|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
• Tết Xuân này em có về qua ngõ nhà anh?
• Không Ai Ngăn Nổi Cánh Mai Tàn Rụng Giữa Sắc Xuân
• Sầu Lên Ngọn Ải • Đợi em dưới dảy tường rêu
• Ngậm ngùi dưới lau lách • Nỗi buồn đầu mùa Đông • Sông Núi Đau
• Tiếng huê bò • Một nét Xuân sơn • Áo tơ vàng
• Em và tháng Giêng, Hai • Cuối xuân, về thăm khóm cúc sân nhà
• Khúc xuân ca của người thiếu phụ
• Lời nhắn gởi cuối cho người về • Mưa lạnh trên đèo
• Lạnh Lùng Cuối Đông • Mẹ Quê Hương ơi! Con đã về
• Gió Xuân Rười Rượi Thổi Về • Nhớ quê! • Trong ngôi Từ Đường
• Chiều Đông Sương Lạnh Về • Xuân chờ mong
• Chợ Chiều • Hãy Quay Mặt Ra Biển Đông • Cuối Mùa Đi Biển
• Đêm Về • Vạt Nắng Qua Đèo • Những Chuyến Tàu
• Đêm nằm ở quê vợ nghe tiếng ểnh ương kêu • Quê Mới
• Chiều Quê • Xuân về nhớ một người đi xa
• Hãy Đến Bên Tôi • Ngàn Dâu Xanh Ngắt
• Đêm Trừ Tịch • Anh vẫn chờ em ở cuối cuộc đời
• Vị Hoàng cố sự... • Trăng trên thành Bình Định
• Một Thuở Xuân Thì • Đêm đầu năm với Cuồng Vũ ở Huế
• Nghe lại "Hương xưa" • Biển Chiều • Lên Nguồn
Mai mốt em về buổi chớm xuân
Trời hanh khô với chút hoe vàng
Cây cối ngủ đông như đã trải,
Một mùa giá buốt thấu tâm, can
Anh sẽ chờ em nơi bến sông
Có con đò nhỏ trôi bềnh bồng
Có liếp cải vàng tung đàn bướm
Và có tình quê vẫn mặn nồng
Bờ cỏ xanh non đón chân em
Đôi bàn chân nhỏ, dáng dịu hiền
Bàn chân đã vượt xa ngàn dặm
Mà vẫn không rời mảnh đất thiêng
Anh sẽ đưa em lên đồi cỏ
Mùa này sặc sỡ sắc hoa quỳ
Em nhìn bao quát làng, thôn, xóm
Mà thương làng nước mình nhỏ tí
Anh sẽ vì em làm thơ tình
Bên hàng dừa lơi lã tay dừa xinh
Để thấy đời mình như trẻ lại
Em thấy thương nhiều đời nữ sinh!
Anh sẽ đưa em thăm tất cả ...
Đâu cũng thấy trời đất giao hòa
Đâu đâu cũng có tình non nước
Và tình người, gần mãi, không xa.
01-01-2019
Xuân , Têt này em có về qua ngõ
Trước nhà anh là nẻo đi, về
Của cô bé ngày xưa thường đi học
Giữa trưa hè hay chiều nắng vàng hoe
Đường qua nhà anh, không có tơ giăng lối
Sao bước chân em cứ bước ngập ngừng?
Hay gió chiều đưa mây xuống thấp
Làm phải lòng bao cánh bướm say bông?
Bên cạnh nhà anh có cây ổi sẻ
Mà đến mùa xuân trĩu trái gọi mời
Em đi qua mà mắt như liên láo
Nhìn trái cây, hay đợi một tiếng chào?
Em có khi nào qua giếng giặt
Có còn treo chiếc gàu bằng mo cau?
Nơi lũ trẻ chúng ta thường tắm
Cười đùa vô tư như thưở mới yêu đầu
Em đi sát sân nhà anh, xin đừng sợ
Bầy chó vàng sủa rộ lúc em qua
Chó nhà anh vốn hiền như chủ
Không làm em hề hấn một vạt tà
Thôi nhé em, hai phương trời cách biệt
Anh đi đâu xa cũng nhớ quê nhà
Nhớ từng hàng rau, nhớ từng tấc đất
Nhớ em gái thơ, nụ cười nở như hoa
01- 3 -2018
Xuân đến hoa mai nở
Xuân đi, hoa mai tàn
Cánh mai rơi tơi tả
Trên nền cỏ ngổn ngang
Trong lòng người hối tiếc
Nhìn hoa rụng ngoài hiên
Từng tầng và từng lớp
Những cánh hoa muộn phiền …
Cánh mai rụng vì đâu?
Trên nền lá dàu dàu
Trong lòng người thống hối
Không cầm giữ nổi nhau
Không kiềm chế lòng mình
Niềm sân si vô lượng
Niêm sân hận vô biên
Một chiều hoa mai rụng …
Xa nhau rồi mới biết
Đôi lúc cần có nhau
Những đêm thâu lá đổ
Những đêm trăng nguyệt tà
Không còn ai tâm sự
Khi lòng thấy giá băng
Mỗi sớm mai thức dậy
Thấy sương mù giăng giăng …
Đôi khi thấy cuộc đời
Không còn ý nghĩa sống
Như mai kia tàn rụng
Chỉ một chiều phai hương
Xuân Thao
Mồng mười, tháng Giêng, Mậu Tuất
Xa trông …
Mây đùn lên quan ải
Mà thương cho kẻ xa nhà
Giờ này còn nấn ná
Chưa chiu về
với mái ấm gia đình …
Mặt trời đã ngã hẳn về Tây
Mà ai còn đứng đó
Với mây chiều đùn lên
Mỗi lúc thêm dày đặc
Và gió lạnh cứ vô hồi len vào
Lần áo mỏng …
Và cũng chính nơi đây
Khi xưa,
Là nơi đồn trú của hàng chục lính thú
Họ là dân thường, không thân thế
Không tiền bạc đút lót
Là quan phủ của triều đình
Bị biếm trích
Rớt xuống làm lính
“Ba năm trấn thủ lưu đồn“
“Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan“ (*)
Câu ca dao xưa nghe mà não nuột
Họ bắt phải chịu nhục hình và chịu vô vàn khổ sở
Trong lúc bọn giặc Cham pa đóng đồn ở trên sông Cu Đê
Không lúc nào là không lấm lét
Dòm sang quan ải
Với âm mưu muốn nuốt gọn
Và bứt phá cái gai trước mắt
Người lính phải thay phiên nhau canh gác
Ngày, đêm
Và phải vô rừng đốn gỗ
Chặt tre, chặt nứa
Để củng cố hào, luỹ
Làm tuyến phòng ngự
Càng dày, càng chắc chắn
Bàn tay của họ luôn bị phồng, giộp
Và những vết cắt của tre, nứa
Không bao giờ lành miệng
Chưa kể tới nạn sên, vắt
Và sốt rét rừng
Sốt rét rừng đã đốn ngã
Bao nhiêu là lính thú
Mà mồ chôn rải rác
Khắp bên ngoài quan ải
Kiếp lính thú, kiếp lưu đày!
Mà hồn họ dường như
Còn quanh quẩn đâu đây
Trên quan ải
Trên ngọn cờ đỏ
Đang quằn quại bay trong gió
Được cắm trên nóc
Của ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN
24-11- 2016
XUÂN THAO
(Ải Vân Quan phía QN - Đà Nẵng)
Trời xui đất khiến hay sao?
Mà chân đưa đến tường rào nhà em
Thời gian trôi, trôi êm đềm
Anh chôn chân dưới bậc thềm, hắt hiu
Mặt trời muốn ngã về chiều
Mà trong anh có muôn điều vân vi …
Anh đâu dám, gã tình si
Khăng khăng ôm cột đến khi thuỷ triều *
Tình anh còn lại bao nhiêu
Cũng tiêu hoang hết một chiều bên nhau
Nhìn ra cây cỏ dàu dàu
Giai nhân, ơi hởi, biệt màu tăm hơi!
Anh đi cuối đất, cùng trời
Giờ trói thân dưới một lời hứa suông!
Anh nhìn qua suốt dãy tường
Thấy hồn rời rã như dường xanh rêu
* Trong Tình sử Trung Quốc
20-11 – 016
Em đẹp như tên em
Em đẹp như tình em
Muôn đời lau lách mọc
Anh cúi mặt trước dáng Kiều,
thơm
Mà tha thướt
Anh phủ phục dưới chân em
Như tín đồ,
không dám ngước lên
Nhìn Chúa
Một đời lau lách đứng riêng tây
Một đời lau lách lạnh lùng
Khổ đau chưa lần tỏ
Một mình em đứng đó
Dưới sương chiều quạnh quẽ
Một mình em đứng đó
Dưới tà huy phai phai
Anh vục đầu vào lòng em
Anh tìm chi trong khuôn ngực em?
Niềm si mê vô lượng!
Sương chiều như búa bổ
Trên thân phận long đong
Gió chiều như sấm sét
Trên kiếp số mong manh
Em đứng đó một mình
Em tên là phi lau
Em đẹp như tên em
Phi Lau ôi, Phi Lau!
Khi đàn sếu đã thiên di
Về hướng Nam
Đến con cuối cùng
Để lại bầu trời những vệt đường bay
Liêu xiêu
Dần tan loãng
Chỉ còn tiếng kêu quang quác
vọng lại từ phương xa
Xa tít mờ xa …
Đồng ruộng chỉ còn trơ gốc rạ
Héo khô dần
Dười bầu trời ê ẩm
một màu chì …
Lòng người cũng đang ê ẩm
Một nỗi buồn xa vắng
Mông lung
Chưa đặt tên
“Buồn tàn thu”!
Mùa đông đã đến!
Không giao thoa
Không ồn ào
Chỉ có cái hơi se lạnh một chút
Đủ để em mang áo ngự hàn ra săm se
Rồi cất lại vô tủ áo
Chờ đợi
Ngày người yêu đón em ra phố
Tung tăng bên nhau
Nơi công viên
Nhìn, ngắm những chiếc lá cuối cùng
rơi vèo trong gió
Dưới bầu trời ẩm thấp
Một màu buồn
hơi tê tái
Đêm qua, gió đông nổi lên khắp trời
Mang hơi lạnh từ miền Bắc
Phả vào phòng em
Một mùi lành lạnh
Có chút ê ẩm,
đến tái tê
Nhìn qua kung cửa
Môt màu trời nhờ nhờ
Trắng đục đên bất tận
Đâu đó, có tiếng ho húng hắng
Của người già
Và tiếng ho khan
Của trẻ thơ
Chỉ làm khuấy động một chút
không khí yên tĩnh
Của ngôi nhà
Rộng và lạnh thênh thang …
13- 11 -017
Sông núi đau hoài, sông núi ơi !
Hận thù quằn quại, máu xương phơi
Đồng khô, cỏ cháy, người ly tán
Khổ đau trầm nghịch, ngút tận trời
Những trận đòn thù dập thịt da
Anh, em nào phải khác mẹ, cha?
Nỗi thù đối mặt, không hoà giải
Sỏi đá còn đau, huống nữa là!
Chợt, thấy bình minh vừa ló dạng
Kẻ thù đã rủng rỉnh vào sân
Lấn đất biên cương, chiếm biển đảo
Vung tay, cho thoả mộng xâm loàng
Tìm đâu ra một Hội Nghị Diên Hồng
Một Bạch Đằng, cùng cờ đỏ Quang Trung
Cả dân tộc đã dường như chết tiệt
Sống làm chi thêm nhục với cha, ông!
Ai sĩ phu, ai là khanh tướng?
Quyết một lòng, ta sống mái một phen
Nghiến răng giữ biên cương và biển đảo
Hãy sống vinh chứ không chịu sống hèn
11- 9 -2016
Làng tôi không cách xa thành phố là mấy
Mà còn giữ được nếp quê mùa
Của một miền thôn dã Việt Nam
Làng cũng có ruộng, có thổ, có đất gò
Cũng có những nông dân cày bữa vất vả
Trên đồng ruộng đất xấu
Tất cả đều nhờ vào sự cần cù
Và tính hay lam, hay làm
Tuy thế, quanh năm vẫn thiếu trước, hụt sau
qui, mọi nhà đều cơ cực
Trẻ con ít được vào trường
Hoạ hoằn lắm, mới có em đến được lớp Đồng Ấu
Rồi bỏ học, tập tành việc nông tang
Rồi lấy vợ, gã chồng, sinh con …
Miền quê ấy không biểu hiện gì cao xa
Mọi người đều bằng lòng với số phận mình
Bằng lòng sống trong cơ cực và buồn bã
Buồn bã như tiếng huê bò về, mỗi chiều
Tất cả mọi buổi chiều!
Khi ánh hoàng hôn sắp tắt
Trên đỉnh núi xa xa
Thì trên ruộng đồng quê tôi
Cùng lúc rộ lên
tiếng huê huê gọi bò về
Của những trẻ chăn bò
Tiếng gọi bò cứ lần lượt và tiếp nối nhau
Cho đến khi trời tối hẳn
Huê huê …ờ huê huê …
Huê huê …con bò Giống …huê huê
Con bò Giống ham ăn cỏ…huê huê
Ham ăn cỏ... huê huê …ham ăn bỏ bầy …huê huê …
Huê huê …con bò Nghé lạc mẹ …huê huê..
Bò Nghé ham ăn cỏ …lạc mẹ huê huê…
Lạc mẹ …không biết đường về …huê huê
Huê huê..con bò Lũ …
Huê huê …con bò Pháo …
Tiếng huê huê cứ như thế tiếp tục cho đến khi bò đã về chuồng hết
Tôi nghe và tưởng tượng ra hình ảnh con bò con lạc mẹ
đứng chơ vơ giữa đồng
Vễnh tai nghe và cong đuôi chạy bừa trên những cánh ruộng
xăm xắp nước
Cố đuổi theo cho kịp bầy
Tôi hình dung ra những con bò gầy ốm
Dơ xương và thấy rõ từng chiếc xương sườn
Tôi cũng hình dung ra những đứa trẻ chăn bò
Người nhỏ thó, nước da vàng chạch
Có đứa bị hen, suyễn kinh niên
không lớn nổi
Phần đông chúng là con những người ở thôn quê
Cha mẹ chúng cho đi ở đợ kiếm cơm
Và để giúp gia đình trang trải một mối nợ nào đó
Tất cả đều còi cọc, thiếu ăn và không biết chữ
Tôi chợt nhớ đến đất làng quê tôi
Chỉ là đồng khô, cỏ cháy
Chỉ có cây gai là mọc mạnh
Đủ thứ gai: lưỡi long, xương rồng, gai sầu, ma vương
Ngoài ra, là những đám cỏ vàng cháy, queo quắt
Chiều xuống thấp
Tiêng huê bò lại dấy lên, vọng ra xa
Tiếng gọi bò nghe văng vẳng, có vẻ gấp gáp và phảng phất buồn
Như đó chính là tiếng quê làng tôi:
Khắc khoải, chịu đựng và buồn bã
Mỗi khi chiều xuống …
23-3 2016
Núi xa ...
Vào một buổi chiều Xuân
Như một nét mi
Mờ mờ
Mây và sương khói
Khói sương
và mây
Bũa vây lấy hồn ta ...
Chỉ một nét mi cong
trong bóng sáng mờ mờ
Mà xâm chiếm
và đeo đắng
suốt cả đời ta
Một dáng người xa xăm
Một bóng người xa xôi
Lờ mờ, lờ mờ
Không định hình
Mà chiếm hết hồn ta
Suốt đời
Suốt kiếp
Trong cuộc lữ
dài dặt
Thiên thu!
7-3-16
Xuân xưa, em đến tìm anh
Em ôm vạt áo nắng hanh vào phòng
Lòng anh, bừng nở phong lan
Thêm hương trinh nữ, ấm ran mấy ngày
Áo tơ vàng,về nơi đâu?
Em thâu cả nắng, để sàu lại anh
Tin em,lưu lạc kinh thành
Phương xa, sao nở rẽ tình hai ta?
Chiều Xuân, ra bến giang tà
Kinh đô, ơi hỡi, buông tha nàng về!
21 tháng Giêng - Bính Thân
Cuối Xuân du tử trở về
Làng trên, xóm dưới đang kề vụ nông
Hắt hiu gió thổi trên đồng
Ôi chao! cái rét cuối Đông vẫn còn
Chân đi, dạ những bồn chồn
Cửa nhà quạnh quẽ, vợ con đâu rồi?
Em đang hái ngọn mồng tơi
Hai con lúc thúc ngồi chơi sau nhà
Ngó ra, mấy khóm hoàng hoa
Nở đầu Xuân, nay đã là cuối Giêng
Từng bông, rụng cánh muộn phiền
Hoa tuy tàn tạ... mà cành vẫn xanh
Bao năm lang bạt thị thành
Ăn chơi nức tiếng, hãnh danh bạc tình (*)
Khi về, em tóc bớt xanh
Còn Xuân... ta nối khúc Tình Xuân Qua
16 tháng Giêng, Bính Thân
* Thơ Đỗ Mục
Giêng, Hai ngày chậm thế sao?
Nàng Xuân cởi áo bái chào nhân gian
Da em trắng muốt, mịn màng
Thơm như hoa bưởi, hoa bòng vườn anh
Giêng, Hai em vẫn xuân xanh
Em treo áo mới trên cành sầu đông
Đợi Xuân Phân toả hương nồng
Làng trên, xóm dưới đằm đằm mùi thơm
Đêm xuân lạnh rướm bông hường
Sáng ra, thức dậy còn vương vất tình
Bàn tay năm ngón em xinh
Ngón nào hứng nắng - ngón tình anh đâu?
Rằm Nguyên Tiêu, Bính Thân
Mai, mốt đây
em có về thăm biển Nha Trang
Đi trên bãi, xin em đừng xoả tóc
thành một cơn bão mặn
Quất vào tim anh
những vết hằn ứa máu
Nếu có đi dạo mát
dọc ven bờ biển
Xin em hãy bước từng bước
hết sức gượm nhẹ
Để khỏi dẫm nát
những con dã tràng
Đang miệt mài xe cát...
Vì đời chúng
chỉ toàn làm những công việc gần như "vô vị"
Xe cát hoài huỷ!
Để xây nên những lâu đài TÌNH ÁI
Chẳng được bao lâu
sóng biển cuốn trôi đi ra xa
Rồi chúng lại tiếp tục
xe cát, xe cát...
Em hãy tìm về dòng sông cũ
của tuổi thơ em
Cùng bạn bè xưa cũ
những đứa còn sống sót
Em sẽ ngâm mình và tắm gội
cho hết những cáu, bẩn thành phố
Để nước sông cuôn phăng tất cả ra biển
Và em cũng không nên hát lại bài
NHA TRANG NGÀY VỀ
Vì chẳng còn ai nghe nữa!
Người nghe đã phải ra đi
biền biệt
Vào ngày ấy,
tháng ấy
Trong một đêm, trên bãi vắng
Không một ánh trăng, sao
Thang 01 - 2016
Em há, không nhớ sao?
Người thiếu phụ của Vương Xương Linh
Chỉ một sáng
chợt ngoảnh nhìn
Cây dương liễu màu sắc xanh um
đứng mọc ở nách tường
Mà thấy lòng xôn xao, tiếc nuối
Những ngày sống cô đơn và buồn tủi
sau bốn bức tường câm
Em há, không tiếc sao?
Tuổi Xuân đã qua đi
không bao giờ trở lại
Chỉ để lại
trên vâng trán em, trên khuôn mặt em
Những nét già nua, xấu xí!
Vì ai cũng có một thời nhan sắc
Mà nhan sắc, ít chịu dừng lâu
ở một người
Thì, hãy cứ vui chơi
Như tré mười ba, mười lăm
Vui chơi và sống vô tư
như ngày em mới lớn!
Đừng hoài phí tuổi Xuân
Đừng để phòng không, gối chiếc
Đừng để đêm dài trằn trọc
Hãy thêm tiếng cười
Hãy thêm niềm đầm ấm
Cho buồng Xuân đêm nay
bớt lạnh lẽo
Cho xuân tình dâng lên phơi phới
Mỗi lần Xuân lại đến
Rồi một thì Xuân qua...
Con đã về!
Vâng, con về thật
Về trong đêm giao thừa,
Về bên nồi bánh đang sôi sục,
hực hỡ, nửa khuya
Ngoài kia, gió bập bùng, se lạnh
Để soi mặt mình,
những ngày xa cách
Để nhìn mặt mẹ,
mòn mõi chờ mong...
Con đã về!
Đêm ba mươi gó lạnh
Mẹ ơi,
Nhớ gì không?
Mẹ thức suốt đêm!
Con giúp mẹ dọn bàn cúng Tết
Ôi, dáng mẹ gầy gò
khom khom sau vạt áo
Bên hương khói trầm trầm
đứng khấn vái tổ tiên
Con đã về!
Vâng, con về thật
Con phải về, như lòng mình đã quyết
Về để nhận của mẹ
thêm một tuổi đời
(Bao nhiêu năm ròng rã mẹ cho con!)...
Đêm ba mươi
bên hương khói âm thầm
Mẹ có nguyện cầu gì cho dân tộc?
Cho anh, chị, em con
từ những miền xa
Cũng trở về quê nhà họp mặt
Cho những bà con, người thân,
trong họ, ngoài làng
Đông đảo trở về
Tiếng cười nói râm ran đầu ngõ
Cho những người còn, kẻ mất
Đêm ba mươi,
ngồi nhìn nhau tận mắt
Sờ mặt nhau
xem còn vết đau thương?...
Con đã về!
Con về thật, mẹ ơi!
Không còn là ảo tưởng xa xôi
Ôi, sự thật có thể
sờ mó, bắt tay, thăm hỏi!
Như sờ lên mùa Xuân
Như sờ lên da, thịt
Như con tim
Như khối óc
Như những ngôn từ:
Dân Tộc, Yêu Thương
Mùa Xuân ...
Ngoài ấy chừng Đông lạnh
Rét run chùng vai anh
Cái rét của đất trời
Sao bằng hồn chợt tắt!
Xa nhau đã bao ngày
Hẳn em quên tiếng cười?
Hẳn em quên giọng nói?
Và bóng người xa xăm?
Hỡi em, người cỏ hoa
Có bao giờ em nghĩ
Em để bao phiền muộn
Và vực tối đời ta
Ngoài này Đông vẫn lạnh
Hàng cây đứng ủ ê
Không còn bao ngày nữa
Không hẹn, Xuân vẫn về!
Chớm Đông Chí, Ất Mùi
Ngồi đây, mây khói rưng rưng
Trên lưng chừng núi, bên lưng chừng đèo
Mưa ngàn, gió núi hắt heo
Thiên la, địa võng, mưa theo hút người
Quê nhà, chừng thổi cơm trưa?
Ta thèm hơi ấm những người ta thương
Ở đây, mưa lạnh dặm trường
Mình ta lẻ bóng trên nương , bên đồi
Về đâu, hỡi núi, hỡi tôi?
Mười năm , không thoát kiếp người lao đao!
Ta buồn Đỗ Mục, Dương Châu
Mười năm, được tiếng thanh lâu bạc tình (*)
24-10 -2015
* Ý thơ của Đỗ Muc trong bài thơ Khiển Hoài
Trưa nằm nghỉ trong ngôi Từ Đường của Tộc
Một mình, thấy tận cùng nỗi hoang vắng
và uy nghiêm của ngôi nhà
Nghe cả tiếng chép miệng của con thạch sùng đang bò trên cột
Tiếng rột rẹt đều đều của mối mọt đang cưa nghiến gỗ
Tiếng vù vù cuả con ong bầu đang bay quanh
một lỗ của cây trính ...
Dường như có tiếng của quá khứ
đang mặc áo the, khăn đóng trở về
Trong khuôn mặt uy nghi của cha ,
Trong dáng vẻ dịu hiền của mẹ
Có cả các bác, các chú, các cô, các anh chị
Tất cả đều nhìn và không nói
(Người chết có bao giờ nói đâu)
Có mấy cây lúa nhỏ mọc dưới ngạch cửa
-những cây lúa thiếu nắng mang màu xanh bạc nhược-
Gió thổi làm phe phẩy những chiếc lá
Bụi mọt như đóng dày trên mặt tủ thờ
Cả trên chiếc phản gõ độc nhất của cha còn để lại
Trên những sợi tơ nhện mới giăng
kể từ ngày giỗ trước đó
Không khí yên lặng đến tịch mịch
Nghe cả tiếng buổi trưa đang về
Trong tiếng tách chậm của lá khô sắp lìa cành
Tiếng dội nước của ai đó đang tắm ngoài giếng
Tiếng chạm mạnh của một chiếc mo cau
vừa rời thân mẹ
Tất cả làm khuấy động không khí yên tĩnh của buổi trưa
một chốc, rồi rơi vào tịch lặng ...
Nơi đây dường như xa rời cánh sống ngòai kia
(tiếng xe cộ ồn ào, mùi xăng dầu và nắng)
Chỉ còn lại quá khứ
Quá khứ tịch mịch và tuyệt mù xa
Rất xa ...
Rằm tháng Tư, năm Giáp Ngọ-2015
Xưa, có người sống ly quê
Chỉ vào đám mây trắng cuối ngày
Bảo : Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây ấy
Mà lòng thấy bùi ngùi , thổn thức khôn nguôi ...
Quê nhà tôi cũng ẩn dưới một áng mây
Từ trắng chuyển sang vàng rồi đỏ hung hung
Tùy theo thời tiết và thời điểm ngóng
Tựu trung, là dưới một làn mây cố xứ ...
Quê cũ của tôi có cái tên hết sức lạ lẫm
Mà đến nay gần hết đời người
Tôi vẫn chưa truy nguyên ra được:
Núi Cùng xứ
Núi Cùng, Núi Cùng!
Cái tên gọi rất đỗi thân thương và đa âm sắc
Núi Cùng nằm gọn lỏn trong lòng những làng xã kế cận :
Xuân Đáng , Phục Đáng , An Khê , Xuân Hòa ...
Hà Khê, Thanh Khê, Thạch Thang, Thạc Gián ...
Những tên làng cũ bây giờ chỉ còn trong trí nhớ
Của những người trên 60 - 70 tuổi!
Nhưng dẫu sao, đó cũng là quê cha đất tổ của tôi
Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi và anh chị em tôi
Nơi anh chị em tôi đã qua đi tuổi thơ với bao nhiêu buồn vui
Và là nỗi ám ảnh suốt cả đời tôi sau nầy ...
Làm sao tôi có thể quên
Tuổi thơ của tôi đồng thời với quê tôi
Lúc bấy giờ đang sống rất cơ cực
Nhà cửa trong xóm thưa thớt , có thể đếm được trên đầu ngón tay
Chừng 50 túp nhà tranh , vách phên rạ
Dân chúng chỉ biết làm ruộng, làm vườn, nuôi vài con heo
dăm con gà, dăm con vịt
Họa hoằn, mới có nhà có người làm ở sở Hỏa xa,
làm phu bến tàu, phu khuân vác ở nhà máy gạo
Thảng hoặc làm phu ở sở Lục Lộ
Đời sống họ có khá hơn dân làm ruộng đôi chút Cá
i nghèo, cái cực bộc lộ rõ nhất là về mùa Đông
Trong xóm, nhà nào, nhà nấy đóng gài cửa kín mít
Để ngủ
Ngủ để quên cái đói đang hành hạ thân xác tóp teo
lại càng teo tóp hơn
Tôi quên thế nào được
Xứ tôi ở có các địa danh nghe hơi kỳ kỳ nhưng ấm áp vô cùng :
Xóm Bàu sen, Bàu làng, Xóm Cây U ...
Đám Ba Sào, Đám Thùng, Đám Rộc ...
Cồn Lưỡi Gà, cồn Gò Ổi, cồn Lầu Đèn ...
Kiệt Cây Sanh, kiệt Công Hương, kiệt Xuân Hòa ...
Tất cả những nơi ấy đều có bước chân tôi tìm đến
Hoặc đi bắn chim ở các lùm cây
Hoặc buổi trưa chờ mọi nhà đi ngủ trưa
Hai, ba đứa nháy nhau đi bẻ trộm ổi, trộm thơm, trộm dưa gang ...
Hoặc trưa đứng bóng, cả bọn trốn nhà đi tắm bàu Làng, hái sen
Đi tát bắt cá thia thia
(vô phúc cho em nào bị cha mẹ bắt được thì đêm đó sẽ bị một trân đòn nên thân)
Tôi không thể nào quên được
Những đêm trời có trăng
Theo các anh chị lớn ra cồn Giữa
Chơi trò U mọi, cướp cờ, đá lon
Các anh lớn chơi Haut la Main ...
Tóm lại, tuổi thơ tôi đã qua những ngày tháng thơ mộng
Và vô tư như thế
Rồi thời gian trôi chảy ...
Rồi chiến cuộc tràn lan ...
Quê làng tôi cũng có người vào lính
Cũng có người đi không về
Có chị đã theo chồng
Một lần rồi biệt tăm, nghe đâu xa lăng lắc...
Quê làng tôi đến nay không còn nữa
(Chuyện vật đổi sao dời)
Có còn chăng là trong ký ức mù mờ, lúc nhớ lúc quên
của những người đứng tuổi
Và trong những người nặng tình hoài hương
Đà Nẵng 7-5-2015
Tiết Thanh Minh, chạp mã Tộc
Xuân đã về! …
Sáng nay,
Đã nghe ngọn gió có khác:
Gió hào phóng, dùi dũi băng qua cánh đồng làng
Mang theo mùi ngai ngái
của đất cày ải mới vỡ
Xen lẫn với mùi cỏ thơm, mùi rơm rạ mục …
Gió mang theo mùi hương của hoa Sầu Đông
ở góc vườn.
đang nở xòa hoa một cách phóng túng
Ta nghe trong gió,
có mùi hương của con gái còn trinh
lẫn với mùi xạ của súc vật đang mùa động dục
Gió hây hẩy thổi trên khóm tre già
đang còng lưng,
thụ nhận thỏa thuê
Cái mát mẻ của thời tiết đầu Xuân …
Gió xuân làm mát lòng
Của bao đôi lứa gái, trai
Để buồng xuân đêm nay
…bớt quạnh quẻ …
Đầu năm - 2015
Đợt lạnh cuối cùng đã kết thúc
trên Mẫu Sơn
Tờ lịch cuối năm, d ẫu sao cũng phải xé bỏ
Bởi, mùa Xuân sắp về chạm ngõ
Cùng lúc với những tia nắng mới
Ấm áp và mang dáng vẻ thanh tân
Trong vườn, cây cối đã nhú lên mầm mới
Cùng bầy sâu làm dáng khoe hàng vạn màu áo mới
Hiên ngang đi, làm xô ngã
những cuống lá khô còn sót lại
Của mùa Thu năm cũ ...
Đã thấy mùa Xuân vê trên vẻ mặt hân hoan
của bầy thiếu nữ
E ấp đứng làm duyên
Trên nét mặt phương phi
của người trung niên
Trên khuôn mặt tràn đầy sinh khí
của người già ...
Tất cả đều hân hoan mong chờ
một mùa Xuân nữa lại về
Trên Quê Hương yêu dấu
Cả đất trời như đang ngất ngây trong men rượu
Mùi men của hương nếp mới
Được cất ủ lâu ngày
Và suốt cả mùa Đông dài dằng dặt ...
Cuối Đông 2014
Một chiều Đông
Một chiều biên khu xưa
Nơi quan ải nhìn ra xa
Chỉ thấy sương mù
Mờ và cao
Cao và mờ
Gió ngàn thổi thốc
Vi vu, vi vui ...
Trong hồn chiều
Trong lòng người chiến sĩ
Với mái chòi canh
cheo leo bên sườn đèo
(Khói thuốc xanh mờ mắt ai)
Lòng lạnh lùng nhớ về cố hương
Nơi ấy, có bếp lửa hồng
đầy yêu thương
Có dáng em thơ
và vòng tay ấm
Thôn bản buồn hiu
khi nắng trở chiều
Lác đác vài mái rạ
và làn khói mong manh, vất vưỡng bốc cao
Tan loảng trong chiều ...
Chiều Đông sương lạnh về
Hồn chiên sĩ bơ vơ
Áo trấn thủ mặc sao đủ ấm ?
Lạnh lùng tưởng nhớ
Người chiến binh xưa
không tiếc máu xương
Trấn binh nơi quan ải
Lạnh lùng
Lạnh lùng và đơn côi ...
Cuối Đông 2014
Những đợt sóng không ngừng đổ vào bờ
Hàng chục tấn nước
Biển gào thét dữ dội
Biển gầm gừ như con thú bị chọc tiết
Đang chồm lên một cách tuyệt vọng ...
Tất cả như báo cho anh biết
Mùa đi biển đã thực sự chấm dứt ...!
Bãi biển hoang vắng đến dị thường
Chỉ còn mấy con chim biển
Đứng xù lông , rất cô đơn
Trên những cột buồm đen và trơ trọi
Một vài con chim khác
Đang sãi cánh là là
trên mặt biển
Rất im lặng ...
Hinh như chúng đang đo chừng mực nước ...?
Người thủy thủ cuối cùng
Đã trở về nhà
Với một mãng lưới rách
Đang đứng đăm chiêu trong một vài phút
Nhìn ra xa ngoài trùng khơi
Và lùi lụi đi quay vào
Một xóm biển nào đó
Xa... rất xa...!
Bãi biển Đà Nẵng, 27-11-14
Tức và nhục
Không thể chịu được nữa
Mới hôm qua đây
Chúng ngang ngược và hỗn xược
Đặt giàn khoan sâu trong lãnh hải của chúng ta
Xem biển của ta
Như của cha, ông chúng để lại
Kiêu ngạo và già hàm
Nó tự qui định vùng lãnh hải của chúng
Chồng chéo lên lãnh hải của ta
(lập lờ đánh lận con đen)
Cấm tàu bè ta, ngư dân ta
Đi lại và đánh bắt thủy sản trên chính lãnh hải của mình
Bất chấp luật lệ quốc tế
Thật, như một tát tai nẩy lửa
vào quân, dân, cán, chính Việt Nam
Nếu còn nghĩ đến sự tồn vong đất nước
Và lòng tự tôn dân tộc
Chúng âm mưu và cố tình cắm giàn khoan
Như cắm nọc vào trinh tiết biển đảo dân tộc
Chúng học thói ngang ngược và liều lĩnh
Như tên khuyển tướng Mã Viện
Đã dựng cột đồng sâu trong biên giới ta
Với thái độ ngạo mạn và đe dọa:
"Trụ đồng chiết Giao Chỉ diệt"
Ôi nhục nhã và căm giận quá đi thôi!
Cái lũ tham tàn, bạo ngược
Đến nước này ta phải làm gì đây?
80 triệu đồng bào Việt Nam
Không lẽ để cho vận nước nổi trôi
Vào tay lũ cướp nước?
Tình thế cấp bách quá rồi
Không còn chần chờ hay suy tính lâu lắc nữa
Đất nước lúc này như nghìn cân treo sợi tóc
Đất nước lúc này như trứng đật trên đầu đẵn
8o triệu đồng bào
80 triệu trái tim
Nhất tề đứng lên
Dạng hai chân và tất cả hướng về biển Đông
Lưng quay vào Trường Sơn
Đất nước chỉ có một lần
Và một lần duy nhất
Hãy cứu lấy nước như cứu lửa
Đoàn kết một lòng trên, dưới
Gạt bỏ mọi chính kiến
Hay tị hiềm nhỏ nhen
Hãy cứu! hảy cứu!
Hỡi, nam, phụ, lão, ấu
Giặc đến cửa nhà đàn bà cũng đánh
Chúng ta trỡ thành một khối đoàn kết vững như đồng
Hết lớp nay, đến lớp khác
Uy dũng tiến ra biển
Hãy biến biên giới ta thành một biên giới thép
Sẵn sàng chọc thủng mọi âm mưu đê hèn của chúng
Mỗi chúng ta sẽ thành một ngọn lao lửa
Cắm sâu ngập vào lòng những con kình ngư
mang tên Hải Giám, Hải Cảnh, Hải Tuần...
Hãy đánh cho chúng không còn manh giáp
Hãy đánh cho chúng không còn đường về
Khiến chúng phải qui hàng nhục nhả
Như cha ông chúng đã từng ô nhục xưa kia
Khi lăm le xâm chiếm nước ta
80 triệu đồng bào ta
80 triệu trái tim sĩ khí
Hãy đoàn kết lại thành một khối vững chải
Và tất cả quay mặt ra biển Đông
Nhắm quân thù mà xốc tới!
tháng 5 -2014
Tôi đoan chắc trên đất nước tôi
Có đến hàng vạn, thậm chí hàng chục vạn
Những ngôi chợ như thế
Hoặc na ná giống nhau
Và cùng họp vào một giờ giấc như nhau
Chợ chiều!
Tôi có thói quen thức giấc
Vào một giờ nhất định
Sau giấc ngủ trưa mệt mề , nặng nhọc
Khi có tiếng léo nhéo
Của những người đi họp chợ sớm
Tiếng léo nhéo mơ hồ
Như trong một giấc mơ ...
Dần dà những tiếng nhỏ, to
Hợp thành một chuổi âm thanh
Rào rào , rào rào đều đặn
Những cư dân ở đây phần đông là nông dân
Họ mang bán những sản phẩm do chính tay họ làm ra:
Mấy bó rau khoai cho lợn
Một mớ rau mùi
Một rỗ khoai, môn
Một vài ký ổi vườn đang độ chín thơm
Một mớ cá bắt được khi đi làm đồng
Vài quả mít chín cây
Một mớ mãng cầu vừa nức mạng
Một buồng chuối lùn mới đốn cây
trông ú na ú nầng
rỗ vú sữa căng mọng như nhủ hoa con gái đương thì ...
Họ ngồi chồm hổm
Trên những tấm vải bạc
Đặt tự phát trên nền đất trống
Hoặc ngồi ngất ngưỡng trên những sạp
Ghép bằng tre nứa
Trông chỏng chơ và dễ đổ
Về chiều, khi cơn gió giật phành phạch
Các tấm che bằng vải bạc
Là lúc chợ có vẻ huyên náo lên
Kẻ mua người bán tranh nhau nói
Nói, nói, nói, nói
Hợp với tiếng gà, vịt, lợn
Thành một biển âm thanh cao, thấp, hỗn độn
Họ mua về một chén mắm nêm
Một lọ tương ớt
Vài quả dưa dầm mắm đã mốc xì
Vài con cá biển sắp ươn
Một miếng mỡ chài mỏng dính
Một liễng trầu không
Vài tán kẹo mè làm quà cho sắp trẻ ở nhà
(Ôi, hình ảnh mẹ tôi thấp thoáng đâu đó trong phiên chợ chiều!)
Sắp tối ...
Khi có những cơn gió thổi rong rong trong lùm tre , bụi chuối
Là lúc chợ tan
Còn để lại trên nền chợ biết bao túi nylon
Bay vật vờ trên cỏ
Những mảng lá chuối rách
Giấy gói và giấy vụn
Bay tròn như con trốt
Đó là lúc lũ chó chạy rong
Đuổi cắn nhau kêu ăng ẳng
Lúc này chợ im vắng đến lạ lùng
Ngó trước trông sau chợ không còn bóng một con muổi
Đèn ở một chung cư xa bắt đầu bật sáng
Ánh sáng tù mù, tù mù như có hơi sương
Rồi đồng loạt đèn đường bật lên
Cũng tù mù, tù mù... mờ sương
Tháng 5 - 2014
Nhà tôi ở cạnh đường tàu
Hàng ngày chứng kiến những chuyến tàu đi qua
Tàu đi ...
Tàu về ...
Đơn điệu, buồn nản
Mỗi ngày không biết bao nhiêu lượt
Tiếng còi tàu uể oải thét lên
Nghe nặng trình trịch
Và buồn bã
Người gác chấn hàng ngày cũng làm bấy nhiêu đông tác
Hạ chấn xuống,
Và đưa chấn lên
Máy móc,
Lơ đảng,
Và mặt không biểu lộ chút cảm xúc
Trong lúc, quán cà phê ế khách nằm cạnh đường tàu
Nghe văng vẳng một bài hát độc nhất
Đi lại chỉ một bài hát duy nhất
Nghe nhảo nhoẹt và buồn đến nhức xương:
"Mưa rừng ơi, mưa rừng"...
" hạt mưa nhớ ai mưa triền miên "...
Nghe như chửi vào tai người ta!
Tôi nhìn những toa tàu cũ xỉn
Gần 40 năm hay 80 năm nay
Cũng cũ xỉn và không thay đổi
E dễ chừng từ thời Pháp thuộc còn lưu lại!
Những chuyến tàu và những toa tàu,
Lần lượt ném trả biết bao nhiêu hành khách
Trên suốt lộ trình
Từ Bắc vô Nam
Những hành khách mặt rầu rầu
Không để lộ chút ngạc nhiên khi nhìn cảnh mới
Rầu rĩ và phiền muộn
Không biết họ suy nghĩ những gì trong đầu?
Mà mặt cứ rầu rầu, rầu rầu ...
Chuyến tàu qua,
Sau khi làm rộ lên chút sinh khí nơi xóm, làng
Rồi lụi lụi xuôi đi...
Trả lại sự yên tỉnh cố hữu của làng mạc, thôn xóm
Tôi đứng nhìn theo hai thanh sắt song song
Sáng bóng lên dưới ánh nắng chiều
Và chạy dài đến cuối toa tàu
Như có nỗi buồn còn rượt đuổi theo chuyến tàu
Đang mất tăm về phía xa
Vời vợi ...
Phía xa ...
Tháng 5 - 2014
Quả đồi bật sáng
Tôi đứng bên nầy giốc, nhìn ra xa hút
Bên kia giốc là bóng sáng nhòa nhòa không rõ
Rạng đông! ...
Dưới chân là ghềnh đá nước xanh trong vắt,
Bao phủ bởi những bụi cây mọc hoang
Những con sóng đổ dồn vào ghành
Và giạt xa ra khơi,
Ngoài tít tắp
Giạt xa... ngoài cơn mê!
Có tiếng thác đổ ồ ồ bất tận
Đâu trong rừng sâu vọng lại
Nghe ồ ồ ... ồ ồ ... đắm đuối ...
Kìa, con chim chèo bẻo đang đậu trên nhánh măng vòi,
Giọng lảnh cha, lảnh chảnh ...
Con đường đèo, ôi, con đường đèo!
Cheo leo, khúc khuỷu
Ánh nắng đang nhuộm dần con đèo
Một bên sườn đèo thì bừng sáng
Một bên kia còn trong bóng tối nhờ nhờ
Con chim gì cất cánh vụt bay lên,
Bóng chao nghiêng qua đèo,
Thoáng chốc, cắt cánh về phía cuối đèo ...
Dững dưng, im lặng
Nắng rưng rưng tràn ngập cả con đường đèo
Hoa chuối đỏ rưng rưng ...
Lòng cũng rưng rưng theo vạt nắng ...
Đèo Hải Vân Đà Nẵng
Tháng 4 - 2014
Quê mới mà tôi đã ở gần hai năm nay
Không hộ khẩu
Cũng không có giấy tạm trú
Vùng đất rất là tự do
Kể cả tự do đói
Và tự do chết
Hòa An... Hòa An...
Vây quanh tôi đến ngạt thở
Những dảy đồi đá
Đồi đá và núi đá ngất ngưỡng
Mỏ đá Phước Lý!
Chắn ngang tầm nhìn của tôi
Những dảy đồi trọc
Trọc đến nhẵn thín!
Không một bóng cây
Nơi đây là hang ổ của rắn rít
Và chồn cáo
Hòa an, Hòa An...
Nơi đây xưa là xứ sở của tre pheo
Với một ít ruộng xấu
Giàn trải đến gần chân núi
Bây giờ nhường chỗ cho nhà cao tầng
Những bức tường Bê tông nóng rát!
Người ta xây ra không biết để làm gì?
Không lẽ để làm nơi trú ẩn của mèo hoang và chuột!
Hòa An... Hòa An...
Những cư dân cũ bây giờ đã dạt đâu đến tận chân núi đá
Đá và cây trinh nữ tàu
Đá xâm lấn hết ruộng đất
Cây trinh nữ tàu góp phần bòn hút hết màu mỡ đất
Tôi đã thấy những nông dân chân tay toạc máu
Vì những ổ gai trinh nữ tàu
Quần áo rách toạc từ vai xuống
Thấm đẫm mồ hôi
Để trồng những dây khoai lang, khoai sọ
Những bụi chuối, cây sắn, cây mì
Làm mãi mà không đủ no!
Tôi đã thấy những cô gái đang độ tuổi thanh xuân
Nước da đen nhẽm và môi chì
Mặt không hột máu để có sắc hồng trên má
Người choắt cheo, nhỏ thó
(Em không mập và đẹp làm sao lấy được chồng sang ở thành phố?)
Lớn lên đành nhắm mắt lấy một anh thợ hồ, thợ xây
Gọi là để có chồng với người ta
Và làm những việc vặt vãnh như nuôi heo cúi, gà qué
Cũng không thu nhập được bao nhiêu!
Và đẻ ra những đứa con quặt quèo, teo riết
Những cô gái ở đây chỉ đẻ có một lần duy nhất
Nghèo khổ đã làm mất ở cô hai, ba lứa đẻ!
Tôi đã thấy những chàng trai
Sớm thật sớm đạp xe về phía thành phố
Làm phu khuân vác ở bến cảng, bến tàu...
Chiều về người nồng nặc mùi rượu
Và lăn ra ngủ
Để mai sáng dậy đi làm
Đi làm, đi làm...
Đều đặn và không dự tính gì cho tương lai
Sống qua ngày... qua ngày...
Quê mới mà tôi đang ở
Buồn tênh ... buồn tênh
Đêm nằm nghe hàng xóm có tiếng khóc dạ đề
Của trẻ con
Khát sữa...
Đói cơm...
Rồi đời sống sẽ về đâu?
Tương lai sẽ về đâu?
Không ai hay biết được
Hòa an... ơi, Hòa An...!
Tháng tư năm 2014
Trăng Khuya (Tranh Khái Hưng)
(phóng lớn để xem bài thơ Tương Biệt Dạ)
Đêm buồn về...
Không tài nào ngủ được
Quàng tay qua
Chỉ thấy toàn hơi lạnh
Của chăn chiếu cũ
Một mình với ngọn đèn lu lít, sắp lụn bấc
Đêm yên lặng vô cùng
Nghe rõ tiếng chuột tha cắn giấy trong ống tre
Sột soạt, sột soạt...
Kiên nhẫn, miệt mài...
Tiếng con sâu tường kêu vẳng đâu đây
Tỉ tê... dai dẳng...
Ngoài thềm, hình như có tiếng một chiếc lá rơi nghiêng
Âm thanh khô siết trên mặt sân
Tiếng con vạc sành như xén vào đêm từng nhát
Sắc lẻm, dứt khoát
Một mặt trăng bạc nhược nhô lên khỏi ngọn cây
Bóng nhợt nhạt dòm qua khung cửa sổ
Rơi rớt trên chỗ nằm
Bóng sáng không soi rõ mặt người
Ngồi bất động, lặng lờ bên ấm trà rã bả...
"Ngồi suốt đêm trường không nói năng"...
Tương biệt dạ, Khái Hưng
Tất cả chìm trong yên lặng...
Cô đơn!
Tháng 4 - 2014
Buổi chiều thơm như mùi nắng vàng sắp tàn
Trên bao la ruộng đồng
Trên sông, suối, ao hồ, đầm, phá.
Màu nắng loang loáng
Nhuộm vàng trên những đôi mông của trâu, bò
Đủng đỉnh tự về chuồng
sau một ngày hả hê gặm cỏ
Có tiếng con bê con lạc mẹ
Đang kêu la thảm thiết
Tiếng kêu làm tê tái cả buổi chiều
xuống chậm...
Trên nền trời đỏ rực màu chu sa
Có hàng mây trắng đang dò hỏi đường qua
Đâu về phía chân trời xa thẳm...
Chỉ còn lại sự im lặng của đất trời và sự rỗng rang của hư vô, ngờm ngợp
Cùng tiếng bầy chim tao tác bay về
đang soi tìm chỗ ngủ qua đêm
Cả không gian đang chìm trong cảnh nhuộm đồng
một màu nắng quái, những vệt nắng cuối cùng của một ngày
Từ một ngôi chùa nào đó
Dậy dàng tiếng chuông thu không
Nện vào không trung và âm thanh cán mỏng
Đến những làng mạc, thôn ổ và cả những dảy núi xa nhất
Giây phút giao thoa giữa ngày và đêm bắt đầu...
Chạng vạng: thời điểm chia biệt hai ngã âm dương
Chạng vạng: cánh cửa mở vào cõi âm mịt mờ, u tối
Cả nhân loại lặng lẽ, thiêm thiếp đi vào bóng đêm
Thiêm thiếp... thiêm thiếp...
Tháng tư 2014
Nằm đây giữa chốn thênh thênh
Nửa đêm, bật dậy tiếng ”uềnh” tiếng ”oang” …
Tiếng kêu buốt giá không gian
Nghe ra ghê lạnh nỗi hàn bao la …
Rộn ràng như chó tru ma
Trong đêm khuya khoắt là đà giọt trăng
Tiếng nghe xa… rồi lại gần:
Tiếng chân rầm rập của ngàn âm binh,
Tiếng nài nỉ của sinh linh,
Tiêng nghe kể lể những hình thác oan…
Bỗng dưng… im bặt, bàng hoàng
Chỉ còn tiếng nấc chứa chan, huyền hồ
Ngoài kia ngất tạnh trăng, sao
(Cõi dương đã thế huống hồ cõi âm!) *
Trong đêm mờ mịt tối tăm
Còn ai tưởng nghĩ âm phần mà thương?…
Nghe: – Xưa, đây bãi chiến trường!
Tịnh Thiện (Sơn Hòa) Sơn Tịnh – Quảng Ngãi
Đầu năm Giáp Ngọ
* Nguyễn Du
Vọng phu, vọng phu, vọng phu xa
Chờ ai mà hóa đá?
Vọng nhân, vọng nhân, vọng nhân hành
Nhớ người mắt lệ nhòa!
Trâm cài biếng trễ
Tóc chảy buông lơi
Nhạt phấn phai môi
Vì ai buồn thôi đối kính?
Người đi, nguồi đi
Mờ xa quan tái
Vó ngựa chập chùng,
sầu rã riêng
Nửa vầng trăng đợi
Hẹn đã bao xuân
Đĩa dầu hao
Có khô dòng nước mất?
Mà người đi, đi mài…
Bụi đỏ, tóc xanh phai màu!
Nắng ngã về Tây
Mà ai còn đứng đó
Vòi või về Đông
Mắt nhìn đăm đắm…
Vọng phu, vọng phu, vọng phu xa…
vọng nhân, vọng nhân, vọng nhân hành…
Hãy đến bên tôi và phát sáng
Ơi con ong cần mẫn và trân trọng
từng giọt mật Hanh Phúc
Ơi con kiến gió năng nỗ
khuân về từng hạt kê, hạt gạo để tích luỹ cuộc sống
Cho muôn đời con cháu về sau
Hãy đến bên tôi, ơi con chim vành khuyên
bé nhỏ ngoan hiền
mà giọng hót líu lo
Đọng từ trong cổ họng
Hãy đến bên tôi, những chum hoa giủ dẽ ngát hương
Chiều về trên đường vào thôn xóm cũ
Hỡi hương của nhũng loài “hoa chiều‘, ”hoa vằn“
mỗi khi trời chạng vạng
Sực nức dâng lên trong cùng khắp ngõ ngách cô thôn
…Và hỡi những làn khói bay cao của mùa màng còn sót lai
Từ những đám cháy đốt đồng …
Hãy đến bên tôi và bật sang
Đừng im lặng như mùa Đông
(sự im lặng của đáy mồ!)
Sự im lặng khiến lòng tôi run sợ
Sự im lặng làm tôi thấy cô đơn
cuối Hạ, 1-8 2013
Tiếng ai hát dưới ngàn dâu?
Mà nay lay động mối sầu tư - hương
Buồn mong manh, nhớ mênh mông
Màu xanh của lá bềnh bồng trong tôi
Thời gian trôi, màu cũng trôi
Về đâu, hay cuối chân trời xanh hao?
Có còn chăng, những cành khô,
Những nụ hoa vắng, những mồ vùi nông
Buồn mênh mông, nhớ mong manh
Ngàn dâu xanh, thoắt, biến thành biển khơi!
Lặng nghe tiếng hát lưng trời
Giấc hương - quan đã bời bời lòng tôi
Sau lũ năm Quý Tỵ
Thời gian dần tát cạn đêm
Giờ này biết còn ai còn nấn ná trong quán trọ?
Vọng về cố hương
Buồn…
Còn ai nơi quan tái?
Nhớ nhà
Muốn cỡi trăng sao mà về
Bước chân ai sấn sướt trên cát?
Trường sa hành
Bên bếp lửa cuối năm
Có người ngồi im sững
Không thiết nói năng
Mà nỗi buồn như tằm ăn lên
Cơi dậy nhúm tro tàn
Đêm đông ta trông cố hương…
Nguyễn văn Thương
Quạnh quẽ, quạnh quẽ
Lòng ta lạnh biết bao nhiêu!
26 tháng chạp Quý Ty
Có hay không cái trăm năm mà đợi?
Có hay không cái trăm năm mà chờ?
Dẫu biết vậy, mà anh vẫn đứng
Đợi chờ em, dù một phút phù du...
Phố đông người mà anh chậm bước
Giữa dòng người, anh vẫn nhận ra em
Em thơ thẩn đi, mà anh bắt hụt
Anh tự trách mình sao bối rối, lần khân?
Tìm ở phố không xong, anh quay về quê kiểng
Nhà em đâu, để anh về cùng ăn mít chín?
Ở chợ Phú Bông hay Hà Mật, Thi Lai?
Anh chạy một vòng qua Kỳ Lam, Gò Nổi *
Chiều Chúa nhật em thường ra hóng biển?
Ngắm sóng xanh và bầu bạn với lũ còng?
Tìm em đâu giữa đàn người lố nhố?
Gió Nồm lên làm đôi mắt cay sè!
Hay buồn tình em bỏ đi lên suối?
Ngâm chân mình trên gộp đá xanh rêu
Thấy đời người trôi đi như dòng chảy
Ngủ ngoan em, một giấc quên đời!
Tôi chờ em, chờ em mòn mỏi
Khi biết đời đã khói lấp, sương che
Không mong chi, thuyền về bến đợi
Khi biết tình phong vũ thê thê!...**
2012
* Những địa danh làng, xã thuộc huyện Điện Bàn, Quảng Nam
** Ý thơ Phạm Ngọc Lư
Gã cuồng! gã cuồng!
Sao đêm ngươi khộng ngủ?
Thao thức làm chi, thiên hạ mê cả rồi
Thế sự mang mang nghĩ quẩn cũng hoài thôi!
Mặc con tạo xoay vần, đâu cũng vào đấy cả
Ta thương ngươi, tóc xanh nay đã ngã
Cả một đời xuôi ngược áo cơm
Yêu vợ, thương con, vui cùng lũ cháu
Mà luôn dành phần rượu tặng bạn thân
Đêm đầu Xuân Huế dây cái lạnh tàn Đông
Nằm nghe ngươi điểm lại từng tên bạn cũ
Có đứa thành danh, có thằng thất chí
Có thằng huyênh hoang, có đứa mài danh
Nào những đứa đã ra người thiên cổ
Kẻ còn ở lại... dáng chênh vênh!
Đêm đầu năm Huế mưa hoài, rả rích...
Mưa ngoài hiên, mưa thấm ướt cổ thành
Tấm chăn mỏng ôm lưng nhau không đủ ấm
Có cái gì lành lạnh chảy vào tim?
Mai ta đi, xin tạm biệt Huế
Hẹn mùa sau, sen nở trắng Tịnh Tâm
Mưa trên đèo, mưa rơi nặng hạt
Còn trong ta một điệu ru trầm...
Huế tết Nguyên Tiêu năm Nhâm Ngọ
Vị Hoàng xưa... nhớ Tú Xương
Bãi biển nương dâu, ấy chuyện thường
Sông Lấp vùi lòng người u tối
Tiếng ếch gõ vào từng tai ương
Ai đó ngàn sau có giật mình?
Đò chìm trong một tối vô minh
Bãi mía, triền ngô bay tan tác
Chiều nao trời, đất vẫn lặng thinh!
Tìm lại dòng sông đà mất hút
Ủ ê tâm sự nhớ người Chân
Sông Vị Hoàng nằm gác chân sông Đuống
Gặp Tú Xương xưa, ngỡ Hoàng Cầm...
Đêm nghe tiếng êch kêu đầu mùa mưa 1998
Đêm nay trăng chiếu Đồ Bàn
Vầng trăng cuối tháng võ vàng theo anh
Bồi hồi chạnh nhớ Huyền Trân
Thảm thương cây quế mấy lần người leo!
Đã đành má phấn phận bèo
Ô hay! Định mệnh cứ đeo đẳng hoài
Sắc hương, đổi lấy cõi ngoài
Hồng nhan, em đổi một vài oan khiên!
Sóng xô lầu cát ngã nghiêng
Tan tành tuổi mộng, đau triền biển xa...
Binh Định tháng 7–1998
Ta đã gặp em, hay chưa gặp?
Lạc dấu nhau từ thuở trăm năm
Xưa, Kim - Kiều còn có ngày tái hợp
Còn ta thì nhân ảnh mù tăm...
Em bỏ thanh xuân vào gió bụi
- Vầng trăng xưa vẫn sáng quê nhà?
Ta quá nửa đời thơ: chật vật
Nửa đời tàn, tàn hết anh hoa
Mưa, gió bao năm vùi khuê cát
(Nhung gấm phù hoa ngập phố phường)!
Thương em, mái tóc khô cằn cỗi
Thương ta, tình bụi bặm khói sương...
Cơm áo chạy vòng, tình xuôi ngược
Mộng ước nghiêng vai, lạnh tuổi vàng
Trăng xưa , bỗng thành trăng thiếu phụ
Em ngồi tiếc mãi mộng đài trang
Ta ngồi ru mãi lòng kiêu bạt
Giữa một biển điên sóng lộn trời
Gặp nhau sông - nước thành chia cách
Tiếc chi chút tàn mộng, vàng phai...
Đà Nẵng 1997
Lâu rồi không nghe Hương Xưa
Lời Đường thi với bướm lùa trong sương
Tiếng ca ai chạm vào hồn
Một thời dĩ vãng, một hoàng kim xưa
Dòng sông tuổi nhỏ, nắng vừa
Tiếng chiều... hay tiếng quê xưa vật vờ?
Tiếng quay lách cách khung tơ
Bóng đa "hò hẹn" có chờ ai không?
Thoảng nghe giọng hát phiêu bồng
Mối tư hương đã dâng dâng trong lòng
20-11-1996
(gửi Th. y.)
Dìu em lần cuối, rồi thôi
Nắng chia, cát bãi – ráng phơi, biển buồn
Em là em của- thùy-dương
Mà tôi bờ buội , đứng buồn trăm năm
Xe ta lăn giữa hồng trần (*)
Chở tình ta tới ái – ân- cội – nguồn
Sóng xô, chiều cũng đi luôn
Bãi cồn, cát vắng – dã tràng buồn thiu
Gió lên, thổi ý tiêu điều
Bao nhiêu hạt cát, bấy nhiêu là sầu…
Gưi Th, D.
Bãi biển Ngũ hành Sơn tháng 5 – 1995
* Một xe lăn giữa hồng trần như bay ( Nguyễn Du )
Gã đốt than kia, phải chăng là ta ?
Câu ca xưa sao mà thông thiết
Rằng anh hùng vận lỡ thời thua
Ôm đàn bầu hát ngao giữa chợ
Huống rằng đây chẳng phải anh hùng
Tay thư sinh cầm không chặc kiếm
Nghe gió Xuân Thu ào ào thổi trượt
Tay gầy vội kéo cổ áo cao
Huống rằng ta chẳng phải tài hoa
Thơ viết không được mong rao bán
(Ta tỡn quá rồi “lụy văn chương “)
Thơ chỉ làm vui qua tuần rượu
Ta đâu dám mơ người Hạng Vũ
Trên tuyệt lộ xanh ngựa quay đầu
Ta nào ước chi là Phạm Thái
Nhỏ lệ xuông mồ Trương Quỳnh Như
Dẫu rằng không được làm hảo hán
Chơi trò tráng sĩ thời Xuân Thu
Ví bằng không được là Tư mã
Hạ mã xuống thuyền say nguyệt ca
Ví dầu không được làm hào sĩ
Ba ngàn tân khách một đêm vui
Dẫu rằng không được là Ninh Thích
Cởi trâu, mà hát với mây trời …
Thì xin múc nước khe mà uống
Hai tay đẵn núi tìm cái ăn
Hái rỗ rau giang nhớ người cũ
Soi gương từng bữa chẳng thẹn lòng
…Nhưng hỡi ơi, chim quyên đà xuông đất!
Gã anh hùng đã quảy gánh về non
Là cánh bằng bay đường bay không hết
Là ngựa cuồng gối mỏi, chân bon
Xin ta trở lại làm dân giả
Dưới mái nhà tranh ngồi lăng thinh
Chiều hôm dõi bóng làn vân cẩu
Thấy biển dâu là chuyện thường tình
Quên, quên chuyên Có, Không, Sinh, Tử
Quên đi chuyện mạt lộ anh hùng
Quên ta sống như là xử sĩ
Giữa một đất trời chẳng bao dung …
1984
Nhớ những ngày hái củi ở khe Lời, Hòa Bắc, Liên Chiểu
Hòa Vang, QN – Đà Nẵng
- Bài Thơ Tình Ngày Valentine Viết Muộn: Nhắn Người Xuân Thao Thơ
- Đón em về, đón XUÂN sang Xuân Thao Thơ
- Tết Xuân này em có về qua ngõ nhà anh? Xuân Thao Thơ
- Mưa lạnh trên đèo Xuân Thao Thơ
- Cuối Mùa Đi Biển Xuân Thao Thơ
- Trang Thơ Xuân Thao Thơ
- Thơ trích tập Sóng Mòn Xuân Thao Tập thơ
• Xuân Thao (Phương Tấn)
• Đọc "Tình Sầu" tập thơ văn của Xuân Thao và Thu Phong (Châu Thạch)
• Thơ Bạn Quảng Nam: Xuân Thao (Trần Yên Hòa)
• Xuân Thao, Thơ và Người (Phạm Ngọc Lư)
• Xuân Thao (Học Xá)
- Xuân Thao - "Ngập ngừng" từng nhịp thời gian (Phan Nam)
• Bài Thơ Tình Ngày Valentine Viết Muộn: Nhắn Người (Xuân Thao)
• Đón em về, đón XUÂN sang (Xuân Thao)
• Tết Xuân này em có về qua ngõ nhà anh?
(Xuân Thao)
• Mưa lạnh trên đèo (Xuân Thao)
• Cuối Mùa Đi Biển (Xuân Thao)
- Các bài trên mạng (vanchuongviet.org)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |