|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Chủ nhật, ngày 28 tháng 9 năm 2014 tại Viện Việt Học (Nam California) đã có một buổi sinh hoạt văn học đáng lưu ý, về chủ đề chính là Tự Lực Văn Đoàn, với các diễn giả Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Văn Sâm, Phạm Phú Minh, Phạm Lệ Hương và Nguyễn Trọng Hiền. Đây là dịp chính thức để Viện Việt Học giới thiệu toàn bộ sách TLVĐ bản gốc được số hóa và đưa vào thư viện của Viện; đồng thời cũng là dịp ra mắt cuốn Kỷ Yếu cuộc hội thảo về TLVĐ được tổ chức năm ngoái vào hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2013 tại Little Saigon. Dưới đây là nội dung thuyết trình của từng diễn giả, theo thứ tự trình bày trước sau:
1. Ông Nguyễn Trọng Hiền nói về bước đường tìm kiếm tài liệu về Phong Hóa Ngày Nay và TLVĐ. 2. Ông Phạm Phú Minh nói về tình trạng cắt xén sửa đổi nội dung các sách cũ được tái bản tại Việt Nam ngày nay. 3. Gs. Nguyễn Văn Sâm thuyết trình về hai cuốn Nho Phong và Người Quay Tơ của Nhất Linh. 4. Gs. Đỗ Quý Toàn trình bày một nghiên cứu về mảng Sách Hồng dành cho nhi đồng của TLVĐ. 5. Gs. Phạm Lệ Hương, người phụ trách Thư viện của Viện Việt Học, nói về Thư viện điện tử của VVH.
1. Con đường tìm kiếm tài liệu cũ của ông Nguyễn Trọng Hiền.
Ông Hiền cho biết, từ ba năm trở lại đây có một cố gắng sưu tầm những tài liệu gốc liên quan đến Tự Lực Văn Đoàn do một số người thực hiện. Số người đó gồm Nguyễn Trọng Hiền, Nguyễn Tường Giang, Phạm Phú Minh trong giai đoạn đầu, đặt vấn đề, nảy sáng kiến “số hóa” (digitalize) toàn bộ báo Phong Hóa-Ngày Nay; rồi đến nhóm thực hiện trong giai đoạn sau gồm Nguyễn Trọng Hiền, Phạm Thảo Nguyên, Thành Tôn và anh chị chủ nhân của hiệu A1 Photocopy tọa lạc ngay trung tâm Little Saigon. Cho nên nói về “lịch sử” quá trình khôi phục di sản TLVĐ trong thời kỳ này không ai có thẩm quyền hơn là ông Nguyễn Trọng Hiền, người giữ vai trò trung tâm trong việc sưu tầm và thực hiện về phương diện kỹ thuật.
Với cung cách của một người thực tiễn, giỏi kỹ thuật và thiên về hành động, ông Nguyễn Trọng Hiền đã kể lại với khán giả những cơ duyên nào đã dẫn tới việc đến với báo PH-NN, với bước đầu ông chỉ sưu tầm những số báo có bài về canh tân y phục của họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường là thân phụ ông, để soạn một cuốn sách về cha mình, rồi dần dần nhận thức được nội dung lớn lao và rộng rãi của hai tờ báo này, ông gác việc soạn sách và lao vào việc số hóa toàn bộ hai tờ Phong Hóa, Ngày Nay. Những bước đường đi tìm quá khứ của ông Hiền luôn luôn được chứng minh bằng hình ảnh của những cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng rất lý thú, dẫn tới kết quả tốt đẹp của việc sưu tầm. Các cuộc gặp gỡ thì nhiều, nhưng quan trọng nhất liên quan đến báo PH NN thì có hai. Thoạt tiên, trong bước đường đi tìm dấu vết các bài viết của bố mình về đề tài cải cách y phục phụ nữ, ông Hiền đã được cô Martina Nguyễn Thục Nhi, một sinh viên Tiến sĩ của Berkely University tặng cho một số đáng kể báo Phong Hóa Ngày Nay dạng điện tử. Rồi một may mắn nữa lại đến: năm 2011 ông lại được gặp bà Phạm Thị Thảo, bút hiệu Thảo Nguyên, người đang sở hữu một số khá lớn báo Phong Hóa Ngày Nay bản in gốc, và bà Thảo đã đồng ý cùng ông Hiền và các bạn khác tiến hành số hóa toàn bộ số báo này.
Theo ông, những cuộc gặp gỡ có vẻ như tình cờ ấy lại như là sự xếp đặt có tính cách tiền định --hoặc do một dẫn dắt thiêng liêng nào của tiền nhân-- để từ đó đạt được ý nguyện.
2. Người thuyết trình kế tiếp là nhà báo Phạm Phú Minh, cựu chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21, một năm trước đây đã tổ chức cuộc triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn tại Little Saigon. Ông Phạm Phú Minh rất hoan nghênh công trình số hóa và phổ biến toàn bộ tác phẩm TLVĐ bản gốc của Viện Việt Học, vì theo ông, đó là nhu cầu cấp thiết. Theo ông Minh, đã đến lúc phải nói to lên lời báo động, rằng tất cả những sách cũ được chế độ cộng sản trong nước tái bản hiện nay, trong đó có sách Tự Lực Văn Đoàn, đều không còn giữ đúng nguyên văn của bản gốc. Trước khi tái bản những tác phẩm xưa, hoặc sách mới xuất bản tại hải ngoại, những nhà xuất bản thuộc nhà nước Việt Nam (nhà xuất bản tư nhân không được phép hoạt động) sẽ tự ý cắt xén, sửa đổi khi gặp những đoạn có nội dung mà đảng CSVN cho là không thích hợp với họ. Ông dẫn chứng:
“Từ 1975, dù sách TLVĐ không bị đốt ở miền Nam nhưng vẫn không được tái bản, cho mãi đến khi “đổi mới” từ 1986 trở về sau. Từ khoảng đầu thập niên 1990 chúng ta chứng kiến việc nở rộ việc in sách TLVĐ trở lại, từ những nhà xuất bản của trung ương hay các thành phố lớn cho đến các nhà xuất bản tỉnh lẻ đều đua nhau in lại sách TLVĐ. Nhưng thoạt đầu ít ai biết được việc tái bản ồ ạt sách TLVĐ chính là một nguy cơ phá hoại sách TLVĐ, nguy cơ này được khám phá ra từ từ, và cho đến ngày hôm nay được ý thức như là mối họa đối với nền văn học Việt Nam. Sau đây là trích đoạn thư của một nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam gửi cho tôi về vấn đề này:
“Cắt bỏ Tự lực văn đoàn một cách vô lối là hiện tượng dễ thấy nhất, và phần lớn của sự cắt bỏ là sự sợ bóng sợ gió của người biên tập (nhà nghiên cứu) và nhà xuất bản vì từ quá lâu đã bị ám ảnh bởi một thứ đe dọa vô hình. Cho nên sách TLVĐ in trong nước chẳng sách nào trọn vẹn cả. Cứ tùy tiện mà cắt thôi. Ngoài ra thì còn nhiều sách miền Nam in lại bị cắt lắm, nhất là các loại hồi ký, như các sách hồi ký của Nguyễn Vỹ (Tuấn chàng trai nước Việt), của Nguyễn Hiến Lê... đều cắt xén cả.”
Nhà văn Trúc Chi kể cho tôi nghe một câu chuyện lý thú nhưng đáng rơi nước mắt. Một số năm trước đây nhà văn về thăm Hà Nội, một buổi dạo chơi bờ hồ Hoàn Kiếm, ghé vào một hiệu sách mua cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng mà ông rất thích thời trẻ tuổi. Mang về khách sạn đọc, ông tìm mãi không thấy đoạn tả cảnh chùa Long Giáng mà ngày xưa ông rất mê, đọc hết cuốn sách cũng không thấy đoạn ấy ở đâu, cuối cùng phải kết luận là đoạn ấy đã bị cắt bỏ. Vì sao mà cắt bỏ, ai có quyền cắt bỏ thì ông không thể nào biết được.
Năm ngoái trong cuộc hội thảo về TLVĐ do chúng tôi tổ chức tại báo Người Việt, cô Tanaka Aki trong phần phát biểu của mình, đã kể rằng trong chương trình học văn học Việt Nam tại đại học Tokyo, cô đã được giáo sư Kawagichi giao cho dịch một phần cuốn Đời Mưa Gió của Khái Hưng và Nhất Linh sang tiếng Nhật, và cô đã khám phá ra có sự khác biệt giữa ấn bản mới mà cô mua tại Sài Gòn do Hội Nhà văn xuất bản năm 2010 khi so với ấn bản do nhà xuất bản Đời Nay in trước năm 1975. Và sau đó cô phải vứt bỏ cuốn do Hội Nhà văn xuất bản để chỉ dùng cuốn của Đời Nay.
Thêm một trường hợp phải vứt bỏ khác do nhà văn Ngự Thuyết, người thuyết trình về cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng trong hội thảo năm ngoái kể trong một email gửi chúng tôi:
“Khi soạn về Khái Hưng tôi có đọc cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên in ở VN, có nhiều chỗ sai, nên tôi không dùng cuốn ấy nữa, phải mua một cuốn khác tại nhà sách Tự Lực, và vất cuốn cũ.”
Nói chung, trong hiện tại, khi in lại sách TLVĐ, các nhà xuất bản ở Việt Nam không để nguyên vẹn một cuốn nào cả. Nhưng sách TLVĐ không phải là loại sách duy nhất bị cắt xén, sửa đổi. Nhiều sách khác cũng chịu cùng số phận. Một số sách của miền Nam trước 1975 được in lại bị tùy tiện cắt xén sửa chữa, như trong Tuấn chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ, hồi ký của Nguyễn Hiến Lê đã nói trên. Hoặc bài Thụy Khuê phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn cho đài RFI, sau đó đăng trên tạp chí Hợp Lưu thì đã được trong nước in lại trong cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn trong 64 trang (từ trang 422 đến trang 486) với tình trạng như sau do Thụy Khuê viết lại trong Lời nói đầu cuốn Nói Chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp do Văn Nghệ (California) xuất bản:
“Về văn bản in lại trong tập La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I, Con Người Và Trước Tác (phần I) (nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1998) do Hữu Ngọc và Nguyễn Ðức Hiền biên soạn; để bài phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn có thể in được ở Việt Nam, chúng tôi đồng ý với yêu cầu của ban biên tập (4) là có thể cắt bỏ một vài chữ, vài đoạn, với điều kiện là phải để ngoặc [...] thay thế những đoạn hay những chữ bị cắt, và đề rõ xuất xứ, nếu lấy trên Hợp Lưu, như vậy độc giả có thể tìm lại được bản gốc để biết chỗ bị cắt.
Khi sách in ra, chúng tôi thấy có một vài thay đổi: như tiểu tựa Hoàng Xuân Hãn, Chứng Nhân Lịch Sử được đổi thành Những Cuộc Tiếp Xúc Khó Quên, có những đoạn bị cắt, một vài câu thêm vào, những chữ Nôm để trống và không đề xuất xứ từ Hợp Lưu, không in bài dẫn nhập với những dè dặt của chúng tôi... Do đó, trong lần in này, chúng tôi sẽ chú thích để độc giả biết đoạn nào đã bị cắt trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, hoặc câu nào không có trong nguyên văn lời nói của Hoàng Xuân Hãn.”
Ví dụ lời của Hoàng Xuân Hãn sau đây đã bị cắt và đổi thành một câu khác:
“Được cái người Pháp khinh địch, khinh mình, cho nên không dè họ thua. Nhưng đến lúc Điện Biên Phủ, thì nói thực, lúc ấy không có súng ống tối tân không đời nào mà đánh được Pháp. Pháp lúc ấy được Mỹ giúp ghê lắm rồi, về súng ống ghê rồi. Chỉ có bom nguyên tử họ không giúp, hay là 100 máy bay họ không giúp một lần, họ chỉ giúp lẻ tẻ thôi. Hồ Chí Minh, lúc ấy tụi Tàu đặt vấn đề ra, nếu không theo nó, không nghe nó về mặt chính trị, nó không cho súng ống thì cũng chết. Cho nên nó đưa những tụi cải cách ruộng đất ở bên Tầu vừa xong, nó đưa sang, nó cầm một vài ông -gọi là Bộ Trưởng lúc ấy- những người lúc ấy không phụ thuộc Hồ Chí Minh. Sự cải cách gọi là địa phương nhưng mà lên đến huyện, lên đến tỉnh đã có người Tàu điều khiển cả rồi. Thành ông kia là phải nuốt chuyện ấy để mà nó giúp cho súng ống [53]. Họ cũng biết là được Điện Biên Phủ thì mới có chuyện gì, chứ thua Điện Biên Phủ thì lúc ấy thua hoàn toàn.”
[53] “Trong cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, sđd, đoạn gạch dưới trên đây không những bị cắt bỏ, lại còn thêm câu: "Hồ Chí Minh, lúc ấy đã phải dùng nhiều cách, và nhiều con đường: chính trị, ngoại giao sáng suốt và mềm dẻo để có súng ống mà đánh Pháp".”
Còn nhiều chỗ thêm bớt tùy tiện nữa, nếu nêu ra hết thì sẽ mất thì giờ rất nhiều. Nhưng chừng đó ví dụ cũng đủ cho thấy là chế độ toàn trị của cộng sản không coi giá trị của văn bản ra cái gì cả, họ chỉ nhằm tới một việc là làm lợi cho chế độ của họ, chỉ có cái đó là có giá trị đối với họ, họ sẵn sàng thêm bớt sửa chữa sách của người khác rồi đem in, không biết hổ thẹn, không cần nhân cách, danh dự gì cả. Và như thế, với tư cách một nhà cầm quyền, họ đã phá hoại không biết bao nhiêu là sách vở tài liệu bản gốc.” (hết trích)
Với các ví dụ trên và riêng trong cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, không những các người biên soạn cắt bỏ lời của chính Hoàng Xuân Hãn nói ra với RFI, mà còn sáng tác thêm một câu để đặt vào miệng của Hoàng Xuân Hãn. Với cách làm gian dối như thế, làm sao chúng ta có thể tin vào sách vở và tài liệu khảo cứu của chế độ cộng sản được?
3. Diễn giả thứ ba là Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, với đề tài “Về hai tác phẩm đầu tay của Nhất Linh Nho Phong và Người Quay Tơ như là những báo hiệu thiên tài của một nhà văn”.
Hai tác phẩm này được Nhất Linh viết trong độ tuổi hai mươi và xuất bản trong thập niên 1920, vốn ít được giới phê bình để ý tới khi viết về văn nghiệp của Nhất Linh, vì thực ra ông chỉ thực sự ngời sáng từ khi lập ra Tự Lực Văn Đoàn từ 1933 với các tác phẩm luận đề nhằm thay đổi xã hội như Đoạn Tuyệt. Đôi Bạn, Lạnh Lùng... và các tiểu thuyết khác mang tính cách khai phá mới mẻ về sau. Nhưng hầu như đây là lần đầu tiên một người nghiên cứu văn học dành sự chú ý cho Nho Phong và Người Quay Tơ, đặt chúng vào một cái nhìn thống nhất với toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Nhất Linh, với ý tưởng rằng cái bước khởi đầu ắt phải có ảnh hưởng đến con đường sáng tác về sau, đó là những viên gạch đầu tiên để từ đó con đường mở ra rộng rãi thênh thang.
“Hình như đây (Nho Phong) là tác phẩm duy nhứt của nhà văn Nhất Linh được ký tên thiệt: Nguyễn Tường Tam. Ký tên thiệt vì lúc đó có thể là ông chưa quyết định chắc nịch sẽ đi theo luôn con đường văn nghệ bằng sáng tác. Nó như là tác phẩm được phóng ra bởi một người thanh niên mới bước vào đời thấy mình cần viết cái gì đó theo cách nhìn của mình nói về cuộc đời nầy. Nó thể hiện cái ưu tư và ước vọng của người muốn nói lên điều mình suy nghĩ và trình bày nó với đời. Tôi chắc chắn rằng yếu tố làm văn chương ít hơn yếu tố bày tỏ tư tưởng trong tác phẩm nầy. Cái hay là Nhất Linh tuy vậy đã chọn con đường viết truyện dài bằng văn xuôi, và viết rất mới ở nhiều điểm, trong khi ông còn có nhiều khả năng khác như hội họa, viết nghiên cứu văn chương và nhứt là sinh hoạt đảng phái như ta thấy sau nầy.”
Nhưng “bày tỏ tư tưởng” ở đây là tư tưởng gì? Hầu như chẳng có gì rõ rệt, chỉ biết tác giả viết một câu truyện bằng văn xuôi, một dạng văn học còn phôi thai tại Việt Nam vào giữa thập niên 1920. Và câu chuyện ấy trình bày một dạng thức cá nhân cùng một đặc tính xã hội của thời đó, mà chính tên của tác phẩm đã nói lên khá đầy đủ: Nho Phong. Đó là một nếp văn hóa xưa còn tồn tại khá mạnh trong xã hội Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ trước. Tình yêu và hôn nhân nằm trọn vẹn trong lễ giáo, sự hy sinh tần tảo của người vợ trẻ trong gia cảnh nghèo túng để chỉ chờ một mục tiêu trước mắt: người chồng thi đỗ làm quan. Nhưng khi người chồng đạt được mục đích thì người vợ vì quá lao lực, đã lâm trọng bệnh. Câu chuyện chấm dứt ở đó. Câu chuyện vừa đẹp vừa gần như một tấn bi kịch ấy hình như có để lại một chút đau lòng, một chút buồn rầu nơi người đọc, và tác giả thì chỉ kể chuyện, không lên án cái cũ kêu gọi cái mới như sẽ làm gần mười năm sau, nhưng tác giả Nguyễn Văn Sâm đã thấy từ tác phẩm này một cách “đặt vấn đề” kín đáo. Đó chính là viên đá đầu tiên để xây dựng nên lập trường của TLVĐ về sau vậy.
Người Quay Tơ được viết tiếp liền ngay sau Nho Phong, là một tập truyện ngắn, với một bút pháp mới mẻ hẳn so với quyển đầu tiên. Sau đây là một đoạn nhận định về Người Quay Tơ của diễn giả Nguyễn Văn Sâm:
“Người Quay Tơ là một tập truyện ngắn đa dạng:
1. Người quay tơ. 2. Nô lệ. 3. Chiến tranh. 4. Giấc mộng Từ Lâm. 5. Sư Bác chùa Kênh. 6. Làm Gì Mà Băn Khoăn thế? 7. Vuông Vải Trắng… (các truyện khác hoặc là dịch truyện xưa, hoặc dịch truyện ngoại quốc, không cần để ý.) Đây là một tập truyện ngắn, mỗi truyện dài trên dưới 10 trang phù hợp với cách viết truyện ngắn sau nầy của Nhất Linh: Mỗi truyện mang một ý nghĩa hàm chứa mà tác giả khéo léo diễn tả cụ thể một vài hoạt cảnh nhưng ta vẫn thấy được nội dung trừu tượng của truyện. Tổng quan trong nầy mang nhiều điều tác giả muốn nói:
- Tuy là người tu hành nhưng chưa chắc đã hết lòng trần tục. Tiền tài vẫn là điều hấp dẫn. Khi có tiền rồi người ta sa đà vô đó và đi tới mục tiêu khác nữa hầu tìm danh vọng, như chánh trị chẳng hạn. (Sư Bác Chùa Kênh.)
- Người khôn lanh và biết lợi dụng thế lực rồi sẽ đè đầu đè cổ kẻ cô thế thiếu những thủ đoạn. Cuối cùng kẻ giảo quyệt lên làm chủ, người hiền từ, tính toán đơn giản, tin người… sẽ làm tôi mọi cho lớp người khôn lanh nói trên. (Nô Lệ.)
- Truyện hay nhứt có thể là Giấc Mộng Từ Lâm. (Xin quí bạn tìm đọc bản văn để thưởng thức cái hay của nó.)
Mỗi truyện là một đề tài là một vấn đề xã hội cần phải thủ tiêu hay ít nhứt là cải cách. Điều đặc biệt là tác phẩm nầy in sau quyển Nho Phong chỉ vỏn vẹn một năm thôi nhưng văn phong đã khác xa: rõ ràng, không sáo mòn với từ ngữ cũ, câu cú xưa không còn vết tích, nếu trích một đoạn nào đó đưa cho người chưa đọc qua bao giờ thì họ dễ dàng nói đó là văn mới sau ngày đất nước bị chia hai”. (Hết trích)
4. Diễn giả thứ tư của buổi sinh hoạt là giáo sư Đỗ Quý Toàn, tức nhà báo Ngô Nhân Dụng, nói về mảng Sách Hồng của Tự Lực Văn Đoàn. Sách Hồng là loại sách dành cho thiếu nhi, bắt đầu xuất bản từ cuối thập niên 1930 và kéo dài đến năm 1944, do một số nhà văn nòng cốt của TLVĐ như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam (có thêm bút hiệu Thiện Sĩ), Tú Mỡ, Thế Lữ, cùng một số nhà văn khác ngoài văn đoàn sáng tác và dịch thuật. Sách Hồng là những tập sách mỏng độ 30 trang, nền bìa màu hồng, có nội dung giáo dục trẻ em với nhiều đề tài đa dạng, có cách viết trong sáng và lôi cuốn. Sau đây là một số nhận xét của diễn giả.
Trước hết về đề tài, Sách Hồng cũng giống như nhiều truyện trẻ em khác trên thế giới, kể chuyện cổ tích, hoặc viết theo lối cổ tích. Ví dụ Kịch Cóc Tía kể chuyện tuyển mộ anh tài đại náo thiên cung; nhân vật là trẻ em (hoặc người lớn) Việt Nam như trong Con Cá Thần của Hoàng Đạo, Ông Đồ Bể của Khái Hưng. Nhân vật cũng có thể là là Ong, Kiến và Ve, Trê, Cóc Nhái Bén, Ễnh Ương (Tú Mỡ) Hươu Nai, Chim, Vượn, Gấu, Hổ và các loài Hoa Đơn, Hoa Sim, Hoa Cúc, (Đạo sĩ kịch của Khái Hưng); con hươu, con bướm, con cú, cô chim khuyên, đến cô phong lan, giọt sương cũng biết nói, trong Con Hươu Sao của Hoàng Đạo. Con Chim Gi Sừng của Hoàng Đạo là lời con chim già kể cuộc đời mình, từ lúc chui ra khỏi vỏ trứng, thấy mẹ bay lượn chào đón các con; trong truyện các giống chim biết dùng chung một tiếng nói.
Dịch truyện ngoại quốc: Cuộc đời ly kỳ và gian nan của Rô Bin Sơn một mình trên hoang đảo (Thế Lữ dịch thuật, ba cuốn), Bạch Tuyết và bẩy chú lùn (Tú Mỡ), Cô bé đuôi cá của Anderson, Hoàng Đạo kể. Con chim nói sự thực của Thiện Sĩ dịch nhiều truyện cổ tích quốc tế. Con Chim Họa Mi do Hoàng Đạo dịch ghi rõ là của Andersen, thêm truyện Cô Bé Thơm...
Với những đề tài phong phú đa dạng như thế, sách Hồng mang nội dung thế nào?
Trước hết, đề cao đạo đức cổ truyền. Ai cũng biết Tự Lực Văn Đoàn có chủ trương cải cách xã hội, bỏ cũ theo mới, nhưng chỉ bỏ những cái hủ lậu ngăn cản sự tiến bộ, còn những đức tính căn bản của con người như lòng hiếu thảo, lòng thương người, sự hiếu học, can đảm, lương thiện... thì các tác giả của sách Hồng luôn luôn đề cao và đưa vào truyện nhằm giáo dục trẻ em.
Truyện Ông Đồ Bể là kiểu mẫu của lòng ngay thẳng lương thiện và chính trực: “Chỉ những kẻ hèn hạ không biết tự trọng hay không chính trực quang minh mới khúm núm sợ hãi mà thôi”.
Khi viết cổ tích, các tác giả sách Hồng cũng thường dùng yếu tố thần thánh tham dự vào câu chuyện, ví dụ truyện Ông Đồ Bể hay Bông Cúc Huyền của Khái Hưng, Con Cá Thần của Hoàng Đạo..., đó cũng là cách đặt tinh thần của trẻ em vào dòng chảy từ quá khứ của dân tộc.
Cũng trong chiều hướng này, truyện Lên Chùa của Thiện Sĩ người cha giải thích cho hai đứa trẻ về chùa: chuyện đức Phật, cách bầy biện các pho tượng Phật và Bồ Tát trong chùa. Hay là truyện Bà Túng bằng thơ lục bát của Tú Mỡ, với hai câu kết:
Ở hiền âu sẽ gặp lành
Ai hành ác nghiệt tội đành vai mang.
Một số truyện khác cổ võ cho triết lý sống giản dị, lương thiện, như truyện Cái Ấm Đất của Khái Hưng với những dòng kết về nhân vật tên Ba: “Ba sẽ sung sướng được sống một đời trong sạch. Ba sẽ sung sướng với sự giúp đỡ kẻ nghèo, vì không giầu có Ba cũng có thể giúp đỡ kẻ nghèo bằng một bát nước vối nóng, thơm ngọt. … Ba sẽ sung sướng vì một đời bình dị sẽ không thay đổi lòng Ba như một đời giàu có. Ba sẽ mãi mãi giữ được nguyên vẹn lòng tốt của mình.”
Truyện Lan và Huệ, Khái Hưng kể chuyện mẹ ghẻ, con chồng, giống như Tấm Cám, nhưng trong đoạn kết Lan đã rộng lượng tha thứ cho bà dì ghẻ và cô em Huệ, cảm hóa khiến cả hai người ác cũng thành thiện.
Nhưng sách Hồng không chỉ hướng về các đề tài cổ tích. Nhiều cuốn mô tả sinh hoạt của giới trẻ trong xã hội hiện tại và cổ động đạo đức mới cho họ. Cuốn Cắm Trại của Khái Hưng cho thấy: làm việc bao giờ cũng thích, nhất là làm việc bằng chân tay. Hạt Ngọc của Thạch Lam kể chuyện một cậu bé ở thành phố có dịp về thôn quê để xem gặt lúa, cả việc cầm liềm thử gặt lúa, và sau đó tham dự các sinh hoạt của thôn quê ngày mùa.
Các tác giả sách Hồng thời đầu thập niên 1940 đã nghĩ đến việc hướng giới trẻ vào cuộc sống tự do, tự chủ. Con Chim Gi Sừng của Hoàng Đạo giáo dục trẻ em về cuộc đời phải tranh đấu, về tình yêu quê hương và quyền sống tự do. Lên Cung Trăng của Hoàng Đạo là một truyện khoa học viễn tưởng đầy lý thú dạy trẻ em về khoa học.
Dù chỉ hoạt động trong vòng năm năm (1939-1944), việc sáng tác và xuất bản Sách Hồng của nhóm TLVĐ đã đóng góp một số tác phẩm đáng kể về lượng cũng như về phẩm cho các độc giả tí hon nước ta. Từ đó đến nay hầu như chưa có ai nghiên cứu một cách thấu đáo mảng Sách Hồng để thấy được giá trị văn học, phẩm chất giáo dục cũng như giải trí của loại sách này. Trong bộ Nhà Văn Hiện Đại, Vũ Ngọc Phan chỉ một lần duy nhất nhắc qua một tác phẩm Sách Hồng, nhân bình phẩm về văn tài của Khái Hưng:
“Nhưng dù ở tiểu thuyết lý tưởng, tiểu thuyết phong tục hay tiểu thuyết tâm ký, cái đặc sắc mà người ta thấy trong các văn phẩm của Khái Hưng là sự nhận xét rất đúng về tâm hồn nam nữ thanh niên Việt Nam. Người ta có thể gọi ông là “nhà văn của thanh niên”. Ông rất am hiểu tính tình con người trong tuổi trẻ nên những truyện nhi đồng của ông cũng rất thú vị. Truyện Ông Đồ Bể (Đời Nay - Hà Nội 1939) của ông là một truyện tuyệt tác trong loại nhi đồng”.
Qua bài nói chuyện của Gs Đỗ Quý Toàn ta có được một cái nhìn khá toàn diện về kho truyện Sách Hồng, và thấy rằng còn nhiều tuyệt tác khác nữa. Chúng ta mong muốn bài nói chuyện ấy sẽ được tác giả khai triển thành một bài viết đầy đủ, sâu sắc về Sách Hồng để có một đánh giá đúng mức mảng văn học nhi đồng có giá trị đầu tiên của Việt Nam mà lâu nay hầu như không mấy ai để tâm nghiên cứu.
5. Nội dung phần thuyết trình của Giáo sư Phạm Lệ Hương là giới thiệu bộ sưu tập tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn trên Thư Viện Trực tuyến (Online) của Viện Việt Học. Đó là Bộ sưu tập gồm những sách và tài liệu báo chí của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, dưới hình thức của “tài liệu điện tử” cũng được gọi là “tài liệu số hoá” do các hậu duệ của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn cung cấp.
Ban Điều hành và Ban Kỹ thuật Viện Việt Học đã làm công việc tổ chức và niêm yết dần dần tài liệu này trên trang nhà của Viện Việt Học, để cho độc giả khắp nơi có thể truy cập, hạ tải miễn phí và nghiên cứu những tài liệu có ở đây về máy điện toán của mình.
Những tài liệu số hoá thuộc Tự Lực Văn Đoàn bao gồm:
- Các báo Phong Hoá (v.1-(16-6-19332) - v.190 (6-6-1936), Ngày Nay (v.1 (30-1-1935) - v.224 (7-9-1940), và Văn Hoá Ngày Nay (v.1 (17-6-1958) – v. 11 (27-5-1959) và số Xuân (1959)
- Những tác phẩm của bẩy thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu (thư viện đã thu thập gần đầy đủ)
- Những tài liệu nghiên cứu văn học của những tác giả đương thời nói về Tự Lực Văn Đoàn
Việc truy cập tài liệu TLVĐ này rất dễ dàng, độc giả vào địa chỉ trang nhà
- Viện Việt-Học: http://www.viethoc.com
- Phần DANH MỤC bên tay trái
- Dưới mục TÀI LIỆU là VĂN HỌC, nhấn nút chuột vào đó, quý vị sẽ thấy những tài liệu Tự Lực Văn Đoàn được niêm yết tại đây: http://www.viethoc.com/van-hoc
Gs. Phạm Lệ Hương giải thích thêm: “Tài liệu của thư viện dù bằng giấy hay điện tử cần phải tổ chức để độc giả có thể tìm đọc dễ dàng xuyên qua Thư mục (catalog) của thư viện. Nhờ có kỹ thuật của chương trình điện toán dành cho thư viện nên chúng tôi có thể dùng nó để làm biên mục tài liệu (cataloging) ngõ hầu kiểm soát những gì thư viện đang có. Việc nối kết Thư mục trực tuyến (Online catalog) của Thư viện vào Internet hiện nay chưa làm được vì tổng số sách đã được làm biên mục hãy con quá ít (cụ thể là 3267). Trong tương lai, khi thư viện VVH có độ 5 ngàn nhan đề sách, chúng tôi sẽ cho nối mạng để quý độc giả có thể dùng Mục lục Thư viện Trực tuyến (Online catalog) như dùng các thư viện trên Internet, để tìm tài liệu theo 3 cách: tên tác giả, tên sách hay theo tiêu đề chủ đề. Ví dụ:
1. Nếu tìm theo tên tác giả Khái Hưng, chúng ta có 41 nhan đề tài liệu:
2. Nếu tìm theo nhan đề, ví dụ Gánh hàng hoa, chúng ta sẽ có kết quả 2 tài liệu, trong đó 1 tài liệu là sách giấy, và 1 tài liệu là sách điện tử. Trên biểu ghi sách điện tử (số 2774 là số thứ tự của tài liệu này khi làm biên mục),
Chi tiết biểu ghi số 2774
3. Nếu chúng ta nhấn chuột vào mục “Click here to view fulltext online” thì chúng ta sẽ được dẫn đến sách điện tử này có trên trang nhà của Viện Việt-Học (tại địa chỉ này: https://docs.google.com/a/viethoc.com/file/d/0Bxa3-RnMB0FuYmhGaWRraUFnSEU/edit?pli=1
độc giả có thể hạ tải miễn phí tài liệu này từ trang nhà của Viện Việt-Học.)
Nhìn chung, dù buổi này mang hai nội dung chính là giới thiệu các sách mới của Thư viện VVH và ra mắt cuốn Kỷ yếu Triển lãm và Hội thảo về Phong Hóa Ngày Nay và TLVĐ, nhưng qua các bài thuyết trình, một số chủ đề thuần túy văn học đã được trình bày, và chính những bài này đã làm nội dung buổi sinh hoạt trở nên phong phú và mang lại nhiều kiến thức ích lợi cho người tham dự.
Trong khi đó, cuốn Kỷ yếu hội thảo TLVĐ với nội dung phong phú và ấn loát rất đẹp đã được mọi người yêu thích và mua một số lượng đáng kể.
Oct. 14, 2014
- Một buổi sinh hoạt văn học đích thực Cam Vũ Nhận định
• Mấy gợi ý về thời đại Tự Lực Văn Đoàn (1932-1942) (Phạm Quốc Bảo)
• Tự Lực Văn Đoàn Tập Đại Thành Chữ Văn Quốc Ngữ (Trần Bích San)
• Sách Hồng, Một chủ trương “Xây Dựng” của Tự Lực Văn Đoàn (Đỗ Quý Toàn)
• Tự Lực Văn Đoàn Và Văn Học Hiện Đại Việt Nam (Kawaguchi Kenichi)
• Nhiều Sách Tự Lực Văn Đoàn Bị CSVN Cắt, Sửa Khi In Lại... (Phan Tấn Hải)
• Một buổi sinh hoạt văn học đích thực (Cam Vũ)
• Lời Nói Đầu Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo về Tự Lực Văn Đoàn, 2013 (Phạm Phú Minh)
• Thử đánh giá lại Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng (Ngự Thuyết)
• Tình Yêu trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn (Trần Mộng Tú)
• Tự Lực Văn Đoàn trong tôi (Huy Phương)
• Đi tìm Nhất Linh (Nguyễn Tường Thiết)
• Y Phục Phụ Nữ Tân Thời Le Mur trên sân khấu SBTN (Thiên An)
• Phong trào Nhà Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn (Đỗ Quý Toàn)
• Phát biểu của Tanaka Aki (Tanaka Aki)
• Giới thiệu Kịch mới những năm 1930-40 (Phạm Thảo Nguyên)
• Một Vài Ký Ức về cụ Nhạc Phụ Tú Mỡ (Doãn Quốc Sỹ)
• Tự Lực Văn Ðoàn, nền tảng của văn học hiện đại Việt Nam (NguyênHuy&HàGiang)
• Tự Lực Văn Đoàn: 80 năm ảnh hưởng không ngừng (NguyênHuy&HàGiang)
• Diễn Văn Khai Mạc cuộc Triển Lãm và Hội Thảo về TLVĐ (Phạm Phú Minh)
• Tôi tìm lại Tự lực văn đoàn (Martina Nguyen)
- Chương Trình Triển Lãm và Hội Thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn
- Thế Lữ (1907-1989) Và Tự Lực Văn Đoàn
(Phạm Thảo Nguyên)
- Tự Lực Văn Đoàn và chuyện văn phong
(Trần Doãn Nho)
- Đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn (Nguyễn Hưng Quốc)
- Đi tìm câu trả lời (Phạm Phú Minh)
- Hình ảnh ngày khai mạc Triển lãm và Hội thảo báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn
- 13 số đầu báo Phong Hóa (Phạm Hữu Ninh phụ trách)
- Từ Phong Hóa số 14 trở đi (Nguyễn Tường Tam chủ bút)
- Tự Lực Văn Đoàn và các cây bút hậu duệ
Một buổi sinh hoạt văn học đích thực (Cam Vũ)
Lời Nói Đầu Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo về Tự Lực Văn Đoàn, 2013 (Phạm Phú Minh)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Vài kỷ niệm với Nhất Linh về báo Phong Hóa & Ngày Nay (Nguyễn Tường Thiết)
Việc điện toán hóa báo Phong Hóa Ngày Nay: Những ý nghĩ lãng mạn giữa một ngày mùa đông (Phạm Phú Minh)
Gặp Tự Lực Văn Đoàn (Võ Hồng)
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |