1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Qua Tác Phẩm Của Sơn Nam, Ta Cảm Thức Địa Hình Bằng Phẳng (Trần Văn Nam) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      01-03-2016 | VĂN HỌC

      Qua Tác Phẩm Của Sơn Nam, Ta Cảm Thức Địa Hình Bằng Phẳng

        TRẦN VĂN NAM
      Share File.php Share File
          

       


          Nhà văn Sơn Nam
           (1926 - 2008)

      Có một câu hát ru con Miền Nam, thoáng nghe qua làm cho ta cảm nhận lờ mờ về điều gì đã xảy ra hình như là trôi giạt, hình như người xa người, hình như mưa bão trên địa hình mênh mang. Biết qua từ một bài biên khảo, ta thấy lời bàn về xuất xứ câu hát ru con này (gồm hai bài) chỉ đề cập đến Châu Ðốc, như không bàn gì tới bài thứ hai nhắc nhở miền Gò Công. Bài hát thứ hai gợi nhớ đến Gò Công chứa đựng chứng tích khủng khiếp của “Trận Bão Năm Thìn” quét vào vùng hạ lưu sông Cửu Long, xảy ra cuối thập niên ba mươi của thế kỷ trước:


      Ðèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc

      Gió nào độc cho bằng gió Gò Công

      Thổi lên cho lạc vợ xa chồng

      Ðêm năm canh thao thức, nước mắt hồng tuôn rơi.


      Thi sĩ Bàng Bá Lân cho rằng câu hát ru con này xuất xứ từ thời dân phu đi đào kinh Vĩnh Tế làm tuyến chiến lược cho đường nước thông thương từ sông Hậu Giang ra vịnh Thái Lan và phát triển kinh tế cho vùng biên giới Việt Miên nhờ nối liền Châu Ðốc với Hà Tiên (từ Châu Ðốc đến Tân Châu bên bờ Tiền Giang thì lại có một con kinh đào khác nối liền). Lời bàn như vậy đã quay ngược thời gian có câu hát, trở lại giữa thế kỷ thứ mười chín, vào những năm cuối đời vua Gia Long bước qua đầu đời vua Minh Mạng, thời có công tác đào kinh Vĩnh Tế do Thoại Ngọc Hầu thống suất. Trên đê cao có cắm những cây sào treo đèn đuốc của dân phu đào kinh, nên mới có hình ảnh đèn thật cao ở miền đồng bằng. Ba câu cuối của bài hát ru con do thi sĩ Bàng Bá Lân trích dẫn hoàn toàn khác hẳn với bài ru con ở trên. Như vậy là có người vùng hạ lưu sông Cửu Long đã thêm thắt câu hát, sửa đổi thời gian tính tiến đến thế kỷ thứ hai mươi có “Trận Bão Năm Thìn”, thay vì đúng ra câu hát ra đời ở giữa thế kỷ mười chín:

      Ðèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc

      Dốc nào dốc cho bằng đất Nam Vang

      Một tiếng em than, hai hàng lụy nhỏ

      Có chút mẹ già biết bỏ ai nuôi.


      Dư vang mơ hồ về trôi giạt, trời làm chia ly do gió mưa trên vùng sông nước, khiến ta bâng khuâng khi đọc đến bài thơ ghi ở đầu cuốn sách “Hương Rừng Cà Mau” của Sơn Nam. Mỗi lần đọc đều làm cho ta mường tượng đến một bóng người trôi giạt hơn là một nhân vật giang hồ. Trôi giạt do hoàn cảnh đưa đẩy còn giang hồ do ý hướng tự lựa chọn của người thích phiêu lưu. Người trôi giạt ôm cây đàn và hát điệu “Nói Thơ Lục Vân Tiên”, đó là nhân vật ta thường gặp ở Sài Gòn vào thời chiến tranh trước 1975. Họï ở đâu từ Lục Tỉnh lên Saì Gòn làm nghề hát dạo. Lời hát thường ít có dấu vết chiến tranh mà đậm nét duyên phận bẽ bàng. Nếu đi sâu vào tâm sự, mới hay rằng niềm đau khổ của họ không ít thì nhiều do hậu quả thời thế: có thể do chiến tranh làm tan hoang nhà cửa, chiến tranh làm dang dở việc học hành, chiến tranh làm cho người yêu qua tay người khác. Trăm thứ lý do vì chiến tranh mà cũng có thể thuần túy vì nhân tình thế thái, thời nào cũng vậy. Trong những chiều mưa ở Công Viên Tao Ðàn, lẽ nào ta không từng gặp gỡ người hát dạo điển hình ấy cùng con chó trung thành chiếm lấy một góc của căn chòi (kiosque) làm chỗ trú ngụ qua đêm. Ông ôm đàn và hát bản “Duyên Kiếp” của nhạc sĩ Lam Phương khiến cho mọi người đang trú mưa buồn lây cái buồn của người đang thất tình. Những lúc ấy, ta không khỏi liên tưởng đến nhân vật trôi giạt trong bài thơ của Sơn Nam:


      Trong khói sóng mênh mông

      Có bóng người vô danh

      Từ bên này sông Tiền

      Qua bên kia sông Hậu

      Mang theo chiếc độc huyền

      Ðiệu thơ Lục Vân Tiên…


      Những câu thơ trên có ma lực mỹ cảm về địa hình bằng phẳng của đồng bằng Nam Bộ, và có ma lực làm ta như bị xâm chiếm bởi sức mạnh thiên nhiên. Ma lực ấy chỉ có khi nào ta liên tưởng đến trận lụt làm trời nước như đều bao la, hoặc có mỹ cảm ngoạn mục chỉ khi nào ta ở trên một vị trí thật cao (như trên trực thăng) mà nhìn xuống hai dòng sông vĩ đại từ biên giới Việt Miên xuôi chảy về đại dương. Còn như đang ở ngoài bối cảnh mênh mông của trận lụt, hoặc chỉ sinh hoạt đi lại bình thường trên đồng bằng (phố xá, làng mạc, ruộng vườn) thì tầm mắt ta lúc nào cũng vướng mắc, ít khi thấy suốt chân trời thì làm sao có mỹ cảm địa hình bằng phẳng, thì làm sao rung cảm hình bóng nhỏ nhoi của một người từ sông Tiền đi qua bờ sông Hậu. Hình ảnh đón đợi đi qua những chuyến phà mất nhiều thì giờ (mà cũng nhiều thi vị) sau này sẽ trở thành vang bóng với hai cây cầu đồ sộ Mỹ Thuận và Cần Thơ hoàn thành ở đầu thế kỷ thứ hai mươi mốt.


      Nhà nhiếp ảnh nghệ thuật Trần Công Nhung trong loạt bài “Quê Hương Qua Ống Kính” có nhận xét cảnh trí Miền Bắc và Miền Trung với đồi núi chập chùng, với ghềnh đá ven trùng dương dễ bắt mắt người đi săn ảnh, còn “Miền Nam cảnh trí mênh mông bình bình, sông nước như xa lộ, thuyền bè như xe cộ trên đường. Nghĩa là không có gì hấp dẫn khách du lịch” (Trích trong bài Tràm Chim). Ðó là vì nhà nhiếp ảnh chưa có dịp từ trên cao nhìn xuống để chụp bắt vẻ ngoạn mục của địa hình bằng phẳng. Ðồng bằng trải dài đến tận chân trời, chỗ thì xanh mướt vuông vức của ruộng nương, chỗ thì tụ hội những chòm cây của miệt vườn, chỗ thì làng thôn có bóng người di động, chỗ thì như bức tranh kẻ vạch những đường lộ dài nối liền làng mạc, chỗ thì ngoằn ngoèo những con rạch, chỗ thì thẳng băng những kinh đào… Kể ra thì địa hình như vậy cũng có thể gây cho ta mối cảm hoài siêu hình của đất trời bao la và con người như hạt bụi. Kể ra thì địa hình như vậy cũng có thể gợi cho ta vẻ mỹ cảm về chân trời, nhất là khi có đàn hạc bay qua: không biết có phải chúng đang trên hành trình vượt trùng dương để đến Úc Châu, hay đang bay về hướng Tây để tới miền đầm lầy Ấn Ðộ.


      Nhà thơ Nguyễn Bính có nói về những cánh cò trắng ngàn năm vãng lai trên bầu trời Ðồng Tháp Mười. Nhà thơ Lâm Hảo Dũng, trong đêm rằm có hội Long Hoa trên chùa Tây An ở núi Sam Châu Ðốc, tưởng tượng chín con rồng của sông Cửu Long đang bơi dưới đồng bằng trên hành trình xuôi về đại dương mà đuôi của chúng thì đang quẫy rực rỡ dưới ánh trăng tại Tây An Tự. Tuy nhiên nhà nhiếp ảnh cũng đã có một đồng điệu mỹ cảm như nhà thơ Tô Thùy Yên về những cánh rừng tràm “xanh mịt mịt” tới chân trời. Rừng tràm tuy cao hơn ruộng đồng nhưng cũng chỉ trải thảm bao la, không có chỗ cao ngất như núi hay trũng sâu như thung lũng. Mỹ cảm của nhà nhiếp ảnh được ghi nhận như sau: “Ghe chạy theo một con kênh rộng, mặt nước như mặt gương, rừng tràm soi bóng giữa trời mây bao la thật tuyệt vời. Cố nhìn xem có gì lạ, chỉ có tràm với nước, trời với mây…” (Trích bài Tràm Chim). Nhưng không có mô tả nào hoành tráng khi ở trên cao nhìn xuống địa hình bằng phẳng bằng những mô tả trong truyện ngắn Mùa Len TrâuMột Cuộc Biển Dâu trong tác phẩm Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam. Hai truyện ngắn này khởi đăng lần đầu tiên trên tuần báo Nhân Loại vào khoảng giữa thập niên Năm Mươi của thế kỷ trước, khoảng năm 1955 hay 1956.


      Còn nhớ tờ Nhân Loại thuộc khổ báo trung bình, không lớn như nhật báo và không nhỏ như Tạp Chí văn chương, bài của Sơn Nam được minh hoạ bằng những hình vẽ đen trắng khá lớn, chúng được bắt mắt ngay bởi những nét gây ấn tượng. Như hình ảnh xác người chết được bó lại và treo trên hai chéo cây cắm giữa mênh mông mùa nước nổi. Những con quạ đen đậu trên những cọc cây bắt chéo đó vì chúng đánh hơi được mùi tử thi. Và mấy trăm con trâu lội nước đưa lên những cặp sừng làm thành một dàn trải nhấp nhô ở chân trời. Thấy gợi cảm ngay với bài thơ giáo đầu “Ðậu bến An Giang” của Phan Văn Trị sáng tác từ đầu thời Pháp thuộc, nhắc cho ta biết mùa nước nổi cứ tiếp diễn từ thời ấy cho đến nay. Người Việt đi mở cõi đã sống chung với lũ hàng năm một chu kỳ như vậy từ hơn ba trăm năm rồi. Ngày nay có vấn đề cải tạo cấp bách đồng bằng sông Cửu Long. Một hướng chủ trương đắp đê be bờ vĩ đại để điều hòa nước lũ vào mùa mưa và ngăn nước mặn tràn nội địa vào mùa hạn. Theo hướng này thì nẩy sinh vấn đề ô nhiểm môi trường, vì nước bị tù hãm sẽ chứa nhiều thuốc trừ sâu do tăng gia làm lúa nhiều vụ, và do chất thải từ nghề nuôi cá bè phát triển cùng khắp.


      Lưu lượng sông Cửu Long quá vĩ đại có thể làm vỡ đê gây thiệt hại khủng khiếp; và nếu có bão lớn như từng xảy ra ở Miến Ðiện vào năm 2008 thì khi nước mặn tràn vào sẽ rút ra rất lâu bởi những con đê đồ sộ, chắc chắn gây úng thủy đồng ruộng với thảm họa đói kém. Một hướng chủ trương cứ để dòng trường giang theo lẽ thiên nhiên từ hàng triệu năm bồi đắp châu thổ mầu mỡ, con người biết sống chung với lũ, sống dựa vào mùa nước nổi đem đến phù sa và dựa vào nguồn cá tôm sinh sôi trong môi trường tự nhiên. Chính hướng này mà nhà thông thái Nguyễn Trường Tộ từ một trăm bốn mươi năm trước đã đánh giá là tốt nhất, và đã lấy làm tiếc đồng bằng sông Hồng từ ngàn năm xưa đã sớm bị đắp đê ngăn lũ (viết dựa theo tài liệu của kỹ sư Nguyễn Minh Quang, thuộc Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam, trong bài Những Vấn Ðề Thủy Lợi Ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long). Hướng nào đúng thì phải đợi hàng năm mươi năm sau mới biết hậu quả. Phó thác theo hướng nào đều là một sự đánh cuộc may rủi đối với đất nước Việt Nam nói chung, và đối với dân cư đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.


      Trở lại hai truyện ngắn mang tính chất hoành tráng nói trên của Sơn Nam thì đã có nhiều người trích dẫn khi đề cập đến văn nghiệp của ông, vì vậy trích thêm lần nữa cho độc giả thưởng ngoạn, chắc là một việc lập lại làm choán chỗ bài viết. Xin không lập lại, nhưng cũng cảm thấy tiếc cho vài người chưa đọc, vậy mong người nào chưa biết thì hãy đến với chúng để cùng cảm nhận tính chất bi hùng trong bối cảnh chung đụng giữa người với thiên nhiên vĩ đại, hay đi tìm DVD “Buffalo Boy” của đạo diễn Nguyễn-Võ Nghiêm-Minh đã thể hiện bằng phim truyện dựa vào hai truyện ngắn trên của Sơn Nam. Và ta có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đồng bằng chỉ khi nào đứng ở độ cao trên núi Thất Sơn như Sơn Nam mà nhìn xuống địa hình dưới thấp. Nhất là khi có dịp ở trên ngọn cao nhất vùng Bảy Núi là núi Cấm mà nhìn xuống kinh Vĩnh Tế chạy dọc dài theo biên giới Việt Miên, lúc đó ta sẽ nhận ra tầm lợi hại của con kinh đào chiến lược. Muốn phòng ngự lãnh thổ đất nước và phát triển kinh tế cho vùng biên thì phải làm ra đường biên cương nhân tạo, bằng cách xẻ đất cho nước thông thương từ hai dòng sông lớn trổ ra vịnh Thái Lan.Về mỹ cảm địa hình bằng phẳng thì con kinh Vĩnh Tế đã làm thành một vạch thẳng băng do màu trắng của nước chạy giữa màu xanh muôn trùng của đồng lúa tốt tươi, thỉnh thoảng dợn sóng như một tấm thảm bao la hay một đại dương nằm dưới xa thẳm.


      Còn như khi chạm đất dưới đồng bằng mà vẫn muốn cảm nhận được vẻ mỹ cảm của địa hình bằng phẳng; muốn không bị vướng mắt bởi vườn cây, bởi chòm xóm, thì ta cần đợi đến mùa gặt lúa đã xong. Nhưng đồng lúa trơ ra những gốc rạ vẫn chưa cho ta mỹ cảm mênh mông như vùng cồn cát bao la hay sa mạc hùng vĩ. Sa mạc ngút ngàn như biển chỉ đẹp khi ta trừu-tượng-hóa nó ra khỏi sự nóng rát chói chang của mặt trời, chỉ còn là một bức tranh tĩnh lặng của nghệ thuật. Ðồng ruộng trơ ra những gốc rạ cũng vậy, chỉ trở thành “Cánh Ðồng Bất Tận” khi trừu-tượng-hóa chúng ra khỏi quang cảnh xơ xác đầy dấu cắt lởm chởm và nhấp nhô rơm rạ úa vàng. Nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư đã vượt lên từ bối cảnh không mấy gợi hứng ấy mà hư cấu một truyện tình giang hồ kỳ bạt mang chất hoang dã đồng quê. Phải đợi nữa, cho đến khi nào tất cả đồng ruộng đều đã được cày ải san bằng để chuẩn bị cho ngày gieo lúa sắp tới, lúc ấy mới có địa hình bằng phẳng trong mắt ta. Ðịa hình hoàn toàn bằng phẳng như vậy lại phải trừu-tượng-hóa nó ra khỏi cảm giác bình bình buồn tẻ, bằng cái nhìn nghệ-thuật-hóa để trở thành tác phẩm hùng vĩ của gào thét gió lộng chẳng hạn; hay trên bao la đất ải san bằng có vầng thái dương từ từ nhô lên ở chân trời gợi hứng đến tác phẩm nói về chu kỳ phải đổ công sức để được mùa màng.


      Nhà Văn Sơn Nam đã để lại cho đời thêm một bức bích họa hùng vĩ dị thường nữa, minh thị có cái đẹp chốn địa hình bằng phẳng. Lần này thì mỹ cảm không ở trên cao nhìn xuống, mà từ chính ngay vị trí đang đứng dưới đồng bằng. Huyền hoặc dị thường thời khẩn hoang ta đã gặp trong bài “Bắt Sấu Rừng U-Minh-Hạ”, còn ở đây không huyền hoặc mà thật ly kỳ với cách sinh hoạt thích nghi vào hoàn cảnh “muỗi kêu như sáo thổi” ở vùng trũng An Giang, thể hiện cái đẹp chịu đựng và khắc phục của con người phải cố gắng tìm cách sinh tồn trong thiên nhiên hoang dã của thời đi tìm đất sống:

      “Họ chống chiếc xuồng độc mộc vào vùng đất hoang, giữa bờ biển và vùng Thất Sơn, xa nhà hàng chín mười cây số ngàn, nơi đất thấp nước phèn, bốn phía đìu hiu không nhà cửa, không cây cao bóng mát, không đất gò, gió thổi triền miên qua vùng đồng cỏ… Trên vùng đất thấp đầy muỗi mòng ấy, đôi ba đêm liên tiếp người nhổ bàng (một loại cỏ lác, dùng để đan chiếu) cứ thức vì không chỗ ngủ khi muỗi quá nhiều (nếu dùng xuồng to thì khó di chuyển nơi cỏ và bàng mọc mịt mùng). Thế là đành ngủ theo lối khác, gọi khôi hài là ngủ mùng gió và ngủ mùng nước. “Ngủ mùng gió” là cứ đứng trên chiếc xuồng độc mộc, dùng sào mà chống thật nhanh để cho muỗi bay không kịp. Rồi thì ngồi xuống, gối đầu vào lái xuồng, lim dim. Lát sau, muỗi bu lại, cứ đứng dậy và tiếp tục chống xuồng, chống tới, chống lui, như mũi tên xẹt qua xẹt lại trên đồng cỏ, để chờ khi trời sáng… “Ngủ mùng nước” là nghiêng xuồng cho nước tràn vào gần ngập be, thêm chút nước nữa là chìm. Người nhổ bàng cứ nằm trong xuồng, nước phủ tứ phía, đầu gối lên mũi hoặc bánh lái xuồng. Ngâm mình trong nước lạnh suốt đêm là sự thách thức gay go, dễ bị cảm mạo, đòi hỏi một sức khỏe phi thường…” (Trích trong Văn Minh Miệt Vườn của Sơn Nam).

      Xin trích một đoạn thật dài như trên của Sơn Nam thì mới đầy đủ chi tiết một hoạt cảnh lạ thường của thời đi khẩn hoang, còn bây giờ đất nơi này đã được thuần phục để định cư, chắc không còn như cách nay một hai trăm năm. Và đoạn trên hàm chứa cái đẹp tranh đấu của nhân sinh trên vùng đồng bằng hoang địa, chưa phải mỹ cảm đơn thuần trên địa hình bằng phẳng. Nếu có loại nghệ thuật thuần túy ấy, thì đây là thứ mỹ cảm đã được trừu-tượng-hóa ra khỏi địa hình để thể hiện một ghi nhận siêu hình nào đó.


      City of Walnut, California, tháng 9.2008

      Trần Văn Nam

      Nguồn: Tiếp Nối Dòng Cảm Thức Văn Học Sau Năm 1975
      Tác Giả Xuất Bản, 2016


      TIẾP NỐI DÒNG CẢM-THỨC VĂN HỌC SAU NĂM 1975 (556 trang) -

      Những cảm-thức văn học về một số tác giả và tác phẩm, tất cả đều là những nhận định sau năm 1975; trong đó có một số chi-tiết nghiêng về tài-liệu văn-học-sử cho Văn Học Hải Ngoại (và cả cho Văn học Miền Nam trước 1975).


      Sách đã có bán trên AMAZON.COM ; tại Nhà Sách Vùng Little SàiGòn; Giá 22 Mỹ Kim.

      Có thể đọc sách này ở Website sau đây: www.tranvannam.com.

      Email: tranvannam1939@gmail.com; hoặc: nam@tranvannam.com

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nghĩ Về Di-Cảo Mấy Ngàn Trang Của Một Nhà Thơ Yểu Mệnh Trần Văn Nam Nhận định

      - Tình Quê Tường Thuật Và Tình Quê Thăng Hoa Trong Thi Ca (Qua Thơ Đạm Thạch) Trần Văn Nam Nhận định

      - Giang Hữu Tuyên, Nhà Thơ Hải Quân Nhưng Tâm Hồn Hướng Về Châu Thổ Trần Văn Nam Nhận định

      - Có hay không sự chuyển đổi tình cảm trong thơ phổ nhạc Trần Văn Nam Nhận định

      - Trường ca khi ở trên tầng bình lưu Trần Văn Nam Thơ

      - Hà Nguyên Du đi giữa Duy Mỹ của Thơ Cũ và rất Hiện Đại của Thơ Tân Hình Thức Trần Văn Nam Nhận định

      - Với nhà văn Mặc Đỗ, ta biết thêm vài điều qua cuốn sách mới nhất của ông Trần Văn Nam Nhận định

      - Nhà Văn Lữ Quỳnh Viết Truyện Phản Chiến Ở Vị Trí Và Bối Cảnh Nào? Trần Văn Nam Nhận định

      - Dẫn Lược Từng Chương Tiểu Thuyết Danh Tiếng của Thomas Hardy Trần Văn Nam Giới thiệu

      - Chất Thơ Do Cảm Nhận Vài Kiến Thức Về Tư Tưởng Của Kant Và Hegel Trần Văn Nam Nhận định

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)

      Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)

      Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)

      Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)

      Phù Sa Lộc, Quay Ngược Mình Để Thấy Rõ Mình Hơn (Ngô Nguyên Nghiễm)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)