ, cho yêu là mệnh số,

      Mặc tay em định hộ kiếp ngày sau.

      Vì người em có bao phép nhiệm mầu,

      Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc.


      Ta đặt em lên ngai thờ Nữ Sắc,

      Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da,

      Buổi em về, xác thịt tẩm hương hoa,

      Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết.

      Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết,

      Rợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân ...


      Hỡi kỳ nữ! Em có lòng tàn ác,

      Ta vẫn gần - ôi sắc đẹp yêu ma!

      Lúc cuồng si, nguyền rủa cả đàn bà,

      Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết.

      Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết!

      Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn,

      Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn.




         :: Vũ Hoàng Chương (5.5.1916 - 6.9.1976)


      Sinh tại Nam Định, năm 1937 vào Đại học Luật khoa Hà Nội, hai năm sau bỏ đi làm hỏa xa, năm 1940 in thi phẩm đầu tay: Thơ Say. Năm 1942 trở lại học Đại học, ngành Toán. Đi kháng chiến nhưng sáng suốt bỏ ngay về Thành. Năm 1954 vào Nam. Bị cộng sản bắt giam tù và chết vì kiệt sức khi tù đày năm 1976 chỉ một thời gian ngắn sau khi được thả. Người nữ nổi tiếng nhất của Vũ Hoàng Chương là nhân vật Tố trong bài Mười Hai Tháng Sáu. Bài dưới đây cũng viết về nhân vật ấy, song là bài thứ hai, làm sau này.


      TỐ CỦA HOÀNG ƠI


      Năm mười hai tháng, ai không biết!

      Đã tháng nào không tháng sáu chưa?

      Tháng có ba mươi ngày để giết,

      Ngày mười hai vẫn sống như xưa.


      Lịch treo trước ngực kêu thành tiếng.

      Chẳng tiếng nào nghe khác tiếng mưa

      Rả rích từ hôm con én liệng

      Vào lồng son ... tủi áng mây đưa.


      Thời gian từng giọt buông theo máu

      Lại trở về, không gọi cũng thưa.

      Còn đó mười hai, còn tháng sáu ...

      Ba mươi năm lẻ vẫn chưa vừa!


      Còn khóc trong tim này bất tuyệt;

      Chừng như rối loạn cả đường tơ?

      Trăng-nhà-ai vẫn là trăng khuyết

      Đứng sững từ đêm ấy tới giờ!


      Ngày mai ngày mốt anh nằm xuống,

      Ngọc đọng cơn sầu nửa kiếp Thơ.

      Đập nát ra! Cho trời đất uống!

      Thì em sẽ rụng khỏi Đêm-mờ.


      Phút giây Trăng-một-phương tròn lại

      Rồi tự hòa tan Rượu-đắng-mơ,

      Cùng nhịp tim trôi vào tận cõi

      Không-ngày-không-tháng-không-bơ-vơ.


      Mười hai tháng sáu ... cung Hồ Xế ...

      Một mối tình si một mối thù

      Giây phút cũng tan thành biển lệ;

      Trả cho cát bụi nhé Kiều-Thu!

      12 tháng 6 Nhâm Tý, 1972

      Chúng ta mất hết chỉ còn nhau, Rừng Trúc, Paris, 1974)




         :: Nguyên Sa (1932 - 18.4.1998)


      Tên thật Trần Bích Lan, sinh tại Hà Nội, học Triết ở Paris, sống bằng nghề dạy học, mở trường; chủ nhiệm Tạp chí Hiện Đại năm 1960 (ra được 6 số) tại Sài Gòn. Di tản qua Hoa Kỳ làm báo Đời. Các tập thơ đã xuất bản: Thơ (Sài Gòn, 1959,) Thơ Tập Hai (California, 1988.)


      Người nữ trong thơ Nguyên Sa là của những tình yêu bồng bột, nhẹ dạ, nhưng nổi tiếng nhất, ông nói đến nhiều nhất, là vợ ông. Nàng Thơ của Nguyên Sa tuy rất riêng tư, song tình yêu của thi sĩ rất rộng rãi, coi được và mất, coi đến và đi, là chuyện tự nhiên. Người nữ trong bài thơ dưới đây có thể là một nhân vật, đối chiếu những bài khác, cũng vẫn thấy cái nhẹ dạ bồng bột, dù sao có chút tình tứ kín đáo hơn.


      ÁO LỤA HÀ ĐÔNG


      Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

      Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

      Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

      Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng


      Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn

      Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh

      Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung

      Bày vội vã vào trong hồn mở cửa


      Gặp một bữa anh đã mừng một bữa

      Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn

      Thơ học trò anh chất lại thanh non

      Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu


      Em không nói đã nghe lừng giai điệu

      Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh

      Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình

      Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt


      Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết

      Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu

      Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau

      Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại


      Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại

      Giận thơ anh đã nói chẳng lên lời

      Em đi rồi, sám hối chạy trên môi

      Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng


      Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn

      Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông

      Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

      Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.




         :: Tô Thùy Yên


      Tên thật Đinh Thành Tiên, sinh tại Gia Định, đã xuất bản Thơ Tuyển, Minnesota, 1995. Nguồn cảm xúc sáng tác của Tô Thùy Yên trong bài thơ này thật rõ rệt: người góa phụ thao thức về lẽ diệt sinh trong một đêm trăng lu. Nàng Thơ ở đây như một biểu tượng của sự mất mát, của cái chết, sự nguyền rủa nào đó không giải thích được, vây hãm thi sĩ và ràng buộc tình yêu bằng những đạo bùa không thể khai giải.


      GÓA PHỤ


      Con chim nhào chết khô trên cửa,

      Cửa đóng tự ngàn năm bặt âm,

      Như đạo bùa thiêng yểm cổ mộ.

      Sao người khai giải chưa về thăm?


      Em chạy tìm anh ngoài cõi gió

      Lửa oan khốc giỡn cười ghê hồn,

      Tiếng kêu đá lở long thiên cổ,

      Cát loạn muôn trùng xóa dấu chôn.


      Em độc thoại lời kinh ánh xanh.

      Trăng lu, khuya mỏi, nén nhang tàn.

      Chó chu thăm thẳm ngây thiên địa.

      Mái ngói nghiêng triền trái rụng lăn.


      Ngọn đèn hư ảo chong linh vị

      Thắp trắng thời gian mái tóc em.

      Tim đập duỗi ngoài thân nỗi lạnh.

      Hồn xa con đóm lạc sâu đêm.


      Cỏ cây sống chết há ta thán.

      Em khóc hoài chi lẽ diệt sinh?

      Thảng như con ngựa già vô dụng

      Chủ bỏ ngoài trăng đứng một mình.




         :: Viên Linh


      Sinh tại ga Đồng Văn, Hà Nam, đã có hai thi tập xuất bản: Hóa Thân, Văn Nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1964 (LMN, Franfurt, Đức, tái bản 1994) và Thủy Mộ Quan, Hội Chuyên Gia Công Giáo VN tại Hoa Kỳ xuất bản, 1982 (Thời Tập tái bản, 1992). "Nàng Thơ" trong bài này là một hình ảnh cổ điển của một Hoàng Cung không có thật, trên bờ sông ma, đó là cái bóng lập lờ trong một hành lang của một tòa nhà cổ.


      PHƯỢNG LIÊN


      Anh đi hồn tiếc thương nhiều

      Ngọn soan thưa lấp bóng chiều cuối sân

      Nẻo sầu đôi dạ phân vân

      Nửa thân yên ngựa nửa thân tay mình


      Có hoài tuổi dại không em

      Trời thôi ráng đỏ thu phiền không gian.

      Mắt em đầy mộng điêu tàn

      Yên nghe ván ấy xuôi tràng giang xa.


      Thôi cồn với tháp bao la

      Ngựa đi bước nhỏ mây là cửa ô.

      Mai quen với dạ bơ thờ

      Hơi nghe lãng đãng sương mù nhớ nhau.


      Thôi còn giấc ngủ canh thâu

      Một hành lang rộng vây sầu Phượng Liên.

      (1959)


      Từng ấy bài thơ, từng ấy Nàng Thơ, và những nguồn cảm hứng dị biệt, trong một khoảng thời gian chia làm nhiều thời kỳ, chắc chắn những bài trên chỉ là một số không điển hình. Thi Ca Việt Nam không chỉ phong phú về số lượng, mà còn phong phú, và phức tạp, về các giai đoạn ngắn dài mới cũ xen kẽ, nên không thể có một toàn thể xuôi chảy đều đặn để có được sự chọn lựa cân nhắc kỹ hơn. Đây chỉ là những ghi nhận cho một bài báo tháng của người viết.


      TÀI LIỆU DÙNG ĐẾN:

      - Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh-Hoài Chân, Hoa Tiên, Sài Gòn, 1968.

      - Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại, Phạm Thanh, Khai Trí, Sài Gòn, 1959.

      - Thơ Mới, 1932-1945, Tác Giả và Tác Phẩm, nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2001.

      - World Literature, Horntein-Percy-Brown, A Mentor Book, 2nd Ed., 1973.

      - Mythology, Edith Hamilton, The New American Library, 1954.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh Viên Linh Nhận định

      - Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan Viên Linh Thơ

      - Bạch thư Phạm Huấn Viên Linh Nhận định

      - Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà Viên Linh Nhận định

      - Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi Viên Linh Nhận định

      - Ngọc Linh (1931-2002), nhà văn với bốn chữ mặn mà Viên Linh Hồi ký

      - Nỗi âu lo của nhà giáo Bảo Vân Viên Linh Hồi ký

      - Con hạc của vua Tự Đức Viên Linh Giai thoại

      - Tản Đà Và Hai Chữ Non Nước Viên Linh Hồi ký

      - Hoài Điệp Tử, nhà văn nhà báo chết trong ngọn lửa Bolsa Viên Linh Hồi ký

    3. Bài Viết về nhà thơ Viên Linh (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Viên Linh

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Nhà thơ Viên Linh “Hóa Thân” tại VA, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi (Việt Báo)

      Đi thăm Viên Linh (Đinh Trường Chinh)

      Đọc Những Dòng Thơ Mới Của Viên Linh (Trần Tuấn Kiệt)

      Viên Linh, một đời chỉ sống với sách vở, báo chí, và viết (Trần Yên Hòa)

      Lục bát Viên Linh (Tuệ Sỹ)

      Những Công Án Bất Ngờ (Nguyễn Văn Sâm)

      Viên Linh Trên Những Chặng Đường Thơ (Huỳnh Hữu Ủy)

      Độc giả và những người làm một tạp chí văn chương (Trần Phong Giao)

      Khởi Hành cùng nhà thơ Viên Linh qua 20 năm (Quốc Dũng)

      Sách mới phát hành: “Tác giả, Tạp chí: Nói và Viết với 40 Nhà văn Hiện đại” - VL (Người Việt)

      Viên Linh (Võ Phiến)

      Đọc thơ Viên Linh (Lê Huy Oanh)

      Viên Linh (Học Xá)

      Khởi Hành: Nơi Gìn Giữ Nền Văn Học Tự Do (Vũ Ánh)

      Cầu Hiền Lương (Đặng Tiến)

      Biển Đông Huyền Ảo Trong Thơ Viên Linh (Trần Văn Nam)

      Đọc thơ Viên Linh (Nguyên Sa)

      Thơ Viên Linh của thời lưu vong thất tán 1, 2.
       (Huỳnh Hữu Ủy, talawas)

      Văn chương tôi không phục vụ niềm vui

       (Thế Dũng, talawas.org) 

      Thể loại văn truyện nhiều chất xã-hội-tính (tân truyện và tiểu thuyết) (Trần Văn Nam, talawas.org) 

      Viên Linh – Làm báo văn nghệ ở miền Nam trước tháng Tư 1975 (Phan Nhiên Hạo phỏng vấn, litviet.com)

      Phỏng vấn nhà thơ Viên Linh về giải thưởng do báo Khởi Hành khởi xướng (Mặc Lâm, rfa.org)

       

      Tác phẩm của Viên Linh

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh (Viên Linh)

      Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)

      Bạch thư Phạm Huấn (Viên Linh)

      Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà (Viên Linh)

      Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi (Viên Linh)

      Tình nước mặn,

      Thị trấn miền đông (talawas), (bản ebook).

       

      Khởi Hành

      Tạp chí Văn học Nghệ thuật Lịch sử Nhận định Biên khảo Sáng tác Sinh hoạt, Số 1 (tháng 11.1996), Số 171+172 (tháng 1-2.2011), Chủ nhiệm, Chủ bút: Viên Linh.

      Ðịa chỉ P.O Box 670, Midway City, CA 92655.

      Email: phamcongkh@yahoo.com

      Website: http://www.khoihanh.com/

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)