1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Tổng Quan Về Nhóm Sáng Tạo (Nguyễn Vy Khanh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      27-07-2014 | VĂN HỌC

      Tổng Quan Về Nhóm Sáng Tạo

        NGUYỄN VY KHANH
      Share File.php Share File
          

       


           Nhà phê bình văn học
          Nguyễn Vy Khanh

      "Tạp Chí Văn nghệ" Sáng Tạo ra đời trong hoàn cảnh đấu tranh chính-trị mới của miền Nam muốn bảo vệ phần đất quốc-gia và phát triển đất nước theo chiều hướng dân-chủ tự do, sau khi đất nước đã bị phân ranh ở vĩ tuyến 17 với hiệp định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954. Số 1 ra tháng 10-1956 và kéo dài được 31 số, ngưng từ tháng 9-1959, đến tháng 7-1960 tiếp tục bộ mới, trở thành "Diễn đàn văn học nghệ thuật hôm nay", nhưng cũng chỉ ra thêm được 7 số, số cuối ra tháng 9 năm 1961. Trước vận hội mới đó của miền Nam, quần chúng độc giả nhất là giới trẻ và sinh hoạt văn-nghệ, chờ đợi những cái mới trong lãnh vực văn hóa, văn-nghệ, Sáng Tạo do đó đã được nồng nhiệt đón nhận. Về tài chánh xuất-bản thì tạp-chí do viện trợ Hoa-kỳ qua William Tucker giám đốc cơ quan viện trợ USIS - nên khi hết nguồn tài trợ đã góp phần đưa đến việc đình bản. Về nhân sự, có thể xem Sáng-Tạo hình thành từ hai ấn phẩm trước đó, Lửa ViệtNgười Việt.


      Lửa Việt là đặc san của Hội Sinh viên Đại học Hà-Nội vừa di cư vào miền Nam, Trần Thanh Hiệp chủ-nhiệm, Nguyễn Sỹ Tế chủ-bút, nhóm chủ trương ngoài 2 vị còn có Thanh Tâm Tuyền, chỉ ra được vài số và ngưng xuất-bản đầu năm 1955. Ngoài 2 cây bút đó còn có Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền,... Còn Người Việt là một tuần báo văn-nghệ xưng là "diễn đàn tiền phong đấu tranh văn-hóa", Doãn Quốc Sỹ làm chủ-nhiệm / trưởng nhóm, cũng sống không thọ, đình bản vào cuối năm 1955, gồm những cây bút chính là: Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Quách Thoại và Mai Thảo, và còn là nơi xuất hiện thơ văn của Nguyên Sa, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo, v.v...


      Trong số ra mắt tạp chí Sáng Tạo, Mai Thảo đã phần nào chủ quan nói văn nghệ từ thủ đô Hà Nội đã chuyển vào thủ đô văn hóa Sài Gòn! Nhưng khẳng định của Mai Thảo là một diễn dịch khác của một cơ cấu xã hội và chính trị bị-động, phải đối phó tức thời với kẻ thù cộng sản. Chính quyền miền Nam nhắm tổ chức như cơ cấu của kẻ thù, đòi hỏi hy sinh và một lòng, một mục đích chính-trị và văn- hóa, với những phương tiện tương đương (mục-đích, lý tưởng đó có được chia xẻ và theo đuổi đến cùng không dĩ nhiên lại là chuyện khác!).


      Các tạp chí quân đội, tâm-lý chiến và cả những tạp-chí của cái gọi là nền văn-nghệ hiện-đại như Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi,Bách Khoa, Quê-Hưong, Sáng Dội Miền Nam, v.v... cũng không đi ra ngoài quỹ đạo đó! Sáng-Tạo ra đời với cái gọi là ý thức văn nghệ mới và làm mới văn học cho thời đó, ngay những số đầu đã cho biết muốn làm đại diện cho "một nền nghệ thuật mới" được gọi là "nghệ thuật hôm nay".


      Sáng Tạo không phải là một văn đàn hay bút nhóm với chủ trương và hoạt động khắng khít như Tự Lực Văn Đoàn hoặc nhóm Hàn Thuyên của thời tiền chiến và sau đó là nhóm Quan Điểm, nhưng đi chung từ tờ Người Việt sang Sáng-Tạo và có thể nói tỏ ra có chung thái độ và quan điểm trong 4 cuộc thảo luận "Nhìn lại văn-nghệ tiền chiến ở Việt-Nam", "Ngôn-ngữ mới trong hội họa", "Nhân-vật trong tiểu-thuyết""Nói chuyện về thơ bây giờ", sau xuất-bản thành tập Thảo Luận (l). Họ là Cung Trầm Tưởng, Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Huỳnh Văn Phẩm, Lê Huy Oanh, Mai Thảo, Ngọc Dũng, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn, Tô Thùy Yên và Trần Thanh Hiệp.


      Mai Thảo dứt khoát là linh hồn của nhóm Sáng-Tạo, nhưng hình như Trần Thanh Hiệp ra vẻ là "chỉ đạo", người tùng tuyên bố "Chúng ta hình thành văn-nghệ mới" và chủ động trong các Thảo luận của nhóm và là tác-giả tập tiểu luận Tiếp Nối xuất-bản cùng năm 1965.



           TQBT Số 60 Tháng 7-2014
          (Đặc Biệt Tạp Chí Sáng Tạo)

      Nói đến "nhóm Sáng Tạo" người ta thường nghĩ đến nhiều người: Mai Thảo "đầu đàn" với văn nói chung mới và tân-cải hình thức, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên và Quách Thoại với thơ tự do và nội-dung mới, Nguyên Sa với thơ ca tụng tình yêu tân kỳ, Cung Trầm Tưởng, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn) và Trần Tuấn Kiệt làm mới thơ lục bát, Trần Bích Lan (Nguyên Sa), Trần Thanh Hiệp và Nguyễn Văn Trung (Hoàng Thái Linh), người lập thuyết, người giới thiệu triết lý thời thượng của Âu châu. Ngoài ra còn có Doãn Quốc Sỹ, Thảo Trường, Viên Linh, Người Sông Thương (Nguyễn Sỹ Tế), Trần Dạ Từ, Trần Thy Nhã Ca, Vĩnh Lộc, Thạch Chương (Cung Tiến), Vương Tân (Hồ Nam), Hoàng Anh Tuấn, Mai Trung Tĩnh, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Mặc Đỗ, Duy Thanh, Lữ Hồ, Trần Lê Nguyễn, Cung Trầm Tưởng, Thạch Trân (Đào Trung Đạo), Tuấn Huy, Duy Năng, Diễn Nghị,... - người cộng tác thường xuyên, người một hai bài. Các văn nghệ sĩ hợp tác khác như Tạ Tỵ, Đinh Hùng, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nguyên Sa, Viên Linh, Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường, Thanh Nam, Lan Đình, Lý Hoàng Phong, v.v... sau tách riêng làm văn nghệ hoặc không tiếp tục chủ trương của Sáng Tạo nữa.


      Riêng Nguyên Sa đã nhiều lần công khai không muốn bị gán nhãn "nhóm Sáng Tạo" (Trong bài "Làm Báo" mở đầu số tháng 1-1975 của tờ Nhà Văn, là tạp chí văn học cuối cùng Nguyên Sa đã đứng chủ trương cùng với Trần Dạ Từ, Nguyên Sa đã nhắc lại sự rạn nứt đó khi đề cao Mai Thảo đã quyết tâm đứng về phía cái mới, "quyết tâm làm cho Mai Thảo cố giữ mãi cho đến lúc không thể giữ được sự chung đụng của những cá tính không thể đúng gần nhau" (tr. 7) (2).


      Về phần nhà xuất-bản mang danh Sáng Tạo chỉ thật sự xuất-bản tập truyện ngắn Tháng Giêng Cỏ Non của Mai Thảo năm 1956, về sau Doãn Quốc Sỹ lập nhà xuất-bản cùng tên nhưng là của họ Doãn và để in sách của ông và bạn hữu mà phần lớn từ tạp-chí Sáng-Tạo.


      *


      Đối với văn-học sử, Sáng Tạo đã góp phần làm mới văn học về văn cũng như thơ, về hình thức, thể cách cũng như nội dung.


      Về thơ Thanh Tâm Tuyền cổ võ thơ Tự do, không vần, bất ngờ về ý và chữ dùng, xuất bản Tôi Không Còn Cô Độc (l956) và Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (l964) - ông đã viết bài cổ võ ("Đặt đúng vấn đề thơ tự do") và sáng-tác Thơ Tự Do trước Sáng-Tạo, từ năm 1955 trên báo Người Việt. Thơ Thanh Tâm Tuyền dùng ngôn ngữ để phá hủy ngôn ngữ, dùng ngôn-từ chính-trị để tỏ bày tâm tình nổi loạn, từ ngôn-ngữ đời thường nhảy vào nghệ-thuật đen, siêu thực, phó mặc mạch thơ, nhạc điệu cũng như ngôn ngữ thơ, để ngôn từ tự do trôi chảy như sự vật vô tri vô nghĩa từ nguyên thủy và như không khí chính-trị tự do mới có được sau những năm dài chiến-tranh. Mặt khác, thiên chức hoặc mục-đích của thi ca cũng được Thanh Tâm Tuyền định nghĩa khi viết Tựa cho tập thơ Vào Đời (1966) của Trần Thanh Hiệp:

      "Thơ là mở cho nhìn thấy... Trong đời người rối mù hỗn độn, tan nát và điên khùng che khuất mọi viễn tượng, trong lịch-sử khắc nghiệt, tàn nhẫn quay cuồng như cửa ngõ hư vô, mở cho nhìn thấy những thực tại còn lánh mặt, bị chôn vùi, những điều khả hữu của đời người, của lịch-sử. Mở và nhìn thấy là tác động của trí tuệ - một trí tuệ tiến về mọi chiều đến tận cùng các giới hạn, một trí tuệ tự tạo tự do và muốn thực tại cũng tự do. Thơ chính là trí tuệ thiên nhiên lang thang tìm kiếm sự thật và hủy diệt sự thật - trí tuệ nảy sinh từ thực tại chia lìa, muốn đi thoát ôm theo thực tại vào vùng trời nào, nhưng chúng ta, chúng ta nhìn thấy được gì, phải nhìn thấy được gì không? (...) Phải chăng trí tuệ của chúng ta đã chỉ còn là trí nhớ ray rứt về cuộc hành trình không thực hiện nổi - trí nhớ bi thảm đui mù -? Và, thơ của chúng ta như con chim cất cánh bay cao trong đêm giá cô đơn tìm về mặt trời hay chỉ là con chim đã sập bẫy kêu những tiếng mê sảng?...".

      Tức, Thanh Tâm Tuyền muốn đi xa hơn nữa: "thơ hôm nay không dừng lại ở thơ phá thể, thơ hôm nay là thơ tự do!" mà cao điểm sẽ là thơ văn xuôi (3) - trong khi với Nguyên Sa, thơ tự do chỉ là thơ phá thể (4). Cổ võ thơ Tự Do và khi tưởng đã thành công gây tiếng vang thuận tiện, nhất là với những người làm thơ mới ra đời, nhóm Sáng Tạo bèn đi xa hơn, phủ nhận giá trị thơ văn tiền chiến và kháng chiến. Mai Thảo và nhóm bạn của ông rất dị ứng với quá khứ! Nhiều nhóm văn nghệ sĩ đã lên tiếng phản đối, nhất là ở Huế - từ tranh luận thơ tự do xuất phát ca dao và/hoặc thơ tượng trưng tiền chiến (rốt lại mang chất chính-trị quốc-cộng!) của tạp-chí Sinh Lực (từ số 8, l-2-1957), rồi tuần báo Tầm Nguyên gọi là "thơ tự Ro" (rồi tiếng của Phan Lạc Tuyên, Mạc Ly Châu...),... Bình-Nguyên Lộc trên tuần báo Vui Sống chấp nhận thơ tự do không vần nhưng phải sáng-tạo ra nhạc điệu mới.


      Trong các tranh luận, phê phán, đúng là chính-trị đã nhập vào thơ tự do, nào thơ tự do xa lìa quần chúng, thực tại đất nước, ngoại lai, mất gốc (dù Thanh Tâm Tuyền cứ cho rằng thơ của ông xuất phát từ ca dao!). Ngoài "nhóm thân Cộng" Vũ Hạnh, Lữ Phương, Thế Phong là người có những phê-bình nặng nề: "Thanh Tâm Tuyền, của "Tôi không còn cô độc" là một thứ Xuân Sanh phiêu lưu mà không chủ đích, chưa có khả năng để làm một thi sĩ có khám phá mới. Những bài thơ chơi chơi lúc lắc như "Nhịp Ba Tình Cờ" chỉ là lối chơi có nghệ-thuật của một thanh niên bế tắc không muốn lao đầu vào tình-yêu như mọi người khác; và muốn có cái gì mới hơn, muốn lao đầu vào một chương trình khác người mà chưa dò khả năng của mình có hay không?..." (5).


      Ngay trong cuộc thảo luận "Nói chuyện về thơ bây giờ" của nhóm Sáng-Tạo, Lê Huy Oanh đã bất mãn, chán nản thơ tự do mà ông gọi là "lập dị và hình-thức không đạt tới mức truyền cảm", thì Tô Thùy Yên đã trả lời bằng lập luận "Người làm nghệ-thuật là người lập dị được một cách tự nhiên. Có lẽ sự tự nhiên này đã không cho tôi nhìn thấy tôi lập dị nếu quả có thực như vậy". Nhưng dù gì thì Thanh Tâm Tuyền rồi Nguyên Sa đã khai phá mở đường cho dòng thơ sẽ được gọi là Thơ Tự Do - Thơ Tự Do "nguyên thủy" là phản ứng lại Thơ Mới và thơ thời tiền chiến, một vân động đã bắt nguồn từ thời kháng chiến, với Hữu Loan và Màu Tím Hoa Sim, Nguyễn Đình Thí v.v...


      Thơ lục bát đã được cách tân với một số nhà thơ thời Thơ Mới, này trên tạp chí Sáng Tạo, thể-loại thi ca này được tiếp tục hiện đại hóa với ngôn ngữ tân kỳ, hình ảnh mới hơn, bất ngờ, cũng như trong cách dùng chữ, ngắt câu. Khởi xướng bởi Cung Trầm Tưởng, tiếp đó có Sao Trên Rừng, Trân Tuấn Kiệt, Trần Đức Uyển, Hoài Khanh, Kim Tuấn, Hoàng Trúc Ly,...; mỗi người một kho ngôn- ngữ, mỗi người một phong cách đi vào lòng người thưởng ngoạn?


      Về văn xuôi, Mai Thảo là người đã đóng góp cho một cách làm mới hành văn. Những sáng tạo về ngôn từ, cách chấm câu, văn tùy bút, cảm giác. Cách dùng chữ trang trọng, chấm câu theo tình cảm và diễn tiến câu chuyện. Mai Thảo cố võ lối viết văn như vẽ tranh. Chỗ chấm phá, chỗ chi tiết. Chỗ nâng cao, chỗ xuống thấp. Đêm Giã Từ Hà Nội, Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời cũng như hai tập Tùy BútCăn Nhà Vùng Nước Mặn là những thử nghiệm thành công. Những chữ dùng nay đã quen nghe quen thấy, nhưng vào những năm 1956-61 là những cái mới đã làm hơn một người chau mặt!


      Truyện Thanh Tâm Tuyền tiêu biểu qua Bếp Lửa (1957) và Khuôn Mặt (1964) trong đó nhiều truyện ngắn đã đăng trên Sáng-Tạo, coi cuộc đời là một vô nghĩa toàn diện. Con người "hôm nay" lên đường, lữ hành, tự vạch đường, tự thoát khỏi tầm thường và khuôn sáo. Cô đơn trong trừu tượng sâu thẳm của con người, nhưng cuối cùng cái phi lý vẫn bủa vây, đẩy con người lún sâu thêm vào trong thực tại mà ý nghĩa nguyên thủy bất động của sự vật vẫn chưa tìm thấy. Truyện Thảo Trường dùng những tra vấn khắt khe nhưng chân thành của con người trí thức có đức tin, để nhìn con người và chiến tranh! Cả ba dụng văn nhưng nếu Mai Thảo làm xiếc với chữ, Thanh Tâm Tuyền khiến con chữ sắc lạnh và Thảo Trường nung lửa cho từng chữ dùng!


      Bên cạnh khuynh hướng trí thức và viễn kiến thời bấy giờ là lập trường làm nghệ thuật dấn thân, của "nhóm" tạp chí Sáng Tạo qua Mai Thảo, "phát ngôn viên", đã khẳng định:

      "Trong phạm vi và ý hướng một cuộc hành trình của một giòng nghệ thuật ý thúc chuyên chở trên giòng vận động của nó cả một tâm trạng thế-hệ đòi quyền chủ động đời sống, nghệ-thuật đã được hình thành như một cuộc đấu tranh tự giải phóng của thân phận con người khỏi cái thân phận hiện hữu của nó giữa một xã-hội mà nó không thỏa thuận và chấp nhận, khuynh-hướng đối kháng đã trở nên động lực căn bản, làm nền, của giòng nghệ- thuật ý-thức cách-mạng, của nhũng người làm nghệ-thuật cách-mạng. Sự đối kháng đó tự nhiên, bắt buộc và thường trực. Cho nên cái thái độ của người làm nghệ thuật chỉ có thể là một thái độ duy nhất: thái độ đó là sự báo động thường trực của ý thức (..) (và) nghệ-thuật là sự báo động thường trực của ý thức, sự đối kháng thường trực và vĩnh viễn của thân phận con người trước sự vật, trước đời sống, sự đối kháng không phải là một hành động phá hoại, nó chính là hình thái xây dựng tích cực, duy nhất của nghệ thuật giữa đời sống, lý do đích thực và duy nhất cắt nghĩa cho sự có mặt và vai-trò của nghệ-thuật giữa đời sống..." ("Nghệ-thuật, sự báo động khẩn thiết và thường trực của ý thức". Sáng-tạo, 7, 9-1961, tr. 12).

      Dục tính cũng đã được nhóm đưa vào văn-chương. Tạp chí Sáng-Tạo đã đăng nhiều truyện đầy dục tinh của các tác giả về sau không đi tiếp nghiệp văn, như Duy Thanh (Khép Cửa, Thằng Khởi, Chiếc Lá,...), Thạch Chương (Tinh Cầu,..). Giải phóng tình dục "hôm nay" theo nếp sống buông thả thời hậu chiến ở Âu Châu, là một trong những chủ trương văn nghệ của nhóm. Thạch Chương, tức nhạc sĩ Cung Tiến sau này, lúc bấy giờ viết truyện ngắn "hiện sinh" và là lý thuyết gia cho khai phá này, trong bài "Giới thiệu một nhận thức siêu thực về nghệ thuật" đã viết:

      "Chúng tôi muốn quay lại vũ trụ hoang sơ dục tình nguyên vẹn mà tâm hồn mỗi kẻ còn trinh như sữa. Nhưng là cái tinh khiết đáng sợ của con bò rừng. Nghệ thuật hôm nay là sự biểu lô một "furie du total", một tiếng gọi quay trở về rùng sâu thẳm mà ở đó còn vẳng lên những tiếng cười điên mê, những tiếng la cuồng dại vọng về từ trăm thế kỷ của bản năng thuần tuý. (..). Nghệ thuật hôm nay còn được biểu bỏ mãnh liệt trong tình yêu ngọt ngào của xác thịt, hay "tình điên". Dục tình, như có người đã nói trên mặt báo này, là động lực độc nhất của thế giới. Đọc... phần lớn những tác phẩm của D.H. Lawrence, ai mà không cảm thấy vật dục minh xao xuyến, một thứ xao xuyến rất nghệ thuật, rất siêu thực, rất trắng, rất tinh khôi...". Lý do ông đưa ra vì sống trong một thời đại "sống trong cái thế trên đe dưới búa, một bên là tự do tuyệt đối cá nhân, một bên là áp bức chính đáng..." (Sáng Tạo b.m., 5, 11-1960, tr. 97-102).

      Trong truyện Thằng Khởi, Duy Thanh để cho nhân vật xưng Tôi, một cô gái 16 tuổi, muốn ngủ và rồi ra tay "hiếp dâm" một đứa gánh nước người Chàm: "Tôi đã để ý đến nó năm tôi 16 tuổi. Cái vẻ đẹp man rợ ngu xuẩn ấy mang cho tôi nhiều ý nghĩ dâm dục. Tôi chắc rằng thằng Khởi chưa hề ngủ với ai bao giờ (...) Thằng Khởi vẫn ngủ trong lều. Đôi môi dầy của thằng Khởi mấp máy và vị nước bọt của nó sền sệt nhạt nhẽo. Tôi lay nó dậy. Thằng Khởi chồm lên chắc định la làng nhưng tôi bít miệng nó lại. Mắt nó mở to có vẻ ngạc nhiên lắm, nhưng cũng ngồi im. Rồi đưa tay quờ vào người tôi. Hơi thở của nó và của tôi hừng hực trong đêm tối..." (Sáng Tạo, 21).


      Cũng Duy Thanh trong truyện Chiếc Lá để nhân vật là cô gái 18 tuổi "thích thay đổi, từ vấn đề ái tình, sinh lý, không khí, đồ ăn, ..." và không thích cái gì quen hoặc vô nếp cả. Khi còn là cô bé 15 tuổi, cô ta đã ngủ với anh rể vừa để trả thù chị mình vừa tìm cảm giác: "Tôi muốn đo cái độ dục của hắn khi hắn ngủ với chị ấy thế nào. Cũng lạ, cái cảm xúc ấy lúc đề phòng trước thì thấy tầm thường hết sức. Tôi thấy cái hình thù sát cạnh mình đến vô nghĩa..." (Sáng Tạo b.m., 1, 7-1960, tr. 26-32).


      Bước qua thể-loại kịch, "nhóm" có những đóng góp cũng hiện-đại. Kịch bi tráng của thời tiền chiến nay hết hợp thời đại và không-gian mới, thứ lãng-mạn sinh nhầm thế-kỷ ngột ngạt, nhưng tâm sự đó hết còn được hiểu, nơi miền đất rộng lớn nhiều thử thách, đất của cải-lương và của màu mè tình tứ bình dân! Cũng vì là thời đang tới của những Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ và Trần Lê Nguyễn, v.v..., thời kịch nói, một thứ nói rất kịch của một thời đại vừa mở ra, nói mà hoang mang tâm trí và tư duy tìm bắt những lý tưởng mới, khác.


      Thời của những lý tưởng chính trị, nhắm hang động, dấn thân. Ba Chị Em của Thanh Tâm Tuyền, một kịch bản ngắn về Thu, Nguyệt và Hương, ba chị em mà như ba kẻ lạ với nhau, trong tương quan với người mẹ. Liên hệ và tình cảm mỗi người còn là một thế giới riêng, nhiều khúc mắc. Hương thương tất cả người thân nhưng "chưa bao giờ con giám thương con cả. (...) Tôi không giám thương tôi, không giám nghĩ đến tôi và tôi đau khổ. (...) Tôi không được quyền sống với chính tôi, người ta nghĩ về tôi thế nào thì tôi phải sống như thế sao?" (bản in năm 1967, tr. 12). Hương, "đứa con gái hiền lành ngoan ngoãn luôn luôn nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác đã ngoại tình. Vì tôi muốn người ta không thể bắt tôi sống theo ý nghĩ cố định của người ta, dù phải giá đắt, cái chết, tôi vẫn làm" (tr. l3). Thu xưng tôi với mẹ và khinh thường mẹ đã không là người đàn bà chung tình. "Tôi là con mẹ, tôi thương mẹ nhưng nhất định phải khác mẹ. Tình yêu bất lực gây ra thù hằn và trong thâm tâm càng thương nhau đau đớn" (tr. l5). "Người đàn bà phải chung thủy với một người. Tôi đã chọn làm người để chung thủy, lỗi ở tôi, tôi gánh chịu nhưng tôi không phản bội chân lý tôi tìm thấy" (tr. l6). Nguyệt bỏ nhà ra đi khi 18 tuổi và trở về với tên Cẩm Vân. Nhưng cả ba đều rơi vào tay một tên đàn ông mà không biết, chồng Thu, người chị cả, tình nhân của Hương - cô gái út - và là người đã quỳ xuồng chân Nguyệt "... nếu không yêu anh thì em hãy giết anh để anh được chết trong tay em" mà nàng vẫn xem như "một bãi đờm" (tr. 20).


      Kịch đời xảy ra vào những buổi tối trong một ngôi nhà hoang, độc thoại và đối thoại đến cuối màn vẫn không nhắm đóng lại một diễn văn hay sự thật nào, mà hình như mở ra bờ vực thẳm, phó mặc định mệnh, thay vì nắm bắt! Ba Chị Em của Thanh Tâm Tuyền cũng là bi đát của thế hệ ông, những nghịch cảnh ở buổi giao thời kháng chiến, đi ở, bắc-nam, vùng kháng chiến - vùng tề,... Ba Chị Em là kịch độc thoại hay kịch về con người thời đại cô đơn mất niềm tin nơi tha nhân, kể cả người thân và người yêu, mất cả tự tin. Nhân vật như quen thuộc nhau, nhưng vẫn đóng kịch, đối thoại của họ như căn cứ trên cái gì đó như có đó. Người vắng mặt... Không ngạc nhiên trước những tiết lộ tưởng là bất ngờ! Tác giả kịch bản lộ diện hẳn, nhập trong các vai diễn, phần đời họ đi vào văn chương nghệ thuật, có khi lại là phần tinh-yếu nhất, sâu kín nhất. Dù vậy, bi-kịch ở miền Nam thời này đã từ triết-lý (và chính-trị) đi đến nhân-bản!


      Tạp-chí Sáng-Tạo không đăng nhiều kịch bản: vài kịch bản của Thanh Tâm Tuyền (Ba Chi Em, ST số 17,...), Doãn Quốc Sỹ (Trăng Sao, ST số 12), ... Trên Sáng Tạo số 23 (8-1958) có đăng bản tuyên bố thành lập ban kịch Đêm Hà Nội nhắm phát triển sân khấu kịch nghệ Việt-Nam, nhưng hình như chưa có những thực hiện nào được ghi nhận. Trong cuộc thảo luận "Nhìn lại văn-nghệ tiền chiến ở Việt-Nam" (ST b.m., số 4, 10-1960) có nhắc đến kịch nhưng các thành viên không đi sâu vào vấn-đề.


      *


      Sáng Tạo đã mở đường cho những người làm văn nghệ mới từ nay rủ nhau lên đường: Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi, Gió Mới, Nghệ Thuật... Sáng Tạo có công gây hứng khởi, khai phá những cái mới. Hơn 12 năm sau, Mai Thảo kể lại những ngày Sáng Tạo khi viết "Đứng về phía những cái mới" mở đầu Tuyển Tập Sáng Tạo: "Tạp-chí Sáng-Tạo nếu được nhắc tới ở đây cũng chỉ là một chặng đường nhỏ của đường dài và hành trình lớn". Mai Thảo đã sống động vẽ lại cái không khí văn-nghệ lúc đầu đó: "Chất nổ ném vào. Cờ phất. Xuống núi, xuống đường. Ra biển, ra khơi. Và cuộc cách mạng tất yếu và biện chứng của văn chương đã bắt đầu (...) Trong một thực trạng dày đặc những chất liệu của sáng tạo và phá vỡ như vậy, văn học nghệ thuật mặc nhiên không còn là tả chân Nguyễn Công Hoan, lãng mạn lối Thanh Châu, những khái niệm Xuân Thu, những luận đề Tự Lực".


      Trong cuộc thảo luận "Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt-Nam", Mai Thảo cũng đã cho rằng "Ảnh hưởng nghệ thuật tiền chiến, trên thực tế, theo tôi, không còn gì. Đó là ảnh hưởng đã phai tàn của một giòng nghệ thuật tự nó đã phai tàn. (...) Tóm lại, theo ý tôi, chỉ có thể bảo rằng: nghệ thuật tiền chiến vẫn còn khuôn vàng thước ngọc cho nghệ thuật bây giờ: những thứ đầu óc đố kỵ, thành kiến, khiếp nhược, vô ý thức. Những tâm hồn lười biếng, phản tiến hóa. Bọn đạo đức giả. Bọn trí thức vỏ".


      Sau khi đã thử "phóng cái lao ý thức về đằng trước" và chối bỏ đằng sau, những thành quả của văn nghệ tiền chiến, họ khẳng định: "Những khuynh hướng mới là những trở thành tất yếu và biện chứng của một quá trình đổi thay và tiến hóa của nghệ thuật hiện đại Việt Nam". Nhưng cũng theo ông, cuối cùng cái gọi là cuộc cách mạng này "tựu trung vẫn chỉ là lịch sử tiến trình biện chứng của những trào lưu cạn dòng phải nhượng bộ rứt thoát cho những ngọn triều lớn dậy thay thế" (6).


      Và trong phỏng vấn của tạp chí Văn số 192 vào năm 1971, Mai Thảo lại xác nhận: "Tờ Sáng Tạo là của những thí nghiệm và những mở đường (...) Tôi không nhìn Sáng Tạo như nơi phát xuất và hình thành một dòng văn học nghệ thuật. Lớn chuyện quá. Một tinh thần nao, một cách thế nào thì có". Mai Thảo còn nhắc nhở trở lại cái thời làm tạp-chí Sáng- Tạo nhiều dịp khác trên tuần báo Nghệ-thuật và tạp- chí Văn trước và sau năm 1975.


      Nói chung, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Tô Thùy Yên là những thành công, những mới mẻ - nhưng xét cho cùng Mai Thảo, Tô Thùy Yên vẫn chưa rời cái nền cũ, hồn xưa. Quách Thoại, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế xưa, khuôn phép hơn nữa, còn Duy Thanh, Thạch Chương đã ngừng lại ở những thử nghiệm hiện sinh buông thả như người Âu-châu!


      Nhóm Sáng Tạo đã là "cái phất áo ngang tàng" của một số những cây viết trẻ đa phần là ngươi Bắc di cư. Nhóm và tạp-chí Sáng Tạo đã tạo chỗ đứng cho mình bằng cách khai thác những ý tưởng, phong trào của Âu châu về theo du học, nhập cảng mốt hiện sinh và siêu thực vào thơ văn, và "thanh toán" những thế hệ làm văn-học đi trước họ. Bìa sau của tập Thảo Luận ghi rõ rằng tuyển tập ghi lại những "cuộc thảo luận thanh toán với thế hệ trước, xác định lại giá trị đích thực của nghệ-thuật tiền chiến, khơi mở một con đường tiến tới trước nghệ-thuật hôm nay. Một nghệ-thuật để con người chinh phục thân phận của chính mình. Một nghệ-thuật mang trong nó sự vận động biện chứng của hủy diệt và sáng-tạo...".


      Nguyễn Sỹ Tế sau này ở hải-ngoại cho biết thêm "chủ trương của Sáng Tạo là dùng phương tiện văn-chương và nghệ-thuật tranh đấu cho tự do, thúc đẩy sự đổi mới, dung nạp những dị biệt cá tính trong một nền văn-hóa phong phú và cởi mở hơn..." (7)


      Các tạp-chí thời đó như Văn Đàn đã lên tiếng phê phán thái độ của nhóm Sáng-Tạo. Nguyễn Văn Trung, một cộng tác viên với Sáng-Tạo từ những số đầu, khi Sáng- Tạo sang bộ mới mở đầu một loạt nhìn lại quá-khứ văn- học và phế đổ Tự Lực Văn Đoàn và thơ văn tiền chiến, ông đã phải lên tiếng "Gửi anh em trong 'nhóm Sáng-Tạo'" (8):


      Dù nhìn nhận là so với Thế Kỷ Hai Mươi hay Hiện Đại, "nhận định về thái độ, tôi nghĩ tới các anh trong 'Sáng Tạo' nhiều hơn, vì chỉ có Sáng Tạo là muốn xác định lập trường một cách tập thể và bằng lý luận" và "tôi đồng ý với các anh về nghệ-thuật là một 'vận động biện chứng của hủy diệt và sáng-tạo' nhưng không phải hủy diệt để đi từ số không. Ngày hôm nay ta lên đường, cũng như hôm qua, người đàn anh đã lên đường, bao giờ cũng lên đường từ một lịch-sử".


      Ông nhận xét:


      "Tôi có cảm tưởng là các anh hiểu sự hủy diệt theo nghĩa hư-vô-hóa cái đã có. Nếu thật thế thì là một nhầm lẫn và cũng là một việc không thể làm được. (...) suy nghĩ, sáng- tác bao giờ cũng bắt đầu từ cái đã có, là lịch sử, chứ không thể từ số không, từ hư vô. Nếu không có lịch-sử, ta không có đối tượng để ý thức và sáng-tác, vậy lịch-sử là cần thiết và giá trị, vì nó là điều kiện thiết yếu để ta có thể lên đường, là cái để ta có thể vượt đi (...) Hơn nữa, chúng ta càng học hỏi lịch-sử, chúng ta càng có thể vượt xa hơn quá-khứ, và ta càng có một lịch-sử lâu đời phong phú, ta càng có điều kiện tạo nên những vị trí cao hơn, những kiếp sống trưởng thành".


      Vì theo Nguyễn Văn Trung, nhóm Sáng-Tạo "đả kích, gây hấn" vì không tự tin và để "giữ chỗ" trong khi các nhà văn thơ của nhóm chưa "có gì đáng kể", chưa có những tác-phẩm "trưởng thành" thuyết phục được độc giả; vẫn như các nhà văn khác hiện nay "bắt chước kỹ thuật Tây phương vô ý thức và cũng chưa kịp bắt chước đúng thì quan niệm mà mình bắt chước dã bị vượt qua" trong khi nhóm phê phán các nhà văn thời trước "ấu trĩ", "bắt chước" cái cũ cả thế kỷ của Tây phương,...


      Mặt khác, vào tháng 4 năm 1960, Nguyên Sa ra báo Hiện Đại sống được 9 tháng mà từ khi ra mắt đã chứng kiến sự đi xuống của tờ Sáng Tạo có thể không còn thích hợp với người đọc lúc ấy "trí thức" khác hơn chăng - trong bài "Mở Cửa" ở những trang đầu Hiện Đại số ra mắt, Nguyên Sa đã có nhận định về tình trạng văn nghệ lúc đó: "Văn nghệ trong những ngày tháng vừa qua nằm trong một tình trạng buồn. Cuộc sinh hoạt ấy như chợt chìm xuống một vũng sâu có bóng tối dầy và nặng. (...) Tờ báo của cuộc đời văn nghệ 57, 58, 59 đi mất. Những người văn nghệ còn ở đấy nhưng buồn cũng đã ở đấy..."


      Tóm lại, Nhóm Sáng-Tạo đã khởi đi từ thái độ chính-trị nhưng xa lần trong thực tế sáng-tác, thì cùng thời đó, hai nhóm Chỉ ĐạoQuan Điểm muốn đem chính-trị vào văn-chương - văn-chương chính-trị, cho con người, mang tính tri thức hoặc cho những ai muốn đứng thẳng người, một cách công khai và giữ thế chủ động sẵn sàng đối phó. Chính tinh thần sáng-tạo và thế đứng văn-nghệ dân-chủ tự do đã khiến nhóm dù đã ngưng hoạt động và thành viên lần lượt qua đời, vẫn được người đời sau đó nhắc nhở và tìm hiểu. Riêng Mai Thảo là người đã sống thật với văn-học nghệ-thuật, 5 năm sau, ông nhận tài trợ của chính quyền xuất-bản tuần báo Nghệ Thuật thành công một lần nữa hâm nóng và làm sinh động sinh hoạt văn- nghệ miền Nam!


      (Trích bản thảo Văn-Học Miền Nam 1954-1975)

      Nguyễn Vy Khanh

      Thư Quán Bản Thảo số 60, Tháng 7-2014
      Số Đặc Biệt Tạp Chí Sáng Tạo

      CHÚ THÍCH:


      1. NXB Sáng Tạo, Tủ sách Ý Thức, 1965. 156 tr.

      2. Về sau ở hải ngoại, Mai Thảo đã xác nhận hoạt động chung với Nguyên Sa chỉ được hai năm (1956-1958), đổ vở vì ngộ nhận ("Mầu áo lụa Hà Đông trong thơ Nguyên Sa" in Chân Dung 15 Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam. (Westminster, CA: Văn Khoa, 1985), tr. 136). Còn Ký Giả báo Ngày Nay (Houston, TX, số 388, l-5-1998) trong bài "Nhà thơ Nguyên Sa không còn nữa" cho biết lý do của hiểu lầm đó "qua lời tuyên bố của Nguyên Sa trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Hồ Nam về thơ Tự do").

      3. "Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay". Sáng Tạo 31, 9-1959, tr. 6.

      4. Nguyên Sa. "Kinh nghiệm thi ca". Sáng Tạo 21, 6-1958.

      5. Thế Phong. Lược Sử Văn-Nghệ Việt-Nam: tổng luận 60 năm văn-nghệ Việt-Nam, Vàng Son tái-bản 1974 bản 1958, tr. 27.

      6. Tuyển Tập Sáng Tạo. Sài-gòn: Nguyệt San Tân Văn, số 29, 9-1970, tr. 11, 13, 15.

      7. "Nhìn lại tạp-chí Sáng-Tạo". Khởi Hành CA, 61, 11-2001).

      8. "Gửi anh em trong 'nhóm Sáng-tạo'". Bách Khoa 94, 12-1960, tr. 38-44.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nguyễn Minh Nữu Nguyễn Vy Khanh Nhận định

      - Lê Hân, Nhà Thơ Nguyễn Vy Khanh Nhận định

      - Lê Hoằng Mưu, nhà tiểu thuyết tiên phong Nguyễn Vy Khanh Nhận định

      - Linh Mục Thanh Lãng, nhà văn học sử Nguyễn Vy Khanh Nhận định

      - Thơ Hà Nguyên Du Nguyễn Vy Khanh Nhận định

      - Về Một Cuộc Hội Thảo Văn Học và Báo Chí Miền Nam 1954-1975 Nguyễn Vy Khanh Nhận định

      - Văn Chương Có Biên Giới Không? Nguyễn Vy Khanh Tiểu luận

      - Đến với Ngất Ngưởng Một Đời Mây của Phạm Hồng Ân Nguyễn Vy Khanh Nhận định

      - Túy Hồng Nguyễn Vy Khanh Nhận định

      - Cao Thoại Châu Nguyễn Vy Khanh Nhận định

    3. Bài viết về Tạp chí Sáng Tạo (Học Xá)

       

      Bài viết về Tạp chí Sáng Tạo

        Bài viết về các Tạp Chí


      Truyện ngắn đăng trên Sáng Tạo:

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Bùi Giáng - Thi ca và Tư tưởng (Tuệ Sỹ)

      Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)

      Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)

      Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)

      Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)