|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà thơ Trần Mộng Tú
Tôi thắp lòng tôi bông hoa nến
gửi người một đóa tháng Giêng xuân
(“Bão gió tháng Giêng”, Trần Mộng Tú)
Rời thư viện thành phố với tập thơ trên tay, tôi ghé vào quán nước quen. Người bạn chờ sẵn nơi đó, bên chiếc bàn nhỏ ở một góc khuất. Chúng tôi có cái hẹn để đi đến một nơi khác, gặp những người bạn khác. “Sách gì vậy?” anh ta hỏi khi tôi vừa ngồi xuống. “Thơ,” tôi trả lời. “Thơ? Ở đâu ra vậy?” người bạn hỏi tiếp, giọng ngạc nhiên, làm như... chưa từng nghe nói đến “thơ” bao giờ vậy. “Ở trong thư viện,” tôi nói. Xem chừng anh ta vẫn chưa hiểu rõ lắm, tôi bèn phải kể sơ qua cuộc hội luận về sinh hoạt chữ nghĩa của những người Việt cầm bút ở hải ngoại–trong số có tác giả tập thơ–gọi là “Chiều Văn Chương Việt Nam” tại Seattle Central Library.
Người bạn lật lật qua ít trang thơ, ngừng ở một trang, đọc ít câu thơ, mỉm cười. Xong, đẩy bài thơ về phía tôi. Tôi cúi xuống, đọc, mỉm cười.
Hãy ngừng lại để cho em thở
thở một hơi dài
rồi tiếp tục yêu... (Work Zone Ahead / Give ‘Em A Break)
Câu thơ ấy, bài thơ ấy, nằm trong tập thơ Trần Mộng Tú, Ngọn Nến Muộn Màng. Ngừng lại cho em thở cái đã (anh làm em ngộp thở mất!), rồi hãy tiếp tục yêu. Tình yêu trong thơ Trần Mộng Tú hối hả, cuồng nhiệt đến vậy sao? Thực ra, đây chỉ là lối “chơi chữ” (chữ “them” tiếng Mỹ viết tắt tựa như chữ “em” tiếng Việt), chỉ là một chút đùa nghịch với chữ nghĩa, đùa nghịch với thơ, vẫn thấy trong thơ chị. Một bài thơ khác, cũng với lối “đùa nghịch” như vậy:
Ông Trời hôn lên trái cam
đặt tên cho trái cam là Sunkist
Anh hôn em
anh gọi tên em là Tình Yêu... (Trái Cam Và Tình Yêu)
Dạo sau này tôi ít có đọc thơ và cũng ít đọc trọn tập thơ nào. Dường như những bài thơ hay ngày càng ít đi. Tôi cũng ít bận tâm chuyện thơ mới thơ cũ, thơ thanh thơ tục. Chỉ có thơ hay hoặc không hay. Một bài thơ hay không bao giờ cũ, như cái đẹp còn ở lại mãi với ta.
Thường, tôi đọc thơ rất chậm. Thơ không thể nào đọc nhanh được, tôi cho là vậy. Thơ không thể đọc vội vã, gấp gáp, đọc lướt qua như đọc các mẩu tin chính trong tờ báo hàng ngày. Thật khó mà đọc thơ và thưởng thức thơ theo lối ấy! Tôi nghĩ những người làm thơ chắc cũng không ai muốn thơ mình được đọc theo lối ấy. Tôi cũng không thể đọc một lúc, đọc liền một mạch suốt tập thơ. Tôi đọc mỗi ngày một ít, có ngày một, hai bài thơ, có ngày chỉ... vài câu thơ. Tôi đọc như là “nhấm nháp” thơ, như là nhấm nháp từng ngụm trà, từng ngụm café, từng mẩu bánh..., để kéo dài thêm ra cái thú thưởng thức thơ thật chậm rãi, thật từ tốn. Thơ đọc theo cách ấy có vẻ dễ “ngấm” hơn, có vẻ “ngon” hơn, và có vẻ... “thơ” hơn. Ðọc thơ, tôi cũng không đọc thầm. Tôi đọc thành tiếng, khe khẽ. Tôi nghe “tiếng thơ”. Tôi “đọc” thơ và “nghe” thơ.
Tôi gần như đã đọc thơ Trần Mộng Tú theo cách ấy.
“Nhà thơ của tình yêu”, nhiều người vẫn quen gọi Trần Mộng Tú như thế. Tôi nghĩ có đúng, nhưng chưa đủ. Cách gọi ấy không nói được gì nhiều về thơ chị, và cũng không làm người ta dễ dàng “nhận” ra chị trong số khá đông những “nhà thơ của tình yêu”. Trần Mộng Tú không chỉ viết về tình yêu, chị viết về cuộc sống muôn màu muôn vẻ, trong đó có tình yêu, và tình yêu trong thơ chị cũng... muôn màu muôn vẻ. Thơ chị vẽ ra những khuôn mặt khác nhau của tình yêu; có điều, dẫu là khuôn mặt nào, người ta vẫn nhận ra thơ Trần Mộng Tú, vẫn nghe ra lời mời gọi thật quyến rũ của tình yêu.
Có khi thật sôi nổi, thật nồng nàn như tình đầu, như “một thời để yêu...”
Sợi tóc mỏng của một thời mơ mộng
của một thời tình lạc giữa chiêm bao
của một thời xô vỡ cả trăng sao
biển căng ngực và núi rền tiếng thở... (Sợi Tóc)
Có khi thật đằm thắm, thật dịu dàng như tình cuối, như “một lần là trăm năm...”
Cho em hôn lên những sợi tóc bạc của anh
để em đổi trăm năm cho một ngày hạnh phúc... (Thornbird)
Có khi thật háo hức, thật giục giã, như “yêu nhau đi, chiều hôm tối rồi”, như phải gấp gáp, phải vội vàng lên để mà chạy đua với chiếc kim thời khắc của tình yêu.
Hãy yêu nhau ngay bây giờ
đừng đợi ngày mai
vuốt tóc trắng rồi ước gì ta trẻ lại...
Yêu đi anh!
nụ hôn em còn nồng
ly rượu còn đầy
mặt trời còn đỏ... (Rượu Còn Đầy, Mặt Trời Còn Đỏ)
Tình mong manh như giọt sương mai trên cành lá biếc.
Ôi tình yêu như giọt sương buổi sáng
làm sao em giữ được đến buổi chiều... (Thời Gian Và Tình Yêu), hoặc
Anh đến như buổi sáng
mang theo giọt bình minh
giọt rơi trên phiến lá
giọt rơi xuống truyện tình... (Câu Hỏi)
Tình bâng khuâng như nỗi nhớ, tình xa xăm như tiếng vọng.
Tôi xa người như xa mùa xuân
ngực tôi còn đọng chút hương trầm
Mảnh trời trong mắt còn xanh biếc
người đã mơ hồ như vọng âm
Tôi xa người như xa cơn mưa
tóc tôi còn ướt đến bây giờ
Nhớ tôi người có châm điếu thuốc
nhớ tôi người có đi trong mưa... (Cả Một Dòng Sông Ðứng Lại Chờ)
Người là mùa xuân hay người là cơn mưa? Nhớ người hay nhớ hơi thuốc ấm? Nhớ người hay nhớ những cơn mưa? Mưa rơi ngoài trời hay mưa trong lòng người? Giọt mưa rơi hay giọt nước mắt rơi?...
Tình ngất ngây, bàng hoàng, hay tình là nỗi xót xa.
Em đứng nghiêng cho anh nhìn sóng lượn
đêm mầu xanh hay biển tóc em xanh...
Em cúi xuống cho anh hôn lên gáy
kỷ niệm gầy như những chiếc xương vai... (Ngọn Nến Muộn Màng)
Tôi yêu những cái “như”, những lối ví von đầy hình tượng như thế trong thơ Trần Mộng Tú. “Gầy như những chiếc xương vai”; “gầy như nhánh cúc”; “hiền như hoa cúc” (Tháng Mười Hoa Cúc); “hiền như một miếng khoai” (Ðiểm Tâm); “mềm như tuyết mỏng” (Trái Ðất Không Nghe Em); “trong như ly nước lọc” (Ðiểm Tâm)... “Gầy” như không thể nào gầy hơn; “hiền” như không thể nào hiền bằng; “mềm” như vậy là mềm quá chừng; “trong” như thế là trong quá sức...
Tình là nỗi tiếc nuối, là những mùa xuân phai.
Em ngồi xuống đêm không còn trẻ nữa
cánh chim bay tha hết cọng thời gian
Trên vai anh em gửi đời cát lở
tình thắp cho em ngọn nến muộn màng...
Vì sao lại muộn màng? Vì sao là tình muộn? Vì đêm vui đã tàn, vì ngày vui qua mau, vì cánh chim đã bay mất? Thời gian như vết chim bay.
Nỗi muộn màng của người bắt hụt chuyến tàu. Hình ảnh con tầu và sân ga thường vẽ ra cảnh tượng buồn bã của một cuộc chia tay. Chia tay với con tầu, hay chia tay với sân ga, cũng là chia tay với một mối tình. Mối tình nào, tiếng còi tầu nào còn đeo đuổi nhà thơ mãi đến tận bây giờ...
Nói cho anh chuyến tầu nào em lỡ
sân ga nào còn giữ lệ em rơi...
(Ngọn Nến Muộn Màng)
Ngọn nến mong manh như tình yêu thật mong manh. Ánh nến lung linh, chập chờn tựa như hạnh phúc vừa có thật lại vừa không có thật. Những ngọn nến nào đã được thắp sáng hay thổi tắt? Những ngọn nến của hy vọng và tuyệt vọng.
Những ngọn nến đứng lặng câm hay chỉ thoáng lay động, như tình yêu thầm lặng, như nỗi buồn giấu kín. Buồn nào hơn những giọt lệ nến chảy thầm trong đêm. Buồn nào hơn những ngọn nến “khóc lẻ loi một mình”.
Em vẫn khóc một mình
giấu quanh những giọt lệ
dưới những ngón tay gầy
chàng biết đâu chia sẻ... (Trái Ðất Không Nghe Em)
Những ngọn nến mang vẻ đẹp huyền ảo tựa hồ những bông hoa hạnh phúc mà ta chỉ có thể ngắm nhìn từ xa chứ không sao lại gần được.
Trong những trang thơ Trần Mộng Tú, ta còn gặp những ngọn nến khác, những ngọn nến rưng rưng của nhớ thương, tưởng tiếc. Những ngọn nến ấy bao giờ cũng thắp lên trong nỗi muộn màng cho những người còn sống và cho những người đã khuất, đã từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác. Những ngọn nến hắt hiu, leo lét. Những ngọn nến như có một linh hồn.
Nỗi buồn trong tình yêu và trong thơ Trần Mộng Tú không sướt mướt, không sầu thảm, chỉ rưng rưng như những hàng nến trắng rưng rưng.
Thơ Trần Mộng Tú còn gợi cho tôi điều gì khác. Ðó là những chuyến xe bus buổi sáng dẫn tôi vào thành phố, đến trường học, đến sở làm. Ðó là những chuyến xe bus buổi chiều đưa tôi ra khỏi thành phố, về lại nhà hay đi đến một nơi nào đó. Những chuyến bus của những năm đầu định cư tại thành phố có lắm xe bus này. Trên những chuyến xe bus đi và về ấy, trong lúc lơ đãng đưa mắt lướt qua những tranh ảnh vui mắt, những hàng chữ quảng cáo sản phẩm đủ loại dọc hai bên lòng xe, có đôi lúc tôi gặp… thơ. Thường là những bài thơ ngăn ngắn, có khi rất ngắn, chỉ vài ba câu. Thơ về mọi đề tài, mọi sinh hoạt của đời sống. Thơ của những tác giả quen tên hoặc không tên tuổi, và cả những vần thơ thật trong sáng, thật hồn nhiên của một cô học trò nhỏ... Thật thú vị khi “bắt” được một bài thơ hay, một câu thơ hay. Ðọc thơ trên xe bus thấy rõ thơ toát ra từ cuộc sống, thấy cuộc sống mỗi ngày ở quanh ta đầy chất thơ. Cuộc sống như trở nên dễ chịu hơn, thi vị hơn, và tất nhiên, cũng đẹp thêm lên một chút.
Ðọc Trần Mộng Tú dễ có cảm giác tương tự. Ở đâu cũng ra thơ, ở đâu cũng là thơ.
Bây giờ là tháng Mười
em như hoa cúc nhỏ
Sao anh không là gió
thổi mùa thu vào em... (Tháng Mười Hoa Cúc), hoặc:
Anh không là chiếc lá
sao hiểu được mùa thu
Anh không là ngọn núi
sao hiểu được sương mù... (Thu Khúc), hoặc:
Tôi co mình trong gió
đứng lên ngó gầm cầu
ôm trái tim homeless
không biết đi về đâu... (Chim Bồ Câu Và Trái Tim Homeless), hoặc:
Khi chúng tôi gặp nhau
chàng cúi xuống hôn tôi
cả hai cùng khóc
nước mắt chàng nhuộm vàng
thân thể tôi
tôi bật gọi tên chàng
Trăng ơi!... (Gọi Tên)
Nhiều lắm, những câu thơ như thế, những câu thơ tỏ tình với cuộc sống. Theo chân Trần Mộng Tú, bước xuống cuộc đời, ta gặp thơ mỗi ngày. Thơ ở cạnh ta, ở trong mỗi con người mỗi sự vật, ở trong những sinh hoạt thường ngày. Thơ quanh quẩn đâu đây, thơ không ở đâu xa. Thơ sẵn đâu đó, tưởng cứ xòe tay ra là nắm bắt được thơ ngay, tưởng có thể chia nhau mỗi người một mẩu thơ. Mỗi người đến và đi đều có mang thơ theo.
Anh có miếng thơ nào
giấu ở trong túi áo
hãy lấy bỏ ra đây
bẻ cho em một mẩu... (Miếng Thơ)
Thơ ở cùng khắp, mọi nơi, mọi lúc. Thơ ở trong nhà, thơ ra ngoài vườn.
Ôi khu vườn tuổi nhỏ
nắng thơm như nụ hôn
những chùm hoa trứng cá
nở trắng một góc hồn... (Dấu Chân Vườn Cũ)
Thơ ngoài đường phố, thơ trên xa lộ.
Những vệt phấn mơ hồ trên xa lộ
mỗi ngã ra là một ngã phân vân... (Thơ Trên Xa Lộ)
Thơ từ núi đồi thơ ra sông biển. Thơ đến từ thời tiết, mùa màng. Thơ đến từ những cơn mưa, cơn bão rớt thổi về thành phố.
Trời cuối năm bão ghé vào thành phố
tôi cuối năm buồn ghé nỗi tôi thầm... (Trời Cuối Năm Ở Issaquah)
Thơ gần gũi, kề cận. Thơ len cả vào... phòng tắm.
Nước chảy trên hai bờ vai nhỏ
nghe mòn quá khứ dưới làn da... (Ngày Ðã Qua Biền Biệt)
Thơ rón rén đi vào phòng ngủ.
Buổi sáng
thức dậy chàng hỏi
em ngủ ngon không
anh ngáy to quá
họ lăn vào nhau
con chim hót ngoài cửa sổ
ngày bắt đầu... (Cũng Có Hôm Như Thế)
Thơ nhẹ nhàng đến bên giường bệnh.
Thôi thì là một giọt sương
chiều tan sáng đọng chẳng vương bận gì... (Thơ Và Bệnh)
Trần Mộng Tú không “làm thơ”, làm như thơ sẵn đâu đó từ trong máu trong tim chị, làm như mạch thơ chị lúc nào cũng lai láng, tứ thơ chị lúc nào cũng dạt dào. “Tôi không làm thơ, thơ làm tôi”, nói như chị. Dòng thi hứng trong chị bắt nguồn từ bất kỳ một cảm xúc, một rung động, một câu chuyện, một đề tài nào. Thơ từ những đồ vật, sự vật tầm thường: một đôi giày cũ, một viên gạch vỡ, một tấm bảng chỉ đường, một đàn bò, một cánh đồng cỏ non, một chuyến bay, một bữa điểm tâm, một buổi làm vườn, một chiếc lá thu, một cành thông gãy, một người mù qua đường, một cây đàn cũ kỹ ai đó bỏ quên nơi góc phố... vân vân và vân vân. Những giác quan của người thơ thật tinh tế, thật bén nhạy.
Những vật nhỏ nhoi, những chuyện thường ngày, nhưng rất sống, rất thực, vì đấy là cuộc sống. Thơ như nhịp đập của trái tim, như hơi thở của cuộc sống. Thơ Trần Mộng Tú, vì thế, đầy sức sống.
Hồn em giờ rất lạ
một chiếc bình đầy anh… (Hồn Em Giờ Rất Lạ)
Chiếc bình chứa ấy cũng rót ra những câu thơ “rất lạ”. Thơ Trần Mộng Tú lúc nào cũng mới, dường như chị không thích sự lập lại và luôn muốn khám phá, muốn tìm kiếm những đổi thay. Trần Mộng Tú là vậy, phía sau sự bình dị của đời thường là những nhạy bén trong sáng tạo chữ nghĩa và ý tưởng. Những sáng tạo đôi lúc ánh lên một vẻ tinh nghịch.
Tôi nhớ bắt đầu làm quen với thơ chị khi “bắt” được những câu lục bát trên trang báo nào.
Tôi vào chùa, thắp nén nhang
Phật ngồi yên lặng, liễu bàng hoàng xanh
Tôi vào chùa, tâm phân vân
tiếng chuông vỡ giữa thực, không đôi bờ... (Thực, Không Ðôi Bờ)
Những câu thơ đọc lên nghe “bàng hoàng”, nghe như có âm vang “tiếng chuông” ngân nga trong đầu... Những câu lục bát thật bất ngờ, thật thú vị như thế có thể tìm thấy rải rác đâu đó trong những trang thơ Trần Mộng Tú.
Em đi đuôi mắt ngậm ngùi
rừng phân ưu đứng, lá ngồi tịnh tâm
Em đi sông gọi tiếng thầm
lục bình chia nhánh, đá trầm mình đau
Em đi trời xuống thật sâu
mây chia trong tóc, gió nhầu trên vai... (Xóa Bình Minh)
Tôi chưa nghe ai nói thế bao giờ, “Mây chia trong tóc, gió nhầu trên vai”. Không riêng gì lục bát, nguồn thi hứng với ngôn ngữ thơ rất “mới” ấy còn chảy tới những dòng thơ nào khác nữa. Thơ ngũ ngôn chẳng hạn, vừa lạ, vừa rất... Trần Mộng Tú.
Ai có cầm chai rượu
xin rót hộ vào đêm
những giọt mưa say khướt... (Thèm Khóc Như Thèm Mưa), hoặc:
Anh trốn vào trong em
len qua từng tĩnh mạch
theo máu ghé vào tim
em, chao đi một nhịp
Cái nhịp “chao đi” ấy là gì, nếu không phải là nhịp đập xao xuyến của tình yêu. Chưa hết:
Anh hòa tan trong máu
như suối chia muôn nơi
dòng nào lạc qua phổi
cho em thở bồi hồi... (Hồn Em Giờ Rất Lạ)
Nhịp thở “bồi hồi” ấy là gì, nếu không phải là hơi thở rạo rực của tình yêu. Vẫn chưa hết:
Anh ném vào lò sưởi
những viên hạt dẻ tròn
trái tim em nhóm lửa
mùa đông bén trong hồn
Hai bàn tay em đỏ
môi em hương nhựa thông
cổ em thơm mùi khói
cánh tay em củi trầm... (Mùa Ðông)
Thơ Trần Mộng Tú bao gồm mọi thể loại, mọi đề tài, tựa như chị muốn ôm hết cuộc sống vào lòng vậy. Ở bất kỳ thể thơ nào, những người yêu thơ chị cũng nhận ra được chất thơ Trần Mộng Tú, cũng nhận ra được cái mới, cái lạ, cái đẹp trong thơ chị.
Vườn tôi gầy quá hoa không nở
tóc người thức giấc giữa đêm xuân
bão gió thổi trăng không rằm nữa
nghiêng tai nghe lá gọi chỗ nằm... (Bão Gió Tháng Giêng), hoặc:
Em giấu em ở trong hạt gạo
nằm rất ngoan giữa những chân nhang
đợi tiếng giầy anh chạm bực cửa
về chia nhau một thế kỷ tàn... (Nhìn Nhau Rất Xa)
Những cách định nghĩa tình yêu còn “lạ” hơn nữa.
Ngực em chỉ là căn nhà cho mướn
tình yêu là khách trọ của trái tim... (Ðừng Hỏi Em), hoặc:
Tình yêu như vết bớt trên lưng... (Thế Kỷ), hoặc:
Tình như chăn hẹp không vừa ấm tôi... (Mưa Seattle)
Sau hết, đọc lại một lần nữa, một đoạn trong “bài thơ hoa cúc”, hay bài “thơ tình tháng Mười” ấy, để thấy được, để nghe ra cái hương vị ngọt ngào, cái dịu dàng đầy nữ tính xen lẫn chút mơ mộng của tình yêu trong thơ Trần Mộng Tú, và để nghe tiếng thơ chị như lời thì thầm, như lời tỏ tình thầm kín của... bông cúc vàng.
Bây giờ là tháng Mười
em hiền như hoa cúc
Sao anh không là đất
cho em ngả vào lòng
Bây giờ là tháng Mười
em gầy như nhánh cúc
Sao anh không là mưa
cúi hôn từng cánh lá
Bây giờ là tháng Mười
em mong manh như cúc
Sao anh không là nắng
ôm em ấm một ngày... (Tháng Mười Hoa Cúc)
Tôi nhớ, buổi chiều ở thư viện, buổi chiều hội luận về thơ, văn, về sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt ở hải ngoại với những dãy ghế chật kín người. Những sinh hoạt như thế không có nhiều ở thành phố này. Khởi đầu là giới thiệu tác giả tác phẩm, rồi những chia sẻ kinh nghiệm viết văn, những trao đổi ý kiến, những tranh luận, đôi lúc khá sôi nổi... Cho đến một lúc, người ta nghe giọng đọc thơ dịu dàng của Trần Mộng Tú cất lên, và rồi tất cả bỗng dưng lắng xuống. Và không gian, thời gian như đọng lại. “Chiều Văn Chương Việt Nam” bắt đầu từ đó.
Tôi cũng nhớ, không khí lúc ấy yên lặng quá. Không còn thứ tiếng động nào khác ngoài “tiếng thơ” ấy. Mọi người đã tạm ngưng những câu chuyện, chăm chú lắng nghe thơ. Tôi cũng chăm chú lắng nghe thơ. Thơ nói về những ngọn nến, về những ngọn lửa nhỏ được thắp lên đâu đó trong tình yêu, trong cuộc sống. Chỉ là những ngọn nến, chỉ là những ngọn lửa nhỏ thôi, nhưng cũng đủ tỏa ra chút ánh sáng, tỏa ra chút hơi ấm của tình người, và cuộc sống nhờ vậy vẫn còn đáng yêu, đáng sống. Ngọn lửa nhỏ đã cháy lên, những câu thơ đã cháy lên. Mọi người dường như đã quên hết mọi chuyện, quên cả buổi chiều đang trôi qua chầm chậm bên ngoài... Chỉ còn lại thơ và thơ. Thật kỳ lạ, thơ như đem lại cảm giác ấm áp và dễ chịu, như đem mọi người lại gần với nhau, trong một không gian rất “thơ”.
Trần Mộng Tú, chị đã lấy “miếng thơ” nào “giấu ở trong túi áo” ra, và bẻ ra, chia cho mỗi người một mẩu. Bằng những mẩu thơ ấy, và bằng giọng đọc thong thả, dịu dàng ấy, chị cũng đã thắp lên ngọn nến lung linh cho buổi “chiều văn chương” của người Việt.
Những ngọn nến ở trong thơ sau cùng đã được thắp lên và tỏa sáng. Những ngọn nến mang đến tin vui.
Tôi thắp lòng tôi bông hoa nến
gửi người một đóa tháng Giêng xuân.
* Thơ trong bài trích từ các thi tập “Ngọn nến muộn màng” (Thư Hương xuất bản, 2005) và “Thơ tuyển bốn mươi năm” (Tác giả xuất bản, 2009) của Trần Mộng Tú.
- Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút
- Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn
- Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định
- Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định
- Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định
- Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn
- Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định
- Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận
- Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn
- “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định
• Trần Mộng Tú (Học Xá)
• Những Ngọn Nến Trong Thơ Trần Mộng Tú (Lê Hữu)
• Người Nữ Và Trái Tim Đông Phương Trong Thế Giới Của Trần Mộng Tú (Bùi Vĩnh Phúc)
Đọc một bài thơ mới của Trần Mộng Tú (Nguyễn Xuân Hoàng)
Trần Mộng Tú, thơ và, niềm hãnh diện thi ca Việt (nguoi-viet.com)
Trần Mộng Tú trong vườn hoa vàng (Luân Hoán)
Nhà văn Trần Mộng Tú (Huỳnh Ái Tông)
Trần Mộng Tú và tuyển tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm1969-2009” (Mặc Lâm)
• Linh Bảo - Tác Giả Tầu Ngựa Cũ Qua Đời
(Trần Mộng Tú)
• Bệnh Viện và Nghĩa Trang (Trần Mộng Tú)
• Chiếc Ghế Trống (Để tưởng nhớ Trần Văn Nam) (Trần Mộng Tú)
• Quán Trà Thinh Lặng (Trần Mộng Tú)
• Giạt Vào Bờ (Trần Mộng Tú)
Bài viết của Trần Mộng Tú (damau.org)
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |