|
Duy Thanh(11.8.1931 - 24.11.2019) | Tuệ Sỹ(15.2.1943 - 24.11.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Tô Thùy Yên
(1938 - 21.5.2019)
Trước, một thi sĩ Nam (là Kiên Giang) có giọng thơ giống một thi sĩ Bắc (là Nguyễn Bính). Sau đó, Tô Thùy Yên là thi sĩ Nam có giọng Bắc. Ông không giống ai, không giống người Bắc nào; ông bắt kịp cái điêu luyện của ngôn ngữ Bắc, thế thôi.
Kiên Giang giống Nguyễn Bính chỉ giống Nguyễn Bính tiền chiến, Nguyễn Bính “Lỡ bước sang ngang”, Nguyễn Bính của những tâm hồn mộc mạc, đơn sơ: cái đó dễ, vì là sở trường của miền Nam. Trái lại, Tô Thùy Yên bắt ngay vào cái sở trường của miền Bắc. Ông tinh vi, cô đọng, trau chuốt đâu kém ai.
Nói “bắt kịp”, nói thế e có thể gây một sự hiểu lầm, rằng có sự hơn thua giữa Bắc Nam. — Không phải vậy. Giá trị của nghệ thuật đâu phải ở chỗ tinh vi trau chuốt mà thôi? Trau chuốt có cái đẹp của trau chuốt; sù sì gân guốc có cái đẹp của gân guốc. Chẳng qua là những phong cách khác nhau, những vẻ đẹp khác nhau. Không hơn không kém, nhưng tinh tế là đặc trưng của một nền văn hóa cố cựu, của thời gian. Và thời gian cho thêm cái này thì cũng thu bớt cái kia: người sống nhiều, lịch duyệt nhiều, tất khéo léo tinh tế thêm; đồng thời lại sinh ngại ngùng, cầu an, mất cái quả quyết, cái tích cực của tuổi trẻ.
Lâm Ngữ Đường cho rằng ở nước ông người miền Nam viết hay vẽ giỏi, tài tình rất mực; trái lại người miền Bắc cao lớn, dũng mãnh, oai hùng. Người Hoa Nam làm văn nghệ thì hoa mỹ tuyệt vời; người Hoa Bắc không theo kịp đâu, người Hoa Bắc chỉ giỏi làm... vua thôi: hầu hết những kẻ đánh đông dẹp bắc, những bậc khai sáng các triều đại vua chúa hơn hai nghìn năm lịch sử Trung Hoa đều ra đời ở miền Bắc. Nói cho cụ thể hơn là ra đời tại một vùng xung quanh thiết lộ Lũng Hải, tức cái vùng bao gồm các khu vực đông Hà Nam, nam Hà Bắc, tây Sơn Đông và bắc An Huy.
Trung quốc văn minh lâu đời, vì thế con người sinh ra bạc nhược. Người văn minh thoát lần khỏi áp lực của thiên nhiên, rút về chỗ đô thị đông đảo và nhiều tiện nghi, họ trau dồi giao tế, nói năng hay ho, và ngại xông pha, ngại dùng sức. Con người văn minh, vì thế, về phương diện đấu tranh, đâm ra hỏng. Nhiều nền văn minh trên thế giới đã sụp đổ do cái hỏng ấy. Trung Quốc lẽ ra cũng thế: thỉnh thoảng lại bị các “rợ” miền bắc xông vào đánh cho tơi bời, có khi đè đầu cai trị một thời gian dài (nhà Nguyên, nhà Thanh). Nhưng cũng chính nhờ các cuộc xâm lăng ấy mà Trung quốc không sụp đổ: các dân tộc xâm lăng kéo vào đã tiếp một nguồn sinh lực mới mẻ cho dân tộc Trung Hoa, đặc biệt là dân Hoa Bắc. Đại khái cứ mỗi chu kỳ tám trăm năm cuộc tiếp máu diễn ra một lần, và dân tộc Trung Hoa được trẻ lại từ phía bắc.
Chúng ta, ở Việt Nam, chúng ta trẻ lại từ phương Nam. Từ ngót nghìn năm nay chúng ta tiến dần vào Nam, lần lượt sống và kết hợp với các giống dân Chàm, Chân Lạp, v.v... Cuộc nam tiến không phải chỉ mở rộng biên cương, tăng gia tài nguyên, mà còn làm cho dân tộc dồi dào thêm sinh lực.
Quả nhiên tôi đã quá dài dòng, cơ hồ lạc đề. Khổ thân tôi! Không nói thì ngại hiểu lầm, mà dông dài thì e vớ vẩn; nói ra nghe như vớ vẩn, mà không nói ra lại cứ lo mình bỏ qua một điều quan trọng: là giọng thơ Tô Thùy Yên. Cái giọng Bắc của ông, đọc qua thấy ngay. Cái giọng Bắc ấy ở một thi sĩ Nam không phải đã nêu lên một đặc điểm quí báu sao? Ông tiếp nhận cái dũng mãnh của miền này, lại thừa hưởng cái trau luyện của miền kia. Nhất ông!
Và Tô Thùy Yên không phải chỉ bắc có cái giọng. Hình như ông còn gần gũi miền Bắc tận trong tâm hồn. Dù sao, đây là lần đầu tiên chúng ta gặp những thắc mắc siêu hình trong thi ca một người sinh trưởng trong Nam.
Bảo rằng trong thơ Tô Thùy Yên có chủ đề triết lý, bảo thế e chưa thích hợp. Gần như toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông là một dấu hỏi khổng lồ nêu lên trước cái bí ẩn muôn đời của vũ trụ. Bí ẩn đó là ám ảnh chủ yếu của đời ông. Ngoài ra có gì nữa đâu? — Ái tình chăng? Hiếm lắm; ông cách xa sự đắm đuối nhiều lắm. — Ca ngợi thiên nhiên chăng? Ít lắm; thơ ông không phải thơ ngâm hoa vịnh nguyệt. — Kêu gọi yêu nước, phát huy lý tưởng, cổ xúy tín ngưỡng chăng? Ồ không; ông ngờ vực tất cả trên đời. — Tự dưng cất tiếng hát cho đời vui chăng? Đừng hòng! Ông không phải con chim ngứa cổ...
Có lần ông viết về “đãng tử” — Gã đãng tử nào vậy cà? Có phải cái chàng trai nọ có khiếu giang hồ thường ngược xuôi trên con đường xe lửa xuyên Việt, thỉnh thoảng cho tay vào mũi ngoáy mấy cái để rút ra một thỏi mực tàu đấy không? Có phải anh chàng lang thang ngoài sương gió kia, vẫn lênh đênh trên các con đò với đám ca kỹ, nốc tì tì và kêu rằng giang hồ rượu ấy còn pha lệ này lệ nọ không? Có phải gã du khách lang bạt kỳ hồ thiếu cả quê hương, thời thường xách chiếc va-li mà các hãng hàng không quốc tế, các khách sạn, các hãng tàu đã dán chằng chịt những nhãn giấy xanh giấy đỏ, gã du khách đã đặt chân lên gần khắp các nước trên hoàn cầu đấy không nhỉ?
— Hầy! Nhảm. Nhảm quá. Tô Thùy Yên không lý đến hạng lãng tử ấy, dù họ đi trong nước hay ngoài nước, đi vòng quanh quả đất bao nhiêu chuyến cũng mặc. Đãng tử — cũng như góa phụ, như chim biển bắc — của ông chẳng qua là biểu tượng. Cuộc đi ông nói đây là cuộc đi trong kiếp nhân sinh mờ mịt, không bến bờ không định hướng, cuộc đi bắt đầu từ vạn cổ mà rồi không bao giờ kết thúc, là cuộc “tuần du bất tận”. Sự sống giục giã: gió thổi, chim bay, mây xôn xao, thủy triều sôi réo... Phải lên đường chứ. Nhưng lên đường về đâu?
“Đến ngả ba, đành theo một lối
Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia.”
(‘Đãng tử’)
Ôi, thân phận người đãng tử của Tô Thùy Yên.
Có lần khác ông viết về mối tình ngày nhỏ: ‘Vườn hạ’. — Tình xưa, kìa, có phải như Tố với Hoàng một đời thiết tha? hoặc giả có phải thân nhau từ thuở bé thơ như Mùi của Siêu chăng? Vậy thì mùi mẫn biết mấy!
— Hừm. Đâu có. Làm gì có sự mùi mẫn đối với một người tình không chân dung? Ở đây không có dáng hình kiều diễm nào. Không mặt mũi vóc dáng, không tên tuổi, không có cả một màu áo. Không ai trông thấy giai nhân đâu, ở đây chỉ gặp một nhân vật tàn nhẫn mang tên là Thời Gian.
Phải. Cái yêu lúc này không là chủ yếu, vì ông đang suy tưởng buồn rầu về chuyện “mai kia mốt nọ”. Khiếp, cái mai mốt nghĩ mà kinh. Mai mốt anh về:
“Hỏi em, em lấy chồng xa xứ
Hỏi bạn, bạn lìa quê bặt tin.”
Không còn bạn, không còn tình, ông chiêu hồn tuổi dại, ông lay gọi:
“Thơ ấu, dậy đi, mừng dụi mắt
Cùng anh chạy nhảy tiếp thời vui.”
Thời vui, anh với em đá gà bằng cỏ xướt, đùa giỡn la rân dưới mưa, lăn vòng, đá bong bóng nước v.v... Nhưng mai mốt không ai còn có thể chạy nhảy tiếp một thời vui. Không ai tiếp được cái gì nữa cả. Thời gian xóa hết. Cái chân dung nghìn mặt của Thời Gian có những nét đáng hãi:
“Trời cao mỏi mắt, chòm mây bạc
Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh
Ngoài quãng chói chang hư ảo múa
Dường như ai réo ấu danh anh (...)
(...) Nằm đây phủ sáng hằng hà sao
Nghe thủy triều lui bậc bậc sầu
Nghe tiếng mõ chùa khô khốc khóc
U minh ngày tháng bóng lao đao (...)
(...) Cây cỗi càng sưng vết chặt lồi
Chờ nhau cho đáng kiếp chờ thôi
Tuổi già gom lại bao thương tưởng
Như cuối vườn chiều mót củi rơi.”
(‘Vườn hạ’)
Giữa cái vui hôm nay với cái buồn mai kia mốt nọ, sự thay đổi khiến ta liên tưởng đến cảnh Hồng lâu mộng. Mới ngày nào, một cậu bé trên mười tuổi giữa cái xôn xao của đám đông đảo hàng bốn trăm rưởi nhân vật, đa số là đàn bà con gái thơm tho xinh đẹp, nói cười ríu rít, quấn quít yêu thương. Rồi chẳng mấy chốc, xuân chưa qua hạ chưa đến, mà tan tác đã xảy ra. Giả Bảo Ngọc không kham nổi cái cảnh “vườn chiều mót củi rơi”, không kham nổi cảnh tan tác, đành trốn theo đạo sĩ đi mất dạng, đi tức tưởi, bỏ lại cõi trần nửa đứa con trong bụng Bảo Thoa. Hồng lâu mộng là cái “chạy nhảy” của “thời vui”. Nó chỉ gặp ‘Vườn hạ’ vào tan cuộc, vào lúc tan tác, lúc đạo sĩ xuất hiện, lúc Thời Gian cất tiếng.
Lại một lần khác, Tô Thùy Yên làm thơ về đảo Trường Sa. — Ờ ờ, ông đi nhiều mà. Gặp cảnh đẹp ông dừng chân hứng bút đề thơ, bốn câu ba vần, hay tám câu năm vần chứ gì?
— Nói vậy sai lắm, sai quá lắm. Đừng nói với ông làm chi chuyện đẹp với không đẹp, chuyện ngắm với nghía. Ông đến đây, trong lòng trong trí bận bao nhiêu cái khác. Ông thắc mắc hỏi han:
“Mùa đông bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ.”
Ông tủi hổ về sự nhỏ nhoi của kiếp người; ông muốn cùng bể khơi cùng khóc:
“Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.”
(‘Trường Sa hành’)
Ở Trường Sa, cũng như ở phá Tam Giang, và có lẽ ở động Hương Tích, ở đỉnh đèo Ngang hay ở Động Đình hồ cũng thế thôi, ông không có thái độ thưởng ngoạn; thái độ ông vượt ra ngoài sự bận tâm về cái đẹp xấu:
“Chiều trên phá Tam giang
Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn
Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng chợt hãi hùng
Dớn dác ngó.”
(‘Chiều trên phá Tam Giang’)
Ở Trường Sa, cũng như ở phá Tam Giang, và ngay những khi không đi đến đảo xa phá rộng nào cả, đến chốn đại dương mênh mông hay trước sóng to gió lớn nào cả, ngay một buổi sáng như mọi buổi sáng, ngồi trước ngôi nhà ở làng quê, ông cũng nghe được cái ít người nghe: cái cựa quậy của đất trời:
“Ta ngồi trước ngõ nghe xao động
Trời đất bào thai cựa cựa nhanh
Mầm cỏ nhoi nhoi lên rạo rực
Con chim chèo bẻo hót lanh chanh.”
Rồi đứng lên đi loanh quanh, gặp dăm ba người làng, ông cũng nói được cái ít người nói trong những dịp ấy: ý nghĩa đời người.
“Ta ngồi cho đến khi trời trắng
Đồng ruộng xanh đông đúc tiếng người
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Đời người cũng chuyện phiếm mà thôi.”
Và ngộ nhất là dẫu không làm gì cả: không đi không ngồi không nghe không nói gì cả, chỉ có hoặc nhìn một ngọn cỏ, hoặc chỉ thở, chỉ sống không thôi, ông vẫn có dịp đề cập đến tận vấn đề rốt ráo của nhân sinh:
“Gặp buổi trời mưa bay phới phới
Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân
Ta nhìn ngọn cỏ, lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân
Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không?
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm...”
(‘Hề, ta trở lại gian nhà cỏ’)
Ông Tô Thùy Yên! Giá Thượng Đế mà biết được trong vô vàn chúng sinh có những đứa sống đầy ý thức như thế, không một phút giây nào không chăm chú từng hiện tượng lạ lùng của cuộc sống, không thấp thỏm ngạc nhiên, có đứa sống một cuộc sống đầy thao thức sáng tạo như thế, chắc Thượng Đế không khỏi thêm hãnh diện về công trình của mình, và chắc chắn Người... yêu ông biết chừng nào. Ít ra Người sẽ phải yêu ông hơn bao nhiêu đứa khác chỉ biết đớp hít, nhắm mắt hưởng thụ công trình Người, hay những đứa mải lo chen lấn đấm đá cắn xé nhau.
Nói Tô Thùy Yên dừng lại ở mỗi phút giây không phải là bảo ông nhỏ bé đâu. Trái lại. “Cây dừa ngất gió trùng điệp” gợi ông một “kiếp đau dài” (‘Trường Sa hành’); “gốc cây nứt nở vỏ” nói với ông “bao điều thầm lặng lớn” mà “trí ta không đủ lực đo lường” (‘Hề, ta trở lại gian nhà cỏ’); góa phụ khóc chồng, ông kêu “em khóc làm chi lẽ diệt sinh”’; tiếng con chó tru ông thấy “thăm thẳm ngây thiên địa”; gái góa tìm chồng không phải tìm trong vườn ngoài nội mà là... “chạy tìm anh ngoài cõi gió”... Tâm hồn ông tưởng chừng có kích thước vũ trụ. Ông từng bảo:
“Hoàng hôn xô bóng ta trên cát
Ta lớn lao và ta cô đơn.”
(‘Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai’)
Tin ông đi, quả nhiên ông lớn lao. Ông là đấng Khổng Lồ, hàng ngày ra vào cửa sinh cửa tử, đàm đạo với khí Âm khí Dương, chuyện trò với cái Vô Cùng cái Bất Tận v.v... Trông cây dừa ông không chỉ thấy cây dừa, nhìn gốc cây ông không chỉ thấy gốc cây, nghe chó tru không chỉ nghe chó tru v.v... Những hình ảnh âm thanh nọ còn là những ký hiệu, để ông đọc cái nghĩa đời, ông đọc ra lời nói của Thượng Đế, đọc những tiết lộ về bí nhiệm của cuộc sống. Thơ ông là thế. Không sao? Thơ ông là thế, là triết đấy. Thơ ông là triết, nhưng ông không phải là triết gia. Theo cái nghĩa một đấng suy tư, theo cái hình ảnh một kẻ sói đầu, khắc khổ miệt mài. Nếu miễn cưỡng phải là triết gia, ông là thứ triết gia ràn rụa nước mắt, triết gia héo hắt tâm can. Ông không vắt óc nghĩ ra tư tưởng; ông cảm xúc triết lý, bằng tấm lòng, bằng ngũ quan. Cái triết này không tháp ngà tháp nghiếc gì. Không tháp, không đền, cũng không phải thành hình từ trong phòng, trong liêu, trong am, trong động, trong hang nào cả. Những câu hỏi của Tô Thùy Yên đặt ra là đặt giữa trời đất bao la, giữa bể khơi ầm ĩ, giữa phá rộng sông dài, đặt ở ngả ba sông, ở mép nước lao xao lính tráng một chiều dừng quân, đặt giữa súng ống ngổn ngang, thây người chồng chất v.v... Giữa dòng đời tấp nập, giữa sinh hoạt náo nhiệt...
Một hôm Bàng Bá Lân hỏi Vũ Hoàng Chương bài thơ nào ông thích nhất, ông Vũ bảo là bài ‘Thôi hết băn khoăn’:
“Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc máu thầm rơi
Chiều nay một dấu than buông dứt
Đinh đóng vào săng tiếng trả lời.”
(Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại).
Dù được làm trong một dịp trọng đại, ngày thân mẫu thi sĩ qua đời, bài ‘Nhị thập bát tú’ vẫn có cái tỉ mẩn của tiểu xảo: dấu hỏi đối dấu than, dấu hỏi xoáy vòng như ốc sên, dấu than giống hình chiếc đinh v.v...
Một hôm khác Phạm Thiên Thư trông trăng và làm thơ:
“ngàn xưa ai từng ở nơi này
rồi đến ngàn sau ai đến đây
câu hỏi — liềm trăng còn ngoặc mãi
lời thưa — dằng dặc mấy cồn mây.”
(‘Liềm trăng’)
Cũng vẫn một chút tiểu xảo. Lại thêm cái tỉnh táo lạnh lẽo.
Tô Thùy Yên không thế. Ông nhiệt liệt, lúc nào cũng nhiệt liệt. Khi ai oán giận dữ hoặc ông kêu:
“Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.”
(‘Trường Sa hành’)
hoặc ông nhận định trời đất một cách nghiệt ngã:
“Trời đất vô ngôn lại bất nhân”
(‘Hề, ta trở lại gian nhà cỏ’)
hoặc ông thống trách:
“Hỡi ôi, trời đất lạnh tình thay!”
(‘Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai’)
Khi hứng chí yêu đời, ông lại xao động vì cái mầm cỏ rạo rực, vì con chèo bẻo lanh chanh; ông cảm ơn đời đến tuôn trào nước mắt...
Đừng tìm cái phải cái quấy trong những cảm xúc triết lý của ông. Ông khen, ông chê, ông ca ngợi, ông nguyền rủa..., đều đúng cả. Đúng tuốt hết. Không phải đúng với thiên lý nào, mà đúng với lòng ông mỗi lúc.
Vừa rồi trót nói đến cái “nhiệt liệt” của Tô Thùy Yên. Nói rồi sinh e ngại (lại e với ngại!): không khéo có kẻ xấu miệng bảo mình bày ra chuyện so sánh ông Tô với ông Vũ, ông Phạm với ông Đinh v.v... là do một thiên vị nào chăng? là ngầm ý bên nặng bên nhẹ chăng?
Ôi thôi! ngại sao ngại quá đến thế? Nhiệt liệt là hơn, kém nhiệt liệt là thua à? Tiêu chuẩn xét người luận tài đâu có tiêu chuẩn quái kỳ đến thế? Hàn nhiệt chẳng qua tính người. Bao Tự mặt nguội, sầu bi im ỉm, mà đấng chí tôn mê muốn chết, thấy không?
Kẻ xấu miệng nào đó có vẻ muốn dồn tôi tới chỗ lố lăng mất thôi. Bởi vì không chừng tôi sắp phải so sánh Tô Thùy Yên với các đại gia nghìn xưa đến nơi. Thật vậy, văn nhân, và nhất là thi sĩ, Á Đông xưa nay vẫn chuộng cái tinh tế hơn cái ồn ào, cái nuột nà hơn cái rùng rợn, cái buồn dịu hơn cái tưng bừng. Mà buồn buồn thì lại hơn buồn, dìu dịu thì hơn dịu. Chuyện ấy thiên hạ nói qua nói lại đã nhiều, không mới lạ gì. Cho nên bao nhiêu thi sĩ khác có thư thả ung dung, có dịu dàng thanh thoát v.v... cũng phải thôi. Nhưng Tô Thùy Yên thì không thế.
Ở Tô Thùy Yên hoặc ta gặp những cảnh khủng khiếp, những cảnh tượng làm nổi da gà:
“Em chạy tìm anh ngoài cõi gió
Lửa oan khốc giỡn cười ghê hồn
Tiếng kêu đá lở long thiên cổ
Cát loạn muôn trùng xóa dấu chôn.”
(‘Góa phụ’)
hoặc ta gặp cảnh hùng vĩ lạ thường:
“Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo...
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.”
(‘Trường Sa hành’)
Đỗ Phủ chẳng hạn, hôm nào ông chỉ là khách trọ tình cờ gặp dịp bắt lính ở thôn Thạch Hào, chủ nhân vọt trốn, thi sĩ nằm trong nhà nghe bà lão van lơn ngoài cổng, thế mà thi sĩ đã xót xa hãi hùng. Đàng này, Tô Thùy Yên không có thì giờ kể đến những chuyện ấy đâu. Nếu Đỗ tiền bối có gan dám nghe, Tô Thùy Yên đã sẵn những câu chuyện khác, đậm đà hơn:
“Tiếp tế khó — đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó — sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình mặt nát lạch mương tanh...”
(‘Qua sông’)
Những cái ghê rợn như thế đã bao giờ xuất hiện trong thơ ta? Tô Thùy Yên thay đổi cái ngôn ngữ thi ca quen thuộc tự lâu đời của Đông phương.
Hàn nhiệt là tính người, mà cũng phần nào là do hoàn cảnh. Có thể vốn tính Tô Thùy Yên không thích những cái tỉ mẩn, cái mây nhè nhẹ gió hiu hiu; mà cũng vì ông là quân nhân từng xông pha, từng sát kề cái chết. Ông triết lý xa vời về những chuyện càn khôn vũ trụ, có khi ông muốn ngoảnh mặt với đời, “định rất gần đây (...) xin đi dạy học trường làng, già có tiền lương hưu trí, chết có quan tài nước mắt vợ con”, nhưng thực ra cho đến tận cùng cuộc chiến ông vẫn mặc quân phục trên người, ông vẫn là kẻ dấn thân, là người tham dự, người trong cuộc. Ông không từng bao giờ có dịp nghỉ ngơi ở một “gác mây”, có dịp gát bút hay gát súng, không từng bao giờ phởn phơ ở “trang trại hồng”, ở “động hoa vàng” hoa đỏ nào cả. Thành thử dù trong thất chí, buồn đau, lời thơ ông vẫn rung lên cái nồng nàn của cuộc sống.
Nghĩ về hoàn cảnh ông, không khỏi liên tưởng đến hoàn cảnh những thi sĩ Miền Bắc. Họ cũng tay bút tay súng. Họ cũng chứng kiến chết chóc. Nhưng trong thơ văn Miền Bắc không có cái chết đau đớn như trong thơ Tô Thùy Yên. Trong đấu tố, trong chiến tranh, ngoài Bắc không có xác chết bạn: la liệt chỉ có xác ngụy, xác địa chủ. Xác ngụy không phải xác người. Tô Thùy Yên là ta, gọi lính cộng sản là “ngươi”:
“Vì sao ngươi tới đây?
Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói
Xích lời nguyền sinh Bắc tử Nam.”
(‘Chiều trên phá Tam Giang’)
Tô Thùy Yên gọi thế, Nguyễn Bắc Sơn cũng thường gọi thế. Trong khi ấy, Nguyễn Thành Long chẳng hạn từng có cuốn thơ Ta và chúng nó. “Ngươi” là người, còn “chúng nó” có thể thuộc bất cứ loài nào: Kỳ đà, cắc ké, kỳ nhông, đà điểu, khủng long v.v... đều là “chúng nó” cả. Xác người mới gây đau đớn xót xa; xác “chúng nó”, ối, xác “chúng nó” thì chỉ khiến các kỹ sư tâm hồn mừng rơn, cười toe thôi. Kỹ sư tâm hồn nêu cờ tả chân; thực ra nào họ có tả chân tả tay gì đâu? Đại khái như chuyện treo đầu dê bán thịt chó. Tất cả họ không ai trông thấy một xác người. Sau ngót ba chục năm tàn sát nhau, trong văn thơ Miền Bắc không có xác bạn, xác người, toàn xác “chúng nó”.
Cái chết diễn tả cực kỳ mạnh mẽ, nằm mở mắt trừng trừng trong những câu thơ Tô Thùy Yên sẽ đeo đuổi chúng ta mãi mãi. Đó là cái chết vừa ghê sợ vừa đau thương. Cái chết của người, người thân.
Vì băn khoăn siêu hình là chủ yếu trong thơ Tô Thùy Yên, ngay từ lúc bắt đầu, từ những ngày ông còn rất trẻ, cho nên người đọc cũng trót nói nhiều về cái triết trong thơ ông. Lại nói đây là chuyện xuất hiện lần đầu ở người miền Nam. Thế có phải nhờ tư tưởng siêu hình mà thơ Tô Thùy Yên cao hơn thơ người khác, nhờ nó mà ông nâng cao thơ Miền Nam lên chăng?
Tất nhiên là thơ hay không chờ có triết, là triết không làm cho thơ hay thêm. Và cao thì triết có cái cao của triết, thơ có cái cao riêng của thơ; không hẳn như nhau. Nhưng quả các xúc cảm siêu hình có cái giá trị đặc biệt của nó. Các dân tộc trên thế giới, ở trình độ văn minh nào cũng có thơ, nhưng trong số bao nhiêu nền văn minh của nhân loại từ xưa đến nay chỉ có ba nền văn minh xây dựng được hệ thống triết lý. Thành thử khi rốt cuộc kẻ Nam người Bắc chúng ta cùng tiến đến gần nhau trong cảm xúc trước tạo vật thì thật là một hân hoan chung cho dân tộc.
Trước đây, khi bị số mệnh dồn đến đường cùng Thúy Kiều và Nguyệt Nga cùng quyết định tự trầm. Cử chỉ đầu tiên của hai nàng giống nhau: Thúy Kiều “cửa bồng vội mở rèm châu”, còn Nguyệt Nga thì “lén ra mở bức rèm châu một mình”. Nhưng sau đó, trước khi gieo mình xuống sông, nhân vật của Nguyễn Du hai lần rợn ngợp (“Trời cao sông rộng một màu bao la”, và “Trông vời con nước mênh mông”), còn nhân vật của Nguyễn Đình Chiểu thì “vội vàng nhảy ngay”, không lôi thôi. Một nhà phê bình tiền chiến đã liên hệ thái độ của Thúy Kiều với thái độ triết lý của Pascal trước vũ trụ vô cùng, và cho rằng Nguyệt Nga có vẻ láu táu buồn cười. Tô Thùy Yên lấp bằng khoảng cách Bắc Nam ấy.
Thắc mắc siêu hình không phải lúc nào cũng được hoan nghênh. Thắc mắc mà không giải đáp được cho nên hoặc chính các triết gia phải xua đuổi nó đi, hoặc có những chế độ không muốn bị quấy rầy, quát tháo trấn áp nó. Một kẻ phát ngôn của chế độ nọ chê bai:
“Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt.”
(‘Hai câu hỏi’)
Thế nhưng Chế Lan Viên chưa kịp nằm xuống thì câu hỏi hư vô lại đã chớm dựng lên trước tâm tư lớp văn nghệ sĩ tạm được cởi trói.
Từ thời này qua thời khác, suốt mấy nghìn năm những câu hỏi siêu hình cứ như sóng biển đập vào bờ, rút lui ra, nhưng rồi lại tiến vào đập vã lên cát, liên miên bất tuyệt.
Sau này rồi bao lớp người khác sẽ còn thấm thía về cái “Hiu Quạnh Lớn”, về câu thơ “đãng tử” của Tô Thùy Yên. Thơ ông về sau, vào những năm cuối cùng của chế độ, càng thấm, càng hay. Điều đáng tiếc là nó tản mác quá. Ông cùng với bà Thụy Vũ từng chủ trương một nhà xuất bản (Kẻ Sĩ), không hiểu sao trước sau ông không in cho mình tập thơ nào. Thơ ông đăng trên nhiều báo khác nhau suốt hai mươi năm, ngay lúc này muốn tìm mà đọc thật khó khăn. Kẻ này sao được một ít, người kia chép lại thêm một ít nữa, chỗ sai chỗ đúng...
“Lời nhớ, lời quên, dạ xốn xang.”
Lần này thì lời là lời ông, mà dạ là dạ chúng ta. Thật vậy, trước sự mất mát ấy, lòng dạ chúng ta, những thân thuộc xa gần, bạn bè đồng nghiệp, cũng như độc giả mến mộ, sao khỏi xốn xang?
8 - 1991
- Một Người, Một Người... Võ Phiến Tạp luận
- Hoàng Hương Trang Võ Phiến Nhận định
- Nhà biên khảo Giản Chi Võ Phiến Nhận định
- Tô Thùy Yên Võ Phiến Nhận định
- Phạm Công Thiện Võ Phiến Nhận định
- Nhã Ca Võ Phiến Nhận định
- Trần Dạ Từ Võ Phiến Nhận định
- Tường Linh Võ Phiến Nhận định
- Nhân đọc bản thảo cuốn “Nguyễn Hiến Lê” của Châu Hải Kỳ Võ Phiến Nhận định
- Nguyễn Đình Toàn Võ Phiến Nhận định
• Đọc lại Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên (Đoàn Phương)
• Tô Thùy Yên và những bài thơ viết trong tù (Phạm Tín An Ninh)
• Hai Con Hạc Vàng Vỗ Cánh (Trần-Vấn Lệ)
• Tâm Thức Hòa Giải Trong Bài Thơ "Ta Về" (Nguyễn Cẩn)
• Một Người, Một Người... (V. Phiến)
• Tưởng nhớ 5 khuôn mặt văn chương (Trần D. Nho)
• Ta về Một Bóng Trên Đường Lớn... (Thảo Dân)
• Tô Thùy Yên. Thi Sĩ Lạ (Trần Yên Hòa)
• Tô Thùy Yên (Võ Phiến)
• Tô Thùy Yên: thơ, như một vinh dự lầm than của kiếp người (Bùi Vĩnh Phúc)
• Trường Sa hành của Tô Thùy Yên (Nguyễn Hưng Quốc)
• Đãng Tử (Nguyễn Hưng Quốc)
• Con đường bè bạn (Phan Lạc Phúc)
• Ngựa phi đường xa (Đặng Tiến)
• Tô Thùy Yên,thời gian, tồn tại, cô đơn và đá (Thụy Khuê)
• Giấc Mơ Không Dứt Đó Của Thần Linh (Nguyễn Tà Cúc)
- Vài hình ảnh Tô Thùy Yên với bạn bè (diendantheky.net)
- Tô Thùy Yên, chân dung muôn đời thi sĩ (Nguyễn Mạnh Trinh, sangtao.org)
- Đêm qua Bắc Vàm Cống (Ngự Thuyết, sangtao.org)
- Thắp tạ (Hồ Đình Nghiêm, sangtao.org)
- Nói chuyện với nhà thơ Tô Thùy Yên (Nguyễn Mạnh An Dân, sangtao.org)
- Tô Thùy Yên (1938-2019) nhà thơ Việt Nam (Đặng Tiến, diendantheky.net)
- Nhớ Tô Thùy Yên (Trần Doãn Nho, diendantheky.net)
- Tô Thùy Yên, Chia Xẻ Chút Tình Cay Mặn Cũ (Nguyễn Đức Tùng, diendantheky.net)
- Hãy Cài Bài Thơ Lên Ngực Mới (Trần Mộng Tú, diendantheky.net)
- Thơ Tô Thùy Yên, chênh vênh siêu hình/hiện thực (Trần Hữu Thục, diendantheky.net)
- Nhà thơ Tô Thùy Yên, truớc và sau Sáng Tạo (Trần Hoài Thư, tranhoaithux.com)
- Nghĩ Về Thơ Tô Thùy Yên, thơ bảy chữ có uy thế hơn thơ tự do (Trần Văn Nam, luanhoan.net)
• Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)
• Hoa Từ Bi Độ Lượng (Tô Thùy Yên)
• Nói Về Thơ, Người Làm Thơ và Người Đọc Thơ (Tô Thùy Yên)
• Trường Sa Hành (Tô Thùy Yên)
• Ta Về (Tô Thùy Yên)
- Tuyển Tập Thơ Thơ Tô Thùy Yên (tranhoaithu42.com/)
- Thơ Tô Thùy Yên (Talawas)
- Thơ Tô Thùy Yên (dactrung)
• Ôn ra đi để lại nụ cười (Trần Trung Đạo)
• Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh (Viên Linh)
• Tâm Thức Phật Việt: Sức Mạnh Từ Tam Tạng Thánh Điển Đến Lịch Sử Dân Tộc (Nguyên Siêu)
• Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ (Bùi Giáng)
• Bùi Giáng - Thi ca và Tư tưởng (Tuệ Sỹ)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |