|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị
(1877 - 1961)
Giữa mùa Hạ Nhâm Thân 1992, tôi hân hạnh nhận được Thi Tập Thơ Ca của Ưng Bình Thúc Giạ Thị (Tuyển), ấn hành bởi Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, mà nữ sĩ Tôn-Nữ Hỷ-Khương, ái nữ của Cụ, đã có nhã ý gởi tặng với mấy giòng ưu ái, nhắn nhủ nhớ mãi quê hương mình, qua câu hò điệu hát còn vang vọng mãi trên giòng nước trong xanh của con sông Hương đầy mộng, núi Ngự Bình nên thơ.
Sách dày 510 trang, bìa trước in hình ảnh của một cô gái Huế yêu kiều, đang gảy đàn tì bà nơi phượng các, còn bìa sau in chân dung của thi ông, do Phan Chi bút họa. Thi-tập gồm có 5 phần bao gồm Lời Giới Thiệu, Thơ chữ Việt, Thơ chữ Hán, Ca Huế, Ca Trù, Hò, và Tuồng. Tất cả đều do nữ sĩ Hỷ-Khương dày công sưu tập, sắp xếp có thứ tự rõ ràng và trông coi công việc ấn loát, với tấm lòng hiếu thảo hiếm có và niềm ngưỡng mộ chân thành của những nhà hảo tâm thiện ý trong nước và ngoài nước.
Xuyên qua Lời Giới Thiệu của Vương Hồng (viết nhằm tháng 11 năm 1991), chúng ta được biết những nét chính yếu về thân thế và sự nghiệp của Thi Ông Ưng Bình Thúc Giạ:
Ưng Bình Thúc Giạ quê phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, sinh ngày 9 tháng 3 năm 1877, mất ngày 4 tháng 4 năm 1961. Ông là cháu nội Tuy Lý Vương Miện Trinh, một nhà thơ danh tiếng với Vỹ Dạ Hợp Tập.
Chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa hai chữ Vỹ Dạ, thôn Vỹ mà từ xưa tới nay đã có nhiều văn nhân thi sĩ ca ngợi, trong đó có nhà thơ Hàn Mặc Tử, tác giả bài thơ bất hủ Đây Thôn Vĩ mở đầu với mấy câu:
Sao anh không về thăm thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Thuở thanh bình tôi đã về Vỹ Dạ nhiều lần để viếng tăm các cụ Ung Bình Thúc Giạ và Thảo am Nguyễn Khoa Vi. Các cụ đã ân cần giải thích cho tôi là kẻ hậu sinh hai chữ Vỹ Dạ, mà đáng lẽ phải viết là Vi Dã, theo chữ Hán, có nghĩa là cánh đồng lau sậy: vi, vi lô là lau sậy, dã, dạ (theo giọng Huế) là cánh đồng, đồng quê. Còn một chữ nữa là địch cũng có nghĩa là lau sậy, lau lách, như ta thấy trong bài trường ca Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị:
Tầm dương giang đầu dạ tống khách,
Phong diệp địch hoa thu sắt-sắt.
mà Phan Huy Vịnh xưa kia đã dịch ra thơ như sau:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu.
Thế là chúng ta đã hiểu thấu nguyên nghĩa của địa canh Vĩ Dạ, quê quán của nhiều nhà thơ danh tiếng, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng và nơi hành hương của nhiều văn nhân thi sĩ.
Còn ba chữ "Thúc Giạ Thị" có nghĩa là giòng họ (Thị ) nơi hoang vu (hoang dã) của chú (thúc), vốn là đàn em Tùng Thiện Vương.
Thân sinh của nhà thơ Ưng Bình là cụ Tiểu Thảo Hường Thiết, Hiệp tá Đại Học sĩ, con của Tuy Lý Vương. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Huệ, thông thạo chữ Hán, có cảm tác nhiều thơ Nôm. Cụ Ưng Bình đỗ Cử nhơn Hán học năm 1909, tốt nghiệp trường Quốc Học Huế, giỏi tiếng Pháp, đã đổ đầu kỳ thi Ký lục năm 1904. Ra làm quan trên ba mươi năm, lúc về hưu trí cụ được vua ban hàm Thượng Thư, Hiệp tá Đại học sĩ.
Về hưu được ít lâu, cụ được triệu ra giữ chức Viện trưởng Viện Dân Biểu Trung Kỳ, niên khóa 1939-1940. Cụ cũng đã đảm nhiệm chức vụ Hội Trưởng Hội Truyền Bá Quốc Ngữ Trung Kỳ từ 1940 đến 1945.
Theo ký giả Vương Hồng thì:
- Tuy làm quan suốt cả đời người, cụ Ưng Bình không màng danh lợi, ghét nịnh hót, luồn cúi và:
Ghét cụm bèo trôi che bóng nước,
Giận chòm mây nổi khuất vành trăng.
Phẩm hàm, chức tước của triều đình và nhà nước bảo hộ ban cho, cụ tỏ thái độ xem thường đến mức châm biếm. Thêm một chức tước đối với cụ, giống như "hàng ghế dịch lên năm bảy tấc", thăng một ngạch trật quan trường, chỉ là "Thẻ bài thêm lớn một vài ly".
Sự nghiệp thơ ca của cụ, do bà Hỷ-Khương kiểm điểm, bằng Việt ngữ trên 1000 bài, còn thơ chữ Hán có Lộc Minh Thi Tập gồm 227 bài, hát bộ có vở tuồng Lộ Địch dựa theo cốt truyện Le Cid của Pierre Corneille, nhưng đoạn sau thì hoàn toàn thay đổi, đã được trình diễn nhiều lần trong hai năm 1937 và 1938.
Ngoài ra, cụ còn sáng tác vở tuồng Tào Lao, lấy cốt truyện cổ, có tính cách trào lộng.
Những thơ ca và tuồng đã xuất bản trước kia, gồm có: Tình Thúc Giạ (1942), Đời Thúc Giạ (1961), Bán Buồn Mua Vui (1954), Tuồng Lộ Địch. Sáng tác này được xuất bản lần đầu năm 1936, tái bản năm 1959, (chúng tôi còn giữ được một ấn bản 1936), Imprimerie Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, 123 rue Đông Ba, Huế, với lời đề tặng Pháp-ngữ như sau:
- A Monsieur Paul BOUDET, Directeur des Archives et des Bibliothèques de L'indochine, Hommages de l'auteur: 31.3.42, Ký tên: Ưng Bình, Đóng dấu chữ triện Thúc Giạ Thị Bình.
Mở đầu quyển Tuồng Lộ Địch có bài tựa của Giáo sư Ưng Quả, tốt nghiệp Thủ Khoa Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội ngày xưa, ân cần giới thiệu tác giả Pierre Corneille và dịch giả Ưng Bình, đồng thời lược thuật cốt truyện Lôi Xích (Le Cid), với những thay đổi cần thiết của dịch giả. Giáo sư Ưng Quả, cũng như giáo sư Từ Ngọc Nguyên Lân, cùng với giáo sư Bửu Cân, tác giả Hán Việt Thành Ngữ (1933) là những bậc thầy của tôi, đã cho tôi nhiều ánh sáng trong thời niên thiếu, nơi trường Quốc Học. Và hơn mười năm sau khi cụ mất, ái nữ Hỷ-Khương đã góp nhặt một số ca hò để in thành Tiếng Hát Sông Hương (1972), với ít nhiều tính cách thời sự.
Nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương
Và mở đầu Thi tập Thơ Ca của cụ Ưng Bình, chúng ta rất cảm xúc đọc bài thơ khóc cha của nữ sĩ Tôn-Nữ Hỷ-Khương, mà chúng tôi xin chép một đoạn tiêu biểu như sau:
Khóc Cha
Cha với con như bóng với hình,
Vui già tóc bạc, trẻ mày xâm/.
Mến đời Lý Đỗ, say ngâm vịnh,
Ưa thú thanh nhàn, cảnh đẹp xinh.
Mà nay cha vội bỏ đi đâu?
Nỡ để mình con dạ héo sầu.
Một bóng, một hình, con lủi thủi,
Ra vào ngơ ngẩn suốt canh thâu!
Hôn cha, giã biệt, lệ tuôn trào,
Càng nghĩ, càng thêm nỗi ngán ngao!
Có có, không không, không lại có,
Cuộc đời như một giấc chiêm bao!
(Tôn-Nữ Hỷ-Khương)
Sinh tiền, thơ ca của Cụ đã cảm tác với mùa Xuân, ngày Xuân, hội hè, đình đám thì nhiều lắm, thật ra kể không hết, có bài đã ghi trong sách, có bài còn nằm trong ký ức của các bô lão, và cũng có nhiều bài đã đương nhập vào ký-ức quần chúng (mémoire collective) như là của chung của thiên hạ, kho tàng của nhân dân, đúng với thành ngữ văn thành công khí.
Theo truyền thống gia phong, mỗi độ Xuân về Tết đến, cụ Thúc Giạ đều khai bút đề thơ, yết tại nhà và gởi tặng thi hữu khắp nơi, từ Nam chí Bắc, với những lời cầu chúc cổ điển:
Minh niên khai bút, bút khai hoa,
Vạn sự giai thành, phúc lộc đa:
Đa tử, đa tôn, đa phú quí,
Đắc tài đắc lộc đắc vinh hoa.
Ban ngày thì đất hương trầm, khấn vái tổ tiên, tiếp nhận những lời chúc tụng của con cháu và gia nhân, quá Ngọ thì mở rộng môn quan để đón tiếp thân hữu gần xa, nâng cốc mừng xuân, thi ca xướng hoạ, mạn đàm đông tây kim cổ.
Đêm tới thì các cụ rủ nhau đi dạo sông Hương, sông Bồ, qua ngã Ba Sình, với vài ba tiểu đồng xách lồng đèn, theo thói người xưa ưa cổ nhân bình chúc (carpe diem của người La Mã), nhìn trời nước mông lung mà ngâm vịnh, như được diễn tả trong bài thơ:
Đêm Xuân cùng bạn dạo thuyền chơi trăng sông Bồ
Con thuyền vững lái gió không bê,
Ra giữa dòng khơi mái cạy xê.
Trộ sáo sông sâu chài bủa cá,
Tiếng tiêu đồng ruộng trẻ chăn dê.
Gương in bóng nước đôi vành nguyệt,
Liễu triệu ngành xuân mấy dặm đê.
Cụm lách ngửa nghiêng bầu Lý Bạch,
La Phù một giấc cũng đà ê.
(Thúc Giạ, 1920)
Tím năm sau, 1928, nhìn cây nêu ngày Tết Mậu Thìn, cụ Thúc Giạ đã cảm tác bài thơ sau đây:
Cây Nêu Ngày Tết
Cây nêu ngoài ngõ ngó vu vơ,
Kẻ chán tin xuân kẻ đợi chờ.
Cái én đưa thoi dồn tuổi mới,
Con tằm kéo chỉ vẹn lòng xưa.
Hỏi bao nhiêu Tết từng qua lại?
Thưa: bốn nghìn năm có lẻ thừa.
Chửa biết mai sau còn mấy nữa,
Tỉnh, say, cười khóc với hơn thua.
Đầu năm 1929, nhân lúc làm án sát Hà Tĩnh, Cụ đã hành hương làng Tiên Điền, viếng mộ thi bá Nguyễn Du (1765-1820), thắp nén hương chiêu hồn thi bá số một của nước Việt, đồng thời kính dâng bài thơ sau đây:
Kính điếu mộ cụ Nguyễn Du
Áo xiêm triều Nguyễn lúc khai ky,
Chạnh nỗi Lê vong đã thế thì!
Sóng vỗ sông Lam mòi Ngụ Tử,
Mây giăng ngàn Hống hạc Đình Uy.
Bể dâu một cuộc đời không mấy,
Hương lửa ba sánh bạn thiếu gì.
Hồn cụ có thiêng e cũng biết,
Văn chương quốc ngữ chuyện đời ni.
Bài trên này có nhiều điển tích mà chúng ta nên tìm hiểu: mòi Ngụ Tử là ngọn sóng biểu trưng hồn Ngũ Tử Tư, một danh tướng thời xưa bên Tàu; ngàn Hống là Hồng Sơn 99 ngọn Hồng Lĩnh, mộ Nguyễn Du táng tại làng Tiên Điền, phía bắc chân núi Hồng Sơn, giáp bờ sông Lam về phía nam; còn Hạc Đình Uy là theo điển Đình Lệnh Uy hóa hạc về đậu trên trụ biểu, mà chiêm ngưỡng thành quách xây dựng từ xưa.
Đến năm 1931 thì cụ Ưng Bình được bổ nhiệm Tuần Vũ tỉnh Phú Yên; để ghi nhớ ngày vào đây, Cụ cảm tác một bài thơ nhan đề: Tiết Trùng Dương ở Phú Yên, tức là Trùng Cửu (mồng chín tháng chín), mà chúng tôi xin chép lại toàn bài:
Tiết Trùng Dương
Năm ngoái Trùng dương đỉnh núi Hồng,
Năm nay lại đỉnh Núi Cù Mông.
Nhành ngô đã muộn khi thay lá,
Cụm lách bưa vừa tiết trổ bông.
Gảy khúc Nam Ai thêm chạnh nhớ,
Ngâm câu Đường Đệ những ngùi trông.
Non xưa cảnh cũ nhìn quen lạ,
Ai khách mà ai lại chủ ông?
Với bài thơ này, cụ Thúc Giạ đã nhắc lại một biến cố lịch sử xa xưa nửa thế kỷ: năm Nhâm Thân (l872), công tử Tuy Lý bị vua Tự Đức buộc đi an trí ở Phú Yên, sau những âm mưu biến loạn tại Huế bị dập tắt. Lúc bấy giờ, cậu bé Ung Bình (xem bài về Hồng Bảo) mới lên 7 tuổi, phải theo ông nội vào đây. Nay chừ, đã 55 tuổi, lại trở về trấn nhậm Tuần Vũ Phú Yên, thành ra cảm thấy bùi ngùi trong tấc dạ! Lúc nhàn hạ, Cụ dạo chơi bờ sông Cầu, nhìn bèo trôi nước chảy, mà:
Cảm thương danh lợi cả hai thằng,
Kẻ chống người chèo bộ xí xăng.
Ghét cụm bèo trôi che bóng nước,
Giận chòm mây nổi khuất vành trăng!
Gần Tết năm Giáp Tuất (l934), cụ Ưng Bình về hưu nơi gia hương Vỹ Dạ, lúc bấy giờ cụ mới được 57 tuổi, là vì cụ có ngỏ ý với triều đình: cụ muốn về hưu sớm để vui thú điền viên và cầm kỳ thi họa. Tết năm ấy, cụ hoan hỉ ăn Tết nơi quê nhà với bầu đoàn thê tử, canh mục ngư tiều, cho hợp với sở nguyện của cụ, từ nay phong trần nhẹ gánh:
Khoa danh có sẵn quan quyền có,
Của cải không gì, ruộng đất không.
Và đây là bài:
Tết năm Giáp Tuất
Tết mấy năm xưa ở tỉnh đường,
Ngày rày ăn Tết ở Gia hương.
Ba La lễ Phật chùa quan Bố,
Gia Lạc chen người chợ Đức Vương.
Mùi áo Bông - Bay chưng lắm vẻ,
Nước hoa Viễn - Đệ có mười thương.
Chuyện đời mới mãi theo năm mới,
Nhưng cũng trong vòng sắc với hương.
(Thúc Giạ, 1934)
Bài này cần được giải tích thêm cho các bạn trẻ thương yêu cố đô Huế: chùa Ba La do quan Bố chánh Nguyễn Khoa Luận kiến lập. Chợ Gia Lạc là chợ do Định Viễn Vương sáng lập. Chợ này chỉ đông một ngày đầu năm mà thôi, mà vui lắm, là vì đó là nơi gặp gỡ của trai thanh gái lịch chốn kinh kỳ, mặc sức trang phục với hàng Bombay Ấn Độ giá rẻ, màu sắc như cầu vồng tùy theo sở thích. Còn nước hoa Mười Thương (Les Dix Amours), do nhà kinh doanh Viễn Đệ (cháu tằng tôn của Định Viễn Vương) là chủ nhơn thứ dầu Khuynh Diệp, chế với lá tràm (Mélaleuca leucadendron L.) mà các cô thời đó ưa thích cả hai thứ, thì còn lo nỗi gì?
Đầu năm sau, 1935, Cụ Thúc Giạ cũng mừng Xuân với bài thơ Đường luật như thường lệ:
Hoa đào cợt gió liễu giăng tơ,
Gặp chúa xuân đâu dám hững hờ.
Thăm viếng nhau không người ở bạc,
Ăn chơi cũng lắm chuyện tình cờ.
Giật mình đứa trẻ châm phóng pháo,
Vách mảy thầy nho mở túi thơ.
Vận cũ chúc mừng năm mới tới,
Ngâm qua nhớ lại cảnh giao thừa.
(Thúc Giạ, 1935)
Tiếp đến là năm Bính Tý (1936), Cụ ngẫu hứng "mầng" một bài, lời thơ trong suốt, ý tứ thâm trầm, tâm tình nhạy cảm xem chừng như Cụ còn trẻ trung yêu đời lắm:
Mỗi năm thoi én mỗi đưa dồn
Rạng bóng thiều quang vẻ nước non.
Giồi phấn văn minh em rủ chị,
Ra trường khiêu vũ bố thua con!
Tro tàn chữ Hán nhen còn đượm,
Rượu lạt nhà Nho uông cũng ngon.
Ngay thảo khuyên nhau chừng nấy chuyện,
Dám đâu tóc bạc đổi lòng son.
(Thúc Giạ, 1936)
Tháng 11 năm ấy, cụ Thúc Giạ đi "ô-tô" ra xem Hội Chợ Hà Nội, bạn đồng du là hai vợ chồng ông Đỗ Phong, bà Đốc Sử với cô Phùng Xuân. Đúng trưa thì dừng xe nơi phà Quảng Khê (Sông Gianh, tức Linh Giang, cũng gọi là sông Ranh, làm ranh giới hồi xưa cho đàng Ngoài (Bắc Hà) và Đàng Trong (Nam Hà), để ăn cơm trưa. Cụ nhớ ngày trước, có làm án sát Quảng Bình, thường ra sông Gianh đưa đón các thượng khách, nhiều khi phong ba dồn dập, đò lật như chơi. Nay về hưu, cụ được đi du ngoạn thong thả, tự do, nên cảm thấy thích thú hơn trước, không còn bận bịu lợi danh, sân si hoa mắt. Cụ có để lại bài thơ:
Tiết trọng Đông dạo chơi Hà Nội
Hỏi tiết bưa vừa tiết trọng đông,
Ở nơi Long Quận rét như đồng.
Theo đoàn trẻ dạo đi chơi với,
Thử sức già coi có mạnh không?
Làm khách cũng chung phiên Hội Chợ,
Hơn ai là thấy cảnh vườn bông.
Chả lo chi lạnh choàg thêm áo,
Sẵn quán Đông Hưng quán ruợu nồng.
(Thúc Giạ, 1936)
Đây là Chợ Phiên Hà Nội thứ 13. Còn Vườn Bông ghi trên đây là vườn hoa của kỹ sư Nông Chánh tại làng Ngọc Hà, gần Hà Nội. Vườn này ở phía Nghi Tàm (Hồ Tây) trồng đủ thứ hoa, đua nở quanh năm, trong vườn có đường đi qua lại ngay thẳng.
Cụ nói:
- Không thấy một cánh hoa rụng, một cái lá rụng trên bồn hoa, hoặc ở lối đi, chúng tôi tình cờ được vào xem, thật là một cuộc du lãm có nhân phước đặc biệt!
Còn quán Đông Hưng là phạn điếm trứ danh Hà Thành, chuyên làm các thứ bánh trong dịp Tết và Trung Thu, ngày nay vẫn còn thịnh hành.
Từ Hà Nội trở về Huế, cụ phải trông coi việc tập luyện đào kép sắp diễn tuồng Lộ Địch, phỏng theo tuồng Pháp Le Cid của Pierre Corneille.
Ngày mồng 4 tháng Giêng Đinh Sửu, nhằm ngày chủ nhật 14 Février 1937, liền sau 3 ngày Tết, tuồng Lộ Địch đã được cụ Thúc Giạ phiên chuyển sang Việt ngữ với nhiều thay đổi, để cho phù hợp với luân lý Á Đông, đã long trọng khai diễn tại rạp Bà Tuần, ở Ngã Giữa, tức là đường Đông Ba, Huế. Rạp này của bà Đặng Ngọc Oánh, chuông bà đã từng làm quan to nơi Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ, về sau được chuyển sang ngành Hành Chánh cao cấp ngoài Bắc (Tuần Vũ), lúc hưu trí thì về Huế rồi mất. Bà vợ mở rạp Đồng Xuân Lâu quen gọi là rạp Bà Tuần.
Tuồng Lộ Địch đã được cụ Thúc Giạ thay đổi đoạn cuối, nơi phần nói về viễn tượng nhà vua khuyên Chi Mạnh nên để cho thời gian băng bó vết thương lòng, rồi sẽ lấy chồng là Lộ Địch, vừa là người yêu, vừa là kẻ thù đã giết cha mình để phục hận cho cha đã bị hạ nhục bởi cha của Chi Mạnh. Vê đoạn này, cụ Thúc Giạ đã có sáng kiến đặc biệt Á Đông, buộc nường Chi Mạnh phải xuống tóc đi tu nơi chốn thiền môn, cố gắng tiêu sầu giải muộn với kinh kệ nâu sồng, thoát khỏi bờ mê, trở về bến giác...
Cụ Thúc Giạ đã nhẹ nhàng ghi lại một công-tác văn hóa đặc biệt đã từng đánh đấu với hòn bạch thạch, cuộc gặp gỡ giữa Đông và Tây, qua Tuồng Lộ Địch, với diễn viên người Việt, với ca nhạc Việt và nhất là cuộc mở màn (lever de rideau) theo kiểu Đông Phương: có vài kép chánh bịt khăn đen và áo rộng xanh ra đứng giữa sân khấu, đọc chúc lời giáo đầu như sau:
"Phong hòa vũ thuận, hải yến hà thanh, non sông rạng vẽ thái bình, cây cỏ khoe màu thạnh trị, nhà nhà phu phỉ, chốn chốn ăn chơi, trước vũ đài trông lắm trò vui, trên văn án tìm thêm vẻ lạ, dũ màn Đông Á, xem truyện Tây Âu, nét phong tao, mỉa chuyện hồng lâu, tranh thanh tú cũng phường bạch bích, trai tài là Lộ Địch, gái sắc gọi Chi Manh, xi xăng xe múi tơ mành, bỗng chốc hừng cơn lửa đỏ, gương đại hiếu soi cùng kim cổ, gươm vô tình thẹn với non sông, cắn răng bẻ một chữ đồng, mở mắt chia hai hàng lụy, nỗi oán ân, câu phi thị, cơn biến chuyển, sự hy kỳ, tỉnh, say, cười, khóc mấy khi, nam, khách, niêu nồi đủ chuyện, xem qua vừa một quyển, kể lại đặng đôi hồi, xin khán quan lặng lặng mà coi, tuồng hát gọi là Đông Lộ Địch."
Đông Lộ Địch là phiên âm phương danh là của Don Rodrigue, vai chánh trong tuồng, còn Chi Mạnh là hương danh của đào thương Chimène. Cả hai vai đều do đàn bà, con gái sắm: vai Lộ Địch do "ấu phụ" Phương Lan, 25 tuổi đóng, còn vai Chi Mạnh do cô Hữu Hạnh, 18 tuổi sắm, khiến chúng ta thời nay nhớ tới Hát Bộ (Nô) của Nhật Bản và phần nào của Trung-hoa, phần nhiều ngược lại, nghĩa là đàn ông đóng vai đàn bà. Và đồng thời, chúng ta cũng nhớ tới tuồng cổ Phụng Nghi Đình, trong đó có màn Lã Bố hí Điêu Thuyền, cả hai vai được trình diễn bởi cô Phùng Há và cô Bích Thuận, hoặc là ngược lại, đều xuất sắc cả.
Việc trình diễn tuồng tích Lộ Địch đã được cụ Thúc Giạ ghi lại trong bài thơ sau đây:
Khai diễn tuồng Lộ Địch
Rạp hát Vương tôn đã khoát màn,
Đã ra sân khấu giữa Tràng An
Hiểu tình ngắm rõ gương bi kịch,
Thanh sắc mừng thêm vẻ lạc quan.
Giá ngọc treo cho đào Hữu Hạnh,
Nhà vàng dựng để kép Phương Lan.
Ham vui điệu cũ câu tuồng mới,
Tri kỷ xin chào bạn khán quan.
(Thúc Giạ, l937)
Lần lữa tháng ngày, chẳng mấy chốc mà đã tới năm Mẹo (l939). Cụ Thúc Giạ khai xuân với bằng hữu qua một cuộc "Xuân du phương thảo địa" nơi hồ Tịnh Tâm trong kinh thành Huế, mà cụ còn ghi lại trong bài thơ:
Cảnh Hồ Tịnh Tâm
Thông giêng năm mẹo bữa mồng hai,
Vô Tịnh Tâm chơi buổi tốt trời.
Mừng tuổi tiếng oanh reo trưóc gió,
Tin xuân cái én liệng ngoài khơi.
Mày xanh liễu lại giăng tơ mới,
Môi thắm sen chưa trổ nụ cười.
Vòi vọi thần tiên đâu chẳng thấy,
Lòng theo mặt nước cũng vơi vơi.
(Thúc Giạ, l939)
Giữa năm 1939, nhà thơ Quách Tấn gởi tặng Cụ Thúc Giạ cuốn Một Tấm Lòng, Cụ cũng ghi lại tấm lòng vàng của nhà thơ miền Nam Trung:
Cảm tạ nhà thơ Quách Tấn
Một quyển Ly tao một tấm lòng,
Lẫy lừng ngọn bút Quách thi ông.
Bầu trời mở rộng kho trăng gió,
Mặt đất chưng đầy cảnh núi sông.
Ngọc thốt vàng reo xen lẫn tiếng,
Sa thêu gấm dệt rõ ràng bông.
Thanh bình điệu cũ ưa người mới,
Bạn tác mình đây té cũng đông.
(Thúc Giạ, 1939)
Đến năm Canh Thìn (1940) cuộc thế chiến đã lan tràn khắp nơi trên địa cầu. Cụ Thúc Giạ, nhằm ngày Tết, cũng gắng nâng cốc rượu gượng mừng Xuân, nhưng cũng thốt đôi lời than thở trước cuộc biến loạn đảo điên, chưa biết đưa nhân loại đi về đâu. Và đây là bài thơ nửa vui nửa buồn của cụ:
Tết Canh Thìn 1940
Chưa rồi Đông Á đã Tây Âu,
Cuộc chiến tranh lan cả địa cầu.
Ông Tạo vần xây chi rứa mãi,
Chúa xuân qua lại cũng đã lâu.
Đóa hoa Thượng Uyển mừng mưa móc,
Chén rượu Sa Trường khóc bể dâu.
Tình gọi anh em chung bốn biển:
Thái Bình hai chữ chúc cho nhau.
(Thúc Giạ, 1940)
Vào tiết Thanh Minh năm ấy, cụ Thúc Giạ đã tiếp và tặng cụ Mộng Nham Lê Như Lâm (tiến sĩ Nho học, Đông-Cung Giáo Đạo của Thái Tử Vĩnh Thụy đi Tây du học trong 10 năm từ 1922 đến 1932 mới về nước) bài thơ sau đây:
Gởi Mộng-Nham Lê Nhữ Lâm
Sự nghiệp thầy Nho rứa cũng hay,
Dạy vua, vua nhớ mãi ơn Thầy
Cắp tay mấy quyển văn Tiền Hán,
Hộ giá mười năm cõi Thái Tây.
Lưu giản túi thi tình tự đó,
Tương tư chén rượu tiễn đưa này.
Tiện đây cho hỏi khi làm Sứ,
Thêm chuyện năm châu, chép mỏng dày?
(Thúc Giạ, 1940)
Cụ Lê Nhữ Lâm quê quán làng Vân Trình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, giáp giới với tỉnh Quảng Trị, có con sông Ô Lâu chảy qua, cạnh làng Chí Long của cụ Nguyễn Tri Phương. Cha tôi kể rằng: cụ Lê Như Lâm, lúc ở bên Pháp để "dạy vua" thường hay nói với Thái Tử Vĩnh Thụy rằng tên thầy là Lê Dữ Lắm (nói theo giọng Huế), nhằm khuyên đệ tử nên coi chừng mà chăm lo học hành!
Đến năm Nhâm Ngọ (1942), Tết đến mà chiến tranh thế giới vẫn còn tiếp diễn, khiến cụ thán Xuân với thời cuộc nhiễu nhương:
Nhâm Ngọ năm là cũng lứa à!
Cũng bầu thê/ giới rộn kinh qua,
Mỹ anh đang phá vòng vây Nhật,
Phổ Ý chưa rồi mặt trận Nga.
~ừllg tuổi ca inh phu trên cư iêí~ địa ,
Thương xuân thiêu phụ ở quê nhà.
No say lẫn dưới trời Nam Việt,
Lặng lặng chờ nghe tiếng khải ca.
(Thúc Giạ, 1942)
Đến năm Quí Mùi (1943), Cụ khai xuân bằng một cuộc dạo phố mà Cụ có ghi nhiều chi tiết trong bài Dạo Phố Ngày Xân: rảo đường Gia hội đến Pôn-Be. Paul Bert (1833-1886) là một nhà bác học kiêm chính trị gia, đã làm tổng trưởng Giáo Dục và Toàn Quyền Đông Dương:
Tức cảnh câu thi lại ngứa nghề.
Chú Chệt mừng xuân không đốt pháo,
Anh Mường dạo phố cũng ngồi xe!
Nhiều cô Đất mới bôi son cũ,
Đôi chỗ Hàng dinh giữ mực quê.
Ngưỡng mặt nhìn xem câu quảng cáo,
Năm này chữ tốt lấn năm tê.
(Thúc Giạ, 1943)
Lần lữa đã tới năm Ất Dậu 1945, là năm mốc xảy ra lắm chuyện can qua Nhật Pháp bùng nổ giữa đêm 25 qua ngày 26 tháng Giêng, tức là đêm 9 rạng 10 tháng 3 dương lịch, khiến cho nước ta lâm vào vòng chiến, thay ngôi đổi chủ một cách bất ngờ!
Và đây là bài thơ lược thuật vừa chính xác, vừa trào lộng:
Nhật Pháp Chiến Tranh
Tháng Giêng năm Dậu tối hăm lăm,
Súng đạn mô đây tiếng nổ rầm.
Đốp đốp lượt ba rồi lượt bảy,
Đùng đùng canh một đến canh năm.
Ngỡ đêm Trừ tịch nhưng không phải
Gọi tiết nguyên tiêu cũng chẳng nhằm.
Tảng sáng vừa nghe tin chiến trận,
Ngậm ngùi chi xiết nỗi kinh tâm!
(Thúc Giạ, l945)
Sau cuộc đảo chính Nhật, đến tiết thu thì nghe tin vua Bảo Đại thoái vị trên lầu Ngọ Môn (25/8/45), rời cố đô Huế ra thẳng Thăng Long nhận chức Tối Cao Cố Vấn của chính phủ Cách Mạng. Cụ bùi ngùi cảm tác bài thơ bày tỏ nỗi niềm riêng tư của mình trước thời cuộc:
Vua Bảo Đại Thoái Vị
Nỏ tiếc không thương cái bệ rồng,
Ngự xe cờ phất đến Thăng Long.
Trải qua non nước nhìn quanh rạng,
Ngoảnh lại lâu đài bỏ trống không.
Gió tạc canh thu chim ngái tổ,
Trăng soi cửa cấm nhện giăng mùng.
Có ai vô Nội cho mình hỏi:
Thần tử còn lưu lại mâý ông?
(Thúc Giạ, l946)
Đầu năm Bính Tuất 1946, nhằm ngày Tết, cụ Thúc Giạ dạo chơi Thành Nội, nhìn cảnh cũ đìu hiu, nhớ người xưa nay mất dạng mà cảm thấy xúc động, ray rứt trong lòng, bèn ghi lại đôi chút tâm tình trong bài thơ:
Ngày Tết Năm Bính Tuất
Ngày Tết năm nay chẳng ngự Triều,
Ngó vô trong Nội cảnh buồn thiu.
Ngựa ra cửa khuyết chưa mòn dấu,
Én liệng sân chầu đã đóng rêu.
Rầm rọt kiếm cung oai tướng sĩ,
Ủ ê son phấn bạn đồng liêu.
Biết ai nhắn hỏi vài câu chuyện,
Trước Ngọ Môn lâu buổi xế chiều.
(Thúc Giạ, 1946)
Cuối năm 1946, cụ phải đột ngột lên đường chạy giặc Việt Minh đột kích quân đội Pháp, đôi bên nổ súng dữ dội, già trẻ lũ lượt sang sông, tìm đường về quê tránh bom đạn, khiến cho cụ vừa chạy, vừa "nực cười cho lão tánh phiêu phiêu":
Đi lánh nạn
Nực cười cho lão tánh phiên phiêu,
Đợi nước lên trôn mới nhảy liều.
Mang gói giã từ thôn Vĩ dạ,
Sang sông ở trọ xóm Giang Triều.
Trăng lồng, gió lọt, đêm thê thảm,
Rèm mát, phên sưa, cảnh quạnh hiu.
Nhưng rứa không lo mà khỏi sợ,
Hơn nơi nệm gấm lẫn màn thêu.
(Thúc Giạ, l946)
Đầu năm Canh Dần 1950, cụ lại được mời cầm chầu hát bội nơi rạp Đồng Xuân Lâu (Bà Tuần), nhìn lại đào xưa kép cũ, tuồng tích thâm trầm, càng thêm thấm thía so với trò đời đầy vơi đen bạc:
Coi hát rạp Đồng Xuân
Rạp hát Đồng Xuân tiếng thuở nay,
Hoa thêu gấm dệt cảnh phô bày.
Kép đào vai cũ không ai lạ,
Trung nịnh tuồng xưa lắm vở hay.
Cứu Tiết Đinh Sơn cho khỏi nạn,
Cậy Trình Thiên Tuế phải ra tay.
Tẻ vui cười khóc trên sân khấu,
Lặng lặng ngồi xem lớp đổi thay.
(Thúc Giạ, 1950)
Trong đời cụ Thúc Giạ có nhiều điều hi hữu, khác lạ hơn người là đương khi còn sống mà cụ biểu con cháu và thân hữu làm lễ sinh táng, xem như đã chết, với phúng điếu, ca hát đủ thứ, để cụ được chứng kiến ra sao, kẻo tới lúc chết rồi thì đâu còn hay biết gì nữa, lúc đó dù có làm linh đình, to lớn bao nhiêu thì cũng bằng thừa, lại thêm tốn kém mà "đương nhân" không hơi hưởng được chi cả! Thế là năm 1951 vào tiết Hạ, Cụ đứng ra tổ chức đám tang giả của cụ, gọi là sanh điếu, rồi cụ góp nhặt tất cả thơ văn phúng điếu cất kỹ làm lưu niệm.
Hồi đó chúng tôi đang đảm trách ngành Thông Tin, Báo Chí miền Trung, đã được hân hạnh cụ về chơi thôn Vỹ để dự lễ tiễn đưa cụ về trời! Quanh cảnh như mộng ảo, hư hư thực thực, đúng chữ là siêu thực (surréaliste), cả đời tôi chưa bao giờ trông thấy một quang cảnh tương tự như vậy!
Sự việc kỳ lạ này được cụ ghi lại trong bài thơ cảm tác vào đầu năm sau. Nhâm Thìn 1952:
Khai Bút Năm Nhâm Thìn
Bảy lăm sanh điếu chuyện ly kỳ,
Bảy sáu nay mầng những chuyện chi?
Say tỉnh với đời ba cốc rượu,
Dở hay theo bạn mấy vần thi.
Sẵn tay gậy trúc vui thì múa,
Nhẹ bước đường hoa khỏe cứ đi.
Gặp khách nhà Nho nơi cửa Phật,
Khuyên mình hãy phát nguyện quy y.
(Thúc Giạ, 1952)
Tiếp đến năm Quý Tỵ 1953, cụ tiếp được bài thơ và thi của bà Tương Phố Đỗ Thị Đàm (l898-1973) từ ngoài Bắc gởi vào thăm. Cụ ân cần phúc thơ cảm tạ và họa lại bài thi của bà với lời lẽ bình dị và ý tứ cao sang:
Đáp họa vần thi của nữ sĩ Tương Phố gởi thăm
Bướm Trang sinh bỗng đậu rồi bay,
Giấc mộng xưa còn phưởng phất đây
Gió thổi ngọn tùng, cây cứ vững,
Mưa chan cội liễu, vóc chưa gầy.
Da mồi tóc bạc tuy thay đổi,
Dạ sắt gan vàng khó chuyển lay.
Kính đáp vần Thi năm Quý Ty,
Nương theo cánh nhạn gởi tờ mây.
(Thúc Giạ, 1953)
Cuối năm ấy thì cụ cáo từ chức Hiệp Lý Phủ Tôn Nhơn, như được ghi trong bài thơ sau đây?
Vài tuồng Hiệp Lý Phủ Tôn Nhơn,
Phụng sự Quân vương lẽ thánh thần.
Kính cẩn không sai ngày tế tự,
Chầu hầu phải rạng nét y cân.
Những lòi tấu đối tuy quen miệng,
Nhưng lối xu bồi chửa thạo chân.
Tai nặng mắt quàng e dễ vấp,
Lui về Nội lách dưỡng thiên chân.
(Thúc Giạ, 1953)
Thấm thoát mà đã đến năm Mậu Tuất 1958, lúc này cụ đã được 82 tuổi thọ:
Phước của trời cho, lộc của trời,
Lần lên tuổi thọ tám mươi hai.
Cuối năm ấy, cụ ngẫu hứng làm một bài thơ với tựa đề khá dài, vốn là một câu ca dao hai vế, có tính cách châm biếm:
Tham giàu đã thấy giàu chưa?
Vừa ăn vừa khóc như mưa tháng mười!
Kén nhà thiên hộ để làm dâu,
Không ngỡ gia nương việc lút đầu.
Vàng trít cổ tay cam lỡ dại,
Cơm chan nước mắt chịu ôm sầu.
Khóa chìa mụ nhạc năng kêu hỏi,
Chăn gối ông chồng ít gặp nhau.
Mới biết chị em mình xuất giá,
Lựa nơi thanh nhã sướng hơn giàu!
(Thúc Giạ, 1958)
Qua tháng 3 năm 1959 (Kỷ Hợi), cụ gởi tặng bà Thái Mộng Tuyết (Thất Tiểu Muội) ở Gia Định một bài thơ Đường luật ca ngợi nữ sĩ tài hoa của xứ Đồng Nai:
Tặng Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội
Nữ lưu thanh giá bậc phi thường,
Quê ở Hà Tiên Mộng Tuyết nương.
Sửa bút mài nghiên bao tuế nguyệt?
Phun châu nhả ngọc lắm từ chương.
Tinh hoa vẫn chuộng văn tiền Hán,
Tao nhã ham vui luật thạnh Đường.
Du lịch sao chưa tìm thắng cảnh?
Kìa mây đỉnh Ngự nước sông Hương.
(Thúc Giạ, 3/1959)
Và đây là bài thơ cuối cùng mà thi ông Thúc Giạ đã cảm tác vào mùa Thu Canh Tí (1960) như là một lời tiên tri sắp sửa đi về Tây Phương Thiên Trúc và đồng thời cũng là người nhắn nhủ bức thông điệp cho phường hậu thế nên sinh sống đạm bạc hiền lương, tương thân tương ái, giữ vững tinh thần và đạo lý:
Tiếng Chuông Lòng
Tiếng chuông lòng dội buổi tan sương,
Đình lễ qui y trước Phật đường.
Soi tỏ tâm linh nhờ đuốc tuệ,
Rước tan tục lụy sẵn cành dương.
Giữ niềm bác ái không sai chạy,
Thời bệnh sân si khỏi vấn vương.
Tôi cũng như ai phường đạo hữu,
Mong vào cửa Phật đến Tây Phương.
(Thúc Giạ, đầu Thu 1960)
Và từ đó, thi ông chống gậy trúc, dạo bước vườn hoa, tiên phong đạo cốt, trà thánh cờ tiên, thanh thản tìm về cõi Phật đúng ngày 4 tháng 4 năm 1961, hưởng thọ 85 tuổi.
- Năm Dần Nói Chuyện Cọp Thái Văn Kiểm Khảo luận
- Con Trâu Trong Dân-Gian, Quê-Hương và Lịch-Sử Thái Văn Kiểm Khảo luận
- Tưởng Niệm Liệt Sĩ Trần Văn Tuyên (1913-1976) Thái Văn Kiểm Khảo luận
- Hoài niệm về ký giả Nguyễn Ang Ca Thái Văn Kiểm Hồi ức
- Những Mùa Xuân Của Thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thái Văn Kiểm Tiểu luận
- Cửa Thiền Nào Chốn Hỏi Mai Hoa Thái Văn Kiểm Khảo luận
- Mùa Xuân Với Những Quả Dưa Dân Tộc Thái Văn Kiểm Tiểu luận
- Nọ Bức Dư Đồ Thử Đứng Coi Thái Văn Kiểm Tiểu luận
- Thi hào Hàn Mặc Tử Thái Văn Kiểm Khảo luận
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |