1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đầu năm nói chuyện thơ (Trần Long Hồ) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      9-02-2017 | VĂN HỌC

      Đầu năm nói chuyện thơ

        TRẦN LONG HỒ
      Share File.php Share File
          

       


           Nhà văn Trần Long Hồ

      Thơ Việt Nam, chủ yếu là thơ tình, và cái cốt của thơ tình Việt Nam là buồn. Gần như những bài thơ tình tuyệt vời sống mãi trong lòng người thưởng ngoạn là những vần thơ sầu muộn, hay ai oán, có khi đến thê lương. Thơ tình Việt Nam mà vui nhộn rất hiếm, gần như là không có, nếu có, cũng không tồn tại lâu.


      Có lẽ, tâm hồn người Việt Nam nhạy cảm với những gì đau thương và sầu khổ. Chuyện tình nào dở dang mới gây được trắc ẩn trong lòng người.


      Từ hơn nữa thế kỷ trước, Hồ Zếnh đã chỉ rõ cái cốt của thơ tình Việt Nam:

      Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

      Đời mất vui khi đã vẹn câu thề

      Hai câu thơ này sinh ra lắm điều để nói. Trước tiên, lời thơ hay và ý thơ gợi lắm ưu tư cho người đọc. Nếu không đúng như thế, tại sao hai câu thơ này tồn tại qua biết bao thập niên mà người ta vẫn không quên được chúng. Nhưng hình như có điều gì không ổn trong hai câu thơ này. Vì sao? Có một mâu thuẫn trầm trọng giữa ý thơ với sự thật cuộc đời. Hồ Zếnh làm hai câu thơ như vậy, thực sự, ông có muốn những chuyện như thế xảy ra cho đời ông hay không? Chắc chắn là không?


      Thật sự, Hồ Zếnh muốn nói đến tình thơ và đời thơ, chứ không phải tình thật và đời thật. Từ thơ cho đến thật là cả một khoảng cách nghìn trùng


      Đối với tình và dời trong thơ, ta muốn dùi vập thế nào cũng được, chứng ai bị kết tội bao giờ. Có khi lại được người đời ưa chuộng và khen ngợi. Nhưng với tình và đời thật thì không được. Ta tự vùi dập tình và đời mình thì toi mạng. Còn ta hại tình và đời người khác thì ngồi tù.


      Có một liên hệ mật thiết giữa tình thơ và tình đời. Người ta lấy cái tình thơ, buồn, như một phương tiện để cứu rỗi tình đời, chán.


      Lui xa hơn vào thời quá vãng, Nguyễn Khuyến, người ta thường xếp ông vào khuynh hướng thơ trào phúng nhưng chính thật ông là một bậc thầy trong lối thơ tả cảnh.


      Chứng ta đọc vài câu thơ Nguyễn Khuyến như sau:

      Trời thu xanh ngắt mất tầng cao,

      Cầu trúc lơ phơ gió hắt hiu.

      Nước biếc trông như tầng khói phủ,

      Song thưa để mặc bóng trăng vào. (l)

      Hay là:

      Trâu già nấp bụi phì hơi nắng

      Chó nhỏ bên ao cắn bóng người

      Nguyễn Khuyến sống vào cuối thế kỷ 19 (1835-1909). Vào mùa thu năm 1884, ông cáo quan trở về quê ở Yên Đổ, sống cuộc đời thanh nhàn nơi thôn dã. Đời sống ở thôn quê vốn bình dị và tẻ nhạt nhưng ông sống rất thọ, đến 74 tuổi. Vào thời đó, ở Tây Phương tuổi thọ bình quân của người dân chỉ đến 40. Thế mà ở Việt Nam trong tình trạng yếu kém về y tế, Nguyễn Khuyến sống đến chừng ấy tuổi, trải qua một cuộc sống dài đến 25 năm nơi thôn dã, hẵn là một chuyện lạ. Không những ông sống lâu mà còn vui và khỏe. Gần như toàn bộ tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm của ông đều được làm ra trong thời gian về hưu. Ai đã giúp cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Khuyến? Kẻ đó là thơ. Chỉ có thơ mới có thể giúp ông sống thọ và sáng tác hay như vậy.


      Gần hơn, Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ nổi danh từ thời tiền chiến. Ông là một nhà thơ thất tình hạng nặng trong những người cùng thời. Chính chuyện này đã đem đến cho Vũ Hoàng Chương những bài thơ tình lừng lẫy và chúng đã làm nên tên tuổi ông. Tiêu biểu nhất là bài Mười Hai Tháng Sáu:

      ......

      Tháng sáu mười hai - từ đấy nhé

      Chung đôi - từ đấy nhé lìa đôi

      Em xa lạ quá - đâu còn phải

      Tố của Hoàng xưa Tố của Tôi

      Men khói đêm nay sầu dựng mộ

      Bia đề tháng sáu ghi mười hai

      Tình ta ra tiếc - cuồng - ta khóc

      Tố của Hoàng nay Tố của Ai

      ......

      Gần hơn nữa, cùng thời với chúng ta cũng có lắm kẻ thất tình, nhưng ít người đau khổ như nhà thơ Hoàng Lộc trong Vô Tình Khúc:

      ......

      ngày ấy tưởng xa là chết dược

      ai ngờ con sáo vẫn sang sông

      ngày ấy môi em là mật ngọt

      ai có ngờ cay nát tâm lòng

      chẳng lẽ giận đời đi uống rượu

      mà say chưa chắc đã quên đời

      cũng chưa chắc ấm sầu xa xứ

      đỏ mặt hoàng hôn cũng hổ ngươi

      ......

      Cả hai nhà thơ đều thất tình. Với Mười Hai Tháng Sáu của Vũ Hoàng Chương, thật là khổ quá sức, người nào đang thất tình mà đọc nhằm bài thơ này chắc phải tự vận mà chết. Còn ai cùng hoàn cảnh mà đọc phải Vô Tình Khúc của Hoàng Lộc chắc rằng phải từ giã cuộc đời, xuống tóc đi tu. Trong khi hai tác giả đã gây nhiều xúc cảm cho người đọc thì chính hai ông, tuy thất tình nặng như vậy, lại không hề hấn gì. Hai ông vẫn lập gia đình, sống bình thường và làm thơ liên tục. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương sống đến già, mất vào năm 1976 tại quê nhà. Còn nhà thơ Hoàng Lộc vẫn sống không hề suy suyển tại hải ngoại. Mới đây ông vừa ấn hành tập thơ Qua Mấy Trời Sương Khuya. Nhờ đâu mà cả hai ông không những chẳng hủy hoại đời mình mà còn sống thật bình thường. Đó là nhờ thơ vậy. Thơ đã chuyển nỗi buồn quay quắt của hai ông vào tình thơ để tình đời luôn luôn an lành và vui vẻ.


      Sang trường hợp khác, Phùng Quán là một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của thơ. Ông là một nhà thơ chính trực và kiên cường. Tuy Phùng Quán là cháu, gọi Tố Hữu là cậu, nhưng ông không hề hưởng được bổng lộc hay bất cứ điều gì ưu ái của chế độ. Ngược lại, ông bị chế độ cộng sản trù ếm cả một đời. Trong khoảng thời gian dài phải chịu đau khổ miên man, Phùng Quán đã ghi ra được hai câu thơ thật chí lý:

      Có những phút ngã lòng

      Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!

      Như thế, nếu không có thơ, đời Phùng Quán sẽ ra sao? Một đời cùng khổ và thiếu thốn lại bị quẩn bách về tinh thần, không có thơ chắc hẳn ông đã chết rất sớm.


      Như vậy, trong văn chương thơ là kẻ cứu rỗi con người. Không phải một người mà cả xã hội Việt Nam qua nhiều thế hệ đã thọ ơn thơ. Nhưng chúng ta đã làm gì cho thơ? Chúng ta đã hành xử thơ, kẻ cứu rỗi mình, như thế nào?


      Đã từ lâu, có người nói rằng, bất cứ ai, buồn và rỗi rảnh quá, không biết làm gì, cứ làm thơ nhiều và thường xuyên, đến một lúc nào đó, sẽ thành thi sĩ. Điều này, nghe qua, tưởng như chuyện khôi hài trong lúc trà dư tửu hậu, nhưng ở hải ngoại, dường như đúng. Trong những năm gần đây, số người làm thơ bỗng nhiên gia tăng quá nhiều. Do đó số sách thơ, gọi là thi phẩm hoặc thi tuyển, cũng được in ra vô số kể. Điều gì đã gây ra tình trạng lạ lùng này?


      Đến năm 2000, chúng ta đã sống ở hải ngoại được 25 năm. Trong khoảng thời gian dài như vậy, cùng lúc với tình trạng sách vở và báo chí phát triển càng ngày càng rầm rộ và qui mô, thơ cũng vươn mình lớn mạnh. Nhưng, điều lạ là thơ vùng lên quá mức về mặt số lượng. Đồng thời, sách thơ được in ra trùng điệp. Nhưng điều kỳ lạ hơn là người làm thơ rất đông, sách thơ được in ra thật nhiều nhưng không bán được. Người ta yêu thơ nhưng lại không mua thơ.


      Trên thị trường, thơ là loại sách có số tiêu thụ buồn thảm.

      Đối với thơ, điều nghịch lý này cứ tồn tại một cách tự nhiên và ít ai để ý đến.


      Trong văn chương, suốt thời gian mà chúng ta hay tự hào bốn ngàn năm văn hiến, thơ giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Thơ có từ xa xưa, chiếm vị trí thượng phong trong sinh hoạt xã hội của người Việt Nam. Cho đến hôm nay, thơ vẫn hiện diện cùng khắp trong mọi sinh hoạt văn hóa của chúng ta tại hải ngoại. Thơ có mặt trên hầu hết các báo, từ loại chuyên đề thuần túy văn chương cho đến loại báo quảng cáo phát không, thậm chí đến các bích chương hay đặc san hoặc tuyển tập của học sinh trong trường.


      Ngoài xã hội, gần như thơ có mặt trong bất cứ sinh hoạt nào, ở bất cứ tình huống nào, từ những câu chuyện nghiêm túc cho đến các chuyện linh tinh như chửi bới. Thơ xâm nhập con người từ tuổi trẻ cho đến các cụ già, nam cũng như nữ. Trong các buổi lễ hay họp mặt thường ngày, từ nơi trang trọng cho đến chốn xuề xòa, khi mở đầu câu chuyện người ta hay mượn thơ. Để chứng tỏ tài năng văn chương, người ta dùng thơ. Muốn khen tặng nhau hay xưng tụng nhau, bèn làm thơ. Vì ghét nhau, muốn mạ lỵ hay chửi bới nhau cũng làm thơ. Khi xưa, thông thường trai gái tỏ tình nhau hay nhờ vào thơ. Cho đến hiện nay, nhờ điện thư (e-mail) mà chuyện tỏ tình bằng thơ hay "thả dê" qua "internet" cũng đã phát triển mạnh. Mừng ngày sinh, ngày cưới, ngày đỗ đạt người ta dùng thơ. Lúc buồn bã, thậm chí cho đến ngày chết, người ta cũng dùng thơ. Do đó, loại thơ phúng điếu có cơ hội xuất hiện thường hơn. Từ trước trong đám tang của một người nổi tiếng, hay có chức phận, để kính trọng người ta cử một người đại điện đứng lên đọc diễn văn, chắc rằng trong đó có một bài thơ đưa tiễn. Gần đây, thơ còn chiếm ngự trên cả quảng cáo phân ưu. Loại thơ này, ta tạm gọi là "thơ phúng điếu". Rồi, còn nữa, đến cả khi ăn uống, làm tình, và làm vệ sinh, ... người ta cũng làm thơ.


      Người Việt chúng ta say mê thơ đến thế. Ai ai, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, đều dùng thơ. Việt Nam chúng ta là một dân tộc thích thơ. Càng ngày chúng ta nghiện thơ càng nặng. Người làm thơ càng đông. Chúng ta in sách thơ càng nhiều. Nhưng! Chúng ta không mua thơ? Chẳng ai chịu mua thơ!


      Chuyện này nảy sinh ra làm vấn đề.


      Trước tiên, động cơ nào đã thúc đẩy sự gia tăng số người làm thơ? Sau đó, tại sao sách thơ được in ra nhiều mà lại tiêu thụ chậm?


      Về động cơ gây gia tăng số người làm thơ. Trước tiên, do đời sống của người Việt Nam ở hải ngoại đã qua 25 năm. Giai đoạn bấn loạn trong môi trường mới và cực khổ trong nếp sống mới đã qua. Trong mười năm gần đây phần lớn người Việt Nam đã đạt dược một nếp sống đầy đủ, người ta bắt đầu giải quyết nhu cầu tinh thần nhiều hơn. Cộng đồng Việt Nam thành hình tương đối vững mạnh với sự phát triển về văn hóa, trong đó, văn chương là một bộ phận gắn liền với xu hướng vươn lên của sách vở và báo chí. Báo ra càng nhiều, nhất là loại báo quảng cáo phát không, vùng đông dân Việt Nam nào cũng có nhiều tờ. Báo càng nhiều thì nhu cầu "trám" bài càng lớn. Các vị chủ nhiệm, chủ bút, thư ký, thợ in, người phân phối, ... (có khi tất cả nhiệm vụ này chỉ do một người đảm nhiệm), lấy bài từ sách báo cũ, riết cũng hết dần, thêm vào đó các tác giả vẫn còn sống khỏe ở đâu đó, mà luật lệ về tác quyền ở Hoa Kỳ lại rõ ràng. Cho nên các vị bèn sáng tác luôn, "trám" vào cho tiện. Sức người có hạn, các vị làm hoài trong một thế gian ngắn cũng kiệt lực, bạn hô hào và níu kéo bạn bè sáng tác. Thế là, nhiều người ôm mộng thơ văn từ thuở thiếu thời nhưng không toại nguyện, bây giờ có cơ hội để thi thố tài năng.


      Trong những hình thức sáng tác văn chương, thơ là loại dễ làm vì ít tốn thời giờ và công phu nếu so với truyện ngắn, truyện dài, và biên khảo. Đó là nói tình trạng chung về mặt số lượng. Còn về chất lượng lại là một chuyện khác. Vì thơ tuy dễ làm nhưng lại dễ dở.


      Thêm vào đó, kỹ thuật in ấn tiến bộ quá nhiều và mức độ phổ biến sách báo cũng gia tăng thật rộng rãi. Chỉ cần một máy "computer", một máy in ("laser" càng tốt), và một chương trình xếp chữ Việt, tác giả có thể hoàn thành một bản in "camera ready" để mang ra nhà in. Từ đó tác phẩm thơ ra đời càng nhiều.


      Tại sao sách thơ in ra nhiều mà lại không thể tiêu thụ được?

      Thơ là thể loại có số sách tiêu thụ chậm nhất trong thị trường sách hiện nay. Càng ngày, người làm thơ càng gia tăng thì sách thơ càng in ra nhiều hơn. Có một tỉ lệ thuận giữa người làm thơ và sách thơ. Đồng thời, có một tỉ lệ nghịch giữa sách thơ và người tiêu thụ. Sách thơ càng được in ra nhiều thì số tiêu thụ càng giảm đi. Hình như, giới thưởng thức thơ có chiều hướng nội. Người làm thơ cũng là người đọc thơ, dĩ nhiên. Thông thường số người đọc thơ nhiều hơn người làm thơ. Nếu số người làm thơ càng nhiều thì số người đọc thơ của kẻ khác càng ít đi. Như vậy, thoạt tiên chúng ta tưởng rằng người làm thơ càng tăng thì người đọc thơ càng nhiều. Chưa chắc như vậy, người làm thơ càng tăng thì số người đọc thơ của chính họ càng nhiều, nhưng số mua thơ của người khác càng giảm xuống. Vì thế, số sách thơ được in ra nhưng không thể bán được.


      Thêm nữa, thơ được in ra trước tiên là để thỏa lòng mơ ước của tác giả. Chỉ tốn khoảng một ngàn năm trăm đô la mà có được 1000 cuốn sách thơ để thỏa mộng thi nhân thì ai mà không làm. Huống chi, tác giả là người say mê thơ và sống với thơ cả một đời. Có khi tác giả sống với thơ lâu hơn cả với người bạn đời, thế thì in ra một tập thơ, tức sinh ra một đứa con tinh thần mà bấy lâu nay ấp ủ, ai mà không muốn. Do đó, các tác giả cứ bỏ tiền in thơ trước, bằng cách nào cũng được. Tác giả tự in và xuất bản, chịu hết mọi phí tổn rồi nhờ một nhà phát hành chuyên môn lo liệu giùm. Tiền lời không thành vấn đề. Hoặc có tác giả đài thọ hết phí tổn cho một nhà xuất bản, miễn sao có sách thì thôi. Họ không bao giờ nghĩ đến chuyện thu lại tiền nhờ vào sách thơ bán được. Có khi, một số thân hữu bỏ tiền ra in thơ cho một tác giả, lợi nhuận sẽ tính sau. Đó là trường hợp tác giả có tài và nổi tiếng, như tập Thơ Tuyển của nhà thơ Tô Thùy Yên, hay một số sách thơ của Bùi Giáng.


      Như thế, tự khởi đầu, sách thơ được in ra giống như để chơi. Nói như vậy cũng không nên lắm nhưng thật sự không phải để bán. Lý do chủ yếu là tác giả muốn có tác phẩm góp mặt với đời. Tự lúc phát khởi đã không phải vì mục đích thương mại thì tức nhiên sách thơ không bán được cũng là chuyện tự nhiên thôi.


      Sang vấn đề khác, chúng ta hành xừ thơ, kẻ cứu rỗi mình, như thế nào?


      Trong thập niên gần đây nhất, thơ gặp lắm chuyện hoang mang và nhiều điều ngang trái. Sau hàng trăm năm đến ngàn năm lễ độ với thơ, hình như chúng ta bắt đầu "trở chứng".


      Khoảng gần nửa thế kỷ trước khi nhóm Sáng Tạo mới thành hình thơ được phá đường và mở ngõ ra hình thức gọi là Thơ Mới. Có người gọi loại này là Thơ Tự Do. Thật sự, loại thơ mới đã xuất hiện trên thi đàn Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Những nhà biên khảo vãn học sử ghi rằng Phan Khôi là người đề xướng ra phong trào Thơ Mới từ khoảng năm 1931-1932. Nhưng Phan Khôi không nhận chính ông là người chủ trương lối thơ mới. Theo ông, chẳng có lối thơ nào gọi là thơ mới và loại nào gọi là thơ cũ. Thơ có thể dùng bất cứ lối nào cốt để diễn tả được hết tư tưởng của mình là được. Nếu gọi là thơ mới tức nhiên có thơ cũ. Rồi đi đến chuyện chọn thơ mới và bỏ thơ cũ là không nên. Thật sự lối thơ được gọi là mới tức là lối dùng khi câu dài khi câu ngắn đã có từ đời Tống bên Trung Hoa. Xa xưa hơn nữa, hình thức này đã xuất hiện trong loại thơ Cổ Phong từ trong Kinh Thi. Từ đầu thế kỷ 20, cách đây đã 70 nắm, chính Phan Khôi đã nêu ra ý tưởng chí lí, đã bảo "gọi là thơ mới" thì phải mới trong cái ý thơ, hoặc trong cách diễn đạt ý thơ, chứ không phải mới ở "khuôn khổ bài thơ" (3).


      Bài thơ Tình Già của Phan Khôi bị gắn cho tước hiệu "thơ mới đầu tiên" của Việt Nam. Tôi trích ra một số câu của Phan Khôi:

      Hai mươi bốn năm xưa

      một đêm vừa gió lại vừa mưa

      Dưới ngọn đèn mờ.

      Trong gian nhà nhỏ

      Hai mái đầu xanh kề nhau than thở.

      - "Ôi đôi ta! tình thương nhau thì vẫn nặng.

      Mà lấy nhau hẳn đà không đặng

      Để đến nỗi tình trước phụ sau

      Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau".... (4)

      Bài Tình Già được đăng trên báo Phụ Nữ Tân văn, số 122, ngày 10 tháng 03 năm 1932. Dạo đó, khi thơ mới ra đời đã bị công kích rất nhiều. Người bài bác dữ dội là Tản Đà Nguyên Khắc Hiếu. Ông cho rằng thơ Phan Khôi chẳng có gì là mới cả. Nhưng sau đó, hàng loạt thơ mới của tác giả Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Nguyễn Vỹ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên,... đã làm cho độc giả say sưa và rung cảm.


      Để bênh vực thơ mới, Lưu trọng Lư với sự yểm trợ của Thế Lữ đã lên tiếng trên báo Phong Hóa số mùa Xuân 1933: "Cái lối thơ mới của chúng ta là đúng vào cái thời kỳ phôi thai, thời kỳ tập luyện và nghiên cứu. Không biết rồi đây, nó có đi đến chỗ thành công hay là nửa đường bị đánh đổ. Đó là bí mật của lịch sử mai sau. Dù thế nào nó cũng có cái giá trị là giúp cho sự tự do phát triển của thi ca..." (5)


      Qua mấy câu trên của Lưu Trọng Lư, từ dạo xa xưa đó, 1933, trước sự chống đối của phái bệnh vực thơ cũ, chúng ta nhận thấy ông đã có thái độ rụt rè, không dám mạnh mẻ xác quyết phương hướng và chủ đích của thơ mới. Điều mà ông cho rằng "bí mật của lịch sử mai sau" đã được nhiều người thừa kế và tiến hành. Nếu Lưu Trọng Lư và những người bênh vực thơ mới ở giai đoạn gọi là "phôi thai", sống đến ngày hôm nay, chắc hẳn vui lòng. Bởi vì những người trong lớp hậu sinh của các vị đã đẩy thơ "mới đến độ không ngờ", chuyện này chúng ta sẽ bàn sau.


      Bàn về thơ mới trong thời gian đó, có lẽ chúng ta nên đọc lời nhận xét rõ ràng của ông Hoàng Huy Giang trong bài Thi Ca Việt Nam Hiện Đại đăng trên Tia Sáng, đặc san số 2, ngày 29-05-1954:

      Tuy nhiên, dù các trào lưu văn chương Tây Phương có Xâm nhập Việt Nam, nhưng thực ra, xét các thi phẩm hồi gần đây, ta thấy chủ trương của các thi nhân bộc lộ rất lờ mờ khiến người thiếu óc thống quan khó có thể phân biệt và nhận định được chính xác. Thực vậy, chính những người khởi xướng cũng chưa có ý thức rõ ràng về chủ trương của mình cho nên căn cứ vào những quan niệm sai lầm và thiếu sót của từng thi phái, căn cứ vào kỹ thuật sáng tác thiếu lý thuyết vững vàng của họ, thấy chưa có một thi phái nào có triển vọng cho một tương lai thi nghệ Việt Nam.


      Dù sao khách quan mà xét quá trình phát triển của nền thơ mới, chúng ta cũng phải thành thật nhận rằng các thi gia hiện đại đã ghi lại được ít nhiều đáng kể, đánh dấu một bước tiến trong nghệ thuật thi ca Việt Nam, nhất là về phần hình thức...." (5)

      Đây là lời nhận xét của Hoàng Huy Giang vào năm 1954, cách đây gần đúng nửa thế kỷ, chúng ta nhận thấy, vẫn còn đúng, phần nào, cho sự phát triển của thơ vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.


      Khi nhóm Sáng Tạo thành lập vào tháng 10 năm 1956, đến số 2 tháng 11 năm 1956, Nguyên Sa đã phát khởi một bài thơ mới, tựa là Tự Do:

      Ta là người ta vẫn tự do

      Người con gái ta yêu vẫn là Hoàng Hậu

      Dao cứa cổ vẫn mở đường cho máu chảy

      Ta là người ta vẫn tự do

      Sáng ngày mai vẫn là trời sáng

      Bàn tay nắm bàn tay là bàn tay nắm chặt

      Ngọn cờ chỉ buộc vẫn ngọn cờ bay

      Ta là người ta vẫn là ta

      Ta là người ta vẫn tự do

      Ta đã tan trong nụ cười huynh đệ

      Đây có thể nói là phát súng khai chiến cho phong trào thơ mới trên Sáng Tạo dạo đó. Trong nhóm có nhiều nhà thơ mới khác như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên,... nhưng có lẽ chỉ có Nguyên Sa là người chiến đấu hăng say nhất cho sự sống còn của thơ mới hay thơ tự do.


      Trong giai đoạn thơ tự do ra đời ở những năm 50 đã gặp nhiều sự chống đối. Tôi liên tưởng đến tình trạng sinh hoạt thơ trong những năm gần đây khi tạp chí Thơ ra đời đã đề xuất những bài thơ, phải nói rằng quá mới hay cực kỳ mới. Đã có vài xôn xao xảy ra trên một số tạp chí, như trên mục trả lời của báo Hợp Lưu. Tôi không cho rằng những xôn xao đó là chống đối, mà chỉ là những ý kiến tương phản nhau. Còn sự chống đối thơ tự do trong thời kỳ đầu của Sáng Tạo chắc hẳn gay go về chiều sâu cũng như diễn ra mạnh mẻ hơn trên bình diện rộng. Điều này được chứng tỏ như chúng ta đọc lại một đoạn trong bài viết Kinh Nghiệm Thi Ca của Nguyên Sa đăng trên Sáng Tạo số 21, tháng 06 năm 1958:

      "Trong những năm tháng gần đây số lượng những người trẻ tuổi đi vào thơ tự do ngày một đông đảo bội phần. Người đời chung quanh vì óc bảo thủ cố hữu, hoặc vì đố kỵ, hoặc vì tư lợi vẫn tiếp tục đã kích, chế riễu loại thơ mới mẻ này. Sự hò hét i uông của một số người bất đắc chí nhỏ bé không làm tan biến được lòng yêu thơ tự do chân thành, mối thiện tâm với những công cuộc khai phá của đa số, đông đảo. Những nhà văn, thơ cố cựu, những người đã có một chỗ ngồi vững vàng trên những chiếc chiếu hoa văn nghệ cũng lên tiếng xác nhận triển vọng của thơ tự do."

      Và ở một đoạn khác, ông viết:

      "Số người đả kích thơ tự do vì thế cũng ngày một ít đi. Trước đây vài năm người ta còn bảo: Thơ tự do không phải là thơ. Và những người làm thơ tự do là coi như những quái thai văn nghệ. Bây giờ người ta không đả kích thơ tự do nói chung nữa mà xoay ra đả kích một số người tiêu biểu cho thi trào tự do hiện đại. Kế hoạch đó cũng không đưa họ đến thành công được. Những người văn nghệ bất đắc chí vì không thành công trên phạm vi sáng tác nên mặc áo Ngự Sử thi đàn sẽ chỉ suốt đời làm những tên phản phúc. Họ có thể gây rối ren trong dư luận quần chúng trong một thời gian ngắn nhưng nhất định họ không thể thành công trong việc hủy diệt một tác phẩm hay một loại thơ. Đó chỉ là việc làm của những người lùn bé nhỏ ngu si đứng dưới chân trái núi tay cầm lăm le vài viên đá nhỏ mà ném vào trái núi lớn kia. Làm sao mà hành động của họ lay chuyển được cuộc đời?" (6)

      Chúng ta không đọc những bài viết hay nhìn thấy sự bài bác của phe đối kháng nhưng qua đoạn văn trên, cơn xúc động mãnh liệt của Nguyên Sa đã cho chúng ta độ lượng được tình trạng căng thẳng giữa hai phong trào thơ tự do và cổ điển diễn ra sắc máu như thế nào.


      Qua những năm chuyển mình đau đớn trong thập niên 50, thơ mới hay thơ tự do đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam. Gần như không còn ai đặt vấn đề gì với thơ, được gọi là mới, nữa. Đất nước Việt Nam chìm ngập trong khói lửa chiến tranh, người ta quan tâm đến nhiều chuyện trọng đại và khẩn thiết cho con người và xã hội hơn là thứ "xa xí phẩm tinh thần như thơ".


      Cho đến những năm gần đây người ta lại bắt đầu "kiếm chuyện" với thơ. Chúng ta có thể lấy mốc thời gian từ khi tạp chí Thơ ra đời vào năm 1996. Đây là tờ báo thuần túy về Thơ, ra theo mùa Xuân, Thu, Đông nhưng ít thấy mùa Hạ. Tạp chí Thơ, gần như chịu cùng số mệnh với Thơ, nghĩa là rất kén độc giả và có số tiêu thụ rất khiêm nhượng. Có thể nói tạp chí Thơ qui tụ một lực lượng hùng hậu các nhà thơ ở hải ngoại, phần lớn ở tuổi trung niên (trên dưới 60) và trẻ. Tuy nhiên cũng có những tác giả lớn tuổi như họa sĩ kiêm nhà thơ Thái Tuấn ở tuổi ngoài 70.


      Tạp chí Thơ chủ trương làm mới thơ Việt Nam. Thành phần chủ lực của tạp chí Thơ chịu nhiều ảnh hưởng của thơ Âu Mỹ. Nếu so với thể thơ gọi là tự do từ thời Sáng Tạo thì thể thơ đó đã "cũ mèm". Loại thơ được nhóm Thơ đề xướng ngày hôm nay là loại cực kỳ mới. Chúng ta không thể dùng chữ thơ tự do được nữa, vì nó trùng lặp thể thơ được gọi là mới nhưng đã cũ từ thời Sáng Tạo. Ta có thể dùng chữ "thơ cách tân" đế tạm chỉ cho loại thơ mà nhóm tạp chí Thơ đề xướng.


      Nói về mới và cũ, thật khó phân định vì khiếu thẩm định nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng của con người chịu qui tắc phản hồi. Thể loại mới ngày hôm nay có thề là loại rất cũ trong thời xa xưa. Chúng ta đều biết thơ Đường là loại thơ tựa vòng "kim cô" với niêm luật như những gông cùm, đã là mới nếu so với loại thơ Cổ Phong. Trong khi đó, loại thơ tự do từ thập niên 30 ở Việt Nam được cho là mới so với thơ Đường. Thế mà thơ tự do và loại Cổ Phong rất giống nhau. Đi thêm một bước nữa loại thơ cách tân của ngày hôm nay phải nói là vô cùng mới. Trong đó, có những bài thơ gần như chỉ còn là biểu tượng của âm thanh và hình tượng. Nếu chúng ta liên tưởng đến những hình tượng được ghi trên vách đá trong hang động được ghi lại do người tiền sử. Những ký hiệu ngôn ngữ và hình tượng trên đá trong hang động cũng na ná như những bài thơ cách tân trên giấy của thời đại bây giờ.


      Đối với thơ cách tân, chúng ta có nhiều ý kiến khác nhau. Số người không thích thơ này cũng nhiều lắm. Về mặt số lượng, các tác giả thường xuyên góp mặt trên tạp chí Thơ rất đông. Tuy lực lượng này vô cùng hùng hậu nhưng lại là ít nếu so với số người làm thơ hiện nay ở hải ngoại, số lượng này, chúng ta không biết thế nào mà đếm cho xuể. Thêm nữa, số báo của tạp chí Thơ với sự phân phối hạn hẹp và số tiêu thụ giới hạn cho thấy phần lớn độc giả còn lắm ngỡ ngàng với thơ cách tân. Nhưng có điều đặc biệt, tôi cho là điểm son trong sinh hoạt văn chương hải ngoại, là nhiều người mặc dầu không thích thơ cách tân nhưng không bài bác hay viết bài công kích hoặc tìm cách cản trở. Thật sự, không ai ngăn trở nổi tạp chí Thơ vì với lực lượng đông đảo những tác giả tham gia, chỉ cần mỗi người ủng hộ một vài đồng một tháng thì tờ báo có thể sống vững muôn đời.


      Tục ngữ Việt Nam có câu "có mới nới cũ" có phần đúng khi áp dụng cho số người ủng hộ thơ cách tân. Số lượng tác giả tham gia vào tạp chí Thơ hình như càng ngày càng đông. Có những nhà thơ từ trước "chuyên trị thơ cổ điển" đã có bài thơ cách tân đăng trên tạp chí Thơ. Các vị này, có khi lại cách tân "bạo" hơn các vị thâm niên trên Thơ.


      Thơ cách tân hay hay dở? Chưa có ai dám lên tiếng phán xét vì không ai dại dột làm chuyện như vậy. Nhưng điều chắc chắn là thơ cách tân "lạ quá". Độc giả có cảm giác hoang mang và ngỡ ngàng khi thưởng thức thơ cách tân.


      Chúng ta thử tìm cách thưởng thức thơ cách tân sao cho có hiệu quả. Lối ngâm thơ hay đọc thơ cổ điển không còn có thể dùng được nữa. Đi vào vùng thơ cách tân, độc giả nên cẩn thận. Không còn tình trạng êm ái, du dương như "Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh anh mến là sân trường". Mà độc giả phải vận dụng sức mạnh tinh thần để thưởng thức thơ bằng những cách như hú thơ, gầm thơ, nhìn thơ, tưởng tượng thơ,...


      Chẳng hạn như một bài thơ chỉ có chữ Budweiser được in ra to nhỏ, kéo dài khi lớn lên, lúc nhỏ lại. Độc giả không thể dùng lối thưởng thức thơ cổ điển là ngâm hay đọc vì không đúng tâm ý của tác giả. Mà độc giả, tôi thiết nghĩ, nên gầm thơ hay hú thơ khi lớn khi nhỏ. Vị nào, đắc ý có thể "ợ" thêm một tràng trước khi chấm dứt, càng hay.


      Có bài thơ khác là một đoạn của Chinh Phụ Ngâm được viết lại theo lối cách tân. Để cho giống ý của câu "Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt. Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây" bài thơ bị làm biến dạng những chữ cho nhập nhòe. Như vậy, độc giả chỉ có cách phải nhìn thơ, mà phải nhìn sao cho khéo, vừa nhìn vừa tưởng tượng mới hay.


      Lại có bài thơ giống như một mẩu quảng cáo hay một bảng chỉ đường. Hình thức đã giống như thế mà nội dung cũng chẳng khác bao nhiêu. Nếu thưởng thức một bài thơ như vậy, độc giả rất dễ bị điên khùng vì bấn loạn thường xuyên. Bởi khi ra đường họ không phân biệt được bảng hiệu, thứ nào là thơ và thứ nào là ký hiệu lưu thông hay cửa hàng bách hóa.


      Thơ cách tân đi về đâu? Chúng ta không biết được. Chính những người hỗ trợ thơ cách tân cũng không dám quả quyết loại thơ này sẽ tiến về đâu, đi đến đâu. Những nhà thơ chủ trương thơ cách tân với lòng yêu thơ say đắm và quyết tâm cao độ, chúng ta biết chắc như vậy, nhưng bảo các vị này định hướng và tiên đoán số mạng thơ cách tân, chắc họ không dám quả quyết. Hình như, chúng ta cảm thấy, các vị chỉ cần làm mới, phá bỏ khuôn sáo cũ trước đã, chuyện hay hay dở, sẽ tính sau!


      Chúng ta cứ an tâm mà chờ vậy

      Trần Long Hồ

      Nguồn: Văn Học Xuân Tân Tỵ 2001

      (1) Việt Nam Văn Học Sử, Đỗ Văn Gia, nxb Văn Gia, 1996, trang 328.

      (2) Văn Học Phân Tích Toàn Thư, Thạch Trung Giả, nxb Lá Bối, 1973, trang 123.

      (3) Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Nguyễn Vỹ, nxb Khai Trí, 1969, trang 316.

      (4) Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, Trần Tuấn Kiệt, quyển 1, nxb Đại Nam, trang 19-20.

      (5) Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam: Nhà Văn Tiền Chiến 1930-1945, Thế Phong, nxb Vàng Son, 1974, trang 227-230.

      (6) Kinh Nghiệm Thi ca, Nguyên Sa, Sáng Tạo số 21, tháng 06/1958.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Đầu năm nói chuyện thơ Trần Long Hồ Nhận định

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)

      Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)

      Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)

      Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Trang Thơ (Phù Sa Lộc)

      Trần Thị NgH, viết: xạo ke , vẽ: cà rỡn (Nguyễn Lệ Uyên)

      Nhớ Nguyễn Mộng Giác. Và tưởng nhớ một thời văn (Bùi Vĩnh Phúc)

      Đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư (Doãn Cẩm Liên)

      Nguyên Minh, một đời chung thủy với văn chương (Trần Thị Nguyệt Mai)

      Tình bạn trong văn chương (Trần Doãn Nho)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)