|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Sự tiết chế, sự điềm đạm vốn là một đặc điểm thấy rõ ở văn chương cũng như con người Thạch Lam (1910-1942).
Biết điều đó, người ta sẽ không ngạc nhiên, khi nghe ông kể rằng ông thường đón Tết một cách không mấy vồ vập, đúng hơn là đơn sơ thanh đạm. “Tết của nhà nghệ sĩ vốn giản dị… một chai rượu mùi, một gói kẹo, một gói thuốc lá, thế là đủ. Chẳng phải vì nghệ sĩ không ước ao hơn, nhưng vì nghệ sĩ vốn nghèo”.
Có điều, trong khi đứng tách riêng ra không chịu đua đả với mọi người về những tiện nghi vật chất, thì nhà văn ấy lại vẫn mở rộng lòng đón Tết, và cũng đủ hồi hộp rung động trước cảnh xuân sang.
Qua văn ông, người ta đọc ra những cảm giác thiêng liêng mà có lẽ người Việt nào cũng trải qua, cái thiêng liêng nảy sinh trước tiên do bắt gặp những vận động tự nhiên của trời đất, nhưng lại càng thiêng liêng vì được cùng với người thân sống lại những phong tục tập quán đã được cộng đồng dân tộc hình thành qua ngàn năm lịch sử.
Những ai từng đọc Hà Nội băm sáu phố phường hẳn nhớ những tinh tế của ngòi bút nhà văn trong việc ghi lại các món ẩm thực hình thành của người dân thường Hà Nội. Trong khi quan sát mọi người chuẩn bị đón Tết, Thạch Lam cũng không quên nhắc lại những phong tục có tự ngàn đời, như việc gói bánh chưng chẳng hạn.
“Ồ, chiếc bánh chưng vuông vắn và đầy đặn, màu xanh như mạ non, gạo nhiễn ra như bông tuyết và giữ trong lòng bao nhiêu quý báu của miếng ngon: lượt đậu mịn và vàng đậm, những miếng mỡ trong như hổ phách, những miếng nạc mềm lấm tấm hạt tiêu. Và thoang thoảng một một chút mùi cà cuống, gắt như cô gái chua, sắc như mũi kim lạnh ”.
Trong những đoạn văn như thế, người ta không chỉ thấy sự thành thạo trong chuyện ăn uống, mà còn bắt gặp sự nhạy cảm riêng của tác giả trước cái quan niệm hàm chứa đằng sau các món ăn: Với người Hà Nội thanh lịch, mọi chuyện không được phép qua loa lấy lệ, hoặc xô bồ tuỳ tiện thế nào cũng được, mà phải kỹ lưỡng thận trọng, tuân theo những luật lệ nghiêm khắc và chắc chắn, bao giờ cũng gửi vào đấy một ý niệm về vẻ đẹp.
Từ đấy, toát ra cái tinh thần của một nền văn hoá độc đáo mà theo tác giả, nếu không bảo nhau giữ gìn, ta sẽ đánh mất.
Sau khi tự nhận rằng chỉ chuẩn bị cho Tết ở mức tối thiểu, Thạch Lam kể:
“Thế rồi hai tay bỏ trong túi áo - và cầu trời cho thời tiết hơi rét và hơi mưa bụi, tôi lẫn trong đám đông xuôi ngược trên hai bên hè phố”. Nói cách khác, niềm vui của ông là được đi ngắm cảnh thiên hạ đón Tết. Trong tầm nhìn của ông, có cây cảnh phố xá, lại có đủ loại mặt người. Trầm lặng và như muốn lẫn đi giữa chung quanh, song con người ông vẫn có sức bao dung rất lớn.
Qua những truyện ngắn như Cô hàng xén, ta biết rằng Thạch Lam rất hay nói tới sự nhẫn nại, sự hy sinh. Thì ngay khi đi trên đường phố nhộn nhịp, ông cũng không quên điều đó.
“Các thiếu nữ trong ngày sắm Tết có rất nhiều vẻ đáng yêu. Đi đâu mà vội vàng thế? Về chậm sợ mẹ mắng hay sao? áo quần không kịp trang điểm, mái tóc không kịp vuốt ve, cho nên có một vẻ lơ đễnh, một vẻ xuềnh xoàng khả ái! Giờ này là giờ các cô đảm đang, đi mua đi bán, đem cái vui vẻ cho em trai và mẹ già, các cô hết lòng lắm. Chen lấn vào đám đông, không sợ bị chèn ép xô đẩy. Đi guốc cao cho khỏi lấm gấu quần. Và nhất là tự nhiên và dung dị”.
Với tư cách tác giả Nhà mẹ Lê, Gió lạnh đầu mùa, Thạch Lam dành ít dòng để nói về Tết của người nghèo:
“…ở ngoài bãi sông, Tết lại có một vẻ riêng đặc biệt. Trông đứa bé đội mũ bông, áo mới dài và rộng, đeo chiếc khánh mạ vàng, nhặt ngòi pháo đốt, thấy cả cái Tết ái ngại và nho nhỏ của cả một vùng”.
Và đây nữa, một nét Tết Hà Nội, dưới con mắt Thạch Lam:
“Đêm 29 Tết, vào giờ trước giao thừa… có ai lên trước chợ Đồng Xuân, để nhìn những cái gì còn lại, những cái gì bị khinh bỉ từ chiều? Những cành đào xấu xí, ít hoa; những bát thuỷ tiên tơi tả, đã chuyền tay hết người này sang người khác mà không được ai mua, những chậu cây cúc và thược dược rã rời và lấm đất. Dưới mưa bụi, bùn đã vấy lên trên những cành đào, mai rải rác trên đường, bao nhiêu bàn chân dày xéo (…). Để trang điểm cho những căn buồng tiều tuỵ, những căn nhà lá nghèo nàn ở các ngoại ô đối với nhiều người, tuy xấu xí tơi tả mặc dầu, những thứ ấy cũng vẫn là biểu hiện của ước mong, của trông đợi”.
Rồi bao nhiêu chuẩn bị đã xong, điều mọi người háo hức chờ đợi, mùng một, mùng hai, những ngày Tết thực thụ đã tới với bức tranh thiên nhiên thoảng qua một chút xao động lẫn những cảnh tượng sinh hoạt như ngàn đời vẫn vậy: Thạch Lam không nói gì khác những điều ai cũng biết, ấy vậy mà đọc ít dòng ghi chép của ông, người ta vẫn cảm thấy như tất cả vừa được nhận ra lần đầu.
“Qua bãi cát rộng, con sông ngày Tết từ từ trôi mấy bông hoa nát không biết ở đâu về. Đây Tết rải rải khắp ven bờ. Một cái bến vài con thuyền đỗ, thế là cũng có khói hương cũng có hoa đào và xác pháo (…)
Ngoài trời lại mưa bụi. Xuân có vẻ đè nén, bao bọc và dằng dai:
Ngõ trúc lùn tùn tun ngọn trúc
Mưa xuân lún phún lụn ngày xuân.
Không hiểu tại sao hai câu thơ không nhớ của ai ấy thật đúng cái cảm giác tôi có lúc mùa xuân”.
Câu chuyện về những ngày Tết dưới con mắt Thạch Lam tới đây đã có thể dừng lại. Song có một điều người đọc không khỏi vương vấn:
Hình như nhân nói về một ngày lễ cổ truyền, Thạch Lam vừa động chạm tới một cái gì lớn hơn thuộc về thần thái của sinh hoạt cộng đồng, nghĩa là những yếu tố trường tồn trong thời gian. Và ai cũng muốn thử cắt nghĩa tại sao đến nay nhiều người còn rất thích văn Thạch Lam, có lẽ phần nào tìm được câu giải đáp: Lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân thống trị, song lại tiếp nhận được một cách nhuần nhị nền văn hoá Pháp, Thạch Lam (cũng như nhiều đồng nghiệp đương thời) đã biết hướng toàn bộ tâm tình vào việc yêu mến, tìm hiểu, khám phá cốt cách dân tộc. Mà cái cách trở về với dân tộc của Thạch Lam thì chân thành và cảm động. Ở đây mọi tình cảm không ồn ào song lại rất thấm thía, càng hiểu cái nghèo túng chật vật của hoàn cảnh người ta cảm thấy nặng lòng với đất nước đã nuôi nấng mình lớn lên. Đó là cách nhìn, là tấm lòng của những trí thức chân chính.
(Đã in trong Chuyện cũ văn chương dưới nhan đề
Những ngày tết dưới con mắt một người Hà Nội lịch lãm)
Sau đây là một bài viết của Thạch Lam
trên Ngày Nay số xuân 1940
Ngày Tết, đối với nhiều người, chỉ có thú vị khi nào nghĩ lại - Người ta thường hay cùng nhau nhắc tới những Tết năm ngoái, năm xưa với một vẻ mến tiếc âu yếm, lẫn với đôi chút ngậm ngùi. Nhất những Tết ngày còn nhỏ… Lúc ấy, cùng với những nỗi vui ngày Tết đã qua, còn vướng niềm thương tiếc tuổi niên hoa, cái tuổi mà người ta nhận là “vô tư lự”, ngây thơ và sung sướng.
Nhưng nỗi nhớ tiếc ấy chẳng ích lợi gì, mà lại ngăn chúng ta không toàn hưởng được thời khắc hiện giờ. Đậm đà, mạnh mẽ hơn bao nhiêu là sự hưởng thụ ngay hiện tại, thêm vào cái thú hưởng những giờ vui, cái thú vô song của sự mình biết mình đương hưởng.
Ngày còn ít tuổi, tôi không hiểu biết được cái thú uống trà. Chén trà thơm lúc đó như sao bằng được những mộng đẹp tôi đang mơ tưởng trong lòng. Bây giờ tôi đã có biết rồi - và thỉnh thoảng một buổi sớm hay trưa, nâng chén trà lên để nhìn qua hương khói. Hưởng hương vị chén trà thì ít, nhưng hưởng cái thú ở đời, và nhất là hưởng cái giờ khắc nghỉ ngơi, nhàn nhã, mà tự mình cho phép - (người ta chỉ có thể hưởng được cái khoái lạc của nghỉ ngơi, khi biết cái nghệ thuật nghỉ ngơi cũng như biết cái nghệ thuật làm việc).
Tôi hiểu là vô ích và điên dại cuộc theo đuổi mộng ảo không cùng, việc lần để ngày lại ngày hạnh phúc. Tôi hiểu rằng hoa nở sớm nay cũng tươi đẹp chẳng kém hoa nở ngày mai, thời tiết xuân nay êm dịp hơn xuân bao giờ hết, và trời trong cùng ánh nắng kia hiện giờ đã đẹp vô ngần…
Tết! Còn dịp nào trong đời ta nhiều thú vị vui tươi hơn nữa. Ngày Tết nhắc ta nhớ lại những Tết đã qua, và khuyên ta an hưởng ngay cái Tết bây giờ. Đêm giao thừa “thời gian qua nghỉ bước trên từng cao” là giờ khắc say sưa êm dịu nhất. Hưởng mùi thơm thuỷ tiên, cánh hồng hoa đào nở, hưởng làn khói trầm vấn vít đủ lên cao. Hưởng đi, trong cái khoái lạc của sáng suốt, trong cái minh mẫn của tinh thần, trong sự thư thái thảnh thơi của lòng bình tĩnh. Tiếc thương như gia vị và mong mỏi như làm ấm nóng cái thú vô cùng.
Rượu sánh trong cốc pha lê trong trộn mùi khói pháo với hương thuỷ tiên. Tiếng pháo nổ vui từ nhà nọ sang nhà kia, liên tiếp, đi mãi vào trong đêm để làm vang động bầu không khí xuân của khắp cả các gia đình. Đó là tiếng hiệu lệnh của sự thông đồng chung hưởng.
Lúc đó mỗi nhà đều uống rượu thưởng năm mới. Rồi chiếc bánh chưng đầu năm mang lên, xanh mịn trên đĩa trắng. Bánh chưng gói khéo thì vuông và chắc rắn: gạo mềm và nhiễn, nhân đậu và mỡ quánh vào nhau. Chỗ nạc thì tơi ra như bông gạo. Có nhà gói lắm nạc, nhưng nhiều mỡ vẫn ngon hơn: mỡ phần, chỗ giọi, lúc chín thì trong, và không có thớ. Bánh chưng kể mặn là phải vị. Nhưng có dăm bảy chiếc gói ngọt cũng hay. Chỉ khó làm sao cho đừng sượng, và đường với đậu phải biến với nhau mà thôi.
Tưởng lúc xén đũa đưa miếng bánh chưng lên, thoảng mùi lá dong thơm và mùi nếp cái, ăn với dưa hành trong như ngọc thạch, hoặc với củ cải đậm và ròn như pháo xuân! Đó là tất cả hương vị của cái tết Annam, ngày nay và ngày xưa.
Sáng mồng một, chúng ta uống rượu và ăn mứt. Rượu hẳn là phải rượu tây: những thứ vang cũ ngọt như Porto, nồng chua như Vermouth, hay say như Cognacq. Uống những thứ ấy thích hơn liqueurs. Nhưng sao ta không có rượu ngon của ta? Tiếc vì bây giờ cái gì của người mình cũng vụng về và giả dối. Còn đâu thứ rượu cau có tiếng ở Hoàng Mai, thứ rượu cúc nổi danh ở tỉnh Bắc? Cái hào nhoáng, cái lộng lẫy bề ngoài đã thay cái chân thực, cái cẩn thận của người xưa. Đơn sơ và cẩu thả đã cướp chỗ của tốt bền, ở tất cả những sản phẩm của nước mình.
Mứt ngày trước cũng ngon và khéo léo hơn mứt bây giờ. May gần đây, sự làm đã khá. Đã có mứt sen Cự Hương, mứt khoai Việt Hương, vị cũng nhã, mà trình bày lại sạch sẽ, tinh tươm. Đem làm quà ngày Tết kể cũng tạm được.
Mứt phải đủ ngũ vị: ngọt, bùi, đậm, béo và cay. Thứ mứt gừng cay là quý nhất. Chỉ tiếc thay mứt gừng ngoài Bắc thô và mạnh quá. Tôi ước ao được một ngành mứt gừng ở trong Trung - mứt gừng của Huế, làm bằng mầm gừng non và cả nhánh, trong như ngọc và cay, mềm dịu cũng như con gái Huế.
Thế rồi đi du xuân ngày mồng một, nhìn cây nêu phấp phới trước các nhà, tiếng khánh sành reo theo gió. Một cuộc hoà nhạc của sắc màu: quần áo mới của bầy trẻ, xác pháo đỏ trên gạch rêu, màu hồng nhạt hay đỏ tươi của câu đối giấy dán trên cổng, và màu củ cẩm (hay cánh sen) trên những tranh tết - nhất cái màu tím mát ấy, màu của đất nước Annam, của thời xưa chân thật mà không bao giờ nhìn tôi không thương nhớ ngậm ngùi…
Trong lúc đó, trời xuân đầy mây thấp và gần gụi, thời tiết êm ả như đợi chờ, gió xuân nhẹ như hơi thở, và cây cối đều nở mầm non, lộc mới - tất cả cái gì như đầm ấm, như dịu dàng. Còn hưởng cái thú nào man mác và thanh cao hơn nữa?
Cho nên ngày Tết, tôi mong các bạn cùng vui vẻ tươi sáng như ánh mùa xuân, trong khi lần giở những trang của tập báo vì các bạn này.
- Từng Có Một Nơi Hoàn Cảnh Không Thể Làm Hỏng Con Người Vương Trí Nhàn Tạp luận
- Thạch Lam và những cái Tết thanh đạm Vương Trí Nhàn Tạp bút
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |