|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà văn Vũ Bằng (1913-1984)
Năm 1957, nhà văn Vũ Bằng in cuốn “Miếng Ngon Hà Nội”. Vài năm sau cuộc di cư, niềm thương nhớ miền Bắc chưa nguội và nỗi hoài niệm vẫn nồng.
Cùng ngâm với những bài thơ, như “Thương về năm cửa ô xưa” hay nghe những bản nhạc như “Nhớ về Hà Nội” hay đọc những tùy bút như “Ðêm giã từ Hà Nội”…, quê Bắc như là một tận cùng của tưởng tượng, nhất là trong tâm tư một cậu bé mới lớn như tôi.
Lúc đó, Hà Nội với tôi thật gần nhưng cũng rất xa. Gần vì sao quen thuộc quá, từ những ngõ đường, từ những con người, thậm chí cả những cơn mưa hay những buổi nắng. Ăn Bắc, mặc Kinh, câu nói ấy hằng nghe sao lúc đó nghe thấm thía. Ðọc Thạch Lam, đọc Vũ Bằng, mới thấy quê hương hiển hiện trong trí tưởng. “Hà Nội Băm Sáu Phố Phường” của Thạch Lam hay “Miếng Ngon Hà Nội”, hay “Thương Nhớ Mười Hai”… đều gợi lại một không gian, thời gian, mà sự phiêu du đã dẫn dắt suy tư mỗi người về những phương trời nào bảng lảng xa vời trong trí nhớ.
Sách vở đã tạo một định kiến, để ở đó mơ mộng kết thành, để những thành phố tạo dựng nét đẹp trong trí tưởng. Thí dụ như Paris, một thành phố được tạo dựng hoàn toàn trong trí tưởng mà ở đó những nét thơ mộng đã được những cậu học trò nhỏ như tôi đọc những trang sách và tưởng tượng ra. Ở những lớp trung học, đọc và học Cours De Langues của giáo sư Mauger, bao nhiêu nét đẹp của văn hóa Pháp, từ miếng ăn, thức uống, từ nét đẹp của kiến trúc hay thiên nhiên, từ tháp Eiffel đến giòng sông Seine,… mỗi mỗi như những nét đẹp huyền thoại chấm phá để thành những nơi chốn khó có trong thực tế… thì những trang sách của Vũ Bằng, của Thạch Lam… cũng thế. Nó tạo được những chuỗi suy tư để những người đọc phải bồi hồi.
Những cảnh ấy, những người ấy, tuy xa xôi nhưng thân mến biết bao. Trong gió, trong mưa, trong cái chuyển động của đất trời, chứa biết bao nỗi niềm, biết bao tâm sự….
Ðọc những trang tùy bút của Vũ Bằng, mấy ai mà không động tâm nao nao trong dạ. Một thời gian đã qua, biết bao nhiêu là kỷ niệm chẳng thể lãng quên. Dù bây giờ, ở tình cảnh xứ người, nhưng, những lời mở đầu của bài tựa “Miếng Ngon Hà Nội” cũng vẫn là tâm tư chung, của những người luôn hoài vọng:
“…Người xa nhà đột nhiên thấy trống trải trong lòng. Lê bước chân trên nẻo đường xa lạ, y thấy tiếc nhớ một cái gì không mất hẳn, nhưngkhông còn thấy. Nhớ vẩn vơ, buồn nhè nhẹ, cái buồn không se sắt, cái nhớ không day dứt., nhưng chính cái buồn và cái nhớ đó mới thực làm cho người ta nhọc mệt, thẫn thờ. Lòng người cũng như cánh hoa, chóng già đi vì thế.
Người ta không nặng lắm về hiện tại nhưng thiết tha với quá khứ hơn.
Một tiếng dế ở chân tường, một ngọn gió vàng heo hắt hay một tiếng lá đụng cành trâm đều nhắc nhở ta những kỷ niệm xa xôi dìu dịu…”
Tôi nghĩ, ở Sài Gòn nhớ Hà Nội, lúc trước, thì hiện tại, ở đất Bolsa nhớ về đô thành Hòn Ngọc Viễn Ðông, thì cũng thế thôi. Như tâm sự của Giả Ðảo trong Ðộ Tang Càn:
Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương
Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương
Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương
(Tinh Châu quán trọ mười năm
nhớ Hàm Dương vẫn trong tâm quê nhà
Tang Càn chợt bước chân qua
Tinh Châu nhìn lại phải là cố hương?)
Ở Little Sài Gòn, món ăn gì cũng có. Cả một xã hội Sài Gòn lúc trước thu nhỏ ở đây. Chất lượng món ăn cũng như vệ sinh thì hơn hẳn Việt nam. Thế mà, hình như, có một cái gì bất toàn, thiếu vắng. Câu văn của cụ Tản Ðà ngày xưa luận về miếng ăn ngon, tuy dài lê thê, nhưng xét ra cũng có lý của nó. Và, đọc “Miếng Ngon Hà Nội” để thấy những điều tưởng như vụn vặt lại có ý nghĩa trong đời sống biết bao. Ăn uống có khi là cả một nghệ thuật, mà hơn nữa có khi thành một tôn giáo. Không phải cứ sơn hào hải vị, mâm cao cỗ đầy là ngon miệng, mà đôi khi, chỉ là một vài món ăn dân dã, nhưng trong nhiều hoàn cảnh, lại chứa đầy một trời kỷ niệm. Miếng ăn không còn đơn thuần là miếng ăn, mà, nó đã vượt qua ranh giới vật chất để thành biểu tượng tinh thần khó quên. Ăn tô phở sáng sớm thời còn đi học, lúc tuổi trẻ, sao mà ngon thế. Ngon vì thỉnh thoảng mới có tiền để hưởng thụ, mà cũng ngon vì tiết trời sáng sớm lạnh lạnh, ngon vì cái tâm cảm yêu đời, ngon vì miếng thịt bò thơm như má môi người tình tuy chưa có nhưng vẫn là kết quả của niềm mơ ước. Và ngon, vì đời sống ở đây, ở thành phố mà tôi đã lớn lên và trưởng thành có biết bao nhiêu là điều yêu mến. Hà Nội, đã là thành phố của hồi tưởng lúc đó thì bây giờ, Sài Gòn đã chiếm vị trí ấy. Ðọc tùy bút Vũ Bằng, lại thấy niềm hồi tưởng ấy càng day dứt hơn…
Những đoạn văn viết về những món ăn, đầy những lời thiết tha, toàn những lời thương mến. Ngôn ngữ, có một lúc đã thành những cung bậc để ngân nga, để réo rắt trong lòng những người xa xứ,
“Nỗi sầu Hà Nội làm cho lòng người ta rã rời se sắt. Lúc đó, mặc hết cả, người ta chỉ còn biết cầm lấy cái gậy mà đi ngay đi đến bất cứ chợ quê nào cũng được, miễn là có hàng bánh cuốn để ngồi sà xuống một cái ghế nào đó ăn một đĩa bánh xem có thể vơi được phần nàosự thèm khát miếng ngon Hà Nội không.”
hay:
“… ở hậu phương mỗi khi thấy ngọn gió vàng héo hắt trở về, người ta tuy không ai nói với ai một câu nào, nhưng đều cảm thấy cõi lòng mình se sắt.
Không phải nói thế là bảo rằng ở Hà Thành mỗi độ thu về người ta không thấy buồn đâu. Ngọn gió lạ lùng! Ở đâu cũng thế nó làm cho lòng người nao nao nhưng ở hậu phương thì cái buồn ấy làm cho ta tê tái quá, não cả lòng cả ruột. Nhớ không biết bao nhiêu! mà nhớ gì? Nhớ tất cả, mà không nhớ gì rõ rệt!
Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi nhớ rằng tôi không nhớ Tết, không nhớ những ngày vui và những tình ái đã qua bằng nhớ một ngày nào đã mờ rồi, tôi hãy còn nhỏ, sáng nào về mùa thu cũng được mẹ cho một mẻ cốm Vòng để ăn lót dạ trước khi đi học.
Thế thôi, nhưng nhớ lại như thế thì buồn muốn khóc. Tại sao? Chính tôi cũng không biết nữa.
Và thường những lúc đó, tôi thích ngâm khẽ mấy vần thơ trong đó tả những nỗi sầu nhớ Hà Thành, nhất là mấy câu thơ của Hoàng Tuấn mà tôi lấy làm hợp tình hợp cảnh vô cùng
“Ðầu trùm nón lá nhớ kinh thành
anh vẫn vui đi trên những nẻo đường đất nước
lúa xanh xanh, núi trùng điệp, đèo mấp mô,
qua muôn cảnh vẫn sen Tây hồ
Sông vẫn sông Lô, cốm cốm Vòng…”
Ờ, mà lạ thật, chẳng riêng gì mình sao cứ đến đầu thu thì người Hà Nội nào, ở phiêu bạt bất cứ nơi đâu cũng nhớ ngay đến cốm Vòng? Chưa cần phải ăn làm gì vội, cứ nghĩ đến cốm thôi, người ta cũng đã thấy ngất lên mùi thơm dịu hiền của lúa non xanh màu lưu ly đặt trong những tàu lá sen tròn cũng xanh muôn muốt màu ngọc thạch!..”
Hoặc:
“… Ngoài sân, mưa lăn tăn làm ướt giàn thiên lý. Mấy con ngỗng trời bay tránh rét buông ở trên bầu trời xám mầu chì mấy tiếng đìu hiu. Cơm vừa chín tới, hẩu lốn lại nóng hổi, bốc khói lên nghi ngút, mà ngồi ăn ở trong một gian phòng ấm cúng, với một người vợ má hồng hồng vì mới ở dưới bếp lên, có họa là sất phu lắm mới không cảm thấy cái thú sống ở đời!
Vợ thương chồng, gắp một miếng hẩu lốn vào trong bát, mỗi thứ một tí, rồi chan nước dùng vào, mời ăn. Ăn một miếng, tỉnh cả người! Ai cũng tưởng các món xào xáo lộn xộn với nhau như thế thì ăn vào lủng củng và không thành nhịp điệu, nhưng họ đã lầm. các món “nấu loạn xà ngầu” đó, không hiểu vì một lý do tuyệt diệu gì, quyến chặt lấy nhau như một gìan nhạc tân kỳ, dương cầm, phong cầm, vĩ cầm, thoạt đầu tưởng như là lộn xộn, nhưng lắng tai nghe một chút thì hòa hợp, ăn ý nhau từng tý…”
Võ Phiến, trong bộ sách Văn Học Miền Nam đã nhận xét:
“… Vũ Bằng là một nhà văn tiền chiến, nhưng trước năm 1945 ông viết tiểu thuyết sau này mới chuyển sang tùy bút với những cuốn Miếng Ngon Hà Nội, Món Lạ Miền Nam, Thương Nhớ Mười Hai.
Ðề tài tùy bút Vũ Bằng là món ăn và quê hương. Quê hương mật thiết với món ăn, món ăn quấn quít lấy quê hương. Vũ Bằng thương nhớ đất Bắc qua những món ăn, ông tò mò về thức ăn miền Nam cũng là vì món ngon quê hương (miền Nam chỉ có món lạ, miền Bắc mới có miếng ngon) vũ Bằng là một đại nghệ sĩ trong khoa ẩm thực. Ông thấu đáo đến cái tinh túy của từng món ăn dân tộc bất luận sang hèn, từ món chả cá mà giới tư bản người Hoa hâm mộ đến nỗi đặt máy bay chuyển cấp tốc từ Hà Nội về Hương cảng để làm tiệc, cho đến mấy củ khoai lang lùi trong bếp lửa gia đình. Ông thưởng thức ngon đã rành, mà cái cách ông “luận” về miếng ngon càng tuyệt vời. Xưa nay dễ chưa có ai luận một cách nhiệt liệt thiết tha đến thế. Tản Ðà có lẽ đã bỏ công trau luyện nghệ thuật đến mức thượng thừa nhưng ông lặng lẽ “thực hành” nhiều hơn là đàm luận. Thạch Lam có cởi mở hơn, nhưng bên cạnh Vũ Bằng cũng hóa ra từ tốn dè dặt hẳn. Vũ Bằng không dè dặt chút nào. Ông không ngại làm một kẻ cực đoan quá khích. Phải chăng vì tình cảnh của ông Vũ khác người trước, ông nói về món Bắc khi không còn ở Bắc nữa, ông đã nói về nó khi đã mất nó, nói bằng tất cả nỗi nhớ tiếc da diết…”
Và ông Võ đã phê bình ông Vũ bằng cách so sánh hai thể tùy bút:
“Cũng viết tùy bút, Võ Phiến khác Vũ Bằng, khác về nhiều phương diện.
Về mặt đề tài, trong khi Vũ Bằng cố thủ lấy một điểm nhất định không rời, thì Võ Phiến bung rộng ra khắp nơi: cái ăn cái uống có, mà nhà ở mà thú ăn chơi, phong tục tập quán, cách thức trang phục của dân tộc cũng có, đặc điểm sinh hoạt trong địa phương từng thời đại có, đặc điểm trong ngôn ngữ dân tộc cũng có mà băn khoăn chính trị, thắc mắc triết lý suy tưởng về nghệ thuật cũng có nữa…”
Có lẽ, vì quá “bung rộng” ra, nên trong các văn phẩm của Võ Phiến, giới hạn để phân biệt và định loại giữa tiểu thuyết, truyện ngắn và tùy bút đôi khi cũng mơ hồ. Ðến nỗi khi đọc những trang sách khảo luận hoặc phê bình văn học của Võ Phiến, cũng thấy thấp thoáng văn mạch của tùy bút. Có khi, đó là một nét “duyên dáng” để làm bớt đi sự khô khan của công việc phê và bình chăng? Hay như Ðặng Tiến viết: “thật ra tùy bút là một danh từ khó định nghĩa. Trong văn chương bây giờ cái gì mà lại không tùy bút!!!”
Vũ Bằng sinh năm 1913. Năm 1969, ông in “Bốn Mươi Năm Nói Láo”. Ông viết văn rất sớm, năm 16 tuổi đã in tập tùy bút châm biếm “Lọ Văn” và cũng bước vào trường văn trận bút của báo chí chuyên nghiệp ngay sau khi học xong trung học ở Lyceé Albert Sarraut khi mới xong bằng tú tài. Nghề “Nói Láo” là một tiếng thông dụng chỉ những người viết báo có tính châm biếm nhưng nghề nghiệp nào thì cũng có vinh và nhục, có bề mặt và bề trong. Suốt mấy chục năm cầm bút, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, từ Pháp thuộc, Nhật thuộc, rồi Việt Minh, rồi chính phủ Bảo Ðại, chính phủ Ngô Ðình Diệm, rồi thời kỳ sau đảo chính 1 tháng 11 năm 1963 ở miền Nam, một hành trình rất dài ấy được thể hiện với những biến cố, những nhân vật mà sự phác họa nhiều khi đơn giản nhưng cũng đa dạng vì sự phức tạp của sự kiện.
Vũ Bằng đã truyền hình lại những chân dung của những người của một thời trong tác phẩm, mà bây giờ đã thành người “của muôn năm cũ”… Bằng vài nét tiêu biểu, từ sự thông hiểu cũng như quen biết, những nhân dáng ấy có sự chân thật, tuy đôi lúc có chút suồng sã …
Như khi ông viết về nhà văn Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu:
“… Cuộc diện kiến vào buổi tối một mùa đông lất phất mấy hạt mưa phùn. Lần đó, tôi cũng thất vọng như lần này: Tản Ðà thấy tôi vào, cứ ngồi ì ra không thèm đứng dậy; một lúc lâu mới nhìn tôi một hồi như thể nhìn thằng ăn cắp rồi “à” một tiếng và bảo tôi ngồi xuống ghế. Thì ra ông ta đang say. Bên cạnh ông là một cái hỏa lò than cháy râm râm, trước mặt là một cái mâm nhỏ trên bầy thức ăn bừa bãi. ông ta uống một tợp, gắp một miếng, khà một cái, hơ tay vào lò than rồi.. ngồi rung đùi ngâm, với một giọng khê nằng nặc:
Vèo trông lá rụng đầy sân
Tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Rồi ông day cái mặt tròn, đỏ như trái bồ quân, trên cắm một cái mũi tròn xoe có hàng vạn đường gân máu chạy ngang chạy dọc như các con kinh đào vẽ trên địa đồ quân sự, ông nhe răng ra (tôi không biết ông cười hay mếu) nói một cách dõng dạc:
- À, ông Bằng, ông có thấy không? Chữ “vèo” ấy có cho mấy khuyên son cũng chưa đủ! “Vèo trông lá rụng”, hay lắm chớ, hay lắm chớ”
Hoặc khi ông lột tả đời sống Vũ Trọng Phụng:
“… Phụng có một cái tài đặc biệt là không hề biết đánh bạc là gì mà tập phóng sự đầu tiên viết cho báo “Nhựt Tân” anh dám đề cập đến vấn đề bạc bịp.Thực ra anh cũng chưa hề quan sát một vụ “đánh bờ” bao giờ nhưng anh viết như người đánh bạc thông thạo nhất, đó là nhờ một người anh là ông Trưởng Tạo, cũng ở phố Hàng Bạc nói chuyện lại để cho anh viết. Cũng thế, đọc chuyện “Số Ðỏ” ai cũng tưởng Phụng là một tay ăn chơi sành sỏi khét tiếng mà lại “đểu” là khác nữa. Nhưng sự thực trái ngược hẳn; trong tất cả anh em quen biết Phụng có lẽ là người “chân chỉ hạt bột” nhất, hiền lành nhất mà tương đối cũng là đạo đức nhất. Tiêu pha hay chơi bời gì, anh tính toán từng đồng xu, không phải là vì “kẹo” nhưng chính vì anh phải đứng mũi chịu sào lo cho cả nhà, trong đó có một bà nội góa và một bà mẹ góa, đồng thời lo sao để dành dụm được ít tiền lấy vợ, hầu có con nối dõi.
Về sau này, Phụng mòn mỏi đi, một phần lớn cũng vì thức đêm thức hôm để viết cho nhiều báo như “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”, “Tiểu Thuyết Thứ Năm”, “Hà Nội Tân Văn” lấy tiền, nhưng cuộc sống của anh ở bên ngoài đối với những người lạ, không có vẻ gì vất vả; trái lại anh còn ra cái dáng nhàn nhã ung dung là khác. Dù bận rộn viết lách đến mấy chăng nữa tuần nào anh cũng đọc hàng chục tờ báo Pháp để học thêm. Trong anh em có thể nói anh là người hiểu rõ tinh thần của giọng văn “Canard Enchainé” nhất, mà anh cũng am hiểu nhất chính trị ở nước Pháp và thế giới lúc bấy giờ…”
Nguyễn Tuân, một khuôn mặt về sau đượcc coi như tiên chỉ của văn đàn miền Bắc, cũng được kể về như sau:
“… Tôi còn nhớ hồi làm Trung Bắc, tôi về Thanh Hóa thăm anh. Ði tàu hỏa đã mệt, tôi đến nhà anh chuyện trò một lát sau đi ngủ liền. Tuân nhè đúng lúc tôi đang ngon giấc, lay dậy, bảo mặc quần áo đi có việc cần. Trời thì rét mà ở ngoài còn tối om như mực, tôi không đi nhưng không được. Tôi phải chiều anh bạn “lọ”. Ðể đi đâu? Anh bắt tôi đi bộ, vòng hết đường này sang đường khác, rồi rủ đi ăn bánh ướt ở một căn nhà lá mà anh bảo là ngon nhất Thang Mộc Ấp. Riêng một cái việc ngồi chờ cho bà cụ bán hàng thắp đèn lên, tráng bánh và rán đậu cũng đã mất hai tiếng đồng hồ.
Những hành động lẩm cẩm và dớ dẩn, lộn ruột như thế không thể nào kể xiết. trong khi người ta mặc quần áo Tây, anh mặc áo gấm huyền, đội khăn; mùa nực cầm cái quạt đánh chó phải chết để phe phẩy; nói thì rấm rẳn, đang vui câu chuyện ngừng phắt lại, nhăn cái mũi cười rồi thôi, không nói nữa; đi ăn thì lè khè nhấm nháp, lấy hai ngón tay nhón cái chân chim bồ câu bỏ lò, ăn chậm như rùa – mà chỉ ăn có hai chân thôi – còn cả con chim thì ngoắt phổ ky lại (chứ không gọi) bảo đem “cất giùm vào bếp. Cái nếp sống hàng ngày của Tuân đúng y như văn anh viết trong các bài báo và tác phẩm của anh: khó chịu lạ lùng, làm cho người mới quen bực muốn chết, nhưng các bạn đã biết, thì mặc cho anh muốn giở ra trò trống gì, tùy ý, Thanh Châu, Thượng Sỹ, Thâm Tâm, Ngô Tất Tố, Nguyễn triệu Luật cho anh là một “quái thai” và đả kích kịch liệt nhưng muốn “tẩy” cách nào, Nguyễn Tuân cứ lập dị nguyên như thế không thay đổi và kỳ cục nhất là một số người đả kích tính lập dị của Tuân, về sau, lại nói giọng lè nhè, ăn uống kiểu cách bắt chước như Tuân…”
Trong “Bốn Mươi Năm Nói Láo”, còn rất nhiều chân dung khác được hình thành với tất cả những nét đặc thù: Hoàng Tích Chu, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Tychia Ðái Ðức Tuấn, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Ðào Trinh Nhất, Tô Hoài… toàn là những tên tuổi của một thời văn học. Những nét chấm phá thật linh động, là sự thực của đời thường, nên có sức lôi cuốn và những chi tiết sống thực ấy làm cho người đọc hiểu rõ ràng hơn về trường hợp sáng tác cũng như những thông điệp mà tác giả muốn gửi gấm….
Suốt mấy chục năm làm báo, va chạm với biết bao nhiêu là chuyện bất như ý, cũng như trải qua bao nhiêu lần lên voi xuống chó, và mặc dù người mẹ hiền của ông đã khuyên can ông đừng chọn lựa một cái nghề mà cái nghiệp quá nặng, bởi bà đã là người in sách, bán sách và có rất nhiều kinh nghiệm với những người có liên quan đến nghề bạc bẽo ấy. Nhưng ông vẫn kết luận câu chuyện của mình bằng thái độ vẫn cho sự lựa chọn của mình là đúng:
“… Gửi cả một cuộc đời cho nghề báo, rút nhiều kinh nghiệm đau thương hơn là xứng ý, tôi cũng có lúc tự mình lại phỏng vấn mình đã đóng góp gì cho lịch sử văn hóa dân tộc, đã làm được việc gì cho báo chí, và hiện còn băn khoăn hoài vọng những gì về nghề nghiệp.
Không. Tôi không bao giờ đáp lại những câu hỏi phiền phức đó. Nhưng tôi biết rằng nếu một ngày kia, Trời xử phiên án cuối cùng, hỏi tôi nếu cho trở lại làm người thì sẽ làm gì, tôi cũng không cần suy nghĩ gì hết và chỉ trả lời một câu.
Người mẹ nào sinh con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế nhưng Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: nếu trở lại làm người con cứ lại xin làm báo!!”
Viết về nghề báo, ông rất thành thực, kể lại cả những chuyện tiêu cực, những chuyện làm tiền, những thế lực ngoại bang dùng tiền bạc, quyền lợi cũng như thế lực để tạo ra những cơ quan ngôn luận và những ký giả phục vụ cho những mưu đồ chính trị. Nhà văn Thượng Sỹ Nguyễn Ðức Long đã có nhận xét:
“… Với một lối diễn tả giản dị, thân mật chan chứa tính cách trào lộng, Vũ Bằng đã phác lại thật độc đáo, thật linh động, những khuôn mặt của mấy thế hệ làm báo, những nhân vật nổi danh một thời, đã làm lịch sử, và đi vào lịch sử, hoặc chết đi rồi, hoặc còn sống, hiện có mặt ở đây hay nơi khác. Những nhân vật này lần lượt xuất hiện mỗi người hiến cho độc giả một vài mẫu chuyện vui có buồn có nhưng thật mới lạ. Cho nên tôi có thể nói đọc “40 năm nói láo” chẳng khác đọc lịch sử báo chí xứ này trong vòng già nửa thế kỷ 20. Và nếu như ta thường hiểu: báo chí phản ảnh sinh hoạt xã hội, thì “40 năm nói láo” đã phản ảnh phần nào, ở những khía cạnh nào, qua nhiều giai đoạn, nhiều biến cố của xứ sở chúng ta..”
Năm 1972, Vũ Bằng in “Thương Nhớ Mười Hai”. Cũng vẫn những lời thiết tha, cũng vẫn nỗi niềm hoài vọng. Những hình ảnh của dĩ vãng cứ một lúc hiện về, se thắt, đứt ruột. Một năm mười hai tháng là 365 ngày nhớ nhung. Trời này, đất này sao cứ man mác một phương trời cũ. Người vợ tấm mẳn ngày xưa, đã thật xa, là hình bóng cứ phảng phất hoaiø theo thời tiết, theo từng giờ khắc của đời sống
Vũ Bằng viết:
“Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ rừ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại, nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông đào, nhớ sen Linh Ðường thơm ngào ngạt cả bầu trời mà nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, nhớ vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phước, cam Bố Hạ, đảo Chapa mà nhớ xuống
Nhớ không biết bao nhiêu, nhớ bát canh rau sắng chùa Hương, nhớ khóm tiễn xuân la trồng ở bên giậu trúc, nhớ mưa bụi, vợ chồng nửa đêm thức giấc đi uống một ly rượu ấm ở cao lâu, nhớ những buổi trưa hè có ve sầu kêu rền rền, nhớ luôn cả những cô gái Thổ cưỡi ngựa thồ đi trong rừng có những cánh hoa đào rơi lả tả nơi vai áo…”
Vũ Bằng là một người có tâm sự riêng, và cuộc đời cũng có những điều riêng khó ngỏ. Dù ông tránh né vấn đề chính trị trong khi cầm bút, đọc những tác phẩm của ông từ tiểu thuyết từ tùy bút đều thấy vậy, nhưng sau này lại có nhiều người tự nhận là cấp chỉ huy của ông trong Biệt đội Quân Báo của Quân đội Việt Cộng Sản. Và mãi sau này, mới chính thức xác nhận. Nhưng theo Triệu Xuân người viết Lời Giơí Thiệu cho Tuyển Tập Vũ Bằng:
“Vũ Bằng chết, con ông đến một tòa soạn đăng cáo phó (mất tiền). Tòa soạn này đồng ý đăng nhưng nhất quyết không cho đăng hai chữ Nhà Văn trước tên của Vũ Bằng! Thành thử nội dung Tin buồn chỉ vỏn vẹn có vài chữ: “Ông Vũ Bằng sinh ngày… mất ngày” Ðám tang của ông thật vắng người đưa!
Khi Hội nghiên cứu giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh tái bản cuốn “Thương Nhớ Mười Hai”, người ta đã bỏ đi lời đề từ trên đầu sách “bắt đầu viết thì là thương…” Bỏ đi lời đề từ ấy có khác nào không cho Vũ Bằng thắp nén hương khóc vợ ông? Năm 1992, tôi hợp tác với Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin để tái bản tác phẩm “Bốn Mươi năm Nói Láo”, một cuốn hồi ký rất có giá trị văn học, sử học về một giai đoạn văn chương báo chí Việt Nam. Tôi làm việc này trước hết vì yêu quý Vũ Bằng là một nhà văn lớn, một người làm báo giỏi, thiết tha yêu nước thương nòi. Cuốn hồi ký nổi tiếng Bốn Mươi Năm Nói Láo ấy, khi phát hành được 5 ngày thì… chỉ vì một hai ý kiến thôi, không có văn bản gì, sách đã bị giam trong kho không được bán, suốt từ năm 1993 đến nay! Hương hồn nhà văn Vũ Bằng nơi chín suối có biết chăng chuyện trớ trêu trên!”
Như vậy, Vũ Bằng là một nhà văn bị chế độ Cộng sản bạc đãi hay là một nhà văn hoạt động tình báo bí mật trong thời chiến tranh? Chắc chỉ có mình ông mang theo cái bí mật ấy xuống suối vàng. Có phải chính ông, trong những ngày lơ láo của Sài Gòn sau 30 tháng tư năm 1975, đã viết những bài gửi ra hải ngoại phổ biến “Cái tai sứt của thằng cùi phương Bắc” không? Như vậy, giải thích làm sao cái tâm tư chán ghét một chế độ chủ trương đem sự lừa gạt thủ đoạn làm cứu cánh chính trị?
Nhưng, tôi đọc những tác phẩm của ông, và chỉ thấy vời vợi những khung trời và những cuộc đời cứ mênh mang mãi một niềm hoài niệm.
Văn chương, có lúc là mây trời để bay về một nơi chốn nào, của kỷ niệm, của những đôi mắt suốt đời cứ vọng mãi đến chốn xa vời và không có thể tìm đến trong suốt cuộc đời…
- Thanh Tịnh và Tôi Đi Học Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Đọc thơ Trần Vấn Lệ Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Đọc Thơ Đường Ta Đi của Nguyễn Lê Minh Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Tưởng niệm Nguyễn Đức Lập Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Nguyễn Ðức Tùng: Từ “Thơ Ðến Từ Ðâu” đến “40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại” Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Đọc Thơ Trạch Gầm Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- “Những chuyện rất Việt Nam” của tác giả Đỗ Tiến Đức Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Từ Huỳnh Phan Anh đến Diễm Châu: Văn chương và thời thế Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Từ Huỳnh Phan Anh đến Diễm Châu: Văn chương và thời thế Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Lệ Khánh, Em là gái trời bắt xấu Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
• Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh (Viên Linh)
• Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ (Bùi Giáng)
• Bùi Giáng - Thi ca và Tư tưởng (Tuệ Sỹ)
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |