Nhà văn Triều Sơn
(1921 - 1954)
Trong văn học sử VN, không có nhà văn nào cẩn trọng chữ nghĩa như nhà văn Triều Sơn.
Thật vậy, trong khi các nhà văn khác một khi đã nổi tiếng rồi vẫn thường dùng cái tên mình để bán buôn chữ nghĩa. Họ viết feuilleton. Họ viết theo nhu cầu hay thị hiếu của đám đông. Họ xuất bản sách ào ào. Họ cũng kiếm tiền ào ào. Họ là thợ văn chứ không phải là nhà văn.
Sự cẩn trọng chữ nghĩa này được thể hiện qua cuốn tiếu thuyết nhan đề Nuôi Sẹo của ông:
Tác phẩm căn bản là Nuôi Sẹo. Viết lần thứ nhất trong không khí sắt lửa, tiểu thuyết đã in ra theo thể thức phơi- dơ-tông (feuilleton), trong tờ Kháng-chiến (1947). Năm 1949, viết lại theo một quan niệm khác, vài chương đã được đăng trong tập Nhà Văn hiện đại. Sang Paris Nuôi Sẹo lại "bị viết lại" ba lần nữa. Một lần theo thể tài "bích họa" như bộ Chiến-tranh và Hòa bình của Tolstoi. Một lần theo thể tài của Colomba của nhà văn Pháp Prosper Mérimée. Và một lần thư ba dụng những kỹ thuật tiểu thuyết mới nhất của Âu-Mỹ (Huân Phong) (1)
"Ngoài cái mộng triết học, anh còn có cái mộng văn nghệ. "Nuôi Sẹo" đã được anh ấp ủ từ lúc còn ở thế giới bên kia, anh mang nó về Hà Nội và nó theo anh từ Bắc vô Nam, tù Nam sang Pháp sang Phi Châu rồi trở về Pháp.
Anh dùng nhân vật chính: một tên khố rách trong một làng ở Bắc Việt để tả cái xã hội phong kiến thục dân lúc Pháp tàn tạ và cho thấy một quan niệm về cuộc đời.
"Anh thận trọng đến nỗi viết đi viết lại, bỏ, sửa, bót, thêm từ gần 1000 trang rút lại độ 500, rồi còn cho là dài, đang sủa gọt cho còn 300 trang mới cho xuất bản. Nhưng cơn bịnh ngặt nghèo đã không cho phép anh làm xong!". (2)
... Để các bạn biết anh "nuôi" "Nuôi Sẹo" như thế nào, tôi có lần vào thăm nơi anh ở, thấy nhũng chữ "Nuôi Sẹo" đầy cả tường và đủ các lối chữ! Đó là một lối nhắc mình chẳng thể quên, một lối nằm gai nếm mật mới.
"Thế mà mộng viết: "Triết lý triết học" (La philosophie des philosophies) đành tan vỡ, mà cái mộng hoàn thành "Nuôi Sẹo" cũng dở dang". (3)
... Nuôi Sẹo chưa ra đời mà làng văn Việt Nam đã biết cả hình dáng của gã, các nhà xuất bản đã tranh nhau đỡ đầu cho gã, đã có nhà văn Pháp hẹn với tác giả để dịch truyện gã sang tiếng Pháp, đã có họa sĩ đi tìm tài liệu để vẽ lại vài cảnh trong cuộc đời gã. Triều-Sơn cứ đắn đo, sửa chữa xóa bỏ, thêm thắt, và để vào đấy tất cả cái sức khỏe của anh, cho đến ngày không cầm được bút nữa. (4)
Sau khi ông chết (1954- 32 tuổi) tại Paris, Nuôi Sẹo tường như theo ông chìm dưới đáy mộ thời gian, thì bất ngờ thay, vào ngày 1-1-1964, nó được xuất hiện trên nguyệt san Tình Thương - tiếng nói của sinh viên y khoa SG - số đầu tiên. Người giới thiệu tác phẩm này là Trần Ngọc, tức là bác sĩ Trần Ngọc Ninh.
Rồi biến cố 30-4-1975, lại thêm một lần Nuôi Sẹo bị nghiền thành bột giấy.
May mà thư viện Cornell còn lưu trữ 29 số báo Tình Thương (chỉ thiếu số 27). Nhờ vậy, chúng tôi mới có 12 chương để đánh máy lại và đăng lại toàn bộ trên TQBT số này.
Bìa sau TQBT số 77, Tháng 11.2017
Chủ đề: Nhà văn Triều Sơn
Quả thật đúng như những lời tán dương của những người viết trên tạp chí Văn số chủ đề Triều Sơn: Chúng tôi đã bị mê hoặc trong khi đánh máy lại Nuôi Sẹo. Bạn tôi là nhà văn Phạm Văn Nhàn đã dùng laptop để đánh máy được hai chương. Bạn TTH cũng vậy. Bạn cho biết càng đánh máy càng thấy hay. Một bạn đọc thân hữu ở VN cũng có ý nghĩ như vậy sau khi chúng tôi nhờ chị đánh máy 2 chương cuối (dang dở). Chỉ trong vòng 10 ngày cả trăm trang Nuôi Sẹo đã được đánh máy xong.
Điều này chứng tỏ là tác phẩm có sức cuốn hút kỳ diệu. Khi ta đánh máy một bản thảo dở, hay không hợp ý, ta cảm thấy như phải mang vào một hình phạt tội đồ, ngón tay cứ đòi đình công. Nhưng khi đánh máy một tác phẩm hay là ngón tay gõ nhanh trên bàn phiếm như những niềm vui nho nhỏ mọc cánh.
Sau khi nhà văn Triều Sơn qua đời ở Paris vào năm 1954, vào ngày 29-5-1954 tại tòa soạn báo Phương Đông ở Saigon, nhà văn Lê văn Siêu đã tổ chức một buổi truy điệu rất cảm động. Điều này chứng tỏ lòng thương mến của giới văn nghệ dành cho ông rất to lớn dường nào. Tháng 1-1964, chương đầu của tiểu thuyết Nuôi Sẹo bắt đầu xuất hiện trên nguyệt san Tình thương - tiếng nói của sinh viên y khoa Sai gon - với lời giới thiệu của Trần Ngọc và được đăng từng kỳ mãi cho đến năm 1967 là năm tạp chí Tình Thương bị đình bản. Tháng 5-1965, tạp chí Văn mới thực hiện một số báo mang chủ đê Truy điệu Triều Sơn đăng một sổ bài nhận định văn học, hai truyện ngắn và hai bài thơ của Triều Sơn.
Thư viện Cornell đã giúp chúng tôi tìm lại Nuôi Sẹo trên 29 số báo Tình Thương và một số bài vở viết về ông cũng như sáng tác của ông trên tạp chí Văn số 34.
Nhờ báo Văn chúng tôi mới biết ông là một nhà văn, một nhà triết gia, một nhận định gia về văn học, luân lạc khắp cả ba châu, luôn luôn mang bên mình ước vọng là xây dựng một nền văn hóa mới cho đất nước ông, một tác giả cẩn trọng, với chữ nghĩa và ngòi viết của mình.
Ông khác xa với dịch giả Trần Thiện Đạo. Hai người cũng đều ở Paris. Ông TTĐ thì quá tự kiêu tự đại như khi ông phê bình dịch phẩm Những Ruồi do Phùng Thăng dịch từ cuốn Les Mouches của J. P. Sartre hoặc khoe là có đi xem vở kịch Les mouches trình diễn trên sân khấu tại Paris. (Xin xem TQBT số chủ đề Phùng Thăng)
Còn Triều Sơn thì quá khiêm nhường mặc dù "gíao thiệp rất rộng trong giới triết-gia ở Paris và chăm chỉ tham-gia vào Collège Philosophique là nơi mà các triết gia gặp nhau để mỗi tuần hội thảo về những suy tư mới của mình" (xin xem phần tiểu sử đăng ở phần chủ đề)
Tính khiêm nhường và ham học của ông được chứng minh qua bài "chuyện phiếm về tiếu thuyết" dưới hình thức một lá thư gởi người bạn trẻ. Đây là những giòng kết của lá thư:
Tôi tạm dừng bút ở đây. Tôi chắc mấy ý kiến trên của tôi còn có nhiều điều thiển cận lầm lỗi. Nhưng tôi cũng cứ viết ra để làm căn cứ thảo luận. Bạn có ý kiến gì về vấn đề này thì cho tôi biết. Chức bạn mạnh giỏi.
---------
(1) (2) (3): Nguồn: Tạp chí Văn số 34 chủ đề Truy điệu Triều Sơn phát hành 15-5-65.
(4) Trần Ngọc: Mười lăm năm ấy - Nguyệt san Tình Thương số 1 ngày 1-1-64.