1. Head_

    Trần Việt Sơn

    (8.4.1919 - 14.11.1983)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Anh Tôi, Trần Việt Sơn (Trần Ngọc Ninh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      11-1-2022 | VĂN HỌC

      Anh Tôi, Trần Việt Sơn

        TRẦN NGỌC NINH
      Share File.php Share File
          

       

             Bài liên quan:

              • Một Người Và Một Cuốn Sách (Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh)



          Nhà báo Trần Việt Sơn
          (8.4.1919 - 14.11.1983)

      Trần Việt Sơn là một bút hiệu của ông Trần Ngọc Lập, một nhà trí thức cách mạng, sau 1954 là cây bút trụ cột của hai tờ báo uy tín nhất tại Miền Nam, là tờ Tự Do và tờ Chính Luận.


      Ông sinh tại Ninh Bình ngày 8 tháng 4 năm Kỷ Mùi, 1919; chết tại Sàigòn sau một thời gian trong các trại tù Cộng Sản, ngày 10 tháng 10 năm Quí Hợi, nhằm ngày 14.11.1983.


      Học trường Bưởi, đậu tú tài Toán năm 1939, ông Trần Việt Sơn theo học Toán Đại Cương tại Đại học Khoa Học, đồng thời học Luật tại trường Luật Hà Nội. Năm 1942 làm Tham tá Lục sự Tòa Án Sàigòn, đôi khi dậy đàn. Trong 8 năm, từ 1960 đến 1968, ông là Giảng viên Hội Phật Học Nam Việt, và một thời gian dậy tại Đại học Sư Phạm Sàigòn.


      Người ta biết đến Trần Việt Sơn trong các hoạt động tự do và vận động cách mạng của ông nhiều hơn. Tham gia Đại Việt Quốc Dân Đảng khoảng 1943, 1944, tham gia kháng chiến ở Nam Bộ 1945, 1946; một thời gian hoạt động cho “giải pháp Bảo Đại”. Ông là một trong các sáng lập viên Việt Nam Press mà viết thường xuyên cho Hanoi Soir (tiếng Pháp 1948, 1949). Trước khi di cư vào Nam năm 1954, từ 1947 Trần Việt Sơn làm chủ bút báo Dân Việt. Ông từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt vì tham gia lập Quốc Hội truất phế Bảo Đại.


      Trần Việt Sơn không ngừng viết báo, và sách, đủ loại, như Luận Đề Về Truyện Kiều, Luận Đề về Tự Lực Văn Đoàn, Câu Đố Việt Nam (ĐỐ TỤC GIẢNG THANH, 46,47), MANG NẶNG ĐẺ ĐAU (đế tên cùng bào đệ là Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, song Bs Ninh cho biết ông chỉ để tên, chứ “không viết và cũng không sửa vì không có gì phải sửa”. Năm 1972, Trần Việt Sơn bị ám sát hụt tại Phú Nhuận. Những bài viết ký tên Trần Triệu Việt của ông, trong khi phân tích tình hình chính trị thế giới, nhận định thời cuộc, còn là vũ khí đanh thép đánh vào độc tài, cộng sản, đế quốc. Ông viết rất nhiều, song cho tới nay chưa từng được thu thập xuất bản, có nguy cơ sẽ thất thoát mai một nếu những người thân của ông, đồng chí cũ của ông, không kịp làm sưu tập.


      Tháng 5.1975, ít ngày sau khi Hà Nội chiếm được Miền Nam, một nhóm cao cấp cựu kháng chiến, trong có Lưu Trọng Lư, đến nhà Trần Việt Sơn mời ông ra cộng tác với chính quyền mới. Ông từ chối. Khoảng một tháng sau Công an đến nhà bắt ông đi. Rồi thả. Năm 1976, ông bị bắt lần thứ hai, giam tại Chí Hòa, tội danh là thành phần cao cấp của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Năm 1982, gẫy cổ xương đùi, không đi lại được. Mất vào năm sau, như nói ở trên.


      Trần Việt Sơn không những là người góp phần thành lập hãng Thông Tấn đầu tiên của Việt Nam từ thập niên '40, ông còn huấn luyện và dẫn dắt vào làng báo những người sau này trở thành những ký giả tên tuổi, như Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, và không biết bao nhiêu những thanh niên nhiệt huyết yêu nghề báo, yêu sự thật, và yêu nước. Năm 1992 tại Hoa Kỳ, một Đại hội mang tên Đại Hội Trần Việt Sơn đã được tổ chức để truy niệm ông, qui tụ nhiều khuôn mặt chính trị, đảng phái thời trước 1975 tại Miền Nam. Số báo nhỏ này của Khởi Hành là một đóng góp muộn màng vào việc Chiêu Niệm. (V.L.)


      Bác sĩ, giáo sư Trần Ngọc Ninh, bào đệ của cố ký giả Trần Việt Sơn, là tác giả NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HÓA GIÁO DỤC (1966), VĂN HÓA DÂN TỘC TRƯỚC NHỮNG NHU CẦU CỦA ĐẤT NƯỚC (1969), ĐỨC PHẬT GIỮA CHÚNG TA (1972), CƠ CẤU VIỆT NGỮ (1973). Trước 1975, có thời gian ông là Bộ trưởng Văn Hóa VNCH. Hiện Bác sĩ Trần Ngọc Ninh cư ngu tai Fountain Valley, Calif.

      *


      Anh Tôi, Trần Việt Sơn



      Từ ngày nhận tờ điện tín của chị Trần Việt Sơn báo cho gia đình chúng tôi biết rằng anh Sơn tôi ở Saigon đã mất cho đến nay, mười lăm năm đã yên lặng trôi qua. Mỗi kì giỗ, một nén hương được thắp lên trên bàn thờ các vong linh có đế những tấm ảnh nho nhỏ như những ảnh căn cước, xếp thành hàng đều đặn trên một nửa bức tường bên của điện thờ Phật ở chùa Huệ Quang; ảnh của anh Sơn đeo kính trắng mặc cái áo sơ-mi-dét cổ bẻ không cà vạt và tôi biết là không là ủi, chen vào giữa ảnh của Thầy Mẹ chúng tôi bên phải anh, nghĩa là trước trong thời gian, và ảnh của chị Sơn đi theo sát sau anh phía tay trái của anh. Đứng trước bàn thờ chỉ thấy có cái đốm đỏ cô quanh chơi vơi trên ngọn nén hương mà cái tàn nhất định không rụng nghễu nghện dài dần rồi cong xuống nhưng không gẫy. Với khuôn mặt anh Sơn đằng sau, quá trẻ và vẫn đẹp trai như ngày nào, nhưng khi tôi nhìn vào mắt anh thì anh không nhìn lại, tia mắt đăm đăm chiếu vào một nơi thắm cùng mà tôi không rõ đích.


      Thỉnh thoảng có một anh bạn, hoặc trong làng báo, hoặc trong Đảng, nói với tôi rằng anh em muốn tổ chức một cái lễ trọng thể cho anh Trần Việt Sơn, tôi cũng chỉ vâng, nếu các anh còn nghĩ đến anh tôi... Nén hương trên bàn thờ đã cháy hết, đốm lửa hồng tắt, cái tàn hương úa cũng đã rớt xuống bình tro từ lúc nào, chỉ còn một cái chân hương nhuộm phẩm điều đỏ như son vẫn còn đứng đấy, lẫn với những chân hương khác, tôi cũng không còn biết cái thẻ nào là của tôi đã cắm vào. Và hơn chục cái thẻ khác lởm chởm nhấp nhô, cái nghiêng cái ngả là cho những ai đã chết không thuốc men, có lẽ không cơm cháo, trong một trại giam hay trong lòng biến, hoặc có lẽ tại một bệnh viện tân tiến của Hoa kì, nhưng tất cả đều trong sầu thảm, tủi hờn, như nhau. Như những chân hương còn lại đồng nhất, bình đẳng, hết lửa. Tôi biết anh Trần Việt Sơn nếu còn sẽ không bao giờ đến một nơi nào để được vinh danh. Và nếu vẫn có một cái lễ trọng cho anh thì sẽ không có anh. Trần Việt Sơn là một người cho đến khi chết, lúc nào cũng chỉ mặc cái sơ mi cộc tay không là ủi, và không thắt một cái gì ở cổ. Nhưng cái kính cận thị thì không lúc nào rời khỏi mắt anh.


      1.

      Anh tôi sinh năm 1919 hơn tôi bốn tuổi.

      Trong các gia đình Việt Nam thời đó, thuộc cái lớp mà Nguyễn Du gọi một cách châm biếm nhưng hết sức khéo léo là “cũng thường thường bậc trung” nghĩa là cũng có tiếng là khá đấy nhưng thực ra thì không đủ miếng ăn, trong đom đóm mà ngoài bó đuốc, quãng cách bốn năm giữa hai anh em liền với tương đối là xa, nhưng với chúng tôi thì không, vì sau anh tôi và trước tôi còn có một người nữa, chết sớm, lúc mới được có vài ngày bú sữa mẹ. Trong kí ức của tôi không có anh cho đến năm tôi lên bảy lên tám, nhưng tôi bắt đầu biết chuyện đời từ lúc sáu tuổi, khi gia đình phải đổi nhà, từ một cái mái nhỏ trước cửa có một cây bàng, ở góc sân của một ngôi trường, đến một cái nhà rất sâu có hai phòng ngoài, rồi một cái sân, một cái bếp và một cái nhà sí, trong một cái ngõ nối phố Sinh Từ với phố Hàng Đẫy. Tôi nghĩ rằng anh tôi đã dạy tôi nhặt những quả bàng vàng ngậy, hình quả cau, và ăn được; lấy cục đá ghè cái hột ra, lại còn khều được cái nhân trắng nõn, bùi bùi; nhưng tôi không thể nhớ ra được anh dạy tôi ăn bàng trong trường hợp nào.


      Năm lên bảy, một mình thơ thẩn ngoài ngõ rồi ra góc phố Sinh Từ lúc nào không biết. Sẩy thấy năm bẩy người đàn ông đi hàng ngang giữa đường, ngược từ phía trường lên phía chợ; họ tung lên những mảnh giấy con con bằng bàn tay và cùng kêu lên những lời mà tôi không hiểu. Một tờ giấy bay đến gần tôi và tôi chạy ra nhặt lấy. Ngẩng đầu lên đã thấy có mấy người áo vàng ở đâu hiện ra, đánh những người kia rồi đẩy tất cả lên một cái xe đen mà cũng lần đầu tiên trong đời tôi được thấy. Các người bị đẩy lên xe vẫn kêu to, không sợ gì hết, nhưng nhiều nhà ở đường phố đóng cửa lại một cách vội vàng. Tôi đứng một mình ở cổng ngõ, thấy thiên hạ đi hết, phố sá vắng hoe mới quay về. Gặp Thầy tôi, tôi đưa mảnh giấy nhặt được cho Thầy tôi xem. Thầy tôi liền dắt tôi vào nhà trong và hỏi tôi nhặt được giấy ở đâu. Tôi nói là ở “ngoài kia” và kể lại những gì tôi thấy, bằng lời lẽ ngây ngô thật thà của đứa bé ngu đần non dại. Thầy tôi dặn rằng từ nay thấy giấy ngoài đường, chớ có nhặt. Tấm giấy của tôi được đốt thành tro ngay lúc đó. Không có anh tôi trong những hình ảnh này.


      Nhưng ít lâu sau một tháng? một năm?- tôi chưa có một ý niệm gì là bao lâu cả, tôi mới biết là có anh. Anh ở bên cạnh tôi, trên giường, chỗ Thầy tôi ngồi với một tờ giấy to hơn tờ giấy lịch to gấp mấy lần tờ giấy nhỏ tôi lượm được bữa trước. Thầy tôi chỉ những mặt người in bốn bề quanh trên tấm giấy thành một cái khay và bảo: "Bữa trước thằng Ninh nó thấy mấy ông này. Tất cả là mười ba ông, họ bị chém cố hết rồi." Tôi chẳng nói năng gì hết và không biết anh có nói gì không. Thầy tôi bảo: "Thôi, anh em dắt nhau đi chơi."


      Tôi gặp anh tôi lần đầu như thế. Trẻ con không biết lạ lùng gì, anh đã ở trong mắt tôi hơn bảy năm; có lẽ lúc tôi mới lọt lòng Mẹ được vài ngày, anh tôi phải đã được bồng tôi một tí, đó là cái tục lệ thông thường, và chắc chắn là, vì một lý do gì đấy mà phân tâm học chỉ đoán mò, tôi cũng đã bị anh đánh lúc mắt đã mở nhưng ý thức còn u ám và trí nhớ chưa nhú. Dĩ nhiên là anh tôi biết tôi lâu hơn. Những cắn cấu, đụng chạm, ở tuổi ấu thơ, đã làm chúng tôi quen nhau, thấy nhau, rồi biết nhau nhiều hơn là sự nhìn thấy hay nghe thấy nhau.


      Sau đó thì tôi đá bóng với anh và trẻ con lối xóm ngay trước cửa nhà. Thời ấy chưa có ai có ô-tô ở cả tỉnh Hà Nội; cái xe đen tôi nhìn thấy lúc trước, mãi sau này tôi mới biết nó là cái xe ô-tô của sở Mật-thám tây. Xe đạp hai bánh nếu có thì ở đâu ấy, chứ trong ngõ Sinh Từ, chỗ nhà chúng tôi, cũng chưa người nào biết đến. Vì vậy chúng tôi tha hồ đá bóng, những quả bóng làm bằng giấy nhật trình quết hồ nếp rồi vo lại cho tròn và lớn bằng hơn cái nắm tay. Giấy nhật trình, nay gọi là báo hằng ngày, hiếm lắm, nên có được quả bóng giấy là quí báu vô cùng; lỡ mà đá nó xuống cống thì phải móc lên ngay; rồi lấy giấy moi thấm cho sach. Chúng tôi còn chơi đánh đáo, và tôi còn có trò chơi để chơi một mình khi anh tôi và trẻ lớn đi học hết, trong ngõ không có một bóng ma.


      Tôi chẳng nghĩ gì đến cái cảnh tượng lạ lùng bữa trước. Nhưng không hiểu tại sao nó in đậm trong óc tôi mặc dầu hơn chục năm sau, tôi mới hiểu ý nghĩa của nó trong cái thân phận đau thương của đất nước. Và tôi thấy rằng lần đầu tôi ý thức được trong nhà có một người tôi gọi là anh trên một cái chiếu có một tờ giấy thông cáo của Chính phủ Bảo hộ về việc đã chặt được cái đầu của Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng là một điều kì diệu mà cho đến nay tôi vẫn không hiểu cái lẽ tại sao. Sau này chúng tôi xa nhau, kẻ Nam người Bắc với một cuộc chiến tranh nhóm khởi trên từng thước vuông của đất nước, anh em tôi không hẹn mà lại ngồi chung trên một cái chiếu với cùng một hình ảnh trước mắt, cùng một ý nghĩ trong lòng, chúng tôikhông lấy làm lạ.

      Quãng cách bốn năm giữa tuổi của anh tôi và tuổi của tôi làm cho tôi thân được với anh và sự mến phục thì mỗi ngày một tăng.


      Anh là người dắt tôi ra khỏi cái ngõ. Đi xem đua xe đạp khi Hà Nội còn có cái vòng đua lòng chảo. Đi cinêma khi nhà cinêma đầu tiên của Hà Nội có tên Anh-Vũ-đài, về sau thành Cinê Olympic rồi đóng cửa vĩnh viễn vì vé đắt tiền quá. Rạp ciuê ở bờ hồ rẻ hơn, chương trình hấp dẫn hơn. Và ciné giữa trời, người đi xem ngồi trên những ghế dài có khi đang xem thì đổ. Đá bóng ở sân Măng-danh (?), vào xem phải chui rào, mà anh tôi mới biết chỗ chui rào. Khi tôi lên học Trung Học rồi, anh tôi rủ tôi đi xe đạp quanh Hồ Tây, vào những làng Chàm, làng Vẽ. Nghỉ hè, đạp xe theo anh trên đường đi Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương vào quán cóc bên đường uống bát nước chè tươi nôn nao cả người, rồi phóng xe chạy mưa, với cả một trời mây đen thui từ miền bể đuổi theo như một tấm vải thâm được ai tung ra để chụp và bắt hai thằng nhỏ muốn trốn.


      Những cuộc chơi bời lêu lổng cũng không có nhiều vì tôi không có tiền túi và bao giờ cũng là anh tôi bao cho tôi đi cùng. Anh cũng không được đi luôn. Để bù đắp sự thiếu thốn ấy, tuần nào anh cũng đạp xe đi một vòng các nhà ciné xin chương trình đem về, anh nói là để “nghiên cứu”. Các tờ chương trình ngũ sắc với hình các đào kép xinh như mộng, bảnh như cậu Tám Gò Công, được dùi lỗ và sâu chỉ gai như những kinh Phật chép trên lá gồi, lâu lâu giở ra xem lại, cũng mê li lắm. Tôi ở nhà, đôi khi thừa cơ anh đi đâu không biết, vào lục ngăn kéo của anh tìm chương trình, đọc chuyện phim và xem các câu giới thiệu tài tử, với những chữ, những lời bốc thơm lên đến trời xanh, cho đỡ thèm thuồng. Có một lần, dưới quyển chương trình thấy một cuốn NAM NỮ PHÒNG TRUNG BÍ MẬT, lấy ra đọc và vỡ lòng được lắm điều hay. Để mọi người hiểu rằng nhà cách mệnh trong sạch và trung kiến nhất, trước hết cũng phải là người như tất cả những người bình thường chúng ta, và nếu không thì có thể là một con quái vật đáng sợ nhất trong các loài quái vật. Sự đáng phục, đáng kính, là con người bình thường về sinh lí và tâm lí như thế mà biết giữ mình và tự chủ, không đi vào con đường hủ bại và tàn ác khi có quyền có thế trong tay. Đức Phật cũng đã làm người trước khi thành Phật.


      Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      2.

      Thời chúng tôi đang lớn lên là thời văn chương Việt Nam đang thoát xác, từ cổ văn chật chội, trói buộc, giam hãm, hình thức, phá những xiềng xích, gông cùm, âm luật, thể cách xưa để thoát ra ngoài thành văn mới, thơ mới, với những rung động và tâm tư mới, những thể văn và cách hành văn mới. Tôi còn nhỏ quá, chưa hiểu và không vào ngay được những chuyển mình ấy. Nhưng hết nghe những chuyện hiếu, nghĩa, chung tình của Mẹ kể những đêm đông ấm cúng bên bếp lửa rồi, tôi sang thời đại mới vào khoảng lớp Nhất tiểu học, giấu trong cặp sách những tập truyện ba xu một xấp, mỗi xấp là một tờ lớn gấp lại thành 16 tờ, 32 trang, phải có con dao bài bổ cau của Mẹ để rọc, bằng không thì phải dùng cái thước dẹp hay cái quản bút chì để rọc, làm cho bờ giấy lởm chởm nhấp nhô như hàm răng cá ngão của thằng bé lên tám đang thay răng. Trong lớp học, thầy giáo viết bảng quay lưng lại, thì dưới này, ngồi trên cái ghế dài gắn liền với bàn bốn người một ghế, tôi dán mắt trên cuốn truyện BÔNG HOA RỪNG hay LỆ HẰNG VỚI CHÍ PHỤC THÙ để trên đùi, mê man với mối tình hồn nhiên thanh khiết của người con gái rừng núi, hay hồi hộp với những hoàn cảnh éo le của người thiếu nữ thông minh và lãng mạn, đang tự dày vò giữa tình yêu và thù hận.


      Anh tôi học cao hơn tất nhiên không bị mắc míu những chuyện rẻ tiền ấy. Truyện võ hiệp Hồng kông, Thượng hải bắt đầu vào thị trường văn chương ở Việt Nam: LỤC KIẾM ĐỒNG, HOÀNG GIANG NỮ HIỆP, và nhất là với anh tôi, CÀN LONG DU GIANG NAM, có lẽ vì truyện cuối cùng này vừa là truyện lịch sử, vừa là truyện kiếm hiệp.


      Anh tôi vẽ đẹp lắm. Khi đọc Càn Long du Giang Nam, anh lấy một quyển sách cũ và vẽ vua Càn Long cầm cây giản đánh và đỡ những thế kiếm của kẻ địch; anh vẽ vào góc mỗi tờ và cho xê-xích tay chân với binh-khí của hai người từ tờ này sang tờ sau, rồi gọi tôi vào cho tôi xem. Anh bẻ cong góc sách rồi thả cho từng tờ xòe ra và rớt xuống. Nhìn vào thấy các hình vẽ thành linh động, giơ chân múa tay thực là thú vị.


      Rồi anh giảng cho tôi về nguyên tắc quang học của cinema. Lúc này, các phim hoạt họa của Walt Disney chưa ra đời. Câu chuyện trên chỉ để chứng minh trí tưởng tượng và óc sáng tạo của anh. Tôi thấy hay và lấy bút chì mầu tô các hình vẽ của anh, làm thành một cuốn hoạt họa mầu, sau này được gọi bằng một tân-từ mà cinêma làm nổi tiếng một thời, là technicolor. Từ này đã thành rởm và đã chết. Nhưng cartoon đã thành một nghệ thuật mới dưới nhiều hình thức và kĩ thuật mà các họa sĩ đua nhau tạo ra, không những trên màn bạc lớn, mà cả trên những khung kính nhỏ của tivi. Giả thử anh tôi không sinh trưởng ở Việt Nam, một só sỉnh đã mất tên của thế giới, mà là một người da trắng ở một nước phú cường, biết đâu anh đã chẳng thành một nghệ sĩ lừng danh mà mọi người tôn vinh là cha đẻ của một nhân vật tranh đua với con chuột nhắt Mickey?


      Truyện kiếm hiệp tàu không giữ được anh lâu, nhất là khi đã lao vào những bia đặt không tưởng về kiếm phong, kiếm khí và những thuật phi thân, khinh thân, rồi chưởng rồi chỉ (sau khi Nga, Mỹ và các nước Âu Châu chạy đua làm bom nguyên tử, bom nhiệt hạch và hỏa tiễn liên lục địa). Anh mua đọc và ấn cho tôi đọc TAM QUỐC CHÍ, THỦY HỬ, TÂY DU, Khốn nạn cho tôi còn non nớt quá ở lớp cuối của Tiểu học, không hiểu được rằng Tam Quốc Chí là lịch sử trỗi dậy của Đạo Hoàng Lão để lật đổ nhà Hán, một chế độ lợi dụng và lệ thuộc cái Khổng giáo đã chết khô của bọn nho sĩ theo Đổng Trọng Thư; bắt đầu với cuộc nổi loạn của nông dân dưới sự lãnh đạo của ba đạo sĩ khăn vàng họ Trương, tiếp tục với Lưu Bị (một tên gian hùng, làm nghề dệt chiếu đóng giép trong làng) thờ đạo sĩ Gia Cát Lượng làm thầy (quân sư). Thủy Hử cũng là một âm mưu của bọn đạo sĩ chống lại triều đình đã bị giới quan lại thối nát khuynh loát và khống chế (không chỗ nào trong truyện thấy rằng còn có một triều đình)! Trong âm mưu này, Phật giáo cũng dính vào, trong con người hố mang của Lỗ Trí Thâm; nhưng quan trọng hơn nữa là sự lưỡng tính của nhóm Lương Sơn Bạc mà truyện Thủy Hử là dã-sử hữu-nghị= vừa là cách mệnh, vừa là đảng cướp, như Đề Thám ở nước ta, như Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Hoa, cho đến khi kết cấu, như tục ngữ của ta nói được làm vua, thua làm giặc; nhưng vấn đề nan giải là lúc thành công rồi, lên làm vua mà không bao giờ có thể bỏ hẳn được cái thói quen và lề lối cũ của quân ăn cướp, và ngược lại đến khi bị dồn vào cái thế làm giặc, ăn cướp, mà vẫn cứ lớn tiếng tự nhận là cách mệnh. Cuốn thứ ba Tây Du Kí, cũng có một nghĩa lí chìm “ẩn”, là sự dấn thân của Phật giáo Đại thừa, với Đường Tăng là khuynh hướng Duy Thức và Tôn Ngộ Không là hiện thân của thuyết Trung Quán, nhận Chân Không (sunyata) là thể gốc của vũ trụ; trên hành trình đi thỉnh kinh ở Tây Trúc, Tôn Ngộ Không đã dẹp hết các đạo sĩ và loài quỉ có pháp thuật, đón rình trên đường để ăn thịt Đường Tăng.


      Không được anh giảng cho những nghĩa lí cao xa bí ẩn này, tôi vẫn chìm sâu trong những lãng mạn hay mộng mị của tiểu thuyết ba xu. Trong khi ấy thì anh tôi sang một giai đoạn khác, rồi một giai đoạn khác nữa, trong đó tôi được kéo ra và sớm thoát sự mê muội.


      Những tiểu thuyết pháp-văn đầu tiên anh đọc là những truyện thêu dệt trên lịch sử hay dã sử của nước Pháp, do ngòi bút dễ dàng của Alexandre Dumas-cha viết ra. Không thể chối cãi được tài kể chuyện của cha Dumas. Lịch sử nước nào cũng rải rắc những chuyện gây cấn, có khi thối tha bị người đời đàm tiếu. Lịch sử Việt Nam có chuyện Mị Nương - Trọng Thủy, chuyện Dương Hậu và Lê Hoàn, chuyên Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng, chuyện Huyền Trân, chuyện Đặng Thị Huệ v.v... Lịch sử Nga thì có chuyện khiếp đảm của Ivan, chuyện Đại Đế Pierre giết chị thoán ngôi, chuyện Đại Hậu Catherin giết chồng và có năm bẩy tình nhân, chuyện thày tu Rasputin chỉ huy việc nước, v.v... Nước Tầu, nước Nhật, nước Anh, nước Mĩ, không nước nào chịu thua nước nào về phương diện này. Nhưng tất cả đều phải bái phục nước Pháp vì nước Pháp có một truyền thống rất đáng yêu là sự nịnh đầm, một danh từ hoàn toàn bất ổn để dịch từ galanterie của tiếng Pháp= vì galanterie là quý phái, là can trường, là văn minh, là hào hoa phong nhã, là tỏ lộ sự thoái bộ và sùng bái của phái nam trước sắc đẹp, sự duyên dáng, sự nhã nhặn trang điểm và y phục của những người thuộc phái nữ. Và những chuyện động trời nổ ra trong lịch sử nước Pháp phần nhiều là vì cái đức tính tối hảo này.


      Alexandre Dumas dựng nên những chuyện li kì và cám dỗ đến tột điểm trên những vụ rắc rối của lịch sử, phần nhiều chuyện trai gái do galanterie sinh ra, ở một cấp cao trong xã hội vua chúa của Âu châu trước thời Cách mệnh Pháp. Không như Walter Scott người Anh gốc Si-cot (Tô cách) là một thi sĩ hữu danh thời lãng mạn đang-lên-hương, nổi tiếng với những bài ballad kể chuyện tích quái dị và bi hùng trước khi chuyển sang viết những chuyện lịch sử như WAVERLEY, IVANHOE hùng tráng, khích động với nhiều thi tứ, Alexandre Dumas cha là một nhà viết kịch trước khi viết truyện lịch sử. Vì thế các tác phẩm của ông nặng về đối thoại và phần nhiều hấp dẫn lôi cuốn với những tình trạng lâm li, bất ngờ, sôi nổi và hồi hộp, -ông kể chuyện nhẹ nhàng, không âm u và nặng nề như Scott, nên có vẻ là nông cạn nhưng thực ra là tài hoa cực điểm trong nghệ thuật kể chuyện. Cốt truyện xây dựng khéo léo, tài tình, với một nụ cười ý nhị duyên dáng để chế riễu những khách anh hùng vướng lưới mĩ nhân và quá đà lãng mạn.


      Anh tôi đọc truyện của cha Dumas và nhớ một cách lạ lùng. Khoái không nhịn được, đọc xong anh lại kể lại cho tôi, phần lớn gần như nguyên văn không thiếu một chi tiết. Một truyện như BÁ TƯỚC ĐẢO MONTE CRISTO, rắc rối nhất trong các tác phẩm của Dumas, phải mất hơn một tuần mới đến đoạn kết. Ba bộ truyện bắt đầu bằng BA NGƯỜI NGỰ LÂM PHÁO THỦ, tiếp tục với HAI MƯƠI NĂM sau và kết luận trong TỬ TƯỚC BRAGELONNE được anh kể trong hơn một tháng. Tuy cuốn sau cùng quá dài bị lược đi nhiều. Nhưng anh không quên kể cả đoạn con trai của Athos (với ai? phải chăng với người đàn bà tuyệt sắc gọi là Lệnh bà Mylady, là vợ đầu của Athos và người tình một-lúc của D'Artagnan, mà bốn anh em đã giết một đêm đông giá lạnh ở biên giới Pháp - Bỉ và hình bóng vẫn theo dõi và ám ảnh hai tay kiếm có hoa kiếm đẹp và độc nhất của nước Pháp), tử tước Bragelonne, vì người yêu đã bị vua Louis XIV cướp mất, ra ngoài mặt trận và thử lửa lần đầu. Người thanh niên kiếm sĩ ấy vừa đâm chết được kẻ địch thì bị một người lính địch nhắm bắn bằng súng hỏa mai từ sau một tảng đá. Trông thấy tia lửa lóe ra, không có một cách nào để tránh hay đỡ viên đạn, anh sực nhớ đến một tuyệt kĩ mà D'Artagnan vừa dạy. Anh giựt cương cho con ngựa trận chồm lên trên hai vó sau. Viên đạn xuyên qua cổ con ngựa làm nó hí lên một tiếng dài trước khi quị xuống. Tử tước Bragelonne đã kịp thời nhảy xuống và bằng một đường kiếm chính xác đâm thủng họng tên lính bắn lén.


      Tất nhiên mấy năm sau tôi cũng đọc các truyện của Alexandre Dumas cha trong nguyên văn, nhưng mặc dầu ngòi bút của cha Dumas linh động đến mấy, những mẩu chuyện như tôi vừa kể vẫn là của anh tôi nói lại với một sự hăng say truyền cảm khó tả.


      Ngoại truyện lịch sử của Alexandre Dumas cha còn có những truyện kì thú của người bịt mặt FANTOMAS, những hành động trác tuyệt của người bẻ khóa phong lưu Arsène Lupin, và cả những lí luận chặt chẽ thông minh của nhà thám tử sa lông Sherlock Holmes. Nhờ anh tôi không ít mà đã có những luồng gió lông từ nơi phóng khoáng thổi vào, như tôi đã kể ở một nơi khác trong một dịp khác, anh còn đưa tôi vào thế giới phức tạp của văn chương Pháp mới trong thế hệ tiền chiến, với Arthur Rimbaud, André Gide, Paul Valéry. Tuy ở đây anh không còn phải dắt tôi từng bước trong những đường mòn cỏ rậm của một vườn bách thảo rất phong phú, nhưng anh cũng đã chỉ một nẻo đường có những hương sắc kì dị, đã đượm và chiếu vào cả một thời văn minh.


      Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      3.

      Tôi biết mặc dầu anh cũng mở tâm trí ra với những cái đẹp từ bốn phương trời đưa đến, nhưng trước hết anh Việt Nam và thấm nhuần tinh thần Việt Nam với lòng yêu nước Việt Nam. Anh yêu tất cả những gì Việt Nam. Tiếu lâm Việt Nam là những rừng cấm rập rạp, u minh, có khói xanh và khí độc bốc lên từ những vũng bùn lá úa và những xác côn trùng, rắn rết mà quạ, cú và kên kên cũng không dám đến gần. Tôi không biết anh tôi lấy từ đầu về, không những hai quyển TIẾU LÂM AN NAM của cụ - Phạm Duy Tốn, thân sinh ra nhạc sĩ tác giả TÌNH CA Tôi yêu tiếng nước tôi... mà còn mấy quyển rách bìa, với những truyện BA GIAI TÚ XUẤT, và anh để mặc cho tôi đọc “tự do”, nghĩa là dấu Thầy Mẹ tôi. Và tôi hiểu tại sao Rừng Cười lại là rừng cấm. Vì những khóm rừng ấy là rừng thiêng. Ai không đủ căn cơ lạc vào, chỉ thấy bẩn thỉu, đểu giả, hỗn xược, ti tiện; với người thiếu tự chủ, thì có thể cho là dâm thư; với người ti toe học đòi văn minh rởm, thì cho là chà đạp lên phẩm cách của phụ nữ. Nhưng đừng quên đây là Tiếu lâm, nghĩa là những chuyện mình cười mình, và tất cả là bịa đặt trên những sự kiện thật của văn hóa Việt Nam. Tỉ dụ như hệ âm-vị (không tiếu lâm) trong tiếng Việt: tại sao ngày xưa các cụ lại nói nôm na là cha mách qué ? Xem Tiếu lâm và Ba Giai Tú Xuất. Người ta chơi chữ một cách quá dễ dàng trong tiếng Việt, không những là tiếng nôm thuần Việt, mà cả tiếng Hán-Việt. Chẳng hạn như khi bà Đoàn Thị Điểm nói Da trắng vỗ bì bạch (một chuyện tiếu lâm, không có thực), hay anh Tú mà người ta gọi là Trạng Quỳnh viết lên tường nhà Chúa hai chữ “Ngọa sơn” là “núi ngủ”; hoặc gần ta hơn nữa, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành những “Đạo Dụ” làm cho dân Nam kì quốc chưa biết ngài dụ gì đã lăn bò ra mà cười; và khi tôi viết năm 1980 trong một bài báo rằng không ai không biết sự đảm đang của người đàn bà Việt Nam mà con ông chủ bút đã bỏ dấu ra sao để tôi phải cải chính và xin lỗi cho khỏi bị một nửa nước Việt Nam mắng là mách qué (máy computer hồi đó dùng bàn chữ của Mĩ, và viết ra là /dam-dang/ một cách trơ trẽn). Còn nhiều nữa, nhiều nữa, trong TIẾU LÂM AN-NAM, vẫn còn phản ảnh trong xã hội Việt Nam ngày nay, nhưng đây không phải chỗ để tôi nói được.


      Còn về tục ngữ phong dao cũng thế. Trong nhà chúng tôi có quyến TỤC NGỮ PHONG DAO hai cuốn của Nguyễn Văn Ngọc. Đây là thời xưa, nhưng sách không bị “tẩy uế” như một vài sách Tục ngữ Phong dao mới xuất bản gần đây. Tôi đọc và khúc khích cười một mình. Một bữa anh tôi thấy và hỏi tôi cười cái gì? Tôi trả lời là cười chuyên "sáng trăng đi chơi”. Anh không ngó đến sách và hiểu ngay vì có thể là anh thuộc lòng. Cũng như anh thuộc lòng các câu đố và anh đã viết, năm 1943-44 ở Saigon, một cuốn sách đề là “ĐỐ TỤC GIẢNG THANH". Cuốn sách nhỏ này đã đi trước cuốn “CÂU ĐỐ" của giáo sư Nguyễn Văn Trung xuất bản ở Thành Hồ, vào khoảng gần nửa thế kỷ, bốn mươi năm sau.


      Hôm ấy, Anh tôi nhẹ nhàng bảo rằng Ninh không hiểu nên cười. Rồi anh kể (hình như theo Chàng Thứ 13, tức Nhất Linh trong vài số Phong Hóa đầu tiên) rằng ở bên Tây, ở chính thủ đô Paris cho rõ, ngày trước sinh viên Việt Nam còn ít lắm, lẫn với người Tầu, người Nhật, và hầu hết rất đứng đắn, nghiêm trang, gương mẫu. Những sinh viên mới sang đi xe điện ngầm, xếp hàng mua bó rau, nhá bánh mì que và bánh mì củi, miệng xi xô voa là/ề bảnh/, thèm cái chất Việt Nam quá mà không biết phải làm sao. Đi đường trông thấy một người mũi tẹt da vàng đang cắm đầu rảo bước, muốn lại bắt chuyện nhưng lại sợ bé cái lầm, đụng phải người chệt hay người chà thì bể cái mặt. Được các đàn anh chỉ dẫn liền giả bộ tiếu ngạo giang hồ thọc tay túi quần nghêu ngao ngâm câu “Sáng giăng vằng vặc” hay một câu ca dao khác ác hơn. Nếu kẻ qua đường cũng là con rồng cháu tiên thì lập tức có sự đáp ứng thuận lợi. Lúc ấy mới hiểu được cái sức mạnh tinh thần của ngạn ngữ phương ngôn Ca dao tục ngữ (không nhất thiết phải tục tĩu) là nhịp cầu thông cảm, là thẻ thông hành, là tờ căn cước, là nghĩa đồng bào.


      Tục ngữ không phải tất cả là lời vàng tiếng ngọc, nhưng nói ra một câu thì đối phương phải chịu cứng, trừ khi bốp chát ngay được một câu tục ngữ khác hoàn toàn ngược lại, vì đó là cái túi khôn của dân tộc, mặt nào cũng nói được, mặt hì, mặt hỉ, mặt hi ha, đã đành rằng... tuy nhiên..., thực là một trường đấu lí vô tận. Còn phong dao thì khỏi nói: chưởi bới, cay chua, ngông cuồng hay tình tứ, thơ mộng, đạo đức, không gì là không có. Nhưng đến chuyên dùng ngan ngữ phong dao để giao duyên, tìm bạn thì trừ ở những người Việt Nam, tôi, cho đến ngày nay, mặc dù cảnh lạ trông thấy đã nhiều và lăn lộn với người trong thiên hạ cũng không ít, thực quả là chỉ thấy có một. Cho nên có thể nói rằng tục ngữ phong dao còn thì tiếng Việt còn, tiếng Việt còn thì| dân tộc Việt còn, mà không sợ có một bậc ái quốc nào mắng.


      Trần Ngọc Ninh

      (Nguồn: Tạp chí Khởi Hành số 29-Tháng 3.1999)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Anh Tôi, Trần Việt Sơn Trần Ngọc Ninh Hồi ức

      - Sự Xuất Hiện Của Văn Hóa Trần Ngọc Ninh Tiểu luận

      - Sự Xây Dựng Văn Hóa Tạo Ra Lịch Sử Tính Của Con Người Trần Ngọc Ninh Tiểu luận

      - Cái Bánh Chưng Và Nền Văn Hiến Việt Nam Trần Ngọc Ninh Khảo luận

      - Tuyết Xưa Trần Ngọc Ninh Tiểu luận

      - Nguyễn Trãi Huyễn-Thực và Sắc-Không Trần Ngọc Ninh Thơ

      - Dân Tộc Là Gì Trần Ngọc Ninh Tiểu luận

      - Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Cuộc Cách Mệnh Lam Sơn Trần Ngọc Ninh Biên khảo

      - Bảng Niên Biểu Nguyễn Du Trần Ngọc Ninh Niên biểu

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)

      Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)

      Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Trang Thơ (Phù Sa Lộc)

      Trần Thị NgH, viết: xạo ke , vẽ: cà rỡn (Nguyễn Lệ Uyên)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)