Kịch tác gia Vi Huyền Đắc
(1899 - 1976)
Năm 1930, nhân một bài Hoàng Tích Chu ai điếu một bạn du học bên Pháp mới qua đời, chúng tôi được thư ông Vi ở Hải phòng cho biết bạn đó cũng là chí thân với mình và mời chúng tôi xuống chơi một bữa để hỏi thêm chi tiết, chúng tôi dành một buổi trưa thứ Sáu phát hành báo xong là ngồi xe lửa xuống Cảng.
Họ Vi bấy giờ làm đại lý cho sở xi măng cư ngụ một khu nhà khang trang bên Hạ lý. Tuy là tay kinh doanh bề thế, song cũng là một nhà văn nghệ nổi danh, tự gây lấy lưng vốn vững chãi về Pháp văn và nho học, lại bẩm tính hào hoa phong nhã, nên cuộc hội ngộ mới trong sơ giao mà tâm ý đều hợp. Quả là “hải nội còn tri kỷ, ngàn dặm như láng giềng” vì đến lúc thân mật anh em, mới biết anh vốn là gốc Nùng ở Mang nhai (người Tàu đọc là Móng cái, ta gọi theo) thì Nùng với Việt đâu còn xa lạ nữa...
Về văn nghệ, anh ưa môn kịch và chủ trương khác thông thường: thông thường đặt đề tài rồi mới dựng nhân vật, thì anh tìm nhân vật trước đã, để rồi nội tâm và cá tính của nhân vật tự thúc đẩy theo diễn biến tự nhiên. Anh đã thành công trong quan điểm này khi dựng vở “Anh Ký Cóp” và “Thành cát tư hãn”. Sau này anh để công phu vào vở “Uyên ương” (truyện Dương quý phi) mà rồi anh chuyển sang tiếng Pháp dưới nhan đề “1’Eternel Regret” được giải thưởng của ban Jeux Floraux tỉnh Nice.
Thế rồi gặp khủng hoảng, báo Đông Tây bị rút phép, Hoàng Tích Chu lìa đời... Tôi buông theo cuộc lãng du, khi viết Duy Tân, Nhật Tân, Hải Phòng, khi thăm báo Thanh Nghệ Tĩnh ở Vinh hay gặp lại bạn Đào Duy Anh ở Huế, khi tá túc nhà bạn Việt thần ở Đà Nẵng hay sốt rét trong bệnh xá Bồng Sơn, khi làm mấy tháng nơi văn phòng luật sư Dương Văn Giáo ở Sài gòn, rồi 1935 trở ra viết giúp mấy tờ Ích Hữu, Tiểu thuyết Thứ bảy, Đông dương tạp chí... Lần thâu ngày tháng cho đến lúc đất nước bổ đôi, lẽo đẽo vô Sài thành thì tái ngộ anh Vi năm 1955.
Nơi Ngã năm Bình hòa, cạnh khu nghĩa trang ngổn ngang mồ giát đá răm, anh tìm được căn nhà xinh xắn, sân sau vườn trước, rõ là "có cây có đá sẵn sàng” thêm có chị kế là nữ sĩ Thục đức mà đặc điểm là đương độ nhan sắc thướt tha, không hiểu vì sao lúc nào cũng băn khoăn lo vân vân bóng xế...
Căn nhà được mệnh danh là Hoàng mai hiên, dưới mái giai nhân tìm hứng bên hoa cỏ, trong khi tài tử khom lưng ngồi dịch sách Tàu. Bộ “Kinh hoa yên vân” của Lâm Ngữ Đường ba quyển “Khói lửa kinh thành” - “Bi kịch trong đình viên” - “Khúc ca mùa thu” đã dịch xong, chỉ mới “Khói lửa kinh thành” được xuất bản. Thấy tiểu thuyết Quỳnh Dao được hâm mộ, anh viết thư cho tác giả để xin phép dịch (anh làm việc gì cũng giữ đủ phép tắc) bấy giờ mới khám phá ra có nhiều bản Quỳnh Dao đã dịch rồi nhưng là giả hiệu. Thì ra danh tiếng hay bị lợi dụng: đồ thật một khi nổi giá là có ngay đồ giả phỏng theo cho dễ kiếm lời. Do đó, chỉ trông vào sức mình, giữ thành thực với chính mình, thì nghề văn ít khi đủ nuôi sống. Vì thế Vi quân thường sống trong một mối lo thường xuyên: lo nợ.
Khi Thục đức lâm bệnh thình lình rồi một buổi sáng phòng hương lạnh lẽo, anh khóc bằng hai câu chí tình:
Anh dại vô cùng, lo nợ vẫn còn vương nợ mãi
Em khôn bất trị, sợ già nên vội tránh già ngay
Sau mùa xuân thê thảm 1975, anh đến thăm tôi mấy lần. Rồi Vi Giác con anh ở Bắc vào đón, nhưng ra đến Hà thành anh nhuốm bệnh phải vào điều trị ở Bạch mai và từ trần đầu năm 1978.
Nghe tin này, tôi chợt nhớ đôi câu đối tặng anh khi trước:
Cuộc đời có có không không
Can chi phải lấy không làm có
Tình người hư hư thật thật
Hại gì đâu coi thật là hư (1)
Khi anh còn, anh đem kịch vào đời, đời vốn đã là kịch. Nay anh mất, là anh đã “qui chân” như nhà Phật nói, thì câu đối kia vẫn có thể viết lại để nhớ anh, khi anh đã xem “tấn hài kịch trăm màn khác nhau” đến màn cuối cùng...
_________________
(1) Câu này tóm lại ý nguyên văn chữ Hán:
Thế sự tổng qui không
hà tất dĩ không vi thực sự
Nhân tình đa thị giả
bất phương tượng giả tác chân thành.