1. Head_

    Tuấn Huy

    (..1933 - 24.2.2012)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Văn Hóa Việt Nam - Miền Nam (Viên Linh phỏng vấn) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      09-11-2012 | VĂN HỌC

      Văn Hóa Việt Nam (Miền Nam)

        VIÊN LINH phỏng vấn
      Share File.php Share File
          

       

      Trong vài năm nay, hoặc thấy tận mắt hoặc từ Hải ngoại nghe nói: Miền Nam thua cộng sản trên mặt trận chính trị, không yếu kém về quân sự mặc dầu thua trận đánh cuối cùng, và ngược lại, trước sau Miền Nam đều thắng trên mặt trận Văn hóa văn học Nghê thuật, và mặt trận Văn hóa mới là mặt trận mà cả một thể chế bền vững hay sẽ sụp đổ vì nó. Tới nay vừa đúng 37 năm Ngày 30 Tháng Tư, người Việt đã thấy thế nào là bộ mặt thật của chủ nghĩa xã hội, và chưa có lý do gì để tin rằng sẽ có "một chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người," như niềm mong mỏi của người bạn vong niên của tôi, nhà thơ Nguyễn Sỹ Tế, người đã trải qua 13 năm trong các trại tù tập trung tại Việt Nam sau 1975. Sẽ không nơi nào trên trái đất có một chủ nghĩa như thế. Và người ta vẫn thấy tác phẩm "Trại Súc Vật" (Animal Farm) của George Orwell xuất bản từ năm 1946 vẫn còn giá trị.


       

      Loạt bài phỏng vấn của Viên Linh trên tuần báo Khởi Hành từ tháng 6,7,8-1969
       (nguồn: Khởi Hành 186, 4-2012)

      Một xã hội không Văn hóa là một hỗn mang đổ vỡ từ đáy tầng, bất cứ lúc nào.

      Năm nay, đánh dấu 37 năm lưu vong, tôi giở lại cuộc phỏng vấn về "những vấn đề Văn hóa" đã đặt ra với một số nhà trí thức nhân lúc Miền Nam sửa soạn thực thi một điều khoản trong Hiến Pháp: Thành lập Hội đồng Văn hóa Giáo dục, trên đường đi đến thành lập Hàn Lâm Viện. Để cho trung thực, xin đăng lại cuộc phỏng vấn tôi đã thực hiện và đăng tải trên Tuần báo Khởi Hành liên tiếp trong nhiều số, kể từ tháng 6. 1969, qua tháng 7, tháng 8 sau đó (Khởi Hành ra hàng tuần).


      Ngày nay, đọc lại các phát biểu của những người được phỏng vấn, người đọc sẽ thấy những bất cập, những kỳ vọng không thành, và sẽ buồn vì sự phân hóa, vong thân, thiên kiến, của một hai nhà văn hóa tham dự. Và nếu so sánh với bộ mặt văn hóa của Việt Nam ngày nay, 43 năm sau cuộc phỏng vấn năm 69, chúng ta sẽ thấy, và tôi ao ước, phải chi Việt Nam ngày nay tiến tới gần gần cái mức độ văn hóa của Miền Nam những thập niên '60 của thế kỷ trước. (Không phải một nhà biên khảo, trong khi là một nhà báo, không có thì giờ giở lại tài liệu cho chính xác để viện dẫn - tôi nhớ khoảng mười năm trước, có nghe rằng sau khi tới thăm lại Việt Nam, thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nói rằng, - để tiến tới mức độ xã hội Miền Nam Việt Nam thời thập niên '60, Việt Nam cần khoảng 100 năm nữa - come back to the future!)


      Bài này sẽ dùng lại cả hình ảnh các tác giả chúng tôi đã dùng trong loạt bài năm 1969.


      "Thường tự cho là một quốc gia có bốn nghìn năm văn hiến, Việt Nam trước thế giới hôm nay không hề được dương danh bởi một công trình văn hóa nào. Trong nước, một nước văn hóa bốn ngàn, thủ đô không có Hàn Lâm Viện, không có Hội Đồng Trí Thức. Trí thức Việt Nam, nếu có, cũng ít khi lên tiếng về một vấn đề tưởng là cần tới sự lên tiếng của họ. Tình trạng này dường như không do bản thân người trí thức, mà do sự khiếm khuyết những tổ chức bảo trợ. Nhưng hơn một năm nay, Nhà Nước đã có một phủ, gọi là Phủ Đặc Trách Văn Hóa.


      Trong khi chờ đợi một Đại Hội Văn Hóa hẳn sẽ được triệu tập, một kế hoạch văn hóa có thể sẽ được công bố, Khởi Hành mở cuộc phỏng vấn một số nhà giáo, nhà văn tên tuổi, về những vấn đề văn hóa cấp thiết. Cuộc phỏng vấn được thực hiện với hy vọng tờ báo này sẽ là nơi phát biểu những ý kiến quí báu về Văn Hóa của những giáo sư, những nhà văn đã từng được biết tiếng từ nhiều năm nay trong lãnh vực Văn Hóa, trong phạm vi Giáo Dục:


      - Nguyễn Sỹ Tế, 47 tuổi, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Trường Sơn, tác giả nhiều bộ sách giáo khoa có giá trị, còn là một nhà phê bình, một nhà văn. Tác phẩm gần đây nhất của ông là tập Chờ Sáng.


      - Tam Ích, từ những năm 1940, lúc ông bắt đầu 25 tuổi, đã là tác giả nhiều bài tiểu luận văn nghệ triết lý, nòng cốt của nhóm Chân Trời Mới, tác giả tập khảo luận Văn Nghệ và Phê Bình, và hiện nay là giáo sư Viện Đại Học Vạn Hạnh.


      - Mặc Đỗ, một nhà văn có chân trong nhóm Quan Điểm, tác giả Siu Cô Nương, Bốn Mươi, Tân Truyện. Mặc Đỗ còn là một trong vài dịch giả uy tín nhất hiện nay. Ông đã chuyển sang Việt Ngữ những tác phẩm có thể gọi là tiêu biểu của Hemingway (The Old Man and The Sea), của Francois Mauriac (Thérèse Desqueyroux), của Sommerset Maugham (Il Suffit D'une Nuit)...


      - Nguyên Sa, nhà thơ, nhà giáo.


      - Nguyễn Hiến Lê, là một tác giả đã cung ứng cho ít nhất hai thế hệ độc giả ở cả Bắc lẫn Nam những cuốn sách bổ ích, những công trình soạn thảo và dịch thuật công phu. Dưới ngòi bút thận trọng của ông, lối vài trăm cuốn sách đã được hoàn tất, về nhiều lãnh vực, mà phần lớn là trong hai lãnh vực giáo dục, văn học. Ông làm việc bền bỉ, đều đặn, và tác phẩm của ông mang giá trị lâu dài, rõ rệt, ở ngoài những giai đoạn. Tuy bận rộn, ông vẫn gửi cho Khởi Hành bài trả lời về cuộc phỏng vấn.


      - Ngô Trọng Anh, hiện là Phụ tá Kế hoạch Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh. Ông Anh, ngoài công việc nhà trường, còn đứng chủ biên tạp chí Tư Tưởng, cơ quan nghiên cứu Thuyết Lý và Văn Học duy nhất hiện nay, cũng còn là một diễn đàn tư tưởng Phật giáo cấp tiến rất uy tín và rất ảnh hưởng trong giới trí thức trẻ tuổi.


      - Nguyễn Văn Trung, giáo sư trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, là một cây bút quen thuộc trên nhiều lãnh vực. Những nhận định của ông về văn học, về triết lý, về chính trị, từng được theo dõi không ngừng. Ông luôn luôn có mặt trong các sinh hoạt văn hóa, luôn luôn lên tiếng trước các vấn đề thời cuộc sôi nổi Nguyễn Văn Trung được coi như một cây bút thuộc nhóm các nhà văn Thiên Chúa Giáo cấp tiến. Trước kia ông đứng chủ biên các tạp chí Đại Học, và Hành Trình, mà tờ sau này tuy phổ biến công khai nhưng vẫn bị coi như một tờ báo lậu, bị cấm đoán.


      Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      Dưới đây là 4 câu hỏi chung đã gửi tới các vị trên.


      1. Ông cho biết ý kiến của ông về danh từ Văn Hóa?

      2. Ông nghĩ thế nào về tình trạng Văn Hóa Việt Nam trong chiến tranh? Và sau này khi chiến tranh chấm dứt?

      3. Trong sinh hoạt tinh thần cá nhân hoặc với công việc đang đảm nhận trong lãnh vực văn hóa, ông có thể cho độc giả Khởi Hành biết những gì ông đang theo đuổi?

      4. Ông vui lòng cho biết ý kiến về chính sách Văn Hóa của nhà nước hiện nay?


      NGUYỄN SỸ TẾ



         Nguyễn Sỹ Tế (1922 - 2005)

      1. Văn Hóa là việc con người vận dụng trí tuệ mẫn cán và bàn tay khéo léo để chinh phục đời sống ngày một tốt đẹp, xứng đáng hơn trong ý nghĩa đoàn kết không gian và thời gian với đồng loại.

      Văn Hóa mang ba yếu tính: đó là một hiện tượng con người, một hiện tượng xã hội, và một hiện tượng đa diện.

      Ở tính chất nhân bản, Văn Hóa là một sự kiện đặc thù của con người, là công cuộc của ý thức tự do và tiến bộ. Và ta có thể nói "Văn Hóa là sự thắng thế của Trí Tuệ đối với Vật Chất." Ở tính chất xã hội, ta chớ nên quên cái bản năng kết đoàn của con người, cái khía cạnh thực dụng của Văn Hóa. Ở tính chất đa diện, Văn Hóa là một tổng hợp đều hòa các yếu tố phức tạp của đời sống.

      Văn Hóa là đối tượng của giáo dục: Văn Hóa có tính chất đa diện thì giáo dục cũng phải được quan niệm và tổ chức theo chiều hướng đó mới mong giúp con người thích nghi với đời sống và sáng tác cho đời sống.


      2. Tình trạng văn hóa Việt Nam trong chiến tranh cũng có phần suy đồi. Chiến tranh này là một thử thách lớn lao vào bậc nhất trong lịch sử quốc gia ta mà tôi tin tưởng rằng dân tộc ta vẫn có thể qua được một cách xứng đáng. Chưa lúc nào xã hội Việt Nam bị giao động và phân tán trong quá nhiều xung đột bằng lúc này: xung đột tâm địa và nếp sống Đông Tây, xung đột giữa ý thức quốc gia và ý thức quốc tế, xung đột giữa thái độ duy trí và thái độ duy dụng, xung đột giữa ý thức hệ Mác-Xít và ý thức hệ mở ngỏ...


      Không kể tới cái lối thoát của cuộc chiến tranh này, có một cái lợi thực sự đó là sự trưởng thành và ý thức chính trị song song với khả năng đương đầu và điều khiển một cuộc chiến tranh. Chừng nào chiến tranh chưa có phương dập tắt nơi xã hội nhân loại, chừng đó cái lợi kia vẫn còn và vẫn quí giá.


      Tình trạng văn hóa sau chiến tranh còn tùy thuộc phần lớn ở điều cuộc chiến tranh này kết thúc như thế nào. Tôi không dám quyết đoán. Phần còn lại đó là những điều mà ai ai cũng có thể dự đoán một đổi thay lớn lao trong đường hướng và bản chất, một tổng hợp phong phú hơn, chấp nhận thêm nhiều yếu tố mới từ nhiều nơi đưa lại, từ hoàn cảnh chiến tranh tạo ra. Tôi tín rằng hòa bình thì có lợi hơn chiến tranh.


      3. Dạy học, làm trường, viết văn, làm sách. Không có dự tính lớn lao nào. Giúp đỡ bằng hữu và những người có thiện chí.


      4. Tôi chưa trông thấy rõ chính sách ấy mặc dầu biết có nhiều cố gắng của nhiều vị phụ trách. Có lẽ vì những năm qua có quá nhiều đổi thay và biến động. Tôi không đòi hỏi nhiều ở thời chiến tranh thời mà công tác chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế tỏ ra cấp thiết hơn.


      Nếu đã có chính sách rồi thì nên phát huy, quảng bá, thiết lập kế hoạch thực hiện để mọi người góp ý và góp công. Nếu chưa, thì nên tìm một thể thức dân chủ thích hợp nhất để cùng tiến tới một chính sách.


      TAM ÍCH



         Tam Ích (1915 - 1972)

      1. Nói gì thì nói, về Văn Hóa, rất có thể chúng ta sẽ ít nhiều rơi vào một số ý kiến thấp thoáng đâu đó đã có trong sách của cổ nhân, hay đã có trong sách của những tư-tưởng-gia cận-hiện-đại cổ hay kim, đông hay tây, đây hay kia. Hết chỗ chen rồi: nói khác đi, cũng chẳng còn chỗ hở cho ý kiến chúng ta chen vào: chen vào để mà nói giống thiên hạ xưa nay thì cũng chẳng chen mà làm gì - trừ phi là có thể có ý tưởng "độc đáo": nhưng chuyện "độc đáo" ấy là chuyện may rủi vì, như đã xin thưa, có bao nhiêu điều đáng nói có bao nhiêu điều nói được, có bao nhiêu điều cần nói, thiên hạ cổ kim nói hết rồi!


      Ba bốn ngàn năm, thiên hạ đã bàn nát rồi: ông già thông thái nói theo lối ông già thông thái, người thanh niên nói theo nếp suy tư của người thanh niên - kể cả các em học sinh ưu tú lớp đệ tứ cũng có thể nói về Văn Hóa như thường.


      Và, về vấn đề còn "treo" đó: danh từ Văn Hóa còn đó, dung tích khái niệm chứa trong nó cũng vẫn chưa vẹn, chưa trọn, chưa gọn, chưa dứt khoát! Thực ra thì muốn dứt khoát, cũng chẳng được nào!


      Văn hữu Nguyễn Mạnh Côn cửa chúng ta, viết hai ba trang lớn về văn hóa, rồi nghịch ngợm bảo rằng văn hóa thì mù, văn minh thì què (*) - ý chừng họ Nguyễn muốn bắt đầu từ mấy chữ force aveugle chứ gì? Côn hơi mấp mé cơ cấu luận - mấp mé! Có con người là chủ thể ý thức thì có chuyện duy lý hóa (rationalisation; transcendance của Heidegger); còn lại con người ý thức đi, thì sức mạnh gì cũng là sức mạnh "mù" - trong vấn đề sử quan (histérologie)!

      Côn khôn đáo để: một cách trốn vấn đề mà vẫn nói về vấn đề được!


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Bề nào chăng nữa các bạn đã phỏng vấn, chúng tôi cũng xin thưa một vài lời.

      Số là danh từ Văn Hóa phát sinh từ chữ culture của Âu Mỹ; còn danh từ Văn Minh phát sinh từ chữ civilisation, chuyện đó ai cũng biết. Cũng là công của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu sau thời Thanh mạt bên Tầu tiếp xúc với Văn Hóa Trí Thức Âu Mỹ, rồi Nam Phong Tạp Chí của chúng ta chẳng hạn đem nó vào đất nước chúng ta, một cách chính xác. Chẳng hạn là thế!


      Hai khái niệm ấy khác nhau - chứ không giống nhau. Tôi bèn nghĩ rằng cứ giới thuyết danh từ Văn Minh đi thì rồi danh từ Văn Hóa sẽ nhờ sự giới thuyết ấy mà có mầu, có sắc, có góc, có cạnh...


      Thật tôi không dám làm mặt lạnh nữa: thì thôi, tôi cứ mượn ý của Antoine Bonifacio trong cuốn Sử về Thế Giới Hiện Đại (Le Monde contemporain) là gọn: Bonifacio là một giáo sư xuất thân từ trường lớn Đại Học Sư Phạm (Ecole Normale Supérieure) (ở phố Ulm) và là thạc sĩ về sử học - cái chuyện xuất thân ở trường to lớn ấy, chuyện đó cũng chẳng phải tuyệt đối bảo đảm giá trị sáng tạo và linh động của chất trí thức của ông ta; tuy nhiên, có điều này chúng ta phải thừa nhận: ông ta là người đến sau cổ nhân, mà lại có giá trị về trí thức; hễ đến sau mà lại giỏi thì tránh được khuyết điểm của cổ nhân, tổng hợp được cái hay của cổ nhân và thêm vào đó cái hay của chính mình rồi cộng với ý sáng tạo mới phát sinh từ luận cứ cũ, để cho ý mình mới và hợp với duy lý tính (rationalité chứ không phải rationalisme) hiện đại phát sinh từ chân trời tiến hóa mới. Xin lấy một ví dụ gần: trong vấn đề soạn ra cuốn Đại Cương Triết Học Trung Hoa, hai ông Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi đã theo cái "nếp trí thức" ấy: sách hai ông, nếu có giá trị lớn, thật chẳng phải là lạ!

      Và có cả Bonifacio đây!


      Theo Bonifacio thì Văn Minh có ba nghĩa:

      a. Nền Văn Minh là nếp sống của dân đô thị (đô thị đối với quê mùa).

      b.Văn Minh tính là toàn diện những đặc thù của một xã hội nhất định trên một khu vực địa dư nhất định, vào một giai đoạn lịch sử nhất định.

      c. Một dân tộc Văn Minh là một dân tộc không man rợ nữa (sauvage), hay là càng ngày càng làm cho ít man rợ đi!


      Tóm lại theo giáo sư Bonifacio thì trong vấn đề văn minh, dựng trên bối cảnh tiến hóa lịch sử, có vấn đề trình độ của giá trị. Người nói chuyện văn minh đứng trên hai quan điểm: quan điểm phê phán (Jugement de valeur) và quan điểm xã hội học (point de vue sociologique)! Và chúng ta suy diễn ra như thế này: dân Pymées trong rừng Phi Châu có văn hóa mà thiếu văn minh; còn dân tộc bà Nữ Hoàng Elisabeth có cả văn minh mà có cả văn hóa.


      Bỗng, từ bối cảnh giới thuyết văn minh, dung tích khái niệm văn hóa hiện ra! Và các bạn đã hỏi thì bây giờ chúng tôi xin thử giới thuyết về văn hóa.


      Theo thiển kiến của tôi: văn hóa chỉ chung tất cả tác động của con người cá nhân và tập thể đối với chính cá nhân mình, và đối với nhân-nhiên-ngoại-giới, để thỏa mãn nhu cầu nhân sinh của chính mình và của tha-nhân-giới khách quan!

      Và chúng ta - đối với tôi - không thể viện hơn ai là viện Hesserl và Heidegger!


      Số là Heidegger đã "nợ" phái duy vật biện-chứng-pháp một món nợ lớn - nhưng tiềm tàng và kín đáo - lắm! Phái duy vật biện chứng cho rằng bản thể của vạn hữu là vật chất, nhưng yếu tính (être, essence) của con người là việc làm - (le travail) và là "cái" mà họ kêu là praxis (mà thật khó dịch ra Việt ngữ cho chính xác!). Trong tất cả các sách căn bản của phái duy vật biện chứng, đều bàng bạc, thấp thoáng cái ý ấy. (Chứ yếu tính của con người không phải là thứ thực thể (entité) của các hệ thống siêu tại!...)


      Nhưng chuyện đó chưa quan thiết gì đến chúng ta: chuyện đáng cho chúng ta để ý là Heidegger đã kín đáo mượn chút "vốn" phái duy vật biện chứng, rồi đem vào "phòng thí nghiệm triết học" của ông. Ông phân tích, ông tổng hợp, ông thêm, ông bớt, ông xóa, ông bỏ, ông "nặn" ra các khái niệm về dự thể (projet), xuất tính (exister: ek-sistere), xuất chất (extase: ek-tase), thời tính (temporalité)... Tất cả những "thực thể" ấy là gì, nếu không phải là một chút bóng dáng cực vi cực diệu của cái "travail" và cái "praxis" của Marx! Và, nhất là ông nặn ra cái dasein, cái tại thế tính (être-au-monde) của ông.

      (Theo ông thì cái "thế giới" của ông, nó thuộc một cách bản thể vào cái dasein: appartuenent ontologiquement au dasein; hay nói khác đi, cái tại thế tính làm ra cái dasein: pour le dasein, la strucure caractéristique est l'être-au-monde).

      Nghĩa là: cái dasein - cũng như cái tại thế tính - nó là một "thực thể" lưỡng diện (entité biface): đứng ở phía ý thức, mà nhìn vào nó, thì nó là ý thức; mà đứng ở phía đối tượng ngoại giới mà nhìn vào nó, thì nó là khách-giới-đối-ngã; chứ chính nó, nó không phải là riêng ý thức, mà cũng chẳng phải là riêng đối tượng tự tại: nó ở "giữa", nó phải có hai "mặt"!

      Heidegger kêu trời như bộng ở điểm này vì ông cho rằng ít người hiểu cái dasein của ông - kể cả Sartre dám cho rằng pour-soidasein, vì thực ra cái pour-soi chỉ là "hai phần ba" cái dasein mà thôi!

      Và, nhất là, trong viễn tượng ấy, nó là môi trường sinh hoạt giữa người và giới khách quan ngoại tại đối tượng: đó là luận cứ căn bản chính yếu!


      Và xin thưa rõ: không có cái môi trường ấy, không có văn hóa! Không có cái dasein, cái tại thế tính, thì con người là một cục gạch xếp bên bao nhiêu cục gạch, một con lợn xếp bên cạnh bao nhiêu con lợn..., vân vân - rồi văn hóa phát sinh từ đâu, từ chốn nào hứ! Heidegger thật là chí lý vậy!


      Từ ngày trăm trứng bà Âu Cơ nở ra trăm đứa, năm mươi đứa trống và năm mươi đứa mái, là cái môi trường ấy hiện hữu! Văn hóa hiện hữu. Nói khác đi: từ ngày "cái" vô minh của nhà Phật chuyển cái Như... để cho hành trình đến Thức, từ ngày hai ông bà Adam và Eve cắn trái cây tri giác; là môi trường ấy có...

      Và Văn Hóa có! VĂN HÓA viết hoa!


      Ngày sau, con người càng tiến hóa càng có máy: con người "siêu hóa" (transcendance) thêm một lần nữa, cái máy con người thành văn minh. Thành ra văn minh là cái "đuôi" của văn hóa! Cái "đuôi" ấy, sản phẩm của duy lý học, dẫn con người đi đâu rồi ai cũng biết!


      MẶC ĐỖ


      1. Câu hỏi bắt suy nghĩ hơi lâu: Phải chăng nhà báo muốn định nghĩa thế nào là văn hóa? Làm sao gói gọn những ý kiến khá phức tạp và bao quát trong một vài câu mà không phạm lỗi phiến diện.

      Tôi có thể khái quát mà nói văn hóa bao gồm hai bình diện: bình diện thấp gồm những công trình cụ thể của con người, chủ cung cấp cho đời sống và nâng cao đời sống; bình diện cao gồm những cố gắng trừu tượng của mục đích tạo ý thức về giá trị con người và từ đó tiến xa mãi trên đường tìm hiểu vạn vật và vũ trụ. Từ người cổ sơ mài nhọn cục đá cho tới vị tu sĩ vận trí tuệ vươn tới những cảnh giới cao thẳm đều hoạt động văn hóa.


      2. Theo ý tôi, chiến tranh hay hòa bình không thật sự ảnh hưởng tới văn hóa vì bộ óc con người trong hoàn cảnh vật chất nào đều không ngừng hoạt động. Chiến tranh có thể khiến mọi người giảm những thực hiện văn hóa, nhưng trong chiến tranh con người có ý thức hơn về thân phận của mình, đó là một yếu tố ảnh hưởng tốt tới văn hóa trong tương lai. Bảo rằng chiến tranh giảm những thực hiện văn hóa cũng không hẳn đúng, yêu cầu của chiến trường ảnh hưởng mạnh tới nhịp phát triển của nghiên cứu và kỹ thuật.


      Tại Việt Nam, chúng ta có khuynh hướng lạm dụng lý do chiến tranh để che giấu những lười biếng trong thực hiện văn hóa. Chúng ta, bao gồm cả nhà nước lẫn tư nhân. Chúng ta phải nhìn nhận tình trạng có thật đó để cố gắng hơn trong tương lai, sau chiến tranh.


      3. Tôi là một nhà văn, độc lực làm việc, những theo đuổi của tôi bị giới hạn trong hoàn cảnh lười biếng chung, cho nên rất là khiêm nhượng. Từ bao lâu tôi vẫn chủ trương là văn hóa cốt yếu phải khai phóng. Tôi yêu đất nước và con người Việt Nam, tôi tin tưởng vô cùng ở tiếng Việt, nhưng không vì thế mà quay lưng lại với những cố gắng và thực hiện ở bên ngoài đất nước này, chỉ vì một lý do vu vơ: ngoại lai. Trong mười năm gần đây, Đờ-Gôn và dân Pháp kỳ thị biết mấy những gì từ bờ bên kia Đại Tây Dương ào tới, nhưng có ai đã quan sát nước Pháp mới thấy là văn hóa Mỹ len lỏi thế nào vào đời sống Pháp. Tuy vậy những gì là tinh hoa của dân tộc Pháp vẫn không mất. Nhận định này còn có thể đặt rộng ra những địa vực khác, ai dám chối cãi là Nga và Đông Âu Cộng Sản, từng đóng kín cửa như thế nào, không bị tràn ngập ảnh hưởng Tây phương. Tôi nghĩ rằng những dân tộc là những lò tôi luyện nhận cùng một lúc nhiều nguồn nhiên liệu khác nhau, cần có chiếc lò tốt và những kỹ sư tài giỏi, chất thép đúc ra sẽ tốt. Chiếc lò của chúng ta xây cất từ bốn ngàn năm nay có chắc còn tốt không, những kỹ sư thay nhau trông nom chiếc lò đó có thật sự đủ khả năng hay không, đó là vấn đề chúng ta phải bình tĩnh mà nghiên cứu, không chút mặc cảm. Còn nói ra hay viết ra những lời to tát, nghe cho sướng tai, không có thực chất xây dựng, tôi e rằng vừa không bảo tồn được tinh hoa của dân tộc vừa không đổi mới được con người Việt Nam cho xứng vừa với thế kỷ hiện tại.


      4. Theo chỗ tôi biết, từ ngày Việt Nam độc lập đến nay chúng ta chưa hề có một chính sách văn hóa. Không có thì làm sao mà bình luận được.


      NGUYÊN SA



      Nguyên Sa (1932 - 1998)

      1. Tôi xin miễn trích dẫn những định nghĩa về hai chữ văn hóa ở trong những tự điển và sách vở khác nhau vì mỗi người đều có thể tìm thấy những cái đó. Do đó tôi xin phép được trình bày ít ý kiến cá nhân:


      Với tôi văn hóa có khi được sử dụng theo một nghĩa rộng, bao hàm toàn thể những sinh hoạt tinh thần của con người chạy dài từ phong tục tập quán, văn nghệ, đến triết học, khoa học và kỹ thuật. Có khi dùng được chữ này theo một nghĩa giới hạn hơn: văn hóa là toàn thể những sinh hoạt văn nghệ, văn học, triết học và khoa học nhân văn. Nhưng bên cạnh những ý nghĩa rộng và hẹp đó, còn một ý nghĩa tình cảm làm quyến luyến lắm: văn hóa chính là cái trái ngược với tất cả mọi sinh hoạt nhằm hủy bỏ đời sống của con người và những khả năng đặc thù của nó như tự do, như tình ái. Những trạng thái trái ngược với văn hóa đó là chiến tranh, là những bất công xã hội, những hình thái xâm nhập và vi phạm vào đời sống tinh thần của con người như tuyên truyền, bôi lọ, chụp mũ, xuyên tạc. Bởi vì văn hóa phát xuất từ đời sống của con người như một sinh vật có tinh thần. Hủy diệt những cái đó là hủy diệt chính nó, văn hóa.


      2. Bởi vì, chiến tranh là trạng thái sinh hoạt trái ngược với sinh hoạt văn hóa, văn hóa Việt Nam, trong cuộc chiến tranh này không tránh được cuộc đổ vỡ thê thảm. Sự đổ vỡ đó là sự phân tán và tiêu hao nhân sự, sự thiếu vắng những công trình khảo cứu dài hạn và sâu sắc, những tác phẩm sáng tạo rạng rỡ, sự tăng cường những sinh hoạt bề mặt, sự hình thành những phe phái, sự sử dụng những kỹ thuật chính trị rẻ tiền như đề cao hợp tấu và kế hoạch ném bùn... Còn sau chiến tranh chấm dứt, tôi thú thực không thể tiên đoán được văn hóa của chúng ta lúc đó sẽ ra sao, bởi lẽ đơn giản là ai trong chúng ta, giờ phút này, với thân phận của những con người mà định mệnh vượt khỏi tầm tay, biết chắc rằng cuộc đời của chính mình sẽ ra sao.


      Nhưng dù sao chăng nữa, tôi nghĩ rằng văn hóa Việt Nam, trong tương lai không thể tan vỡ hơn tình trạng hiện tại của nó. Bởi vì, tôi đồng ý với tác giả Chứng Từ Năm Năm * [*L.M. Nguyễn Ngọc Lan] là dân tộc ta khi chiến tranh chấm dứt không thể đau khổ hơn trong chiến tranh.


      3. Công việc văn hóa mà tôi đang theo đuổi, giản dị.

      a. Tôi đang sửa bài cuốn Descartes Nhìn Từ Phương Đông, một tác phẩm biên khảo triết học, do nhà xuất bản Trình Bày ấn hành.

      b. Tôi hy vọng được tiếp tục sửa bài in hai cuốn, Những Năm Sáu Mươi, một cuốn thơ, gồm những bài đã in lẻ tẻ và chưa in, những bài đã làm trong khoảng thời gian 1960 - 1969, và cuốn truyện Vài Ngày Trên Bãi Biển, nếu được phép của Sở Kiểm Duyệt. Những tác phẩm này đã viết xong và đều do nhà Trình Bày phụ trách việc xuất bản.

      c. Hiện tôi đang viết cuốn đầu của của bộ Tây Phương Triết Sử.


      Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      4. Nhà nước, từ 1954 tới nay đều có một số sinh hoạt văn hóa biểu lộ qua sự viện trợ hiện kim hay hiện vật cho một số tạp chí hay tuần báo, qua việc làm của Sở Kiểm Duyệt, sự tổ chức và phân phát những giải thưởng văn chương, diễn văn của nội các này hay nội các khác, cũng như trong việc thiết lập những cơ chế như Hội Đồng Giáo Dục, Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục, xây cất Thư Viện Quốc Gia, ngân khoản mà những cơ quan lập pháp dành cho các ngành sinh hoạt như văn khố, thư viện, bảo tàng...


      Nhưng những công việc văn hóa đó thường rời rạc, thiếu phối hợp, không cấu thành một chương trình quy mô phản ảnh một chính sách nào đó nhưng không phải là một chính sách đứng đắn. Hơn nữa, trong những công việc lẻ tẻ, như giải thường văn chương, hội này hội nọ, gười ta cũng có thể nhìn thấy nhiều khuyết điểm như không nắm vững vấn đề nhân sự, không đủ tin ở các nhà làm văn hóa nên thường đặt xen kẽ vào đó những người không được giới văn hóa xác nhận là có khả năng, bị chi phối bởi những áp lực của các phe nhóm văn hóa, áp lực như tôi đã nói bởi những kỹ thuật đánh bóng và ném bùn của các phe nhóm nhằm giành giật cho người của mình được mời vào ban giám khảo này, vào hội đồng nọ, được giải thưởng kia. Sự không am hiểu hoàn cảnh và nhân sự của nhà nước, phối hợp với những chọn lựa bị lái bởi những luồng dư luận có tổ chức làm cho phần lớn những sinh hoạt đó trong dĩ vãng không đạt được những kết quả nào.


      Sự thiếu phối hợp, thiếu ý thức, thiếu tổ chức quy mô của nhà nước cộng với những thất bại mỗi khi làm đã đưa nhiều người đến chỗ xác nhận như một than trách là nhà nước không có chính sách văn hóa nào cả. Tôi nghĩ rằng sự than trách đó cũng không cần thiết vì tôi đã và còn quan niệm rằng nhà văn chỉ có cái số phận mà dân tộc nó có. Con người quanh ta còn chết chóc, còn vất vá vì miếng cơm manh áo, còn là nạn nhân của những bất công, còn chưa được hưởng một chính sách kinh tế vững chắc, một an toàn cho thân xác và gia đình, làm sao ta có được một chính sách văn hóa?


      Văn hóa là đau khổ với những đau khổ của đồng loại, buồn bã và phẫn nộ với những buồn bã và phẫn nộ của bằng hữu. Không đòi đời sống cho người muốn sống, đời sống tạm ra người cho người sống như vật hai chân, tình yêu cho người cô đơn mà đã lo hướng đến việc đòi hỏi một chính sách văn hóa to lớn như thế này, một sinh hoạt văn hóa rầm rộ như thế kia, rút lại, chỉ là khao khát chỗ đứng bày biện của bầy hạc gỗ.


      NGUYỄN HIẾN LÊ



        Nguyễn Hiến Lê (1912-1984)

      1. Có người hiểu danh từ Văn Hóa theo một nghĩa rộng bao gồm mọi hoạt động của con người. Riêng tôi khi dùng danh từ đó thì chỉ cho nó một nghĩa hẹp, trỏ những hoạt động về tôn giáo, triết lý, giáo dục, chính trị, triết học, văn học, nghệ thuật, khoa học.


      2. Trước nữa thì không có gì đáng kể, nhưng trong khoảng mười lăm năm nay, tư nhân chúng ta chịu hoạt động về văn hóa đấy. Trường học mọc ra rất nhiều, phẩm còn kém nhưng lượng đáng kể đấy chứ. Sách báo ra cũng mỗi ngày một nhiều nhờ số học sinh mỗi ngày một tăng. Trong giới Phật giáo đã có vị đề nghị một chương trình hiện đại hóa, theo tôi, rất hợp lý. Bên Ki Tô giáo gần đây chúng ta cũng thấy nhiều vị có tinh thần khoáng đạt hơn hồi trước, hồi nhà Ngô đương mạnh. Các tôn giáo đã chú trọng tới các công việc xã hội hơn, tới chính trị, chiến tranh, tới tương lai của dân tộc, chứ không phải chỉ riêng của đạo mình. Về khoa học, chưa có gì tiến bộ, nhưng về văn học nghệ thuật (tiểu thuyết, học, nhiếp ảnh, nhạc) có tiến bộ đấy.

      Xét chung hoạt động có vẻ lộn xộn, phần xấu lẫn phần tốt, nhiều người chỉ nghĩ tới việc ăn xổi ở thì, điều đó không sao tránh được trong hoàn cảnh chiến tranh; nhưng chúng ta phải nhận rằng trong mọi giới: chính trị, kinh doanh, sản xuất... chỉ có giới làm văn hóa xây dựng được chút gì, bằng những phương tiện rất khiêm tốn.


      Làm sao có thể biết chắc được hết chiến tranh tình trạng văn hóa sẽ ra sao. Chúng ta chỉ có thể mong rằng nó tấn bộ hơn, phát triển mạnh hơn: chương trình các trường học sẽ hợp lý hơn, sẽ đủ trường, đủ lớp, các tôn giáo sẽ đoàn kết với nhau, hoạt động mạnh trong cá công việc xã hội hơn, bọn văn nhân nghệ sĩ sẽ nhắm vào việc phục vụ quần chúng hơn; các tác phẩm đồi trụy sẽ bị sa thải, sẽ có nhiều tác phẩm đứng đắn, dài hơi hơn, thâm thúy hơn, vân vân...


      3. Tôi vẫn tiếp tục theo con đường tôi tự vạch cho tôi từ hai chục năm nay: biên khảo về Việt ngữ, về cổ học phương Đông, phổ biến những kiến thức mới của phương Tây mà tôi xét là có lợi cho thanh niên thời đại này.


      4. Nhà nước hiện nay có chính sách văn hóa nào không? Hô hào "khai phóng" thì không khai phóng, chỉ thắt chặt. Hô hào "đề cao dân tộc" mà hễ vạch những hậu quả tai hại của văn minh ngoại lai thì kêu là "đụng chạm." Chẳng còn ai hiểu gì cả. Ủy ban điển chế văn tự hai năm nay đã điển chế được mấy chữ? Vài năm đặt một vài giải thưởng, chưa thể gọi là một chính sách được. Còn xét những sách của các cơ quan giáo dục, văn hóa in, tôi chưa nhận ra một đường lối nào cả. Được ít cuốn có giá trị như Kinh Thư của cụ Thẩm Quỳnh, dịch Kinh Thi của ông Tạ Quang Phát... còn nhiều cuốn tầm thường lắm mà vô ích nữa. Mà phương tiện nhiều chứ có ít đâu, nghe nói có năm tiền viện trợ tiêu không hết, phải trả lại! Một số người - tôi không nói là hết thảy - cơ hồ làm văn hóa vì danh, vì lợi chứ không phải vì yêu văn hóa. Và hình như cũng có đảng phái nữa.


      Nhưng chúng ta cũng chẳng nên lấy làm lạ. Trong các nước dân chủ kiểu Tây phương, làm văn hóa theo nghĩa hẹp: viết lách là tư nhân, chứ không phải là chính quyền. Chúng ta cứ lặng lẽ làm việc tùy phương tiện của mình, đừng nên trông cậy gì ở chính quyền hết.


      NGÔ TRỌNG ANH



           Ngô Trọng Anh

      1. Văn hóa có nhiều nghĩa, muốn hiểu sao cũng được. Theo chữ Kultur của Đức thì đó là đặc tính sống động của một dân tộc gồm những tác phẩm văn chương hay nghệ thuật cùng những di sản truyền thống do lịch sứ để lại (patrimoine của Pháp) theo chữ Culture của Pháp thì đó là những kiến thức bách khoa mà con người cần phải cố gắng lĩnh hội trong tinh thần cải thiện và trau dồi bất vụ lợi (buidung của Đức). Theo chữ Culture của Anh Mỹ thì Văn Hóa có tính chất xã hội và được định nghĩa theo Taylor như sau: một tổng hợp phức tạp gồm những kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật tập quán, luật lệ, phong tục, những khả năng và thói quen do con người đạt được với tư cách phần tử xã hội.


      Qua những định nghĩa trên thì ta thấy người Đức hướng về tâm linh, người Pháp hướng về lý tưởng và người Anh hướng về thực tiễn. Ngày nay vì sự tiến bộ vượt bực của phương tiện thông tin (báo chí tranh màu, sách bỏ túi, vô tuyến truyền thanh truyền hình, phim ảnh, máy thâu băng, thâu hình v.v...) cho nên văn hóa lý tưởng và tâm linh phải nhường bước cho văn hóa thực tiễn theo định nghĩa một chiều của Taylor. Một chiều vì chữ "đạt được" (acquises) trong câu: "do con người đạt được với tư cách phần tử xã hội". Trong một tập đoàn bao giờ cũng có hai loại hội viên: sáng lập hay hoạt động hội viên và hưởng thụ hay bị động hội viên. Với chữ đạt được Tylor loại hẳn sáng lập hay hoạt động hội viên. Do đó văn hóa tâm linh và lý tưởng phải nhường bước cho VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG.


      Nhược điểm của văn hóa tâm linh và lý tưởng Tây phương là vì không có tánh chất SỰ chỉ có LÝ cho nên thiếu thực tế. Sở dĩ như vậy có lẽ vì xưa phương tiện phổ biến kém cho nên họ không quan niệm rằng: Những ý tưởng lãnh đạo thế gian được (les idées menent le monde) và chỉ thâu hẹp văn hóa vào giới trí thức không mở rộng cho người khác thụ hưởng dễ dàng.


      Văn hóa đại chúng lại dùng phương tiện phổ biến quá mạnh đôi khi lợi bất cập hại vì công thức: những ý tưởng lãnh đạo thế gian, có thể gây chiến tranh nếu ý tưởng biến thành ý thức hệ. Sự kiện này rất dễ xảy ra vì văn hóa đại chúng thiếu người lãnh đạo sáng suốt sẽ biến nhân loại ra có mỗi một hạng xã nhân: "mid-cult" có văn hóa lương ương gồm toàn những người trẻ mà đã cụ non và người già mà còn ấu trĩ rất dễ bị xô đẩy vào một cuộc chiến tranh rùng rợn không bao giờ chấm dứt như ở Việt Nam: đó là chiến tranh tâm lý.


      2. Tình trạng văn hóa Việt Nam trong chiến tranh là tình trạng của văn hóa đại chúng gây chiến tranh tâm lý. Ở miền Nam không có người lãnh đạo văn hóa cho nên không có chuyện sáng suốt. Ở miền Bắc có người lãnh đạo văn hóa nhưng lại hướng văn hóa đại chúng vào ý thức hệ, họ lại thiếu sáng suốt.


      Tôi không tin rằng chiến tranh tâm lý mà có thể chấm dứt được nếu không bắt đầu với một sự cách mạng văn hóa - đảo ngược giá trị tư tưởng theo Nietzche.


      3. Tôi đang cộng tác với Đại Học Vạn Hạnh trong tinh thần "trở về căn nguyên" của mọi tư tưởng để cố gắng đem thêm phần SỰ vào văn hóa tâm linh lý tưởng, và phần LÝ vào văn hóa xã hội đại chúng. Lý và Sự theo tinh thần Hoa Nghiêm mà tôi đã nhiều lần trình bày trong "Tư Tưởng" * [* Tư Tưởng, tạp chí hàng tháng của Viện Đại Học Vạn Hạnh].


      Văn hóa do đó được chúng tôi hiểu theo danh từ Hóa đạo. Chữ Văn nguyên ngữ nó nghĩa là đường hay nết đồng nghĩa với chữ Lý (trong thiên văn địa lý). Chỉ khác một điểm là trong danh từ Hóa đạo, chữ Hóa (chuyển tánh-gotrabhu) được bật nổi lên trong khi trong danh từ Văn Hóa, chữ Văn lại được trọng dụng. Một đằng là cứu cánh, một đằng là phương tiện (Prajna và Upaya).


      NGUYỄN VĂN TRUNG



          Nguyễn Văn Trung

      1. Từ ít lâu nay tôi nghĩ nhiều điều kiện làm văn hóa hơn là về danh từ văn hóa, tìm hiểu những định nghĩa, quan niệm về văn hóa. Tôi không có ý nói việc tìm hiểu những quan niệm văn hóa hay đưa ra một quan niệm văn hóa là vô ích, không quan trọng; nhưng chỉ có ý nói điều cốt yếu là trước hết người làm văn hóa cũng như người nhận văn hóa phải ở trong một hoàn cảnh thuận tiện. Nói cách khác, nếu trong một hoàn cảnh không có điều kiện hoặc có nhưng chỉ làm được một thứ văn hóa nhất định thì vấn đề quan trọng không phải là bàn về văn hóa, nhưng là tranh đấu cho mình, cho mọi người có điều kiện làm văn hóa, hưởng văn hóa. Nhìn vào thực trạng sinh hoạt văn hóa hiện tại, người ta thấy về biên khảo, nhiều bộ môn kể là không có gì, một vài bộ môn khác có sinh hoạt, nhưng chỉ là cố gắng cá nhân, nhất thời, lẻ loi, không đến được với đại đa số độc giả.


      Về sáng tác văn nghệ, có vẻ sầm uất, nhưng thực ra chỉ có một thứ văn nghệ được tự do, tự do viễn mơ vô thưởng vô phạt, tự do khiêu dâm, tự do thương mại, tự do chửi bới bôi nhọ cá nhân; nhưng không được tự do đụng đến thực tế xã hội, chính trị trước mặt. Đó là những thứ văn nghệ ít nhiều lẩn tránh thực tại, hoặc có đụng tới, thì lại xuyên tạc bằng cách thi vị hóa nó. Chẳng hạn văn thơ ca nhạc về người lính; ít có thái độ hiện thực sâu sắc như của Dê Húc Càn trong "Con Ong.".


      Cái thực tế xã hội, chính trị phức tạp, bi thảm hiện nay cũng như "đống rác" mà Cung Trầm Tưởng đã cảm thức trong Khởi Hành số 7. Nó là một đống càng ngày càng chất cao nằm chình ình ra đó; có một số người muốn làm ra thể không thấy nó, và quên nó đi để có thể tiếp tục, ăn, uống, nghỉ, cười đùa, vui giỡn bên cạnh đống rác. Tuy nhiên những người đi qua, lần đầu thấy đống rác, không thể không thấy đống rác xông mùi vào mũi, và do đó không thể nào thưởng thức được mùi thơm của bát phở hay ly cà phê.


      Nhưng rồi đi qua đi lại mãi, bất lực, Cung Trầm Tưởng cũng quen dần, cam chịu thản nhiên, buông xuôi chẳng khác gì những người sống bên cạnh đống rác; đồng thời mũi anh cũng "đã tê điếc, không còn phân biệt được mùi rác hôi thối với hương thơm ngào ngạt bốc lên từ thùng nước lèo của người á xẩm." Sự chịu đựng chai lơ trở thành vô liêm sỉ, và trong thái độ đó, luân lý nghệ thuật... Vu vơ, xa vời như những cọng rác thối tha mà thôi.


      Người làm văn nghệ hiên nay đành lòng làm những thứ văn nghệ lẩn tránh thực tại cũng tựa người ngồi uống cà phê ở quán bên cạnh đống rác. Tất cả chỉ còn là vấn đề giải quyết nhu cầu, hay hình thức làm dáng làm điệu mà thôi.


      2. Tình trạng đống rác không phải vì chiến tranh. Chiến tranh chỉ làm cho đống rác cao hơn, tình trạng xã hội, chính trị trầm trọng hơn. Do đó, nếu có ngưng chiến, thì cũng chưa hẳn thay đổi được gì, nếu tận căn bản, không tiến tới được một chế độ chính tri hợp lý hơn, một chế độ xã hội công bằng hơn.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Nói cách khác, bao lâu chưa có được một chế độ chính trị xã hội tương đối hợp lý tiến bộ, làm văn hóa trong hoàn cảnh một nước chậm tiến, chuyên chế, bảo thủ, không phải là lẩn tránh thực tế, để làm văn hóa thuần túy, văn chương vô thưởng vô phạt, nhưng là tranh đấu tạo những điều kiện làm văn hóa đích thực, tranh đấu một cách văn hóa bằng ngòi bút, tác phẩm.


      3. Tự bản thân tôi có nhiều thay đổi nên mới đi tới một viễn tượng như trên. Cách đây 10 năm, tôi cũng đã chỉ nghệ đến làm văn hóa như một sự trình bày, giới thiệu vô tư. Nhưng bây giờ tôi không muốn nói đến những Heidegger, Jaspers, Alain Robbe Grillet v.v... nữa, hay ít ra không thể nói như ngày trước. Tôi muốn làm một sự kiểm thảo, đồng thời đánh giá lại những sinh hoạt văn hóa, văn học trong 15 năm qua. Văn chương Việt Nam, khi viết văn học sử sau này, phải chăng chỉ là thứ văn chương thành thị, công khai của những tác giả quen biết hay còn là thứ văn chương bí mật, văn chương bị cấm đoán hoặc thứ văn chương công khai nhưng không được giới văn nghệ chính cống nhìn nhận?


      Văn chương nào đích thực là văn chương? Thứ văn chương lẩn tránh thực tại, và xuất hiện như một xa xỉ, thời trang, làm dáng trí thức, một phương tiện kiếm ăn, hay thứ văn chương gắn liền với máu, lửa, hơi cay, nước mắt của những người trẻ tranh đấu chưa hề được ai nhìn nhận là nhà nọ nhà kia đăng trong các nội san, đặc san, giai phẩm, nhất là sau 1963?


      Tôi có ý định viết một bài về vấn đề này và một lời kêu gọi thu thập tất cả tài liệu, sau đó thành lập một tổ nghiên cứu lựa chọn, thực hiện một tuyển tập văn thơ biên khảo giới thiệu thứ văn chương trên.


      4. Nhà nước có chính sách về văn hóa đâu mà hỏi có ý kiến? Vì nếu có chắc đã không có "những đống rác thân yêu" theo kiểu nói của Thanh Lãng, khi lên tiếng về "tình trạng văn khố hiện nay."


      VIÊN LINH: MỘT GIỜ VỚI QUỐC VỤ KHANH VĂN HÓA MAI THỌ TRUYỀN



         Mai Thọ Truyền (1905-1973)

      Ông Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa tới Đại Lục Lữ Quán lặng lẽ như bất cứ một nhà văn nào. Trong lời diễn từ nói sau đó, sau bài diễn văn dữ dội của người chủ trương nhà xuất bản Trình Bày, sau những phát biểu ý kiến của các anh Cao Thế Dung, chủ biên tạp chí Quần Chúng; Thế Uyên, chủ trương nhà xuất bản Thái Độ, và một vài ý kiến của tôi, ông QVK đã nói trước micro, ông đến dự buổi họp mặt với tư cách một nhà văn, chủ nhiệm một tạp chí Phật Giáo.


      Ông nói, "Nếu không với tư cách đó, tôi đã ra về ngay sau bài diễn văn của ông Thế Nguyên." Sự ở lại của ông, trong buổi họp mặt của những người cầm bút đòi bãi bỏ kiểm duyệt được minh định như thế, là sự ở lại của một người cầm bút khác.


      Nhưng ông vẫn phải đón nhận sự cách biệt vốn có giữa một nhân viên chính phủ và một người tự do, dù cả hai cùng làm văn hóa. Chỉ có vài ba người tới tiếp xúc với ông. Tôi tới, tự giới thiệu là một ký giả, hơn nữa, là Thư Ký Tòa Soạn tuần báo Khởi Hành.

      Ông gật đầu: "Tôi có đọc một hai số Khởi Hành."


      Vì sự cách biệt vừa nói, các nhà văn, nhà thơ có mặt trong buổi tiếp tân đã để tôi ngồi từ đầu tới cuối, một bàn, với ông QVK. Đó là dịp để tôi có thể viết bài này sau khi đã đề cập với ông các vấn đề như Xuất Bản, Kiểm Duyệt, Tuần Lễ Sách Báo sắp được tổ chức, Vấn Đề Văn Hóa (trong khuôn khổ cuộc phóng vấn đang được thực hiện của Khởi Hành), ý kiến của ông về vấn đề Dân Chủ, về Kế Hoạch Văn Hóa của nhà nước, về Hội Đồng Văn Hóa, và những chuyện ngẫu nhiên khác.


      Cuộc nói chuyện gián đoạn mấy lần. Một lần bởi tiếng nói của Trần Dạ Từ, người chủ trương Giờ Văn Học Nghệ Thuật của Đài Truyền Hình Việt Nam, một lần bởi lời phát biểu của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, người chủ trương nhà xuất bản Sáng Tạo, một lần bởi sự xúc động của L.M. Nguyễn Ngọc Lan, khi ông nói lớn trên micro, ông sẵn sàng vào tù vì in sách lậu. Chữ lậu hiểu theo nghĩa của Sở Phối Hợp Nghệ Thuật, không hiểu theo nghĩa của điều 12 Hiến Pháp như ông nói đi nói lại. Lần khác, Vương Tân, với bút và giấy trên tay, tới phỏng vấn. Ông QVK dơ tay: tôi tới đây với anh em nhà văn họp mặt, nếu muốn phỏng vấn, hẹn anh em ở văn phòng.


      Vì thế, bài viết này không thể là một bài phỏng vấn. Tôi chỉ ghi lại một giờ nói chuyện với ông QVK, nhưng là ông QVK đến dự cuộc họp mặt với tư cách ông Mai Thọ Truyền.


      Vấn Đề Kiểm Duyệt


      Đáp câu hỏi của tôi về vấn đề kiểm duyệt, ông QVK nói:


      - Chính quyền có lợi gì khi duy trì kiểm duyệt? Trong số các anh em, biết đâu không có Cộng Sản trà trộn? Ai có thể cả quyết chỗ này không có C.S., chỗ kia không có C.S? Cả người kiểm duyệt lẫn người bị kiểm duyệt, chúng ta đều là nạn nhân của C.S.


      Đáp câu hỏi vì sao có những chuyện đăng báo rồi, mà báo có đến hàng chục ngàn độc giả, khi in thành sách nhằm một số độc giả chỉ bằng một phần mười, lại bị cấm, bị gạch bỏ, ông QVK cười nói:


      Sách quan trọng hơn báo. Báo người ta đọc một ngày rồi liệng bỏ, còn sách, người ta giữ. Tất cả những cuộc cách mạng làm đảo lộn lịch sử đều khởi nguồn từ sách vở. Ngòi bút vô cùng quan trọng. Ngòi bút cũng vô cùng tai hại.


      - Thưa cụ QVK, sách không phục vụ cho một giai đoạn.


      Xoa xoa hai ngón tay cái và ngón tay trỏ của bàn tay trái, ông QVK nói:


      - Chúng ta đang ở trong một tình trạng đặc biệt. Chính quyền phải tìm những biện pháp để an dân. Ở trong tình trạng đặc biệt đừng đòi hỏi một tình trạng bình thường.


      Khuôn mặt bình thản, chân thật, tác giả Mai Thọ Truyền nói:

      - Chính tôi cũng bị kiểm duyệt.

      Rồi ông cười, nói tiếp một câu mà tôi ghi nhớ thật kỹ:

      - Mấy ông kiểm duyệt bây giờ kém quá.


      Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      Lúc này kịch sĩ Thiếu Lang đã tới ngồi bên và có cả kịch tác gia Mĩ Tín, ngồi trên một cái ghế kê hơi xa mép bàn.


      Ông QVK giải thích:

      - Mấy ông kiểm duyệt bây giờ ít tuổi, chưa hiểu được chỗ dụng bút của nhà văn. Tôi cầm bút 18 năm nay, tôi thấy có những cái người ta chủ tâm đưa lên cao để rồi quật xuống, thì mấy ông lại gạch bỏ đi.


      Thưa cụ, -tôi nói- trên một số của tờ Khởi Hành mới đây, chúng tôi đề nghị nếu phải kiểm duyệt sách, sao chính phủ không trao việc này cho Phủ Văn Hóa làm, mà lại trao cho các cán bộ thông tin?


      Ông QVK cười:

      - Tôi là người vào sau trong một gia đình, không lẽ tôi dành lấy việc của người đến trước?


      Tuần Lễ Sách Báo


      Tôi hỏi về Tuần lễ Sách Báo được dự định tổ chức tại Sài Gòn, ông QVK cho biết Tuần lễ Sách Báo sẽ được mở vào khoảng tháng 9 tới đây tại Trung Tâm Kỹ Thuật Cao Thắng. Các nhà báo, nhà xuất bản có tham dự, hãy liên lạc với cô Nghi (?).[Đặng Phương Nghi?]


      Thưa cụ QVK, có một giải thưởng nào được dự trù cho tuần lễ triển lãm này không?


      Ông lắc đầu. Tôi nhắc đến Đại Hội Sách Quốc Tế vừa được tổ chức tại Nice * [* Đại hội này khai mạc vào đầu tháng 6 vừa qua, được 22 quốc gia gửi sách tới tham dự. Một ban giám khảo được thành lập, nhiều cuốn sách, cuối cùng, được trao giải, mà giải Meilleur Livre, được trao cho cuốn Stèles của thi sĩ quá cố Victor Segalen. [Theo tờ Le Figaro Litéraire số 1204, cuốn sách này in có 300 bản trong lần xuất bản đầu. Cuốn sách này, thật ra trong kỳ xuất bản năm 1922 in 1300 bản mà Tòa Soạn Khởi Hành có mua được một cuốn với giá 10 đồng khi nó được thải ra bán trên một hàng sách cũ tại lề đường Lê Văn Duyệt.]


      Tôi đề nghị đặt giải thưởng, chia làm nhiều giải: giải sách in đẹp nhất, giải tặng nhà xuất bản nào có số sách in mỗi năm cao nhất, một cách để tìm hiểu thị trường chữ nghĩa, làm những bản thống kê về các loại sách v.v... Ông QVK gật đầu nói là sẽ nghiên cứu đề nghị này.


      Nhân đó, ông nói sang chuyện xuất bản:

      - Làm xuất bản bây giờ thật là phiêu lưu. Số độc giả có là bao. Giỏi lắm mấy ngàn người. Tuy nhiên, phải nhận là độc giả đã tăng tiến nhiều lắm. Người đọc sách ở Việt Nam mặc dù sống trong tình trạng chiến tranh, vẫn không quên các vấn đề văn hóa. Ngoài chợ người ta cũng đọc.


      Chú thích thêm:

      Chủ đề Văn Hóa của Tuần báo Khởi Hành năm 1969 do tôi thực hiện còn được tham dự bởi vài người nữa, song vì nộp câu trả lời chậm (như nhà báo, nhà xuất bản Phạm Văn Tươi) hay thay vì trả lời, đã đề nghị viết thành bài tham luận, tiểu luận, như nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, nhạc sĩ Anh Việt nên khi có dịp, chúng tôi sẽ đăng bổ túc, đặng bạn đọc có đầy đủ tài liệu hơn về Chủ đề này. Chủ đề này lúc ấy gây quan tâm ngay trong giới trí thức, vì Quốc Hôi Việt Nam Cộng Hòa đang thảo Luận việc thành lập Hàn Lâm Viện Việt Nam: hoặc/và Ủy ban Định chế Văn tự,... do đó, người tham dự rất đông. Người thực hiện loạt bài lúc ấy còn trẻ, 31 tuổi, lại... không ở trong giới... văn hóa, "mang tiếng" là nhà thơ, nên có thể làm vài vị phiền lòng, vì quên mất họ. Tuy muộn, cũng xin cáo lỗi. Viên Linh.


      MAI THỌ TRUYỀN


      Nhà nghiên cứu và hoạt động Phật học Mai Thọ Truyền sinh năm 1905 tại Long Mỹ, Bến Tre, hiệu là Chánh Trí, thiếu thời theo học trường Chasseloup-Laubat tại Sài gòn, tham gia sinh hoạt ngành hành chánh sau tuổi 20, thời Pháp thuộc là một chức sắc cao cấp trong bộ máy chính quyền Pháp thuộc địa. Những năm '50 Mai Thọ Truyền đã trước tác và dịch thuật chuyên ngành kinh điển Phật học, tên tuổi xuất hiện trên sách báo đều đặn, có chân trong Hội Phật học Nam Việt và sau là một trong những người sáng lập Chùa Xá Lợi tại thủ đô Miền Nam.


      Thời chính phủ của Thủ tướng Bửu Lộc, ông là Phó Đổng lý Văn phòng Phủ Thủ Tướng.

      Thời Đệ nhị Cộng hòa, Mai Thọ Truyền là Quốc Vụ Khanh (hàng Bộ trưởng) đặc trách Văn Hóa.

      Một số tác phẩm của Chánh Trí Mai Thọ Truyền:

      - Tâm và Tánh, 1950

      - Ý nghĩa Niết Bàn, 1962 - Một đời sống vị tha, 1962, Tâm kinh Việt giải, 1962

      - Le Bouddhisme au Vietnam, 1962

      - Pháp hoa huyền nghĩa, 1964

      - Địa tạng mật nghĩa, 1965

      - Truyền tâm pháp yếu, 1965.

      - ...

      Ông mất ngày 17 tháng 4.1973 tại Sài gòn. Theo trí nhớ của người viết bài, ông ra đi rất đột ngột, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi báo chí phỏng vấn ông. Nếu chúng tôi nhớ không lầm, Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục, một mô hình mà Việt Nam Cộng Hòa dựng nên, là một kết quả chưa thành tựu của mô hình một Hàn Lâm Viện Việt Nam mà ngành Văn Hóa muốn hướng tới.


      Viên Linh

      (Khởi hành số 186,187&188 Tháng 4,5&6.2012)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh Viên Linh Nhận định

      - Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan Viên Linh Thơ

      - Bạch thư Phạm Huấn Viên Linh Nhận định

      - Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà Viên Linh Nhận định

      - Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi Viên Linh Nhận định

      - Ngọc Linh (1931-2002), nhà văn với bốn chữ mặn mà Viên Linh Hồi ký

      - Nỗi âu lo của nhà giáo Bảo Vân Viên Linh Hồi ký

      - Con hạc của vua Tự Đức Viên Linh Giai thoại

      - Tản Đà Và Hai Chữ Non Nước Viên Linh Hồi ký

      - Hoài Điệp Tử, nhà văn nhà báo chết trong ngọn lửa Bolsa Viên Linh Hồi ký

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc tha hương ngẫm ly hương (Nguyễn Nguyên)

      “Quần-đảo-tráo-tên”, không thể đọc một lần! (Nguyễn Nguyên)

      Người Lính Già Oregon Đã “Giã Từ Vũ Khí” (Huỳnh Quốc Bình)

      Tình xuân biển đảo: Tự sự về trường ca Quần-đảo-tráo-tên (Đỗ Quyên)

      Lạc Mất Mùa Xuân (Huỳnh Liễu-Ngạn)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)