Chính Văn là một tạp chí chính trị, văn chương. Hiện diện từ tháng 6-1971 đến tháng 8-1972. Chủ nhiệm: nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Tiêu đề in ngoài trang bìa cho biết Chính Văn là “Tờ báo của những suy tư và xúc động trẻ”. Trong thư tòa soạn số đầu tiên, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn nêu lý do Chính Văn ra đời:
“... đồng bào ta, nhất là các bạn trẻ, đang rất cần có một tờ báo có trình độ ý thức và kiến văn khả quan, nhưng đồng thời có sinh lực và “dấn thân hơn những tờ báo hiện hữu. Chính nhận định trên đây thôi thúc tôi, từ năm ngoái đến năm nay, phải làm cho kỳ được tờ Chính Văn này – với sự giúp đỡ của nhiều bạn hiền, mà tôi xin nhận nơi đây chút tâm cảm tri ân của tôi.”
Trải gần hai năm thăng trầm, với ba thư ký tòa soạn thay đổi, dù về mặt chính trị, con én chính trị gia, lý thuyết gia Nguyễn Mạnh Côn đã không thực hiện được tâm nguyện, nhưng về lãnh vực văn học, Chính Văn đã tạo nhiều tiếng vang, quy tụ nhiều người viết thời danh, làm những chủ đề đặc biệt văn chương.
Một trong những chuyện khó tin nhưng có thật là vào giai đoạn cuối của tạp chí, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã nhường chức chủ bút lại cho nhà văn Trần Phong Giao, còn ông làm thư ký tòa soạn dưới bút hiệu Nguyễn Kiên Trung!
Dù là một tờ báo “không giống ai” nhưng nội dung lại phong phú, hữu ích. Những bài vở giá trị, như những sáng tác của Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo, Nhã Ca (truyện dài), Bửu Ý, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Túy Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Xuân Hoàng... và những cây bút trẻ như Hồ Minh Dũng, Mường Mán, Cao Thoại Châu, Vũ Hữu Định, Phan Cung Nghiệp, Trần Hoài Thư, Nguyễn Lệ Uyên, Hạc Thành Hoa, Kinh Dương Vương, Mang Viên Long, v.v... Đặc biệt có truyện của Doãn Dân. Đây là một truyện rất quý hiếm, chúng tôi đã sao lại, gởi cho trưởng nữ của nhà văn Doãn Dân để thêm vào cuốn sách viết về sự nghiệp văn chương của bố sắp xuất bản. Ngoài ra có những bài thơ của Vũ Hữu Định chưa hề phổ biến. Truyện ngắn của Kinh Dương Vương cũng vậy.
Số đầu có Nguyễn Mạnh Côn, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Ký giả Lô Răng, Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Vương Văn Bắc, Nguyễn Tử Đóa, Đằng văn Hầu...
Số cuối cùng có thơ Hoàng Đình Huy Quan, Vũ Hữu Định, Hạc Thành Hoa, Võ Chân Cữu, Yên Bằng, Hà Vũ Giang Châu...; truyện có Mường Mán, Trần Hoài Thư, Dương Nghiễm Mậu, Đỗ Tấn; khảo luận có Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn văn Xuân; truyện dài có Nhã Ca...
Các chủ đề đặc biệt của Chính Văn:
Số đặc biệt: 100 năm ngày sinh Phan Châu Trinh
Số đặc biệt: Hồ Hữu Tường
Số đặc biệt: Giáo dục
Số đặc biệt: Phạm Duy
Số đặc biệt: Simone de Beauvoir
Số đặc biệt: Tình yêu với thể xác và linh hồn
Số đặc biệt: Những bài thơ tình đẹp nhất hôm nay
Số đặc biệt: Bài học cổ sử - Năm tỉ năm nguồn gốc loài người
Chính Văn và cuộc thử nghiệm khuynh hướng văn chương
Tạp chí Chính Văn hiện diện trên văn đàn miên Nam trong hai năm: 1971, 1972. Nó là một tạp chí có một không hai trong sinh hoạt văn học nghệ thuật. Chỉ hai năm mà thay đổi chủ bút hai lần và thư ký tòa soạn ba lần. Riêng về chủ bút, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn giữ chức này, kiêm luôn chủ nhiệm từ tháng 6-1971 đến tháng 5-1972, sau đó bàn giao chức chủ bút lại cho nhà văn Trần Phong Giao, còn ông xuống làm thư ký tòa soạn (dưới bút hiệu Nguyễn Kiên Trung), cho đến số cuối cùng (tháng 8-1972).
Tại sao có chuyện lạ lùng như vậy?
Đảo chánh chăng? Không! Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn vẫn còn là chủ nhiệm mà!
Vậy thì lý do nào?
Lý do dễ hiểu. Chính Văn cần độc giả để tồn tại. Giai đoạn đầu, ngoài những bài viết của Nguyễn Mạnh Côn về lập thuyết như Tân Trung Dung, Chính Văn chỉ chú trọng vào những tên tuổi quen thuộc ở Saigon hay các tác giả tên tuổi ngoại quốc.
Để chứng minh, dưới đây là mục lục bài vở số 2&3 từ 30-1 đến 25-2-1972, do nhà văn Nguyễn Mạnh Côn làm chủ bút:
Và đây là mục lục một số báo Chính Văn do nhà văn Trần Phong Giao làm chủ bút. Xem mục lục ta thấy nhà văn Nguyễn Mạnh Côn là thư ký tòa soạn (bút hiệu Nguyễn Kiên Trung):
Qua hai mục lục, chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt giữa chủ trương của hai vị chủ bút. Nguyễn Mạnh Côn chuyên chú vào những cây bút ở Saigon, còn Trần Phong Giao thì chú trọng các người viết trẻ ngoài vòng đai Saigon!
Dĩ nhiên, muốn tờ báo sống, cần phải có độc giả. Muốn có độc giả, phải viết vì độc giả, cho độc giả. Độc giả ấy không phải là sinh viên, hay những người ở Saigon hay đô thị miền Nam, mà là số lượng đông đảo ở miền Trung, hay ở ngoài vòng đại đô thị.
Người có kinh nghiệm nhiều về việc này, không ai hơn là nhà văn Trần Phong Giao. nguyên thư ký tòa soạn tạp chí Văn.
Đó là lý do tại sao Trần Phong Giao lại được mời làm chủ bút. Và nhà văn Nguyễn Mạnh Côn chấp nhận hạ cấp từ một chủ bút xuống làm thư ký tòa soạn.
Chúng ta phải nghiêng mình ngưỡng phục nhà văn Nguyễn Mạnh Côn! Nguyễn Mạnh Côn đã biết nghe biết nhìn sự thật: Văn chương đô thị đã bị bức tử từ năm 1964!