1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Cuộc Phỏng Vấn Văn Nghệ (Nguiễn Ngu Í) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      07-04-2015 | VĂN HỌC

      Cuộc Phỏng Vấn Văn Nghệ

        NGUIỄN NGU Í phỏng vấn
      Share File.php Share File
          

       

      Tổng Kết Cuộc Phỏng Vấn Về Quan Niệm Sáng Tác Của Các Nhà Văn (Nguiễn Ngu Í)

      Báo Xuân ở quê nhà trước 1975 thường có mục Xông Đất các bạn văn, một thông tục mà ngày nay chúng ta không thể thực hiện được nữa vì hoàn cảnh của đất nưóc. Tân Văn xin đăng tải lại bài phỏng vấn của nhà văn Nguiễn Ngu Í trên tạp chí Bách Khoa thực hiện vào những năm 1958, 1963 về các nhà văn nổi tiếng của Việt Nam Tự Do. Đọc cuộc phỏng vấn này, chúng ta như nhìn thấy lại bầu không khí văn nghệ rộn ràng của những ngày đầu Xuân cùng sinh hoạt văn hoá rất ư là tự do và phồn thịnh của miền Nam. Bài viết như một nén hương dâng lên những người đã khuất để ngậm ngùi tiếc cho nền văn hóa dân tộc đã suy tàn và cũng để ngậm ngùi thương cho những thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay, những tâm hồn không được nuôi dưỡng bằng những áng văn, thơ nhân bản để các em có hành trang bắt đầu cho một cuộc sống vì người, cho ngưòí...

      Đinh Hùng  -  Đông Hồ  -  Lê Ngọc Trụ  -   Mai Thảo

      Phạm Cao Củng - Phạm Thiên ThưNguyễn Mạnh Côn

      Nguyễn Thị Vinh  -  TCHYA  -  Trọng Lang



       

      Những người đoạt giải Văn Học Toàn Quốc tại Saigòn 1962

      (từ trái sang phải): thi sĩ Đức Lệ, nhà văn Nhật Tiến, thi sĩ Đinh Hùng,

      học giả Lê Ngọc Trụ và thi sĩ Mai Trung Tỉnh.



      ĐINH HÙNG


           Đinh Hùng (1920 - 1967)
         thi sĩ sáng lập Ban Tao Đàn,
      tháng 11.1955

      Sanh ngày 3-7-1920 ở làng Trung-Phụng, tỉnh Hà-Đông (Bắc-Việt).

      Đăng thơ trên tuần báo Hà Nội tân Văn (1940), đặc san Mùa gặt mới (1940) của nhà Tân Việt. Thỉnh thoảng cộng tác với vài giai phẩm, như Giai phẩm Ngày nay (1943).

      1943, cộng tác với tuần báo Thông tin và nhiều tờ báo khác.

      950, hồi cư về Hà-Nội, hợp tác với tuần báo Hồ Gươm, nhật báo Nhân quyền, Dân chúng, chủ trươnng giai phẩm Kinh đô Văn nghệ.

      1954, di cư vào Nam, cộng tác mới báo Tự do (giai đoạn đầu), vẽ, làm thơ trào phúng, (kí Thần-Đăng), viết tiểu thuyết dã sử và võ hiệp (kí Hoài- Điệp Thứ-Lang). Sau cộng tác với Ngôn luận, Văn nghệ Tiền phong, Sáng tạo, Hiện đại, Sóng dội miền Nam.

      Từ l955, hợp tác với hai đài phát thanh Quốc gia và Quân đội, phụ trách những mục về Thi Văn.

      Đã xuất bản: Mê hồn ca (thơ, 1954), Đường vào Tình sử (thơ, l961).

      Anh trả lời tôi qua điếu thuốc lào, giọng nhỏ nhẻ như khi ta kể lể chuyện tâm tình.

      Đối với tôi, hoạt động của mình trong cuộc sống hằng ngày, và chính cuộc sống của mình đã nói lên quan niệm của mình về thơ.

      Tôi còn ngẫm nghĩ về câu nói của anh, đang thử nhớ lại những hoạt động văn nghệ cửa anh cùng đôi biến cố trong đời anh gần nay, thì anh lên tiếng:

      - Đối với tôi, làm thơ không phải là một cái thú.


      Tôi nhìn anh không dấu được ngạc nhiên. Người anh nhỏ thó, y phục đỏm dáng phần nào, tóc chải mượt, cử chỉ từ tốn, vẻ mặt lúc nào cũng như đang bận lo âu, tất cả người anh đều nói lên sự cân nhắc, sự cẩn trọng, thế mà câu anh vừa tuyên bố có vẻ "thế nào ấy". Con người thơ mà cho rằng làm thơ không phải là một cái thú, thì đời còn gì lạc thú chăng


      Nhưng tác giả "Mê hồn ca" trầm trầm tiếp, sau một ngụm nước trà.

      - Đối với tôi, làm thơ không phải là một công việc văn nghệ, cũng không phải là công việc đem đến sự nghiệp, danh vọng nào, mà đó là một nhu cầu tự nhiên của người nào có nghiệp dĩ.


      - Nghĩa là chạy đâu cũng không thoát khỏi?

      Anh gật đầu rồi rít một hơi thuốc lào.


      Tôi không khỏi nhớ đến quan niệm về thơ của người bạn thơ thân nhất của anh: Vũ Hoàng Chương, người nặng nghiệp say: say thơ, say tình, và say bao thứ khác.


      - Tôi từng viết: với tôi làm thơ là một nhu cầu như nhu cầu sinh lí. Tôi không làm thơ thì không sống nổi.


      - Anh thấy người làm thơ cần có điều kiện gì trước nhất.

      - Trước nhất, mình cần xét mình có phải là thi sĩ không.

      - Xin anh nói rõ.

      - Nghĩa là xem mình có chất thơ trong người không đã.

      - Xin lỗi anh. Cái chất thơ trong người, biết nó có hay không, tôi tưởng cũng hơi khó đấy.


      Anh cười nhè nhẹ.

      - Phải thấy mình có khát vọng làm thơ, chừng ấy hãy làm. Không làm thơ, thì mình thấy đau khổ, mình thấy bị dày vò, như thiếu một cái gì rất cần cho đời sống của mình thì chừng ấy hãy dan díu với nàng Thơ. Chừng ấy mới đặt thành vấn đề: mình nên viết cách nào đây, nghĩa là nghĩ đến phần kỹ thuật.


      - Vậy theo anh, cái "cốt thơ" cần có trước, rồi cái "xác thơ" mới để ý sau?

      - Phải, ngươi thi sĩ phải có thiên tư trời phú khi mới oe oe.

      - Nói một cách khác, cần được ơn trên ban phước lành: "Con sẽ là Thi sĩ" rồi mọi việc sẽ phân giải sau?


      Anh lại cười cười:

      Thiên tư trời phú là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Người thơ phải trau dồi kỹ thuật, tìm cách phát triển tài mình, cố gắng diễn tả ý, tình mình cách nào để thành công được.

      - Như thế, chắc anh không đặt: "Làm thơ cho bây giờ hay cho mai sau" thành vấn đề.


      Mắt tác giả "Đường vào Tình sử" mơ màng theo khói thuốc.

      - Không mà có, anh à. Trong cái khát vọng của người thơ, có cả cái bây giờ và cái mai sau. Với nhà thơ, Dĩ vãng, Hiện tại, Tương lai là chung một dòng thời gian.

      - Không có gì làm mốc cả?

      - Đúng thế.

      Thế thì anh viết cho ai đây, khi Tương lai, Hiện tại và Dĩ vãng, anh cho là một, không thể ngăn chia?


      - Mình sống với xã hội, tức là hòa đồng với người. Người phải sống với người, thì làm sao tách mình ra ngoài cuộc sống. Nhưng người với Vũ trụ vốn đồng nhất thể, nên tôi không đặt thành vấn đề: sáng tác cho ai.


      - Còn làm thơ, thì phải có hứng?

      - Đã làm thơ, thì phải có hứng.

      - Cái hứng do đâu mà đến, anh cho biết được chớ?


      - Do bên ngoài đem đến, hoặc do một sự thúc đẩy bên trong. Mà nếu ai đã trút cả đời mình cho Thơ, thì cái hứng gần như là do chính mình tạo lấy. Tôi cho hứng là sự tu luyện. Nhưng tự tạo không phải là giả tạo. Bởi lẽ mình tạo hứng không phải với đôi hành động hoặc trong một giai đoạn nào đó của đời mình, mà bằng cả cuộc đời mình. Như thế, thì mình nằm trong dòng cảm hứng, mình ở giữa vũ trụ Thơ.


      - Thế anh viết dễ dàng?

      - Cũng tùy lúc. Có khi viết liền một mạch, sửa chữa rất ít; có khi viết được một đoạn, rồi để đó mãi, chưa biết chừng nào mới hoàn thành.

      Tôi cười.

      - Thì ra đôi khi anh cũng "cụt hứng"!


      Anh cũng cười.

      - Tôi đồng ý với anh Mặc-Đỗ ở chỗ: cái nói lên được con người cùng quan niệm về nghệ thuật của người cầm bút, đó là tác phẩm của họ. Tôi ngại những bạn trẻ chưa có một sáng tác nào, mà vội tuyên bố nguyên tắc này nguyên tắc nọ, hay cho mình phải đi vào đường lối nọ đường lối kia, vì rất có thể sau đó, tác phẩm ra đời lại sai nguyên tắc, lại khác đường lối. Sao bằng cứ sống đã, cứ cho tác phẩm ra mắt người đời. Cuộc sống của mình, tác phẩm của mình tự chúng sẽ nói lên quan niệm, đường lối, nguyên tắc sáng tác của mình.


      - Làm rộn anh câu chót đây: anh kể cho nghe một kỉ niệm, tự nhiên là về thơ.


      - Một kỉ niệm không vui, anh bằng lòng chứ? Tôi có thơ đăng từ 1940, và tập "Mê Hồn Ca" anh Hồ-Dzếnh định xuất bản dùm tôi, năm 1945. Nhưng biến cố lịch sử xảy ra, ý định đành bỏ dở. Mãi đến năm 1954, mới thực hiện được, in vừa xong lại gặp hồi Đất Nước chia đôi, tôi chỉ mang được một ít vào Nam. Đã chẳng vui vì "đứa con đầu lòng" có số phận không may, thì một vài bạn phê bình trẻ tuổi vẫn không biết - và cũng chẳng chịu tìm biết - "Mê hồn ca" gồm những bài thơ làm từ thời tiền chiến, mà vội hạ bút, nào "'Mê hồn ca' phản ảnh tâm trạng những kẻ thoát li cuộc kháng chiến dân tộc", nào "tác phẩm Đinh Hùng là một tấm gương phản chiếu tâm hồn đồi trụy trong thời chiến tranh".


      Và giọng anh buồn buồn khi kể lại chuyện chẳng vui này.




      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      ĐÔNG HỒ


         Thi sĩ Đồng Hồ
         (1906 - 1969)

      Tên thật: Lâm-Tấn-Phác.

      Sanh ngày 8-3-1906 tại làng Mĩ Đức, tỉnh Hà Tiên (Nam Việt).

      Viết giúp: Nam phong (1923-33), Đông-Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, Việt dân, Mai, Tri tân.

      Mở "Trí Đức học xá" (1926-34), chuyên dạy bằng tiếng Việt.

      Chủ trương tuần báo "Sống" (1935), tuần báo "Nhân loại" (1953-54), sáng lập nhà xuất bản "Bốn phương" (1950).

      Đã xuất bản: Thơ Đông Hồ (1932), Lời Hoa (1934), Linh- Phượng (1934), Cô gái xuân (1935), Những lỗi thường lầm trong sự học Quốc văn (chung với Trúc-Hà, 1936), Hà-Tiên thập cảnh (chung với Mộng- Tuyết, 1960), Trinh trắng (1961).

      Tôi sắp sửa giấy bút viết bài trả lời cho cuộc phỏng vấn của báo Bách- Khoa về quan niệm sáng tác. Tôi giở tập báo, đọc lại 4 câu hỏi nêu trên đầu bài. Tôi phải đọc lại, vì mặc dầu, từ khi nhận được câu phỏng vấn, cho đến khi mỗi kỳ báo đăng, tôi đã đọc đi đọc lại, không biết bao nhiêu lần, mà đến bây giờ, tôi vẫn không nhớ cho rõ là 4 câu hỏi đã hỏi những gì.


      Tôi hơi bực mình, tự trách sao mà tôi lại tối dạ đến như vậy. Tôi xếp tập báo, rồi lại mở ra. Tôi đọc lại đầu bài. Tôi nghĩ đã đúng:


      - Quả là vị giám khảo kỳ thi này khe khắt không kém vị giám khảo kỳ thi trước. Kỳ thi trước là kỳ thi phỏng vấn về "Truyện ngắn hay nhất cổ kim, hay nhất Đông Tây", mở ra hồi năm kia, năm 1959.


      Sao mà tôi cứ bị ám ảnh mãi về thi cử. Chắc là tôi mắc bệnh khủng hoảng tâm lý. Khi người ta không từng được thi cử, thì sinh ra bịnh chứng thèm khát ước mơ khoa bảng; chắc là như vậy hay sao. Nghĩ cũng chướng thay! Không được đi thi mà lại cứ sợ bị thi rớt. Kỳ trước, tôi đã nhờ mưu mẹo "Con gà mổ mót bánh tráng vụn" của anh chàng rể túc trí đa mưu mà chinh phục được ông nhạc, cũng là ông giám khảo, khắt khe.


      Cho nên, kỳ này, khi thấy đầu bài rắc rối khó khăn, tôi cũng nhớ lại mưu mẹo của những anh cử-tử học dốt, may nhờ mà thi đỗ.


      *


      Bạn tôi có người kể cho tôi nghe câu chuyện này:


      Hồi bốn mươi năm trước. Người Pháp ở đây có mở kỳ thi gọi là thi Brevet élémentaire, để cho các con Tây học ở trường Tây thi. Còn học trò "bản xứ" thì đã có kỳ thi riêng gọi là "Diplôme de fins études". Hai bằng tương đương nhau, ngang với bằng Trung học đệ nhất cấp bây giờ. Nhưng mà thời kỳ đó, ai cũng lấy làm quí cái bằng Brevet élémentaire hơn. Chẳng những quí vì nó bằng cấp Tây, mà nó còn quí, vì có bằng cấp này, khi vào làm bất cứ công sở nào cũng được biệt đãi, ngạch cao mà lương bổng nhiều hơn.


      Chương trình học cũng có khác hơn chương trình "bản xứ". Pháp ngữ được coi là môn chánh trong chương trình lại có cả âm nhạc; hai món mà học trò mình sợ nhất. Âm nhạc tức là môn Solfège. Đối với học trò Tây thì nó chẳng khó khăn gì. Còn đối với mình, trường mình không có dạy món đó. Mà muốn học cũng không biết học ai.


      Nên nhớ là, chúng ta bây giờ đã có viện Quốc gia âm-nhạc, có thầy có sách. Ca sĩ, nhạc sĩ nô nức. Nhạc hội vũ sảnh tưng bừng. Chớ hồi 40 năm về trước, những khóa sol khóa fa, những nốt đen nốt trắng, móc chiếc móc đôi, đối với người mình hết sức xa lạ, cũng bằng bây giờ chúng ta nghe nói hỏa tiễn phóng lên cung trăng, hay nghe nói thuyền vũ trụ bay vòng quanh địa cầu. Chuyện mà nghĩ rằng sức mình không sao làm nổi.


      Khó khăn như thế đó, mà có một anh học trò "bản xứ" quyết thi cho được cái bằng cấp Tây mới nghe.


      Nhờ có khiếu về ngoại ngữ, chữ Pháp anh rất cứng, quyết là không thua con Tây rồi.


      Còn "solfège" coi lơ mơ mà có thể rớt vì nó lắm. Vì anh có từng biết tí gì về nó đâu. Mà đã có nhiều bạn học đã rớt vì môn đó lắm rồi.


      Nghe anh gởi đơn xin thi, các bạn anh hỏi anh về điều này, thì anh chỉ mỉm cười mà không nói.

      Anh đã có mưu mẹo của anh!


      Kỳ thi viết xong. Anh qua lọt. Đến kỳ vấn đáp, các món trôi chảy cả. Anh dành cho món nhạc vào giờ chót. Anh bước vào phòng thi đường hoàn dạn dĩ như một tay sành nhạc Tây. Các bạn anh đứng ngoài nhìn vào, hồi hộp cho anh.


      Ông giám khảo, người Pháp, đặt liền câu hạch miệng về nhạc luật. Không vội trả lời, anh nở một nụ cười tươi xin lỗi, rồi xin ông cho "chơi" vài bản nhạc.


      Ông giám khảo chưa kịp ngạc nhiên thì đã có hai thằng "bạn tâm phúc" của anh ta chạy nhào vô, đưa cho anh một cây đàn kìm và một cây đàn cò.


      Anh ngồi xuống, trước mặt ông giám khảo, lên dây cây cò, ò-e, ò-e, rao mấy câu Bắc câu Nam, rồi anh dạo tiếp theo liền mấy bản Bình-bán, Hành- vân ngăn ngắn.


      Bây giờ hai bên cửa sổ đen nghẹt mà không chút ồn ào. Tiếng đàn nỉ non thánh thót nổi lên giữa truờng thi. Thiên hạ đang mê mẩn say sưa, anh buông cây cò, bắt liền cây kìm, đi ngay vào bản Tứ đại, anh cất tiếng:


      "Bao trải bao thỏ lặn ác tà.

      Nhành ngô đổ lá đưa chà.

      Bấy thu chầy não nùng phấn hoa.

      Buông li rượu, khóc cùng người tình chung".


      Tiếng đàn vừa dứt. Tiếng vỗ tay vang dậy trong ngoài, bất chấp kỷ luật nơi trường thi.


      Ông giám khảo, vừa qua cơn kinh ngạc, nhìn xuống đồng hồ trái quít để trước mặt. Đã qua 20 phút. Không biết ông nghĩ sao mà mỉm cười:

      - Merci, ce n'est pas mal!

      Rồi cúi xuống cho điểm.


      Không biết anh thí sinh được mấy điểm, duy có một điều biết được là năm đó, anh giật được cái bằng cấp Tây, vì món âm nhạc anh không bị "dêro" là anh qua trót lọt.


      *


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Đi thi trường Bách Khoa, tôi lại muốn bắt chước anh học trò năm xưa, mà không biết có trót lọt không.


      Sao mà tôi lo lắng cẩn thận đến như vậy? Tôi đã bảo đó là cái bệnh riêng của tôi, là bịnh ám ảnh và khủng hoảng tâm lý.


      Nhưng mà, tôi lo lắng không phải là không có duyên cớ, bởi vì, tự nhiên ai lại chuốc lấy khổ vào thân.


      Duyên cớ là có bằng chứng sờ sờ trước mắt đây rồi: Khi mở kỳ phỏng vấn về Truyện ngắn của báo Bách-Khoa hồi năm 1959, nhà báo có tuyên bố một câu phân minh dứt khoát như thế này:


      "Một mực tôn trọng ý kiến của các vị, các bạn đã sẵn lòng hưởng ứng chúng tôi xin đăng nguyên văn bài nhận được, chỉ bỏ lại những đoạn, xét thấy có tính cách riêng tư" (Bách-Khoa kỳ số 58, này l-6-1959).


      Đó, các bạn đã thấy khó khăn chưa. Nhà báo tuyên bố trước là sẽ bỏ lại mà không chấp nhận những gì có tính cách "riêng tư", nghĩa là nhà báo nghĩ rằng chuyện riêng tư là chuyện của cá nhân, đem tuyên bố ầm lên cho thiên hạ đều nghe thì quả thiệt chẳng có lợi ích gì cho thiên hạ, mà lại có ý như tự mình đề cao lấy cho mình.


      Tập báo đâu phải là nơi để cho mình mượn nơi lợi dụng mà khoe tài. Bỏ đi là đáng lắm.


      Điều kiện đó, đối với kỳ phỏng vấn trước còn có thể giữ gìn mà tránh được, vì phỏng vấn về "Truyện ngắn hay nhất" thì tất không ai lại can đảm tuyên bố: "Chuyện Giáp chuyện Ất gì đó của tôi là quán tuyệt cổ kim".

      Đến như kỳ phỏng vấn này thì lại khác.


      Ai làm sao mà tránh cho khỏi được nói chuyện riêng tư khi mà nhà báo đặt ra những câu phỏng vấn toàn là hỏi những chuyện riêng tư.


      Cái hay của cuộc phỏng vấn là ở điểm đó mà cái khó cũng là ở điểm đó.


      Hỏi những chuyện riêng tư mà bài trả lời làm sao cho tránh được tính cách riêng tư, để cho nhà báo không bỏ lại, thì thiệt là một điều thiên nan vạn nan. Anh cử-tử học dốt, thôi thì đừng hòng thi đỗ.


      Nghe hỏi chuyện riêng tư, dễ dàng quá, cố mà bới tìm trong trí nhớ, kể ra cho nhiều, nhà báo đăng hết không bỏ một chữ, nhưng mà ai đó đã mắc mẹo nhà phỏng vấn, ông "Giám khảo Bách Khoa" rồi!


      Đến khi anh lính truờng thi truyền lô, nghĩa là khi nhà báo làm tổng kết tình hình thì phải biết!


      *


      Vậy thì, tôi phải làm cách nào đây, làm sao mà kể chuyện mình cho thiên hạ, mà lại không có tính cách riêng tư. Tôi thường nghe bọn trẻ con đố nhau:


      - Tao đố mày, con gì mồm bò, lại mồm bò, mà không phải mồm bò?


      Làm sao mà trả lời cho trôi được. Đích thị là mồm bò mà thiệt sự không phải là mồm bò!


      Lại thường nghe mấy bà căn dặn những anh chàng đi làm rể, khi ngồi lên mâm cơm:


      - Ăn thì ăn cho hết, để thì để cho còn, ăn hết bị đòn, ăn còn mất vợ.


      Ăn hết thì bị đòn, ăn còn thì mất vợ, vậy thì phải ăn uống khôn ngoan như thế nào đây, để cho khỏi bị đòn, và để cho khỏi mất vợ. Chẳng có lẽ mà dè dặt quá đến đành cam nhịn đói hay sao.


      *


      Đang lúng túng với đầu bài phỏng vấn thì tôi nhớ chuyện anh học trò đi thi Brevet élémentaire khi xưa, đem kể ra đây.

      Kể ra đây để có ý trả lời rằng tôi có như anh học trò nọ.


      Nghĩa là tôi không trả lời trực tiếp từng câu hỏi một của nhà báo mà gián tiếp trả lời tổng quát đầy đủ đó rồi. Nghĩa là cũng nói được chuyện riêng tư mà không có tính cách riêng tư, sẽ không bị nhà báo bỏ lại. Bởi rằng "ông giáo sư Bách Khoa" này không lẽ mà lại gắt gao hơn ông giám khảo âm nhạc nọ hay sao. Anh học trò xưa kia, không từng học nhạc luật, không từng thông nhạc lý, không thuộc nốt đàn mà cứ thi đỗ như ai. Không biết đó là nhờ vì anh vốn sẵn thiên tư, sẵn duyên dáng cho người dễ mến, hay là nhờ vì ông giám khảo tri âm tri kỷ chịu thưởng thức một thiên tài ngoại lệ.


      *


      Thưa bác Ngu-Í, phụ trách.


      Chắc bác không ngại khó khăn, sẽ gắng mà hiểu thì bác thấy tôi đã trả lời đầy đủ các câu phỏng vấn rồi.


      Bác đừng đòi hỏi tôi phải giải thích nhiều hơn, bởi vì tôi mà giải thích thì tôi phạm trường qui đó.


      Có lẽ bài trả lời của tôi là bài trả lời hốt chót, cũng làm cho cuộc phỏng vấn của bác vui lên một chút, như bản đàn Tứ đại thuở nào, đã làm cho cảnh trường thi vui rộn lên, trong một buổi chiều xưa nghiêm lặng.


      Đông Hồ, 30-11-61.




      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      LÊ NGỌC TRỤ


          Giáo sư Lê Ngọc Trụ
          (1909 - 1979)

      Sanh ngày 25-3-1909 tại Cây-Gõ, châu thành Chợ-Lớn.

      Cai quản tiệm vàng ft; width: 16của cha vợ ở Chợ Lớn từ 1932 đến 1945.

      Sau biến cố 1945, giúp việc tại Thư viện Quốc-gia từ 1945 đến 1961 với chức phó thủ thư công nhật, bà từ 1961 đến 1964: chủ sự phòng Sưu-tầm và Thư viện.

      Lúc rảnh, tự học, đọc sách khảo cứu về ngôn ngữ, viết bài đăng rải rác trên các báo: Văn học tuần san (1936), Tự do (1939), Đông dương (1940- 1941), Nghệ-thuật và Bút mới (1941), Hạnh-phúc (1944); sau thời biến cố, trên các báo Sông Hương, Nắng Hè, Mới, Việt-Nam Giáo-Khoa tập san (bộ mới) và mấy số xuân Dân Quí (1951), Khoa-Học Phổ Thông (1951,1953), Đọc Thấy (1952), Tiếng Dội (1953), trên các báo: Văn Đàn, Phổ Thông, Khoa Học Phổ Thông, Tự Do, Bách-Khoa, Văn. Đồng thời có chân trong bộ Biên tập của tập Kỉ yếu Hội Khuyến Học Nam Việt từ 1941 đến nay.

      Những bài chuyên về ngữ học đều kí tên thật, các bài khảo cứu khác thì kí biệt hiệu: Ngọc-Toàn.

      Đã xuất bản: Chính tả Việt-ngữ (Nam-Việt, 1951: 2 quyển; Trường thì tái bản làm 1 quyển: 1961); Nguyễn-Cư-Trinh và quyển Sãi Vãi (Tân-Việt 1952, chung với Phạm Văn Luật); Việt-Ngữ, Chính-Tả Tự-Vị (Thanh-Tân, 1960).

      Đã dịch: Le Livre de mon ami của Anatole France (Chuyện bạn tôi, Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục, 1962), La Vingt cinquième heure của Gheorghiu (Giờ thứ 25, cùng dịch với Võ thị Hay, Ngày Nay, 1964).

      Hiện giảng viên môn Chánh-Tả Việt-Nam tại Đại-Học Văn-Khoa và trường Đại-Học Sư-Phạm Sài-Gòn.

      "Thôi, từ nay, trên các nhà in, mỗi khi cúi đầu xuống trang giấy mỏng nay chữ còn ướt mực, tôi không còn thấy cô đơn. Tôi bỗng nhớ đến anh bạn chuyên về ngôn ngữ học mà tôi thường nhờ anh chỉ dạy; anh đinh ninh rằng "tiếng Việt có nguồn gốc và có đủ tinh thần diễn tả tư tưởng, học thuật" và vẫn cắm cúi đuổi theo công trình dự định, mặc dầu một chứng bịnh khó trị đang gậm lần sức khỏe quí báu của anh".


      Hai mươi mốt năm qua, từ ngày những giòng chữ này nằm trên mặt báo (Tuần báo Thanh-Niên, số 30, l-4-1944), trong một mục "Chuyên Văn". Bao nhiêu lận đận trong đời từ cơn quốc biến 45, bao nhiêu xáo trộn trong tâm tư từ dạo ấy, bao nhiêu bất bình trước những điều mắt thấy tai nghe, giờ ngồi đối diện với nhau trong phòng khách yên lành ở khu Chợ-Lớn-Mới, dưới ngọn đèn điện sáng hiền, tay mân mê chén nước trà vừa uống, chẳng biết anh nghĩ gì, còn tôi, sao tôi lại ngỡ thời gian như đứng lại khi tôi gởi lên giấy những dòng vừa trích ở trên, mặc dầu mắt tôi nay cận thị gấp năm lần và tóc anh trổ màu muối tiêu rõ rệt. Phải chăng về mở đầu câu chuyện, tôi đã hỏi anh về sức khỏe, và anh đã buồn buồn cho tôi biết:


      Tôi cho mình như một kẻ phân thân. Một con người "hết xài" rồi. Và một con người đang cố quên mình là kẻ bệnh hoạn kinh niên để mà đeo đuổi vào công trình ôm ấp.


      Thì ra, hai mươi mốt năm xưa, anh chỉ mang một chứng bệnh khó trị. Còn nay thì đến năm: từ đầu xuống mình và lan cả tứ chi.

      - Cho nên tôi rất sợ những cuộc hội nghị kéo dài. Gặp là tôi một mực xin được miễn.


      - A! Lại câu chuyện bằng cấp của anh! Tôi cứ tưởng anh đã đậu bằng Thành Chung (tiếng trong Nam mọi bằng Cao-đẳng tiểu-học).

      - Tôi bỏ thi bằng này, vào năm 1929.

      - Lúc ấy anh học trường Sư-phạm Sài-Gòn thì phải?

      - Phải, tôi cùng anh em bãi khóa này 17 tháng 5 năm ấy.

      - Vì lí do chánh trị?


      Anh lắc đầu.

      - Vì danh dự, nhưng lại thành ra vì quyền lợi.


      Thấy tôi nhíu mày, cố tìm hiểu, anh giải thích.

      - Có tên huấn luyện viên thể dục người Pháp tỏ ra lỗ mãng; đôi khi tàn nhẫn đối với chúng tôi, chúng tôi nhịn nhục không được, đồng tâm bãi khóa. Nhưng bàn lại với nhau, thấy cái cớ ấy không tương xứng với hành động quyết liệt của mình, chúng tôi bèn tìm một cớ quan trọng hơn, liên hệ đến tất cả anh em từ nhỏ tới lớn. Lúc bấy giờ giáo sinh ra trường sau bốn năm học tập mà đậu bằng Thành Chung thì được ăn lương bốn chục đồng mấy cắc một tháng, còn như thi rớt thì chỉ được hai mươi tám đồng một cắc sau.


      - Nghĩa là ít hơn...


      - Không phải cái mười mấy đồng mấy cắc ít hơn đó làm chúng tôi bất bình, mà vì số lương này lại bằng với số lương các bạn có bằng Sơ-học (tức là bằng Cơ thủy ở Bắc, bằng Ri me ở Trung; bây giờ gọi là bằng Tiểu học) rồi tu nghiệp một năm. Anh coi, mình học bốn năm, ăn lương cũng như người học một năm, thì cái bất công này cũng đáng cho người ta phản kháng lắm chớ?


      - Các anh bãi khóa thắng lợi?


      Anh mỉm cười.

      Dễ gì "họ" nhượng bộ. Một số anh em bị đuổi, một số anh em được cho học lại với điều kiện cha mẹ đích thân đến làm giấy bảo đảm. Tôi thuộc vô hạn sau này, nhưng tôi không chịu để tỏ tình đoàn kết với anh em.


      - Thế còn học bổng bốn năm mà anh đã hưởng? Theo lời cam kết, giáo sinh bỏ học phải hoàn lại học bổng cho "nhà nước".


      - Thì tôi phải đi làm để bồi thường bốn năm cơm áo ấy, mỗi tháng mười hai đồng vì gia đình tôi "thường thường bậc trung", mà tôi có đến mười một anh chị em. À, mà tại sao anh rành về cái khoản này?


      - Mười lăm năm sau anh, tôi cũng vào trường Sư phạm Nam-Kì ấy, nhưng phải có bằng Thành Chung và học chỉ có một năm.


      - Anh cũng nửa chừng bỏ cuộc rồi phải bồi thường?

      - Học được nửa năm, tôi đau não, vô nằm nhà thương Chợ-Quán cho đến hết niên khóa. Vì bịnh, nên tôi khỏi phải bồi thường.


      Anh gục gặc đầu:

      - Anh với tôi cũng có đôi điểm trùng nhau. Tôi học trường Tiểu học Phú- Lâm, rồi truờng Sư-phạm Sài-Gòn, làm thân chủ nhà thương Chợ-Quán, và thành thầy giáo hụt.


      - À, anh cho biết đã đi làm nghề gì để sống và để trả nợ cho "nhà nước Pha-Lang-Sa"?

      - Tôi làm thư kí, trước cho công ti Lệ-Công-Hòa ở Chợ-Lớn, sau cho một hãng rang cà phê ở Sài-Gòn, hãng Torréfaction Saigonnaise.


      - Rồi sau đó?

      - Rồi từ năm 1932 đến 1945, tôi đứng trông nom tiệm vàng ông nhạc tôi ở đường Marins (tiếng Pháp là Rue des Marins; người Việt ta gọi là đường Thủy binh, nay là đường Đồng Khánh), số 130, anh còn nhớ nơi này chớ?


      Tôi cười cười để trả lời anh. Sao tôi lại không nhớ tiệm vàng Lê-Văn-Ngữ ở bên cái đường rộng và náo nhiệt vào bậc nhất ở trong Chợ-Lớn ấy, nơi mỗi lần ghé thăm anh, tôi không khỏi buồn cười mà bắt gặp người bạn "nửa chừng xuân" đắm say chữ nghĩa nước nhà ấy đang hoặc lễ phép cho khách hàng biết giá vàng, hoặc cẩn trọng cân vàng, hoặc ân cần chỉ vẽ cho thợ. Có cái gì trái ngược cái đích anh đeo đuổi và cái nghề anh làm. Khiến có lần tôi nửa đùa nửa thật hỏi anh, nhại lời người xưa (Thư trung hữu nữ nhan như ngọc):

      "Trong sách có người đẹp như vàng."


      Tôi lại nhớ gian nhà cổ, rêu phong hơi thấp, nhà tự của anh, trầm ngâm trên bến Phú Lâm, cạnh con rạch con nước đục chẳng buồn trôi. Gặp anh ngồi cúi tra sách cũ trong gian nhà cổ này trong những này nghỉ việc bán buôn, mới thật là gặp Lê-Ngọc-Trụ thật!


      Tôi đang mơ màng nhớ đến một gian nhà vắng, một dòng nước lặng, thì anh lại kéo tôi về một con đường ồn, một cửa hiệu đông.

      - Nhắc đến thời quản đốc tiệm vàng cho cha vợ tôi, tôi lại nhớ đến... Anh biết tôi nhớ ai không?

      Có ông Thần... Chánh tả mới biết anh nhớ ai, nên tôi trả lời anh bằng một câu ca dao lững lờ:

      - "Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ (biết) nhớ ai".

      - Tôi nhớ anh Thâu. Thỉnh thoảng ảnh tạt qua đó.

      - Để thăm anh?

      - Để thăm tôi thì ít, mà để mượn tê-lê-phôn thì nhiều. Anh mượn nó để "xạt-cờ-rày" mấy ông lớn Tây, nhất là ông chánh sở Mật thám. Lần cuối cùng, anh ghé lại đấy là để giã từ tôi đi Tân-Gia-Ba (về việc Tạ-Thu-Thâu trốn đi Tân-Gia-Ba này, các bạn có thể xem hồi ký "Tù trong tù" của Hồ- Hữu-Tường đăng trong Bách Khoa, số kỉ niệm năm thứ bảy, để biết nguyên do cùng hậu quả). Tôi không ngờ giã từ nhau lúc ấy lại là vĩnh biệt nhau.


      Giọng anh thấp xuống, như thể mình nói với mình.

      Không bảo nhau, chúng tôi im lặng hồi lâu, cùng nghĩ đến cái chết nghẹn ngào của người chiến sĩ xã hội đáng quí này mà giờ nay thân còn "vùi nông một nắm" cạnh bờ một con sông xa. Tôi trở lại câu chuyện cấp bằng.


      - Thế là về mặt bằng cấp, anh chỉ có bằng Sơ học. Điều này, chắc ảnh hưởng nhiều đến lương anh, khi anh làm phụ thủ thơ cho Thơ viện quốc gia Sài-Gòn.

      Anh nháy mắt.

      - Năm 1948, ông Đoàn (ông Đoàn-Quan-Tấn, hội truởng hội Khuyến học Nam-Kì (nay là hội Khuyến học Nam-Việt) từ 1941 đến nay, mà chúng tôi, hội viên từ thuở ấy, gọi thân mật là ông Đoàn) làm giám đốc Thơ viện Nam-Việt, cần thêm người giúp việc, có nghĩ đến tôi, mời tôi giữ chức vụ phó thủ thơ. Tôi thì không biết gì về mặt hành chánh, ông Đoàn lại không rành, nên thay vì ông sắp xếp trước để tôi vào hàng các chuyên viên, thì ông cứ để vậy; đến khi người ta theo thủ tục tuyển dụng công chức thông thường, bỏ tôi vào hàng công chức ăn lương ngày, theo cấp bằng, thì tôi ăn lương công nhật, tương đương với hạng có bằng Sơ học. Khi ông Đoàn hay, thì sự việc đã rồi.


      - Thế thì lương anh?

      Anh cho tôi biết con số. Tôi ngạc nhiên ra mặt:

      - Thế thì lương anh không hơn lương tùy phái!

      - Lúc đầu thì có hơn chút ít, rồi lần lần, lương họ tăng lên trong khi con mình lần lần lớn, mất phần ăn, lương mình bằng lương họ, rồi sau mười sáu năm công vụ, lương mình đành thua lương họ.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Tôi không ngăn được một cái thở dài.

      - Khi nghe anh phải về hưu, anh em và tôi đều buồn bực. Buồn vì vắng anh ở Thơ viện, Thơ viện như mất linh hồn. Không, anh đừng cười. Chúng tôi không nói quá lời đâu. Làm sao kiếm được người hiểu rộng, biết sâu về sách, báo như anh và nhất là chịu khó giúp người muốn biết, như anh. Anh biết không, lắm người có việc cần mà không đến thơ viện vì anh không còn ở đấy, trong số này có anh Lê và tôi. Mới nay, anh Tường nói anh đã giúp ảnh nhiều trong việc tìm lại những bài, những truyện ảnh viết trong báo, khoảng mười lăm, mười sáu năm về trước, tôi hỏi thăm, mới biết anh được Chánh phủ mời làm trở lại. Tôi mừng cho anh Tường, cho mình và cho biết bao người nữa. Nhưng này, lương anh bây giờ có khá hơn lương "mười mấy năm ấy" chớ?


      Anh gật đầu:

      - Nay, tôi được trả lương chuyên viên, đỡ hơn lương công chức công nhật.

      Tôi thở phào một cái.

      Có thực mới vực được đạo!


      Chuyện vàng bạc, chuyện cơm gạo xong, thì sang chuyện chữ nghĩa vậy.

      - Hồi nhỏ, anh học chữ Hán ở nhà với bực trai, chắc anh bắt đầu thích môn Ngữ học từ hồi đó.

      - Hồi đó, tôi còn nhỏ quá, chưa biết gì về môn học mới mẻ này. Lúc đó, tôi thích Toán thì có, lại còn thích thơ nữa.

      - Anh từng làm thơ?

      - Làm thơ, thì không. Mà thích chép và học thơ hay. Lúc bấy giờ có tập thi tuyển "Thi phú văn từ của Võ Sâm" tôi thuộc nằm lòng và ngâm nga luôn miệng. Cả đến lúc lớn khôn, tôi không hề nghĩ rằng có ngày mình nghiên cứu về ngữ học. Khó khăn quá và lớn lao quá.


      - Nhưng mà mọi sự trên đời đều có cái bắt đầu chớ.

      - Cái bắt đầu của tôi là khi trông nom tiệm vàng, cần giao thiệp với người Tàu, tôi học tiếng Quảng-Đông. Ngay lúc khởi sự học, tôi nhận thấy một sự tương đối giữa tiếng này và tiếng Hán-Việt.


      - Anh cho vài tỉ dụ.

      - Tỉ dụ như tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng những âm B, Gi, Đ, T thì tiếng Quản-Đông phát âm ra PH, K, T, TH và X. Hán-Việt: đả, Quảng-Đông: tả; Hán-Việt: đa, Quảng-Đông: tố; Hán-Việt: đại, Quảng-Đông: tài; Hán-Việt: đà (ngựa), Quảng-Đông: thồ; Hán-Việt: đường, Quảng-Đông: thòn. Thêm nữa, tiếng Hán-Việt viết dấu hỏi thì tiếng Quảng-Đông phát âm ra giọng hỏi, còn tiếng Hán-Việt viết với dấu ngã, thì Quảng-Đông phát âm ra giọng nặng hoặc giọng huyền. Tôi bèn lập bảng tương đối nữa hai thứ tiếng này để dễ học tiếng Quảng-Đông.


      - Đó mới là bước khởi đầu, nhưng còn phần quyết định?

      - Phần quyết định là một bài phê bình. A này, anh có còn nhớ mấy tiệm ba Tàu bán sách xôn ở trước xa xe lửa không? Tôi mua ở đó được một số Conférencia, từ số đầu, có mấy bài diễn thuyết của mấy ông "gộc" như Jean Richepin, Emile Faguet, v.v... Sau này, tôi tặng lại cho hội Khuyến học của mình; trong thời biến cố 45, bộ này bị thất lạc. Tôi tiếc quá và lại tiếc rẻ. Phải chi tôi giữ cho mình, thì những tài liệu quí ấy (lại là kỉ niệm một thời nữa) may ra còn. Tôi đi xa đề mất rối! Anh phải nhắc tôi chớ. Ngoài Conférencia, tôi còn mua được nhiều tập "Larousse mensuel", anh biết loại nguyệt san giới thiệu và phê bình sách mới của nhà Larousse này chớ? Trong một số nguyệt san loại này, tôi đọc một bài phê bình cửa Albert Dauzat về một quyển ngữ học...


      - Anh còn nhớ tên quyển sách ấy chớ?

      - Nhớ chớ. Đó là quyển Le Langage của Vendryes. Trong bài phê bình này, Dauzat có nói đến luật biến âm của tiếng Đức. Những âm B, D, G của tiếng Pháp, thì tiếng Đức lại phát âm ra P, T, K. Bắt được cái mối này, tôi khoái quá. Thì ra giữa hai tiếng Đức và Pháp, có sự giống nhau, như giữa tiếng Hán-Việt và tiếng Quảng-Đông. Tôi đặt mạnh chưn vào mảnh đất khô khan của ngữ học từ đây. Tôi bèn tìm mua sách ngữ học mà đọc. Sách của Ferdinand de Saussure, của Meillet, của Vendryes, của Bréal, của Dauzat, của Grammont. Nhờ những sách này mà tôi áp dụng mấy luật của ngôn ngữ Pháp vào ngôn ngữ Việt, tôi lập bảng tương đối về Âm, về Vận, về Thanh giữa tiếng Hán-Việt và tiếng Quảng-Đông, rồi giữa tiếng Hán-Việt với tiếng Nôm để phăng tìm nguồn gốc tiếng Việt.


      - Anh âm thầm tự học, tìm tòi như thế, rồi tới năm nào anh mới "xuất đầu lộ diện" với đời?

      - Năm 1936. Thật ra là năm ấy, tôi mới có ý định ra mắt công chúng. Số là hội Khuyến học Nam-kỳ lúc ấy.


      Tôi chận anh lại:

      - Phải nói là "Société de l' enseignement mutual de la cochinchin", vì tiếng sau này, năm 194l, ông Đoàn nhà ta làm cuộc "đảo chánh êm thấm", hội mới xưng tên với đồng bào bằng tiếng mẹ đẻ, và được mọi người biết đến với tên hội Khuyến học Nam-kì hơn là Société de l'Enseignement mutual de la Cochinchine. Còn trước 194l, thì lại là ngược lại.


      - Đồng ý. Vậy Société đe l'Enseignement mutual de la Cochinchine dạo ấy có tổ chức những cuộc diễn thuyết tại hội quán hội Đức Trí Thể Dục.

      - Lại xin chỉnh anh nữa. Lúc đó, người ta biết hội đó dưới tên Tây, trọn vẹn Société pour l'Amélioration morale, intellectuelle et physique des indigènes de la Cochinchine, viết tắt là S.A.M.I.P.I.C.


      - Lại đồng ý nữa. Chánh phủ đã công nhận phe đối lập. Anh không nhảy ra nhập vào phe này cũng uổng!

      Chúng tôi cùng cười.


      Giữa lúc ấy, con gái và rể anh đi đâu về. Chào khách xong, rể anh đi vô nhà, còn con gái anh, liếc nhìn hai tách nước, thấy đã cạn tự bao giờ, rón rén lại bàn, nhẹ nhàng châm cho chú, cho cha.

      Tôi bỗng hỏi:

      - Hồi nhỏ, anh có thường đi chùa không?

      Anh gật đầu rồi đáp:

      - Lúc tôi còn nhỏ, bà nội tôi tu tại gia, sáng sớm nào khi bà dậy tụng kinh gõ mõ là tôi dậy theo để học. Và khi bà đi chùa, thì tôi cũng đi theo chơi.


      Đã quá khuya. Tôi hỏi anh câu chót:

      - Mười một năm xưa, khi phỏng vấn anh cho báo Phương Đông, anh kể cho biết một trong những công trình anh đang đeo đuổi là việc soạn hai quyển tự vị Việt-Nam ngữ nguyênViệt ngữ tinh nghĩa và suy loại, nay đã xong quyển nào chưa?

      Anh lắc đầu cười:

      - Quyển nào cũng chưa xong! Hay có xong một nửa cuốn đầu. Anh nghĩ coi, mười một năm nay, thời cuộc nước nhà như thế, lại còn phải chạy sống hằng ngày, đầu óc và thì giờ đâu để mà hoàn thành cả hai công trình dài hơi đó.


      Rồi con người suốt đời cặm cụi với chữ, nghĩa ấy lại đem bức tâm thư của một ông tướng trẻ và mấy biến cố quân sự và chánh trị mới xảy ra mà bàn.


      Tôi đứng dậy, cáo từ. Anh nắm tay tôi lại:

      - Còn cả một giờ mới tới giờ giới nghiêm. Anh để xe đây, chúng mình đi ăn chút đồ ngọt, rồi về còn kịp.

      Chúng tôi thả bộ ra chợ. Anh nói mời tôi ăn đồ ngọt, nhưng khi kéo ghế, anh lại gọi mì trước, đồ ngọt sau. Hẳn anh nghĩ rằng phải có "mặn mà" trước để "ngọt ngào" sau càng thêm ý vị!


      Tôi hỏi anh, giữa hai "chầư" mặn, ngọt:

      - À, này anh, quan niệm của anh về cuộc đời ra sao?

      Anh cười không trả lời. Tôi chẳng chịu thua:

      - Thiên hạ duy đủ thứ. Nào tâm, nào vật, nào thần, nào linh. Còn anh?

      Anh bỗng trở nên nghiêm trang, nhìn tôi, nói chậm:

      - Còn anh, anh duy cái gì thì anh chết về cái ấy. Đời nó muôn mặt, nó vạn nẻo, mà ta chỉ nhìn có mỗi một khía cạnh, chỉ biết có một con đường, thì "cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa".

      Và tôi lại biết thêm một khía cạnh của anh bạn họ Lê tên Ngọc-Trụ.


      Tôi lên xe đạp, anh còn nói theo:

      "Nhớ đi đường Đồng Khánh về, đừng đi đường Hồng Bàng. Đi xa mà ăn chắc. Hai đứa con tôi hôm rồi đi học ở hội Việt-Mĩ về, đi xe mô bi lết dọc theo đường xe lửa, đường Hùng Vương, bị bọn du đãng giựt đồ. Anh nhớ đi xa một chút mà "chắc ăn hơn"!


      Cuối tháng 3-1965



      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      MAI THẢO


           Nhà văn Mai Thảo
           (1927 - 1998)

      Sanh ngày 8-6-1927 tại Hải Hậu tỉnh Nam Định (Bắc Việt).

      Đã chủ trương tờ Dòng Việt (1945) ở Hà Nội với Trương Uyên.

      Sau hiệp đinh Genève, công tác với tờ Dân Chủ, Người Việt.

      Từ 1956, chủ nhiệm tạo chí Sáng tạo.

      Đã xuất bản: Đêm giã từ Hà Nội (truyện ngắn, 1955), Tháng giêng cỏ non (truyện ngắn, 1956).

      Ông mất năm 1998 tạt California, USA.

      Tôi định có tình cờ gặp lại người chủ nhiệm của Sáng Tạo, thì lời chào anh sẽ là câu thơ "Chinh phụ" trên đây, thêm một tiếng.

      Nhưng tôi bỏ ngay ý định này khi, vào phút chót, được anh nhắn mời đến nơi anh ngụ vào trưa một thứ bảy để "chẳng phải trả lời cuộc phỏng vấn" mà để "nói chuyện".


      Va câu đầu anh thốt, là:

      - Sở dĩ tôi cứ nay lần mai lữa với anh, là vì tôi không đồng ý với tinh thần và mục đích của cuộc phỏng vấn lớn ở Bách Khoa mà anh phụ trách.

      - Anh không tán thành việc làm này mới đây hay là từ lúc ban đầu?

      - Ngay từ lúc ban đầu.


      Tôi thầm nghĩ: ngay từ lúc ban đầu, mà anh đợi khi cuộc phỏng vấn gần kết thúc, mới chịu hé môi, thì quả là "yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau"! Nhưng dầu sao, anh nói trễ còn hơn anh im lặng luôn. Nên tôi hỏi anh:

      - Vậy xin anh cho biết vì sao.


      Anh từ từ rút một điếu thuốc, nhè nhẹ đưa lên môi, chậm rãi quẹt lửa, hút một hơi dài rồi mới thong thả trả lời.

      - Rồi tôi sẽ nói vì sao. Còn giờ, anh cho tôi nói hết ý nghĩ của tôi.

      "Tôi không tán thành công việc anh phụ trách, là vì tôi cho rằng những vấn đề mà cuộc phỏng vấn đặt ra dưới hình thức những câu hỏi đều là những giả vấn đề".


      Anh ngừng nói. Khói thuốc càng tăng vẻ xa vắng trên gương mặt dài phảng phất dấu mệt mỏi.

      Tôi yên lặng chờ.

      - Về phía người đọc, tôi thấy, cuộc phỏng vấn không làm sáng tỏ được gì hết. Có những băn khoăn, những thắc mắc. Cho nên thành thực là tôi không có ý kiến gì về những câu hỏi đó.


      Giọng anh bỗng mất đi cái vẻ đều đều đượm ít nhiều mệt nhọc, và mắt anh cũng mất đi cái vẻ xa vắng ban đầu. Tôi bèn hỏi lại:

      - Anh không trả lời vì không muốn?

      - Vì không có gì để trả lời thì đúng hơn.

      Tôi cười:

      - Bởi lẽ hỏi anh sáng tác để làm chi, cũng như hỏi anh ăn cơm, anh uống cà phê, hay anh hút thuốc để làm gì?


      Anh lắc đầu: "Không giống nhau thế đâu, chẳng hạn như tôi nhận thấy những câu hỏi của cuộc phỏng vấn buộc người được hỏi đến phải nói đến cái "tôi", buộc họ phải tự trình bày con người của họ ra. Nói ra, đã là một điều khó, điều kì, mà lại nói ra cho mọi người nghe, thì thật là một điều tối kỵ. Chắc các bạn trong nhóm "Sáng Tạo" cũng nghĩ như tôi, nên ai nấy đều đã kiếm cớ từ chối. Nhưng anh đã cố tình đeo đuổi, (anh cười) thì xin "đền" anh bằng một vài ý kiến ở ngoài lề cuộc phỏng vấn vậy".


      Tôi lẳng lặng nghe.

      Anh châm điếu thuốc thứ nhì.

      - Thí dụ như câu hỏi: "Viết cho bây giờ, hay cho mai sau", không bao giờ đặt ra với tôi.

      Anh nhìn ra cửa sổ.

      - May thay, tôi không hề đặt điều đó thành vấn đề. Nếu cứ tự hỏi lẩn thẩn như thế, tôi rốt cuộc chắc viết không được gì. Hỏi như thế, theo tôi là sai.

      "Người làm văn học không bao giờ tách cuộc sống ra từng đoạn. Dĩ vãng, hiện tại, tương lai chỉ là một toàn thể. Và đối tượng chỉ là đời sống hiện tại, trước mặt, một gồm thành không tách rời được của cả quá khứ, hiện tại và tương lai.


      Anh im lặng, nhìn theo khói thuốc. Rồi anh tiếp:

      - Lại "viết cho mình hay cho thiên hạ"! Điều này đâu phải tùy người viết. Tùy đề tài, tùy nội dung tác phẩm, tùy thái độ tác giả. Tất cả những cái đó họp nhau lại mới cho người đọc biết - biết một phần nào thôi - người viết sáng tác cho ai, sáng tác để làm gì: nhưng người sáng tác thì không bao giờ tự hỏi như vậy.


      Và anh cười lớn:

      - Anh đã thấy đó. Có người trả lời viết cho mình, tức là viết cho thiên hạ, có người trả lời vừa viết cho bây giờ mà vừa viết cho mai sau.

      - Nghĩa là anh cho họ là những người ba phải?

      Anh chỉ cười thay vì xác nhận hay phủ nhận.

      - Vậy anh cho rằng vì cuộc phỏng vấn bắt anh chị em phải phô bày cái tôi, vì câu hỏi đặt sai, nên kết quả chẳng có gì?


      Anh để điếu thuốc hút dở xuống bàn.

      - Không đúng hẳn, nhưng cũng gần như thế, và bởi đó mà cuộc phỏng vấn đã thất bại. Tôi nghĩ có một vài người cũng đã cảm thấy như thế nên hoặc đã trả lời ra ngoài đề hoặc bằng một giọng đùa cợt.

      - Thế thì theo anh, muốn có hi vọng thành công, ta nên phỏng vấn cách nào đây?


      Giọng anh có phần sôi nổi.

      - Tôi nghĩ: nên giới hạn cuộc phỏng vấn trong một vấn đề cụ thể, nhất định, có tính cách thời sự.

      "Nên giới hạn cả số người mình phỏng vấn nữa. Tất cả sự thông minh của người đi phỏng vấn về một vấn đề nào đó là tìm kiếm những người đích thực quan tâm và có đầy đủ thẩm quyền phát biểu ý kiến về vấn đề đó, và chỉ cần những người đó thôi. Như thế anh sẽ đỡ tốn công phu và thì giờ vô ích. Và cuộc phỏng vấn cũng đỡ bị loãng nhạt vì những ý kiến lăn nhăng, vô giá trị".


      Thấy anh bắt đầu hăng, tôi lại trở về cuộc phỏng vấn mà anh tuyên bố không trả lời:

      - Hỏi về quan niệm đường lối sáng tác, anh cho là không thể đáp, nhưng còn về phương pháp, về kinh nghiệm, tưởng dễ nói và cũng giúp ích phần nào cho những người viết văn tập sự?


      Anh cười nhè nhẹ:

      - Nói phương pháp, kinh nghiệm mình, thì chỉ làm người đọc vui vui vậy thôi, chớ không giúp ích được gì lắm đâu. Tôi tin thế. Bởi mỗi người có một lối làm việc riêng, tùy theo nếp sống, tùy theo bản chất. Còn kinh nghiệm của người này, người khác lắm khi không thể dùng cho mình được. Vả lại kinh nghiệm do mình tìm mới có ích lợi thiết thực.


      Tôi nhìn anh, hỏi một câu hơi xa đề:

      - Anh lúc này coi bộ không được mạnh, chắc anh viết không được đều như lúc trước?

      Anh gật đầu.

      - Tôi viết không được đều, do tình trạng sức khỏe; làm việc ban đêm cũng phải có giới hạn.

      "Tôi vốn viết có phần khó khăn."

      - Nghĩa là anh viết nhiều lần mới xong?

      - Đúng vậy. Tôi ít khi nào viết được thật nhiều trong một lúc. (Anh cười). Lười nên viết cũng lười nữa.


      - Vậy chắc anh không viết theo tùy hứng?

      - Chỉ tùy hứng ở trên chi tiết, còn về toàn thể thì không. Sáng tác vẫn được dựng trên một ý tưởng nhất định nào đó.

      - Thành ra anh dựng truyện trên một ý tưởng nào đó.

      - Phải. Có một ý tưởng chính đã, rồi mới dựng sáng tác trên ý tưởng đó.

      - Thế thì với anh, sự tình cờ chẳng có một vai trò nào cả!

      - Có anh à. Mà điều lạ chính tôi cũng không hiểu là có thường ở phần kết nên đôi khi phần kết trên giống nó khác phần kết đã định trước.


      Anh còn muốn nói gì thêm, bỗng như chợt nhớ điều chi, cau mặt rồi cười.

      - Thế là tôi vừa bị anh lừa! Trên nguyên tắc, thì không trả lời cuộc phỏng vấn do anh phụ trách, mà trên thực tế thì lại trả lời phần nào rồi đó!

      Tôi chống chế:

      - Chẳng có ai lừa và ai bị lừa cả. Chẳng qua là trong câu chuyện, vô tình anh cho tôi biết đôi điều có dính líu ít nhiều đến đôi câu hỏi cửa cuộc phỏng vấn, thế thôi.


      "Bây giờ, xin hỏi anh vài điều về "Sáng Tạo", anh vui lòng đáp chớ?"

      Anh ưng thuận và đốt điếu thuốc thứ ba.

      - Tạp chí "Sáng Tạo" thế là chết hẳn hay sẽ còn lên tiếng?

      - "Sáng Tạo tạp chí" tạm đình bản, nhưng tôi hi vọng "Sáng Tạo tuần báo" sẽ được xuất bản một ngày gần gây.

      - Sao lại là tuần báo?

      - Vì tôi thấy dưới thể tài tạp chí, ra hằng tháng, cần phải chọn lựa bài vở kĩ càng, chỉ giới thiệu những công trình hay, đẹp, cho nên tạp chí đã gần với một cuốn sách hơn là một tờ báo.

      "Còn với hình thức tuần báo, mình cần độc giả hơn, và có thể đề cập đến những vấn đề thời sự hơn. Do đó độc giả thấy sự hiện diện của mình là cần thiết. Trong phạm vi rộng rãi của một tờ tuần báo, mình có thể phê bình đến cả một cuốn sách dở, một cuộc triển lãm tồi, điều đó cũng cần thiết như khi ngợị khen một tác phẩm, một cuộc triển lãm hay. Trái lại người ta không thể nói được tất cả trong một tạp chí.


      - Thể tài có khác, nhưng đại cương vẫn như trước chớ?

      - Không thể nói trước được. Có thể như cũ, có thể thay đổi.

      - Anh không thể tiếp tục cho "Sáng tạo tạp chí" ra đời, hẳn anh đã gặp nhiều trở ngại?

      Anh gật đầu.

      - Thế trở ngại do bên ngoài đưa tới hay bên trong sanh ra?

      - Không bao giờ có một trở ngại nào ở bên trong bộ biên tập cả. Sáng Tạo tạm đình bản lúc này là một điều khiến tôi rất ân hận, nhất là đối với những người đã công nhận sự có mặt và vai trò của nó.


      - Nhìn lại con đường "Sáng Tạo" đã đi, anh có thấy hài lòng chăng?

      Mắt anh sáng lên.

      - Đứng về phương diện cá nhân, tôi không tự hài lòng chút nào. Song tôi rất hài lòng - và coi đây là một vinh dự - là "Sáng Tạo" đã có được một bộ biên tập và những người cộng tác như đã có. Nó được đặt trên một mục đích không thương mại nên đã thất bại trên phương diện thương mại. Còn nếu "Sáng Tạo" có làm được một cái gì, hãy tạm cho là: đã gây được một í chí kiếm tìm về thực hiện cái mới, một ý thức mới.

      - Để mà...

      - để thay thế đã có, cái đã lỗi thời. Văn học nghệ thuật ở đây mang cái khuynh hướng kì lạ: ta chỉ muốn chôn chân trong những chân trời, những giới tuyến cũ. Sáng Tạo mang cái tinh thần vượt thoát khỏi những giới hạn đó. Nó đứng về phía những cái mới.


      - Cái mới đó nó ra sao?

      - Ra sao ư? Không phải một sớm một chiều là đã thấy hoặc tạo được cái mới. Nhưng hãy cứ nhận thức được rằng cần phải có những cái mới để đáp ứng cho những nhu cầu và đòi hỏi của văn học nghệ thuật hiện tại, đã là một bước tiến đáng kể. Còn thực hiện được cái mới ấy, không phải là việc riêng của một nhóm người, một cá nhân nào, mà là của tất cả mọi người.


      - Có vài tờ báo đả kích lập trường văn nghệ của "Sáng Tạo", anh có bận tâm vì việc này không?

      - Nói rằng hoàn toàn không thì là không thành thật, bởi chính tôi đã có vài lần lên tiếng trả lời. Nhưng điều đó không hề làm tôi ngạc nhiên. Chính chúng tôi cũng đã nhiều lần, đả kích, lên án những cái xét thấy đã đến lúc phải đả kích, lên án (anh cười), nếu có bị đả kích lại cũng là chuyện thường. Thà là thế đi. Chứ Sáng Tạo không bao giờ chịu ẩn mình vào một thái độ thỏa hiệp, như thế rất đớn hèn và rất vô trách nhiệm. Điều quan trọng với tôi là "Sáng Tạo" trước sau đã thành thực và trung thành với con đường và mục đích của nó, còn đạt tới được hay không, là chuyện khác. Tôi cho điều đáng tiếc không phải là "Sáng Tạo", là chúng tôi, đã bị xuyên tạc hay hiểu lầm, mà là đáng tiếc cho cái trình độ, cái ý thức về văn học nghệ thuật nói chung ở đây. Nhưng rồi đây, một trào lưu mới, một lớp người mới sẽ thay thế, sẽ đào thải một trào lưu cũ, một lớp người cũ. Đó là một sự thực không kẻ nào ngăn cản và bóp chết được.

      - Dầu không có "Sáng Tạo"?

      Anh cười:

      - Có "Sáng Tạo" hay không, không thành vấn đề.


      Đưa tôi ra đường, anh còn phân trần:

      - Anh hiểu cho tôi nhé. Tôi luôn luôn nghĩ việc làm này của anh rất thành thật và không vụ lợi. Nhưng tiếc là kết quả không xứng với công anh. Và vì không đồng ý về tinh thần và nội dung cuộc phỏng vấn nên mới làm anh vất vả như thế.

      Tôi bắt tay anh, cười, trả lời thầm cho anh:

      - Chính tôi mới là người đã làm anh vất vả suốt buổi trưa nay.




      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      PHẠM CAO CỦNG


          Nhà văn Phạm Cao Củng
           (1913 - 2012)

      Sanh năm 1914 tại thành phố Nam Định (Bắc Việt).

      Bắt đầu viết từ 1938 cho nhiều báo, như Bắc-Kỳ thể thao, Hải Phòng tuần báo, Đông-Tây, Vịt Đực, Phong-hóa, Ngày Nay.

      Có rất nhiều bút hiệu, lấy tùy theo loại văn viết: Văn-Tuyền, Trần Lang, Phượng-Trì, Anh-Cả, Phạm thị Cả Mốc.

      Chuyên viết truyện trinh thám, truyện võ hiệp, truyện dã sử, truyện phiêu lưu, truyện nhi đồng, truyện tâm lí.

      Chủ trương tuần báo nhi đồng Học sinh (l939-41) và nhà xuất bản Huyền Nga. Gần đây có hồi giúp báo Trinh thám, Tuổi xanh và hiện đương phụ trách phụ trương Học sinh cho nhật báo Ngôn Luận.

      Tác phẩm có trên 300.

      Loại trinh thám: Vết tay trên trần (1936), Gia tài nhà họ Đặng, Chiếc tất nhuốm bùn, Người một mắt, Kỳ-Phát giết người, Nhà sư thọt, Đám cưới Kỳ-Phát, Bóng người áo tím.

      Loại võ hiệp Tàu: Chu-long kiếm, Lục kiếm đồng, Võ hùng kiệt, Kình thiên lão hiệp, Càn-Long du Bắc.

      Loạt dã sử Việt: Tiếng sấm Bạch-Vân, Đường gươm họ Lý, Hai chiến sĩ, Những kẻ không hèn.

      Loại phiêu lưu: Người cá voi, Đầu xanh gió bụi, Ông già đáy biển, Công tử Cần Thơ, Bọn người vô vọng...

      Loại nhi đồng: Con ruồi cánh gấm, Lão tướng cướp, Cây nhị Phượng Hoàng.

      Loại tâm lí: Kinh hoàng...

      Con người trung niên ngồi đối diện tôi ở hiệu ảnh Huyền Nga bên chợ Vườn-Chuối này, một đêm gần Tết, sao tôi thấy không khác gì mấy người đàn anh ngồi trước mặt tôi ở hiệu kem Zéphyr, bên bờ hồ Hoàn-Kiếm, một tối mùa thu.

      Mặc dầu có đến mười lăm năm cách khoảng.


      Năm tháng có chất chồng thêm, con cái có đông đúc thêm, việc làm có túi bụi thêm, nhưng cái vẻ trẻ trung, tinh nhanh, tháo vát của cha đẻ anh chàng Kỳ Phát vẫn như xưa: vẫn cái cương quyết ở càm, vẫn cái duyên dáng trên môi, vẫn cái chịu đựng trên chót mũi và vẫn cái vui bay nhảy trong đôi mắt tươi cười.


      - Anh nhất định chẳng buông tha cho tôi à?

      - Làm sao mà buông tha anh cho được. Thiếu mặt con người xông xáo vào mảnh đất Trinh-thám, len lỏi vào truờng Võ-hiệp Tàu, dạo chơi trong vườn Dã-sử Việt, tò mò nhìn cái thế giới Tâm-lí, lạc lối trên đường Phiêu- lưu, tha thiết với Nhi-đồng, thì cuộc phỏng vấn do tôi phụ trách sẽ như nhà sư thọt!


      Anh tủm tỉm cười, và nhẹ nhàng mời tôi dùng dưa hấu chị vừa bày trước mặt chúng tôi với lê, bưởi, mận. Thế là cuộc phỏng vấn bắt đầu dưới dấu hiệu ngọt ngào!


      - Nào, nhà phỏng vấn muốn làm tội cái tôi nào trước đây?

      "Cái tôi trinh-thám, hay cái tôi võ-hiệp?"

      - Tôi cũng chưa biết nên hỏi cái anh nào trước đây.

      "Mà này! Anh bước vào nghề văn nghiệp báo bằng cái cửa nào?"

      - Chắc anh không ngờ. Bằng cái cửa Thể thao.

      - ...

      - Lúc bấy giờ, tôi mười lăm tuổi, theo học trường Cao đẳng tiểu học ở Nam-Định. Có một trận bóng đá hào hứng nữa trường tôi và trường khác, tôi bèn cao hứng viết bài tường thuật kèm theo bài nghiên cứu về võ Nhật gởi cho tờ "Bắc-kỳ thể thao". Bài được đăng, và ông chủ nhiệm tìm đến nhà thăm "cây bút thể thao mới mọc" ấy. Ông đã sửng sốt và hơi thất vọng vì thấy nhà phóng viên thể thao ấy là một chú bé con!


      - Còn vào nghề văn?

      - Bằng cái cửa võ hiệp Tàu. Số là tôi nhận lời cộng tác với anh Phùng Bảo Thạch, lúc ấy trông nom tờ "Hải-Phòng tuần báo" đang độ xuống. Anh Thạch đang tìm cách kéo độc giả. Lí-Ngọc-Hưng, một người Trung Hoa, đang được hoan nghênh vì những truyện Tàu dịch, dịch một cách vụng về, ngây ngô ngớ ngẩn nữa. Anh Thạch bèn bảo tôi tìm một truyện võ hiệp Tàu nào có nhiều tình tiết li kì, rồi mướn người dịch. Và "Hải-Phòng tuần báo" sau đó đăng truyện võ hiệp "Giang Đông tam hiệp". Truyện ăn khách, chừng ấy tôi mới cho anh Thạch biết truyện đó do tôi bịa ra, chớ chẳng nhờ ai dịch ở sách Tàu nào cả. Rồi sau cộng tác với nhà xuất bản Mai-Lĩnh, gặp phong trào tiểu thuyết kiếm hiệp bán từng tập mỏng hằng tuần, tôi mới sáng tác những "Chu-Long kiếm, Lục kiếm đồng, Nhởn-kiếm đạo".


      - Tôi còn nhớ thời thịnh hành của loại kiếm hiệp, khoảng 1933-38, chẳng những giới bình dân ham đọc, mà giới học sinh Trung học cũng mang vô trường coi lén lút trong giờ học, trong đó có các truyện võ hiệp của anh. Vậy anh có một "đường lối" gì trong việc "sản xuất" loại truyện này không?


      Anh nhíu đôi mày hơi rậm, thong thả trả lời:

      - Nói đường lối thì to chuyện quá. Nói ý định thì đúng hơn. Tôi lúc đó chiều theo ý thích của độc giả thường để trước làm thỏa lòng mình, sau làm người đọc hả dạ. Thời kì đó, dưới chế độ kiểm duyệt của thực dân, mình khó mà viết theo ý muốn những truyện xã hội, đả kích những điều chướng tai gai mắt, những tham quan ô lại. Mượn khung canh nước Tàu xa xưa, mình tha hồ múa bút.


      - Anh cho biết đôi dụng ý của anh.

      - Như trong "Kinh-thiên lão hiệp", tôi cho một vị kiếm khách bắt cóc hoàng hậu trong một đêm hoa đăng tại kinh kì, đưa người sống giữa nhung lụa ngọc ngà no đủ ấy đi thăm những cảnh cùng cực, cơ hàn trong dân gian rồi trở về cung lúc cuộc vui chưa mãn.


      Trong Càn-Long du Bắc, tôi muốn chống lại tác giả Tàu "Càn-Long du Giang Nam": ông ta cứ đưa cái "chân mạng đế vương" của ông vua nhà Thanh này ra mãi, muống gì được nấy và kiêu ngạo không ai bằng. Tôi thì bắt ông vua này phải thấy rằng uy quyền tột bực, giàu sang hơn người của ông cũng chẳng làm sống được đứa con nuôi thân yêu đã chịu chết để cứu ông, và chiếc ngai vàng rực rỡ của ông cũng bất lực trong việc chinh phục một tấm lòng nhi nữ, dù người này đã từng chịu ơn ông.

      - Và đó là yếu tố thành công của anh?

      - Cũng còn đôi yếu tố khác. Như lối hành văn bọn, tình tiết éo le, một mối tình chua xót.

      - Còn khi phải nói láo?

      - Thì nói láo hơn ba Tàu.

      - Anh cho đôi ví dụ.


      - Ví dụ trong truyện của tôi; ở một tửu quán, một nhân vật nọ búng một hột cơm để khiêu khích một khách nọ, hột cơm ấy soi thủng một bức tường dày. Đử biết "sức" hột cơm ấy trở nên mau và mạnh đến chừng nào. Nhưng khi người ấy búng lần thứ nhì, thì người bị khiêu khích kia điềm nhiên đưa đôi đũa lên gắp hột cơm đang bay, nhẹ nhàng để nó xuống bàn. Thì đủ biết tài nhanh, sức mạnh của người sau này nó ghê gớm đến bực nào. Một ví dụ thứ nhì. Tàu họ cho nhân vật họ phi kiếm để lấy đầu địch. Một nhân vật của tôi chỉ có nhìn, là nhà ngã người tan.


      - Anh còn nhớ truyện võ hiệp nào của anh mà anh thích nhất?

      - Truyện "Võ hùng kiệt". Buồn cười là tác giả thích nhất, song độc giả chẳng hoan nghênh, nhà xuất bản phải bảo tôi kết thúc sớm.

      - Anh có biết vì sao không?

      - Vì tôi đã quá táo bạo - táo bạo như một phần tư thế kỷ trước. Tôi cho một nữ đồ đệ yêu sư phụ của mình và được sư phụ đáp lại. Cả hai định lấy nhau, thì môn đồ nhao nhao phản đối. Tới đó độc giả cũng phản đối, cho tôi muốn cổ võ sự vô luân!


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Người đi chợ Tết bắt đầu đông. Tiếng guốc, tiếng nói cười ở ngoài đường mỗi lúc một tăng. Dĩa trái cây trong nhà cũng vơi lần. Tôi chuyển qua truyện trinh thám.

      - Nhân vật Kỳ-Phát trong các truyện trinh thám của anh có thật chớ?

      - Có thật.

      - Và tài tình như trong tiểu thuyết?

      - Anh bạn học cùng trường Kĩ nghệ thực hành của tôi ấy có tài khác. Tài mở ống khóa rất nhanh, cả ống khóa chữ. Khi bị cái khiếu trời cho về khía cạnh quan sát, tìm hiểu, ức đoán, thúc đẩy tôi đọc truyện trinh thám Pháp, rồi nảy ra ý viết loại truyện này, thì tên nhân vật chánh đã sẵn sàng cho tôi. Kỳ là lạ, mà bạn tôi có tài lạ mở ống khóa. Phát, gợi ta nhớ đến phát minh, phát kiến, một cái gì đột ngột tung ra. Tưởng không còn tên nào xứng hơn là tên Kỳ-Phát.


      - Nhưng anh ấy có bằng lòng cho anh mượn tên không?

      Anh cười.

      - Chẳng những bằng lòng mà còn vui lòng nữa. Quảng cáo không công cho hiệu "Radio Kỳ-Phát" của anh ấy ở nay Hà-nội!

      - Và khi anh không cho Kỳ-Phát của anh bắn súng tài tình, phóng xe hơi chớp nhoáng, và biến những đô thị hiền lành của nước nhà thành một tiểu Paris hay một Chicago nhỏ, là anh có ý định gì?

      - Giản dị lắm, anh à. Đó là không muốn đi xa sự thực trước mắt. Cho người đọc tìm được mình. Các nhân vật của mình hễ động một cái là rút súng lục ra và tạo ra những cách giết người quá đỗi li kì, những cuộc đuổi bắt quá ư sôi nổi không khi nào xảy ra ở nước ta thời bấy giờ, cái thời mà sắm súng không phải là việc dễ. Tôi muốn người "anh hùng" của tôi không phải là bực phi thường, để người ta đứng ra mà phục; trái lại, tôi muốn người "anh hùng" ấy rất gần người thường, có khác phần nào là nhờ trí nhận xét, óc suy luận và tài chịu khó.


      - Còn đề tài, khung cảnh các nhân vật trong những truyện trinh thám của anh, anh đều tưởng tượng phần lớn?

      - Phần lớn lại do thực tế đem lại. Một cảnh trí quen thuộc thuở nhỏ, đôi người bạn có cá tính gặp lại tình cờ, những câu chuyện giữa bạn bè giúp tôi không ít. Có khi tên tác phẩm cũng do một kỉ niệm, một hình ảnh nào đó gợi nên.


      - Anh có định đeo đuổi theo con đường viết truyện trinh thám chớ?

      Anh gật đầu.

      - Tôi vẫn tìm đọc những quyển tiểu thuyết trinh thám có tiếng gần đây của Âu-Mĩ. Tôi thấy giờ các tác giả danh tiếng không còn theo phương pháp cổ điển nữa: một vụ trộm, một án mạng xảy ra, làm cho độc giả hết ngờ người này đến ngờ người kia là thủ phạm; rốt cuộc, thủ phạm là người chẳng ai ngờ!


      Giờ, thì họ cho ta biết ngay thủ phạm, nhưng tác giả hấp dẫn ta bằng cách tả tâm trạng của kẻ gây ra nông nỗi. Truyện trinh thám hay ngày nay không khiến ta coi ngấu nghiến để mau tới trang chót, mà khiến ta chậm rãi đọc lần tới kết".


      - Theo anh, muốn biết truyện trinh thám hay, phải có điều kiện gì?

      - Điều kiện chánh là phải hiểu cảnh và người mình định đưa ra. Tỉ như cho câu chuyện xảy ra trong giới cặn bã của xã hội, mà ta sống đời lên xe xuống ngựa, không gần gũi, chuyện trò với hạng ngủ gầm cầu, nằm xó chợ, thì làm sao mà tránh được phần giả tạo. Kế đó, là phải biết ít nhiều về chuyên môn của nhà thám tử: như xem dấu tay, lằn đạn chẳng hạn, để khi mình đưa ra nhận xét hay luận bàn về những môn này trong truyện, mình làm bạn đọc tin mình. Chớ mình nói vu vơ, không tin được.


      "À, anh còn nhớ lúc anh gặp tôi ở Hà-Nội, năm 46, đó là lúc tôi được mời giúp việc cho ti Công an thành. Tôi được dịp đi điều tra nhiều vụ án mạng, cướp trộm. Khoảng thời gian này giúp tôi nhiều, vì có lắm cái khám phá bất ngờ!. Nếu mình chỉ tưởng tượng trên giấy trắng thì ít khi mình tìm được những cái "gút" lạ lùng như đời sống cung cấp cho".

      - Còn như khi anh viết, anh có một lối nào chớ?

      - Tôi đi ngược, anh à. Tôi nghĩ phần kết trước, tôi cắm một cây trụ, rồi đi lần cho đến chỗ bắt đầu, tôi cắm một cây trụ, và khoảng giữa, những cây trụ nhỏ hơn đánh dấu những đoạn chánh nối liền các trụ ấy. Xong tôi xóa những con đường ấy, và khi viết, tôi đi từ trụ đầu đến trụ kế, cho đến trụ cuối cùng.


      - Quên hỏi anh câu quan trọng này. Lắm nhà phê bình không nhận tiểu thuyết trinh thám là một loại văn riêng biệt, cho đó là một ngành phụ thuộc, không được đứng chung hàng với tiểu thuyết ái tình, tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết tâm lí. Anh nghĩ sao?

      - Tôi nghĩ rằng các nhà phê bình ấy không thể quyết định. Vì có những người thích tiểu thuyết ái tình sẽ chê tiểu thuyết xã hội lôi thôi lộn xộn, cũng như ngược lại. Cũng có những người thích cả hai! Anh hay tôi có muốn đưa nó lên hay hạ nó xuống cũng chẳng được nào, tiểu thuyết trinh thám có bị coi là một thứ phù phiếm, giỡn chơi, hay được xem là một loại riêng biệt, là do giá trị thật cửa nó mà thôi.


      - Anh cho biết cái anh võ hiệp và cái anh trinh thám thế cũng đủ rồi. Giờ xin anh kể cho nghe một kỉ niệm về đời làm báo viết văn của anh...

      - Một kỉ niệm... li kì hay rùng rợn?

      - Một kỉ niệm cảm động.

      Giọng anh trở nên nhỏ nhỏ, đều đều:

      - Hai mươi năm về trước, khi trông nom tuần báo "Học sinh", tôi có được nhiều thư của các em ở khắp nước, xa có gần có, trai có gái có. Trong các em ở xa, tôi để ý một em gái, người Hậu-Giang, học ở Sài-Gòn, truờng "Collège de jeunes filles indigènes".

      - Tục kêu là trường Áo Tím.

      - Phải, lời thư thật thà, giọng thư quyến luyến. Thư đi thư lại, mối tình cảm càng ngày càng thắt chặt. Năm ấy tôi có việc cần vào Nam. Tôi dàn xếp để vào Sài-Gòn vào lúc nghỉ hè, để có thể gặp cô em ấy. Chẳng dè nghỉ hè ở Bắc sớm hơn nghỉ hè ở Nam. Mà cô em lại ở nội trú, chủ nhật có người nhà đến trường rước mới được ra. Tôi gửi thư cho hay tôi đã vào Nam, hiện ngụ ở... và mong được gặp em. Chủ nhật ấy, tôi chờ, mà chẳng thấy bóng.

      "Chủ nhật sau, tôi có việc phải đi Hóc-Môn; chiều về, người bạn ở nhà cho hay khi sáng có một cô nữ sinh, mặc áo tím đến tìm tôi. Nghe tôi đi xa Sài-Gòn, nữ sinh buồn ra mặt, đứng tần ngần, rồi cáo từ, chẳng nhắn lời gì, chẳng để lại chữ chi. Tôi nghe bạn thuật lại mà ngẩn ngơ, cảm như vừa để mất một cái gì rất quý báu mà rất mong manh, không bao giờ còn gặp lại. Rồi tôi phải trở về Bắc. Từ đó có thư đi mà chẳng có thư về".


      - À, tôi nhớ ra rồi. Chính anh có viết lại truyện này đăng trong báo Học- sinh, cho nàng cái tên là Hoàng Oanh thì phải.

      - Chính thế. Tôi mong cô em ấy hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, để chẳng hiểu lầm tôi.

      - Sao hiểu lầm anh được! Có thể chủ nhật trước, cô bị phạt ở lại, hay người nhà không ai rước.

      - Tôi thì lại nghĩ, thư vì một lẽ gì đó đến tay em trễ, thành ngày chủ nhật hẹn, với tôi là chủ nhật trước, với em lại là chủ nhật sau. Đến tìm tôi, chẳng gặp, em có thể cho tôi không giữ lời, buồn và lặng lẽ tuyệt giao.


      - Còn một câu hỏi chót, nhưng giờ thì không hỏi anh nữa!

      Anh nhìn tôi.

      - Định hỏi anh truyện trinh thám nào anh thích nhất. Giờ thì đã biết rồi.

      - Đó là?

      - "Bóng người áo tím".




      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      PHẠM THIÊN THƯ

      Đạo ca và Kinh ngọc


         Nhà thơ Phạm Thiên Thư

      Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh mồng một tháng gtêng, năm 1940 tại Kiến Xương, Thái Bình. Vào Nam năm 1955. Tốt nghiệp Đại học Vạn Hạnh ngành Phật học và Triết học Đông phương năm 1970. Dạy học - làm thơ - viết văn. Từng cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Quần Chúng, Vấn Đề, Văn, Quật Khởi, Hóa Đạo, Khởi Hành, Tư Tưởng...

      Bách Khoa: Đầu năm nay anh và Phạm-Duy đã cùng với nhau hoàn thành 10 bài Đạo ca: Vậy xin anh cho biết anh đã gặp và cộng tác với Phạm-Duy trong trường hợp nào?

      Phạm Thiên Thư: Khoảng cuối năm 1970, một bạn văn, Anh Lão- Tôn có ghé thăm và trở về viết một bài giới thiệu năm bản thảo thi-hóa kinh Phật của tôi trên tuần báo Đời. Do đó anh Nguyễn-Đức-Quỳnh, đang dưỡng bệnh tại bệnh viện Bình Dân, nhắn tôi cho anh mượn xem các bản thảo đó. Ghé thăm anh tại Bệnh viện, tôi mang theo hai tập bản thảo Kinh Ngọc (Kim Cương kinh) và Kinh Thơ (Pháp Cú kinh) cho anh. Trong câu chuyện, anh Quỳnh thích bài thơ Pháp-thân và bảo tôi chép cho anh, thế rồi Pháp- thân trở thành bài Đạo-ca I của anh Phạm-Duy. Tôi quen Phạm-Duy thực sự từ đó.


      Bách Khoa:Còn chín bài Đạo ca sau, anh cũng làm thơ từ trước hay sau khi gặp Phạm Duy anh mới làm tiếp?

      Phạm Thiên Thư: Anh Duy có mượn đọc hai bản thảo Kinh Ngọc và Kinh Thơ do anh Quỳnh trao lại. Nhưng vì tư tưởng cô đọng quá, anh Duy đề nghị tôi rút ra soạn thành mười bài, mỗi bài mỗi chủ-đề và ý-nghĩa khác nhau. Như vậy, chỉ có một bài thứ nhất là thơ đã có sẵn, còn tám bài sau tôi rút từ tinh tuý những bộ kinh Phật, bộ Đạo Đức kinh, Thánh kinh Cựu ước, và Nam-Hoa kinh, kể cả một số tư tưởng Kinh thi và Trung Dung của Khổng học, nhưng tư tưởng cốt tủy trong mười bài vẫn là Thiền Đạo và con đường Bát thức của Pháp Tướng Tông Phật giáo, dù vậy tất cả nội dung trên đều được nhìn bằng chiều kích riêng biệt của người Việt-Nam khiến trở thành ý-nghĩa và biểu-tượng thiết yếu cho đời sống cá nhân.


      Bách Khoa: 10 bản nhạc Đạo ca mà Phạm Duy đã sáng tác qua thơ của anh, anh ưng ý nhất bài nào, bà có những điểm nào anh chưa được thỏa mãn?

      Phạm Thiên Thư: Trong 10 bài, tôi ưng ý nhất bài số bảy - Qua Suối Mây Hồng, tiểu đề Vô Ngôn - nên đã chọn vào phần phụ hội cuối Kinh Ngọc bên cạnh những thi văn họa cảm đề tác phẩm. Ở những bài khác, có nhiều chữ tôi thích thì lại không hợp với khung nhạc, thành thử lại phải sửa đổi, và một vài đoạn cũng phải hy sinh luôn. Nhưng, tôi phải nhận ở con người đa diện, Anh Phạm Duy còn là một nhà thơ có trực cảm bén nhậy và nhiều ngôn ngữ rất đẹp... Dù nhiều đoạn anh phải lược, đôi câu anh phải thêm cho hợp với kỹ thuật hòa âm, và một vài chữ cũng phải thay thế, mà ý vẫn không bị thiếu, và chẳng khác gì nguyên tác. Tóm lại, qua mười bài Đạo ca, tôi vì "Tứ" mà phải hạn "Từ", anh Duy vì "âm" mà phải bớt "Tứ". Đó là cả một nỗ lực để hòa hợp tương xứng giữa lý tưởng - từ hoa - và âm điệu. Đôi lần chúng tôi gặp nhau, ngậm tẩu thuốc lắng nghe cuốn băng mới. Anh Duy cho biết cảm tưởng của anh khi mỗi khuya nằm nghe Đạo ca - dường như một người khác Phạm Duy làm - tôi cũng có trực giác như vậy về mình.


      Bách Khoa: Anh có thể cho biết tại sao anh đi tu không?

      Phạm Thiên Thư:Tôi có duyên với nhà Phật từ lâu thuở nhỏ, ở Trang trại Đá- Trắng, tôi thường theo mẹ tôi đi lễ chùa Côn Sơn, tục gọi là chùa Hun, thuộc tỉnh Hải-Dương, huyện Chí Linh, gần ấp Cổ Vịt, nơi nhà cách mạng Nguyễn Thái Học bị bắt. Chùa này dựng lên ngay lưng một ngọn núi cao chót vót, phủ đầy sương lam, giữa sân chùa có một tàng Ngọc Lan, hoa trắng rụng đầy một sân, khiến cho khách thập phương chỉ vừa tới con đường chân núi, đã thoáng thấy mùi hương thanh tịnh của hoa. Thời đó tôi mê Ngọc Lan hơn cả phẩm oản nếp lộc Phật. Một lần trở về, tôi khóc vòi mẹ cho tôi đi tu ở chùa Côn. Thế rồi, giấc mộng của chú bé lên bảy tuổi, vào tới miền Nam mới được thực hiện. Sau này, khi nhiên cứu về Triết lý Phật giáo, tôi càng thâm cảm hơn, nhất là tinh thần Bất Nhị, một cái nhìn về hiện hữu một cách toàn diện và mầu nhiệm khiến dễ dung hợp với tâm lý nghệ thuật của mình. Đó là vài lý do khiến tôi tìm được sinh thú trong cuộc sống tu hành.


      Về nguyện vọng mà tôi thiết tha nhất là thoát khỏi những phạm trù tư tưởng để ra đi như một cánh chim, ca hát giữa vòm trời của Không vòm trời, là một thái độ mà Thiền đạo, gọi là "giết Phật"(Phùng Phật sát Phật) để thực sự nhào đầu xuống dòng tâm linh giác ngộ. Lối sống và ước vọng đó khiến cho tôi không mấy thích hợp trong một vài hoàn cảnh hiện giờ. Nhưng thái độ chân chính của Phật tử là tin vào chính mình và giải hóa nỗi hư vọng trong chính mình để giải phóng tù ngục của hoàn cảnh; nên tôi vẫn yêu đời và cám ơn tất cả mọi khốn đốn.


      Bách Khoa: Tại sao anh có ý dịch kinh ra thơ?

      Phạm Thiên Thư: Tôi là người làm thơ rồi mới vào Thiền, nên cũng mang luôn cả cái lười và tính phóng túng vào nhà Phật. Thuở nhỏ, một thời tôi lại ở quê ngoại, làng Trung Mầu Bắc-Ninh, mà dân ở đây, nhất nhất đều dùng "vè" để diễn đạt.

      Cái tật lười cố hữu khiến tôi ngắc ngứ khi phải học thuộc những trang kinh nhật tụng và đôi cuốn luật khó nuốt khi mới nhập môn. Máu "vè" sẵn có, tôi nghĩ ngay đến việc chuyển cái ngắc ngứ trên thành văn vần cho dễ trôi.

      Hơn nữa, trong lòng những trang sách cũ kia, tôi bắt gặp cả một gia tài phong phú về tư tưởng lẫn hình ảnh mà tới bây giờ tôi mới có thì giờ nằm nghiền ngẫm kỹ hơn. Vả lại, ở cửa Phật, mà cứ ngâm nga cái ghế đá công viên, trăng treo đầu súng... hay cái món mầu tím mầu hồng... quẩn quanh vài trăm ngữ ngôn thời thượng, thì quả là chẳng mấy hợp cảnh hợp tình, thành thử tôi dò dẫm rồi thực hiện liền.


      Bách Khoa: Anh đưa tư tưởng Phật vào thơ từ bao giờ?

      Phạm Thiên Thư: Việc mang chất liệu nhà Phật vào thơ hay là rung cảm trước những hình ảnh và ngữ tố Phật học thì phải kể từ ngày tôi vừa theo học các khóa giảng kinh luận mỗi tuần tại chùa Xá-Lợi, năm 1959, 1960 gì đó, do các Thượng toạ Huyền Vi, Thiền Định... phụ trách. Một số thơ loại này tôi đã trích đăng trên tờ Thời Nay và các tạp chí nhà Phật thời đó. Việc thi-hóa kinh Phật chỉ được tích cực từ năm 1968 và hai năm sau, 1970, tôi thực hiện được năm tập bản thảo : Kinh Thơ (năm trăm bài ngũ ngôn). Kinh Ngọc (hai trăm bài ngũ ngôn), Kinh Hiền (mười hai ngàn câu lục bát) và hai tập Kinh Tâm, Kinh Diệu, đang làm dở, (mỗi tập cũng được chừng vài trăm bài ngũ ngôn).


      Bách Khoa: Xin anh vui lòng cho biết nội dung cuốn Kinh Ngọc vừa được xuất bản của anh?

      Phạm Thiên Thư: Kinh Ngọc là một tập thơ cảm hứng về bộ Kim-Cương Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Kinh của Đại Thừa Thiền Tông. Sở dĩ tôi chọn bộ này trong Kinh tạng nhà Phật để thi-hóa sau bộ Kinh Thơ (Pháp cú kinh) là một lý do mà phần nào do hoàn cảnh đưa lại - khiến tôi yêu mến mà cung kính 10 năm yên lặng, cô đơn hùng vĩ của Tổ Bồ-Đề, (bậc thầy đã xiển dương bộ kinh này tại Trung Hoa) sự trầm mặc cần thiết để đạp đổ mọi bế tắc của tôi lúc đó. Nên tôi liều lĩnh nhẩy vào một tư tưởng tối thượng mà chẳng sợ điên loạn như các hành giả khác của bộ kinh này. Tư tưởng Kim Cương như một trận đại cuồng phong thổi tung tất cả mọi chấp hữu sai biệt để đắc đạo, nhập vào dòng vô ngã, nghĩa là thể nhập cái Không (Đắc vô sở đắc).


      Bách Khoa: Anh hoàn thành Kinh Ngọc trong bao lâu?

      Phạm Thiên Thư: Thời gian để suy nghiệm và thấm nhập tư tưởng Kim Cương kinh thì bắt đầu ngay từ những ngày mới học Phật, vì tinh thần Kim Cương là tinh thần cốt tủy của Đạo Phật và là đầu mối nhất quán của tất cả mọi Kinh luận Đại thừa. Nhưng khi thi-hóa những tư tưởng này thì thời gian rất mau, không đầy hai buổi sáng là thực hiện xong bản thảo Kinh Ngọc.

      Trong khi sáng tác, tôi gặp rất nhiều trở ngại, nội việc nắm vững mạch nguồn chính của tư tưởng đã là một cái khó, vì văn mạch thường mâu thuẫn cùng tột, cốt để phá cái óc duy lý và dễ dãi của chúng sinh. Cái khó thứ hai là chuyển hẳn nền tảng lập cước của Kinh từ thuần trí sang thuần tâm, tức là nghệ thuật và biểu-tượng hóa những phạm trù tư tưởng cô đọng. Đó là sự khó khăn cuối cùng. Nhưng trong lúc hứng khởi, thì sự hội nhập giữa hình ảnh và tư tưởng cũng được thành tựu ngoài cả dự tưởng. Vì thế tác phẩm mang nặng tính cách phóng tác và sáng tạo hơn nên tôi bắt buộc phải dùng tên mới như Kinh Ngọc mà không dùng chính tên Kinh Kim Cương như nguyên bản.


      Bách Khoa: Trưng hợp nào anh cho ấn hành được cuốn Kinh Ngọc?

      Phạm Thiên Thư: Nói chung, từ khi sáng tác đến lúc đánh máy bản thảo và chờ đợi xuất bản là cả một sự chịu đựng và thiệt thòi. Những nhà xuất bản, sau khi đọc bản thảo, nhiều nhà đã nhận in, nhưng rồi bản thảo cứ để đó không biết bao giờ mới cho sắp chữ được. Sau cùng đợi chờ lâu quá đành lại phải rút bản thảo về nhà ngâm nga chơi vậy!


      Đầu năm nay, một bạn thơ, anh Nguyễn-Hữu-Nhật, là nhà thơ Động Đình-Hồ ghé thăm lần đầu, rồi rủ tôi đi thăm một số bạn văn nghệ; tôi được gặp và quen nhà văn Nguyễn-Thị-Vinh trong dịp này, nhân đó, hôm sau, tôi được tiếp đón bà Đức Minh, chị ruột nhà văn Nguyễn-Thị-Vinh. Bà Minh là một Phật tử rất quí thơ, và hết lòng trợ Đạo, Bà coi qua bản thảo rồi phát tâm xin ấn hành tất cả mấy bản thi-hóa Kinh Phật của tôi. Như vậy là Kinh Ngọc có dịp ra đời. Trong việc góp tay giúp đỡ cho Kinh Ngọc được hoàn hảo, phần lớn là công đức của nhà thơ Nguyễn-Hữu-Nhật: bạn Nhật đã bỏ ra hàng tuần để thực hiện cho phần nội dung cuốn kinh được sáng sủa và nhất là cái bìa một vẻ thẩm mỹ khả kính.


      Bách Khoa: Anh còn những tác phẩm nào đã hoàn thành hoặc đương viết dở dang, chưa xuất bản được?

      Phạm Thiên Thư: Ngoài những bản thảo về thơ, truyện, đoản văn... tôi chỉ kể đến những bộ kinh Phật mà tôi đã và đang thi hóa. Vì tôi làm theo hứng nên thứ tự lộn xộn, thích phần nào thì mang chuyển ngay, hết hứng thì lại quay sang bộ khác, Kinh Thơ (Pháp cú kinh) là bộ kinh gồm những lời Phật dạy về con đường giải thoát của Ngài. Bộ này gồm 423 câu, tôi thi-hóa thành 423 bài thơ ngũ ngôn. Một vài bài đã trích đăng trên tờ Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh. Kinh Hiền (Hiền ngu nhân duyên kinh) là những chuyện trích về tiền thân Phật và những vị thánh tăng, đệ tử của Ngài. Tôi sắp xếp lại cho đúng với tinh thần chủ yếu của Phật - vô thường, - vô ngã (giải thoát) và khổ (Tam Pháp Ấn). Có lẽ thời kết tập kinh này, các tổ chưa phối hợp một cách nhất quán, hoặc vì tam sao thất bản mà sai lạc chăng? Tôi nghĩ việc làm của tôi nặng về phần văn nghệ hơn là tính cách tôn giáo nên đã tự tiện đối chiếu với tinh thần chính Giải thoát, Trung Đạo, và Vô Tướng của Phật học mà thêm bớt vào, hơn nữa, một vài vị thánh triết, bồ tát Việt-Nam tôi cũng dựng thành một phần riêng trong Kinh Hiền. Việc làm này tôi cũng đã thỉnh ý và xin nhuận chính với quý Thượng toạ: Đức-Nhuận, Minh-Châu, Trí-Tịnh, Thanh-Kiểm và gần đây là Thượng toạ Huyền-Vi, ngài mới ở Ấn- Độ về thăm. Ngoài ra tập bản thảo này cũng được quý đạo hữu Nguyễn- Đức-Huỳnh và Tam-Ích đã bỏ công đọc và chỉ bảo nhiều điều sơ sót. Toàn bộ Kinh Hiền, tôi diễn tả bằng thơ lục bát, tất cả được mười hai ngàn câu là bộ kinh mà tôi dầy công nhất.

      Còn các bộ Kinh Tâm (Thủ Lăng Nghiêm), Kinh Diệu (Diệu Pháp Liên Hoa) tôi cũng còn đang tiếp tục viết.


      Bách Khoa:Nghe nói anh còn soạn một cuốn tục Kiều lấy tên là "Đoạn Trường Vô Thanh", vậy cuốn này như thế nào?

      Phạm Thiên Thư: Về cuốn tục Kiều: "Đoạn Trường Vô Thanh", là một ý định mà tôi ôm ấp từ lâu. Phần vì tôn kính thiên tài Tố Như mà tôi mạo muội muốn khóc người một tiếng (Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ thùy nhân khấp Tố-Như). Nhưng dù cảm thương mà chẳng gạn được giọt nước mắt, nên đành dùng cái Vô Thanh mà dứt nỗi Đoạn truờng, nguyện làm sa mạc chung quanh cho ngọn Hồng Lĩnh thêm cao.

      Tuy tôi đã làm được 120 câu lục bát nhưng chưa biết có thực hiện được ý định của mình không, nên cũng không dám nói trước điều gì về một tác phẩm chưa thành hình cả.




      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      NGUYỄN MẠNH CÔN


         Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn
      (1920 - 1979)

      Sanh ngày 7 tháng 4 năm Canh thân (l5-3-1920).

      Từng làm chủ nhà in (1940), sĩ quan trong một bộ Tham mưu lục quân Nhật (l942-43), đại biểu đoàn thể (Cách mạng hải ngoại) trong Quốc hội 1945, dân quân du kích xã (1948-49), nhân viên trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (1949-50), giáo sư tư thục (1953-54), thiếu úy (đồng hóa) quân đội Việt Nam Cộng Hòa (1956-59), hiện giờ giúp đài Phát thanh quốc gia và viết báo.

      Cộng tác với báo Đông Pháp (1939), chủ bút tuần báo Thông tin (1944), quản lí báo Thống Nhất (1945), chủ nhiệm báo Phục Quốc (1946), chủ nhiệm nhật báo Tin Tức (1954), sáng lập báo Chỉ Đạo (1956) và làm chủ bút báo này một dạo (1961), chủ bút báo Văn Hữu (1959).

      Đã xuất bản: Việt Minh, ngươi đi đâu? (1956), Chống Mác-Xít (1957), Đem tâm tình viết lịch sử (1957, kí Nguyễn Kiên Trung), Kỳ Hoa-Tử (truyện, 1960), Truyện ba người lính nhảy dù lâm nạn (truyện, 1960).

      Tôi đến thăm anh vì nghe tin anh bất thình lình bị đau. Trong căn phòng tối mờ mờ, hai con mắt tôi ở ngoài nắng mới vào chỉ nhận thấy một ngọn lửa ở giữa đi-văng, và, phía sau ngọn lửa, một bóng người quàng chăn mỏng, ngồi dựa lưng vào tường. Tôi bắt tay, hỏi thăm, hai bàn tay lành lạnh mà dâm dấp mồ hôi.


      Có lẽ đoán được ý tôi muốn hỏi về bệnh trạng của anh, anh để nở một nụ cười mệt nhọc:


      - Phải gió, anh ạ! Phải gió thì rất thường nhưng "surmenage" (lao lực quá độ) kéo dài lâu quá đến lúc quị thì kích-thích-tố tiêm vào người như nước lã.

      Nghỉ một chút anh nói tiếp:


      - Bọn chúng mình viết bài ăn tiền, không cố gắng, không đúng hẹn, không đủ sống. Mà cố gắng mấy hôm nay tôi tự nhiên thấy sợ tương lai, thấy mình già hẳn đi, mệt mỏi, lo lắng không biết sau này hết khả năng lao động rồi thì kiếm sống bằng cách nào!


      Nghe anh nói mà buồn. Nhưng tôi lại nhớ đến một vài ý kiến gần đây thường cho anh thuộc loại nhà văn được "chiêu đãi", tôi muốn nhắc đến điều đó, nhưng nghĩ anh đương mệt nên lại thôi. Nhưng sau cùng, chúng tôi cũng thông cảm được với nhau: chủ nhân thỏa thuận với tôi, bằng lòng trả lời bất cứ câu hỏi nào của tôi, về đời riêng cũng như về lập truờng văn nghệ. Theo ý anh, sự ao ước thứ nhất của con người cầm bút là được đi vào văn học sử, mà đã đi vào được văn học sử thì không còn cá nhân riêng tư, bởi vì một thái độ quan trọng của một người có thể do một hoàn cảnh tâm lý rất tế nhị tạo ra, nếu người đó giữ kín thì về sau không ai có thể biết và những nhà nghiên cứu văn học về sau sẽ hiểu lầm hết cả.


      Vậy đồng ý không có chuyện giữ bí mật, kể cả về gia đình, về tiền bạc, về tính tốt cũng như tính xấu của người ngồi đối diện với tôi. Trừ trường hợp bí mật liên hệ đến người khác, mà người đó muốn giữ. Kể ra thì hoàn cảnh cũng có phần nào đặc biệt thật. Tôi thấy cần phải mở cho anh một con đường rút lui, bằng cách hỏi thẳng anh:


      - Ý kiến mà anh nói đây là ý kiến anh vẫn có từ lâu, hay anh chỉ mới có nó được ít bữa.

      - Xin anh yên tâm, nó không phải là sản phẩm của bệnh hoạn đâu. Tôi có quan niệm này từ lâu rồi, nhưng không ai hỏi, thì không nói ra đấy thôi.


      Tôi được biết như vậy rồi, bèn trở lại ngay vấn đề "kiếm sống" của anh.

      Tôi hỏi:

      - Tôi nghe mấy anh em nói anh hiện thuộc vào hạn kiếm được nhiều tiền nhất. Hình như mỗi tháng hai ba chục ngàn, có phải không?

      Anh trả lời không nghĩ:

      - Đâu có anh! Có lẽ mấy anh bạn tôi gộp số tiền tôi lĩnh hàng tháng năm ngoái vào số tiền hiện tôi kiếm được hàng tháng bây giờ.


      - Sao lại có sự khác biệt như vậy?

      - Vì năm ngoái tôi được một cơ quan nghiên cứu chính trị và xã hội trợ cấp cho mỗi tháng 10 ngàn để viết văn chống Cộng, nhưng cơ quan này không phải là một tờ báo, nên 10 ngàn thật ra là cho không. Tôi lĩnh được một năm, thấy mình sắp sửa đâm lười biếng, vội xin thôi ngay. Tôi bỏ trợ cấp, đi làm cho "Sài-Gòn Mai" được 15 ngày, rồi được làm tờ Chỉ Đạo, lương tháng 8 ngàn, viết giúp Ngôn Luận, tính tiền bài, và Văn nghệ Tiền phong tính tháng, cộng tháng nào đủ 3 bài cho Ngôn Luận thì được 8 ngàn nữa. Như thế được 10 tháng, rồi không làm Chỉ Đạo nữa, tôi viết cho đài Phát thanh Sài-Gòn, cộng chung mỗi tháng muốn kiếm được độ 12 ngàn đồng, tôi phải viết 50 ngàn chữ, tức là khoảng 130 tờ đánh máy, giá trung bình 4 chữ được 1 đồng. Nhưng cái khó, khó hơn cả viết ra, là nghĩ làm sao cho có từ 15 đến 20 đề tài mà viết.


      Tôi hỏi:

      - Anh nói đề tài ở đây, có phải đề tài chính trị không?

      - Không nhất định, anh ạ. Đài Sài-Gòn thì luôn luôn đòi bài tố Cộng, V.N.T.P. thì đúc kết tin tức "Bẩy ngày đêm tính quẩn chuyện đời", còn Ngôn Luận thì lại muốn tôi viết về xã hội, tâm lý hơn về chính trị. Nói tóm lại, là bình luận.


      Tôi hỏi tại sao anh không viết bài bình luận hoặc sáng tác văn nghệ.

      Anh cho biết:

      - Bình luận văn nghệ thì không có chỗ đăng. Sáng tác thì không làm được vì tôi viết loại này khó khăn lắm. Có khi băn khoăn cả tháng không viết được một bài.


      Tôi nhắc lại, gần đây anh viết trong tờ Tin Sách. Bài "Tâm sự tác giả", có lẽ anh viết thuần theo tưởng tượng mà cũng theo anh, anh có sức tưởng tượng phong phú lắm. Anh giải thích:


      - Vâng thưa anh, tôi có cảm giác rằng khả năng tưởng tượng của tôi có phong phú thật, bởi đôi khi nó làm cho tôi quên hắn được thực tại. Nhưng tưởng tượng không, không đủ. Hay nói cho đúng là, đối với tôi trong lúc này, chưa đủ. Vì tôi còn mang một nhược điểm rất nặng là luôn luôn muốn viết truyện có luận đề. Có lẽ thằng người luân lý trong tâm hồn tôi lúc nào cũng phẫn nộ vì thái độ hèn hạ của kẻ này, vì hiếu lầm dại dột của kẻ khác, nên vẫn chưa thoát khỏi cái tư tưởng "thầy đời" rất thông thường trong những con người còn bị quá khứ của nó ám ảnh. Tôi tự thấy mình còn kém xa các nhà văn Tây phương là những người có thể hiện thực cái tốt cũng như cái xấu ở đời một cách hoàn toàn khách quan, như André Gide, Steinbeck chả hạn.


      - Anh cho nhà văn nên có thái độ khách quan đối với đời sống hay sao?

      - Vâng, hiện nay thì tôi nghĩ như vậy, có lẽ vì tôi hoàn toàn viết theo chủ quan nên kính phục thái độ khách quan, mà tôi cho là có khả năng nhìn rõ vào đời sống xã hội hơn. Nhưng rất có thể có thời gian nào đó, tôi cố gắng tiến tới được thái độ khách quan, chắc lúc đó lại ngưỡng mộ những ngòi bút chủ quan có sự thành khẩn, sự tha thiết với đời sống. Nói tóm lại, có lẽ là "đứng núi nọ tưởng núi kia là cuối" đó thôi!


      Tôi nhắc lại bài tựa cuốn Kỳ-Hoa-Tử, trong đó anh viết rằng anh viết truyện là viết theo chỉ thị cấp trên, và hỏi:

      - Như thế anh viết cho anh, cho xã hội, hay cho ai?

      - Sự thật, tôi đã nói rồi, là tôi say mê lắm mà không dám nghĩ mình có thể viết truyện ngắn, truyện dài gì được. Chắc anh còn nhớ, vào hồi 1940-1945, chỉ có viết truyện mới được gọi là nhà văn, hai chữ "nhà văn" đẹp gấp nghìn vạn lần tấm Bắc Đẩu bội tinh, cho nên bọn người có học, ai cũng ham. Cũng bởi thế, những người viết xã thuyết, bình luận chỉ được gọi là "nhà báo", hay cao hơn nữa, là "học giả": hai chữ học giả cũng đã kêu lắm, nhưng vẫn chưa bằng nhà văn. Tôi từ nhỏ, vẫn được các bậc cha chú cho là có khiếu "chính trị", cho nên đến lúc ra đời, tôi viết và làm chính trị với một tinh thần chủ quan khá hỗn xược và kiêu ngạo, cả sau khi bị bắt mấy lần rồi vẫn thế. Nhưng về văn nghệ - ở đây là viết truyện - có lần tôi viết một truyện ngắn dài hai cột, đăng trên tờ báo do tôi làm chủ bút, mà đến khi cắt bài này đem đến "thỉnh thị" anh Nguyễn Tuân, thì anh Tuân ngồi uống xong bữa rượu có 3 tiếng đồng hồ không nói câu nào, mà tôi thì buồn đi tiểu đến chết được mà vẫn không dám đứng lên, sợ đứng lên giữa lúc anh định cho biết ý kiến.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      - Ý kiến anh Tuân thế nào?

      Sau cùng, tan bữa rượu, tôi phải về, cố thu hết can đảm hỏi anh một lần nữa, anh mới chợt nhớ ra, đem tờ báo ra xem lướt thật nhanh, rồi nói: - "Ừ, cũng có tâm sự đấy chứ!"

      - Anh có giận anh Tuân không

      - Thú thật với anh là có giận, và buồn, điếng cả người.

      - Sau đó, anh nghỉ không viết nữa phải không

      - Vâng, tôi nghỉ luôn cho đến cuối năm 1956, tôi bắt đầu viết những truyện mới được in gần gây. Đó là trường hợp viết do chỉ thị cấp trên mà anh vừa nói đến vừa rồi.


      Đến đây, tôi chợt thấy tôi có cơ hội để đặt một câu hỏi mà, xưa nay, rất ít người trả lời thành thật. Tôi hỏi:

      - Trong thời gian nghỉ sáng tác hơn 10 năm, anh có lần nào thấy được thèm khát được viết không? Nói cho rõ hơn, là tôi xin anh cho các bạn đọc của B.K. biết anh có thấy công việc sáng tác văn nghệ là cần thiết cho đời sống của anh không? Và, nếu có, xin anh cho biết vì lòng yêu nghệ thuật hay vì lẽ gì?

      Anh cười:

      - Tôi sẽ trả lời "tôi không thể sống không sáng tác", anh sẽ nghĩ trong bụng rằng tôi nói dối, nhưng vì lẽ này lẽ khác, anh sẽ không nỡ nói ra. Anh sẽ viết lại câu nói của tôi, để cho một vài bạn đọc mũi lòng thương con người "bạc đầu vì văn nghệ". Như thế sẽ có lợi cho tôi, phải không anh?


      "Nhưng bây giờ tôi xin trả lời anh:

      - "Tôi chẳng hề thấy cần phải sáng tác vì yêu văn nghệ. Trừ một trường hợp là, trong mấy năm gần đây, đã thỉnh thoảng được khen tặng đôi câu rồi, thì có vài lần chợt có một cốt truyện thích thú đặc biệt, tôi quả có ý nóng ruột muốn viết ra, đăng trên báo cho nhanh chóng, để được khen nữa. Nói tóm lại, tôi viết vì nhu cầu (về chính trị, về kiếm sống) bà viết để được có danh tiếng".

      Tôi hỏi;

      - Còn trường hợp anh bị phê bình, anh có nóng lòng trả lời không?

      - Có chứ, nóng ghê lắm.


      Tôi yêu cầu anh cho biết một ví dụ. Anh nói:

      - Như vụ tôi bị buộc, trong một bài đọc sách, là có tư tưởng chủ bại. Tác giả bài đó lại không nói thẳng, mà chỉ gián tiếp nhắc đến đời tư của tôi. Tôi cho làm như thế là sai về tư tưởng, thấp về tâm hồn, nên tôi hết sức nóng nẩy, muốn trả lời một cách thật mạnh.


      "Tôi nhớ có đọc bài trả lời này trong tờ Chỉ-Đạo, dưới hình thức một bức thư gửi cho ban Giám đốc tờ báo. Bức thư có vẻ bình tĩnh, không đến nỗi nóng nẩy lắm".

      Anh giải thích một cách thành khẩn:

      - Tôi nói nóng nẩy là sự nóng nẩy trong tâm hồn tôi. Vì nóng nẩy nên sinh ra độc ác, tôi viết bức thư ngỏ đó, ngoài sự tự bênh vực, còn có dụng ý đề cao và, do đó làm cho ban Giám đốc xấu hổ vì thái độ bất chính của người viết bài đọc sách.


      Tôi hỏi:

      - Nghe nói sau vụ đó, tác giả bài đọc sách kia đã phải nghỉ việc ở tòa báo ấy có phải không anh? Anh có lấy thế làm hài lòng không?

      - Không, tôi không dám theo dõi vụ đó, vì bài tôi đăng lên báo rồi, tôi thấy mình hèn quá, nên cố quên.

      - Sao anh lại nghĩ anh hèn? Tôi tưởng anh có thể cho anh là anh có quyền trả lời, còn câu chuyện nội bộ của tờ báo kia, anh làm thế nào mà đoán trước được?

      - Không đoán được, nhưng muốn cho nó xẩy ra, hành động cho nó xẩy ra. Có lẽ tôi có thể cãi rằng bức thư của tôi chỉ nói lên sự thật và lẽ phải. Nhưng nguy nhất là tôi biết trong thâm tâm tôi có ý mong muốn cho người viết bài phải mất việc. Riêng cái ý muốn cho địch thủ bị thiệt hại đã là tồi lắm, tôi lại còn nghĩ mình hơn tuổi - do đó, hơn kinh nghiệm, thủ đoạn v.v... mà dùng thủ đoạn như thế để hại người ít hơn mình lối 20 tuổi, thì quả là hèn quá! Tôi tiếc nhất là không thể xin lỗi tác giả như hồi trước xin lỗi Thế Phong.

      - Tại sao không thể xin lỗi?

      - Vì tác giả cũng có lỗi về tinh thần.


      Tôi nhân thấy anh nói "hồi trước xin lỗi", bèn hỏi anh có thể thuật lại việc đó hay không? Anh cho biết:

      - Hồi đó tôi mới đến làm chủ bút tờ Văn-Hữu, tờ nguyệt san này lại mới chỉ sắp ra số 2. Mọi sự giao dịch giữa ông chủ nhiệm và tôi đều tốt đẹp. Đến một buổi tối, ông đến chơi nhà tôi, nói chuyện công việc một lúc rồi ông nhắc đến cuốn sách của Hoàng Trọng Miên, và cho tôi biết trong tờ V.H.A.C. có bài buộc H.T.M. và ngỏ ý yêu cầu tôi bênh vực họ Hoàng. Tôi nhận lời, hoàn toàn tin vào một là quyền hạn, hai là sự ngay thật của anh chủ nhiệm. Sự sơ xuất của tôi nặng nề nhất là tôi không biết cả rằng cuốn sách của H.T.M. chính là do cơ quan ấn hành tờ Văn-Hữu giúp vốn in. Tôi chỉ vùi đầu vào đọc có bài của Thế-PhonG (ký là Đ.B.B. mà, lúc đó tôi cũng không hỏi cho biết là ai) và cuốn sách của H.T.M. Thế rồi tôi viết bài bênh H.T.M. và tấn công Thế-Phong. Bởi đúng như tôi đã viết trong bài của tôi lúc đó, tôi không có cuốn sách cửa Nguyễn-Đổng-Chi, nhưng tôi bênh vực H.T.M. bởi vì bài công kích H.T.M. viết kém quá. Tôi cứ suy lối viết văn mà đoán tác giả còn đi học, và luôn dùng chữ "em" để chỉ, mặc dầu tôi không có ác ý, mà đọc lên thì rõ ràng là có ác ý. Bài của tôi đăng lên báo rồi tôi mới biết một là tác giả là người, dù còn trẻ, dù mới viết, vẫn có thể gọi là đồng nghiệp với tôi, hai là cuốn sách của H.T.M. quả có giống cuốn sách của Nguyễn-Đổng-Chi, đủ giống để gọi được là đạo văn. Tôi biết thế rồi thì ân hận lắm, và sau đó, tôi đã đi với Đỗ-Tốn - tác giả Hoa Vông Vang - đến gặp và xin lỗi Thế-Phong ở nhà hàng Thiên-Thai.


      - Xin lỗi một bạn trẻ hơn nhiều như thế, anh có lấy làm hổ thẹn không?

      Anh trả lời:

      - Tôi nghĩ mình có lỗi, mình xin lỗi xong thì nhẹ hẳn tâm hồn đi, chứ sao lại hổ thẹn. Tôi cho rằng chỉ đáng hổ thẹn nếu mình có lỗi, mình cứ cãi bừa đi, nhưng rút cuộc vẫn bị người đời biết rằng lỗi ở mình.

      - Ví dụ?

      - Vâng, tôi có đến gặp người giữ mục đó. Tôi trách anh ta sao lại cho đăng những sự kiện trái hẳn với sự thật, có thể có hại cho tôi. Anh có biết anh bạn ấy trả lời thế nào không?

      - Anh ấy bảo tôi - đúng nguyên văn - rằng: "Cậu mà cũng để ý đến loại tác giả những bài lăng nhăng ấy hay sao? Mình bí quá, đăng bừa đi. Bọn mình đã ngồi xổm lên dư luận rồi còn cần gì bọn chúng!"

      Tôi giật mình, bật ra câu hỏi vô ý:

      - Ai? Ai thế?

      Anh không chịu trả lời, viện lẽ tên người đệ tam thuộc quyền họ, được giữ bí mật, anh không có quyền tiết lộ.


      Tôi nhận thấy anh đã tỏ dấu mệt nhọc. Anh phải cắt một câu thành nhiều đoạn ngắn để nghỉ. Tôi liếc nhanh vào cổ tay: từ lúc tôi đến, đến bây giờ đã qua hai tiếng đồng hồ. Trước khi đứng lên, tôi nói đùa anh:

      - Thế mà bảo là thành thật! Anh bảo anh không yêu văn nghệ, chỉ viết vì nhu cầu, vì tiếng khen thôi, mà mệt lử người rồi còn cố nói mãi!

      Anh chớp mau đôi mắt:

      - Sự thật thì "được tiếng khen, ho hen chẳng còn", người đời tranh nhau một tiếng khen, đến chết cũng còn dám, nữa là mệt lử mà thôi hay sao?




      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      NGUYỄN THỊ VINH


            Nhà văn Nguyễn Thị Vinh

      Sanh năm 1924 tại Hà Đông (Bắc Việt).

      Tác phẩm đầu tay là tập truyện ngắn, trong đó có nhiều truyện viết hồi ở Hồng Kông (1948-1952). Khi về nước có viết cho báo Tân Sánh (1953), Việt Thanh (1953), Mới (1953-54).

      Cộng tác với các giai phẩm "Văn hóa Ngày Nay" của Nhất Linh (1958); cùng chồng (Bảo Sơn) chủ trương giai phẩm "Tân Phong" (1959).

      Đã xuất bản: Hai chị em (truyện ngắn, 1953), Thương yêu (truyện dài, 1954), Xóm nghèo (truyện ngắn, 1958), Men chiều (truyện ngắn, 1960).

      Lần đầu, tôi gặp chị đang lo giải quyết những vấn đề tuy lặt vặt mà gấp rút của một nhà in.

      - Anh thấy đó, còn đầu óc đâu mà nghĩ đến việc trả lời cuộc phỏng vấn do anh phụ trách, tuy đã được anh nhắc đến ba lần.

      Rồi chị mỉm cười:

      Thôi anh "tha" cho tôi chuyến này vậy. Vả lại, tôi đã thúc Linh Bảo trả lời cho anh, Linh Bảo đã góp ý rồi thì như thế cũng được. Không có chị thì đã có em.


      - Nhưng mà Linh Bảo đâu phải là Nguyễn thị Vinh. Mỗi người mỗi vẻ, nên thiếu một người, thì mười phần chỉ vẹn có năm. Chị em phụ nữ chuyên cầm bút như chị đếm được trên đầu ngón tay. Chị cố giùm cho nhé.

      Lần thứ nhì, chị bịnh phải nằm dài trên thế xích đu tiếp tôi. Nên cuộc phỏng vấn cũng không thành.

      Lần thứ ba, thì được chị tiếp, không phải ở nhà in đường Gia Long như hai lần trước, mà ở nơi ngụ mới, đường Nhuyễn An Ninh. Nhìn thấy mấy cô thợ may đang đạp bàn máy, tôi hỏi ngay chị.

      - Viết văn, làm báo, điều khiển nhà in, nhà xuất bản, chưa đủ sao, mà chị còn thêm nghề may nữa?

      Chị cười nhẹ:

      - Không phải của chúng tôi đâu anh. Nay trong người có phần khỏe, có thể trả nợ anh phần nào đây.

      Chị trông vui vẻ, da mặt hồng hào, bịnh xưa dường như vắng mặt.

      Và cuộc phỏng vấn mới bắt đầu.


      - Chị có thấy rằng phụ nữ mà đi vào con đường văn nghệ là thế nào cũng gặp khó khăn và thiệt thòi không ít thì nhìều? Nhất là khi mình xinh, đẹp?

      Chị cười.

      - Chung thì chẳng biết sao, chớ riêng tôi, tôi được nhà tôi khuyến khích, nên tôi chẳng thấy có gì là khó khăn. Còn câu thứ hai, tôi chẳng biết trả lời sao. À; sao anh không tìm những cô còn trẻ, xinh đẹp mà hỏi, có phải anh sẽ được những ý kiến xác đáng không?


      Tôi đang ngẫm nghĩ xem nên để tác giả "Thương yêu" vào hạng các nữ sĩ trẻ hay già, xinh hay xấu, thì chị đã hỏi:

      - Tại sao anh hỏi câu ấy?

      - Vì anh em râu mày chúng tôi thường bảo: Phụ nữ viết văn mà đẹp, mà xinh thì người đồng phái càng có cớ để mà chê, còn người khác phái lại càng có lí do để mà khen. Tóm lại, khó mà biết được sự thật.

      Chị lại tủm tỉm:

      - May thay, đó chẳng phải là trường hợp cửa tôi. Mời anh xơi nước.


      Tôi cầm tách nước, hỏi người nữ chủ nhân duyên dáng trước khi uống:

      - Có nhà phê bình cho rằng các tác phẩm của chị như một cái nhà đồ đạc lơ thơ, ở giữa một khu vườn cây cối lưa thưa. Chị thấy thế nào?

      - Tôi chẳng thấy thế nào cả. Tác phẩm ra đời, được anh chị em nói đến, là quí lắm rồi. Còn như được khen hay bị chê, đúng thì mình theo, mình sửa; không đúng thì thôi. Vả lại, bản chất mình là cơn gió mát, là con suối nhỏ, mà anh chị em muốn mình là giông là tố, là sông dài, là biển rộng, cũng chẳng được nào. Huống chi mỗi thứ đều có cái đẹp của nó.

      Và má chị lại lúm hai đồng tiền khả ái.


      - Chị công việc bề bộn, chắc chị viết về đêm?

      - Quả tôi có thói quen viết về đêm, dầu cho ban ngày có rảnh rang đi nữa. Ngoài cái ban đêm vắng lặng, dễ làm bạn với bút giấy, tôi còn có cái tật: ban ngày, thích làm việc nhà, không có cũng bày ra, ngồi lâu ở bàn viết không được. Đó là nói lúc bình thường, chớ một năm nay, tôi không viết lách gì được. Lắm lúc cũng muốn góp với anh em chút gì, nhưng được vài trang, để đó, sau rảnh, xem lại để viết tiếp; thấy đoạn đã viết nó "như thế nào ấy", buồn tình, để nó dở dang.


      - Đề tài, chị tìm chắc không khó mấy?

      - Cũng tùy khi. Phần lớn là do những điều nghe thấy xa, gần. Còn nhớ lúc ở Hà Nội, tôi chứng kiến một xe nhà binh đụng nhẹ một người bộ hành. Lỗi phải chưa biết về ai, nhưng mấy ông lính đã sừng sộ, bắt nạt người bị nạn. Tôi về, viết ngay chuyện ấy. Tự nhiên tôi tưởng tượng thêm gia đình, hoàn cảnh người bộ hành kia.


      - Dường như chị bắt đầu viết khi chị dạy giúp các lớp Truyền bá Quốc ngữ; nếu thế, thì chị viết vì người trước.

      - Lâu quá, tôi cũng không nhớ rõ, anh cứ xem lại các tác phẩm của tôi, thì cũng biết được tôi viết vì ai.

      Chị trả lời thế, vô tình đã chận đứng câu hỏi tiếp theo: chị viết cho bây giờ hay cho mai sau. Giữa lúc ấy, một người chạy giấy đến đưa chị một xấp ấn cảo để xin chữ ký cho chạy. Chị xin lỗi tôi để tiếp người giúp việc; tôi cũng xin lỗi đã quấy rầy chị đến ba lần.




      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      TCHYA (*)


            Nhà văn TCHYA
            (Tạ Tỵ vẽ)

      Tên thật: Đái Đức Tuấn.

      Sanh năm 1908 tại Ngọc-Giáp, tỉnh Thanh-Hóa (Trung Việt).

      Từ 1932, chuyên về soạn tiểu thuyết dã sử, thần bí, làm thơ, nghiên cứu về học thuật. Cộng tác với Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san. Năm 1946, sang Tàu dạy Sinh ngữ và Triết học ở trường Côn Minh (Vân-Nam).

      Năm 1946, về Hà-Nội, chủ trương nhật báo "Công Tội".

      Năm 1951, dạy trường trung học Khải-Định. Vào quân đội từ 1952 đến 1955.

      Từ 1957, chuyên viết báo và dạy học.

      Mùa Thu năm 1957, được cử làm đại biểu chính thức các nhà văn Việt- Nam dự đại hội Văn Bút quốc tế khóa XXIX ở Đông Kinh (Nhật-bổn).

      Mùa Thu năm 1959, được cử làm đại diện chính thức các thi gia Việt dự đại hội Thi Văn quốc tế khóa IV ở Kokke-le-Zoute (Bỉ).

      Gần nay, cộng tác với nhật báo "Tự Do", rồi "Cách Mạng Quốc Gia" với bút hiệu Mai-Nguyệt.

      Hiện tòng sự tại bộ Đặc nhiệm Văn hóa và Xã hội.

      Đã xuất bản (trước 1945): Thần Hổ, Linh hồn hay xác thịt. Ai hát giữa rừng khuya, Kho vàng Sầm-Sơn, Đồng tiền Vạn-Lịch; Đầy vơi (thơ, 1940).

      I.- Sáng tác để làm gì? Để cho mình hay cho thiên hạ? Để cho bây ợiờ hay cho mai sau?

      Tôi sáng tác vì cảm thấy nhu cầu cần sáng tác, không có ý định cho mình hay cho thiên hạ, cũng không có cao vọng hay tham vọng gì cả. Các thi văn sĩ ngày xưa sáng tác xong rồi đốt luôn bản thảo. Tôi không được như văn hào thi bá ngày xưa, sáng tác rồi thì cũng giữ tác phẩm văn nghệ mà chơi, tuyệt nhiên không có dục vọng dùng tác phẩm đó làm một lợi khí bất luận về phương diện nào.

      Nói một cách rõ ràng hơn, thì tôi là một nhà văn có quan niệm "Nghệ thuật vì nghệ thuật"


      II.- Sáng tác theo một đường lối hay tùy hứng?

      Cố nhiên đã là một nhà văn kiểu Bồ-Tùng-Linh: Nói láo mà chơi, nghe láo chơi. Tôi là một kẻ sáng tác tự do và tùy hứng, không chịu bó buộc mình vào một đường lối nào cả, dù là một đường lối triết lý.


      III.- Những gì đã xảy ra trong tâm trí và trên trang giấy của tác giả từ khi thai nghén đề tài tới khi tác phẩm thành hình?

      Về phương diện văn chương, tôi ngẫu nhiên mà viết nên không bao giờ có sự thai nghén đề tài cả. Các đề tài đều là tự nhiên mà đến rồi khoảnh khắc mà thành hình. Bởi vậy bản thảo của tôi không mấy khi được sửa chữa cả. Văn chương tự đáy tâm hồn mà vụt ra ngoài, bất luận hay hay dở.


      IV.- Kinh nghiệm sống và sáng tác thích nhất?

      Cuộc đời là văn chương là nghệ thuật nên khi sống cuộc đời đúng như bản chất của mình, tôi không cảm thấy nhu cầu cần sáng tác nữa. Công trình sáng tác mà tôi ưa thích nhất là Thơ. Sau thơ, tôi thích nhất là môn "siêu hình học", nhất là vấn đề Kinh Dịch mà tôi nghiên cứu đã hơn 20 năm nay, và tự thấy lúc nào cũng mê mãi. Kinh Dịch cũng là một bài thơ bất hủ, nhưng đó cũng là một bài thơ mênh mông bát ngát bao quát cả không gian và thời gian. Tài mọn thi văn của tôi, với Kinh Dịch chỉ là một hòn cát bụi, như kiểu "I'infiniment petit" cửa văn sĩ Pháp Blaise Pascal.


      (l) Biệt hiệu này, người ta thường hiểu là: "Tôi chẳng yêu ai" viết tắt. Thật ra - theo người khai sanh ra nó - là: "Tôi chỉ yêu A" (A là chữ đầu tên người yêu của Đái-Đức-Tuấn) nên khi viết chữ thường thì chữ A, tác giả "Đầy vơi" viết hoa: TchyA (lời chú của người phụ trách cuộc phỏng vấn).




      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      TRỌNG LANG


           

      Nhà văn Trọng Lang
          (Tạ Tỵ vẽ)

      Tên thật: Trần Tán Cửu.

      Sinh ngày 10-2-1906 tại làng Do-Lễ, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (Bắc Việt).

      Đã cộng tác với các báo: Thực Nghiệp (1925) Đông Phương (1930), Phong hóa và Ngày nay (1935), Chủ bút Bắc-kỳ thể thao (1932), chủ nhiệm Thông tin (1943), Ngày mới (1947), Thời đại (1948), Vì nước (1949).

      Hiện chủ trương tuần báo trào phúng "Cười-cười". Chuyên viết phóng sự.

      Đã đăng báo: Trong làng chạy (1935), Đời bí mật của sư vãi (1934), Gà chọi (1935), Đồng Bóng (1935), Sau mặt nạ (1943), Thi vị đồng ruộng (1944), Đói (1945), Sống sót (1945), Tản Cư (1947), Đây, Huế (1951), "Quê hương" giữa Thần Kinh (1951), À, Sề-gòn (1955).

      Đã xuất bản: Hà Nội lầm than (1938), Làm dân (1940), Làm tiền (1942), Với các ông lang (1943), Những đứa trẻ (1950), Vợ lẽ nàng hầu (l950).

      Đang viết: Điên thời đại và tiểu thuyết đầu tay: Cô gái làm đĩ (hiện đang đăng tuần báo "Cuời cười").

      Về tuồng cải lương, đã viết: Mị Châu-Trọng Thuỷ, Hảo Trương Chi, Nữ kiệt Kinh Bắc.

      Về kịch đã viết: Thể thao vì tình (1932, kịch vui 5 màn, Tú Mỡ đóng vai chính), Lòng mẹ, Nhảy củ khoai lang, Người vỡ mặt trở về...

      Tòa soạn báo "Cười...cười" như vui, trẻ thêm khi có mặt anh. Nhà văn năm mươi lăm tuổi này vẫn còn hăng hái trong việc làm và vẫn còn giữ nụ cười hồn nhiên, trai trẻ, mặc dầu cái nghề phóng sự dễ khiến người ta mau già, và khó giữ cái cười yêu đời khi ai đã như anh, đi cùng "Hà Nội lầm than", dừng chân "Đây, Huế!" để lăn lộn với "À, Sề-gòn!", cả thời chiến lẫn thời hậu chiến!


      Bao điều nghe thấy trong non ba chục năm trời - nghe thấy cái mặt trái của xã hội - vẫn không để lại dấu vết chán, buồn, ngờ vực trên vần trán rộng, trong đôi mắt tươi và ở đôi môi lúc nào cũng sẵn sàng cười thẳng thắn.


      Vì sao anh chuyên viết phóng sự?

      - Anh nói chuyên thì không sai hẳn, mà cũng không đúng hẳn. Khởi đầu, tôi viết đủ cả: nào thơ, nào truyện, và sau cả kịch, cả tuồng nữa! Tôi quyết tình đi theo nghiệp văn chương, nên lúc ra truờng đã theo học một lớp hàm thụ ở Pháp dạy về "Nghệ thuật viết".


      - Nhưng phóng sự đầu tiên anh viết có phải là thiên phóng sự lột trần lối sống, cách "làm ăn" của bọn móc túi lắt hầu bao của thiên hạ?

      Anh cười.

      - Ý anh muốn nói đến phóng sự "Trong làng chạy" của tôi chứ gì. Cũng không đúng! Và lỗi không phải ở anh. Do anh Vũ-Ngọc-Phan bảo thế, trong bộ phê bình văn học "Nhà văn hiện đại" của anh ấy. Thật ra, thiên phóng sự đầu tay của tôi là "Bà chúa hàng Bạc". Anh có biết hàng Bạc thời ấy ai làm chúa chăng?


      Tôi đang cố nhớ, thì anh đã cười.

      - Dân "xứ Sài-Gòn" mà làm sao biết được chuyện "nước Hà Nội"!

      "Đó là bà bé Tí".

      Tôi "À!" một tiếng, khiến anh càng tỏ vẻ thích thú.

      Tê-lê-phôn bỗng reo. Anh xin lỗi người quấy rầy trước mặt để trả lời người làm rộn vô hình ở xa. Xong anh vui vẻ:

      - Chúng mình đang bàn đến chương nào rồi?

      - Tới chương phóng sự đầu tiên.

      - Phải rồi. Này, đố anh biết ai "đẩy" tôi vào con đường phóng sự?

      Tôi nghĩ một chặp rồi nói:

      - Chẳng lẽ lại anh ấy?

      Anh cười, đoán được tôi muốn nói ai.

      - Đúng thế, cũng là anh ấy. Anh ấy khuyên Khái Hưng viết truyện, thúc Tú Mỡ làm thơ trào phúng và đẩy tôi vào đường phóng sự.

      - Thế thì anh ấy nên lấy biệt hiệu là Tam Linh mới đúng!

      Chúng tôi lại có dịp cùng cười.


      - Anh Nhất Linh "đẩy" tôi một phần, mà một phần cũng vì "gặp thời thế, thế thời phải thế". Nguyên lúc "Ngày nay đổi mới", các anh em đã lãnh phần hết rồi, chỉ còn chừa có mục phóng sự. Tôi thuộc kẻ đến sau, không có quyền chọn lựa, kêu nài. Tôi nhận mà đem một câu của Crébillon để mà ví von. Anh nhớ câu đó chứ?

      - May thay tôi còn nhớ. Đó là câu: "Corneille đã chiếm Thiên đàng, Racine đã chiếm trần gian, thì tôi chiếm Địa ngục vậy!"

      "Và anh thành công trong địa hạt phóng sự!"


      Mắt anh bỗng mơ màng như chìm vào quá khứ.

      - Chắc anh đang nhớ lại.

      - Tôi nhớ lại một câu của anh Hoàng Đạo.

      - Anh có thể cho biết?

      Chẳng có gì là quan trọng hay bí mật cả đâu anh. Anh Hoàng Đạo có lần thân mật nói với anh Ngô-Bằng-Diễn (lúc ấy vào năm 1937): Anh Trọng Lang hai mươi năm sau hoặc có người thay anh hẳn, hoặc không có người thay anh được. Anh nói thế, tôi nghe được tưởng anh đùa, nhưng sau hỏi lại, anh lặp lại mà không cười, khiến tôi không khỏi lo lo. Và vì lời nói của anh (tôi rất quí anh) mà tôi chuyên viết về phóng sự, cố sao cho mỗi ngày mỗi tiến bộ trên con đường ít bộ hành này.

      - Đến nay?

      - Đến 1957, là đúng hạn hai mươi năm.

      - Mà chưa có ai thay anh?

      - Tôi đâu dám nghĩ thế. Tới kì hạn hai mươi năm, tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc thử đi ra ngoài con đường phóng sự. Tôi bắt đầu gom góp tài liệu để viết tiểu thuyết.

      - Và đó là?

      - Tiểu thuyết "Cô gái làm đĩ" đang đăng dần trên tuần báo "Cười Cười".


      - Chắc là những điều nghe thấy trong thời kháng chiến và thời hậu chiến đã giúp anh xây dựng quyển tiểu thuyết đầu tay này và nhân vật chánh hẳn là một nạn nhân của thời cuộc?

      Anh gật gật đầu.

      - Cô lại là điển hình của dân tộc Việt chúng ta. Mà "Làm đĩ" nay không phải đón người cửa trước rước người cửa sau. Tôi cho "lấy chồng mà không yêu chồng là một lối làm đĩ".


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      - Muốn thành công trong phóng sự, anh thấy nên có điều kiện gì?

      - Theo tôi, điều kiện chính là: sống. Tôi muốn nói: Sống nhiều, cả bề rộng lẫn bề sâu. Bởi vì phóng sự là hình ảnh trung thành nhất của cuộc đời, nên nó đòi hỏi người phụng sự nó một độ sống trên mực trung bình.

      - Thế thì viết phóng sự khó hơn viết tiểu thuyết?

      - Mỗi cái có cái khó riêng của nó. Tôi thì thấy phóng sự có phần khó hơn: Tiểu thuyết có quyền nói dối có nghệ thuật, còn phóng sự có quyền nói dối không nghệ thuật.

      - Nói dối không nghệ thuật khó hơn nói dối có nghệ thuật?

      - Khó hơn anh à. Có khác nào một người thanh nữ muốn người ta nhận mình đẹp tự nhiên, với một người muốn người ta cho mình đẹp vì nhờ son phấn. Phóng sự không uốn éo, không quanh co, không pha loãng; nó thẳng thắn, nó cô đọng, thành ra nó dễ trắng trợn. Cái khó thứ hai là: phóng sự là một cuộc độc thoại. Dễ làm người ta chán.

      - Thế thì quả là khó.

      - Khó thế cho nên tôi từng nói. Trái tim của nhà phóng sự là một nhà thuơng có chỗ cho con đĩ mà cũng có chỗ cho bà hoàng. Tôi lại cho: Nhà phóng sự là một ông vua, một ông vua không ngai, nhưng có trăm tai, trăm mắt.

      Tôi cười.

      - Thế thì tôi không ham làm ông vua đó rồi.

      - Bởi không có ngai?

      - Không phải thế. Bởi vì có đến trăm tai, trăm mắt! Có hai tai hai mắt mà còn điên đầu bể óc, huống hồ gì phải nghe phải thấy nhiều hơn năm mươi lần!


      Tê-lê-phôn lại reo. Anh lại xin lỗi và cầm ống nghe lên. Người gọi muốn nói chuyện với một người khác. Anh lại tiếp tục đàm luận với tôi.

      - Anh thấy viết phóng sự có giúp được gì vào sự xây dựng xã hội không?

      Anh không dấu được ngạc nhiên.

      - Sao anh hỏi thế?

      - Những cái nhớp nhúa, thúi hôi đưa ra có thể làm người ta bớt tin tưởng ở người, ở việc, và trở nên bi quan.

      - Tôi thì không tin thế. Chỉ trình bày cái mặt đẹp của cuộc đời, dễ khiến người ta tự toại, tưởng đâu mọi sự đều đẹp đẽ trên đời! Người viết phóng sự vốn là kẻ tha thiết với sự thật, mong góp phần xây dựng ngày mai bằng những sự kiện xấu: đưa ra nhớp nhúa để mong thấy sạch sẽ, đưa ra lầm than để mong thấy sung túc, đưa ra gian dối để mong thấy thẳng ngay, đưa ra áp bức để mong thấy công bằng. Đó cũng là một cách góp phần xây dựng một thế giới mới cho loài người. Người đưa cái đẹp để theo, người đưa cái xấu để tránh, để sửa, cả hai đều làm việc cho cái phải, mỗi người một cách.


      Giọng anh bỗng trở nên trịnh trọng, khiến tôi đổi ngay câu định hỏi anh.

      - Trong nghề, anh đã gặp trường hợp nào buồn cười nhất?

      - Buồn cười nhất là dạo tôi viết về "Sống sót", đời tàn của thực dân. Có mấy "ông" Tây trong sở Mật thám Liên bang dọa: hễ chúng trở lại Đông dương, người Việt đầu tiên chúng bắn trước nhất là tôi.

      - Còn anh giữ kỉ niệm nào vui nhất?

      - Đó là lúc ba anh Tú Mỡ, Thế Lữ, Khái Hưng và tôi thi nhau viết truyện vui. Truyện của tôi "Lương tài cún" (tức: Lượng địa quan, nghĩa là Quan đo đất) được các anh em trong tòa soạn "Ngày Nay" cho là vui nhất.

      - Buồn cười vui đành có, nhưng còn cảm động có không anh?

      Anh nháy nháy mắt.

      - Tôi còn nhớ mãi những giọt lệ của anh khái Hưng khi anh đọc phóng sự của tôi về "Trường Mù". Tôi đưa người đọc vào cái thế giới thiếu ánh sáng ấy bằng cách không nói gì đến mặt trời; cố ý chứng minh: Có nơi người ta sống không cần thấy. Tôi đã cố tình nói dối bằng sự lãng quên. Đó tức là nói dối không nghệ thuật!

      - Nghĩa là anh muốn chứng minh rằng đời vẫn đẹp dù không có mắt?

      Anh mỉm cười.


      Nguiễn Ngu Í

      (Nguồn: Tân Văn số 19, Tháng 2.2009)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Phỏng Vấn Doãn Dân Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn

      - Nhớ và nghĩ về bài quốc ca Việt - 2 Nguiễn Ngu Í Hồi ức

      - Nhớ và nghĩ về bài quốc ca Việt Nguiễn Ngu Í Hồi ức

      - Tổng Kết Cuộc Phỏng Vấn Về Quan Niệm Sáng Tác Của Các Nhà Văn Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn

      - Cuộc Phỏng Vấn Văn Nghệ Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn

      - Họa sĩ Hiếu Đệ Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn

      - Phỏng vấn các Họa sĩ Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn

      - Phỏng vấn các Nhạc sĩ Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn

      - Phỏng vấn Đinh Cường Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn

      - Nhạc sĩ Lam Phương, Nguiễn Ngu Í phỏng vấn Nguiễn Ngu Í Phỏng vấn

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)

      Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)

      Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)

      Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Trang Thơ (Phù Sa Lộc)

      Trần Thị NgH, viết: xạo ke , vẽ: cà rỡn (Nguyễn Lệ Uyên)

      Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời văn (Bùi Vĩnh Phúc)

      Đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Doãn Cẩm Liên)

      Nguyên Minh, một đời chung thủy với văn chương (Trần Thị Nguyệt Mai)

      Tình bạn trong văn chương (Trần Doãn Nho)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)