|
Mai Trung Tĩnh(..1937 - 20.12.2002) | Việt Dzũng(8.9.1958 - 20.12.2013) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Cái tựa “Những truyện ngắn hay nhất của…” dễ làm người đọc nghĩ đến một tựa sách quen thuộc của một tuyển tập truyện ngắn thực hiện khá công phu, Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta của Nhà xuất bản Sóng ở Sài Gòn, năm 1973. Chỉ khác một điều, bài này nói đến những truyện ngắn của một nhà văn, không như tuyển tập ấy có đến gần năm mươi nhà văn, mỗi nhà văn chỉ một truyện.
- Xin anh/chị kể tên những truyện ngắn nào từng đọc và thích nhất của các nhà văn miền Nam trước năm 1975?
Câu hỏi tôi nhận được qua email, gửi chung cho một nhóm bạn hữu nhằm tham khảo ý kiến cho một dự án văn học nào đó.
- Con Suối Mùa Xuân của Võ Hồng.
Trong đầu tôi bật ra câu trả lời ấy. Những tên truyện khác của các tác giả khác, tôi phải ngẫm nghĩ ít phút mới nhớ ra được. Vì sao lại Võ Hồng, vì sao lại tên truyện ấy? Có thể do tôi vừa đọc được trên trang báo nào ít dòng về ngày giỗ thứ 10 của nhà văn này.
Con Suối Mùa Xuân và truyện ngắn Võ Hồng
Đăng lần đầu trong tạp chí Văn Xuân Ất Tỵ (1/1965), Con suối mùa xuân được in lại trong tập truyện cùng tên (Nxb Lá Bối, 1966), không hẳn là truyện ngắn hay nhất của Võ Hồng, cho dù nhà văn từng nói đấy là một trong những truyện ông ưng ý nhất. Có điều, đấy là một trong những truyện mang dấu ấn đậm nét nhất của “truyện ngắn Võ Hồng”.
Cái dấu ấn dí dỏm từ những dòng đầu tiên dẫn vào truyện. Một câu chuyện tình buồn.
Chúng tôi bắt đầu yêu nhau một cách tình cờ. Hôm đó nàng bế đứa cháu nhỏ con của người anh, đứng trước cổng. Thấy tôi, nàng hỏi:
- Anh Tịnh này, anh xem có dễ thương không?
Tôi nhìn nàng, nhìn đứa cháu. Nàng mặc chiếc áo dài mới màu xanh thêu hoa. Có đánh tí phấn hồng nơi má. Nên tôi hỏi lại:
- Cô định hỏi ai dễ thương?
Nàng đỏ mặt không nói. Tôi yêu nàng lúc đó.
“Tôi yêu nàng lúc đó”, câu dẫn truyện thật gọn gàng, thật tự nhiên như chiếc chìa khóa xoay nhẹ một cái, mở rộng cánh cửa bước vào không gian truyện.
Tịnh, tên nhân vật chính xưng “tôi” trong truyện, là nhân viên một sở kế toán. Chàng đã yêu và được yêu. Chàng yêu bằng “trái tim thật thà” của một kế toán viên chân chỉ, cần mẫn. Thật như đếm. Thật thà thì dễ thua thiệt, “thật thà chịu nhiều xót xa” như câu hát quen thuộc nào. Kết quả là anh chàng bị tình phụ. Mỹ Khuê, người yêu của Tịnh, lặng lẽ chia tay chàng để đi theo tiếng gọi của biển cả; nói đúng hơn, tiếng gọi của một sĩ quan hải quân bảnh trai, hào hoa phong nhã, văn minh lịch sự hơn chàng.
Ngày nào nàng nói “Em yêu anh” khi đỏ mặt đứng bế cháu, hôm nay nàng nói “Giã từ anh” khi tôi đến thăm mà chỉ có Me ra tiếp. Me nói:
- Con Khuê nó vừa xuống nhà bạn nó ở dưới... Sinh Trung.
Me phải chọn hơi lâu tên một địa điểm.
Lần sau đến thăm thì chị Sâm ra tiếp:
- Con Khuê nó vừa đi phố gội đầu.
Đàn bà có nhiều lý do để đi phố, mà lịch sự nhất là đi gội đầu… Chợt, sau nhà có tiếng nói to của Annie, cô em kế của Mỹ Khuê:
- Chị Khuê ơi, cái dĩa hát “Catch a Falling Star” của anh Phan cho chị mượn hôm trước chị đã trả chưa? Em tìm không thấy.
Có mấy tiếng “Suỵt, suỵt!” khe khẽ… Tôi nhìn đồng hồ rồi cáo từ chị Sâm.
Những tiếng “Suỵt, suỵt!” khe khẽ ấy lại là tiếng nói mạnh mẽ nhất bày tỏ sự dứt khoát và lạnh lùng quay lưng với tình yêu.
Sau đó là những ngày buồn bã, nhớ nhung một tình yêu vuột mất.
Tôi tha thiết nhớ Mỹ Khuê trong những ngày mưa và nhất là những đêm thức giấc cô đơn nghe mưa rơi ngoài trời.
Gã đàn ông thất tình một mình lò dò ra bờ biển vắng để tâm sự với biển, người bạn dễ tính và cũng lặng lẽ, cô đơn như mình. Bất ngờ, chàng “đụng” phải người quen là cô em gái của người yêu mới vừa chia tay.
Tôi giật mình quay lại.
- Annie!
Annie mỉm cười ngồi sà lại gần tôi.
- Em đến đây làm gì vào giờ này? Biển vắng và trời sắp tối.
Annie mặc váy ngắn, áo len dài tay màu đỏ, giày escarpin trắng.
- Em biết anh thất tình phải không?
Tóc Annie bay phất phơ theo gió tạt vào mặt tôi. Mùi nước hoa ngọt ngọt.
Cuối truyện là mẩu đối thoại giữa anh chàng bị tình phụ và cô bé tuổi mộng mơ. Đây có lẽ là đoạn văn ở lại lâu nhất trong lòng người đọc:
- Anh đã đọc Lolita chưa?
- Rồi.
- Anh có thích truyện đó không?
Tôi gật đầu.
- Anh kể cho em nghe truyện Lolita đi.
- Dài quá. Vả lại truyện không đứng đắn.
- Kệ nó. Truyện bắt đầu như thế nào?
Tôi gãi cằm, ngần ngừ một lát…
- “Tội lỗi của tôi, linh hồn của tôi. Lolita: đầu lưỡi nhảy ba cái chạm nhẹ vào vòm khẩu cái, chạm ba lần vào răng. Lo. Li. Ta.”…
- Tình yêu giữa Lolita và Humbert anh có cho là tội lỗi không?
Tôi ngạc nhiên quay nhìn thẳng Annie.
- Sao em biết tên Humbert?
Annie cười:
- Vì em đã đọc hết quyển Lolita rồi.
- Đó không phải là quyển truyện dành cho em.
Cái lối rẽ của câu chuyện là đây. Truyện cần được kết thúc cách nào đó để còn đọng lại chút gì trong lòng người đọc. Nếu cứ để cho người đàn ông tiếp tục đi lang thang trên bờ biển vắng, gọi tên người yêu lẫn trong tiếng sóng, hoặc tạt vào quán bar nào đó nốc rượu tì tì cho đến lúc quên đường về thì… e người đọc khó mà nhớ được cái tên truyện.
Cô bé tuổi dậy thì chuyện trò hồn nhiên với người đàn ông từng là người yêu của chị mình trong cuộc gặp không có hẹn hò, sắp đặt gì trước.
- Em biết anh không xuống nhà nữa, từ ngày anh thôi với chị Khuê. Tình yêu là thế đó. Anh có giận lây em không?
- Không.
- Vậy thì bắt tay em đi.
Tôi siết chặt tay Annie. Bàn tay mềm và ấm. Annie giữ tay tôi lại và không bỏ ra. Ngón tay trỏ và ngón tay giữa của nàng vuốt nhẹ trên lưng bàn tay tôi, gây một cảm giác êm êm rờn rợn.
Sau “cảm giác êm êm rờn rợn” ấy là… chia tay, không thể khác hơn.
Hai tiếng cuối cùng ấy Annie nói cho ai? “Tội lỗi của tôi. Linh hồn của tôi”. Thật khó mà phân biệt nàng muốn ám chỉ tôi hay chỉ nhắc lại lời của Humbert. Tôi đứng lặng, ngẩn ngơ, ngờ vực, thậm chí không tin rằng điều vừa xảy ra là có thật. Tôi đưa bàn tay lên mũi: rõ ràng là mùi nước hoa violet từ bàn tay Annie chuyển sang.
Sau cùng, chỉ còn lại mình chàng trên bờ biển vắng. Đêm xuống dần. Không còn Mỹ Khuê, không còn Phan, không còn Annie, không còn ai nữa. Tất cả đều bỏ đi, tất cả đều biến mất, như từng lớp sóng xóa nhòa những dấu chân trên cát. Chỉ còn lại một không gian tịch lặng, một tâm hồn trống vắng, chơ vơ.
Câu chuyện tình khởi đầu bất ngờ và kết thúc cũng lửng lơ, bất ngờ.
Annie! Nàng đột nhiên hiện đến chiều nay, nhí nhảnh, bất ngờ như một dòng suối nhỏ hát róc rách giữa một vùng hoa lá, nhưng cũng đủ làm xáo trộn hồn tôi. Rồi thoáng chốc nàng vụt bỏ đi, để tôi trầm ngâm đứng giữa bãi bể vắng này như con suối đã bỏ xa một vũng nước sâu nằm lặng yên bên bờ lau sậy, mang nặng trong lòng nó những lớp lá úa và những dải rong rối ren chằng chịt.
Hóa ra “Con suối mùa xuân” là đây. Annie, cô bé hiện thân của Lolita ấy đã cứu rỗi linh hồn u ám của nhân vật chính trong truyện. Thật khó mà ngờ câu chuyện lại rẽ sang hướng ấy, từ cái buồn bã nặng nề chuyển sang nỗi buồn nhẹ nhàng thoáng chút bâng khuâng làm dịu tâm hồn người đọc.
Võ Hồng là vậy. Ông không chịu để nhân vật của mình phải chết chìm trong khổ đau, tuyệt vọng hay đầu hàng số phận mà luôn được vực dậy để đi tiếp và tìm kiếm những đổi thay ý nghĩa cho cuộc sống. Trong bất kỳ cảnh ngộ nào, những điều bất như ý, những nỗi thất vọng, những thất bại trên con đường đời vẫn không làm người ta gục ngã hay mất niềm tin vào cuộc sống, như tên một truyện ngắn khác của ông, Niềm tin chưa mất.
Võ Hồng viết nhiều thể loại văn chương, truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, tự truyện, hồi ký, tùy bút và cả thơ nữa, trong số ấy truyện ngắn vẫn là thể loại được độc giả yêu chuộng hơn cả. Truyện dài của Võ Hồng ít được người đọc tìm đến tuy là những công trình dài hơi và tâm huyết, như các truyện Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay… viết về thời kỳ kháng chiến (1945-1954). Bài này cũng chỉ giới hạn trong phạm vi truyện ngắn của Võ Hồng, những truyện tình thời chiến với nhiều nỗi bất an, lắm nỗi trái ngang, vẫn được người đọc yêu chuộng.
Truyện ưng ý nhất của Võ Hồng
Người đọc dễ nhận ra ở Võ Hồng giọng văn bình dị, tự nhiên mà tinh tế. Cái tinh tế thể hiện qua tài quan sát bén nhạy và phân tích sâu sắc tâm lý nhân vật. Văn ông có khí hậu riêng, trong sáng, êm dịu, có khi tươi vui như dòng suối mát, có khi là nỗi buồn nhẹ nhàng như cơn mưa bóng mây trong lúc vẫn ẩn chứa nhiều ý tưởng thâm thúy của một nhà văn từng trải.
Văn chương Võ Hồng là sự thách thức những lối hành văn bóng bẩy, cầu kỳ kiểu cọ theo trào lưu thời thượng, chuộng hình thức mà ý tưởng nghèo nàn tựa cách trình diễn của những cô ca sĩ chất giọng xoàng xoàng, chỉ chú trọng vào trang phục màu mè, điệu bộ nhún nhảy cốt làm vui mắt khán giả.
Nhân vật chính trong truyện của Võ Hồng thường ở ngôi thứ nhất với lối kể chuyện từ tốn mà duyên dáng và thu hút người nghe. Đàn ông trong truyện thì tầm thường, không đẹp trai, không giàu có, không tán gái giỏi, nói chung là không có gì nổi bật nên ít gặp những may mắn trong tình trường. Đàn bà cũng không hơn gì, nhan sắc chỉ trên trung bình, không mặn mà có duyên, không đủ tạo sức hút để có nhiều chàng trai theo đuổi. Hầu hết những câu chuyện tình đều là những “cuộc tình không may”, nói như câu hát của Trịnh Công Sơn.
Tôi duyệt qua một lượt những khuôn mặt đàn ông xấu trai mà tôi đã có dịp gặp… Đàn ông thời bây giờ khan hiếm. Như sữa Hòn Núi thỉnh thoảng phải mua giá chợ đen. Trên thị trường giá đàn ông con trai có thể lấy vợ tăng lên nhiều. Người ta tranh giành nhau cả những người đàn ông xấu trai, những người đàn ông còn sót lại. (Tháng năm sương mù)
Ngày mai tôi sẽ xa Dung Nghi nhưng nàng đâu có biết. Tình yêu của tôi vụng dại và âm thầm. Tôi không đẹp trai, không có tài đặc biệt và không giàu. Những người tôi có thể yêu dường như đều hướng cái nhìn về một nẻo khác. (Bọt trắng)
Ngày cưới Nguyệt, Long đáp tàu lửa rời bỏ thành phố. Anh tránh nghe tiếng pháo, tránh chứng kiến một cuộc rước dâu long trọng. Con tàu lùi lũi chạy và đôi đường sắt sau đuôi tàu như kéo dài theo mãi nỗi buồn không dứt của anh. (Người thứ ba)
Những kẻ thất tình trong truyện Võ Hồng thường mang vẻ trầm tĩnh, ẩn nhẫn cam chịu như thể chuyện tình phụ cũng không oan uổng, chỉ tìm được sự chia sẻ và đồng cảm nơi độc giả.
Có khi là những diễn biến tâm lý, tình cảm của nhân vật tạo bất ngờ, lý thú cho câu chuyện. Chuyện một nạn nhân bị chó cắn đang nổi quạu với người chủ con chó dữ bỗng đổi giọng thành… hòa nhã, lịch sự khi bắt gặp ánh mắt dịu dàng của cô con gái xinh đẹp của chủ nhà.
Tôi nói một hơi thì cơn giận nổi lên. Máu nóng hừng hực ở mũi, ở tròng con mắt… Chợt có một bàn tay nhỏ, trắng, gạt nhẹ bàn tay tôi ra và nặn máu hộ tôi. Khuôn mặt cúi xuống, tôi thấy đôi hàng mày dài, cánh mũi và hàng mi cong. Những ngón tay trắng hồng nặn nhè nhẹ lên vết thương của tôi. Tôi ngừng nói nhìn xuống. Đôi mắt đen ngước nhìn lên tôi dịu dàng. Tôi hạ giọng:
- Nhưng xin ông an tâm. Tôi sẽ đi chích ngừa. Chả sao đâu. (Lương mai)
Hoặc, chuyện cô nữ sinh là tiểu thư con nhà giàu, có “cảm tình đặc biệt” với thầy giáo của mình, bất ngờ xô cửa nhảy xổ vào ôm chầm lấy ông thầy–y như một scene táo bạo trong phim Lolita–do quá vui mừng vừa thoát được một tai họa, trong lúc người thầy hết sức bối rối, vừa cố gỡ những ngón tay bám chặt của cô học trò vừa len lén đưa mắt nhìn ra “chiếc Hillman màu vàng nhạt đậu ngay trước cổng”, chỉ sợ người tài xế của cô chủ bắt gặp. Cái đập vào mắt người thầy là một dáng đàn ông ngồi bất động trước tay lái, mắt nhìn thẳng về phía trước, hai tay đặt trên vô-lăng, “ngồi một mình mà vẫn ngồi thật ngay thẳng y như trước mặt có một ông Tổng Trưởng”. (Giọt sương long lanh)
Có khi là lối nói dí dỏm, nụ cười hóm hỉnh trước những hoạt cảnh của đời sống.
Chàng trả thù, không nhìn vào những chiếc xe du lịch. Chắc chắn ở trong đó có những bộ mặt hãnh diện nhìn ra–nhất là những bộ mặt đàn bà–làm bộ ngây thơ, nghiêm trang hay nhí nhảnh, nhưng tất cả đều cốt để người khác nhìn vào mà thèm muốn, mà thán phục, mà say mê. Muốn chọc giận họ hơn, mỗi lần nghe tiếng còi, chàng đưa mắt từ từ nhìn thẳng lên mui xe rồi lơ đãng nhìn ra biển. Ðể họ sung sướng hụt. Những ý nghĩ vẩn vơ này làm rơi cơn giận, khiến chàng hơi hơi vui nữa. (Xuất hành năm mới)
Hoặc,
Người ta hay nói “Yêu nhau là cùng nhau nhìn về một hướng”. Nhìn về một hướng thì có cái lợi là khỏi phải nhìn lẫn nhau, quên tìm những khuyết điểm của nhau. (Tháng năm sương mù)
Nghệ thuật khôi hài duyên dáng, lối giễu cợt nhẹ nhàng mà thâm thúy ấy hẳn đến từ óc thông minh, sáng tạo và nhận xét tinh tế, hệt như tính cách con người Võ Hồng.
Lại có khi là chút trầm tư, chút bâng khuâng triết lý trong tình yêu và cuộc sống:
Tôi tập hạn chế hy vọng, lúc nào cũng chuẩn bị đón nhận những sự bất như ý thật lớn, chịu đựng những sự thiệt thòi quá mức để mong rằng sự thật không đến nỗi tồi tệ như vậy. (Tháng năm sương mù)
Nguồn: Kệ sách Học Xá
Thật tội nghiệp, khi phải từ bỏ những ước mơ, tập làm quen với những mất mát, thua thiệt.
Không có một cuộc đời hạnh phúc, chỉ có những ngày, những giờ hạnh phúc. (Trầm tư)
Tôi cảm động ôm vai nàng nói:
- Bây giờ anh mới hiểu em, mới biết em, mới thưởng thức được em. (Khoảng trống sau lưng)
Phụ nữ như bông hoa mà không phải người đàn ông nào cũng biết thưởng thức.
Nghệ thuật là thấy được cái nhỏ nhất chưa ai thấy, nghe được cái nhẹ nhất chưa ai nghe và diễn tả bằng ngôn ngữ chưa ai dùng, tránh xa những vết xe cũ, những lối mòn. (Trầm tư)
Câu “trầm tư” này có thể ứng dụng được cho nghệ thuật viết văn.
Trong một bài trả lời phỏng vấn, nhà văn chia sẻ với các bạn trẻ đôi điều về kinh nghiệm viết văn của mình:
“Về hình thức phô diễn, tức hành văn, một số bạn trẻ có vẻ coi thường, viết sao cũng được, miễn người đọc hiểu câu chuyện. Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi thấy các tác giả luôn tìm những hình ảnh phô diễn mới, những dụng ngữ mới.
Có lần muốn tả đôi mắt của nhân vật Annie (truyện Con suối mùa xuân), tôi không chịu dùng chữ ‘trong’, chữ ‘sáng’, chữ ‘long lanh’ một cách dễ dãi. Tôi loay hoay tìm một hình ảnh lạ, mới, để mô tả. Không dễ đâu. Tôi thay đổi chỗ ngồi, bỏ bàn viết ra ngồi ở xa-lông. Lúc đó cơn mưa vừa tạnh, nền trời sáng. Tôi nhìn ra cửa sổ nơi có hàng cây mãng cầu và cây mận, nhìn những giọt nước đọng ở đuôi lá. Nhìn từ trong cửa sổ, giọt nước phản chiếu ánh sáng long lanh. Bất chợt, tôi tìm ra được hình ảnh rồi. Tôi viết: ‘Annie! Ðôi mắt long lanh như hai giọt nước treo ở đuôi lá na, lá mận nhìn qua ánh sáng của khung cửa sổ.’” (1)
Thủ pháp này được Võ Hồng vận dụng trong nhiều trang văn. Ý tưởng được minh họa qua lối ví von và liên tưởng giàu hình tượng, trở thành những chi tiết rất đắt, đọng mãi trong ký ức người đọc cho dù có quên đi câu chuyện.
Tôi ưa sự đột ngột, bất ngờ như con suối nhỏ chảy len giữa khe đá, trốn dưới một lùm cây rồi bất ngờ nhảy vọt ra, hát róc rách bên một chùm hoa dại. Có tình yêu, tâm hồn tôi nhanh nhẹn vui tươi như con suối tinh nghịch đó. (Con suối mùa xuân)
Tôi luôn nghĩ đến cô như một người đi đường trường giữa trưa nắng gắt nghĩ đến một dòng suối mát. Cô là dòng suối của tôi. (Trầm mặc cây rừng)
- Hạnh phúc ở đời, theo em nghĩ, như là cảm giác của người đi giày. Một đôi giày làm mình dễ chịu khi mang nó vào chân rồi mà mình không nghĩ rằng mình đang mang giày. (Khoảng trống sau lưng)
Trong số những truyện ngắn của Võ Hồng, truyện nào được tác giả ưng ý nhất?
Câu hỏi nhiều người muốn biết. Nhà văn trả lời:
“Thiệt khó mà nói đích xác mình ưng ý nhất truyện nào của mình. Bình thường mỗi truyện mình yêu một cách. Truyện Bên đập Ðồng Cháy được coi như có kỹ thuật vững. Truyện Con suối mùa xuân bâng khuâng dịu dàng như một dòng suối mát. Truyện Trầm mặc cây rừng làm tôi nhỏ nước mắt ngậm ngùi.” (1)
Có như vậy sao? Thử đọc một đoạn trong truyện này:
- Sao vậy? Cô có điều gì giận tôi chăng? Cô ghét tôi sao? Trong khi tôi vẫn yêu cô âm thầm, yêu cô âm thầm. Tôi luôn nghĩ đến cô như một người đi đường trường giữa trưa nắng gắt nghĩ đến một dòng suối mát. Cô là dòng suối mát của tôi. Thế mà cô quên tôi, cô... Tại sao cô ghét tôi? Tại sao?
Thịnh ngẩng mặt lên đăm đăm nhìn tôi. Nước mắt đầy cả hai khóe mắt.
- Cô có ghét tôi không?
Nàng im lặng nhìn tôi, không nói.
- Thế sao cô không vào?
Nàng lắc đầu và giọng nói nghẹn ngào, đứt quãng:
- Bởi em không có hy vọng... Em nghèo.
Nàng bật lên tiếng khóc.
Tôi chắc nhà văn “nhỏ nước mắt ngậm ngùi” ở chỗ này đây, và người đọc cũng muốn chảy nước mắt theo ông. Tôi không rõ có tác giả nào cùng khóc, cùng cười với nhân vật trong truyện của mình như Võ Hồng. Cảm xúc của ông lại rất thật, cho thấy truyện có sức sống và tác giả sống với câu chuyện một cách chân thật.
Truyện ngắn Võ Hồng, nói như Chủ nhiệm tạp chí Bách Khoa Lê Ngộ Châu trong thư gửi nhà văn, “Truyện anh viết tôi thấy thú lắm, hoặc vui nhè nhẹ hoặc buồn nhè nhẹ. Truyện nào cũng ấm áp như nắng đầu hè hoặc cảm động đến rưng rưng nước mắt.”
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Chủ bút tạp chí Văn Học, cho cái nhìn về nhân vật trong truyện Võ Hồng,
“Trong các nhà văn lớp trước, tôi cho rằng Doãn Quốc Sỹ và Võ Hồng là hai cây bút có văn phong lãng mạn và một tâm hồn đôn hậu rất Việt Nam, cái chất Việt Nam nhân ái, hiếu hòa, cần cù, lương thiện, hớn hở vui mừng khi gặp người đồng điệu, mà cũng dứt khoát phẫn nộ nói ra thành lời khi gặp chuyện bất bằng, cái chất Việt Nam chưa bị những lý thuyết ngoại nhập làm cho thui chột để trở thành tàn nhẫn, độc địa, lai căng, lưu manh, lố bịch. Thế giới tiểu thuyết của Võ Hồng không có người đáng ghét, chỉ có đa số những người hiền, một thiểu số rất nhỏ còn lại là những kẻ đáng thương.” (2)
“Võ Hồng là một nhà văn viết truyện ngắn đặc sắc,” nhà phê bình văn học Cao Huy Khanh, viết trong bài nhận định về truyện ngắn Võ Hồng, “những truyện tình nhẹ nhàng thật dễ thương và những truyện đời bâng quơ thật thú vị… Trong hầu hết các truyện ngắn của Võ Hồng, ông luôn luôn có một cái nhìn dạt dào những tình cảm thương nhớ bâng khuâng tuy mong manh nhẹ nhàng nhưng thực sự đã quyến rũ người đọc một cách thâm trầm và tế nhị.” (3)
Võ Hồng, văn chương ông là “khoảng mát” (4) của tàn cây rợp lá, là dòng nước mát của “con suối mùa xuân”, là chùm “hoa khế lưng đồi” (4) mà người bạn ông, nhà thơ Phạm Công Thiện một lần nào ghé thăm ông, trên đường về giữa cơn mưa chiều lất phất không hiểu nghĩ ngợi gì đã viết xuống dòng thơ bâng khuâng…
Mưa chiều thứ Bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông
Như lá vẫn xanh, như nước vẫn trôi
Những truyện ngắn nói trên đều là truyện trước năm 1975 của Võ Hồng. Sau cái mốc thời gian ấy, người ta không còn được đọc những truyện ngắn như thế nữa, cho dù ông là một trong số rất ít nhà văn miền Nam ở trong nước vẫn tiếp tục viết và vẫn được người đọc yêu chuộng, đặc biệt là giới trẻ, học sinh và sinh viên, xem như thế hệ độc giả mới của Võ Hồng. Ngoài số độc giả cũ ở miền Nam từng đọc và yêu văn Võ Hồng, còn có thêm độc giả miền Bắc và số người đọc trưởng thành ở trong nước sau ngày chiến tranh kết thúc. Những sáng tác của ông sau này phần lớn xoay quanh các đề tài về văn hóa giáo dục, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương. Ông cũng viết những truyện dành cho tuổi học trò và cả truyện loài vật nữa. Điều này có thể hiểu được, là cách để một nhà văn tên tuổi của miền Nam như ông vẫn tiếp tục viết và vẫn có được một chỗ đứng vững vàng, một vị thế luôn được tôn trọng đúng mực.
Truyện nào là hay nhất trong số những truyện ngắn của Võ Hồng? Không dễ tìm được câu trả lời. Hoặc, nói như ông, “Mỗi truyện mình yêu một cách”. Người đọc, khi nói đến những truyện ngắn của Võ Hồng, cũng nói tên truyện mình thích nhất. Người thích truyện này, người yêu truyện khác, không ai giống ai. Truyện thích nhất không hẳn là truyện hay nhất. Như thế, càng không có những truyện ngắn nào là hay nhất của Võ Hồng mà chỉ có những truyện người đọc thích nhất.
Thay vì hỏi Võ Hồng truyện nào ông ưng ý nhất trong số những truyện ngắn của ông, như tờ báo nào đã hỏi, tôi sẽ tự chọn lấy. Sự chọn lựa của ông có khi không giống như của tôi và của những độc giả khác, chưa nói có khi những truyện ông chọn độc giả lại không thấy hay hoặc không hay bằng những truyện khác cùng tác giả. Dù sao, cũng may là trong số một vài truyện ông chọn ra có truyện Con suối mùa xuân mà tôi yêu thích, cho thấy cả ông và tôi… đều thích truyện ấy.
Nguồn: Kệ sách Học Xá
Thế giới của “nhà văn, nhà giáo Võ Hồng” (người trong nước quen gọi ông bằng danh hiệu này) hầu như thu gọn trong căn gác đìu hiu của ngôi nhà số 53 đường Hồng Bàng, một con đường nhỏ yên tĩnh nằm gần bờ biển Nha Trang. Trong cái thế giới thu hẹp của ngôi nhà đóng kín cửa ở thành phố ven biển ấy, ông sống lặng lẽ, gần như tách biệt hẳn dòng chảy lao xao của cuộc sống bên ngoài. Cũng từ không gian tĩnh lặng ấy, ông viết nên những truyện, những tùy bút Một bông hồng cho cha, Một ngày cho mẹ, Tay cầm viên phấn, Nửa chữ cũng là thầy, Thương mái trường xưa, Vùng trời thơ ấu, Thơm ngát hương cau… và còn những gì gì nữa, để giữ cho những giấc mơ ngọt ngào không bao giờ tắt hẳn.
Trong cái nhìn của Võ Hồng, không có con người nào xấu xa, tồi tệ hết mức, cũng không có con người nào hoàn hảo. Cuộc sống không hẳn lúc nào cũng tươi đẹp nhưng cũng không hẳn là bức tranh xấu xí, lem luốc. Trong những trái tim tưởng như chai cứng, vô cảm, trên những mảnh đất tưởng như cằn cỗi, khô cạn tình người, vẫn nở ra những bông hoa của lòng nhân ái.
Võ Hồng, ông luôn tìm kiếm những cái tốt, cái đẹp trong mỗi sự việc, mỗi con người. Ông dễ dàng thỏa hiệp với mọi nghịch cảnh, như ông đã quen sống, quen làm bạn với nỗi cô đơn thường trực. Trong những truyện ngắn của ông, có những hy vọng nhen nhúm, rồi tắt ngúm, rồi lại hy vọng, và người ta vẫn tiếp tục sống, vẫn yêu cuộc sống cho dù cuộc sống không phải lúc nào cũng đáng yêu đáng sống.
“Thâm trầm”, hai chữ ấy đủ tóm gọn tính cách con người và văn chương Võ Hồng.
Nhiều năm sau ngày ông mất, đọc lại những trang sách cũ của Võ Hồng có cảm giác êm dịu, thấy tâm trí nhẹ nhàng hơn, thấy cuộc sống dễ chịu hơn, như bao muộn phiền được thả trôi theo dòng suối mát. Một nhà văn có cái “tâm” trong sáng và nhân hậu như ông, có lẽ cũng chỉ mong đến như vậy ở người đọc.
Những trang sách cũ ấy, mỗi lần đọc lại vẫn thấy vui vui buồn buồn, vẫn thấy như ông còn quanh quẩn đâu đây, vẫn lặng lẽ nỗi “trầm mặc cây rừng”, vẫn nụ cười hóm hỉnh Võ Hồng.
Những trang sách cũ ấy, mỗi lần đọc lại vẫn như thấy ông còn ngồi trên chiếc ghế bành quen thuộc trên sân thượng đó, nhìn xuống dòng đời ngược xuôi bên dưới, nhìn cuộc sống vẫn trôi đi từng ngày, nhìn cây lá vẫn xanh tươi, như tên một truyện ngắn của ông, Lá vẫn xanh.
Truyện ấy được xếp loại “vui nhè nhẹ”, dí dỏm có duyên, mang đến cho người đọc những nụ cười sảng khoái, nhưng không chắc có là một trong những truyện ngắn hay nhất của Võ Hồng.
Lê Hữu
(1) Võ Hồng, trả lời phỏng vấn, Họ đã viết truyện ngắn như thế nào?, tuần báo Tuổi Ngọc, Saigon, số 28, 9/12/1971
(2) Nguyễn Mộng Giác, Doãn Quốc Sỹ, người anh khả kính, tạp chí Văn Học, CA, số 31, 8/1988
(3) Cao Huy Khanh, Sơ thảo 15 năm văn xuôi miền Nam: Võ Hồng, những truyện tình bâng khuâng, tuần báo Khởi Hành, Saigon, số 84, 12/1970
(4) Tên một truyện ngắn của Võ Hồng
* Ảnh: Võ Thị Diệu Hằng
- Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút
- Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn
- Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định
- Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định
- Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định
- Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn
- Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định
- Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận
- Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn
- “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định
• Những truyện ngắn hay nhất của Võ Hồng (Lê Hữu)
• Gia Tài Của Võ Hồng (Nguyễn Lệ Uyên)
• Võ Hồng, Nhà Giáo (Nguyễn Vy Khanh)
• Tản Mạn Về Võ Hồng (Trần Hoài Thư)
(Vương Trùng Dương)
Mùa Vu Lan Nhớ Nhà Văn Võ Hồng
(Thích Giác Tâm)
Võ Hồng Luôn Nặng Lòng Với Quê Hương
(Nguyễn Lệ Uyên)
Hoài Cố Nhân (Đặng Tiến)
Nhà văn Võ Hồng qua thơ Trần Ngọc Hưởng
(Lê Ngọc Trác)
Võ Hồng và những dòng chữ kỷ niệm Tuy Hòa (Trần Củng Sơn)
Đọc Truyện Của Võ Hồng (Liễu Trương)
Võ Hồng, Những Lần Gặp Gỡ (Mang Viên Long)
Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” (Đỗ Hồng Ngọc)
Hình Ảnh Người Cha Qua Những Tác Phẩm Của Nhà Văn Võ Hồng (Cao Thanh Tâm)
• Lời Sám Hối Của Cha (Võ Hồng)
• Kỷ Niệm Với Doãn Dân (Võ Hồng)
• Một bông hồng cho cha (Võ Hồng)
Tác Phẩm Võ Hồng (tuvienqungduc.com)
Trang Thơ Võ Hồng (thivien.net)
Nửa Chữ Cũng Thầy (ngo-quyen.org)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |