|
Nguyễn Siên(..1916 - 30.10.2014) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
• 1. Tình Người 2. Cây Súng 3. Trái Tim 4. Hiền Quá
• 5. Tiếng Khóc 6. Mơ Ước Hòa Bình 7. Trừ Đi
Nhà văn Trần Hoài Thư
Lão ngồi khâu di sản
Kim đâm mà không hay (THT)
Chúng tôi bắt đầu bằng hai đọan thơ của Nguyễn Dương Quang cho bài tản mạn về tính nhân bản trong văn chương thời chiến được post kể từ hôm nay.
dù đợi người qua trên lối chết
lạ sao tôi thấy rất bâng khuâng
có rất nhiều điều thật khó nói
đêm sơ giao sẽ chỉ một lần
cỏ ơi, có thấy ai trên đồi
vẫn thường vác hận thù đi xuống?
mà sao ta thấy cỏ không vui
cỏ lạnh lùng hơn là sương mỏng
(Nguyễn Dương Quang: Đêm kích dưới chân đồi, Thơ miền Nam trong thời chiến tập I, Thư Ấn Quán xb tại Hoa Kỳ)
Chắc khi đọc hai đoạn trên, có người sẽ phán, đại ý: Đánh giặc mà có trái tim bổ tát, trong khi kẻ thù thì hung hăng cuồng sát muốn thọc tim uống máu mình thì mình lại thương xót cho mạng sống của nó. Chả trách miền Nam bị mất là phải?
Hãy nghĩ lại đi. Khi người lính bâng khuâng, người linh đang ở đâu, làm gì? Đang ở trong tháp ngà, ở nhựng nơi an toàn, những hậu phương ăn chơi mặc ai chết sống? Hay là đang thật sự đối diên với kẻ thù. Anh đang nằm đợi giặc. Anh đang ở tuyến đầu. Anh đang mở trừng mắt trong cõi đêm. Xung quanh anh là cõi dữ. Thần trí anh căng thẳng. Tai anh cố lắng nghe tiếng động. Anh cố phân biệt tiếng động của con chuột, con chồn và tiếng động của bước chân. Lâu lắm. Khóa an toàn đã mở. Mìn claymore đã chờ chực đòn chờ.
Tản Mạn Văn Chương Tập I
(tập hợp bài đã đăng trên TQBT)
Không phải chỉ một mình anh mà một tiểu đội hờm sẵn. Anh cố gắng căm thù thằng giặc. Nhưng đêm tối anh không thể hình dung ra. Căm thù. Căm thù gì. Nếu căm thù là căm thù cái bọn khốn nạn ở đàng sau đã xúi đã dùng những mỹ từ những nhân danh đẹp đẻ để đẩy đưa người trẻ tuổi miền Bắc vào Nam, để trở thành con mồi. Để anh phải giết hắn. Anh phải nhắm ngay vào đầu, vào tim vào ngực hắn.Vậy mà anh vẫn chấp nhận. Chấp nhận như bạn bè anh chấp nhận. Chấp nhận bởi vì chẳnng có con đường nào trừ cái cổng vào trại lính và ra ngoài chiến trường. CHấp nhận để buổi chiều mang súng xuống đồi cùng đám con làm chốt bảo vệ cho người khác được sống.
Nhưng mà, xin các ngươi đừng lên mặt đạo đức, luân lý giáo khoa thư. Trước khi phán xét, xin hãy mang poncho, balo thử về năm một đêm trên gò mã, dưới mương rạch, để hiểu về ý nghĩ của người lính. Ôi đêm thì quá dài, dài vô tận. Xin hãy cho anh được quyền nghĩ. Hãy cho anh phẩn nộ. Hãy cho anh nhớ đến người yêu. Hãy cho anh được nói lên cái run sợ khi anh biết rằng anh được lệnh phải thực hiện một nhiệm vụ quá ư nguy hiểm. Hãy cho anh có quyền thương xót một mạng người. Hãy cho anh dùng thi ca văn chương để giải thoát những gì mà trái tim anh đang nói, đang kể, Tim anh không phải là tim thép. Miệng anh câm nín không có quyền nói lên ý nghĩ tuổi trẻ của anh thì hãy cho tim anh được nói mà.
Trời ơi! Buổi sơ giao của chúng ta sao mà bi thiết. Vì ai. Đển cỏ còn đau. Cỏ còn phải buồn ngấn màn sương lệ
mà sao ta thấy cỏ không vui
cỏ lạnh lùng hơn là sương mỏng
Không phải những câu thơ đầy tình người của Nguyễn Dương Quang là những câu thơ hiếm. Trái lại chúng bàng bạc khắp cùng thơ văn miền Nam nhất là thơ văn của những người mang bộ đồng phục. Lý do dễ hiểu: chúng là tiếng nói, nhịp đập của trái tim, trước hết vì con người, cho con người.
Bìa của tạp chí Văn số 18 chủ đề
“Thơ văn có lửa” vào ngày 18-9-1964
Từ cây súng – một vật bất ly thân mà người lính cần phải có bên mình. Súng là một khí giới để giết người. Nó có nòng thép, lổ chiếu môn, có lẩy cò, cơ bẩm. Có thể nó bắn tự động hay từng viên. Có thể súng ngắn hay súng dài, tiểu liên, trung liên đại liên… Nó vô tâm, lạnh lùng. Khi ngón tay bóp vào lãy cò, nó chẳng bao giờ thương xót khi kẻ địch gục xuống để nhận được bốn chữ tổ quốc ghi ơn, hay anh hùng liệt sĩ…
Súng đạn là vợ con. Trong quân trường chúng tôi vẫn hằng nghe những lời nhắc nhở của các huấn luyện viên. Ra đơn vị, trước khi “làm ăn”, đơn vị tập họp, người trung đội phó trình diện, người trung đội trưởng kiểm soát lại súng đạn sợ thuộc cấp vì ngại nặng mà bỏ bê. Nhưng khi khẩu súng đã khoác lên vai, đã cầm trong tay, thì nó được nhìn bằng hai cách khác biệt giữa văn chương miền Bắc và văn chương miền Nam.
Trong văn chương miền Bắc, thời chiến, súng được xem như một biểu tượng cho một nhiệm vụ thiêng liêng. Cầm phải cầm chặc. Nhắm phải nhắm trúng, càng hạ nhiều quân thù càng tốt. Như bài thơ ngợi khen của “Bác Hồ” về chiến công một tiểu đội 11 dân quân gái đánh tan một tiểu đoàn lính Mỹ, dùng súng trường hạ 4 xe tăng (!):
“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/Bác khen các cháu dân quân gái/Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương” (HCM)
(nguồn: Internet)
Súng nhắc nhở đến một nhiệm vụ thiêng liêng
Chiếc bàn ngồi học năm xưa
Con về ngồi đấy, trước giờ xuất quân
Vở xưa soạn lại tần ngần
Sách xưa tay sẽ lật dần từng chương
Cây A.K dựng bên tường
Lặng im như nhắc: chiến trường chờ con
(Chế Lan Viên – súng bên bàn)
Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc
Một dấu chân in màu đất hai miền.
(Lê Bá Đương)
Xóm dưới làng trên, con trai con gái
Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau,
Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội,
Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu.
Bộ đội dân quân trùng trùng điệp điệp
Dô hò nón vẫy theo…
(Chính Hữu)
Anh trinh sát hy sinh trao lại tấm bản đồ
Anh xung kích hy sinh phất cao cờ chuẩn
Xin Hùng hãy trao cho mình khẩu súng
Trận đánh vẫn còn tiếp diễn, Hùng ơi!…
(Nguyễn Đức Mậu)
Tôi nghĩ trích dẫn mấy bài thơ trên cũng đủ để chúng ta có cái nhìn về văn chương miền Bắc. Chúng chỉ rập khuôn với chừng nấy ý: xem việc chiếm miền Nam là một niềm hãnh diện, xem việc cầm súng là nhiệm vụthiêng liêng, Thơ chính là một vũ khí không hơn không kém.
Còn cây súng trong văn chương miền Nam thì sao.
hình như cây súng con lạ lắm
sao nó run lên khi đạn lên nòng
tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không?
(Nguyễn Dương Quang – Đêm cuối năm viết cho má) (1)
Nó không phải là một biểu tượng của chiến công, hay một nhiệm vụ thiêng liêng, mà ngược lại, nó như cành củi khô:
buổi chiều những bà mẹ run rẩy thắp hương đốt nến và thu hai bàn tay lê n mặt đã ướt như mặt đã ướt như mặt ngói mùa mưa đầy rêu xanh
những cây súng nằm hiền lành như những cành củi vung vãi, nghếch mũi lên trời thở hơi khét.
(Nguyễn Phan Thịnh – Những ngày nội chiến) (1)
Súng chỉ là một phương tiện để tự vệ:
ta mang súng trường tưởng săn chim săn chuột
một đôi khi ta lỡ dại săn người
ta biết chắc Phật Trời không chấp nhất
(không bắn người người cũng bắn ta thôi)
(Nguyễn Sinh Từ – Trấn Tình) (1)
Súng gieo thêm mầm mống của thù hận lũy thừa:
thằng vũ chết rồi trong trận pleime đó em
thằng vũ chết rồi trong trận đánh pleime đó em
khủng khiếp và khốc liệt
những lần về phép sau này em ra cửa đón anh
sẽ không bao giờ thấy nó
nó chết rồi
thằng vũ nó chết trong trận pleime cho quê hương
đó – nó nằm đó – nó ngồi đó
những tràng súng nổ chính nó bóp cò, địch bóp cò
cho tất cả chúng ta trong trận giặc chúng ta
đó – nó nằm đó che giấu chỗ nát bấy trên ngực
dòng máu đỏ đọng lại trên thảm cỏ khô
đến nhận diện đi em
em hãy khóc lớn một chút rồi đốt cho nó mấy que nhang
thằng bạn đồng đội chỉa mũi súng lên trời thét lớn:
ta sẽ trả thù cho mày – sẽ trả thù cho mày
xong tất cả
(Phan Huy Mộng – Người chết ở Pleime) (1)
Súng không phải mang đến niềm vui trong chiến công mà ngược lại:
viên đạn tròn trong nòng
khóa an toàn đã mở
xin anh em vui lòng
xin bạn bè hớn hở
mừng tôi giờ chiến công
trái tim nào nát vỡ
anh em nào thấy không?
(Phan Nhự Thức – Hòn đạn) (1) (2)
Cũng có khi, người lính trút hết tâm sự thầm kín của mình, trên nòng súng thép lạnh. Tôi đăng hết bài thơ này của Phan Như Thức, Thủ Đức khóa 23, bạn tôi. Với tôi, đây là bài thơ tình tuyệt vời nhất trong số những bài thơ tình mà tôi được đọc:
ôi gió nào lên buồn mang mang
cát hoang cồn bãi hàng theo hàng
trái tim nghe đã mềm tay lụa
thơ cũng vàng trưa nắng hạ vàng
phương này trời dựng cao mong nhớ
đầu gối ba lô hồn phiêu bồng
thương em lòng rợp che đường nhỏ
tình trải xanh giòng sông tiếp sông
phương ấy giờ em nghiêng nón che
chiều tan học thả mộng sang hè
vu vơ giăng tuổi rong đường phố
nỗi tình e cũng đã sương che
ta đêm phục kích ngày lùng giặc
tay súng làm sao giữ lấy em
mười nhánh sông trôi vào nghi hoặc
muốn hỏi nhưng đành im lặng im
buồn lắm em ơi nào hiểu không
ở đây vết lệ giòng tuôn giờng
phương kia thành phố vui bè bạn
có nghĩ gì ta một nẻo mong?
Sơn Hội (buổi dừng quân tháng ba)
(Phan Nhự Thức – Nỗi tình trên súng) (1) (2)
Nhắc đến súng là nhắc đến sự sống và chết cận kề. Đó là ám ảnh. Để người lính viết sẳn di chúc:
Tôi vẫn lo sợ nếu mai kia tôi chết đi
Một viên đạn làm vỡ tan lồng ngực một trái phá vô tình xé thân thể tôi thành nhiều mảnh thịt nhầy nhụa đất đen.Mắt tôi sẽ phải nhắm lại, miệng tôi sẽ phải câm lặng muôn đời, trí óc tôi sẽ không còn suy nghĩ thì làm sao người ta có thể biết được tôi muốn nói gì trong óc.
Tôi muốn rằng nếu mai nầy tôi có rủi ro nằm xuống
Xin người ta đừng khoác lên linh hồn tôi quá nhiều danh từ vĩ đại
Xin đừng bắt tôi cúi đầu nhận chịu những vương miện những vòng hoa đổi lấy cuộc đời
Cũng xin hãy đừng truy niệm tôi bằng giây phút trống rỗng trong tâm hồn những người còn sống.
Đừng làm gì hết cả – đừng khóc cho tôi hỡi người yêu nhỏ bé hãy để dành nước mắt cho những mối tình dang dở.
Những người thân còn lại bên bờ cuộc đời hãy nghe đây:
– Ta không cần các người đưa tiễn, ta không cần các người xót thương.
Ta không cần những hình thức những lễ tấn phong những hình ảnh đời người đã chết.
Ta đi đây – ta chiến đấu cho các người dành cơm dành áo, dành tiền bạc sang giàu.
Ta, ta dành từng chút hơi thở thiên thần, từng mảnh trời không bị cắt xén không bị che kín bởi màu đỏ của máu lửa màu đen của đêm tối màu trắng của tang tóc.
Ta dành lại từng tấc đất yên lành cho những bước chân không còn sợ gì gai góc.
Ta dành lại ánh sáng công viên lối đi sỏi đá bóng mát cho những cặp tình nhân chưa biết gì về cuộc đời giả dối.
Ta dành lại sách vở bút mục loài dã thú muốn chiếm đoạt về cho các em – các em có thể dùng để viết những danh ngôn những bài thơ ca tụng ái tình hay làm gì tùy ý.
Ta xin dành lại những khung trời cổ tích những nàng tiên ngoan hiền thần thoại về cho những khuôn mặt trẻ thơ.
Ta xin dành cho những người già cả mớ tháng ngày còn lại yên lành như lòng nôi của mẹ.
Và cuối cùng ta dành lại cho người yêu nhỏ bé những giọt nước mắt vui mừng những vòng tay ân sủng những nụ cười không hề tính toán những đêm nằm ôm gối mà chẳng biết cô đơn.
Để chấm dứt bản chúc thư ta xin – Nếu ngày mai ta chết hãy đốt lấy thi hài ra rải cùng mặt đất để cho mỗi nơi có một hạt bụi rơi xuống sẽ mọc lên một mầm Thương Yêu.
(Phù Vân – Chúc thư) (1)
Dù cây súng là một vũ khí dùng để giết người, nhưng trong thi ca miền Nam, chúng ta nhận ra nó đã mang theo ý nghĩa của tình người. Ta bắn ngươi vì ngươi bạc phước/Chiến tranh này chỉ một trò chơi (thơ Nguyễn Bắc Sơn). Hay như bài thơ của Trang Châu sau đây được chúng tôi sưu tầm:
nó bị thương
bị bắt sống
mọi người đòi giết nó:
nó núp trong hầm
với một khẩu tiểu liên
cầm chân cả trung đội:
nó bắn ngã chúng tôi một người
bắn bị thương hai người khác
tôi đọc nét căm hờn
trên những khuôn mặt đồng đội
mọi người đòi giết nó
tên du kích vùng khốn nạn
gài lựu đạn lùm cây bờ ruộng
giết những người bắt cá mò tôm
nó nằm đó
mình bết bùn
máu cánh tay nhầy nhụa
tránh những tia nhìn nổ lửa
những báng súng gờm gờm
nó nằm chờ
một phát súng vào đầu
một lưỡi dao rạch bụng
một cái đạp xuống hố sâu
nó nằm chờ nằm chờ
tử thần
Trang Châu: Nước mắt kẻ thù (3)
Bài thơ trên được kết thúc bằng ý nghĩ của tác giả về ý niệm chiến thắng. Trái ngược với văn chương miền Bắc chỉ biết hô hào cổ vũ cho việc giết người, càng nhiều Mỹ ngụy càng tốt, thì, trong văn chương miền Nam, chiến thắng chính là giọt nuớc mắt của kẻ thù:
nhưng
chỉ có bàn tay vuốt dịu căm hờn
bàn tay băng bó vết thương
bàn tay vỗ về an ủi
nó nằm chờ tử thần
sững sờ bắt gặp tình thương
đồng loại
đôi mắt sát nhân vụt bỗng hiền từ
nhen hai dòng lệ nhỏ
Trong cuộc chiến hôm nay
cho tôi xin chiến đấu không hận thù
xin những vết thương bình đẳng
cho tôi đổi một trăm chiến thắng
lấy một giọt nước mắt kẻ thù
Trang Châu: Nước mắt kẻ thù (3)
Kể chuyện về cây súng là kể một chuyện dài. Chỉ xin được trích lại một số thơ tiêu biểu. Và để bạn đọc phán đoán về văn chương hai miền. Để có câu trả lời về một nền văn chương đích thật.
Tùy bạn.
___
(1) Thơ miền Nam trong thời chiến, Thư Ấn Quán sưu tập và xuất bản 2009
(2) Đốt Tuổi, thi phẩm của Phan Như THức, Thư Ấn quán tái bản
(3) Thơ tự do miền Nam, Thư Ấn Quán sưu tập và xuất bản, 2009) (1)
Mang trái tim vào thi ca, tôi gắng tìm trên Net, để tìm hiểu phần nào về thi ca miền Bắc trong thời chiến tranh, tôi chỉ tìm được một biểu ngữ rất lớn, hay như một vì sao Bắc đẩu rất sáng, khỏa lấp cả bầu trời thi ca miền Bắc. Đó là câu miền Nam trong trái tim tôi của Hồ Chí Minh. Ánh sáng của cái sao ấy làm át cả những ánh sáng của các nhà thơ nhà văn, sao mà tôi tìm hoài tìm mãi, chỉ thấy những vì sao mù lòa, tội nghiệp. Thơ miền Bắc, có bài quá hay, tôi công nhận. Nhưng thơ cần phải đọc để rung động. Thơ không phải là một công cụ để tuyên truyền. Con tim không bao giờ bắt nhà thơ phải theo một con đường thẳng vào trái tim mình đâu. Đối với chúng tôi, thế hệ chiến tranh, sinh ở miền Nam, chẳng có con đường nào vào trái tim, hay chẳng có con đường nào mà trái tim mang theo như trong bài thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính của Phạm Tiến Duật
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
……
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
(nguồn: Internet)
Tôi công nhận bài thơ hay. Hay từ chử, và hay từ cách ví von. Hay từ cách biết biến những chữ chết, khô thành những chữ rất sống. Hay ở chỗ là tác giả dùng bàn tay mầu nhiệm biến nỗi khổ thành niềm hạnh phúc. Hiểm nguy thành nỗi can đảm và khinh mạn. Và hay ở tinh thần đồng đội được thắp sáng.
Chả trách bài thơ được giải thưởng cao quí vào năm 1969.
Đọc bài thơ, mới thấy rõ về sự khác biệt rất lớn giữa hai giòng thi ca Nam và Bắc. TRong văn thơ miền Bắc, trái tim chỉ biết tới một con đường duy nhất, là con đường vào Nam, để chiếm cho được miền Nam. Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim. Nó không ngoằn nghèo, quanh co. Nó là cái mục đích tối hậu, mà cả một miền Bắc, bấy giờ, dồn mọi nổ lực để đạt cho được. Nó là chân lý. Cái chân lý do đảng đặt ra, và cái câu “miền Nam ở trong trái tim tôi” của Hồ Chí Minh. Con đường ấy đã vùi biết bao nhiêu người trẻ tuổi, chắc có nhiều người còn mang theo bên mình bài thơ của Phạm Tiến Duật. Cón đường ấy đã dẫy đầy những hố bom B52. và những người chết vì bị sức ép của bom làm hộc máu mồm, máu mũi. Con đường ấy đã làm cho những người lính thám kích chúng tôi phải rụng tim nghẹt thở để báo cáo về Bộ hành quân. Những ngày thì im lặng ghê rợn, nhưng về đêm thì đèn nối đèn, xe nối xe vận chuyển đạn dược vào Nam. Và tiếng dội vang động cả một đường kính vài cây số từ trong cánh rừng già vọng đến. Con đường ấy đã dựng xong. Xe đã đến đích. . Vâng, miền Nam thua. Văn hóa miền Nam bị truy diệt. Người miền Nam bị tù tội đọa đày. Nhà phố miền Nam bị chiếm đọat. Bầu trời của miền Nam bị cướp đi màu xanh. Và lịch sử trả lời. Trả lời cho con đường đi thẳng vào tim đấy. Nó chạy ra biển. Nó là mạt lộ nhưng là con đường cứu rổi của Nóe thời đại này.
Bây giờ một câu hỏi. Những nỗi cam khổ gian nguy ấy, những cái giá rất đắc ấy, những ngôi mồ lớp lớp hàng hàng ấy, đã được đền bù cho con đường mình chọn, mình đặt vào trái tim không? Thơ có phải là một sức mạnh như Napoleon từng xem một cây bút là một sư đoàn không? hay là một đồng lỏa của tội ác? Bởi nó xúi dục kích động những người non dạ, bởi nó đã gây nên bao nhiêu thảm kịch. Chẳng những ở miền Nam mà còn ở miền Bắc:
Người mẹ Bắc lên non tìm xác
Người mẹ Nam xuống biển tìm con
Sông núi ấy bao hồn ma thức dậy
Kéo nhau về kêu thảm một mùa xuân
(thơ THT)
Nguyên Sa đã có những bài thơ tình mà miền Nam rất mến mộ như bài Áo lụa Hà Đông. Vậy mà ông phải ăn năn hối hận cho những nhầm lẫn dĩ vảng của mình:
bây giờ nằm kích ở ven ruộng sương xuống ướt vai
bây giờ đứng gác đêm ở rừng gìa gíó lạnh thấu xương
ta mới biết rằng sương lạnh như thế
ta mới biết rằng gío lạnh như thế
ta muốn kêu to lên ta là thằng dốt nát
ta là một thằng dốt nát
vì mỗi ngày trong mười mấy năm dĩ vãng
ta không viết lên giấy trắng mực đen cho những người yêu thơ ta biết
anh em ta và quê hương ta đã đứng như thế từ bao nhiêu năm
bây giờ di chuyển đêm di chuyển ngày di chuyển nắng di chuyển mưa
ăn không được ngủ không được cười không được khóc không được
hỡi những anh em đã ngồi trước mặt ta trên ghế nhà trường
hỡi những anh em đã đọc thơ ta yêu quý
ta nào đã làm được gì
để anh em cười được khóc được ăn được ngủ được
để anh em tìm thấy tọa độ trong rừng già
để anh em tìm thấy điểm đứng trong ruộng đồng bát ngát
để đạn đừng xuyên qua phổi
để đạn đừng xuyên qua tim
hãy tha thứ cho ta
hãy tha thứ cho ta
những anh em đã chết
những anh em chết ở bờ ở bụi
những anh em chết ở đồn vắng trong rừng sâu
những anh em chết khi đi di hành
những anh em chết khi đi phục kích
những anh em chết mặt đẹp như hoa
một ngàn lần hơn ta
cũng chết
những anh em học giỏi như thần đồng
một ngàn lần hơn ta
cũng chết
những anh em có vợ mới cưới chăn gối còn thơm
cũng chết
những anh em có người tình viết thư nét chữ còn run
cũng chết
những anh em con cái còn nhỏ hơn con cái ta
cũng chết
những anh em mẹ già còn yếu hơn mẹ già ta
cũng chết
những anh em đáng sống một ngàn lần hơn ta
đã chết
đang chết
và còn chết
hãy tha thứ cho ta
8/1967
(Nguyên Sa: Xin Lỗi Về Những Nhầm Lẫn Dĩ Vãng)
Chỉ những câu thơ ca ngợi về tình yêu thuần túy để thăng hoa cái đẹp cho đời, vậy mà nhà thơ còn cảm thấy năn năn hối hận và xin lỗi về những nhầm lẩn của dĩ vãng, đủ biết tiếng nói của con tim – ở đây là lương tâm – là mạnh mẽ đến chừng nào.
Còn ở miền Bắc, không biết có nhà thơ nào còn có lương tâm giống như nhà thơ Nguyên Sa không?
Hiền quá. Bỗng nhiên tôi muốn nhắc lại những nhận định của nhà văn Mai Thảo trong bài viết ngắn giới thiệu truyện ngắn Bệnh Xá Cuối Năm của THT:
Người đọc có thể chê trách người lính bệnh của Trần Hoài Thư trong Bệnh Xá Cuối Năm đã đề cập tới những chủ đề lớn lao như chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, đoàn viên và thương yêu hai miền, bằng một tâm hồn quá đơn giản, thơ ngây. Người lính của chúng ta hiền quá. Hiền thật. Làm thế nào được. Dân tộc ta hiền, mãi mãi hiền, mặc dù đã hai mươi năm lâm trận. Cái tính hiền đó được biểu hiện cùng khắp trong những truyện ngắn về tiền đồn, về mặt trận, của Trần Hoài Thư, mà Bệnh Xá Cuối Năm là một.
(tạp chí Văn ngày 1-3-1972)
Tạp chí Văn số 18 (tháng 3-1973):
“Văn Chương Trong Thời Bình”
Hiền quá. Dân tộc hiền, mãi mãi hiền. Hiền bởi vì học từ Chúa và từ Phật. Hiền vì kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai. Hiền vì đêm đêm lời kinh bay bổng thấm nhập vào lòng con, và mẹ bắt con phải ăn chay rằm mồng một. Vì ngươi tát má phải của ta, ta để cho ngươi tát vào má trái… Hiền mới tha thứ, mới mở rộng lòng cho kẻ thù, mới nghĩ một trăm chiến thắng cũng không thể bằng một giọt nước mắt của kẻ thù … Và vì hiền Văn mới có một chủ đề Văn chương trong thời bình (phát hành vào tháng 3-1973). (Nguyễn Xuân Hoàng làm thu ký tòa sọan – Blogger chú thích) sau khi hiệp định ngưng bắn được ký ở Ba Lê.
Đây là hai câu hỏi do tòa sọan đặt ra:
1. Hòa bình đã tới, ông lượng đoán văn chương miền Nam sẽ có những thay đổi như thế nào so với nền văn chương hiện nay?
2. Ông có dự định cho một sáng tác mới nào, trong đó sẽ đưa vào tác phẩm của mình bầu không khí mới mẻ khi hay tin ngưng bắn? Văn hân hạnh được đăng tải sáng tác đó của ông trong một giai phẩm đặc biệt mà chúng tôi đang sửa soạn thực hiện.
Những vị được phỏng vấn là Thanh Tâm Tuyền, Trùng Dương, Viên Linh, Hoàng Ngọc Tuấn, Bình Nguyên Lộc, Du tử Lê.
Vậy đó. Ngay cả một tạp chí xem như là bộ não của sinh họat văn học nghệ thuật qui tụ những người làm văn học, và ngay cả những người có kinh nghiệm với CS vẫn sốt sắng trả lời. Chỉ có Du Tử Lê. ông hỏi lại:
Nhưng mà kia, chúng ta đã có hòa bình chưa nhỉ? Cái này lạ lắm đấy.
Hiền có nghĩa là từ tâm. Mà từ tâm thì đôi khi dẫn đến những ngây thơ khờ khạo. Tôi đã muốn khóc khi chứng kiến cảnh người thương binh cụt chân miền Nam chơi cờ tướng với người tù thương binh miền Bắc trong bệnh xá quân y viện Ban Mê Thuột. Tôi đã viết về một giấc mơ. Bởi vì tôi tin Nam và Bắc sẽ không thù hận, khi họ nhân chân thế nào là sự thật: về con mồi, hay về loài ngựa bị bịt mắt hay bị quất roi tơi tả vào mông của những tên xà ích nham hiểm. Tôi mơ cũng như Du Tử Lê đã mơ trong bài trả lời phỏng vấn: Tôi mơ một chuyến xe lửa chạy suốt từ Saigon ra Hà nội. Vâng sau 1975, có chứ. Có những chuyến xe lửa chạy suốt như thế, nhưng chứa những toa người miền Nam thất trận, như những toa chở súc vật.
Nhưng mà, nên trách ai đây đã dạy chúng tôi đừng mang thù hận vào trong tim. có nên trách Chúa hay Phật, hay người mẹ ta, hay thầy dạy của ta, hay những câu ca dao, những chuyện cổ tích. Có nên gạt phăng đi về sự thật khi thầy bắt trò phải bình luận câu: Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…?
Chính vì cái câu mà tổ tiên ông bà để lại để răn bảo con cháu ấy, mà cả khung 5 trại tù Chi Lăng chúng tôi đã bị hành hạ đêm ngày. Ai đã lấy than viết trên vách tường? Các anh thành thật khai báo. Bộ chúng tôi không biết lòng dạ của các anh. Bộ các anh nói rằng chính sách của đảng là sai lầm. Tội ác các anh lẽ ra phải xử bắn, nhưng đảng và cách mạng khoan hồng….
Đấy. Hai cái lổ đất như hai lỗ đáo mà tôi nhìn mỗi ngày xuống nền nhà của trại tập trung, chắc càng ngày càng sâu thêm, vì những sỉ vả từ tay quản giáo và cũng vì những rủa sả do chính mình: Ngu, ngu, thằng ngu… Tại sao mày lại không giết bắn, không thương tiếc những thằng tù binh mày bắt. Tại sao mày lại mời chúng điếu thuốc, cốc cà phê, hay gọi trực thăng khẩn cấp mang nó về bệnh xá…
Nhưng mà, nếu cho tôi được cầm súng trở lại. Tôi vẫn không thể làm khác gì hơn.
Tiếng ai than khóc nỉ non
Như vợ chú lính trên hòn Cù Mông
Cù Mông là tên của một ngọn đèo ranh giới Bình Định và Phú Yên. Từ Phú Yên vào Khánh Hòa có hòn Vọng Phu. Hai hòn đều có cùng một mẫu số chung là mang thân phận của người đàn bà vợ lính. Một đàng mõi mòn chờ chồng, bồng con hóa đá. Và một đàng, đôi chân mềm rớm máu, lên hòn mà đứng khóc nỉ non vì người chông đã chết. Tác giả không nói chết vì lý do gì. Nhưng cái chết của người lính thì hẳn đã khác với cái chết của người dân thường tình.
Hai người nhưng cùng mang một thân phận. Chờ mòn mỏi người chồng trở về đến độ hóa đá hay than khóc nỉ non giữa núi rừng mông quạnh cũng đều nói lên nỗi đau khổ của người thân ở phía sau hay những người còn lại. Văn chương VN đã tạc sự chịu đựng vô bờ ấy bằng đá tượng, hay bằng ca dao lưu truyền từ đời này qua đời khác. Có nghĩa là tổ tiên chúng ta vẫn trân trọng ở những giọt nước mắt của người đàn bà trong thời ly lọan. Họ ở ngoài cuộc, nhưng họ lại trở thành những nạn nhân. Nỗi đau của họ không ai có thể gánh nổi. Nước mắt của họ cũng chẳng ai có thể lau nổi. Trừ thời gian.
Tuy nhiên chỉ có một nơi tiếng khóc trong thơ văn bị bức tử. Nỗi đau được biến thành căm thù và nỗi chờ đợi mõi mòn kia biến thành “sáng đường cày”, “sáng đường đạn”. Như hai câu thơ mà một tên tuổi rất quen thuộc thời tiền chiến là Lưu Trọng Lư đã trích dẫn trong bài viết nhan đề Thân phận người phụ nữ đăng trên tạp chí Văn học số 1 năm 1973:
Sáng đường cày mới là nhớ là mong
Sáng đường đạn mới là chờ là đợi
Đấy. Ngay cả một tâm hồn rất nhạy cảm đền nổi trăng vẫn phải thổn thức như trong bài Tiếng Thu của một thời:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
Vậy mà bây giờ lại quay đến 180 độ, chỉ biết có sáng đường cày và sang đường đạn. Không phải con nai vàng đã chết mà tâm hồn người chinh phụ cũng đã chết theo.
Như vậy, còn bàn gì đến tính nhân bản nữa.
Ngược lại, trong văn chương miền Nam thời chiến, tiếng khóc của người ở lại – người vợ, người mẹ, người thân, và cả đồng đội đã từng chia ngọt xẻ bùi, đã được tìm thấy rất nhiều trên những trang thơ mà tôi được đọc. Như nỗi đau của người đàn bà đi nhận xác chồng:
Tiếc Thương
(ảnh Nguyễn Ngọc Hạnh)Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi góa phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Đêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”
(Lê thị Ý – Ngày mai đi nhận xác chồng)
Hay tiếng la gào tru tréo của đứa con có mẹ bị chết thảm trong lần chạy lọan:
trên đường chạy giặc
mẹ em trúng bom
chết phanh thây chẳng chiếu chẳng hòm
đầu bết tóc mắt trừng bên bờ ruộng
mẹ em tội tình chi chết oan chết uổng
ôm đầu người khóc giữa đạn bom rơi
trời ác chi ác rứa ông Trời
sao mẹ nỡ bỏ con giữa vùng bom đạn
gom xác mẹ giấu bên bờ Thạch Hãn
chạy tháo thân bu được đít xe đò
(Lê Nguyên Ngữ: Quán tản cư) (1)
Hay là tiếng khóc của người yêu, đeo nhẩn đính hôn nhưng không bao giờ làm đám cưới:
Đeo nhẩn đính hôn
Nhưng không bao giờ làm đám cưới
Chưa lần để tang
Rồi cũng đội khăn sô
Chưa biết khóc
Rồi em sẽ khóc
Chưa biết buồn
Rồi sẽ buồn qua má - qua môi
Bỏ thời con gái
Em trở thành góa phụ
Khi người tình
Làm lính trận
Vừa chết trận Pleime
Đau đớn chạy dài cuối đuôi con mắt
Mười bảy năm
Mười bảy tuổi
Sầu lược gương xa vắng tóc mai gầy
(Linh Phương: Làm vợ người cầm súng) (1)
Hay là nỗi đau đớn tột cùng của người con gái khi nhận được hung tin, mà nàng không bao giờ tin là chuyện ấy có thể xãy ra:
Em đi như chạy. Về đến nhà, thật thế không Uy? Người em bỗng có cảm giác khác lạ, cái gì dâng tận cổ… Sắp trào ra… Mắt em ráo hoảnh, không, em không tin. Tờ nhật báo nằm trước mặt với mục phân ưu. Thực không Uy? Anh đã chết rồi sao? Anh vừa mới về thăm em với gương mặt gầy gầy, dáng cao cao, mái tóc ngắn, giọng nói quen thuộc như còn ở bên tai… Em ngơ ngác bên đám học trò và bè bạn thân thuộc.
Anh vĩnh viễn xa em rồi. Thân xác anh nằm trong lòng đất. Đời sao phi lý, anh vừa đang nói chuyện với em, thư anh gửi còn đó, lá thư gửi hôm 1-1 với những câu nói vu vơ giận hờn, với mục hứa hẹn anh sẽ về, sẽ về Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, sẽ về với em trong ngày Tết.
Người ta độc ác. Thượng đế bất công, cướp cả tình thương. Tâm tư em kêu gào quằn quại giữa tiếng nấc, thân thể em tê dại như viên đạn xoáy vào ruột gan anh để cho anh tắt thở, giây phút cuối cùng không có ai, không có em, chỉ có những bộ mặt quái ác, sát nhân, đang muốn ăn thịt, xé cho được cái thân thể thân yêu đó.
Nâng niu tấm thẻ bài mang tên NGUYỄN VĂN UY có một cái gì cứ ấm ức dâng lên, mắt mờ dần, nhìn loại máu A Rh+. Còn gì nữa? Anh chết đi, thế là hết. Anh Uy, anh chết đi để lại cho em chừng ấy sao? Thân xác anh nằm ở lòng đất, cho em cô độc, cho em đang ở biên giới của một tình yêu mờ ảo không có lối đi. Anh xa em rồi, xa không khoảng cách. Em muốn hình hài mình tan biến để hoà mình vào thế giới hư vô.
(Trần thị Uyên Ngọc, Thư gởi người đã chết) (2)
Đây là tiếng kêu trầm thống mà thân phận của người nữ trong thời chiến chinh đã phải gánh như định mệnh:
xưa tôi có người yêu phi-công
Cho tòi tình nồng
Một sớm mai hồng
Người bay đi mất
Xưa tôi có người yêu đi biển
Một chiều đưa tiễn
Trên bến sông buồn
Rồi người đi luôn
Xưa tôi có người yêu biệt kích
Đêm mưa rả rích
Chiến-trận lan tràn
Rồi người mất tích
Xưa tôi có người yêu ngoài Huế
Xưa tôi có người yêu Sài Gòn
Mậu Thân thảm sát
Nên người chẳng còn
Xưa tôi có người yêu Thừa Thiên
Xưa tôi có người yêu Nha Trang
Xuống đường nhiều bận
Giờ thì lang thang
Xưa tôi có người yêu Hà Nội
Xưa tôi có người yêu Sơn Tây
Đạn xé bom cày
Người không toàn thây
Xưa tôi có người yêu tập kết
Bỏ nhà mất tăm
Gần hai mươi năm
Bây giờ sống chết?
Xưa tôi có người yêu di cư
Xưa tôi có nguời yêu hồi chánh
Tay cụt chân què
Chiến tranh thần thánh
Giờ tôi có người yêu là ai?
Mai tôi có người yêu là ai?
Tôi chẳng là tôi
làm gì có ngày mai?
Tôi chẳng yêu tôi
làm gì có yêu ai!
Một nụ hoa nhài
Trên mồ tương lai!
Saìgon 1971
(Hoàng Hương Trang – Một nụ hoa nhài) (3)
Nỗi đau ấy làm sao mà dứt được, hở. Vết thương ấy làm sao mà được vá lành hở. Như cảnh một đám vợ lính đòi trả lại chồng họ. Làm sao mà không thể viết lại. Làm sao mà không ghi lại. Dù mỗi lần đọc lại là mỗi lần tim tôi phải nhói:
…..
Mới đến cửa văn phòng, ba bốn người đàn bà đã chạy tới ôm chân tôi, khóc lóc thảm thê: “Thiếu úy ơi…” Tôi nghe chừng cả một khối âm thanh cào xé, khóc lóc, than van… Tôi đứng ngẩn người. “Thiếu úy ơi, Thiếu úy ơi, chồng em ảnh bỏ em đi…” Tôi hoảng hốt. Mấy cánh tay có dịp vồ chụp lấy tôi như muốn bắt đền. Tôi la lớn: “Tôi biết mấy chị đau khổ lắm! Nhưng đánh nhau thì thế nào cũng có kẻ ở người đi.”
Tiếng khóc bấy giờ vụt bùng lên, dữ dội hơn: “Chồng tôi chết rồi, bỏ một vợ bốn con và một mẹ già. Người ta bỏ chồng tôi nằm đó… Người ta về cúng gà cúng vịt ăn mừng…” Tôi la to: “Mấy anh ấy chết vì tổ quốc, chánh phủ nhớ ơn, dân tộc nhớ ơn…” Tôi vừa la, vừa chạy vào phòng riêng đóng cửa lại. Tôi ngồi trên ghế, thở hổn hển. Cái bàn đó, của anh Chấn. Cái rương đó, của thằng Bé. “Bé ơi, vợ mày lên thăm đó! Tao rầu thúi ruột nè.” Tôi lại ra mở cửa, ngoắt một thằng lính lại, nói nhỏ: “Mày ra kêu vợ thằng Bé vào đây.” Một lát, người đàn bà bồng đứa con bụ bẫm vào. Tôi bình tĩnh nói: “Chị Bé à, tôi nhân danh là sĩ quan còn sống sót, cũng bị thương trong trận vừa rồi, xin chia buồn cùng chị. Bé can đảm lắm. Anh giết mấy thằng rồi mới chết. Đây là cái rương của anh, chị có thể đem về…”
Lập tức, chị ta bỏ đứa con xuống đất, chạy ào đến rương khóc ngất. Chị đập đầu vào rương vừa kêu: “Anh Bé ơi, anh Bé ơi…” Thằng con thấy mẹ nó khóc, cũng khóc thét lên. Ở bên ngoài, mấy người đàn bà còn lại, bắt đầu chạy vào phòng. Tôi hốt hoảng mở cửa sau chạy ra ngoài…
Trần Hoài Thư – Những người ở lại (4)
Cuối cùng, rồi cuộc đau nào cũng đã lắng, tiếng khóc nào cũng nguôi ngoi. Để rồi nó được thế vào bằng những giọt lệ thầm trước di ảnh người đã khuất:
Mẹ đốt nhang và khấn thật nhỏ
Gọi tên Ba tên anh và bé thật buồn
….
Mẹ quì xuống và đêm thật cao
Ba không về anh không về và bé không buồn lại
Mẹ dâng cơm và khấn thật nhỏ
Mẹ đốt nhang và khấn thật buồn
Ba trên bàn cùng anh và bé
Vẫn thản nhiên như người chết không hồn.
1969
(Hùynh Hữu Võ – Ngày giỗ ở Việt Nam)
Trên đây chúng tôi chỉ trích những đoạn liên quan đến tiếng khóc của người phụ nữ trong thời chinh chiến để chứng tỏ về tính chất nhân bản của giòng văn chương miền Nam trong thời chiến tranh.
Về phương diện vật lý, tiếng khóc, làm rung bần bật đôi vai mềm, làm môi vị mặn, làm đôi mắt sưng vù. Nhưng về phương diện tinh thần, những giọt nước mắt chính là những giọt nước cứu rổi. Con tim bị đau, bị cứa, đôi bàn tay không còn ôm lấy một người mình yêu, da thịt kia cũng không còn được gần gũi lại mùi hương , thì tiếng khóc phải bật ra, phải ào tuôn, phải làm đá phải mòn, phải khóc để mà chia sẻ. Đó là phương thuốc cứu rỗi mầu nhiệm.
Và đó có lẽ là lý do thi ca thời chiến miền Nam lai láng những tiếng khóc….
Có phải vậy không?
____
(1) Văn 129 ngày 1-5-1969, số chủ đề Y Uyên.
(2) Thơ miền Nam trong thời chiến, Thư Ấn Quán xuất bản 2008
(3) Hoàng Hương Trang, Túy Ca. Thư Ấn quán tái bản 2010
(4) Trần Hoài Thư - Truyện từ Bách Khoa, Thư Ấn Quán xuất bản 2011)
Để khai triển cho chủ đề “ Niềm mơ ước hòa binh – Tính nhân bản của văn chương miền Nam thời chiến” này, trước hết chúng tôi tóm lược về những điều chúng tôi sẽ viết:
Có phải niềm mơ uớc này là một khuynh hướng tiêu cực, phản chiến để dẫn đến sự sụp đổ miền Nam?
Trước ngày 28-1-1973 – ngày hiệp định ngưng bắn Ba Lê được ký - văn chương, âm nhạc miền Nam hình như có cùng chung một giấc mơ. Từ tiếng hát của Khánh Ly qua ca khúc Da Vàng hay Gia tài của Mẹ vang lên trong các quán nhạc từ thành thị bay đến các thị trấn quận lỵ còn an ninh đã nói lên phần nào niềm khát khao về một ngày hòa bình ngưng tiếng súng trên một đất nước liên miên loạn lạc:
Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm
Tôi sẽ đi thăm, một phố đầy hầm
đi thăm một con đường nhiều hố
Khi đất nước tôi không còn chiến tranh
bạn bè mấy đứa vừa xanh nấm mồ…
(Trịnh Công Sơn - Tôi sẽ đi thăm)
đến những tạp chí Saigon mà tác giả phần lớn là thuộc thế hệ trẻ mang bộ đồng phục:
Xin hãy đến đây đi
hòa bình lạ mặt yêu dấu
Xin đừng cho chúng tôi nữa những buổi sáng giết nhau
Xin đừng cho chúng tôi những buổi trưa hối hận
Xin đừng cho chúng tôi những buổi chiều ăn năn
Xin đừng cho chúng tôi những đêm khuya trống vắng
….
Xin hãy đến đây đi
Hỡi hòa bình lạ mặt yêu dấu
Bởi tuổi trẻ chúng tôi thiếu người đã phải sát nhân
Bởi tuổi trẻ chúng tôi thiếu người nên bàn tay bẩn
Bởi tuổi trẻ chúng tôi thiếu người trở thành nô lệ
Và anh em chúng tôi thiếu người nhiều kẻ chết sớm.
(Hà Thúc Sinh – Xin hãy đến hòa bình) (1)
Hay:
“Hãy vì anh- em nhẫn nại nuôi con
Cho đến ngày khôn lớn
Bởi cuộc chiến nào không có ngày kết thúc
Lúc đó
Em nhìn thấy hòa bình
Con nhìn thấy hòa bình
Dù trong tưởng tượng
Nghe em
Nghe em
(Linh Phương – Làm vợ người cầm súng) (1)
…
Tôi muốn nói cùng em trong ngày hòa bình
Ngày với chuyến tàu suốt từ Sài Gòn ra Hà Nội
Ngày về thăm cửa ô Cầu Giấy
Ngày về thăm đê Yên Phụ
Về thăm dòng sông Hồng đục ngầu phù sa đỏ
Thăm tình nhân bên kia chiếc cầu lịch sử Hàm Rồng
….
Tôi muốn nói cùng em trong ngày hòa bình
Ngày chúng ta yêu nhau
Thật nồng nàn
Ngày em nghỉ dạy học trò sanh con
Ngày tôi không còn mặc đồ quân nhân ở nhà nuôi vợ đẻ
(Linh Phương – Trong ngày hòa bình) (1)
Hay là niềm vui như một bài ca lên đường với trái tim say sưa phấn khích:
Hãy lên đây bà con
hãy lên đây tất cả bà con
lên vội vàng
lên hớn hở
lên kiêu hãnh chiếc xe renault
4 máy 12 mã lực này
hãy ngồi thật gần nhau
thật sát vai nhau
ngồi trong thùng xe
ngồi trên trần xe
ngồi cả hai bên cửa xe
ngồi ngả ngồi nghiêng
ngồi cười ngồi nói
ngồi thật đông ngồi cười tự do
không còn ai kiểm soát chúng ta
dò xét hăm dọa chúng ta
nhưng nhớ đừng dấu dao
đừng dấu lựu đạn;
cũng đừng quảy gánh mang thùng
chúng ta đi tay không đi thảnh thơi
xin đừng sợ đói đừng sợ khát
chúng ta có nụ cười có cả tiếng ca
bà con ơi đừng quên tôi là tài xế
tài xế xe đò
nhưng tôi sẽ không thu tiền lộ phí
sẽ không thu thẻ kiểm tra lập danh sách
tôi chỉ điều khiển chiếc xe
ôi chiếc xe ngoan ngoãn
chiếc xe anh dũng
chiếc xe biết cười biết sầu muộn
chiếc xe đã chở tôi qua ổ mìn
đã lắc say đời tôi trong nước mắt
bây giờ tôi mới thấy được chiếc cầu
mới thấy được con đường xanh bóng cây
bà con ơi
….
hy vọng là cõi sống
tôi lăn tròn luôn luôn
lẽ nào không bắt gặp
một bóng cây hoà bình?
và với lòng tin đó
tôi đãi bà con một chuyến đi
hãy cười cho tôi vui
ôi vợ tôi ở nhà
sắp sửa sinh con trai.
(Luân Hoán – Chuyến xe mùa xuân) (1)
…
dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con
cũng đem chiếc áo lành ra mặc
cũng ăn một bữa cơm cho no
cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu
khổ đau lúc này mẹ gói trong mo.
(Hồ Minh Dũng – Đêm Giáng sinh ở VN) (1)
…
em yêu dấu đây là lần thứ nhất
trong đời mình anh thấy quá hân hoan
anh muốn nói với muôn người trên mặt đất
rằng nơi đây sắp hết điêu tàn
và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng
không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm
ba giờ sáng xuống ngã tư quốc tế
ăn một tô mì thơm ngát bình yên
có thể nào sáng mai trên phố cũ
người ta bảo nhau hôm nay hòa bình
người ta dắt nhau trên đường trẩy hội
riêng một bông hồng nở giữa tim anh
(Phạm Cao Hoàng – Một Bông Hồng Nở Giữa Tim Anh) (1)
Trên đây chỉ một số trong số rất nhiều những bài thơ thời chiến, hoặc bàng bạc, hoặc như trùt hết nổi lòng hay để thăng hoa một giấc mơ chung mà chúng tôi sưu tầm được trên những trang tạp chí cũ trước 1975. Điều này chứng minh về tâm trạng của hầu hết một thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh: không có tương lai, không có một lối thoát, luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết, ít hay không có kinh nghiệm gì về Cộng Sản như thế hệ đàn anh của họ đã có. Họ chỉ còn có giấc mơ để làm chiếc phao mà bấu víu.
Trong bài “Nói chuyện với người viết mới”, Mai Thảo đã nhìn nhận về sự thật này:
Những người viết trẻ của chúng ta không sai lầm chút nào đâu, khi hướng sáng tác vào những chủ đề căn bản của xã hội và đất nước chúng ta hiện nay, như chiến tranh đang lan tràn với tất cả những đau đớn, những mất mát của nó, như sự phẩn nộ của tuổi trẻ trước một xã hội ngưng đọng, như sự hoang mang ngờ vực của cả một lớp người trước lịch sử đầy biến động… (2)
Có điều, câu hỏi được đặt ra, có phải với tâm trạng như vậy, với khuynh hướng sáng tác như vậy, có phải văn chương nhân bản miền Nam đã tiếp trợ gián tiếp cho một sự sụp đổ của miền Nam như một số người nhận định?
Xin trả lời, không.
Bởi lẽ giấc mơ ấy đã bị tan vỡ hoàn toàn sau khi hiệp định Ba Lê được ký kết vào ngày 28-1-1973. Bằng chứng trước ngày ấy, vẫn chưa có một thành thị nào bị mất, cao nguyên vẫn an toàn, Saigon Nha trang Quy Nhơn Đà Nẵng vẫn đêm ngày quán xá hộp đêm, vẫn vô tâm quay mặt trong khi chiến cuộc càng lúc càng dữ dội trong khi con cháu COCC thì được ung dung ở đàng sau hay được gởi ra ngoại quốc.
Có lẽ bài học về hiệp định Ba Lê đã làm thức tỉnh giấc mơ:
…
Em trước bàn hội nghị
Tóc xõa như nàng tiên
Tay ngà ôm lấy trán
Người trước bàn hội nghị
Vung tay ra đàng trước
Vứt tiền ra đàng sau
Anh trước bàn hội nghị
Già mồm như gái đĩ
(Nguyễn Hồi Thủ – Em, tôi và những người bọn mình không ưa) (1)
Rõ ràng, chẳng bao giờ có hòa bình ở Việt Nam. Nếu có chăng là chỉ được tìm trong cầu tiêu:
Đài BBC rè rè bản tin buổi sáng
Tôi ngồi trong cầu tiêu
Nơi đây không có men bia nước ngọt
Không có bàn vuông bàn tròn
Không có người trước người sau
Không có anh không có em
Không bạn bè không kẻ thù
…
Giữa khoảng không gian nhỏ bé
Trong khung cảnh một cầu tiêu
Tôi nhìn rõ mặt tôi trong hồ nước
Tôi nói chuyện tôi theo tiếng dội vách tường
(Huỳnh Hữu Võ – Hiệp định Balê về Việt Nam) (3)
Để rồi, nó tan vỡ. Nó không bao giờ có thật. Nó chỉ là một trái bong bóng màu. Miền Nam nhìn nó mà ước ao chụp bắt, thèm muốn đến điên cuồng. Và phe Bắc dùng nó để lừa Mỹ để Mỹ rút quân, ngưng viện trợ, để cho hàng hàng binh đoàn hùng hậu “Bàc cùng chúng cháu hành quân” tiến vào Nam như chỗ không người, sau khi phe Nam bị bó tay vì thiếu súng thiếu đạn!
Để rồi chiến tranh vẫn tiếp tục.
4 đêm không ngủ
3 ngày không ăn
Bên trong tử thủ 400 thằng
Ngoài mặt trùng vây 2000 đứa
4 đêm máu lửa
3 ngày nắng nung
Vi vút không gian tiếng đạn hãi hùng
Tiếng rú ra đi – bên này – bên địch
4 đêm pháo kích
3 ngày tấn công
2000 thằng lớp lớp xung phong
400 đứa chong rào thép nhọn
…
Đó là chuyện của rừng sâu đêm tối
Xa thành đô trên vạn lý đường chim
Chuyện xẩy ra khi nồng giấc ngủ em
Khi lòng phố đèn khuya vàng vọt
Khi đâu đó rã rời từng điệu nhạc
Và những người mệt mỏi vẫn dìu nhau
Trong chập chờn, trong mê loạn đêm thâu…
(Tô Quân: 3 ngày 4 đêm) (4)
để rồi dẫn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn bị mất vào tháng 4-1975
Điều này chứng tỏ không phải tính nhân bản của nền văn chương thời chiến, đăc biệt là sự mơ ước hòa bình, ngưng tiếng súng, một ngày con tàu thống nhất hú còi xuyên Việt, hay hai miền Nam Bắc sum họp không hận thù, không trả nợ máu, là lý do để miền Nam bị mất như một số người từng nhận định. Nhân bản là bản chất của con người. Hơn nữa, con người sống mà không ước mơ thì sống bằng gì bây giờ, trong khi hắn không còn gì nữa hết để bấu víu.
Ngay cả trong tập thơ Đầu Gió – tuyển tập những bài thơ thép do Tổng Cục Chiến tranh Chính trị ấn hành vào mùa thu 1973, cũng vẫn phổ biến một bài thơ dài về niềm mơ uớc này, sau khi hiệp định được ký vào cuối tháng 1-1973.
MỘT CHÚT LẠC QUAN
Chinh Yên
Không sao cả. Rồi thế nào chiến tranh cũng chấm dứt
Chuyến xe lửa đầu tiên sắp khởi hành
Viên xếp ga đã già
Phất cờ thật ngọt
Mà lệ ứa chẳng hay.
Chào mừng ngành hỏa xa khói than và dầu nhớt
Chào mừng những con mắt ngái ngủ trong chuyến tốc hành hai ngày một đêm từ Nam ra Trung
Cháo mừng những cô nàng bán hàng rong và hàng chạy
Những tay lãng tử bám bụi đường xa
Chào mừng những con đường Việt Nam lấp xong hầm hố
Những con đường nối liền bùng binh Sài Gòn với lối mòn độc đạo trên rừng
Chào mừng những con đường gồng mình chịu đựng những chuyến xe phong trần chạy hăm bốn giờ một ngày không nghỉ
Những con đường láng như da mặt
Soi bóng trăng đêm hè
Những con đường trèo ngược lên núi
Chịu cơ hàn lẫn gió cùng sương
Những con đường xuôi về duyên hải
Trút bụi giang hồ
Xuống lòng biển mặn.
Không sao cả. Rồi thế nào chiến tranh cũng chấm dứt
Chào mừng những con sông Việt Nam qua cơn bão táp
Đám lục bình trôi nổi truân chuyên
Những con sông chạy ra biển Đông
Ngó con kình ngư nó vẫn vẫy vùng
Chào mừng những con sông tạt vô thị xã
Vỗ mạn thuyền gợn sóng lăn tăn
Những con sông không chịu rời làng nước
Mê giọng hò và mê luôn cô lái đến ốm tương tư
Những con sông chịu nghe cây đa dạy nghĩa thủy chung
Mặc thây những con cá đớp mồi gãi ngứa
Chào mừng những con sông không bao giờ cạn
Dù bến có mòn bờ có lỡ.
Không sao cả. Rồi thế nào chiến tranh cũng chấm dứt
Chào mừng rừng núi Việt Nam chưa thành bình địa
Rặng Trường Sơn dài hơi chạy việt dã từ Bắc vô Nam
Rừng núi có buồn trơ trụi thì cây kia mọc lại mấy hồi
Rừng núi có buồn vì chim biếng hót thì suối kia nhã nhạc thiên thu
Rừng núi có buồn vì không muông thú thì người chăn chiên sẽ tới cùng đàn cừu và cây sáo
Ánh sáng và bóng tối, ngày và đêm sẽ chơi trốn bắt trên chồi mới nhú
Đàn cừu sẽ đuổi theo tiếng sáo
Tiếng sáo sẽ đuổi theo áng mây
Và áng mây sẽ biến thành giấc mộng đêm hè.
Không sao cả. Rồi thế nào chiến tranh cũng chấm dứt
Hòa bình sẽ tới dù chưa phải hôm nay
Nếu hòa bình là cái chi không thể bắt bằng tay
Ta sẽ coi bằng mắt
Nếu hòa bình là cái chi không thể coi bằng mắt
Ta sẽ nghe bằng tai
Ta sẽ nghĩ trong đầu
Nuôi trong tim
Và biến thành máu đỏ.
Ta nuôi hy vọng như lão bộc
Giữ hoài hoài một chút lạc quan.
(trích trong bài RỒI THẾ NÀO CHIẾN TRANH CŨNG CHẤM DỨT) (4)
Tổng Cục Chiến tranh Chính trị có lý do để chọn bài thơ. Thơ thép không phải chỉ sắt và máu, là bắn giết, là Bắc phạt, là huy chương. Nó còn mang theo trái tim cùng với ba lô và súng đạn. Trái tim ấy cứng như thép khi lâm trận, nhưng cũng mềm như lụa sau khi hết trận. Người lính miền Nam khác người lính miền Bác là ở chỗ đó. Văn chương miền Nam cũng khác với văn chương miền Bắc là ở chỗ đó.
Có phải vậy không?
___
(1) Thơ Miền Nam trong thời chiến, Thư Ấn Quán xuất bản 2005
(2) Mai Thảo, Giòng sông rực rở, Tập truyện Văn Uyển xuất bản, tháng 1-1968
(3) Thơ Tự Do Miền Nam, Thư Ấn Quán xuất bản 2006
(4) Đầu Gió tuyển tập những bài thơ thép, Cục Tâm Lý Chiến QLVNCH xuất bản Mùa thu 1973
Văn chương miền Nam thời chiến dù đa dạng, dù nhiều khuynh hướng sáng tác, dù người chọn viễn mơ, kẻ chọn dấn thân, người chủ hòa, kẻ chủ chiến, dù là Trình Bày, Đối Diện, Đất Nước hay Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, với những lập trường chủ trương có khi dị biệt, tuy nhiên, tất cả có một điểm chung là người viết, họ đã viết những gì họ cần viết.
Có nên đăng lại bài thơ Trừ đi của Chế Lan Viên để tạm kết lọat bài mang chủ đề này không. Tôi nghĩ, những điều mà Chế Lan Viên đã muốn chúng ta trừ đi trong thơ ông, và những thứ mà ông đã giết như tiếng đau, tiếng cười, kỷ niệm, ước mơ, giết cái cánh sắp bay, giết cả mặt trời trên biển. Giết cỏ mọc trong mưa… Những điều, những cái mà ông muốn trừ đi hay đã giết ấy, tất cả đều có mặt trong văn chương miền Nam. Văn chương miền Nam đã cộng vào giùm ông rồi. Ông khỏi cần bận tâm.
Có điều, khó tìm lại ông ơi. Chúng đã nằm trong mộ huyệt phần thư sau tháng 4-1975.
Trừ đi
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,
Tôi giết cái cánh sắp bay… trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời trên biển,
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
Chế Lan Viên
- Lữ Quỳnh, Bạn Tôi Trần Hoài Thư Nhận định
- Bức Tranh Quyên Sinh Trần Hoài Thư Tản mạn
- Ân Tạ Của Một Người Vừa Thoát Chết Trần Hoài Thư Tản mạn
- Dòng sông qua những tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ Trần Hoài Thư Nhận định
- Nguyễn Phương Loan Người thi sĩ có tâm hồn vô lượng Trần Hoài Thư Hồi ức
- Hành trình tạp chí Chỉ Đạo Trần Hoài Thư Giới thiệu
- Sự Mầu Nhiệm của Nghệ Thuật Trần Hoài Thư Tản mạn
- Hành trình của ký giả Lô Răng Trần Hoài Thư Nhận định
- Thăm vợ vào ngày giáng sinh Trần Hoài Thư Thơ
- Quà Giáng Sinh 2021 của Blog THT: Thêm 72 số báo Văn của năm 1969, 1970, 1971... Trần Hoài Thư Giới thiệu
• Trần Hoài Thư ... Mây Trắng Về Trời (Như Thương)
• Trần Hoài Thư Người Thầy Dạy Cũ (Trần Yên Hòa)
• Trần Hoài Thư, Ngọn Cờ Đầu: Nổ Lực Xiển Dương 20 Năm Văn Chương Miền Nam (Du Tử Lê)
• Thơ của người viết văn làm lính chiến Trần Hoài Thư (Hà Khánh Quân)
• Trần Hoài Thư và ước nguyện phục hồi văn chương Miền Nam Việt Nam (Hà Vũ)
• Vài hình ảnh kỷ niệm anh Trần Hoài Thư về Houston mừng Thư Quán Bản Thảo số 100 (Lương Thư Trung)
• Thơ Tình Tuổi Tám Mươi – Trần Hoài Thư (Doãn Cẩm Liên)
• Níu Một Đời, Giữ Một Thời (Ban Mai)
• Tình Yêu - Trần Hoài Thư (Doãn Cẩm Liên)
• Trần Hoài Thư và Ngọc Yến, với con chim chằng nghịch và nỗi nhớ quê (Ngô Thế Vinh)
• Chùm thơ Vịn của Trần Hoài Thư (Đỗ Trường)
• Nhà văn Trần Hoài Thư và việc xuất bản sách thân hữu (Trần Yên Hòa)
• Nghiệp Hành (Nguyên Minh)
• Vịn Vào Lục Bát Của Trần Hoài Thư (Phạm Văn Nhàn)
• Ra Biển Gọi Thầm: Niềm Đau Của Thế Hệ Lớn Lên Trong Thời Chiến (Lê Tạo)
• Trần Hoài Thư - Người Lính Và Nỗi Buồn Chiến Tranh (Đỗ Xuân Tê)
• Đọc "Truyện Từ Văn" của Trần Hoài Thư (Hoàng Ngọc Hiển)
• Trần Hoài Thư (Học Xá)
• Qui Nhơn, Bình Định trong thơ người lính Trần Hoài Thư (Nguyễn Mạnh An Dân)
• Ngồi "Quán" Với Trần Hoài Thư (Lê Văn Trung)
• Lang Thang ... Quán (Nguyễn Lệ Uyên)
• Hành Trình Của Một Cổ Trắng (White Collar) (Phạm Văn Nhàn)
- Tang lễ nhà văn Trần Hoài Thư (Trần Trung Đạo)
- Vĩnh Biệt Anh Chị Trần Hoài Thư - Nguyễn Ngọc Yến (Vương Trùng Dương)
- Tác Giả và Tác Phẩm Trần Hoài Thư: I, II
(Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)
- Trần Hoài Thư, Người của Di Sản Văn Học Miền Nam (Nguyễn Minh Nữu)
- Giới thiệu nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Thư (Trần Trung Đạo)
- Vịn Vào Lục Bát, điểm tựa cuối cùng của Trần Hoài Thư (Đỗ Trường)
- Trần Hoài Thư, người khâu di sản (Trần Doãn Nho, nguoi-viet.com)
- Trần Hoài Thư, 'hiệp sĩ lẻ loi' của văn chương miền Nam (Ðỗ Dzũng)
- Qua Ô CỬA của Trần Hoài Thư, Nghĩ và Viết Về Thơ Chiến Tranh Miền Nam (Phan Bá Thụy Dương, vnthuquan.net)
- Trò chuyện cùng Trần Hoài Thư về Thư Ấn Quán & Thư Quán Bản Thảo (Trần Doãn Nho, luanhoan.net)
- Nhà văn Trần Hoài Thư và tác phẩm “Văn Miền Nam Thời Chiến” (Mặc Lâm phỏng vấn, rfa.org)
- Trần Hoài Thư và Châu Hải Châu (luanhoan.net)
- Trang Trần Hoài Thư (art2all.net)
- Blog Trần Hoài Thư & Thư Quán Bản Thảo
• Lữ Quỳnh, Bạn Tôi (Trần Hoài Thư)
• Bức Tranh Quyên Sinh (Trần Hoài Thư)
• Ân Tạ Của Một Người Vừa Thoát Chết
(Trần Hoài Thư)
• Dòng sông qua những tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ (Trần Hoài Thư)
• Nguyễn Phương Loan Người thi sĩ có tâm hồn vô lượng (Trần Hoài Thư)
- Đọc một bài thơ "lục bát mới" trước 1975 của Thành Tôn,
- Đi tìm “bài thơ trên xương cụt” của Chinh Ba ,
- Trần Phong Giao và những người viết trẻ,
- Ý Thức Và Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang,
- Đi tìm Vũ Hữu Ðịnh ở Mỹ (Tạp bút)
- Thám Báo,
- Ngày cuối cùng của một cổ trắng
Tạp chí Văn học Nghệ thuật phát hành bất định kỳ, tập 1 (tháng 10-2001), tập 45 (tháng 1-2011), nhóm chủ trương: Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Trần Bang Thạch, Cao Vị Khanh, NG~.
Ðịa chỉ P.O Box 58, South Bound Brook, NJ 08880.
Email: tranhoaithu@verizon.net
• Tình bạn trong văn chương (Trần Doãn Nho)
• Giáo Sư Trần Huy Bích – Người Hết Lòng Với Văn Hóa Dân Tộc (Việt Dương)
• Vũ Hoàng Thư. Hạt Nắng Phiêu Du (Nguyễn Thị Khánh Minh)
• Thanh Tịnh và Tôi Đi Học (Nguyễn Mạnh Trinh)
• Limeil, những ngày mây (Vũ Hoàng Thư)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |