|
Dương Quảng Hàm(14.7.1898 - 19.12.1946) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
U Hoài Những ngày đầu nội chiến
Cánh đồng tương lai Loài chim hút mật
Có một loài chim Lại một chiều buồn
Mỵ Châu Những rừng dừa cụt đầu ở Tam Quan
Một mai em có về quê hương Sớm mai con dậy
Những sớm mai Việt Nam Bé ngủ giữa chim, hoa và bướm
Chúa đã biết Mây trời Duy Xuyên
Nghe chuông Trà Kiệu Con đã về
Về tắm ao xưa Viết cho đứa em trai bị mất tích ở Bồng Sơn
Về thăm chốn cũ Sông nước Tiền giang... Sông nước miền Nam
Hãy nhìn xuống quê hương nầy khốn khó
Cây không xanh, cho lịch sử thêm già
Một dòng sông đen như... màu hắc ín
Chảy căm hờn trong từng nỗi can qua
Và cuộc chiến lớn lên bằng với tuổi
Trên tay tôi còn ghi dấu lửa binh
Những thù hận đã đứng mờ biên giới
Thôi bay xa từng viễn tượng Hoà bình
Đạn vẫn nổ xẹt ngang đầu Tổ quốc
Lửa chiến tranh làm cháy mặt, xém mày
Những hàng tre lòng âm thầm héo úa
Như quê hương, như đất mẹ đắng cay
Khi nằm xuống ôm mặt trời đỏ lửa
Quê hương ơi,và Tổ quốc tôi ơi!
Vác lý tưởng trên vai làm khí giới
Tôi đi hoài cho máu lệ không vơi
Tiếng mẹ gọi hai mươi năm khản giọng
Nghe xanh xao từng điệu hát qua hồn
Ôi! Trường Sơn mẹ dang tay ôm biển
Cho con xin, một phút, ngã vào lòng
Gạo châu, củi quế, tình anh
Chim xa rừng nhớ cội ngành nào không?
Dù cho chớp biển mưa nguồn
Ba thu cũng đợi, ba đông cũng chờ
Biển xô cho sóng bạc đầu
Em đi tóc bỏ qua cầu gió lên
Anh về ôm lấy một niềm
Rồi mai xuống thác, qua ghềnh lang thang
Ơi con tu hú gọi ngàn
Sông sâu đàn cá lội vòng thương anh
Gừng cay, muối mặn sao đành...
Sương sa con nhạn bâng khuâng kêu chiều
Sấm thề chừng được bao nhiêu
Chao ôi, tình cũng tiêu điều thế sao?
Biếc một khoảng trời xanh
Bông quì vừa hé nở
Xoay theo hướng mặt trời
Giọt sương đêm tìm thấy
Những buổi sáng mai hồng
Gió mơn man lay nhẹ
Mượt một khoảng vườn xanh
Thắp ngọn đèn trí tưởng
Trong thần trí phiêu diêu
Bầy chim cao tiếng hát
Từng phiến ký ức đen
Trốn cùng loài sâu mọn
Người con gái ra vườn
Gót son, sân gạch bóng
Bông hồng nhung hy vọng
Vừa nở cánh đầu tiên
Dưới chân tơ kẻ tóc
Cuộc sống mới bắt đầu
Thơ hiển linh xuất hiện
Đừng tra hỏi bởi đâu?
Đại bàng chắp cánh bay xây,
Chở em qua khắp sông nầy, núi kia
Đêm nâu, biển mặn, ô kìa!
Đỉnh non xanh, tạm chia lìa nhân gian
Đem em lên biển rừng vàng,
Lược đây, xin chải hai hàng tóc mai
Ba năm đá nát, vàng phai
Thắt lưng, buộc bụng, ôm vai, níu sầu
Cuộc tình, rồi đổ về đâu?
Chim bay biển Bắc, anh chầu biển Đông!
Anh chừ khô héo tim gan
Ngồi đây dùng tạm nửa phần về sau
Anh chừ vóc hạc, xương mai
Đầu hai thứ tóc, chưa phai mối sầu
Ngồi buồn bốc mộ lên chơi:
Xương tàn, cốt rụi một đời yêu em.
Căn nhà này không có bàn, có ghế
Căn nhà này không khói, không nhang
Căn nhà này mạng nhện tơ giăng
Căn nhà này tôi vào ra… quanh quẩn
Căn nhà này tường xiêu, vách đổ
Căn nhà này chuột chạy nghênh ngang
Căn nhà này rường, cột nát tan
Căn nhà này không đèn, không lửa
Căn nhà này anh, em xa lạ
Căn nhà này nhiều tiếng nhỏ, to
Căn nhà này đau xót mẹ cha
Căn nhà này mỗi người thu một góc
Căn nhà này không then, không khoá
Căn nhà này kẻ lạ đã vô sân
Căn nhà này nhiều kẻ khác rập rình
Căn nhà này...
trên bậc thềm
tôi ôm đầu, cúi mặt
Đó là một cuộc triển lãm kỳ thú và hấp dẫn.
Không phải tại Phòng Thông Tin Đô Thành,
Không phải được đặt dưới sự bảo trợ
của một cơ quan văn hoá nào cả;
Cũng không phải tác phẩm của các hoạ sĩ
trong “Hội hoạ sĩ trẻ Việt Nam”
Đó là một con đê rộng,
Xa xa là cánh đồng, làng mạc đã đổi màu, cháy xém.
Tác giả của bức tranh hãy còn lẩn quất đâu đó
hay đã đi thật xa.
Xuất xứ của bức tranh có thể được hiểu
là cuộc chiến tranh tàn khốc,
Hằng ngày vẫn tiếp diễn trên quê hương chúng ta.
Nhân vật độc nhất trong bức tranh
không còn phải là con người;
Đúng hơn, là con người cháy đen, co quắp,
đôi mắt trợn trừng...
Bức tranh thật linh động, nhưng thiếu hẳn màu sắc;
Vài con lằn xanh vo ve, vo ve,
Cũng không đủ tạo cho bức tranh thêm phần rực rỡ.
Khán giả vắng hoe, độ dăm bảy người,
Phần đông đều mang bộ mặt rầu rĩ lẫn khiếp đảm
Vài khán giả chỉ chỏ, nhăn mặt, lắc đầu, thở dài.
Bức tranh có sức tác động mạnh mẽ,
cũng như gây được nhiều xúc động lạ lùng;
Và bỗng trong đám đông hiếu kỳ,
Một người đàn bà cúi sụm xuống, bưng mặt khóc,
Khóc vật vã, khóc điên cuồng.
Đoạn vuốt mắt cho tử thi rồi lại khóc,
Khóc tức tuởi, khóc rấm rứt.
Cuối cùng, người đàn bà đắp tử thi
bằng một chiếc chiếu manh,
Và... âm thầm bỏ về...
Chiều chiều chim vịt qua sông
Chắt chiu tiếng gọi thương mong người về
Mắt người xao động hàng tre
Đọt tầng - ô cũng vàng hoe một màu
Mau về, về kịp thương nhau
Sân khoai bốc khói, hương cau đầy giàn
Chim chuyền đậu ngọn hoàng lan
Em che dáng huệ mang mang cúi chào
Anh sẽ kể với em,
Những chuyện rất thường tình,
Như Sài Gòn mưa nắng,
Như những giờ tập họp,
Như những lúc điểm danh,
Thường như làm tạp dịch
Này người lính rất mới,
Hãy dõng dạc giơ tay
Ghi nhận mình có mặt
Và sẵn sàng nhập cuộc
Vấn đề được đặt ra
Không còn là lựa chọn
Bởi trước mặt chúng ta
Một đoạn đường chông gai
Phải lầm lũi bước tới...
Như phải uống ngày đầu
Những viên thuốc khó uống
Như bữa cơm đầy sạn
Trộn lẫn với mùi hôi
(Nuốt cho qua sự sống)
Ai dám cá với tôi,
Quân trường đổ mồ hôi
Chiến trường bớt đổ máu?
Ôi, máu ta đã đổ
Hai mươi năm chiến tranh
Chưa một lần ngẩng mặt
Nhìn thẳng vào mặt trời
Để làm một người thường
Với ý nghĩa đích thực.
Ôi, quê ta đổ nát
Hai mươi năm chiến tranh
Chưa một lần hàn gắn.
Chúng ta đã làm gì?
Chúng ta làm được gì?
Các ngươì làm được gì?
Hay châm thêm mồi lửa
Vào lò lửa quê hương
Đang đến hồi ngùn ngụt
Ôi, hàng hàng, lớp lớp
Nhấc từng bước ra đi
Này người bạn đồng đội,
Buồn chi mà không vui
Chúng ta đang nhập cuộc
Không phải điều đáng mừng?
Hay có điều bất ưng
Xin mạnh dạn đưa tay
Nói thẳng và nói hết
Nhưng thấy rằng khó nói
Có lời khuyên nên im
Và làm quen chấp nhận
(Ôi, thói quen giết người!)
Này hỡi mùng hỡi chiếu
Vừa lấy từ nhà kho
Cớ sao mà gần gũi
Thân thiết hơn tình nhân
Và này tấm poncho
Mái nhà thân thu nhỏ
Che nắng đổ, mưa tuôn
Nếu chẳng may ta chết
Hãy gói ta thật chặt:
(Chiếc áo quan bất ngờ
Của người lính xấu số)
Và những điều bày tỏ
Thật bình thưòng phải không ?...
Quân trường Quang Trung 1968
Đã xa từ thuở nào em?
Cho anh tìm lại môi mềm, vai êm
Lời thề cắt tóc làm tin
Chao, hương hoa bưởi rụng thềm giêng, hai!
Tóc em còn cụm hoa lài?
Màu hoa thiên lý ngất ngây chưa tàn?
Em chừ tay ẳm, vai mang
Hẳn quên những chuyện đá vàng ngày xưa?
Mình anh đi sớm, về trưa
Một mai ai có nhớ ai, hỡi tình !
Bầy voi ùa vào phố
Kéo theo bầy bọ hung
Rắn rít cùng beo cọp
Đều trang bị khí giới
Hoa thép gai nở rộ
Gươm đã tuốt khỏi vỏ
Tượng Phật vẫn điềm nhiên
Sư sãi ngồi tuyệt thực
Cánh cửa sắt nghiến răng
Voi rùng rùng ngoài phố
Những tiếng kêu tắt nghẹn
Thở trong máy thu thanh
Quả mãng cầu tung ra
Vài bức thành ngã xuống
Súng nổ dòn liên thanh
Vài thân cây trúng đạn
Chuồn chuồn bay lên cao
Thả ngàn con đom đóm
Trong đêm tối kinh hoàng
Bầy chó ngao khạc lửa
Rắn rít tràn ngập phố
Bò nghễnh ngãng trong chùa
Lá cờ treo nửa ngọn
Tượng Phật vẫn điềm nhiên
Đà Nẵng 1963
Trên đồng cỏ tương lai
Một mặt trời lực lưỡng
Quét từng tảng bóng đêm
Bằng những nhát cả quyết
Chim chích choè hót vang
Như hồi còi báo hiệu
Một ngày mới bắt đầu
Làm nụ hoa choàng tỉnh
Từ phía mặt trời hồng
Đàn chim sâu tua túa
Sà xuống đám mạ xanh
Nhặt loài sâu ký ức
Trên luống cày mới vỡ
Ngai ngái mùi xa xăm
Chiền chiện vụt bay cao
Càng véo von, lảnh lót
Trên cánh đồng tân tạo
Còn in dấu chân trâu
Sức cần lao đổ xuống
Làm phép lạ nhiệm mầu
Trong thôn xóm vang vang
Tiếng chàng lẫn tiếng đục,
Tiếng bay, tiếng nện đinh
Trùng tu căn nhà mới
Trong nắng mới ngùi ngùi
Em đem hong chiếc áo
Trên bờ giậu xanh non:
- Những ẩm mốc ngày cũ
Vào một ngày tái tạo
Anh đem phơi trái tim
Đập quá đỗi thật thà
Cho tự do vỗ cánh
Trên đồng cỏ tương lai
Buồng phổi anh hít thở
Trong nhịp điệu bình thường
Như hoà bình có thật
Ôi, hoà bình có thật!
Trên cành khô linh hồn anh về đậu:
- Con chuồn chuồn đã mỏi cánh phiêu du
Lòng đất mở đón bàn chân anh bước
Đất ru anh từng giai điệu thiên thu
Quê hương em, sông dài trôi lênh láng
Nước trong veo, từng cụm núi xanh lơ
Thôi ! hít thở đã no đầy buồng phổi
Thôi! bay cao cho hồn chạm mây mờ
Gươm với súng, không ngăn cây xanh lá
Và đêm đen không lấp hết trăng sao
Lúa trĩu hạt ôm nhau cười với gió
Cá tung tăng bơi ngược nước sông đào
Buổi sáng dậy thấy vườn em sương phủ
Rồi nắng tươi lên từng đọt lá non
Thấy thân thể bỗng đâm chồi, nẩy lộc
Và trong anh mùi đất ải đầy hồn
Xin trở về làm loài chim hút mật
Hót trong vườn nâng giấc mộng em cao,
Chùm hoa nắng lượn quanh hồn cỏ mượt
Một chút say cho vừa đủ xôn xao
Xin trở về cầm cái cày, cái cuốc
Chăm bón khu vườn giúp đỡ mẹ cha
Cho mùa cải em đọng đầy hoa tím
Cho vườn chanh hương tỏa ngát sau nhà
Rồi những đứa con ta sẽ lớn lên
Trao em đấy với ngôi trường tiểu học
Bài vỡ lòng em sẽ dạy: “yêu thương”,
“Chữ nghĩa ơn thầy, công cha, nghĩa mẹ”
Lỡ anh chết, lỡ một mai anh chết sớm
Xin cho anh một chỗ ở trong vườn
Không hối hận, bởi rất nhiều ơn huệ
Chắc yên vui vì quá đỗi yêu thương
Mộ Đức 1969
hà nội, 2.6.2012
Trên cây cau kìa tổ chim dồng dộc
Treo lửng lơ trong khoảng mát yên lành
Anh thường bảo tổ chim là: “nôi cỏ”
Chở tình chim lên chót vót cao xanh
Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, xế bóng,
Khi nắng lên cây, khi lá xôn xao,
Anh nhìn thấy từng đôi chim nho nhỏ
Miệng làm vai tha từng cọng cỏ khô
Chúng múa hát, chúng cười vui luôn miệng
Chúng xây nôi kiên nhẫn, miệt mài
Trưa nắng gắt chúng dìu nhau tìm thóc
Rồi rủ nhau tắm mát bến sông xa...
Và cứ thế, ngày này sang ngày khác
Đôi chim non làm xong tổ uyên ương
Em nhìn xem: bao nhiêu là “nôi cỏ”,
Treo lửng lơ dưới tàng lá trong vườn
Từ hôm đó, đôi chim non có tổ
Chim không còn sợ gió sớm, mưa sương
Rất âu yếm, chúng tìm dòng suối ngọt
Chúng dìu nhau đến bờ bến yêu đương
Đôi chim nhỏ, anh chắc rằng hạnh phúc,
Trên nôi son, nhún nhảy hót luôn mồm
Chúng chia nhau từng mầm cây, hạt thóc
Và chia nhau từng phiến mỏng yêu thương
Rồi chim mái, một hôm nằm lại tổ
Cùng niềm vui, dầu mang nặng, đẻ đau
Dồng dộc trống phải chạy xuôi, chạy ngược
Ngoài cửa son, chim uốn giọng ru mau
Trên cây cau kìa, tổ chim dồng dộc
Treo lửng lơ trong khoảng mát yên lành
Anh thường bảo tổ chim là: “nôi cỏ”
Chở tình ta lên chót vót cao xanh
Ôi, buổi chiều buồn nhất đời ta
Trời mưa dai hoài, mùa nước lớn
Ta đi dưới đám mây đen:
- Những đám mây chở đầy tin buồn
Ta đi dưới cơn mưa chiều tầm tã
Lòng hỏi lòng biết sẽ về đâu?
Ôi, những buổi chiều Việt Nam như buổi chiều nay
Ta thả đôi chân lang thang cùng khắp xóm thôn
Ta đang đi trên điêu linh vận nước
Lòng trống vắng:
Không buồn, không vui, không nhớ nhung, hờn dỗi
Gió giật từng cơn:
Lá tre rơi tan tác,
Lòng ta tan tác...
Tiếng súng từ một chiếc cầu nào đó vọng về,
Nghe buồn tênh như từ cõi chết...
Ôi, có chiều nào như buổi chiều nay
Lòng ta buồn vô hạn
Ta đi sờ soạng như một bóng ma hời
- Ôi, bóng ma hời mất nước!
Ôi, ta buồn, ta buồn
Không thiết nói năng
Ta cắm bước lang thang...
Muốn đi cho hết quê hương, bờ cõi
Để nhìn buổi chiều Việt Nam tàn tạ
Mặt trời trốn mất sau đám mây dày đặc:
- Những đám mây che kín tuơng lai !
Biết nói làm sao hỡi, quê hương yêu dấu !
Ta muốn khóc mùi mẫn
Như ngày nào còn trong lòng mẹ
Nhưng nước mắt đã khô,
Tim khô
Con nước lớn tư bề phủ kín
Ruộng đồng ngập lụt mênh mông
Những xác rạ bềnh bồng...
Lòng ta bềnh bồng...
Mưa vẫn rơi tầm tã,
Gió giật từng mảng thịt ta đau xé
Ta thấy Việt Nam hồn rách bươm tơi tả
Ôi, buổi chiều Việt Nam cơn mưa trùm lấp
Ta một mình lang thang
Cố nén tiếng thớ dài...
Đi tìm vết lông ngỗng
Suốt cả một đời ta
Nhớ em, anh hỏi đá
Nàng đâu? Nàng đâu?
Bờ biển hình cài lược
Ngựa trắng chạy vòng
Sóng tung bọt
Dạt xa ngoài cơn mê
Đứng trên bờ vực thẳm
Gọi tên một loài hoa
Xác nàng trôi ngược
Mỵ châu, Mỵ châu ơi!
Giọt lệ rơi vào lòng giếng khơi...
Tôi đi qua những rừng dừa ngút ngàn
Tôi đi qua những rừng dừa cụt đầu, cháy xém
Miệng cháy bỏng, trời tháng tám khô se
Ôi, tôi khát! Tôi khát!
Khát vô cùng giọt nước dừa ngọt lịm
Tôi khát và đồng bào tôi khát
Biết ngày nào thôi hết chiến tranh,
Biết ngày nào thanh bình trở lại?
Cho dừa xanh nghiêng ngả lá
Cho trái ngọt treo trên cành mời gọi
Người lữ khách giữa trời trưa tháng tám
Miệng cháy bỏng, khô se bởi khát...
Ôi, Tam Quan, quê hương yêu dấu !
Người ra đi còn nghe Qui Nhơn biển réo gọi về
Tam Quan ơi, Tam Quan !
Một ngày nào lò lửa chiến tranh
trùng trùng trút xuống
Những rừng dừa bốc cháy
Những thôn làng bốc cháy
Đồng bào chạy tan tác:
Những trẻ con lạc mẹ
Những mẹ mất con
Những vợ mất chồng
Người xa Tam Quan còn mang theo
bóng dừa, mái lá
Dừa ơi, dừa ơi!
Dừa đã cho người trái lành, nước ngọt
Dừa đã cho người mái lá đơn sơ
Dừa đã cho ta bánh tráng rắc mè
Dừa đã cho em thơ ta cốt dừa rửa mặt
Ôi, những em gái Tam Quan thịt da nhan sắc!
Tóc chấm bờ vai, mắt biếc tay dừa...
Tôi đi qua những rừng dừa cụt đầu, cháy nám
Những thân dừa mang đầy dấu đạn,
Nhũng tường vôi đổ xuống những tường vôi,
Những mái tranh cất vội,
Những em gái Tam Quan mắt sầu cố xứ,
Đang mơ:
Một ngày nào thôi hết chiến tranh,
Một ngày nào thanh bình trở lại?
Cho những rừng dừa lá xanh nghiêng ngả
Để em gái tôi mắt biếc lại reo vui,
Hát khe khẻ trong nắng vàng rực rỡ :
“Anh về qua xóm nhỏ,
“Em chờ dưới bóng dừa...” (*)
(*) Lời bài hát “Tình quê hương” của nhạc sĩ Phan Lạc Tuyên
Buổi em về nước nguồn trôi chầm chậm
Lá reo vang và nắng cũng xôn xao
Áo trắng mỏng phủ qua hồn hiu quạnh
Dòng nước trong bịn rịn níu chân bờ
Ôi, tóc em bay, bay bay ngào ngạt!
Thổi miên man hồn cỏ mượt nhung tơ
Lũ mây trắng bỗng dừng bay đứng ngó
Trên miền cao, chân ai bước dại khờ
Em tuổi lúa và dung nhan của gió
Trong lòng tôi mùa gặt đã đơm bông
Loài chiền chiện bay cao theo chiều nắng
Dưới cầu sông nước lênh láng se lòng
Chùm hoa nắng từ miền xa về đậu
Hồn xanh xao, thôi mỏi cánh bay đi
Mây của gió, xin một lần vướng lại!
Cho dòng sông con nước chảy tư bề...
Đêm về trong tĩnh lặng
Nghe ra rả tiếng trùng
Hương xưa về phảng phất
Đàn lạc phiếm, tơ chùng
Vườn ta trăng dãi bóng
Cúc vừa nở năm bông
Cửa mở gió lồng lộng
Có ai về nhớ mong?
Lạnh ngắt tiếng chim vạc
Bay trong sương mịt mùng
Lòng ta lạnh như là
Sông lạnh giữa lòng sông...
Ta bỗng đi quanh quất
Dưới sương lạnh la đà
Thèm nghe một tiếng nói
Chỉ cơi dậy tiếng gà!
Mai nầy em có trở lại quê hương
Phải nhìn thấy xóm làng xác xơ
Xin em đừng cau mày, đăm chiêu
Chiến tranh rồi sẽ tàn đi như cơn bão
Mai đây những mái tranh mới sẽ mọc lên
Cùng tin yêu đầy ắp
Mai nầy em trở lại quê hương
Nhìn cánh đồng bỏ hoang, nứt nẻ
Xin em đừng vội buồn
Một ngày không xa,
Lúa trên đồng quê ta sẽ trổ
Bắp sẽ bồng con trong gió xuân phơi phới
Ruộng mía, nương dâu một màu xanh biếc
Luống cải, hàng cà níu gót chân em
Hứa một đời ấm no, sung túc
Mai nầy em có về quê hương
Nhìn kênh rạch khô queo, hàng tre vàng cháy
Xin em đừng thất vọng
Nước từ nguồn cao sẽ tưới về muôn ngả
Nước sẽ luân lưu nhiều như mạch máu
Cho hàng tre còi không còn rụng lá, xác xơ
Soi bóng mát xuống bờ kênh,
Những trưa hè êm
Một mai em có về quê hương
Nhìn khu vườn tuổi nhỏ héo khô,
Vắng tiếng chim ca hát
Xin em đừng hờn tủi,
Những bàn tay nhiệm mầu,
Sẽ dựng lại thiên đàng đã mất:
Có bóng cây râm,
Có tổ kiến mối,
Có hốc đá, bụi cây,
Có cây sung, gốc vả,
Có bụi cửu-lý-hương,
Có bầy bù chao,
Có bầy chào mào cắn trái,
Có con chích choè hót vang buổi sáng,
Có cặp tắc kè cất giọng đêm thâu...
Một mai em có về lại quê hương
Nhìn trước, trông sau vắng ngắt bóng người
Xin em đừng khóc
Bởi cuộc chiến nào chẳng phải hy sinh,
- Chiến tranh nào mà không tàn nhẫn ?
Nhưng mai đây thế hệ trẻ lớn lên,
Mạnh như măng mọc,
Dạt dào như trùng dương,
Ồ ạt như thác lũ.
Những bàn tay nắm chặt những bàn tay,
Chung sức kề vai, hân hoan tạo dựng.
Tiếng nói, tiếng cười vang vang thôn xóm,
Người lũ lượt đi, về như trẩy hội,
Thoăn thoắt như sao sa.
Tay cuốc tay cày xây dựng ngày mai,
Vui vầy nông tang,
Xanh vồng lúa nếp
(Không thể bỏ hoang một tấc đất cha ông để lại)
... Tiếng mõ râm ran giục về đại hội,
Tiếng trống chầu thúc giục đi lên...
Đi lên mãi trên đường dựng nước...
Tịnh Bân, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, 1968-1969
Mai nay con dậy hé cười
Là tan bao nỗi rã rời đêm qua
Là xua đi những bóng ma
Hết đêm lẩn quất, hết ngày điêu linh
Là thôi cái chết rập rình
Là lui cái sợ lượn quanh sau nhà
Mai nầy - không phải đêm qua
Con cười như lúa thức sa giữa đồng
Như cây vừa trổ chùm bông
Như chim mở mắt hát rân sau vườn
Như đường cày ải dâng hương
Như rơm rạ mới, như đường mía mưng
Mai đây, con dậy bừng bừng
Sông xanh, biển mặn, núi, rừng chào con
Đông Hải dậy với Trường Sơn
Trái tim thức dậy xoá hờn Bắc - Nam
Quảng Ngãi 1972
Rồi trên cánh đồng no gió, lũ trẻ con trở về,
Cùng tiếng chim líu lo,
Bé thơ ta bắt đầu lại bài đồng dao
bị quên lãng từ nhiều năm
Trên cằn cỗi nhục nhằn,
cỏ cây vươn vai khoe chiếc áo xanh,
Đất cũng cựa mình bừng dâng sức sống...
Mai Việt Nam! Ôi, mai Việt Nam!
Khi tấm vải - đen - phủ - mặt buồn bã của đêm,
cuốn nhanh trên đồng cỏ tương lai,
Sức sống ta hiển hiện
Nỗi hân hoan chạy vòng, lan xa đến cùng tận bờ cõi.
Bằng đau thương trầm tích,
Người nông phu đem lên đôi tay
những nhát cuốc cả quyết,
Bằng khốn khổ, bần cùng,
Lưỡi cày ta trở nên sắc bén hơn,
Hôn sâu xuống lòng sỏi đá
cho vỡ ra mạch sống,
Bằng cùng cực đời kiếp,
Mác rựa tung hoành tàn phá cỏ lùng.
Nhựa nguyên phấn khởi dâng cao cho cây xanh lá...
Bằng xương máu của những người đã nằm xuống,
Cây trái phải sum xuê
Hoa màu phải bát ngát
Dòng sông no kềnh, loáng nước dưới bình minh
Ôi, những dòng sông chở bồng bềnh thực phẩm,
tưới vào miền đất thó!
Mỗi dòng sông là một mạch máu
(Có đến trăm ngàn mạch máu
luân lưu trên khắp thân thể quê hương)
Rồi trong khu vườn sầm uất,
Cây lá run rẩy ngợi ca vang dội niềm hân hoan,
Những mụt măng như những cánh – tay - trần – con - gái
đội đất dương cao,
Đòi quyền đóng góp
Chim chóc bay về làm tổ tự nhiên,
Chẫu chuột băng mình bơi qua con kênh nước cạn,
Trên bờ mương, con cò cao lêu ngêu
yên lặng rình mồi...
Những quá khứ hãi hùng
trốn chạy trên từng khuôn mặt
Không còn thấy vết tích tàn phá trên mỗi miệng cười.
Bằng niềm tin vô song cùng hy vọng rạng ngời,
Người dân quê vấn thuốc,
ung dung đứng nhìn ngôi nhà tranh mới dựng,
Còn ngai ngái thơm mùi tre ngâm.
Trong những ngôi trường bằng đất trét,
Trẻ con ta bắt đầu đánh vần hai chữ Việt Nam:
Mắt bi ve, miệng đỏ san hô
- Đó, thế hệ Việt Nam mai sau
Mai Việt Nam! Ôi, mai Việt Nam !
Không thể mất, không thể nào mất được !
Hãy xắn tay và bắt đầu
Và không một ai có quyền mệt mỏi lúc nầy
Bởi hy vọng hồng như sớm mai
Ước mơ xanh như buổi tối
Trên hoang tàn đổ nát, mai Việt Nam trổi dậy
Không một thế lực nào có quyền đánh cướp
trong ý nghĩ sau cùng của ta:
Những sớm mai Việt Nam
Chợt một sáng bé ngủ hiền hơn suối
Có chim, hoa và bướm theo về
Ta bỗng nhớ từng lời ru của mẹ
Bèn “ạ ời” cho bé ngủ say mê
Bé thấy gì trong giấc mơ của bé?
Mà mỉm cười như hoa nở bên hiên
Có phải nắng chuốt vàng quanh nôi nhỏ,
Hay lời chim ca quá đỗi thần tiên?
Ta muốn sụp quì nâng lời cảm tạ
Muốn làm thơ xưng tụng thiên nhiên,
Nhưng bất lực, mớ ngôn từ thô thiển:
- Tiếng thơ nào qua nổi lời chim!
Bé vẫn ngủ, nhịp sóng cồn hơi thở
Máu rộn ràng xô đẩy chảy trong tim
Ta chợt hiểu: thế nào là sự sống
- Câu trả lời quất vào nỗi tử vong
Nhưng cái chết vẫn rập rình quanh đấy,
Biết bao nhiêu “xương trẻ ngập trắng đồng”
Ôi, thương quá, trẻ Việt Nam tội nghiệp!
Chết vô tình trên cùng khắp quê hương
Sáng hôm nay, thật bình yên cho bé
Có chim, hoa và bướm theo về,
Có nắng vàng như tơ ve vuốt lá
Và, bé ơi! hãy ngủ thật say mê...
1972 năm trước,
Nhân danh nỗi thống khổ trần gian,
Chúa ra đời nhọc nhằn trong máng cỏ
Vào một đêm như đêm nay
Mà những vì sao long lanh hơn bao giờ,
Tuyết trắng hơn bao giờ,
Thời khắc lắng đọng hơn bao giờ.
Chúa giáng sinh! Ôi, đêm huyền diệu!
Đêm nay,
Khi chuông giáo đường đổ hồi gióng giả,
Đồng loạt khắp năm châu
Hàng triệu tín đồ không ngại đêm đông buốt giá
Xúng xính trong những bộ áo lông
Vượt qua hàng ngàn đụn tuyết trắng,
Hân hoan quỳ xuống dưới chân Người
Tung hô lời cảm tạ
Đêm nay,
Khi tiếng thánh ca trầm trầm cao vút
Bay trên những rừng thông trắng xoá
Lan xa đến những vùng thảo nguyên
Len lỏi dưới những đám lá kè vùng hoang mạc
Trải dài trên những dòng sông bát ngát
Mang thông điệp Tình thương
Đến những tấm lòng lê thứ
(Ôi, đâu đâu cũng có Chúa ngự trị)
Đêm nay,
Khi phiên lễ nhà thờ đã mãn,
Những con chiên trở lại với gia đình
Hân hoan bên những bàn tiệc dọn sẵn
Cung kính nhận lấy thức ăn của Người ban phát
Đêm nay,
Khi cuộc vui gia đình bắt đầu
Bên những cây thông màu sắc lộng lẫy
Bên những máng cỏ rất nhiều công phu
Khi những trẻ con nhặt được những món quà bất ngờ
Trong đôi giày đặt cạnh lò sưởi
Của ông già Noel thân thiện bao dung,
Đến với trẻ con bằng đường ống khói.
Đêm nay,
Khi thiên hạ trên thế giới đều đổ xô ra đường phố
Với những trò giả - trang
Những cuộc ném tuyết
Những cảnh nhảy múa tưng bừng,
Những bản thánh ca được hát lên tập thể
Cũng có những cuôc hẹn hò riêng tư của các cô, cậu
(Điều chắc chắn là họ không sợ cha, mẹ la rầy suốt đêm hôm đó)
Thì cũng vào đêm đó,
Việt Nam quê hương tôi đang chìm trong bóng tối
Không có màu sao hồng đào
Không có chùm sao thập tự
Không có hồi chuông giáo đường rộn rã
Không có thánh ca trầm bổng bay cao
Chỉ có những đám mây đen
Chỉ có ánh hỏa châu vàng lẹt
Chỉ có tiếng hò hét, xung phong
Chỉ có tiếng la thất thanh, tiếng kêu rên đau đớn
Chỉ có tiếng chát chúa súng nổ, bom gầm
(Thay cho lời kinh cầu nguyện)
Nơi đây, không còn lấy một góc giáo đường nguyên vẹn
Cho những con chiên hiền hoà quỳ xuống,
Ngước nhìn Chúa với lòng biết ơn
Chỉ còn những đống gạch vụn, ngói rơi, vôi lở
Chỉ còn mỗi tượng Chúa đứng rơi nước mắt thương tâm
Những tín đồ đã xiêu lạc tứ tán
- Lang thang còn hơn dân Do Thái ngày xưa
Đêm nay, những trẻ con Việt Nam
không còn được nuông chiều
Đã rời khỏi những vòng tay đầm ấm
Chỉ còn những “cô bé bán diêm” vô cùng khốn khổ,
Lướt thướt dưới mưa,
Thất thểu bước đi trong những trại tiếp cư chiến nạn
Lòng trống hoang,
Cố nuốt nốt mẫu bánh mì thiu nguội
Đêm nay! Ôi, đêm nay!
Con chắc Chúa sẽ dừng lại quê hương này lâu nhất
Chúa đã biết - Chúa đã biết hết thảy
Bởi, không có gì qua được mắt Người
Và hẳn Chúa sẽ phải khóc ròng, thương cảm
Và sẵn lòng tha thứ cho những đứa con của Chúa:
- Lòng mang nặng căm thù và cuồng vọng
“Ôi! Tội tình cho Viêt Nam khốn khổ”
“Hãy đoái thương cho nước Việt Nam tôi”
“Amen !”
Đà Nẵng 1972
(gửi H. T. TH.)
Khi ta về, hồn nặng theo chân bước
Dòng suối khô, nguồn nước cũng im hơi
Đồng cỏ úa vàng lên màu rơm rạ
Lưng chừng trời, mây chết sững quên trôi
Núi lặng câm, tre nghiêng đầu rụng tóc
Soi dáng buồn tịch mịch đến trăm năm
Nghe dạt tới từ trời cao, đất thẳm
Tiếng ì ầm vang dội dấu tranh phân
Ta tức tưởi nâng hỏi từng cây cỏ
Cây nhớ người đành đứng lặng chết khô
Chim hoảng hốt kêu thương vài tiếng nhỏ
Xót xa kia, nỗi chết vẫn không ngờ
Ôi ! liếp tranh và căn hầm núp đạn
- Một kiếp người quanh quẩn bấy nhiêu sao?
Cơm, nước mắt, trộn sao thành nghĩa sống
Cứa ruột mình ai chít giải khăn sô?
Đêm ta ngủ dưới muôn vàn bất trắc
Dấu đạn bay cùng tiếng cú miên man
Giữa đêm dậy thấy nửa vầng trăng máu
Nửa vầng trăng nhuộm máu một quê chung
Những buổi chiều qua sườn đồi trơ trọi
Lòng hỏi lòng: đây có phải quê hương?
Ôi, tất cả đã san thành bình địa!
Chân ngại ngùng trong từng bước lang thang
Ôi ! nỗi buồn len trong từng gân lá
Thấm sâu vào từng mảnh đất than tro
Vàng võ như buổi chiều vừa lên chậm
Xót xa như ai vừa vỡ giọng hò
Ta đứng lặng như núi, đồi, cây, cỏ
Niềm tử vong đang vỗ cánh bay lên
Đâm suốt trái tim Sài Gòn - Hà Nội
Ấm khôn cùng dòng máu thắm dân Nam
Tới đây mới thấy rằng buồn
Đời thôi còn lại hồi chuông võ vàng
Một tay ôm chặt lấy thân
Một tay níu Chúa,Thiên đường gần chưa?
Chiều rơi từng hạt lưa thưa
Tôi nhai từng sợi buồn chua chát lòng
Giáo đường nến thắp song song
Cũng không đủ ấm cõi lòng người qua
Nắng theo ngày, vội xế tà
Bóng theo thân, đỗ cõi xa mịt mù
Từng tràng súng dội thiên thu
Từng hồi chuông đỗ, khiến u uất lòng
Tay làm dấu thánh phân vân
Tôi buồn hơn mắt của nàng nữ tu
Con đã về - vâng con về thật
Về trong đêm ba mươi,
Về bên nồi bánh hực hở nửa khuya,
Gió bập bùng se lạnh
Để soi mặt mình những ngày xa cách,
Đế nhìn mặt mẹ mòn mỏi chờ mong...
Con đã về
Đêm ba mươi gió lạnh
Nhớ gì không ?
Mẹ thức suốt đêm
Con giúp mẹ dọn bàn cúng Tết
Ôi, dáng mẹ khom khom vạt áo
Bên hương khói trẩm trầm,
Đứng khấn tổ tiên
Con đã về - vâng con về thật
Con phải về như lòng mình đã quyết
Về để nhận của mẹ thêm một tuổi đời
Hai mươi tám mùa xuân ròng rã mẹ cho con...
Đêm ba mươi bên hương khói âm thầm
Mẹ có nguyện cầu gì cho đất nước ?
Cho các anh, em con từ những miệt xa
Sớm về hội ngộ
Cho những người thân trong họ, ngoài làng
Đông đảo trở về
Tiếng cười nói râm ran
Cho những người còn, kẻ mất
Đêm ba mươi ngồi nhìn nhau tận mắt
Sờ mặt nhau xem còn dấu oán cừu?
Con đã về, con về thật mẹ ơi!
Không còn là ảo tưởng xa xôi
Ôi, sự thật có thể sờ mó, bắt tay, thăm hỏi!
Như sờ lên mùa xuân
Như sờ lên da thịt
Như con tim, như khối óc
Như những ngôn từ Đoàn kết, Yêu thương.
Quê cũ mười năm ta trở lại
Thèm ngã lưng trên phản gõ mát thơm
Đi chân trần trên nền đất ẩm
Uống nước trong lu bằng gáo dừa xiêm
Mẹ đơm cho ta chén cơm gạo ruộng
Dĩa mắm cà, trách cá trích y con
Có nước mắt mẹ chan cùng nước cá
Có mồ hôi cha trong từng gắp rau ngon
Ăn trái dưa hồng tưởng chừng có máu
(Ôi, máu lên cây đỏ tự bao giờ!)
Máu thằng bạn thân chết nằm mé ruộng
Máu anh, máu em cùng máu đồng bào
Ngôi nhà cũ vẫn dang tay ấp ủ
Nghe nồng nàn mùi tranh rạ xa xưa
Giàn mướp xanh, ngọn trườn lên mái lá
Trong ngọt bùi từng hy vọng đơm hoa
Ao nước xưa ta trở về tắm lại
Trăm bến sông không bằng bến quê nhà
Có tình mẹ, cha có tình lân lý
Có tình quê, còn có nghĩa đồng bào
1971
Đọc trên báo tin Bồng Sơn di tản
Bỗng nhói trong tim: thằng Chí ra sao?
- Chết, lạc rừng, bị thương hay bị bắt?
Dẫu thế nào rồi cũng khổ em ơi!
Anh mường tượng một cây cầu ngã xuống
Trên Lại giang dòng trôi chảy hiền hoà
Quận lỵ nát trên quê hương tan nát
Dãy phố vui, giờ chắc đã buồn thiu?
Anh nghĩ đến những người đang tuyệt vọng
Lý tưởng nào, ngoài phản ứng tồn – vong?
Chắc viên đạn sau cùng xa xăm lắm
Cắm sâu vào niềm thù hận tan hoang
Không thể tưởng em nghĩ gì phút đó
Chiến đấu ra sao trong hoàn cảnh ngặt nghèo?
Bạn bè em, chắc nhiều người ngã ngựa,
Tay em run khi cầm súng siết cò?
Tin tức về dập dồn như hơi thở:
Ôi, Hoài Nhơn, Đệ Đức, Tam Quan,
Những Hoài Ân, Sa Huỳnh, Phù Mỹ...
Lần lượt bị xoá tên cùng xác chết ngổn ngang
Bạn bè em đến hỏi thăm tin tức
Biết trả lời sao, ai lường chuyện không may
Mẹ thì khóc, cha cả đêm không chợp mắt,
Mà tin em vẫn biền biệt mù tăm
Bằng cách nào vào thăm em cho được?
Những hiểm nguy, những bất trắc dọc đường
Đành cố tin, may ra em sống sót
Dù trở về với thân thể bại vong...
Mùa hè 1972
Ta về bóng lẫn trong sườn núi
Lén lút hơn một kẻ bất lương
Trời đất vô tình, khung cảnh lạ
Nhớ gì ta nữa, đã ba năm!
Núi đứng gầm gừ như hổ đói
Đồi rập rình tia mắt chói chang
Lúa lởm chởm như ngàn chông nhọn
Mừng ta chăng, Mộ Đức tan hoang?
Trời tháng năm nắng như vãi lửa
Thiêu đốt ruộng đồng, nứt thịt da
Sông cạn giả vờ thiêm thiếp ngủ
Nằm chờ cướp lượng máu trong ta
Mây xếp từng chồng, thêm gió chướng
(Mây báo hung tin sắp mất mùa)
Núi đá vã mồ hôi như tắm
Gió loạn cuồng hốt bụi giữa trưa
Nhà đổ, tường nghiêng, tre cháy ngọn,
Cây mang thương tích đứng trơ cành
Cầu rách tả tơi như áo cũ
Huống hồ người trong lúc giao tranh!
Đất uống máu tươi thành đỏ sẫm
Than tro trộn lẫn xương anh hùng
Anh hùng: thiêu thân lao vào lửa
Còn ai giữa bão đạn, mưa bom?
Còn ai để nhận ta mừng đón
- Xương đã phơi trắng ngập ruộng đồng
Quen quá bỗng dưng thành khách lạ
Chơ vơ đứng giữa cảnh tang thương
Rẽ lối vào thăm nhà trọ cũ
Ta gọi dồn, chẳng có ai xưa
Nhà cũ đã thay ngôi đổi chủ
Tần ngần bên giậu nát, rào thưa
Ta đứng trông sang nhà em gái
Tường Đông hầu vắng bặt yến, oanh
Cửa đóng then cài, lau lách mọc
Bờ Tây rũ ngọn cây hoàng lan
Trở lại thăm em miền đất cũ
Cảnh sắc vô tình, người thản nhiên
Còn ta giữa đất trời hiu hắt
Tìm bóng mình trên những lối quen...
Mộ Đức, 5 – 1973
Vượt bao ghềnh, bao thác,
Vượt qua bao cây, đá đại ngàn,
Và bao nhiêu kênh, rạch lang thang...
Hân hoan sông Tiền mở cửa:
Mênh mông bờ bãi
Ngầu đục phù sa
Lồng lộng gió khơi
Mịt mờ khói sóng
Sóng vỗ mạn thuyền
Gió ve vuốt da thơm
Tiền giang ơi! Chiều nay tôi đến
Sông buồn chi, mà không lên tiếng hát ca?
Tôi chắc sông vui khi bầy ong bay đến đầy vườn
Mà hàng cây sai trái,
Giàn mướp vàng hoa
Mà mắt em xanh hơn màu xanh
những rừng dừa ngập mặn
Mắt không nói nhưng chứa chan hò hẹn
Cây không vẫy chào,
Mà níu bước chân đi..
Ôi, Tiền giang! Tiền giang!
Tôi muốn chọn nơi nầy làm quê hương thứ... mấy?
Vì sông nước miền Nam nơi đâu cũng lộng lẫy
Nơi đâu cũng có tình người, tình nước, tình sông...
Nơi đâu tôi cũng gặp những cô gái má hồng
Cũng với giọng thưa, mời ngọt ngào, chân thật
Và nơi đâu tôi cũng thấy những cậu trai hiền
Thả lưới trên sông mà thèm nghe câu vọng cổ
Ôi, mảnh đất ngọt ngào không nói xuể:
Ngọt trái, ngọt cây, ngọt giọng nói, tiếng cười...
Tiền giang ơi, Tiền giang!
Buổi chiều về, con nước lên, sóng vỗ
Lục bình trôi cùng rều rác, củi khô
Trôi về đâu, hỡi kiếp giang hồ !
Về trường giang hay ngược dòng kênh nhỏ ?
Về biển cả hay về nguồn suối tỏ ?
Dẫu trôi đâu cũng về Mẹ Trùng Dương
Tiền giang ơi, Tiền giang
Sao chiều nay tôi bỗng nhớ nhà
Thấy khói sóng trên sông mà lòng buồn man mác
Tôi muốn như con cò lửa kia,
Trong ráng chiều đỏ rực,
Soải cánh bay mau về hướng quê nhà...
Tiền Giang - Vĩnh Long, 1968
(*) Học Xá đã trích một số bài trong tập thơ này, xem thêm ở luanhoan.net
- Bài Thơ Tình Ngày Valentine Viết Muộn: Nhắn Người Xuân Thao Thơ
- Đón em về, đón XUÂN sang Xuân Thao Thơ
- Tết Xuân này em có về qua ngõ nhà anh? Xuân Thao Thơ
- Mưa lạnh trên đèo Xuân Thao Thơ
- Cuối Mùa Đi Biển Xuân Thao Thơ
- Trang Thơ Xuân Thao Thơ
- Thơ trích tập Sóng Mòn Xuân Thao Tập thơ
• Xuân Thao (Phương Tấn)
• Đọc "Tình Sầu" tập thơ văn của Xuân Thao và Thu Phong (Châu Thạch)
• Thơ Bạn Quảng Nam: Xuân Thao (Trần Yên Hòa)
• Xuân Thao, Thơ và Người (Phạm Ngọc Lư)
• Xuân Thao (Học Xá)
- Xuân Thao - "Ngập ngừng" từng nhịp thời gian (Phan Nam)
• Bài Thơ Tình Ngày Valentine Viết Muộn: Nhắn Người (Xuân Thao)
• Đón em về, đón XUÂN sang (Xuân Thao)
• Tết Xuân này em có về qua ngõ nhà anh?
(Xuân Thao)
• Mưa lạnh trên đèo (Xuân Thao)
• Cuối Mùa Đi Biển (Xuân Thao)
- Các bài trên mạng (vanchuongviet.org)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |