1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. VĂN HỌC HẢI NGOẠI: Hồi Ức Các Dữ-Liệu Ở Little Sài Gòn, Trong Đó Có Một Số Liên Hệ Đến Văn Học, Và Khiến Nghĩ Tới Một Khuynh Hướng Viết Tiểu Thuyết (Trần Văn Nam) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      30-06-2015 | VĂN HỌC

      VĂN HỌC HẢI NGOẠI: Hồi Ức Các Dữ-Liệu Ở Little Sài Gòn, Trong Đó Có Một Số Liên Hệ Đến Văn Học, Và Khiến Nghĩ Tới Một Khuynh Hướng Viết Tiểu Thuyết

        TRẦN VĂN NAM
      Share File.php Share File
          

       

      Thoáng đọc qua nhan đề với các từ ngữ “dữ liệu” có thể khiến đôi người cho đây là tài liệu lịch sử Little Sài Gòn, kể luôn những vùng phụ cận thuộc Orange County (Quận Cam). Thực sự, người viết bài này cũng muốn bao gồm ý định ấy, nhưng xét không có đủ tài liệu liệt kê hết những điều xảy ra tại nơi cư trú đông đảo người Việt nhất trên toàn cả thế giới, sống ngoài Tổ Quốc Việt Nam. Nhưng trọng tâm bài này là kể đến những dữ liệu ở Little Sài Gòn có liên hệ đến những thành tựu văn học viết bằng ngôn ngữ Việt, tức là đặt ra ngoài những thành tựu văn học viết bằng tiếng Anh tiếng Pháp, Vả lại, những thành tụu văn học viết bằng tiếng nước ngoài ấy không xuất phát từ Little Sài Gòn (chẳng hạn Linda Lê thì ở bên Pháp; Monique Trương ở Brooklyn New York; Lan Cao ở nhiều nơi nhưng chưa bao giờ cư trú tại Little Sài Gòn; Andrew Lam cũng vậy, hiện nay cư trú tại San Francisco?...).


      Có một số người cho rằng hiện thời với Internet, với các mạng văn chương toàn cầu, với “Vanchuong Blog”, thì đặt vấn đề Little Sài Gòn không còn ý nghĩa đại diện hết cho toàn thể người Việt tha hương. Nhưng xét 40 năm qua, từ 1975 đến 2015, Little Sài Gòn quả là nơi có các thành tựu văn học: những tiểu thuyết văn học đáng kể nhất phát xuất tại đây; các tạp chí văn học nổi bật nhất xuất phát từ đây, số văn nhân nhiều nhất ở đây; có lúc nơi đây hiện diện đến 5 tờ nhật báo… Người viết bài này hiện cư ngụ tại City of Walnut, cách Little Sài Gòn khoảng 30 dặm, thường mỗi tuần đều đến Little Sài Gòn, nên mong rằng bài viết sẽ không bỏ quên những điều quan trọng.


      Không thể liệt kê hết các dữ liệu, người viết bài này chỉ kể đến bốn dạng dữ liệu, nhưng cũng xin nói không làm sao liệt kê hết: đó là dữ liệu đời sống thường ngày; dữ liệu có tính thời sự chính trị; dữ liệu liên hệ đến giới làm báo nhưng không thuộc về văn học; và dữ liệu liên hệ đến thành tựu văn chương.


      Thứ nhất, dữ liệu đời sống. Dữ liệu đầu tiên này thực ra không chỉ riêng có tại Little Sài Gòn. Thì nơi nào người Việt đến định cư khá đông đảo lại không có những tiệm buôn và quán ăn khẩu vị người Việt; những garage sửa xe hơi; những văn phòng dịch vụ Insurance và Giấy Tờ liên hệ đến chính quyền City, chính quyền Tiểu Bang, chính quyền Liên Bang… Đặc biệt ở Quận Cam, thuở ban đầu khi người Việt được đưa đến thì đất đai phần lớn là những ruộng trồng dâu Strawberry, chưa có phố xá quy mô như hiện nay, và việc mua bán vải vóc và thuốc men không cần toa Bác sĩ trở thành hiện tượng phồn thịnh, do đa số người Việt đều mua gởi về cho thân nhân ở Việt Nam (lúc ấy chưa có bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và việc trở về thăm Việt Nam là điều còn xa vời, kể như hoàn toàn đứt lìa với Tổ Quốc). Đa số người Việt đều bận tâm vấn đề kế sinh nhai hoặc được trợ cấp, con cái được đi học để thành công sau này; và nhu yếu phẩm cho bà con ở Việt Nam; rất ít người Việt có viễn-kiến mua đất đai ở đây như một số người Việt gốc Hoa. Kể cả nhà ở, người Việt còn ngần ngại mua vì sợ nợ nần (việc sắm xe hơi để đi lại thì dĩ nhiên phải lo liệu để sở hữu).


      Vấn đề mua nhu-yếu-phẩm gởi về Việt Nam khiến người viết bài nhớ đến thời kỳ mới đến Mỹ (ngày 14 tháng 12 năm 1981, ngụ ờ thành phố Annandale, tiểu bang Virginia), nhớ đến lần đầu tiên sắp hàng ở Bưu Điện giữa mùa tuyết đổ trắng đường phố, trong số những người sắp hàng có đến 5 người Việt, và đúng 5 người Việt ấy lại gặp nhau buổi chiều tối để học ESL (trau giồi Anh-ngữ như ngôn ngữ thứ hai để hòa nhập vào đời sống ở Hoa Kỳ) tại một trường Tiểu Học. Dữ liệu mua bán sinh sống ấy quả không có gì đặc biệt, phổ biến ở khắp nơi bất cứ nơi nào có chừng vài mươi gia đình người Việt.


      Thứ hai, dữ liệu có tính thời sự chính trị tại Little Sài Gòn: như vụ Trần Trường treo hình Chủ Tịch Cộng Sản Hồ Chí Minh và treo Cờ đỏ Sao vàng; việc dựng bảng Little Sài Gòn trên hai xa lộ 22 và 405, việc phản đối thành công chống lại ý định đổi tên Little Sài Gòn thành Asian Town (hoặc Asian Village, vì không muốn có vẻ tương tự như China Town); và nhiều chức vụ như Dân Biểu Tiểu Bang, Giám Sát Viện, Thị Trưởng, viên chức thành phố… đã được bầu cho người Việt.



      Thứ ba, dữ liệu có liên hệ đến báo chí nhưng không liên quan đến thành tựu văn học; như vụ biểu tình phản đối nhật báo Người Việt (thời ông Vũ Ánh làm chủ bút) cho đăng bài thơ Tử Vi trên “Giai Phẩm Xuân Người Việt 2006” tiên đoán các lãnh tụ Cộng Sản Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt, Trần Đức Lương , Nguyễn Văn An, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết sẽ là các nhân vật lãnh đạo trong nước Việt Nam (các nhân vật có tên này đều in chữ hoa trong bài thơ Tử Vi). Cũng có biểu tình vì một Giai Phẩm Xuân Người Việt khác năm 2008 đăng hình lá cờ vàng ba sọc đỏ trong chậu rửa chân của nghề làm móng tay (nails). Dữ liệu nữa, tuy vướng tới một nhà thơ, nhưng hình như không khơi động bài bàn luận văn học đáng kể nào, đó là vụ Nghi Vấn nhà thơ Nguyễn Chí Thiện định cư tại Quận Cam không phải là chính tác giả tập thơ “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực”. Dữ liệu khác liên hệ đến nghề báo mới đây, trong năm 2015: vụ kiện phải bồi thường đến 4 triệu rưỡi Mỹ-kim khiến chủ báo Hoàng Dựợc Thảo khai phá sản cơ nghiệp.


      Thứ tư, dữ liệu chủ yếu hồi ức trong bài này, đó là dữ liệu trực tiếp làm thành tựu những sáng tác văn học, với thể loại tiểu thuyết, thể loại truyện ngắn, thể loại thi ca. Hồi ức nhớ lại có ba tác-động thành-tựu văn-học đáng nhớ:


      - Tác-động đầu tiên là do đợt người Việt vượt biên đến Quận Cam sau thời gian một hai năm ở các trại tạm trú trong các nước thuộc Đông Nam Á, những người đến sau đợt di-tản năm 1975 bằng trực thăng hoặc tàu Hải Quân đưa ra các chiến hạm Hoa Kỳ trên biển Thái Bình Dương. Trong đợt đến sau ấy có nhà văn Nguyễn Mộng Giác (thành tựu cho văn học bằng tác phẩm “Mùa Biển Động”); Cao Xuân Huy (thành tựu cho văn học bằng tác phẩm hồi ký “Tháng Ba Gãy Súng”), Hoàng Khởi Phong (thành tựu cho văn học bằng tác phẩm hồi ký “Ngày N+”), Nguyễn Xuân Hoàng (thành tựu cho văn học bằng tiểu thuyết “Người Đi Trên Mây”). Sở dĩ kể đến trước tiên những cuốn truyện, kể cả hồi ký, có độ dầy trên một hay vài trăm trang như vậy để thấy sự cố gắng của các tác giả và để thấy độc giả thời ấy đã ủng hộ mua về đọc, không như bây giờ đa số có vẻ thờ ơ đọc truyện dài.


      - Tác-động thành-tựu văn-học kế tiếp là sự ra đời của Tạp chí Hợp Lưu do họa sĩ Khánh Trường chủ biên: tạp chí văn chương này chủ trương đăng bài trong nước ngoài nước, khuynh hướng muốn hòa hợp đăng những bài văn chương hay gửi đến từ Việt Nam, không phân biệt nhà văn nhà thơ thuộc ý thức hệ xã hội chủ nghĩa hay không ý-thức hệ gì cả, miễn là văn thơ có giá trị. Chủ trương hợp lưu vào thời gian ấy có vẻ sớm và táo bạo đối với những người chống cộng sản ở ngoài nước (Tờ Hợp Lưu ra mắt vào tháng 10 năm 1991, năm nay là 2015, vậy chủ trương hợp lưu ấy sớm đến 24 năm trước). Nhưng sự thành tựu văn học khá ít ỏi, không kể các nhà văn nhà thơ đóng góp ở ngoài nước, từ trong nước gửi ra nổi bật thì có Đỗ Hoàng Diệu với tác phẩm đề tài lạ “Bóng Đè” (không kể Phạm Thị Hoài, Vị Thùy Linh, Phan Huyền Thư, đóng góp bài trên Hợp Lưu, vốn đã có tiếng tăm trước ở trong nước). Từ hải ngoại thì có nhà văn Trần Vũ với các tác phẩm dung-tục-hóa các anh hùng lịch sử, sở dĩ kể ra ở đây vì đề tài ấy hình như đồng điệu với nhà văn trong nước Nguyễn Huy Thiệp.


      - Tác-động thành-tựu văn-học kế tiếp nữa tại Little Sài Gòn là những cuộc biểu tình xuất phát từ Little Sài Gòn rồi tập trung trước tòa Lãnh Sự Trung Quốc ở Los Angeles để phản đối “Đường Chín Đoạn” gồm thâu gần hết Biển Đông thuộc vào lãnh thổ Trung Quốc và phản đối việc đưa giàn khoan dầu khổng lồ neo ở hải phận Việt Nam. Thật ra các biểu tình phản đối này của người Việt không chỉ xảy ra ở Little Sài Gòn mà ở khắp các thành phố có người Việt cư ngụ trên thế giới và ở các tỉnh thành Việt Nam. Kể riêng tại vùng quanh Little Sài Gòn, vụ này làm thành tựu văn học trong các sáng tác thi ca; tên hạm trưởng Ngụy Văn Thà chết theo hộ-tống-hạm Nhựt Tảo HQ-10 trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974 thường được nhắc nhở. Những bài thơ nhắc đến hạm-trưởng và hạm-phó Nguyễn Thành Trí không phải hiếm trong các báo phát hành hạn chế vùng quanh Litlle Sài Gòn, tiếc rằng đó không là báo văn chương có tiếng tăm nên gần như mai một với thời gian.


      Trong cuộc diễn-hành Tết năm 2013 tại Little Sài Gòn (hoặc 2014, không nhớ rõ), hình ảnh các chiến hạm bị bắn chìm ở Hoàng Sa năm 1974 được phóng lớn trên các xe diễn hành, theo sau xe có cả con trai của hạm-phó Nguyễn Thành Trí. Trong khi đó, xuất hiện trên tạp-chí văn-học phổ biến ở Hà Nội, họ “Ngụy” của hạm trưởng nổi bật trong một bài thơ hay của tác giả Trần Mạnh Hảo.


      Với các thành tựu văn học tại Little Sài Gòn, không thể không kể đến các các tạp chí văn chương tuy khá eo hẹp về tài chánh, số độc giả khoảng chừng từ 200 hoặc 500 đến 1000, vậy mà các tạp chí ra hàng tháng ấy hiện diện kiên trì (vài tạp chí sống lâu năm nhất, tồn tại có đến từ 10 năm trở lên gần kề 20 năm, càng về sau cũng phải gom lại thành hai hoặc ba tháng ra một lần), và đều ở Little Sài Gòn hay vùng rất cận gần như các thành phố Westminster, Santa Ana, Garden Grove, Huntington Beach; Anaheim… Đó là các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Khởi Hành, Thế Kỷ 21.


      “Tạp chí Thơ” cũng tồn tại khá lâu, nhưng bất định kỳ. Tạp chí “Chủ Đề” chỉ hiện diện trong vài số, nhưng cũng có khá nhiều bài biên khảo công phu. Nguyệt san “Thời Tập” hải ngoại khổ khá lớn (không như khổ nhỏ có nét riêng biệt ở Sài Gòn trước 1975) với 12 số xuất bản trong thời gian từ tháng 6/1990 đến tháng 6/1991 tại Westminster, California. Tạp chí văn chương mới gần đây nhất, tờ Tân Văn, khá dầy và ra đều đặn hàng tháng đến tháng 6 năm 2015 ấn hành đã tới số 95. Và cũng không thể quên các nhà xuất bản sách giá trị tuy rằng hiện nay không còn hiện diện như Nhà Xuất Bản Văn Nghê, Nhà Xuất Bản Đời, Nhà Xuất Bản Hồng Lĩnh. Nhà Xuất Bản Văn Mới hiện vẫn tồn tại. Ba nhà sách đứng vững lâu năm nhất, đến nay vẫn còn: Nhà Sách Tú Quỳnh ở Westminster, Nhà Sách Tự Lực ở Garden Grove, Nhà Sách Văn Bút kế khu Phước Lộc Thọ. Nhà Sách Văn Khoa trong khu Phước Lộc Thọ nay không còn nữa nhưng hình như vẫn lảng vảng tâm trí khi du khách vào khu thương mại này.


      Thành tựu văn học tại Little Sài Gòn kể như công phu nhất là bộ trường thiên tiểu thuyết “Mùa Biển Động” gồm 5 tập của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Đây là cuốn lịch sử tiểu thuyết với bối cảnh cuộc chiến tranh ở Miền Nam, và các nhân vật trải qua cuộc chiến là những người bình thường trôi theo dòng đời tao loạn, giới hạn theo hiểu biết của người trong cuộc (tác giả Nguyễn Mộng Giác) từ 1964 đến 1975 (không giới hạn theo lịch sử từ 1954 đến 1975).


      Đến năm 2015, lại thêm một bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử rất công phu nữa ra mắt tại Little Sài Gòn, nhưng thai nghén hình thành ở Canada, của nhà văn Nam Dao, gồm 3 tập dầy ở ba thời điểm lịch sử khác nhau: tập Dâu Bể (với thời gian cận đại nhiễu nhương từ 1927 đến sau này); tập Đất Trời (với thời gian triều đại nhà Minh đánh chiếm Đại việt, tiếp đến thời nhà Lê của Việt Nam); tập Gió Lửa (từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh đến lúc suy tàn của triều đại Tây Sơn). Từ một nơi xa đến ra mắt sách ở Little Sài Gòn, điều này có ý nghĩa biểu tượng: đến năm 2015, Little Sài Gòn ở California Hoa Kỳ vẫn là nơi đáng tin cậy vì có khá nhiều người Việt hiểu biết văn học ngôn ngữ Việt, dù bây giờ là thời đại của Internet, Văn chương Blog, Văn chương Toàn-Cầu-Hóa.


      Theo thiển nghĩ, tiểu thuyết lịch sử khuynh hướng “nửa hư-cấu nửa chép sử” của nhà văn Nam Dao, hay khuynh hướng biểu hiện tâm lý phức tạp của người dân nổi trôi nơi cuộc chiến có màu sắc mâu thuẫn ý-thức-hệ mà nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết ra, đều cần đến cả ngàn trang thể hiện. Thật là mất nhiều thời gian đọc cho đa số bận rộn với cuộc sống, mà tiểu thuyết viết ra là để dành cho số đông độc giả đó, đâu phải chỉ dành cho một số ít nhà nghiên cứu văn học. Vả lại, những cuốn hồi ký của các tướng lãnh quân đội Miền Nam hay viên chức cấp cao Việt Nam Cộng Hòa trước đây, tuy có vài thêm thắt hay giảm thiểu khi đề cập vai trò đảm nhiệm của họ trước đây, nhưng đều dồi dào tài liệu quân sự hay chính trị hay ngoại giao hay tình-báo, bởi họ là giới thân cận chính quyền. Hiểu biết chắc hẳn khách quan của họ khá chi-tiết khi sự việc không dính líu gì đến họ. Có thể liệt kê một số cuốn hồi ký hay sách tham khảo giàu tài liệu liên hệ đến những người một thời trách nhiệm như các nhân vật Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Đôn, Ngô Quang Trưởng, Bà Ngô Đình Nhu, Nguyễn Chánh Thi, Hồ Văn Kỳ Thoại, Đỗ Mậu, Nguyễn Tiến Hưng, Bùi Diễm, Nguyễn Cao Kỳ, Tôn Thất Đính…


      Trong khi đó các nhân vật ở trường thiên tiểu thuyết lịch sử là dân chúng bình thường, dù họ trong cuộc chiến, nhưng có khi sự hiểu biết những điều bí-mật được che đậy trước đây không mấy chính xác. Vậy trường thiên tiểu thuyết có lẽ khá cao vọng khi nhắm tới đa số người Việt đang ở nước ngoài. Vậy hình như thích hợp là loại tiểu thuyết ngắn độ 350 trang trở lại chừng 200 trang. Tạm giới hạn như vậy vì muốn tránh truyện quá ngắn ít công phu dàn dựng, ít dung chứa một cốt truyện kỳ lạ khúc mắc, hoặc khó biểu hiện cho đầy đủ một kỹ-thuật viết sáng tạo tân kỳ nào đó. Ta lấy ví dụ các cuốn tiểu thuyết “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân, hay “Dòng Sông Định Mệnh” của Doãn Quốc Sỹ, hay “Xe Lên Xe Xuống” của Nguyễn Bình Phương. Ta hồi ức kinh nghiệm khi từng là độc giả: Nội dung tác phẩm nếu minh bạch thì ta chỉ đọc một hai lần kể như tạm đủ, bao gồm cả ghi nhận các đoạn xuất sắc. Xin lặp lại một lần nữa: Tiểu thuyết cần được tiêu thụ, nếu viết sách không cần nhiều độc giả thì thiết nghĩ đừng viết tiểu thuyết; mục tiêu phải là viết loại sách nhận định hoặc nghiên cứu. Và tiểu thuyết thì cần một bối cảnh xã hội mâu thuẫn. Xã hội người Việt ở nước ngoài đang có những mâu thuẫn nào? Ta nhận ra chỉ có một mâu thuẫn quyết liệt về chính trị của những người không thể chấp nhận chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ở trong nước (một số người đến nay đã 40 năm xa cách Việt Nam mà vẫn chưa lần nào về nước). Nhưng đây là mâu thuẫn chính trị, có lẽ không cần biểu hiện trong tiểu thuyết vốn thường là Hư Cấu, chỉ cần biểu hiện trong những bài chính luận, nếu muốn thể hiện vào văn học thì là những bài chính văn.


      Ngoài ra, tất cả những mâu thuẫn xã hội khác dường như đều được hóa giải nhờ đời sống tiến bộ nơi hải ngoại. Mâu thuẫn Giàu Nghèo không quá lắm, sau 40 năm ai cũng có cuộc sống dễ thở, một số ít người nay cũng trở thành triệu phú do tài trí thương mại hoặc sáng kiến kỹ thuật khoa học. Các quân nhân theo chương trình HO đến Mỹ hơi trễ tràng và đã khá lớn tuổi, khó khăn tài-chánh lúc đầu, thì khi đến tuổi 65 ai cũng được bảo đảm y tế với chương trình Medicare và Madical phối hợp và được trợ cấp tiền già, đủ bảo-đảm cuộc sống, trong khi đó thế hệ con cháu đa số đều đã thành công ở xứ người.


      Mâu Thuẫn Thế Hệ Già Trẻ chắc không có, vì các bậc cha mẹ qua đây là cho con cháu có dịp học hỏi để thành công nơi xứ người. Mâu Thuẫn Nam Nữ thì đã lụi dần qua thời gian nhờ tiếp thu văn hóa tiến bộ, xa lìa dần văn hóa trọng nam khinh nữ. Mâu Thuẫn Trình Độ Học Vấn lui vào quá khứ khi thế hệ trẻ lớn lên đều lần lượt vào college hay university nhờ nền Giáo Dục Khai Phóng, ai cũng có nhiều dịp tiến thân. Mâu Thuẫn Sinh Kế tùy theo thời kỳ tăng trưởng kinh tế hay suy thoái kinh tế, trồi sụt chung cho tất cả moị người trong Hiệp Chủng Quốc, không riêng gì người Việt. Mâu Thuẫn Chủng Tộc không từng có trong tâm thức người Việt, người Việt không tự hào dân tộc quá đáng, khá khiêm tốn, nhất là khi con cháu kết hợp gia đình với người bản xứ. Mâu Thuẫn Tôn Giáo không trầm trọng, vì hình như tôn giáo nào ngày nay đều chấp nhận vợ chồng có thể khác tôn giáo. Thế hệ con cháu sẽ tùy theo cha mẹ ông bà khuyên lựa chọn, hay họ tự ý lựa chọn tôn giáo nào sau này.


      Nếu mâu thuẫn đều đã được hóa giải thì tiểu thuyết không gặp môi trường xúc tác làm nên cốt truyện dằn co, khúc mắc, rối rắm, nan giải, căng thẳng, đợi chờ, hy vọng, tuyệt vọng… Có mâu thuẫn trầm trọng mới hình thành bối cảnh tiểu thuyết, như nhận định của Họa sĩ Tạ Tỵ (1922-2004) trong “cuộc thảo luận bàn tròn về tiểu thuyết” giữa 9 tác giả, đăng trên Tuần báo Nghệ Thuật ở Sài Gòn, ấn hành trong tháng 9 năm 1965: “Chúng ta, người viết không thể loại bỏ cuộc sống, vì cuộc sống tạo thành mâu thuẫn. Mâu thuẫn khích động nghệ thuật và hình thành trào lưu nghệ thuật mới”. (Trích lại trong bài hồi ký của nhà văn Viên Linh đăng trên Nhật báo Người Việt tại Westminster, Quân Cam, California, số ra ngày 3 tháng 6 năm 2015).


      Tóm lại, các mâu thuẫn cuộc sống đều được hóa giải, vậy thì tiểu thuyết không cần có mâu thuẫn xã hội là tiểu thuyết gi? Như đoạn trước đã có nhắc đến ba tập truyện của các nhà văn Nguyễn Tuân, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Bình Phương mà theo thiển-ý có thể lấy làm các hình-thái ví-dụ để viết truyện. Thứ nhất, các truyên ấy không dài lắm không ngắn lắm, từ 350 trang trở xuống. Các truyện ấy có các màu sắc hoặc huyền bí như “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân viết về cây đàn ma và nhân vật lạ lùng căm ghét những gì thuộc cơ-giới văn minh. Còn Doãn Quốc Sỹ viết truyện với biểu tượng thơ mộng “Dòng Sông Định Mệnh”, tác giả lấy dòng sông qua làng mình như một đời người khi êm đềm hạnh phúc; khi khuất lấp chia ly; khi gặp gỡ trùng phùng nơi cửa biển. Và Nguyễn Bình Phương viết tập truyện “Xe Lên Xe Xuống” với kết cấu bí ẩn làm mỗi người có thể hiểu theo một cách trong bối cảnh đường đèo khuất khúc hiểm trở đầy sương mù nên không phân biệt được xe nào lên xe nào đang xuống; hoặc có thể hiểu xe lên xe xuống chập chờn là xe ma và xe của người dương-thế; ở miền biên giới Việt Hoa; trong thời điểm sau cuộc chiến biên giới năm 1979.


      Người viết định liệt kê thêm tác phẩm “Chơi Giữa Mùa Trăng” của Hàn Mặc Tử, rất huyền ảo nhưng gần như không có cốt truyện, chỉ như một tùy bút dạo cảnh đêm trăng ven bờ biển nhiều cồn cát cùng người chị mặc áo trắng nhuộm ánh trăng đẹp như một thiên thần. Và người viết cũng muốn ghi thêm truyện “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời” của Mai Thảo, tuy cốt truyện siêu thực của một người có khát vọng hướng về cõi vô hạn, nhưng chỉ vài mươi trang như một truyên ngắn. Cũng khá ngắn với truyện “Bắt Sấu Rừng U Minh Hạ” của Sơn Nam, tuy cũng hay vì mang màu sắc hoang dã và dị đoan thần bí của thời người Việt đi khai hoang mở cõi ở vùng rừng tràm rừng đước Cà Mau sình lầy và nhiều thú dữ, nhưng vì truyện quá ngắn chỉ có độ 9 trang sách. Và người viết cũng muốn kể thêm một truyện vừa đủ độ dài “Vườn Quên Lãng” của Viên Linh, tuy truyện khá thơ mộng, có chút màu sắc trinh thám, nhưng bối cảnh nhiều nét hiện thực xen kẻ vùng kinh rạch Sài Gòn và phố thị trung tâm thời ấy cũng lắm phòng trà ca hát.


      Trong ba truyện liệt kê làm ví dụ nên theo để viết tiểu thuyết của Nguyễn Tuân, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Bình Phương; người viết thiển nghĩ chọn hình thái tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Tập truyện ấy có số trang dài nhất (293 trang), có kết cấu phức tạp nhất khiến độc giả cần đọc nhiều lần để dần dần biết cốt truyện, tuy rằng cũng mơ hồ tùy theo mỗi người nắm bắt mạch lạc diễn tiến câu truyện; có lối văn diễn đạt nhiều chất thơ đẹp huyền ảo. Nó không quá “hiện thực huyền ảo” như trong “Trăm Năm Cô Đơn” của Gabriel Garcia Marquez, giải Nobel Văn Chương 1982 (được kể là hiện thực huyền ảo khi người phàm cùng thiên thần hay ma quỹ sống lẫn vào nhau trong đời thường nhật; với bối cảnh cuộc nội chiến có thực ở nước Colombia thuộc lục địa Nam Mỹ). “Hiện thực thời thuộc địa” trong Trăm Năm Cô Đơn lại rất linh động, chẳng hạn đoạn văn mô tả cuộc dẹp biểu tình giết hàng ngàn công nhân đồn điền trồng chuối ở xứ Colombia: quân đội đặt súng đại liên trên nóc cao nhà ga xe lửa, bắn tỉa đoàn người chạy qua chạy lại khi tránh đạn làm thành những vòng tròn người, cứ tiêu diệt dần như bốc lần lượt các lớp vỏ một Củ Hành Tây. Và cũng ở tập truyện tuyệt tác này, “huyền ảo thần bí” (nghĩa là không tân kỳ hiện thực huyền ảo), theo thiển nghĩ mới thực sự gây ấn tượng: như trận bão hủy diệt không còn dấu vết thị trấn Macondo, sau các tín-hiệu báo trước là những tiếng ầm ầm chuyển động dưới nền nhà do hàng hàng lớp lớp đàn kiến lửa đào đất chui lên. Trận bão xóa sạch này như một phiên bản Cơn Đại Hồng Thủy trong Thánh Kinh để trừng phạt một thế giới tội lỗi (Trong truyện “Trăm Năm Cô Đơn” với tội loạn luân; và dường như tác giả làm bớt chất tội lỗi khi tạo ra những nhân vật, tuy có mối liên-hệ họ hàng gần gũi, nhưng đều có lứa tuổi xuýt xoát không cách nhau xa lắm).


      Tóm lại, tập truyện của Nguyễn Bình Phương mang chất bí ẩn do kết cấu khúc mắc, và có tính huyền ảo nhờ bút pháp nhiều thi-tính và điểm xuyết những kiến thức khoa học kỳ diệu về địa chất, về vật lý. Với những yếu tố đã kể trên, người viết bài này nghĩ rằng có thể lấy tác phẩm này làm một hình thái viết tiểu thuyết không thoát thai từ mâu thuẫn xã hội nào, có chủ-đích sáng tạo tân kỳ cho văn học về cấu trúc và bút pháp. Tuy nhiên tác phẩm “Xe Lên Xe Xuống” có thể một phần nào sáng tác do thúc đẩy thoát thai từ các hồi ức cuộc chiến biên-giới 1979 hằn vết những sự hủy diệt tàn khốc… Những yếu tố tân kỳ và bí ẩn sẽ làm cho tiểu thuyết độc đáo dễ được phổ biến, chắc sẽ có cũng khá đông độc giả ở hải ngoại hay ở trong nước nếu được xuất bản. Khi cốt truyện và cách viết không phức tạp, đọc chỉ một lần thì nắm bắt, sẽ không gây tò mò đọc thêm nhiều lần nữa. Dĩ nhiên nội dung cần chứa đựng một thông điệp tốt đẹp cho con người, hướng về nhân bản. Kết cấu mập mờ cần thiết để độc giả dò dẫm tìm ra sự dàn dựng, nhưng không quá khó đọc vì tận dụng viết theo Dòng Ý Thức Hỗn Tạp như ở tác phẩm, “Âm Thanh và Cuồng Nộ” của William Faulkner (Giải Nobel Văn chương năm 1950); hoặc quá khó nhớ tình tiết cốt truyên vì tác giả tận lực trộn lẫn chồng chéo thời xa xưa và thời hiện tại làm độc giả rối mò, như ở tập truyện “Ulysses” của James Joyce.


      City of Walnut, California, tháng 6 năm 2015

      Trần Văn Nam

      Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nghĩ Về Di-Cảo Mấy Ngàn Trang Của Một Nhà Thơ Yểu Mệnh Trần Văn Nam Nhận định

      - Tình Quê Tường Thuật Và Tình Quê Thăng Hoa Trong Thi Ca (Qua Thơ Đạm Thạch) Trần Văn Nam Nhận định

      - Giang Hữu Tuyên, Nhà Thơ Hải Quân Nhưng Tâm Hồn Hướng Về Châu Thổ Trần Văn Nam Nhận định

      - Có hay không sự chuyển đổi tình cảm trong thơ phổ nhạc Trần Văn Nam Nhận định

      - Trường ca khi ở trên tầng bình lưu Trần Văn Nam Thơ

      - Hà Nguyên Du đi giữa Duy Mỹ của Thơ Cũ và rất Hiện Đại của Thơ Tân Hình Thức Trần Văn Nam Nhận định

      - Với nhà văn Mặc Đỗ, ta biết thêm vài điều qua cuốn sách mới nhất của ông Trần Văn Nam Nhận định

      - Nhà Văn Lữ Quỳnh Viết Truyện Phản Chiến Ở Vị Trí Và Bối Cảnh Nào? Trần Văn Nam Nhận định

      - Dẫn Lược Từng Chương Tiểu Thuyết Danh Tiếng của Thomas Hardy Trần Văn Nam Giới thiệu

      - Chất Thơ Do Cảm Nhận Vài Kiến Thức Về Tư Tưởng Của Kant Và Hegel Trần Văn Nam Nhận định

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)

      Trò chuyện với dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)

      Bùi Giáng, bước chân đi tìm hồn nguyên tiêu và một màu hoa trên ngàn (Bùi Vĩnh Phúc)

      Bùi Giáng (1926 - 1998) (Bùi Vĩnh Phúc)

      Ôn ra đi để lại nụ cười (Trần Trung Đạo)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)