9-8-2022 | THƠ

Tản Đà Và Hai Chữ Non Nước

  VIÊN LINH


    Nhà thơ Tản Đà  (1889 - 7.6.1939)

Mỗi nhà thơ thường để lại dấu vết trong ngôn ngữ, chữ dùng, thường là một cách tự nhiên nếu ai để ý tìm tòi sẽ thấy. Nhà thơ Tản Đà (tên thật Nguyễn Khắc Hiểu người Sơn Tây, nơi có núi Tản Viên và dòng Đà giang), để lại một di sản lớn lao vừa là thi ca, vừa là những bài viết nho nhỏ trên các tờ báo ông cộng tác, nhất là trên tờ An Nam Tạp Chí của chính ông. Nghiên cứu về ông cần nhiều công phu, ít ra là một cuốn sách dày, hoặc cần từng bài viết nhỏ, mỗi bài bàn về một khía cạnh nào đó mà thôi: như các giai thoại liên hệ tới độc giả, như Tản Đà và nghệ thuật uống rượu, Tản Đà và nghề bói toán, ... Bài này bàn về hai chữ ông hay dùng: hai chữ Non Nước.

Các nhà văn nhà thơ thường vô tình hay nhắc đi nhắc lại một số từ ngữ mà họ đã dùng, hay rất vô tình dùng một vài chữ sẽ được gắn liền với họ, không còn gột bỏ được, dù đời không có ác ý. Mai Thảo bị gắn liền với hai chữ “vỡ òa”. Nắng vỡ òa. Thanh Tâm Tuyền được nhắc nhở với mấy chữ “đạn nổ nhịp ba không chết”.


Tại Miền Nam có thi sĩ được gọi là thi sĩ “rong rêu,” vì chữ này hiện lên liên tục trong nhiều bài thơ của ông. Có thi sĩ “liên tồn,” ai cũng biết là nhà thơ không vợ Bùi Giáng. Ngược đường xuân thu, Nguyễn Du hay dùng chữ số phận, “phận sao phận bạc như vôi,” Cao Bá Quát văng tục vào mặt lịch sử “Đù ỏa trần gian,” Nguyễn Khuyến quanh quẩn với “ao thu,” “gió thu;” và tháng 6 này, ngày 7 năm 1939, nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ra đi, chúng ta hãy nhớ lại xem những chữ ông hay dùng...


Các thi sĩ làm thơ, mỗi người có một thi ngữ riêng, dù người thi sĩ đó không tuyên bố thi ngữ của họ như thế nào. Thi ngữ của một thi sĩ ví như bửu bối của một hiệp khách, có người rành về trường kiếm, có kẻ giỏi về đoản đao, hay nói một cách khác, về hình thái chẳng hạn, có người xuất sắc về lục bát, có kẻ thiện nghệ về thất ngôn. Làm một ngàn bài thơ có khi không phải là thi sĩ giỏi, nếu thơ như máy nước, vặn xuôi thì nước chảy ào ào, vặn ngược thì nước đóng lại ngay, không nhỏ một giọt, tựa như vòi phông-tên được tiện khéo mà thôi. Sau này vòi nước không phải là vặn xuôi hay vặn ngược nữa, mà nhấc lên, ấn xuống, thì có nước nóng, nước lạnh, vặn trái hay phải thì đóng hay mở, đó chỉ là vòi nước tân hình thức, hậu hiện đại, công dụng vẫn là có nước hay không, khiến người ta dơ hay sạch, dễ hay khó. Trở về với Tản Đà, thi hào của Văn chương Việt Nam thế kỷ hai mươi, ông hay dùng hai chữ, ngoài Thơ và Rượu, là chữ Non Nước.


Đây là bài thơ Tản Đà thích nhất:

Non xanh xanh

Nước xanh xanh

Nước non như vẽ bức tranh tình

Non nước tan tành

Giọt lụy chàn [tràn] năm canh!


Đêm năm canh

Lụy năm canh

Nỗi niềm non nước

Đố ai quên cho đành?


Quên sao đành?

Nhớ sao đành?

Trần hoàn xa cách

Bồng lai non nước xanh xanh!

Bài này chính thi sĩ ngâm lên sau câu hỏi của nhà biên khảo Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa:


“Một lần nói chuyện với tiên sinh [Tản Đà], tôi có hỏi: ‘Thưa cụ, trong các bài thơ cụ đã làm, cụ có thể cho biết cụ thích bài nào nhất?’ Không suy nghĩ, thi sĩ trả lời ngay: ‘Tôi thích nhất bài ca làm trong tập Giấc Mộng Con thứ hai đề Tây Thi hát.’” Rồi tiên sinh ngâm, sảng khoái. (Trương Tửu, Uống rượu với Tản Đà, Đại Đồng Thư Xã, Hà Nội, 1939, trang 25.)


Tản Đà mất ngày 7 tháng 6.1939, mà bài viết của Trương Tửu ghi ở dưới “Viết trong tháng Janvier 1939,” nghĩa là viết trước đó 5 tháng.


Nhà thơ Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 19.5.1889 tại Sơn Tây, hưởng dương 50 tuổi.


Trong quãng đời ngắn ngủi ấy, trải qua những ngày tháng phong trần, vào Nam ra Bắc chỉ để làm báo, thơ ông lồng lộng nắng gió, mênh mông núi sông, ngào ngạt mùi vị rau ngải rau tần, và những lúc lắng đọng, người ta nghe ông ngâm thơ về non nước:

Dưới bóng trăng tròn, tán lá xanh,

Nhớ chăng? Chăng nhớ? Hỡi cô mình?

Trăm năm ghi nguyện cùng non nước

Nước biếc non xanh một chữ tình!

(Tản Đà, Lưu tình)


Kìa bức dư đồ thử đứng coi

Sông sông núi núi khéo bia cười.

(Vịnh bức dư đồ rách)


Mơ màng đâu đó bao dân chúng

Tô điểm nào ai với núi sông!

(Đêm Tối)


Lo nước, thương đời đêm chẳng ngủ

(Tháng ba không mưa)


Còn non, còn nước, còn trăng gió

Còn có thơ ca bán phố phường

(Đề Khối Tình Con thứ nhất)


Bốn mặt non sông một mái chèo

(Sông cái, chiếc thuyền nan - đề báo An Nam Tạp Chí số 1)


Mặt nước khói tan chìm vía cá

Đầu non sương phủ dạn thân tùng

(Hủ nho lo mùa đông)


Ai rằng Nam Bắc cách đôi nơi

Cũng một non sông một giống nòi

(Thơ tặng Phụ Nữ Tân Văn xuất bản ở Sài gòn)


Mặt nước sông Đà tim róc rách

Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ

(Ngày Xuân thơ rượu)

Và bài thơ nổi tiếng nhất của Tản Đà trong nhiều sách Giáo Khoa, là bài

Thề non nước


Nước non nặng một nhời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non

Nhớ nhời “nguyện nước thề non”

Nước đi chưa lại, non còn đứng không

Non cao những ngóng cùng trông

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày

Xương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái đã dầy tuyết sương.

Trời tây ngả bóng tà dương

Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.

Non cao tuổi vẫn chưa già

Non thời nhớ nước, nước mà quên non.

Dù cho sông cạn đá mòn

Còn non còn nước hãy còn thề xưa.

Non cao đã biết hay chưa?

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Nước kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non nước nước không nguôi lời thề.

Trích dẫn từng ấy cũng đủ để thấy rằng lòng Tản Đà ở với nước non, thơ Tản Đà sống cùng non nước. Làm thi sĩ như ông, thi ngữ quê hương tự tại bẩm sinh trong dòng máu, thơ ông tự bản chất là thơ của thi bá thi hào dân tộc thế kỷ XX, và mãi mãi.


(6 tháng 6.2012, ngày giỗ thứ 73 của người Núi Tản Sông Đà.)


Viên Linh

Nguồn: Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn Việt Nam
Nxb Khởi Hành, 2017