|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Luật gia, nhà văn, nhà thơ
Trần Thanh Hiệp
Trần Thanh Hiệp, người của văn chương và chính trị.
Trước năm 1975, ông là luật sư của tòa thượng thẩm Sài Gòn, từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền miền Nam Việt-Nam. Ra hải ngoại, ông vẫn tiếp tục hành nghề luật, làm việc tại tòa thượng thẩm Paris. Nhưng song song với công việc của một luật sư, ông còn mạnh mẽ dấn thân vào những sinh hoạt đấu tranh, đòi hỏi một nền dân chủ và nhân quyền đích thực cho dân tộc.
Đó là những điều được tóm lược ngắn gọn khi nói về luật sư Trần Thanh Hiệp.
Nhưng nếu tìm tên ông trên mạng lưới thông tin toàn cầu, chúng ta sẽ đọc được rất nhiều về hành trình sống của ông, đi cùng với những dấu mốc lịch sử của đất nước.
Và nhắc đến Trần Thanh Hiệp cũng phải nhắc đến nhóm “Sáng Tạo”, mà ông là một trong những nhà văn tên tuổi thành lập nhóm ngay từ những năm đầu của thập niên 50. Sáng Tạo là một sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam tự do, không theo một trường phái nào. Hiện nay, Trần Thanh Hiệp và Doãn Quốc Sỹ là hai nhà văn cuối cùng còn lại của nhóm Sáng Tạo.
Thế hệ chúng tôi, có lẽ chẳng người nào được nhìn thấy, hay cầm tờ “Sáng Tạo” trên tay từ những bậc cha-anh mình giữ lại. Nếu có cũng không nhiều. Tôi chưa hề đọc một bài nào được viết từ thuở đó. Tôi chỉ biết một Trần Thanh Hiệp bây giờ, qua những bài tham luận chính trị sâu sắc, tiếng nói của một luật gia đầy nhiệt huyết lý tưởng trên những diễn đàn quốc tế. Một con người uyên bác, thiết tha với quê hương dân tộc.
Và phải chăng với hiện tình đất nước sau năm 1975, chúng ta chỉ nhìn thấy một chính trị gia Trần Thanh Hiệp mà danh xưng của một nhà văn đã bị lu mờ?
Cũng không nhớ từ cơ duyên nào mà tôi được quen và thỉnh thoảng đến nhà trò chuyện cùng ông. Khi chưa gặp ông, tôi vẫn hình dung nhân dáng mẫu mực của một công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” như thời sinh tiền, cố nhà văn Mai Thảo nhiều lần viết trong những trang sổ tay trên tạp chí Văn. Cách miêu tả của nhà văn Mai Thảo không sai. Vì lúc nào cũng thế, khi đón khách đến nhà, ông ăn mặc rất lịch lãm. Tóc tai luôn được cắt, chải gọn ghẽ. Nhưng qua phong cách cùng những tư duy, những chuyện đời ông bày tỏ, với tôi, không chỉ là hình ảnh của một luật sư, hay một nhà chính trị, mà còn thêm cái chất nghệ sĩ phủ trùm lên con người ấy.
Thời còn là sinh viên luật ở Hà Nội, ông đã từng đêm chơi đàn Hạ Uy Cầm ở phòng trà để có thêm tiền ăn học. Tôi nhớ đôi mắt sáng ngời vẻ hạnh phúc khi ông nhắc về quá khứ, về những bản nhạc ông yêu thích. Thỉnh thoảng để nhắc nhớ lại những lời ca, chúng tôi cũng hát chung với nhau vài câu. Chỉ vậy thôi! Tôi không phải là người mặn mà với âm nhạc, chưa bao giờ hát trọn vẹn được một ca khúc. Nhưng không hiểu sao ông lại có ý muốn tôi tập hát một bài do chính ông đệm nhạc. Lời đề nghị này được thốt lên chưa lâu lắm. Nó có vẻ như thật, như đùa, và chính vì sự lửng lơ giữa hai “vẻ” ấy mà đến nay vẫn chưa được thực hiện. Tôi muốn nhấn mạnh ba chữ “chưa lâu lắm” vì chỉ vài năm nữa ông sẽ thực sự chạm vào ngưỡng cửa bách niên. Nhắc, để thấy luật sư Trần Thanh Hiệp ở một tuổi nào chất nghệ sĩ cũng đầy ắp trong tâm hồn ông.
Như lời ông nói, sau khi nhóm Sáng Tạo ra đời, lúc thì ông làm chính trị, lúc thì văn chương. Văn chương và tiểu luận thường đi đôi với nhau, nhưng đa số là viết tiểu luận. Theo tôi biết, văn chương ở đây bao gồm truyện, tùy bút, tiểu luận và thơ. Nhưng dường như ít ai nói về thơ Trần Thanh Hiệp. Có phải vì ông chỉ cho ra đời một tập thơ duy nhất?
Trong bài viết này tôi muốn nói về tập thơ ấy.
Tập thơ “Vào Đời” của tác giả Trần Thanh Hiệp do Lam-Giang ấn quán xuất bản tại Sài Gòn đầu tháng 10, năm 1966.
Khi đưa tập thơ cho tôi mượn đọc và nhờ tôi đánh máy lại, tôi đã hỏi ông:
− Con nghĩ bác thích tập thơ này và có ý định tái bản phải không?
Nghe hỏi, ông khẳng khái trả lời:
− Đánh máy chỉ để giữ lại, vì đó là tập duy nhất. Không phải thơ, tôi chỉ muốn chứng tỏ mình cũng có thể làm được thơ.
Câu trả lời đã gây thêm sự tò mò thú vị trong tôi. Tại sao chứng tỏ mình cũng có thể làm thơ, mà những câu cú trong thi tập Vào Đời lại không phải là “thơ”?
Đọc những đoạn tiểu luận ông phân tích, nhận định về thơ lục bát, thơ tự do… và từng ngồi nghe ông chia sẻ về thơ-văn như sau: Thơ tự trong con người ra. Tạo ra những hình ảnh và đặt tên những hình ảnh thì chính là thơ! Văn xuôi là diễn tả tư tưởng. Thơ là tiếng nói của con tim.
Những lời nói ấy đã được diễn đạt bằng thơ:
ngôn ngữ là ký hiệu
hình ảnh là rung động
nhịp điệu là tình cờ
thơ là tìm thấy hiện diện (1)
Sự rung động mà tác giả tìm thấy nơi những hình ảnh, đã lây lan đến người đọc là tôi. Đúng thế, là một người chuyên viết văn xuôi, tôi chỉ dám dùng hai chữ “rung động” để diễn đạt những gì tôi thưởng ngoạn văn chương của một tác giả có kiến thức uyên thâm, từng viết những bài tiểu luận súc tích, đầy thú vị khi phê bình, phân tích văn học nghệ thuật.
Trích ra thì nhiều lắm, nhưng tôi đặc biệt yêu thích và đầy xúc cảm khi đọc những câu chữ vẽ lên những hình ảnh, khung cảnh, tâm tư… thành những “dáng đêm” cô đơn, mù lòa của người thanh niên Trần Thanh Hiệp.
ly rượu run trên tay
nghiêng nâu
đôi mắt thâm quầng sâu dĩ vãng
tìm hôm nay
thở dài những ngày ngơ ngác dáng đêm
…
tiếng bước hai người yêu nhau
tiếng bước thi sĩ cô đơn trên hè phố
những người lê ngoài đường
giữa ngày quờ quạng
mù lòa (2)
…
Tuy nhiên qua những con chữ đẹp, âm điệu phong phú, trong thi tập này có những bài thơ mang những tựa đề ngắn gọn như Tuyên Dương, Bài Chiến Ca Ánh Sáng, Khai Từ… Nghe như những tuyên ngôn, khẩu hiệu. Nhưng đó chính là những “thao thức” của một kẻ mất quê hương, bàng hoàng đau đớn khi chứng kiến những tan hoang, đất nước chuyển mình theo cơn lốc xoáy cay nghiệt của dòng lịch sử.
khuôn mặt ta
buồn thảm
hay thế kỷ khổ đau
hình hài ta quằn quại
hay lịch sử chuyển mình (3)
Chính là những thao thức suy tư mà tác giả đã viết trong thư gửi cho cố thi sĩ Thanh Tâm Tuyền:
… tôi không ảo tưởng không cao vọng khi mãi đến hôm nay mới vào đời với những cơn thao thức.
Một tập thơ ra đời cách đây gần sáu mươi năm. Nhưng với tôi, hình ảnh; ngôn ngữ tình tự trong thơ không hề vàng cũ nếu so sánh với những thi tập thời nay.
những bức thư tình nét chữ không thời gian
bên bờ sông yêu em sau cửa mắt
giòng nước dìu ngọn suối trong vắt
như mắt em bài thơ tự do
ngân vang xóm nghèo miền ngoại ô
ngòi bút chạy không ngập ngừng
bản thảo
phơi bày linh hồn
công viên tưng bừng dạ hội
phố chật vũ trường
bàn tay chào mời nhập ngũ
bầy em nhỏ múa hát trước đình
ngày mai vòng nghe anh kể chuyện cổ tích
người anh đôi mắt thuỷ tinh
dạy các em những tiếng mở lòng
trinh trắng
bắt đợt mây màu cánh hoa
đồ chơi trăng mùa thu. (4)
Những câu từ như thế chẳng phải là thơ sao? Hay chính tác giả không hài lòng với tác phẩm của mình? Ông chỉ xem như một kỷ niệm cần ghi lại. Kỷ niệm đau buồn của một thời đất nước phân ly, mà cho đến hôm nay, cả dân tộc đã cùng chung một tan hoang, rách nát.
ai chôn giấu những kỷ niệm
từng ngôi mộ đường làng ngọn cây bến đá
chúng tôi
chúng tôi
ai chia tay với người yêu
hẹn gặp lại những ngày không định trước
chúng tôi
chúng tôi
ai mang trong thân thể đau nhức
những vết thương rách nát phân chia
chúng tôi
một triệu
chúng tôi
một triệu
Việtnam 1954 – Việtnam 1954 (5)
Nói đến những “tan hoang”, thêm lần nữa, tôi lại nghĩ đến những lời ông viết cho cố thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, người bạn thân thiết của ông:
Tiếng nói của anh mười năm trước đây như bỗng vang lên từ một hoang tàn đổ nát. Sự xuất hiện đột ngột rực rỡ của “người thi sĩ chối từ cô độc”, người thi sĩ không làm thi sĩ, đáng kể như một cuộc vào đời của thi ca Việt Nam…
Phải chăng hồn thơ bát ngát, nhưng người thơ Trần Thanh Hiệp đã chối từ là thi sĩ? Tôi xin mượn bảy chữ được tô đậm này làm tựa cho bài viết.
Một tập thơ duy nhất, và tiếng thơ- văn chương Trần Thanh Hiệp của ngày ấy… bây giờ được thay bằng những tiếng nói mạnh mẽ, miệt mài tìm một lối thoát cho dân tộc.
Nhưng…
Như tất cả những gía trị tốt đẹp của Văn Học Miền Nam Việt Nam hiện đang dần được khôi phục lại. Tập tiểu luận Tiếp Nối và tập thơ Vào Đời được tái bản không ngoài những ước vọng ấy.
Cũng là một món quà của nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến, họa sĩ Đinh Trường Chinh, nghệ sĩ Trúc Tiên và tôi cùng góp phần thực hiện để tặng “bác Trần Thanh Hiệp”, một bậc cha ông mà lớp hậu sinh chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ, kính trọng.
Riêng tôi, ông chính là một “kẻ sĩ” của thời đại mà tôi đang sống.
(1) Cửa mở
(2) Những giấc ngủ mặt trời đen
(3) Khai tử
(4) Tuyên dương ánh sáng
(5) Những bước chân một triệu
Đặng Mai Lan
Paris 2024
- Tiểu Luận và Thơ của cựu luật sư Trần Thanh Hiệp Đặng Mai Lan Giới thiệu
- Trần Thanh Hiệp: Người thi sĩ không làm thi sĩ Đặng Mai Lan Nhận định
• Tiểu Luận và Thơ của cựu luật sư Trần Thanh Hiệp (Đặng Mai Lan)
• Trần Thanh Hiệp: Người thi sĩ không làm thi sĩ (Đặng Mai Lan)
• Trần Thanh Hiệp, “Lý thuyết gia” của nhóm Sáng Tạo? (Du Tử Lê)
- Sài Gòn Muôn Năm Cũ – Trần Thanh Hiệp với Sáng Tạo (Hoàng Lan Chi)
- Trần Thanh Hiệp: ‘Thành công và Thất bại của nhóm Sáng Tạo?’ (Du Tử Lê/)
- Phỏng vấn Luật Sư Trần Thanh Hiệp về tạp chí Sáng Tạo (Đinh Quang Anh Thái)
• Mai Thảo người kể chuyện bằng văn
(Trần Thanh Hiệp)
Tác phẩm trên mạng:
- vietthuc.org - hung-viet.org
- Nguyễn Chí Thiện và thơ của ông
- Việt Học: LS Trần Thanh Hiệp Nói Về Văn Hóa Mới Hậu CS
- Đừng chờ đợi những anh hùng dân chủ
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
• Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)
• Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)
• Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)
• Trang Thơ (Phù Sa Lộc)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |