|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Bài liên quan:
• Anh Tôi, Trần Việt Sơn (Trần Ngọc Ninh)
Nhà báo Trần Việt Sơn
Một anh bạn lâu năm, di tản sang Mỹ từ năm 1975, gặp lại tôi trên đất Mỹ mới đây, nắm lấy tay tôi mừng rỡ hàn huyền.
Thấy tôi đã viết báo trở lại, anh nhìn tôi ngậm ngùi bảo:
- Cộng sản đã lấy đi của anh mười mấy năm thật đáng tiếc....
Đó là một người bạn tốt, rất mến tôi, từ mấy chục năm nay vẫn theo dõi những bài tôi viết. Tôi biết anh tiếc giùm tôi hơn mười năm bị tù cải tạo. Nhưng tôi mỉm cười bảo anh:
- Tôi không tiếc thời gian đã mất. Nhưng những người cộng sản đã lấy của tôi một thứ rất quý làm tôi buồn vô cùng.
Anh ngạc nhiên:
- Họ đã lấy cái gì của anh ?
Tôi khẽ nói:
- Một người và một cuốn sách đã rách nát.
Anh bạn sững người, rồi bỗng cười lên hô hố:
- Ôi chao, anh lại có một cốt truyện ngắn lãng mạn gì đó phải không?
Tôi lặng lẽ để mặc anh hiểu lầm, không muốn làm mất niềm vui của anh.
Trần Việt Sơn là bậc đàn anh của tôi trong làng báo Việt Nam và cũng là người đã đưa tôi vào nghề ký giả. Mỗi lần nhắc đến những văn nghệ sĩ bị đưa đi cải tạo sau năm 1975, tôi thường nghĩ đến những người đã chết, trong đó cái chết của anh Trần Việt Sơn làm tôi đau lòng nhất.
Năm 1983, khi tôi còn đang bị “học tập lao động cải tạo” ở trại Gia Trung gân Pleiku với công tác trồng khoai trồng sắn, một buổi chiều hết giờ lao động tôi vác cuốc xẻng về kho. Một anh bạn văn nghệ sĩ ở đội khác ở đó chờ tôi. Anh cũng giả bộ cất cuốc và ghé tai tôi thì thầm:
- “Trần Việt Sơn chết rồi”.
Tôi đứng chết lặng, điều tôi lo ngại nhất đã xảy ra. Tôi vẫn nghĩ Trần Việt Sơn là người đã lớn tuổi, ốm yếu và có bệnh kinh niên, e khó chịu đựng nổi cảnh giam cầm đầy ải quá tàn nhẫn.
Tôi biết anh Trần Việt Sơn từ lúc chúng tôi còn là sinh viên trước năm 1945. Lúc đó gọi là quen cũng không đúng, vì anh lớn tuổi hơn tôi, học trên tôi mấy năm và cũng khác khoa, nên có lẽ tôi biết anh nhiều hơn là anh để ý đến tôi.
Anh tên thật là Trần Ngọc Lập và đã đậu cử nhân luật ra trường năm 1943.
Năm 1948, tôi đi khỏi vùng di tản ở quê tôi để tránh sự truy nã của Việt Minh và lần trở về Hà Nội bằng một tên giả cũng để tránh sự chú ý của người Pháp. Ở Hà Nội, tôi ít khi lộ mặt ra ngoài, chỉ ở nhà làm hai việc: bồng con cho vợ đi chợ buôn bán kiếm ăn và học Anh văn.
Một hôm có một anh bạn chung đưa anh Trần Việt Sơn đến tìm tôi ở nhà riêng đường Chapuis gần Nhà Diêm.
Thấy tôi đang ngồi tập dịch cuốn THE GOOD EARTH của Pearl Buck, anh Trần Việt Sơn cười, nói:
- Anh biết tiếng Anh thì quá tốt. Tôi đến đây để mời anh đi làm báo với tôi.
Tôi e ngại nói:
- Tôi mới tập dịch tiếng Anh, vốn liếng chẳng có bao nhiêu. Và tôi cũng không biết làm báo.
Anh bảo:
- Đừng ngại. Lúc này chúng ta cần đến tiếng Pháp nhiều hơn. Cái nghề làm báo là nghề vừa làm vừa học.
Tôi không thể nào quên hình ảnh của anh, gầy ốm, nước da xanh xao, lưng còng, đạp xe đạp đến nhà tôi ngày hôm sau và đưa cho tôi cuốn sách bìa đã rách, những trang giấy bên trong đã vàng khè. Đó là cuốn ABC DU JOURNALISME của Pháp.
Năm 1948, dân tản cư trở về Hà Nội, lúc ấy vẫn trong tay quân Pháp, còn thưa thớt, các hiệu sách lại càng hiếm. Tôi nghĩ có lẽ anh đã lấy cuốn này từ một thư viện cũ thời xưa và cũng đã dùng nhiều nên bề ngoài trông tồi tệ.
Mộng ước của tôi lúc đó là chỉ muốn đi dịch mấy cuốn tiểu thuyết của nước ngoài ra tiếng Việt. Nhưng cuốn sách vở lòng về nghề làm báo đã làm tôi thích thú.
Mấy ngày sau Trần Việt Sơn đưa tôi đến tòa báo của anh ở Cửa Nam. Đây là tuần báo Thanh Niên và ở đây, Chủ Nhiệm, Chủ Bút, Biên Tập Viên, thư ký, giao bài cho nhà in, sửa mo-rát... tất cả chỉ có một người: anh Trần Việt Sơn. Lúc đó anh còn lấy thêm bút hiệu là Trần Triệu Việt và một số bút hiệu khác cho có vẻ có nhiều người viết.
Hai anh em chúng tôi làm tờ Thanh Niên. Đúng hơn anh Trần Việt Sơn đã dạy tôi làm báo từ lúc này. Về sau, cũng có một số anh em khác tham gia. Tôi giúp việc dịch đỡ cho anh.
Anh là người hiền hòa ít nói, nhưng là một ông thày rất giỏi. Khi anh sửa bài cho tôi, tuy anh chẳng nói một lời nhưng đã dạy cho tôi rất nhiều. Cùng lúc đó tôi tìm cách tự lập trong nghề bằng cách bắt đầu viết những truyện ngắn mà tôi ký tên là Tùng Khanh.
Trần Việt Sơn rất vui về những truyện ngắn đó và sau này anh đã tuyển lựa, in ra một tuyển tập và chính anh đã viết lời tựa cho tôi.
Năm 1951, anh Trần Việt Sơn giới thiệu cho tôi vào làm việc cho cơ quan Việt Tấn Xã mới thành lập và năm 1952 khi tôi đi làm phóng viên chiến trường ở Huế, lại cũng anh Trần Việt Sơn gửi gấm tội cho các bạn anh ở miền Trung.
Người đã đỡ đầu tôi trong nghề lại cũng là người đã cứu gia đình tôi. Năm 1953, khi tôi bị kẹt trong tay người Pháp, một tai nạn đã xẩy ra cho gia đình tôi ở Hà Nội. Vợ tôi lo tần tảo nuôi con, chẳng may người vú già ở nhà cho ba đứa con trai tôi và hai đứa cháu ăn uống thế nào mà bị trúng độc nặng. Vợ tôi cầu cứu đến anh và Trần Việt Sơn tức tốc đích thân đưa lũ trẻ vào một bệnh viện tư mà anh quen biết. Đứa con trai thứ hai của tôi vì trúng độc quá nặng nên đã chết, còn hai đứa con và hai đứa cháu được bác sĩ hết lòng chữa chạy nên đã được cứu sống. "Anh Trần Việt Sơn là ân nhân của gia đình ta", vợ tôi vẫn thường nói như vậy.
Tôi gặp anh Trần Việt Sơn ở Saigon thì đất nước đã chia đôi. Chúng tôi không có cơ hội làm việc chung với nhau nữa, nhưng anh mỉm cười bảo tôi:
- Hãy tiếp tục con đường của anh. Tôi rất mừng cho anh.
Tôi biết anh không nói ra, nhưng trong thâm tâm anh đã hài lòng thấy con chim mà anh chăm sóc nay đã đủ lông cánh để bay. Tôi quên làm sao được những lời ân cần khích lệ của người anh, người thày của tôi.
Cho đến năm 1975, Trần Việt Sơn ở Saigon đã cộng tác hoặc viết bài cho các báo như Chính Luận, Văn Nghệ, Tự Do, Thời Thế, Thời Nay, Tinh Thần, có lẽ tôi kể còn thiếu sót.
Trần Việt Sơn là người như thế nào? Trong nghề, anh là một ký giả thuộc thế hệ tiền phong của thời đại sau 1945 ở Việt Nam. Anh cũng là một con người có lý tưởng cách mạng, một chiến sĩ, một lãnh tụ của phe Quốc gia chống Cộng.
Nhưng trên hết, tôi muốn nói đến nhân phẩm của anh, tư cách con người của anh và đây cũng là chỗ tôi có may mắn được học hỏi ở anh rất nhiều, ngoài việc học nghề báo. Anh đã là tấm gương sáng cho tôi để học về điều tôi tạm gọi là học làm người.
Những vị khoa bảng có bằng cử nhân luật trong thời Pháp thuộc trước 1945 phần lớn đều cầy cục kiểm một chức quan như tri huyện chẳng hạn để làm giàu cho lẹ. Trần Việt Sơn không làm như vậy. Anh theo đuổi một lý tưởng cách mạng và thản nhiên sống cuộc đời một ký giả nghèo.
Nhưng trong gia đình, anh là người chồng, người cha gương mẫu. Mặc dầu sức yếu, lại thêm bệnh đau tuỷ xương sống, khiến anh đi lại khó khăn, anh vẫn chỉ với cây viết và sự làm việc cần cù tạo được cho gia đình một cuộc sống không thiếu thốn. Sau này tôi được tin chị Trần Việt Sơn qua đời năm 1989 ở Saigon giữa lúc sắp được lên đường qua Mỹ nhờ con gái bảo lãnh. Anh chị có năm người con, ba trại hai gái, tất cả đều đã trưởng thành và hiện đang ở Mỹ.
Điều tôi phục nhất là tinh thần và nghị lực phấn đấu của anh. Tôi còn nhớ năm 1956, trong một cuộc gặp gỡ ở Saigon, tôi và một anh bạn nhà văn khác thấy anh quá tiều tụy vì bệnh ở xương sống đến lúc nguy kịch, anh đi lại lưng phải gập hẳn xuống và mỗi đêm bệnh hành đau đớn không ngủ được. Chúng tôi bàn với nhau đi tìm thày châm cứu để trị giảm đau.
Nhưng anh mỉm cười lắc đầu, nói một câu tôi nhớ mãi:
- Đau ở thể xác có gì đáng sợ? Chỉ sợ ở tinh thần.
Sau khi những người cộng sản miền Bắc chiếm được Saigon, tôi có đến nhà anh, một căn nhà nhỏ trong một ngõ hẻm của đường Trần Quốc Toản. Chúng tôi chia sẻ những suy tư về thời cuộc. Tôi từ giã anh, nghĩ rằng sẽ còn được gặp lại anh nhiều lần nữa. Không ngờ đó là lần cuối.
Ít lâu sau, vào đầu năm 1976, chế độ cộng sản bắt anh vào cùng dịp khi họ càn quét những văn nghệ sĩ miền Nam.
Chúng tôi không được gặp nhau trong tù vì những người bị xét là nguy hiểm đều bị biệt giam, mặc dù lúc đầu chúng tôi cùng bị nhốt chung ở Sở Công An Thành phố, đườang Trần Hưng Đạo. Đến khi tôi bị giải đi Gia Trung thì cũng là lúc anh bị tống vào khám Chí Hòa.
Tôi vốn thích sách nên có một thư phòng nhỏ ở nhà. Cuốn sách rách nát ABC DU JOURNALISME vẫn được tôi để ở một nơi trang trọng trong phòng đó. Nhưng đến cuối năm 1987, khi tôi ra khỏi trại cải tạo về nhà, tôi thấy thư phòng đã tan hoang. Vợ tôi cho biết vì chiến dịch bài trừ Văn hóa “đồi trụy” năm 1977-78, mọi cuốn sách bằng tiếng ngoại quốc đều bị coi là vọng ngoại, làm tay sai cho địch, còn những sách khác bị coi là phản động. Chồng đã bị bắt vì bị liệt vào loại văn nghệ sĩ phản động, vợ tôi sợ các con tôi bị vạ lây, nên tháo ra từng mảnh, đem bán đồng nát để kiếm thêm chút tiền nuôi con.
Trần Việt Sơn còn là một trong những lãnh tụ của đảng phái quốc gia. Nếu anh đầu hàng cộng sản có lẽ anh không bị giam kỹ như vậy ở những nơi khác khổ nhất, là bị giam riêng một nơi trong cái phòng nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ một người nằm, do Pháp xây thời xưa vẫn gọi là xà lim, không được tiếp xúc với các bạn đồng tù khác, không được viết thư về nhà. Gia đình hoảng hốt, cuống cuồng đi tìm xem bị giam ở đâu để còn tiếp tể thuốc men, nhưng Công an cộng sản không chịu cho biết nơi bị giam cầm. Mặc dù có bệnh lại tuổi già sức yếu, Trần Việt Sơn không có thuốc uống. Tôi không rõ lắm, nhưng có lẽ anh cũng chẳng chịu khai là anh có bệnh.
Sau này được gặp lại cháu Trần Thị Hạnh, con gái đầu lòng của anh, tôi được biết thêm một vài chi tiết về những ngày cuối cùng của anh. Anh đã chịu đựng mọi sự đầy ải của nhà tù cộng sản, nhưng sức người có hạn. Năm 1982, anh bị hai lần kiết lị, may nhờ những bạn đồng tù khác, biết tiếng anh và khâm phục anh, đã dùng đường ống máng trong nhà giam Chí Hòa, từ trên lầu lén thả thuốc kiết lị xuống phòng biệt giam cho anh, nên đã cứu anh thoát chết. Nhưng đó chỉ là tạm thời cầm cự. Đến năm 1983, Trần Việt Sơn trở bệnh nặng, toàn thân phù thũng, sưng tấy.
Biết anh sắp chết, Cộng sản thả anh về, có lẽ vì sợ mang tiếng để một người như anh bị chết trong tù.
Về nhà, Trần Việt Sơn đi không nổi, bị té gãy xương hông, phải ngồi xe lăn, nhưng ít ngày sau anh đã trở thành người thiên cổ. Năm đó anh 64 tuổi.
Những người cộng sản đã lấy đi một người và một cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời của tôi.
Ký giả Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh năm 1949 là Chủ nhiệm báo Quyết Sống tại Hà Nội. Năm 1961 là Trưởng ban Pháp ngữ Việt Tấn Xã, hãng thông tấn chính thức của Việt Nam Cộng Hòa. Tới 1965 là Tổng Thư Ký Tòa soạn cơ quan này. (TC. Khởi Hành)
- Một Người Và Một Cuốn Sách Nguyễn Viết Khánh Hồi ức
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |