|
Nguyễn Siên(..1916 - 30.10.2014) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền
Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13-3-1936 tại Vinh, bị ung thư phổi và từ trần lúc 11 giờ 30 ngày 22-3-2006 tại Saint Paul, Minnesota - là nơi gia đình ông cư ngụ trên mười sáu năm. Sáu người bạn: Cung Tiến, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Ngọc Diễm và Vũ Xuân Châu đã khiêng linh cữu nhà thơ đến nơi an nghỉ cuối cùng: nghĩa trang Roselawn, đường Larpenteur, Roseville.
Thân phụ Thanh Tâm Tuyền, dạy học và viết báo La Volonté Indochinoise, mất sớm (29 tuổi) lúc ông mới 5 tuổi và người em trai duy nhất hơn 2 tuổi. Thuở nhỏ ông theo mẹ vào Sài Gòn ở nhà người cô làm nghề đan áo len, ông phụ với cô đi giao áo, nhận len và tiền; sau đó trở ra Hà Nội tiếp tục đi học.
Ông là một học sinh xuất sắc, chưa đủ tuổi thi Tú Tài 1, phải xin miễn tuổi và đỗ ban Toán kỳ thi này. Năm 1954 lại di cư vào Nam.
Thanh Tâm Tuyền rất thông minh. Năm 16 tuổi (1952) ông đã dạy học ở trường Minh Tân (Hà Đông), đăng truyện ngắn trên tạp chí Thanh Niên, Hà Nội. Năm 17 tuổi, truyện ngắn "Viên Đạn Cuối Cùng" của ông đã đoạt giải nhất trong cuộc thi do báo Thần Chung tổ chức.
Năm 18 tuổi (1954) ông đã cùng các bạn chủ trương tạp chí Lửa Việt, hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên. Ở tuổi hai mươi, với chỉ hai tác phẩm đầu tay: Tôi không còn cô độc (thơ) và Bếp Lửa (văn), ông đã chứng tỏ tài năng độc đáo và gây được tiếng vang lớn: khởi xướng và tạo tranh luận sôi nổi về thơ tự do, góp phần với nhóm Sáng Tạo (ông tham gia từ 1956-1960) thổi một luồng gió mới trong sinh hoạt văn học miền Nam. Nhắc đến văn học miền Nam thời điểm 1954-1975, không thể thiếu phần đóng góp của ông. Thơ ông cũng là nguồn cảm hứng lớn cho những nhà thơ có khát vọng đổi mới.
Thanh Tâm Tuyền là người khắc kỷ, điềm đạm, trầm ngâm, ít nói, khi nói thì nói chậm rãi. Ông đọc sách nhiều và kỹ lưỡng nên kiến thức rất rộng. Trong nhóm Sáng Tạo có hai giáo sư đặc biệt: thầy Trần Bích Lan (Nguyên Sa) giảng Triết như giảng Thơ, còn thầy Dzư Văn Tâm (Thanh Tâm Tuyền) dạy Văn cứ như dạy Triết, thế mà lớp thầy Tâm lúc nào cũng đông nghẹt học sinh vì có nhiều học sinh lớp khác đến xin nghe, lý do:tuy mang danh là "người nổi loạn" nhưng bài giảng của thầy thật lôi cuốn, nhiệt thành, mới lạ và luôn luôn đúng chương trình học. Nhà văn Võ Kỳ Điền đã viết về người thầy học cũ của mình như sau:
"...đối với riêng tôi, mãi mãi, Thanh Tâm Tuyền là một thầy giáo phẩm hạnh được học trò hâm mộ, thương yêu và kính mến. Thầy cực kỳ thông minh, nhiều tài năng, kiến thức sâu rộng ... Nhờ thầy Tuyền mà tôi biết mê cái thế giới văn chương với những nhận xét độc đáo, kỳ lạ ...
Những lúc thầy giảng bài, cả lớp ở dưới trông lên, không nháy mắt ... tôi nhìn bằng cả một cõi lòng say mê, kính phục ... Hình như các chị ở trong trường, ai cũng đều ái mộ thầy hết. Người nào cũng kè kè cuốn 'Tôi không còn cô độc' trong cặp sách ..." (1)
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền
Năm 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ, học trường Bộ binh Thủ Đức. Sau khi tốt nghiệp, ông phục vụ tại các đơn vị: Trường Võ bị Đà Lạt, báo Tiền Tuyến của Quân Lực LVNCH, tập san Quốc Phòng của trường Cao Đẳng Quốc Phòng. Năm 1966, giải ngũ; năm 1669, tái ngũ, ở trong quân đội cho đến 1975 với cấp bậc cuối cùng: Đại úy. Ông bị tù hơn bảy năm trong những trại giam ở miền Bắc.
Tháng 4/1990, ông qua Mỹ theo diện HO, lúc đầu ở tiểu bang Louisiana, sau định cư ở Roseville, tiểu bang Minnesota; do người bạn thân là nhạc sĩ Cung Tiến và hội Văn Hóa Việt Nam bảo trợ. Ông theo học Điện toán và làm việc tại St. Paul Technical College đến khi về hưu năm 2001. Thời gian ở Mỹ ông sống như người ẩn dật, viết rất ít, chỉ khi nào thật sự cần thiết mới viết, như dịp tưởng niệm các bạn ông: Mai Thảo, Ngọc Dũng, tuyên dương Doãn Quốc Sỹ ... Ông có nói với Trần Thanh Hiệp, bạn ông, rằng "nếu không tìm được gì thật mới thì sẽ thôi hẳn không viết nữa". (2)
Tiểu thuyết:
- Bếp Lửa (NXB Nguyễn Đình Vượng, 1957)
- Cát Lầy (Giao Điểm, 1967)
- Mù Khơi (1970)
- Tiếng Động (1970)
- Một Chủ Nhật Khác (Văn, 1975)
- Ung Thư (đăng nhiêu kỳ trên báo Văn, chưa xuất bản)
Truyện Ngắn:
- Khuôn Mặt (Sáng Tạo, 1964)
- Dọc Đường (Tân Văn, 1966)
Thơ:
- Tôi Không Còn Cô Độc (Người Việt, 1956)
- Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (Sáng Tạo, 1964)
- Thơ Ở Đâu Xa (Trầm Khắc Phục xuất bản, California, 1990)
Kịch:
Ba Chị Em (1967)
Phiếm Luận:
Tạp Ghi (1970).
Hiệp định Genève (20-7-1954) có qui định trong thời hạn 300 ngày, người Việt Nam có quyền chọn lựa nơi sinh sống của mình. Sau đó là một cuộc di cư vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc của hàng triệu người bỏ miền Bắc vô Nam tìm tự do. Trong số này có Đoàn Sinh Viên Di Cư mà luật sư Trần Thanh Hiệp được bầu làm Chủ tịch và Giáo sư Nguyễn Sỹ Tế phụ trách về văn hóa.
Đoàn cho ấn hành tập san lấy tên Lửa Việt gồm những người cộng tác chính thuở ban đầu là: Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Quách Thoại, Duy Thanh, Ngọc Dũng ... Từ khi có thêm nhà văn Mai Thảo cộng tác, Lửa Việt được thay thế bằng tạp chí Sáng Tạo (*) ra đời với chủ trương: "dùng phương tiện văn chương và nghệ thuật tranh đấu cho tư do, thúc đẩy sự đổi mới, dung nạp những dị biệt cá tính trong một nền văn học cởi mở và phong phú hơn". (3)
Ngoài những người viết cũ trong Lửa Việt, tạp chí Sáng Tạo còn có thêm: Tô Thùy Yên, Thái Tuấn, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Lê Huy Oanh, Dương Nghiễm Mậu, Mai Trung Tĩnh, Trần Lê Nguyễn, Thao Trường, Nguyẽn Đức Sơn, Thạch Chương (Cung Tiến), Viên Linh, ...
Tờ báo có ảnh hưởng lớn về văn học nghệ thuật tại miền Nam hơn một thập niên và các người cộng tác thuở ban đầu ấy, về sau trở thành những người nổi tiếng trong nhiều lãnh vực: văn, thơ, họa, nhạc.
Tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền không nhiều nhưng rất đa dạng và phong phú. Có truyện như là bài thơ với những cảm xúc tinh tế, đẹp đẽ. Ngay từ truyện đầu tiên, ông đã có một quan niệm mới về tiểu thuyết:
- Tiểu thuyết không còn là luận đề để hướng dẫn người đọc tới một chủ đích luân lý, đạo đức như tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn ... Tiểu thuyết cũng không cần kết luận, mà chỉ "đặt lại vấn đế viết, trình bày một biện chứng, một thẩm mỹ của sự dang dở, mở cửa cho những suy nghĩ khác và sẵn sàng chờ đón những nối tiếp về sau." (4).
- Tiểu thuyết cũng không chứa những tình tiết ly kỳ, hấp dẫn dễ dãi; những kết cuộc đau buồn, hạnh phúc đơn giản mà chứa những khắc khoải nội tâm, những rạn nứt đổ vỡ, u tối lạc loài, chia lìa đứt đoạn cùng những ám ảnh sâu xa nhất về sự cô đơn, phi lý của kiếp người.
Tâm, nhân vật chính trong Bếp Lửa, lạc loài ngoài quê hương. Nhân vật "Tôi" trong Tiếng Động, nhân vật Kiệt trong Một Chủ Nhật Khác, lạc loài ngay chính quê hương, cộng đồng dân tộc mình!
Nhưng con người cũng phải bám vào cuộc đời ấy để sống và tự tìm lấy hạnh phúc cho mình, như Tâm viết cho Thanh trong truyện Bếp Lửa: "Chúng ta phải tự tạo lấy sự ràng buộc nhau để cùng nhau bám chặt lấy quê hương nếu không chúng ta sẽ mất trong sự quên lãng. Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng".
- Tiểu thuyết còn đào sâu những những bí ẩn siêu hình, khắc khoải nội tâm, rối loạn tâm thần cùng những ẩn ức thầm kín nhất của con người. Điển hình là trong truyện Cát Lầy, tác phẩm nổi bật của Thanh Tâm Tuyền với nhân vật Trí đầy bí ẩn là vai chính: "những yếu tố bệnh não, mặc cảm, ẩn ức, dục tình, loạn luân, gia truyền, chiến tranh, chống Pháp, chia cắt đất nước ... đều có mặt và đều được pha trộn trong một bi kịch gia đình rất Freud, rất Dostoievsky cực kỳ đớn đau và tàn khốc. Người đọc, mỗi lần đọc lại Cát Lầy sẽ còn khám phá ra nhiều cái mới, và lại ngạc nhiên trước một tác phẩm bí mật viết về những thác loạn của con người: Con người cô độc." (4)
Nhà văn Võ Phiến kết luận: "Cái xu hướng trí tuệ của tác phẩm, lời lẽ vắn tắt cô đọng của các nhân vật, văn phong rắn rỏi của người viết làm cho Thanh Tâm Tuyền thành một tác giả có nam tính mạnh mẽ ... Truyện của ông không vang rộng. Nhưng nó thấm sâu. Hai chục năm, ba chục năm, rồi bốn chục năm sau khi ra đời, truyện ông đọc lại vẫn thấy hay. Càng lẩm rẩm đọc càng thấm". (5)
Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền hoàn toàn phá bỏ những cấu trúc như lối thơ cũ và quan niệm nghệ thuật theo tinh thần Dionysos nổi loạn chống lại sự hài hòa theo tinh thần Apollon: "Chúng tôi theo cơn cuồng nộ bi thảm của Dionysos, của cuộc đời hôm nay ... Nghệ thuật phá vỡ những hình thức sẵn có hỗn loạn trong những niềm cảm xúc, một nghệ thuật của say sưa, một vẻ đẹp hãi hùng mọi rợ, nghệ thuật bắt nguồn từ một nhân sinh quan bi thảm ... (Người làm thơ) không tạo những hình dáng cho cuộc đời vốn đã là một hình dáng, họ muốn nhìn thực tế bằng con mắt trợn tròn, căng thẳng phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn không che đậy." Đó là những câu trích từ bài tiểu luận Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay ông viết năm 19 tuổi (1955), mà các nhà phê bình xem như là tuyên ngôn về thơ tự do.
Trong tập "Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy", Thanh Tâm Tuyền quan niệm rằng: "Thơ tự do không gieo vần lối đồng âm, đồng thanh, vần của nó là vần ẩn giấu cách xa (có thể đi tới khác âm, nghịch thanh), nhịp điệu của nó là sự phối hợp của một toàn thể không khuôn trong một số câu nhất định khiến cho hơi thơ tự do dễ kéo dài hơn các hơi thơ khác". Ngoài ra ông còn đề cập đến loại nhịp điệu của hình ảnh và ý tưởng, nói chung đó là nhịp điệu của ý thức.
Thơ ông còn dùng kỹ thuật tạo hình lập thể và siêu thực: coi đời sống là những mảng đứt đoạn, thực tại là một chuỗi liên tục những mảng đứt đoạn ấy và tiềm thức là nguồn sáng tạo vô biên; do vậy thơ Thanh Tâm Tuyền rất gần với thơ của những nhà thơ trong trường phái siêu thực của Pháp như Paul Eluard, Breton, Aragon, Rimbaud ... và hình ảnh trong thơ Thanh Tâm Tuyền, nếu nhìn dưới khía cạnh hội họa, có nhiều nét gần gũi với tranh của các họa sĩ siêu thực Max Ernst, René Magritte, Salvador Dali, Pierre Roy ... " Được sáng tạo ra từ những thúc đẩy ở ngoài phạm vi luận lý và lấy chất liệu từ tiềm thức và từ những thị kiến nghệ thuật, các thi sĩ hoặc họa sĩ thuộc trường phái siêu thực đã sáng tạo nên những tác phẩm xuất phát từ những mơ mộng thuần túy của họ về một thế giới mà họ mong ước đạt tới." (6)
Thơ Thanh Tâm Tuyền thường không phải là tiếng nói hay lối suy tưởng thông dụng và những hình ảnh quá khác biệt đặt cạnh nhau trong thơ ông theo kỹ thuật tạo hình siêu thực khiến người đọc khó thấy hết ý nghĩa ẩn dụ chứa trong đó:
Tranh siêu thực của Max Ernst (1891-1976): The Robing of the Bride
Đêm giao thừa thế kỷ mưa rơi sao
mái sáng đường nằm chiêm bao biển giận dỗi
bàn tay mây mắt trăng môi nhiệt đới
(Chim, Tôi Không Còn Cô Độc)
Đó là những hình ảnh khác lạ chưa bao giờ thấy trong thi ca Việt Nam: Đêm giao thừa thế kỷ, mưa rơi sao, ..., bàn tay mây, mắt trăng, môi nhiệt đới.
Hãy để ý xem, trong bài hát của Trịnh Công Sơn có những câu cũng khó hiễu như thế:
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao,
nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ ...
(Diễm Xưa, Trịnh Công Sơn)
Bản nhạc đầu tiên của Trịnh Công Sơn là Ướt Mi (1959), trong khi thi phẩm đầu tiên của Thanh Tâm Tuyền là Tôi Không Còn Cô Độc (1956), vậy không thể nói ca từ của Trịnh Công Sơn không chịu ảnh hưởng lời thơ của Thanh Tâm Tuyền.
Còn nhiều nữa, đọc kỹ thơ ông ta sẽ thấy thêm những hình ảnh rất độc đáo: hơi thở giao thoa, giấc máu, bão mặn, mắt kín mưa đêm, trán hoang đồng cỏ, bước chân thỏ rừng, hoàng hôn tóc rối, mắt kín mưa đêm, mưa thì thầm tội lỗi ... Và những hình ảnh thật đẹp, ta đã quá quen thuộc cũng xuất phát từ thơ ông: đêm màu hồng, lệ đá xanh, nắng thủy tinh ... : "Hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền là người dẫn đường, người tiên phong đem siêu thực vào Việt Nam một cách có hệ thống và đã tạo ra những câu thơ mới nhất, giàu hình ảnh nhất trong thơ Việt". (4)
Thanh Tâm Tuyền đã hiễu tường tận những trào lưu tư tưởng phương Tây đương thời từ những văn bản gốc và thể hiện những suy nghĩ, khám phá của mình trong văn thơ ông. Từ ngày phong trào thơ tự do ra đời, những khen chê bùng lên tranh luận dữ dội nhưng với sự đãi lọc của thời gian, và cùng những tên tuổi lừng lẫy như Tô Thùy Yên, Nguyên Sa ... thơ tự do đã có địa vị xứng đáng trong văn học Việt Nam.
Ngày 1-11-1956, 3000 xe tăng Liên xô vượt biên giới tiến vào Hung Gia Lợi cùng với 11 sư đoàn quân xô viết (7). Ngày 4-11, đại pháo xô viết khai hỏa và xe tăng Liên xô ào ạt xông vào thủ đô Budapest.
Nhân dân Hung Gia Lợi vô cùng dũng cảm chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của Hồng quân Liên Xô. Nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch nên chỉ sau ba ngày quyết tử cho tự do, dân chủ, độc lập dân tộc, thủ đô Budapest bị dìm trong máu lửa và chết chóc.
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã phẫn nộ, đau đớn, mong được khóc la, được run giận, ... bằng chính thể xác của những cặp uyên ương trong thành phố Budapest để thông cảm đến tận cùng những nỗi thống khổ vô biên của họ:
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
. . . .
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
. . . .
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp
(Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest)
Bài thơ ra đời tháng 12-1956, lời thơ giản dị nhưng cách diễn tả mới lạ, vần điệu biến mất chỉ còn là hình ảnh, những câu thơ dài ngắn khác nhau hầu như được sắp xếp theo những ảnh tượng và cảm xúc trào dâng trong tâm hồn tác giả mà tác giả cho đó là loại nhịp điệu của ý tưởng, của hình ảnh. Đây là bài thơ tự do thật hay, gây xúc động mạnh và được nhiều người yêu thơ thời đó truyền tụng, đọc thuộc.
Thơ Thanh Tâm Tuyền còn phản kháng mạnh mẽ những kỳ thị, bất công giữa người đối xử với người trước sự im lặng đồng lõa của đồng loại. Đó là nguồn gốc nỗi bất hạnh đớn đau vô bờ:
Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng
Những dòng nước mắt
Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
Bằng giọng của máu của tủy của hồn bắt đầu ngày tháng
Giữa rừng không lời rừng mãi trống không
. . . .
(Đen; Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy)
"Ở đây âm nhạc và khổ đau nằm trong nội tâm của mỗi chữ, như thể nhà thơ ở dưới da thịt người nghệ sĩ da đen để viết nên những n6t nhạc cực kỳ đớn đau của sự sống đen này. Chất đen vò xé thân thể tràn vào bài hát, pha vào giọng, thấm vào máu, lẫn với tủi, hờn trong thân phận nhược tiểu, chịu sự phi lý của màu da, không có lựa chọn gì khác, ngoài một bầu trời đen bao trùm sự nghèo đói và những ác tâm kỳ thị của người đồng loại". (4)
Hoàng Ngọc Tuấn còn khám phá thấy bài thơ "Đen" chứa yếu tố nhạc Jazz: "Tôi cho rằng đây là bài thơ jazz đầu tiên (và có thể duy nhất) của Việt Nam ... tôi tin chắc rằng một bản dịch Anh ngữ thật tốt, do một người am hiểu nhạc jazz thực hiện, nhất định sẽ mang bài thơ vào hàng ngũ những tác phẩm có hạng của thơ jazz". (8)
Thơ Thanh Tâm Tuyền đầy tình nhân ái. Thơ ông là tiếng nói cảm thông và thương xót cho những kẻ lẻ loi, cô độc, trong bóng đêm chảy mãi giọt lệ sầu. Người thiếu phụ thuở xưa, ôm con chờ chồng, chờ mãi, chờ mãi trong tuyệt vọng đến hóa thành đá vọng phu. Giọt lệ sầu thảm của những kẻ cô đơn cứ chảy mãi, chảy mãi trong đớn đau đến hóa thành những viên đá xanh và tim của những viên đá ấy cũng phải rũ rượi! Đó là những ảnh tượng đẹp trong thơ văn:
Tranh lập thể của Pablo Picasso (1881-1974): Les Demoiselles D'Avignon (1907)
Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
. . .
(Lệ Đá Xanh, Tôi Không Còn Cô Độc)
Nghĩ đến tha nhân rồi chạnh nghĩ đến nỗi cô đơn của chính mình. Thi sĩ cũng muốn tin rằng ngoài đời còn có đôi mắt lấp lánh, đôi môi ngọt ngào, cánh tay quyến rũ của người tình hiện diện đến ngày cuối nhưng cuộc đời đâu dễ êm đẹp thế mãi và thi sĩ lại xót xa cho những kẻ khóc lẻ loi, lệ không rơi ngoài tim mình:
Đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
(Lệ Đá Xanh)
Những câu ngắn gồm ba chữ để kết thúc một đoạn thơ như: tim rũ rượi, đến ngày cuối, vòng ân ái, ... tưởng chừng như bất ngờ, lạc lõng nhưng lại rất phù hợp với ý nghĩa của từng đoạn thơ, đọc thật thú vị.
Thơ Thanh Tâm Tuyền có khi như những câu văn xuôi tha thiết sôi nổi cuốn hút ta vào những yêu thương bỏng cháy, những thao thức suy tư mải miết về tổ quốc, tình yêu và nỗi khổ đau muôn thuở của kiếp người:
. . .
Bởi con chim vẫn giam trong lồng ngực vừa được bay
nên bay mau hơn ánh sáng, anh nhìn được mắt em tuyệt vời
tận muôn nghìn quá khứ.
Bởi con chim đã bay kịp thời gian nên chậm lại,
anh nhìn thấu hồn em trong suốt những mai sau.
Bởi con chim còn xòe cánh liệng tròn,
anh thâu nhận hết em qua vô vàn hình ảnh
(Liên đêm mặt trời tìm thấy)
. . .
Hỡi Liên những Liên và Liên
Chẳng là anh ngông cuồng kiếm tìm tổ quốc vậy em biết không.
Mà tổ quốc ngàn đời nín thở vì trời thì xanh mà khổ đau nói sao cho hết.
Chẳng là anh trót yêu em vậy em biết không? Mà khi yêu nhau
trong những đêm sao hằng hà, làm thế nào để quên được nhau
. . .
(Nói về dĩ vãng; Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy)
Thi sĩ như nhà tiên tri đã cảm nhận được điều phũ phàng, đau xót này từ những ngày xa xưa: "Tổ quốc ngàn đời nín thở vì trời thì xanh mà khổ đau nói sao cho hết."
Tổ quốc, trời xanh nín lặng; cuộc sống không lối thoát bủa vây và bóp chết mọi hy vọng, tuổi trẻ thì quá buồn; những kẻ yêu nhau đôi lúc phải tìm cách trốn thoát thực tại, trốn thoát những dày vò khổ đau sẽ đến trong những ngày sắp tới:
Thủ bút của Thanh Tâm Tuyền
Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hy vọng
Nên anh dìu em đi xa
Đi đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội
Anh là thằng điên khùng
ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới.
Chiếc kèn hát mãi than van
Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Tuổi trẻ sao quá buồn
Như con mắt giận dữ
Tuổi trẻ sao quá buồn
như bàn ghế không bầy
Thôi em hãy đứng dậy
Người bán hàng đã ngủ sau quầy
Anh đưa em đi trốn
Những dày vò ngày mai.
(Dạ khúc; Liên, Đêm, Mặt Trời TìmThấy)
Bài thơ giống một vũ điệu, từ lập lại "đi đi, đi đi" phối hợp với những câu dài ngắn khiến ta hình dung đến những bước nhảy sinh động của cặp tình nhân. Từ ngữ dùng thật mới lạ lột tả hết những hoang mang lạc lõng "buồn như bàn ghế không bầy", những đau thương chất ngất "mật đắng, móng sắc thương đau" cùng những nỗi nhớ vô bờ "ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới" của tuổi trẻ và đôi lứa yêu nhau. Đây là bài thơ nỗi tiếng khác mà người ta không thể nào quên khi nhắc nhở đến Thanh Tâm Tuyền.
Nhạc sĩ Cung Tiến đã phổ nhạc bài thơ Lệ Đá Xanh, Phạm Đình Chương phổ thành bài Đêm Màu Hồng (lấy ý từ bài thơ "Bài Ngợi Ca tình Yêu") và bài Dạ Tâm Khúc, Phạm Quang Tuấn soạn thành ca khúc các bài thơ: Lệ Đá Xanh , Mai , Dạ Khúc .
Lê Huy Oanh, nhà biên khảo chuyên về thơ, trong bài viết trên báo Văn năm 1973, thú nhận rằng lúc đầu lối thơ Thanh Tâm Tuyền đã dày vò, hành hạ óc thưởng ngoạn của ông khiến ông khổ sở đến độ có ác cảm; nhưng qua phân tích, tìm hiểu, dần dần mới đến chỗ yêu thích.
Bùi Vĩnh Phúc trong tài liệu đã dẫn nhận định: "Thơ Thanh Tâm Tuyền cho tôi nhiều cảm xúc. Mỗi lần trở lại với thơ ông, tôi đều tìm ra một nét gì mà tôi chưa hề thấy trước đó. Bởi những ý tưởng, những hình ảnh Thanh Tâm Tuyền sử dụng thường không nằm trong những ước lệ của tiếng nói hay của lối suy tư hàng ngày, ta thường không nhìn ra được hết cái chân diện mục của chúng." (6)
Trên đây là vài dòng sơ lược để tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền, một nhà thơ nỗi tiếng, một nhân cách và tài năng lớn của văn học Việt Nam hiện đại.
Xin vĩnh biệt, thi sĩ đã bỏ:
. . .
Những buổi chiều ban mai
Những nhớ nhung bầu trời
Những vuốt ve trên bàn tay
Âu yếm trên da mặt
Không gian trong tay ôm
Thời gian trong máu chảy
Anh bỏ trống hết mọi người
Những người đẹp như hy vọng
Những người thân như quê hương
Những kẻ thù một kiếp
Những bạn bè không rời
. . .
(Sầu Khúc; Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy)
(*) Cả hai bộ nguyệt san Sáng Tạo cũ và mới gồm 56 số.
Tài liệu tham khảo:
(1) Thanh Tâm Tuyền, tỉnh Bình Dương và những ngày tháng dạy học, Võ Kỳ Điền, Văn Học số 231, tháng 5&6/2006.
(2) Nhớ nghĩ về Thanh Tâm Tuyền, những điều chợt đến ..., Trần Thanh Hiệp, Thế Kỷ 21 số 204, Apr 06.
(3) Nhìn lại tạp chí Sáng Tạo, Nguyễn Sỹ Tế, Khởi Hành 61, tháng 11/2001, tr. 20.
(4) Thanh Tâm Tuyền, Thụy Khuê, Thế Kỷ 21 số 204, Apr 06. Thanh Tâm Tuyền (1936 - 2006), Thụy Khuê, Văn Học số 231, tháng 5&6/2006.
(5) Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, quyển 2, NXB Văn Nghệ, 1996.
(6) Thanh Tâm Tuyền, Người thi sĩ ấy; Lý Luận và Phê Bình hai mươi năm văn học Việt ngoài nước 1975 - 1995, Bùi Vĩnh Phúc, Văn Nghệ 1996.
(7) Đảng CSVN qua những biến động trong phong trào CS Quốc tế, Nguyễn Minh Cần, NXB Tuổi Xanh, 2001.
(8)http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=4563
http://www.tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=938
Thơ Thanh Tâm Tuyền:
- Tôi không còn cô độc:
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=4564
- Liên, Đêm, Mặt trời tìm thấy:
http://ww.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=4571
http://ww.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=4581
- Giới Thiệu Những Tác Phẩm Về Thơ, Văn, Nhạc Của Lê Hữu Nghĩa T. V. Phê Nhận định
- Nhạc Sĩ Vô Thường Và Ngón Đàn Tay Trái T. V. Phê Tạp luận
- Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa T. V. Phê Tiểu luận
- Nhà thơ Tô Đình Sự T. V. Phê Nhận định
- Thi Sĩ Đông Hồ T. V. Phê Tạp bút
- Hiểm họa từ Trung Quốc T. V. Phê Tạp luận
- Feb 1, 2003: Phi thuyền con thoi Columbia bị nổ tung T. V. Phê Tạp luận
- Chuyện trùng hợp lạ kỳ T. V. Phê Tạp luận
- Phạm Duy và Minh Họa Kiều T. V. Phê Tạp bút
- Trịnh Công Sơn: Quê hương, Tình yêu, Thân phận T. V. Phê Tạp bút
• Cái Tôi ẩn mật và Dương bản Thiên nhiên ngày vây hãm trong Thơ ở đâu xa của Thanh Tâm Tuyền (Bùi Vĩnh Phúc)
• Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền (Bùi Vĩnh Phúc)
• Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền: Một Phía Khác (Phan Thanh Tâm)
• Thanh Tâm Tuyền, Nhà Thơ Tiên Phong (Ngự Thuyết)
• Tháng ba Thanh Tâm Tuyền Rũ Bỏ Ký Ức Không Thể Khác (Ngô Thế Vinh)
• Thanh Tâm Tuyền, người khởi xướng thơ tự do tại Việt Nam (T. V. Phê)
- Đọc lại Thơ Thanh Tâm Tuyền (13/3/1936-22/3/2006) (diendantheky.net)
- Thanh Tâm Tuyền Và Những Người Bạn ...
(Dương Nghiễm Mậu, Hợp Lưu)
- Văn, số đặc biệt về TTT (Thư Quán Bản Thảo)
• Nhân Nghĩ Về Hội Họa (Thanh Tâm Tuyền)
- Tôi không còn cô độc, Liên Đêm Mặt trời tìm thấy,
- Bếp lửa, Mù khơi, Tiếng động, Khuôn mặt,
- Nghệ thuật đen, Tiếng nói một người (Talawas)
- Thơ Thanh Tâm Tuyền (Đặc Trưng)
• Tình bạn trong văn chương (Trần Doãn Nho)
• Giáo Sư Trần Huy Bích – Người Hết Lòng Với Văn Hóa Dân Tộc (Việt Dương)
• Vũ Hoàng Thư. Hạt Nắng Phiêu Du (Nguyễn Thị Khánh Minh)
• Thanh Tịnh và Tôi Đi Học (Nguyễn Mạnh Trinh)
• Limeil, những ngày mây (Vũ Hoàng Thư)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |