|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà văn Song Linh
(1940 - 1970)
Song Linh là bút hiệu của Nguyễn Văn Nghiêm, cố thiếu tá, sinh ngày 15 tháng 12, 1940 tại Nam Ðịnh. Ông tốt nghiệp khóa 2 Sĩ Quan Ðặc Biệt Nha Trang. Du học Hoa kỳ năm 1966. Chúc vụ cuối cùng là Trưởng ban 3 tiểu đoàn 4 Thủy quân Lục chiến (Tiểu đoàn mang danh Trâu điên).
Ông nằm xuống tại chiến trường Kiến Phong vào lúc 12 giờ trưa ngày 24 tháng 1, 1970. (1)
Về mặt văn học nghệ thuật, nhà văn Song Linh cọng tác với Sáng Tạo, Hiện Đại, Chỉ Đạo, Mai, Thế kỷ 20, Khởi Hành v.v...
Ông có một tập truyện nhan đề “Thức giấc nửa khuya” do Văn xuất bản năm 1963.
Truyện ngắn đầu tiên đánh dấu cuộc đời văn nghiệp của nhà văn Song Linh là “Bức Tranh”, xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo số 30 tháng 5 -1959.
Truyên ngắn Di cảo của Song Linh là “Thư cho Quyên” xuất hiện trên tuần báo Khởi Hành số 94 năm 1971.
Cả hai bài trên chúng tôi sưu tập đăng lại hầu giúp bạn đọc nhận rõ văn tài của nhà văn Song Linh – một nhà văn của thời Sáng Tao ra đi trong chiến tranh, lúc ông chưa đầy 30 tuổi...
Mặt khác, một số truyện ngắn khác của Song Linh có mặt trên tạp chí Thư Quán Bản Thảo và Văn Miền Nam (Thư Ấn Quán xuất bản):
- Thức giấc nửa khuya (Thư Quán Bản Thảo số 66 chủ đề tạp chí Hiện Đại)
- Bên này thiên đường (Thư Quán Bản Thảo số 69 chủ đề tạp chí Mai)
____
1) Cũng đúng vào giờ này, con gà ở nhà ông bỗng nhiên kêu quang quác, không ngừng. Mẹ ông nghĩ là điềm chẳng lành… (Mời đọc bài viết của Tuấn Huy)
Buổi chiều ấy, tôi đang lúi húi xiết lại một chiếc ốc xe, thì có tiếng xe díp thắng gấp ngoài cổng, rồi tiếp theo là tiếng chuông điện reo. Tôi chạy ra, vừa mở khóa, vừa vui mừng: “Anh Nghiêm hả? SONG LINH hả ?...
Nhưng khi cánh cửa sắt hé mở, tôi chỉ thấy mấy người lính mũ xanh xa lạ. Họ vây quanh tôi, tôi ngỡ ngàng:
“Ủa các anh...” Một sĩ quan trẻ tiến đến trước mặt tôi giơ tay chào. Trông anh ta rất quen, nhưng sao nét mặt anh ta thật buồn. Tôi định lên tiếng, thì anh lúng túng hỏi: “Xin lỗi anh, anh là anh H. ?” Tôi đáp: “vâng, chính tôi”. Và thoáng thấy chữ SƠN in đậm trên túi áo người sĩ quan ấy. Tôi ngờ ngợ, cố moi tìm trong trí nhớ xem đã gặp SƠN ở đâu?
Trong khi Sơn hết giở mấy tờ giấy, lại nhìn trước nhìn sau ra dáng băn khăn lưỡng lự. Lúc tôi chợt nhớ Sơn chính là con trai anh Chu Tử, và là bạn học cũ của Thạch Đỉnh, tôi nói: “A, anh Sơn chắc anh kiếm anh Đỉnh?” Sơn lắc đầu. Đôi mắt Sơn ngầu đỏ, và rõ ràng Sơn đang bặm môi như cố đè nén một nỗi xúc động. Rất nhanh tôi linh cảm có một cái gì khác thường đã xây ra. Tôi buột miệng - SONG LINH... Đại Úy Nghiêm... Sơn gật gật.
Anh cúi gầm mặt xuống, nói nhỏ nhẹ run run: Chúng tôi được lệnh đến thông báo cho anh và gia đình đại úy Nghiêm. Đại úy Nghiêm đã tử trận lúc 12 giờ trưa nay tại Kiến Hòa...
Những ngón tay lấm bẩn của tôi vịn lên thành cửa, rồi vịn lên tay Sơn. Tôi hỏi dáo dác: – Đại úy Nghiêm chết rồi sao? Có đúng không anh Sơn? Có chắc không... Sơn nhìn mấy người lính. Mấy người lính thì ngoảnh nhìn nhau. Tất cả nín câm lặng lẽ. Tất cả câm nín lặng lẽ.
Rồi Sơn đặt một bàn tay lên những ngón tay lấm láp của tôi: – Bộ - tư lệnh T.QL.C. đã liên lạc với Chiến đoàn và Vùng 4 Chiến Thuật. Tất cả các nơi đều xác nhận... Có lẽ tối nay xác đại úy Nghiêm và đại úy Đơn sẽ được chở về Saigon - Đại úy Sơn là ai? Tôi hỏi.
- Thưa là tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 4. Lúc đó, tôi buông tay Sơn và đứng sửng im, vô cảm xúc. Trước mặt tôi, con đường ngoại ô lênh láng nắng chiều. Những cành bông giấy đỏ tươi ở bờ tường - một căn nhà đối diện, thản nhiên đung đưa nô rởn. Tôi nhủ thầm: Vô lý... Mới hai tuần trước cũng chiều thứ bảy như chiều nay, SONG LINH vội vàng phóng xe díp từ mặt trận về nhà, ghé đón vợ chồng tôi đến nhà hàng QT.
Vô lý! Tôi nhắc lại hai chữ VÔ LÝ không biết có phải tôi đã nhắc lại thành tiếng không hay là tôi chỉ tự nói cho tôi nghe giữa những tiếng động cơ ròn rã của những chiếc xe lam qua lại?... Sơn hỏi tôi địa chỉ của gia đình SONG LINH. Tôi lượm một viên gạch và vẽ ngay trên nền xi măng lối vào trại chăn nuôi Tân Sơn Nhất...
Khi những người lính đi rồi, tôi quay vào gặp Uyển Hương và nói: Anh Nghiêm chết rồi... Uyển Hương òa khóc, Thục Quyên thấy mẹ khóc cũng khóc. Tôi đứng bên ngoài khung cửa lưới dưới những dây hoa ti gôn tàn úa, khóc bằng đôi mắt ráo khô và bằng con tim nhòa lệ...
Tôi phóng xe đi tìm Đỉnh... Mười bảy tháng chạp và là chiều thứ bảy, phố xá rất đông. Lúc này tôi mới thấy mình run. Tôi lặp lại lời Uyển Hương thảm thiết kêu gào khi nãy - Anh Nghiêm ơi... Anh Nghiêm ơi... Những bậc thang dài đưa tôi lên một áp-pác-tơ-măng trên tầng thứ ba một chung cư Đa Kao. Tôi vừa thở vừa gọi: Đỉnh. Anh Đỉnh ... Đỉnh và Ngọc mới đi Đà Lạt về chiều qua.
(Những trái dâu còn để trong tủ lạnh chưa ăn. Thục Quyên đã bày trong tủ kinh). Tôi nói nhanh, trong khi nét mặt Đỉnh tái dần. Nhưng phản ứng của Đỉnh thật bình tĩnh can đảm. Anh kêu Ngọc. Hai vợ chồng đều mệt mỏi bơ phờ, vì cả đêm hôm qua thức trắng ở dưới nhà.
Đỉnh nói: Cụ ông bị đau nặng ... Lạ quá nhỉ... Chúng tôi hấp tấp lên Tân Sơn Nhất, hấp tấp đặt những nghi vấn về cái chết đột ngột của Song Linh. Tôi lắc đầu. Đỉnh thì luôn miệng: Lạ quá nhỉ. Sao lại chết được nhỉ?...
Ông cụ thân sinh ra SONG LINH bị bệnh tê thấp kinh niên. Mấy bữa nay cụ bị liệt một chân không đi lại được, hai môi sưng vều, ngồi trên chiếc ghế sa lông rách bươm xiêu vẹo. Cả nhà đã biết tin (vì Sơn vừa ở đây ra). Chị Hải - vợ Song Linh kể lể: Chị đang đạp xe lên văn phòng, chị thấy có tiếng còi xe díp và mấy người lính vẫy... Chị tưởng anh Nghiêm về. Mừng quá, chi chạy về nhà lấy chìa khóa cổng và nói với má... Bà mẹ Song Linh mắt đỏ hoe. Các cháu Chỉnh, Minh và Trang thi đều còn nhỏ dại. Chúng vẫn nô đùa dưới bóng mát cây xoài...
Tôi chở chị Hải, Đỉnh và Ngọc lên Bộ Tư Lệnh TQLC ở đường Lê Thánh Tôn. Các sĩ quan trực tiếp đón chúng tôi và kêu máy mời Trung Tá Tham Mưu Phó... Một vài khuôn mặt quen - Đức và Phú - nhưng trong giây phút này, tôi nhìn mọi người như một kẻ xa lạ lạc loài...
Trung Tá Quế mời bọn chúng tôi lên văn phòng. Căn phòng rộng rãi trần thiết oai nghiêm. Ông nhắc lại sự việc cho chúng tôi nghe, bằng cái giọng ân cần thân thiết. Chiếc quạt trần quay chậm. Chiếc bản đồ rất lớn treo trên tường. Bốn chiếc ghế bành vây quanh một chiếc bàn kính đặt trước một chiếc bàn làm việc dài rộng thênh thang... Máy liên lạc gọi thẳng xuống Định Tường ... Viên sĩ quan cao cấp đang dò hỏi chiếc xe hồng thập tự khởi hành về Saigon chưa. Bốn chúng tôi ngồi nhìn nhau - nhìn chiếc quạt quay chậm - nhìn xuống sàn nhà... Một cái gì nôn nóng bồn chồn làm chân tay tôi luôn luôn xê dịch. Tôi muốn chính tôi được nói chuyện với Định Tường. Chính tôi hỏi han cặn kẻ những cấp thẩm quyền ở đầu giây bên kia. Tại sao SONG LINH chết? Trong trường hợp nào? Chết lúc mấy giờ? Thi thể ra sao? Khi chết có ai ở gần bên không? Có nhắn nhe được gì không?...
Trung Tá Quế đặt máy xuống. Ông đến gần chúng tôi giọng buồn bã: Có lẽ sáng mai xác của Nghiêm mới về đến Saigon... Tôi hỏi ông những điều tôi thắc mắc. Nhưng ông trả lời không rõ ràng. Ông nói: – Mới có từ 12 giờ trưa tới giờ... Chúng tôi chỉ biết đích xác là chúng tôi có hai sĩ quan bị tử trận. Còn những chi tiết... Lúc xuống cầu thang, tôi lại hỏi: Có thể lầm lộn được không, Trung Tá? Thí dụ như có trường hợp nhận diện sai, hoặc thi thể không toàn vẹn. - Không thể lầm. Chúng tôi đã hỏi dưới đó rất kỹ. Chính ông tiểu đoàn trưởng báo cáo trực tiếp với tôi. Thật tội. Ở đây, chúng tôi rất thương quý Nghiêm... Tôi cũng mới đi thanh tra tuần lễ trước...
Hình như anh là luật sư? Tôi đáp không và chỉ Đỉnh: Luật sư là anh này. Nói xong tôi ghi cho ông số điện thoại của tôi và dặn: - Nếu có gì cần, xin Trung Tá liên lạc thẳng với tôi. Mọi việc nhờ Trung Tá giúp đỡ... - Tôi biết... Bổn phận của chúng tôi là phải lo liệu đầy đủ... Vừa nói ông vừa lật tấm danh thiếp. Ông gật gù: Tưởng ai, té ra anh. Tôi có được đọc anh nhiều. Ông xiết tay tôi và đến gần chị Hải. Hình như ông nói những lời an ủi. Tôi lơ đãng nhìn mấy chiếc xe díp đậu ngay hàng. Gió chiều thổi lồng lộng. (...)
Bốn chúng tôi ra về khi bóng tối đã ập xuống. Cả bốn đều lặng thinh như muốn giữ gìn sự suy nghĩ và niềm đau đớn của riêng mình... Tôi nhìn vào mảnh gương chiếu hậu. Chị Hải khoanh tay, ngó nghiêng ra những hàng me lướt thướt. Trong lòng người đàn bà ấy đang dấy lên những xót xa cay đắng tột cùng? Tôi không biết. Vì nét mặt chị thản nhiên phẳng lặng. Cả đôi mắt vẫn ráo khô. Và cả giọng nói cũng vẫn chưa run: - Chú cho chị về nhà... Tôi đáp Vâng thật nhỏ. Tôi vừa nhớ một chiều nào cùng Song Linh đến đây đón người cố vấn Mỹ. Buổi chiều đó trời lớt phớt mưa. Những lá me lăn tăn rơi rụng. Dịp ấy, tôi đang bị yếu gan. Bửa tiệc đối với tôi là cả một cực hình - vì mắt thì mờ và tim thì ngộp...
Bây giờ, SONG LINH đã chết thật sao? Tôi lẩm bẩm: Kỳ quá nhỉ ... Sao lại chết được nhỉ... Chị Hải nói: - Chị cũng không tin. Trưa nay có con gà tự nhiên nó kêu quang quác... Nó kêu hoài khiến má hỏi chị, không biết là điềm gì? Nếu anh Nghiêm mất đúng lúc 12 giờ thì ... lạ quá... Hết đường Cách Mạng, chiếc xe của chúng tôi đi vòng qua lối Tổng Tham Mưu và cổng trại Phi Long. Tôi lại nhớ bữa nào ngồi bên cạnh Song Linh. Song Linh vừa lái xe vừa trêu cợt mấy cô gái mặc áo dài kiểu mới: - Trông các em cứ như cô dâu... và cũng chính bữa ấy, khi Song Linh và tôi đi dạo quanh trang trại, con đường nhỏ có hai hàng cây đan qua nhau, chờ Đỉnh về ăn cơm chiều. Song Linh đã kể cho tôi nghe về một người con gái Huế. Tôi vẫn còn nhớ rõ những tiếng chắc lưỡi của Song Linh khi anh cúi ngắt một cọng cỏ... Moa chưa thấy một em nào tuyệt vời như vậy.
Trong khi bà con lối xóm kéo đến đông đảo hỏi thăm an ủi chị Hải và các cụ. tôi và vợ chồng Đỉnh chia nhau những việc phải làm. Chúng tôi lên chợ Saigon mua vải sô khăn trắng. Tôi đậu xe trước một ngân hàng rồi vào gọi nhờ điện thoại cho Uyển Hương. Đại ý tôi nói cho Uyển biết rằng Song Linh đã chết thật, rằng có thể tối nay hay sáng mai xác sẽ được chở về, rằng nên để ý đến những dặn dò của Bộ Tư Lệnh. Uyển hỏi tôi: anh đang ở đâu vậy? Giọng nàng vẫn nhẹ êm trong trẻo như thường ngày, nhưng rõ ràng giữa những âm thanh trong trẻo nhẹ êm ấy, tôi nghe rõ những tiếng nấc và những giọt nước mắt. Tôi xin một tờ giấy trắng và kê trên mui xe viết vội vàng cái Cáo Phó. Bên kia đường những gian hàng hoa quả mứt kẹo đông đầy kẻ qua người lại. Mắt tôi cay cay khi viết đến hai chữ SONG LINH.
Tự nhiên tôi cầu mong cái cáo phó này không dùng đến. Lát nữa, chúng tôi về nhà sẽ thấy Song Linh mặc quần xà lỏn và áo may ô màu ô liu, cười nói nô đùa: “Uống, các chú... Mấy cái thằng cà chớn trông gà hóa cuốc... Mình vẫn sống phây phây mà chúng nó tưởng mình gục. Sức mấy mà gục nổi. Bao nhiêu trận ác liệc gấp triệu lần mà mình vẫn trở về ngon lành... Uống, các chú. Bản mệnh tôi vững như bàn thạch...
Đó là ảo tưởng, là hy vọng, là ước nguyện của tôi khi tôi đứng chờ vợ chồng Đỉnh ở cửa Bắc Chợ Bến Thành lúc 8 giờ tối ngày 24 tháng 1 năm 1970.
21 giờ 30, Chu Sơn và một người lính đưa bọn tôi lên Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa để nhận xác Song Linh. Gió đêm thật lạnh. Tôi ngồi trong chiếc díp, nhìn những vì sao nhòe nhạt trên bầu trời xám đục nhờ nhờ. Tất cả những người trên xe không ai nói với ai một lời nào, trừ chú tài thỉnh thoảng nói với bà mẹ nuôi của đại úy Đơn... Đỉnh ngồi ở góc bên kia. Ngọc ngồi gần chồng. Chị Hải ngồi gần Ngọc. Chúng tôi cùng lặng yên nghe tiếng gió hòa lẫn với tiếng động cơ đều đều âm ỉ của chiếc xe cũ. Có lẽ, lòng chúng tôi đang hướng về một người. Và chỉ một người, mà chúng tôi yêu thương.
Tôi gặp anh SONG LINH ngày đám cưới anh LAN ĐÌNH tại câu lạc bộ Văn Hóa đường Tự Do. Dạo ấy, bọn chúng tôi cọng tác với tờ CHỈ ĐẠO (thời anh NGUYỄN MẠNH CÔN chủ biên). Bắt tay và hỏi nhau vồn vã và ân cần... SONG LINH khi nói chuyện với ai, mặt hơi nghiêng nghiêng cao ngạo. Tôi còn nhớ câu đầu tiên SONG LINH nói: “Dạo này ông viết hơi nhiều, mình bết quá. Tối ngày lội rừng...”. Gặp nhau tôi thấy gần SONG LINH ngay, nhất là sau khi nghe anh ngâm bài thơ MÀU TÍM HOA SIM của Hữu Loan.. Giọng ngâm thấm thía buồn. Buồn như nỗi buồn đang lắng đọng trong con tim khô héo của tôi, và như những sợi lá me lăn tăn bay ngoài khung cửa... Từ đó, SONG LINH và tôi viết thư cho nhau đều đều. Bất cứ hành quân ở đâu, hoặc đóng ở vùng nào, anh đều viết về cho tôi nghe những chuyện của anh, những chuyện của chiến tranh, những chuyện của quê hương xứ sở... Và mỗi khi được về Saigon, anh thường đến tìm tôi ở một tòa báo tôi đang cộng tác, hoặc ở ngay chính căn gác tôi thuê. Hai thằng lôi nhau đi nhậu nhẹt, nói chuyện đời, bàn chuyện tương lai, làm báo bổ, hoặc mở nhà xuất bản. Tiếng SONG LINH oang oang, xen lẫn những chuỗi cười ròn tan ngạo nghễ.
Tôi thấy anh yêu văn nghệ bằng cả một chân tình, và đối với bè bạn - thân hoặc không thân – cũng bằng cả một chân tình. SONG LINH nóng nảy hay thẳng thừng, bốp chát nhưng anh không giận ai lâu và cũng chẳng để bụng một điều gì. Vi trực tính, nên anh ghét những gì quắc quéo thủ đoạn. Những người bạn đồng ngũ với anh hẳn biết rõ hơn tôi về những gì xãy ra khi anh chống đối cấp chỉ huy trực tiếp, khi viên sĩ quan này có những hành động không mấy đẹp với các binh sĩ dưới quyền...
Về những anh em viết văn làm thơ ở Saigon, thì chỉ có một lần anh gây gổ với một thi sĩ ở tòa báo MAI (nhưng sau này anh thường tỏ ra ân hận). Còn đối với ai, nhiều tuổi nghề hay mới viết lách, anh đều kính nhi viễn chi và xử thế theo lối “anh trọng tôi thì tôi cũng trọng anh – còn nếu anh khinh khi coi tôi là tép riu, thì tôi cũng mạn phép coi anh là con ruồi nhỏ”... Chúng tôi thân gần nhau ở điểm “phải ngẩng mặt lên, và bất cần đời”.
Anh thường bảo tôi, mọi thứ anh đều coi là một trò đùa. Đùa vui. Đùa cay đắng. Có khi đùa chảy nước mắt... Trong tất cả những lá thư anh viết cho tôi, tôi thấy lá thư nào anh cũng tỏ bày tình yêu quê hương, đất nước tha thiết nồng nàn... Cuộc đời anh từ khi vừa lớn, tới lúc trưởng thành và cho tới bây giờ... đã gắn bó quá đậm đà với binh nghiệp, và ràng buộc chặt chẽ với cuộc chiến tranh... Năm 1964, khi tôi cùng mấy nhà văn ký vào bản kiến nghị của Phong Trào Hòa Bình, anh bảo tôi “Về phương diện nhân đạo, toa làm như thế là phải... Đất nước mình đã tan nát, và dân tộc mình đã cơ cực lầm than... Ít ra, cũng phải có tiếng nói như tiếng nói của tụi toa. Dù nhỏ bé, nhưng nó cũng chứng tỏ một phần, là nhân dân miền Nam không phải là những người hiếu chiến”.
Sau vụ rắc rối. tôi phải nghỉ viết một thời gian, vì chán nản. Anh là người bạn duy nhất khuyên tôi đừng bỏ cuộc. Khuyên tôi hãy thuần nghĩ đến văn nghệ. Khuyên tôi đừng dính dấp vào chính trị... Và còn khuyên tôi nhiều thứ…
Bây giờ... Chiếc xe lao vào trong đêm tối mịt mùng. Những hàng cây đen. Những thôn làng xa. Tim tôi nhói đau, khi nghĩ rằng, nếu quả đúng SONG LINH đã nằm xuống. (SONG LINH. Chai rượu bia nào, chúng mình mới uống hết một nửa. Tiếng cười sảng khoái của anh làm cho bao người chung quanh ngơ ngác, khi anh và tôi nói chuyện tiếu lâm. Ôi, những ngày vui thật mong manh ngắn ngủi!).
Bức tượng “Tiếc Thương” hiện ra với người lính ngồi đặt khấu súng trên đùi. Chúng tôi đã tới nghĩa trang rộng lớn với con đường nhựa đi vòng một ngọn đồi (Có một ngôi chùa mái cong đắm chìm trong bóng tối hoang vu?). Những ngọn nến leo lét trên những chiếc quan tài phủ kín quốc kỳ. Tôi lạnh người, nghĩ đến những người trai đã đền xong nợ nước đang nằm đây, chờ ngày chôn cất. Người lái xe nói với Sơn: “Bữa nay binh chủng mình đi phép dài hạn hơi nhiều, thiếu úy…”. Sơn ừ hử.
Nét mặt anh lầm lì hướng về dẫy nhà kê một dọc quan tài...
Tất cả chúng tôi xuống xe. Tiếng máy chạy rì rì ghê rợn. Cái mùi đầu tiên tôi ngửi thấy. Và sự vắng lặng khuất chim... Văn phòng bỏ trống. Những cuốn sổ dầy. Người lính - đã thông thạo - quay máy điện thoại để liên lạc với nhân viên trực. Trong khi Sơn giở sổ: Những cái tên. Những cấp bậc. Những binh chủng. Giờ nhận xác. Xác từ đâu chở về... Bà mẹ nuôi đại úy Đơn đưa cho chúng tôi lọ dầu nóng. Chúng tôi xoa lên mũi, để ngăn chặn bớt mùi tử khí nặng nề...
Tôi thấy tên SONG LINH (Đại úy Nguyễn Văn Nghiêm) ở ngay dưới hàng Đại úy PHAN NHƯ ĐƠN. Đỉnh nhìn tôi. Tôi nhìn chị Hải... Ngay lúc ấy, có tiếng tằng hắng ở lối cầu thang đi xuống. Tôi bàng hoàng, thấy một vị sĩ quan già, chân xỏ đôi dép cao su loẹt quẹt đang nhìn chúng tôi qua đôi kính lão gọng nhựa. Khi vị quan ấy mở cửa buồng, tôi thấy SONG LINH nằm như ngủ trên một chiếc băng ca. Hình như anh đi được thay quần áo (không phải bộ quần áo trận rằn ri, mà chỉ là một bộ quân phục may bằng vải kaki thường. Đôi mắt anh có những vết bầm đen. Bàn tay một hai ngón bị trầy. Tiếng chị Hải khẻ rung một hơi thở: “Nghiêm ơi... Đúng Nghiêm rồi...”
“Đúng Nghiêm rồi!”. Đó là một tiếng than. Đó là một xác nhận. Nhưng với tôi, đó là một tiếng sét, hay đúng hơn những tràng sấm ì ầm rền rĩ không cùng... Tôi nhìn chị Hải: Nét mặt chị thật bình tĩnh can đảm. Tôi nhìn Đỉnh: Anh đang lật đi lật lại cánh tay bất động của SONG LINH. Tôi nhìn tôi: Một tàu lá chuối héo rũ rách bươm tơi tả. Không một tiếng khóc. Nhưng nước mắt ngập đầy. Không một tiếng kêu. Nhưng đau thương vô hạn. SONG LINH nằm kia, bình thản, vô tư. Hết văng tục. Hết bực bội. Hết bất mãn. Hết âu lo. Và hết cười đùa... Bao nhiêu mộng ước. Bao nhiêu hoài vọng. Bao nhiều dự tính... Thế là xong: Hai tay buông xuôi. (Tại sao anh bỏ đi hấp tấp? Tại sao anh không đi tới tận cùng cuộc hành trình ngặt nghèo gian khổ để hòa lẫn nước mắt của anh với nước mắt quê hương?)
Tôi bước ra sân. Đêm đen hút và dài rộng mênh mông… Tôi lẩm nhẩm: Ba mươi bốn năm. Một cuộc đời. Ba mươi bốn năm. Và chấm hết tương lai... Tôi cắn môi. Nhìn về cuối trời sao khuya mọc đầy. Những vì sao như những đôi mắt buồn nhòa lệ.
(nguồn: Microfilm tuần báo Khởi Hành số 94 ngày 4/3/ 1971)
- Song Linh - Ngọn Lửa Tắt Giữa Mùa Xuân Hoa Máu Tuấn Huy Tạp bút
- Một Nhà Văn Lặng Lẽ Tuấn Huy Tạp bút
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |