4-11-2023 | VĂN HỌC

Vài Ngẫm Nghĩ Đọc Bảng Lược Đồ Văn Học Của Linh Mục Thanh Lãng

  TÔ THẨM HUY


     Linh Mục Thanh Lãng
    (1924 - 1990)

Thuở ở đại học tôi học Toán. Ngôn ngữ Toán học vốn đẹp một cách thần kỳ, nhất là ở những định nghĩa. Cái đẹp ấy không được giảng dạy ở trình độ trung học. Học sinh trung học được hướng dẫn học cách tính toán, học các công thức, các phương trình, mà không được học định nghĩa, nên có thể giải các bài toán, có thể tính đạo hàm, nguyên hàm v.v. như máy, mà không biết mình đang tính cái gì. Cứ nhắm mắt nhắm mũi áp dụng công thức mà làm. Mà cho ra các đáp số, lời giải. Ngay cả những khi chúng không hề hiện hữu. Định nghĩa vốn là nền tảng của Toán học nên chúng được xây dựng một cách chặt chẽ, bằng một thứ ngôn ngữ chính xác, nhiều khi vô cùng đẹp, vô cùng lý thú.


Cái đẹp ấy tuy có quyến rũ tôi, nhưng đã không làm tôi say đắm. Như ngôn ngữ của văn chương, triết học, của luận lý, mỹ học đã. Chúng thật ảo diệu gấp bội. Ở phạm trù trái nghịch lại với ngôn ngữ Toán. Ở ngay chỗ người ta không thể xác định rõ ràng cái gì là cái gì. Cái đẹp ư? Thơ hay ư? Ý nghĩa của thân phận con người? Chân thiện mỹ? Người ta chỉ có thể lọ mọ đến gần chúng không bằng cách nói ra nó là cái gì, mà là nói cái nó không phải là. Đó là một thử thách khiến ta vận hết sức mình, rướn người với tới. Và chỉ tới được gần. Nhưng đủ gần để ta bàng hoàng ngây ngất.


Như lời Bùi Giáng từng nói những người phụ nữ ông chưa gặp đẹp một cách chiêm bao. Vì thế tôi thân thiết, gần gũi với những người học ở Văn khoa. Mượn sách vở của họ về để đọc. Tôi đã mua Văn, Khởi Hành. Hay tìm mua các sách dạy tự học chữ Hán để có thể đọc Đường Thi thẳng từ nguyên tác.


Niềm đam mê ấy của tôi bị đứt đoạn sau 1975. Trong những năm sau cuộc di tản đổi đời, sống ở Mỹ vào thập niên 70, 80, tôi sống lúng túng, phần vì không tìm đâu ra sách vở, có chăng lèo tèo vài tác phẩm do nhà xuất bản Đại Nam in lại từ một số ít sách báo. Tìm mượn sách vở, tài liệu ở Cornell, Havard v.v. là chuyện không tưởng, không biết để mà nghĩ đến. Phần vì phải lo vật lộn, thích ứng với đời sống mới trong đó mọi chuyện đều khác lạ. Phần lại phải đương đầu với cái mặc cảm phạm tội đã không chia sẻ ngọt bùi với điêu linh vận nước. Tôi là ai giữa mùa thay đổi ấy!


Ước gì trong những ngày ấy tôi đã có trong tay bộ "Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam” của Giáo sư Thanh Lãng. Ông quả là người mục quán quần thư. Nhưng không chỉ thế. Ông còn có cái tài thu góm, sắp xếp vô ngần số lượng những tinh hoa của bao thế hệ tiền nhân và kể lại trong một tiến trình minh triết và mạch lạc. Xin mời đọc một đoạn trong phần dẫn nhập bước vào thời của nền văn học mới:

Nền văn học cổ điển, nghĩa là nền văn học lấy luật lệ phép tắc của người xưa làm khuôn mẫu, quả thực giống như một giòng sông liên tục, trải qua hàng ngàn năm hầu như không bị giống tố bão táp bao giờ. Dòng nước ấy chảy liên tục, triền miên cho đến năm 1862, thì bỗng nổi sóng gió vì vấp phải một chiếc đập lớn, cao vòi vọi cắt đứt con sông ra làm hai khúc: khúc từ năm 1862 trở về trước gọi là thời đại cổ điển, khúc từ năm 1862 trở về sau này gọi là thời đại mới.

Rồi ông lại chia cái thời đại mới ấy ra làm ba thế hệ: thế hệ Đối Kháng 1862 đến 1913, thế hệ Liên Hiệp 1913 đến 1932, và thế hệ Đoạn Tuyệt 1932 đến1945. Đối kháng hay liên hiệp là với trào lưu tư tưởng đến từ Tây Phương, và đoạn tuyệt là với cái cũ, với cách nhìn của Nho Khổng. Cách chia thật hợp lý, thông suốt. Về những thế hệ ấy là gần cả nghìn trang giấy, vẽ ra mồn một cái không khí văn học, cái chân dung của mỗi mọi tác giả, cái sôi nổi của các cuộc tranh luận, của từng mỗi thời kỳ, mỗi thế hệ. Từ Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Tộ, đến phong trào Đông Du, từ Dương Khuê, Nguyễn Khuyến đến Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương của thế hệ Đối Kháng. Từ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh đến Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, từ các cuộc tranh luận “Vụ án chữ Hán” với Ng. H.V., đến “Vụ án Kiều” với Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, từ tiểu thuyết Tương Phố, Hoàng Ngọc Phách đến Tản Đà, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh của thế hệ Liên Hiệp.


Từ ảnh hưởng của việc Bảo Đại hồi loan năm 1932 lên các sinh hoạt văn chương, từ tuần báo Phong Hóa của Phạm hữu Ninh với Trần Khánh Giư, Nguyễn Tường Tam, đến sự xuất hiện của Tự Lực Văn Đoàn, từ các cuộc bút chiến giữa Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư với Hải Triều, Bùi Công Trừng, giữa Phan Khôi với Hồ Xanh, từ tiểu thuyết Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng đến Thạch Lam, Nhất Linh, Nguyễn Tuân, từ thơ Thái Can, Quách Tấn, Vũ Đình Liên đến Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, từ Xuân Diệu, Thế Lữ đến Vũ Hoàng Chương và nhiều nhiều người, nhiều chuyện sôi nổi khác của sinh hoạt văn học thế hệ Đoạn Tuyệt. Thật là một công trình đồ sộ mà khúc triết, một giá trị vô ngần cho những ai muốn thấm nhuần văn học của một thời.


Ấy là quyển hạ của nền văn học mới 1862 - 1945, mà tôi và anh Phạm Văn Nhàn chia ra người đọc quyển hạ, người giữ quyển thượng, đọc trước. (Nay thì tôi mới nhận được trọn bộ cả hai quyển nhưng còn để đấy chưa đọc vì đi xa mới về. Mà có lẽ đọc xong gần hai ngàn trang sách ấy cần cả năm cũng nên.) Viết đến đây tôi không khỏi nghĩ đến chuyện thế còn từ 1945 đến 1975 thì sao? Và dòng văn chương hải ngoại từ 1975 đến nay? Những tác phẩm như 45 Năm Văn Chương Việt Nam của Thi Vũ, bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, hay gần đây hơn, các biên khảo của Nguyễn Vy Khanh về các nhánh văn chương trong nước và hải ngoại, là những nguồn tài liệu quý giá. Nhưng người ta không khỏi mong ước một công trình gom góp toàn diện hơn, thống suất hơn, nhất là có sự góp mặt đầy đủ hơn của các cây viết “trẻ” thời chiến tranh Nam Bắc.


Tôi mở đầu bài viết này bằng cái đẹp tinh thông của ngôn ngữ Toán: chính xác, rõ ràng, và so sánh nó với cái đẹp mơ hồ, mông lung của ngôn ngữ nghệ thuật. Nhưng cái đặc sắc ở công trình nghiên cứu văn học của linh mục Thanh Lãng lại nằm ở cái văn phong, cái cách nói minh hiển trên hàng nghìn trang sách. Hai dòng ngôn ngữ tưởng chừng chảy ngược hướng cũng có lúc lại gặp nhau. Ông Sao Trên Rừng Nguyễn Đức Sơn ở đâu đó trên một tác phẩm của ông có kể là ông từng theo học ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn nhưng đã bỏ học sớm vì không tin là trường đại học ấy có thể sinh sản ra một gương mặt ra hồn. Cái cách nói ấy nên hiểu chỉ là cách dùng phủ định để định nghĩa một điều bất khả định nghĩa. Tôi thì tôi tin là các sinh viên theo học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn hẳn là đã may mắn thọ nhận, cũng như tôi đang may mắn được ông Sư Vương Trần Hoài Thư vực bộ sách này sống dậy mà in ra, gửi tặng tôi. Thật muôn phần cảm tạ, tác giả LM Thanh Lãng, và Thư Ấn Quán Trần Hoài Thư.


Tô Thẩm Huy, 15 tháng 10, 2023


Tô Thẩm Huy

Nguồn: Giai Phẩm Thư Quán Bản Thảo số 106 tháng 10/2023
Giới thiệu nhà văn Thanh Lãng (1924-1988)