1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nhà thơ của trẻ thơ, thi sĩ Trần Trung Phương (Lê Hữu) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      11-03-2023 | VĂN HỌC

      Nhà thơ của trẻ thơ, thi sĩ Trần Trung Phương

        LÊ HỮU
      Share File.php Share File
          

       

           
      Thi sĩ Trần Trung Phương
      (1913 - 1945)

      Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm

      (“Tương tư chiều”, Xuân Diệu)


      Trăng nằm sóng soải trên cành liễu

      Đợi gió đông về để lả lơi

      (“Bẽn lẽn”, Hàn Mặc Tử)


      Mặt trời mặt trăng trong những câu thơ trên được nhân cách hóa, sinh động. Mấy câu thơ bên dưới cũng mặt trời mặt trăng, cũng nhân cách hóa, cũng sinh động không kém.


      Mặt trời ngủ gật đằng sau núi

      Mấy bóng cây dừa ngã xuống ao

      . . . . .

      Trăng ngà tắm dưới cầu ao

      Hạt trai đánh vãi vương vào lá sen


      Nếu có khác, đấy là thơ trẻ em, không phải thơ người lớn như thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Những câu thơ ấy ở trong tập thơ thiếu nhi Mấy Vần Tươi Sáng của Trần Trung Phương, Nxb Bình Minh, in lần thứ hai năm 1952 tại Hà Nội.


      Những bài Học Thuộc Lòng khó quên


      Nhiều người yêu thơ có thể không biết đến tên nhà thơ Trần Trung Phương (1913-1945), nhất là giới trẻ về sau này. Những cô cậu học trò từng cắp sách đến trường bậc tiểu học ở miền Nam từ những năm đầu thập niên 1950s trở về sau hẳn không lạ với thơ ông. Bài thơ “Con mèo” chẳng hạn, khá phổ biến, hẳn nhiều người vẫn còn nhớ.



            Hình minh hoạ Inge Wallumrød

      Chị ơi em có con mèo

      Nó hay nghịch ngợm leo trèo lắm cơ

      Hôm qua dưới gậm bàn thờ

      Có con chuột nhắt nó vồ được ngay...

      Nó đi trông rất nhẹ nhàng

      Lim dim đôi lắm mơ màng đến yêu


      Hoặc bài thơ “Làm nũng Bà”,


      Bà ơi cháu rất yêu Bà

      Đi đâu Bà cũng mua quà về cho

      Hôm qua có chiếc bánh bò

      Bà chia cho cháu phần to nhất nhà

      Mỗi lần cháu chạy chơi xa

      Hễ Mẹ cháu đánh thì Bà lại can…

      Sáng nay Bà hẹn cháu rằng

      “Tối Bà kể chuyện ông trăng trên trời.”

      Kể đi cho cháu Bà ơi!

      Bà không kể, cháu không chơi với Bà


      Hình minh họa: “Khoảng sân trước nhà”, tranh Trần Nguyên, Nguồn: vnexpress.


      Những bài thơ mỗi lần đọc lại là mỗi lần đánh thức trong tôi những ngày xưa còn bé, khi tôi còn là cậu học trò nhỏ mài đũng quần trên ghế nhà trường ở một tỉnh lẻ. Bao nhiêu là kỷ niệm của sân trường lớp học, trong đó không thiếu những bài thơ, bài văn vần là những bài Học Thuộc Lòng trong sách giáo khoa bậc tiểu học của Bộ Quốc gia Giáo dục. Không ít bài trong số ấy là thơ Trần Trung Phương.


      Là người phụ trách các trang báo văn nghệ thiếu nhi của báo Tin Mới ở Hà Nội, nhà thơ Trần Trung Phương nêu nhận định:

      “Về thơ, hầu như chưa có một loại nào dành riêng cho học sinh đọc. Trong các nhà trường, học sinh vẫn được học các bài Học Thuộc Lòng bằng thơ, như thơ của bà Huyện Thanh Quan, của vua Lê Thánh Tôn, của ông Nguyễn Công Trứ hoặc của ông Tú Xương… Đã đành đấy toàn là những áng văn chương kiệt tác, nhưng hầu hết ngụ ý về đời làm cho học sinh đọc lên không cảm thấy những lời ngây thơ dí dỏm.”

      Xuất bản thi tập Mấy Vần Tươi Sáng, nhà thơ bộc lộ, nhằm “ca ngợi tuổi thơ ngây, cái tuổi trong sạch đầy thi vị, cái tuổi ai qua rồi cũng mến tiếc không bao giờ trở lại.”


      Khá nhiều bài thơ hay của những tác giả quen tên như Bàng Bá Lân, Hà Mai Anh, Đằng Phương, Anh Thơ, Bảo Vân, Xuân Tâm… được tuyển chọn làm bài Học Thuộc Lòng trong những sách giáo khoa thời ấy. Có điều, không là giọng thơ trẻ em như thơ Trần Trung Phương.



          Hiệu sách BÌNH MINH xuất bản
         Hà Nội tái bản năm 1952

      Giọng thơ trong Mấy Vần Tươi Sáng là giọng thơ của cô bé học trò bậc tiểu học. Nội dung tập thơ là cả một thế giới tuổi thơ sinh động, từ cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp đến những sinh hoạt vui nhộn trong gia đình, trường lớp. Những đối tượng trong thơ thật gần gũi, thân quen, từ ông bà cha mẹ, anh chị em đến thầy cô, bạn bè, đến cả chú mèo con nghịch ngợm, cánh bướm bay rập rờn, đàn cá lội tung tăng, bầy chim sẻ chuyền cành… Cô bé tên Hảo kể đủ thứ chuyện, chuyện ngày khai trường, chuyện giờ tan học, những trò đùa nghịch “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, những thú vui kỳ nghỉ hè, cảnh chiều quê, cảnh đêm trăng, cảnh đón xuân vui Tết, bữa cơm gia đình đầm ấm, nỗi mong mẹ về chợ và cả chuyện nồi cơm khê vì vụng nấu ăn…


      Từ cảnh tan trường sau buổi học,


      Chiều nay trống học vừa tan

      Cổng trường rộng mở thả đàn bướm bay

      Từng đàn em bé thơ ngây

      Miệng cười hớn hở giắt tay nhau về

      Trên đường huyên náo còi xe

      Xen cùng tiếng guốc vỉa hè khua vang

      (Tan học)


      đến cảnh sân trường, lớp học thân quen,


      Tôi quên sao được lớp tôi ngồi

      Ánh nắng xiên vào một ít thôi

      Có bóng cây bàng che mát rượi

      Trên cành ríu rít tiếng chim vui

      (Nhớ trường)


      đến bức tranh xuân ngày Tết cổ truyền và lời chúc thọ, mừng tuổi ông bà…


      Tiếng pháo nổ, rồi từng tràng pháo nổ

      Trên bàn thờ mâm cỗ đã bầy xong

      Mẹ tôi đang châm giở nén hương vòng

      Và xếp lại trái bồng mâm ngũ quả…

      Ông tôi ngồi yên lặng nghĩ trầm ngâm

      Người khẽ đọc thì thầm câu đối Tết

      (Sáng mùng Một)


      Xuân sang cháu chúc mừng Bà

      Suốt năm mạnh mẽ nước da đỏ hồng,

      Mắt bà thêm sáng thêm trong,

      Bà đi ngay ngắn đừng còng cái lưng

      (Mừng tuổi Bà)


      “Mấy vần tươi sáng” thể hiện qua những lời thơ bình dị, đơn sơ của lứa tuổi thơ ngây, hồn nhiên. Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, như trang vở học trò.


      Rung răng, rung rẻ

      Dắt trẻ đi chơi

      Những buổi đẹp trời

      Tìm nơi râm mát

       

      Cùng nhau ca hát

      Cất tiếng cười vang

      Nhảy múa nhịp nhàng

      Cho lòng tươi trẻ

      (Rung răng, rung rẻ)


      Nhà văn Khái Hưng, trong bài Tựa viết cho Mấy Vần Tươi Sáng, cho những nhận xét tinh tế:

      “Trong nước, lâu nay không có lấy một tờ báo viết riêng cho trẻ đọc. Bởi vậy tôi rất lấy làm sung sướng được ông Trung Phương ngỏ ý rằng ông sẽ chuyên viết văn cho bạn trẻ, mà lại chuyên viết thơ nữa. Còn gì hợp với óc trẻ bằng thơ, thơ giản dị và ngăn ngắn như những câu ca dao. Trẻ em các nước văn minh đều được các thi sĩ, nhạc sĩ trứ danh lưu tâm đến, soạn cho chúng những bài thơ, bài ca để chúng hát trong giờ chơi đùa hay học tập… Những bài ‘Rung răng, rung rẻ’, ‘Bắt cái hồ khoan’, ‘Ngày khai trường’ và nhiều bài khác nữa đều trở nên những bài hát được.”

      Nhà viết phóng sự Tam Lang, trong một bài Tựa khác: “Trung Phương, đối với các trẻ em, có thể là một người bạn thành thật và gần gụi hơn hết, trong lúc chúng ta chưa có một Jean Aicard hay một De Laprade Việt Nam.”


      Phần Phụ Lục trong thi tập còn có thư của Phạm Quỳnh, Thượng thư Bộ Quốc gia Giáo dục và của học giả Trần Trọng Kim:

      “Ông Trần Trung Phương, tôi đã tiếp được quyển Mấy Vần Tươi Sáng của ông mới xuất bản, xin có lời cảm tạ ông. Sách này xuất bản rất hợp thời, vì hiện nay ít có sách có thể để cho trẻ em dùng được. Ông chịu khó đặt ra những bài giản dị mà lại có vẻ thơ, làm cho trẻ em được hưởng cái thú vị văn chương, như thế thật quý lắm. Vậy tôi xin có lời thành thực chúc mừng ông.” (Trần Trọng Kim, Hà Nội, 3/11/1941)

      Những bông hoa nhỏ, những nụ mầm xanh


      Hạnh phúc như đón Mẹ đi chợ về.

      Tự do như gió thổi trên đồng rộng.

      Cô đơn như ngọn đèn đường về khuya.


      Tôi thích những cái “như”, những lối ví von như thế. Người nói dễ truyền đạt ý tưởng, người nghe dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp nhận. Ý tưởng được minh họa, cụ thể hóa, khiến một đứa trẻ cũng có thể hiểu được những khái niệm trừu tượng, mơ hồ. Những lối ví von tượng hình ấy dễ gặp trong những trang thơ Trần Trung Phương.


      Mặt trời như quả cà chua

      Chiều nay rụng xuống mái chùa làng ta

      (Chiều quê)


      Chúng em tuổi hãy còn non

      Lòng như tấm lụa vẫn còn trắng nguyên

      (Đêm Noel)


      Áo mới đi trong ánh nắng vàng

      Tiếng cười trong quá, guốc khua vang

      Trông đàn em bé xinh tươi ấy

      Vui tựa bầy chim mới họp đàn

      (Họp đàn)


      Những thủ pháp hình tượng hóa, nhân cách hóa được vận dụng trong thơ khiến cho cảnh vật, sự vật trở nên gần gũi, sống động, đôi lúc dí dỏm.


      Ống khói nhà ai hút thuốc lào

      Thở ra làn khói tỏa lên cao

      (Thơ ngộ nghĩnh)


      Bài thơ có khi là bức tranh khu vườn mùa xuân thắm tươi, muôn hoa muôn sắc.

      Chị HỒNG trong đám lá xanh


           Hình minh hoạ, Lucas George Wendt

      Đang cười nhí nhảnh với anh HẢI ĐƯỜNG

      Cô MAI đưa thoảng mùi hương

      Rũ vài hạt ngọc còn vương trên mình

      Ô kìa, chị CÚC rung rinh

      Lả lơi bẽn lẽn bên mình chị LAN

      Có chàng bướm trắng bay ngang

      Nhởn nhơ chòng ghẹo mấy nàng ĐÀO tươi

      (Vườn Xuân)

      Đôi lúc, bên cạnh những lời thơ mộc mạc, bình dị vẫn không thiếu những nét thi vị.


      Không gian rộng quá không bờ

      Hồn em ướp cả một mùa xuân tươi

      (Xuân tươi)


      Em nghe tiếng gọi quê hương

      Lòng em như có muôn đường tơ rung

      (Hồn quê)


      Hình minh họa: “Chiều về”, tranh Trần Nguyên, Nguồn: vnexpress.


      Không ngạc nhiên nhiều bài thơ của Trần Trung Phương được sử dụng trong những sách giáo khoa bậc tiểu học ở miền Nam. Thơ hay, có vần có điệu, là những bài Học Thuộc Lòng lý thú, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ lại chứa đựng những bài học về đạo đức, luân lý truyền thống giúp định hình và phát triển nhân cách của trẻ thơ.


      *


      “Đấy là tập thơ duy nhất viết cho tuổi thơ, học trò. Sau thi sĩ Trần Trung Phương, không có ai làm thơ cho nhi đồng nữa.” Nhà văn Duyên Anh, trong hồi ký Nhìn Lại Những Bến Bờ, lấy làm tiếc khi nhắc đến tập thơ Mấy Vần Tươi Sáng.


      Thật may sao, một vài tác giả về sau này cũng tiếp bước con đường của Trần Trung Phương. Trong số ấy có nhà giáo Nguyễn Hữu Bào (Westminster, CA), từng biên soạn nhiều sách giáo khoa, viết nhiều truyện, thơ cho trẻ em, trong đó có thi tập Thơ Tuổi Thơ gồm gần một trăm bài thơ dành cho học sinh bậc tiểu học. “Văn học Việt Nam thời đại nào cũng có nhiều thi sĩ nổi tiếng,” ông nói. “Nhưng rất tiếc món ăn tinh thần dành cho tuổi thơ thời nào cũng hiếm. Văn đã hiếm, thơ lại càng hiếm hơn nữa. Về thơ, chỉ có thi sĩ Trần Trung Phương dành nhiều thì giờ sáng tác cho tuổi thơ. Thuở nhỏ tôi học thuộc lòng nhiều bài thơ của Trần Trung Phương. Tôi ước mong các nhà văn, nhà thơ chú ý đến tuổi thơ, cống hiến món ăn tinh thần cho tuổi trẻ. Mong lắm thay!”


      Điều “Mong lắm thay!” của nhà giáo Nguyễn Hữu Bào cũng là ước mong của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh có tâm huyết để có được những bài thơ thiếu nhi đưa vào chương trình giảng dạy trong những sách giáo khoa. Thiết nghĩ, đấy cũng là một trong những cách để “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, cách nói quen thuộc của những ai từng quan tâm đến việc gìn giữ bản sắc văn hóa và ngôn ngữ tiếng Việt ở cả trong và ngoài nước.


      Nhà thơ Trần Mộng Tú, trong một bút ký về nhà thơ Hồ Dzếnh, nhắc tới ông chú ruột Trần Trung Phương của mình:

      “Chú Trần Trung Phương của tôi khi còn sống viết văn, làm báo cho thiếu nhi, hoạt động chống Pháp, bị bắt, tra tấn trong tù. Khi được thả ra thì ho lao chết ngày 24/7/1945. Lúc đó con trai mới 6 tháng tuổi… Năm 1951, thím Hồng Nhật, vợ chú, muốn tái bản tập thơ Mấy Vần Tươi Sáng, bèn vào Nam nhờ Hồ Dzếnh đỡ đầu. Hồ Dzếnh cũng đang trong cảnh gà trống nuôi con rất vất vả. Hai người cảm thông nhau cùng hoàn cảnh góa bụa, cùng có hai đứa con trai nhỏ, cùng yêu văn chương nên nhanh chóng yêu nhau. Năm 1954 Hồ Dzếnh trở về Hà Nội và lập lại gia đình với thím Hồng Nhật. Tuổi thơ tôi lớn lên bằng những bài thơ học trò ngây thơ trong Mấy Vần Tươi Sáng của thi sĩ Trần Trung Phương, và tôi nghĩ đó chính là những hạt giống văn chương đã gieo vào mảnh đất hồn tôi để sau này mọc lên hoa trái.” (*)

      Không ngạc nhiên những lối ví von và hình tượng hóa được tìm thấy rải rác trong những trang thơ Trần Mộng Tú. Từ những “Buổi sáng trong như ly nước lọc” đến “Kỷ niệm gầy như những chiếc xương vai”, đến “Em mềm như tuyết mỏng”, “hiền như một miếng khoai”


      Cũng không riêng gì Trần Mộng Tú, tôi tin rằng những bài Học Thuộc Lòng trong sách giáo khoa thuở ấy đã ít nhiều gieo rắc những “hạt giống văn chương” trong tâm hồn trẻ thơ của các cô cậu học trò nhỏ, dẫn vào cánh đồng thi ca mênh mông sau này.


      “Chị có một bài thơ đọc nghe rất Trần Trung Phương, vừa ví von lại vừa nhân cách hóa,” tôi nói với chị Trần Mộng Tú, khi đọc lời đề tặng chị của “Chú thím Hồ Dzếnh-Hồng Nhật” nơi trang đầu thi tập Mấy Vần Tươi Sáng.


      “Bài gì?” chị hỏi.


      “Tháng mười hoa cúc,” tôi nói.


      Bây giờ là tháng mười

      em như hoa cúc nhỏ

      Sao anh không là gió

      thổi mùa thu vào em?

       

      Bây giờ là tháng mười

      em hiền như hoa cúc

      Sao anh không là đất

      cho em ngả vào lòng?

       

      Bây giờ là tháng mười

      em mong manh như cúc

      Sao anh không là nắng

      ôm em ấm một ngày?


      “Đấy là thơ người lớn chứ đâu phải thơ trẻ em,” chị nói.


      “Có ai không là trẻ thơ trước khi là người lớn,” tôi cười. “Không phải là chị cũng đi từ những nụ mầm xanh, những bông hoa nhỏ trong vườn thơ của Trần Trung Phương mới đến được ‘tháng mười hoa cúc’?”


      “Làm thơ cho trẻ em không dễ,” chị nói, “phải có tâm hồn trẻ thơ.”


      Tất nhiên tôi không thể nào đồng ý hơn. Không có một tâm hồn trẻ thơ thì khó mà viết được những bài thơ hay cho trẻ em, những bài thơ có những vần tươi sáng.


      (*) Một mảnh đời Hồ Dzếnh, bút ký Trần Mộng Tú

      Lê Hữu

      Nguồn: diendantheky.net

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút

      - Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn

      - Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định

      - Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định

      - Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định

      - Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn

      - Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định

      - Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận

      - Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn

      - “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)