|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Tiểu thuyết gia Phú Đức
(1901 - 1970)
Phú Đức (1901-1970) tên thật là Nguyễn Đức Nhuận, sinh ngày 24 tháng 9 năm 1901 (Tân sửu) tại xã Bình Hòa, tỉnh Gia Định (nay thuộc quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). Ông theo đạo Công giáo nên có tên thánh là Joseph, khi viết văn, viết báo mới lấy bút hiệu Phú Đức, Huyền Đức. Văn nghiệp Phú Đức để lại có hàng chục bộ tiểu thuyết đồ sộ đăng báo đã đưa ông lên vị trí dẫn đầu trong số các tác gia viết tiểu thuyết feuilleton ở miền Nam trong thế kỷ XX.
Phú Đức xuất thân trong một gia đình nhà giáo tiếng tăm. Thân phụ tên là Nguyễn Đức Tuấn (?-?), một trí thức cùng thời với Diệp Văn Cương (?-1929) thân phụ của Diệp Văn Kỳ (1895-1945). Cụ Nguyễn Đức Tuấn tốt nghiệp Collège D`Adran, làm nghề dạy học, sau được cử làm đốc học Trường sơ tỉnh Gia Định hồi ấy có tên gọi là Marc Ferrando. Khi về hưu, cụ Tuấn đắc cử chức cai tổng Bình Trị Thượng, tỉnh Gia Định. Cụ là một nhân vật có nhiều uy tín trong giới Công giáo ở Nam Kỳ thời bấy giờ. Thân mẫu Phú Đức là bà Nguyễn Thị Hải. Bà sinh được tám người con, năm trai và ba gái, Phú Đức là con thứ tư.
Phú Đức tốt nghiệp Trường Sư phạm Sài Gòn và dạy học nơi cụ Tuấn làm hiệu trưởng. Phú Đức không ỷ vào thế cha và được các bạn đồng nghiệp yêu quý, ái mộ về sự phong nhã và hào hoa.
Năm 1926, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Khanh (?-?) là con của ông Nguyễn Hiệp Hòa, Hội đồng địa hạt tổng Bình Thành, tỉnh Thủ Dầu Một. Hai người có với nhau bốn người con, ba gái một trai: Nguyễn Thị Kim Hanh (chồng là ông Phan Văn Nở), Nguyễn Thị Kim Lợi (chồng là ông Trần Công Liễu), Nguyễn Đức Khiêm (vợ là bà Cao Thị Xuân Minh), Nguyễn Thị Kim Tuyền (chồng là ông Lê Quang Dương). Sau khi lập gia đình, Phú Đức thôi dạy học và chính thức bước vào con đường viết văn, làm báo.
Phần lớn các tiểu thuyết của Phú Đức được đăng nhiều kỳ trên báo trước khi được xuất bản thành sách. Chỉ trong vòng một khoảng thời gian ngắn (1924-1931) Phú Đức đã cho ra đời một lượng lớn các tiểu thuyết dài đăng báo Trung Lập và Công Luận, tiêu biểu như: Châu về hiệp phố, Lửa lòng (Bách Si Ma), Một mặt hai lòng, Non tình biển bạc, Một thanh bửu kiếm, Tình trường huyết lệ, Tiểu anh hùng võ kiết, Chẳng vì tình, Cái nhà bí mật, Tổng đốc Hồ Cường, Di tích của cha, Độc địa trăng già, Kiêm biên bí mật, Trần Trung tuấn kiệt…
Thập niên 50 và 60, Phú Đức đăng trên báo Bình Dân và Tiểu thuyết Nam Kỳ các bộ tiểu thuyết: Bạch Kinh Kỳ, Mítsima, Ngọc lam điền, Tiếng Súng đêm mưa, Tôi có tội, Bà chúa đền vàng… Trong bức thư gửi Nguyễn Vỹ chủ Tuần san Ngày Mới (Bộ mới) đề ngày 5 tháng 10 năm 1959, sau được đăng trên báo Đuốc Nhà Nam (chủ nhiệm kiêm chủ bút Trần Tấn Quốc), số ra ngày 19-4-1970, Phú Đức cho biết: “Tôi chuyên viết tiểu thuyết dài và truyện ngắn giúp nhiều nhật báo tại Thủ đô đã trên 35 năm, tính ra có trên 70 bộ tiểu thuyết trường giang đăng hằng ngày từ năm sáu tháng đến một hai năm mới dứt” (1). Cho thấy sức viết sung mãn của nhà văn và cho đến nay, di sản văn học của Phú Đức cần thiết phải được thống kê và thu thập lại. Xem Phú Đức như là “một mẫu hình nhà văn đặc biệt đầu thế kỷ XX” ở Nam Bộ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Xuân cho rằng: “Chúng ta chưa có điều kiện để trả lời câu hỏi: ai là người đầu tiên đăng tiểu thuyết feuilleton trên báo Việt Nam, nhưng chúng ta có thể khẳng định, Phú Đức là một trong những người thành công nhất với tiểu thuyết feuilleton. Vậy nếu không có báo chí, chưa hẳn đã có một Phú Đức. Và ngược lại Phú Đức cũng làm sôi động báo chí một thời” (2).
Năm 1924, đang dạy học ở Gia Định, Phú Đức viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Câu chuyện canh trường - cuốn tiểu thuyết kể chuyện ở ngôi thứ nhất, mang màu sắc một tự truyện. Và bút hiệu Phú Đức của nhà giáo Nguyễn Đức Nhuận bắt đầu xuất hiện từ đó trên tờ Trung Lập của ông De Lachevrotière, do cụ Mạnh Tự - Trương Duy Toản (1885-1957) làm chủ bút. Câu chuyện canh tràng sau khi đăng báo nhiều kỳ được nhà in Nguyễn Văn Viết xuất bản với tựa đề Tơ hồng cay nghiệt (Câu chuyện canh tràng) (1925). Tiểu thuyết Câu chuyện canh tràng đăng báo thu hút độc giả, cụ Trương Duy Toàn nhận thấy Phú Đức là cây bút có khả năng viết tiểu thuyết lôi kéo độc giả. Cụ Trương đã đề nghị Phú Đức viết tiếp, và tiểu thuyết Cái nhà bí mật ra đời đăng lần hồi trên báo Trung Lập. Lúc bấy giờ Phú Đức dạy học lương tháng 40 đồng, viết tiểu thuyết được 20 đồng nữa, tổng cộng 60 đồng là một số tiền rất lớn đối với một công chức trong xã hội. Nhờ có tiểu thuyết Cái nhà bí mật mà tờ Trung Lập lôi kéo được nhiều độc giả, dẫn đầu số lượng báo phát hành trong làng báo Sài Gòn một thời gian. Tòa soạn quyết định tăng lương cho Phú Đức từ 40 đồng lên 80 đồng, theo thực tế của số lượng tirage báo, số tiền bằng lương của viên Đốc phủ sứ. Thời kỳ sau 1948, hằng tháng Phú Đức nhận nhuận bút từ việc in tiểu thuyết feuilleton lên đến 20.000 đồng (tương đương một chiếc xe hơi hiệu Peugeot).
Khoảng năm 1925, trong nước giấy lên phong trào bài Tây, bài Tàu, bài Bom bay. Ở Nam kỳ phong trào tẩy chay hàng Bom bay diễn ra rầm rộ. Tờ Trung Lập tích cực hưởng ứng, được đông đảo độc giả hoan nghênh khiến cho số lượng phát hành tăng lên. Nhà cầm quyền không muốn để sự việc vượt khỏi tầm kiểm soát nên đã chỉ thị cho tòa soạn không được đăng bài cổ động. Theo hồi ký của Vũ Bằng (3), cả tòa soạn Trung lập bất mãn. Riêng Phú Đức không chịu được thái độ mềm yếu đó đã quyết định không viết tiếp Châu về hiệp phố cho tờ này nữa. Nhân đó, tờ Công Luận do nhà báo Nam Đình (1906-1978) làm chủ nhiệm đã mời Phú Đức sang cộng tác với cương vị là chủ bút báo Công Luận. Phú Đức làm chủ bút Công Luận mà không phải làm gì ngoài việc viết tiểu thuyết Châu về hiệp phố và Tiểu anh hùng võ kiết, sau đó là Lửa lòng. Nhờ tiểu thuyết của Phú Đức mà Công Luận kéo được số độc giả rất lớn.
Các tiểu thuyết của Phú Đức ngay từ khi ra đời đã nhận được sự yêu thích của độc giả đại chúng nhờ chứa đựng nhiều yếu tố ly kỳ hấp dẫn nơi cốt truyện, các pha gay cấn trong những cuộc phiêu lưu võ hiệp của các nhân vật trai tài gái sắc, những cuộc tình thơ mộng. Ngôn từ nghệ thuật giản dị, gần với tầng lớp bình dân đông đảo ở thành thị bấy giờ. Văn của Phú Đức chịu ảnh hưởng của lối hành văn khúc chiết, gọn gàng của của tiếng Pháp khác với lối văn biền ngẫu của một số nhà văn cùng thời, vì thế văn của ông vẫn còn được yêu thích lâu dài trong công chúng Nam Bộ. Theo Nguyễn Thị Thanh Xuân: “Xuất hiện bằng feuilleton, Phú Đức cũng tuân theo tối đa những yêu cầu của hình thức này: viết vừa đủ số trang cho một kỳ báo, mỗi đoạn có một điểm nhấn nhất định, và cuối đoạn là một nút thắt, hay là một nghi vấn, tạo nên một hồi hộp, một tò mò, náo nức cho độc giả. Trong nhiều tiểu thuyết của Phú Đức, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật rất sinh động. Nhiều trang liền chỉ toàn đối thoại, mà vẫn không làm độc giả sốt ruột. Tính hiện đại của tiểu thuyết Phú Đức bộc lộ rõ ở điểm này” (4). Hình thức feuilleton có ưu điểm trong việc kích thích trí tò mò của độc giả khi người viết cố gắng tìm ra những chi tiết “đắt”, những tình tiết “hấp dẫn”, gây cấn để đưa vào “tháp đoạn”. Nhưng đồng thời hình thức này cũng có những hạn chế nhất định. Vì phải “xoay trở” trong một số lượng chữ nhất định của trang báo, nên nhiều lúc, các tình tiết mà các tác giả đề xuất trong tác phẩm có phần gượng gạo, ngẫu nhiên. Hình thức feuilleton khá phù hợp với những đặc tính của phần lớn các bộ tiểu thuyết có cốt truyện vận dộng nhanh, nhiều tình tiết gay cấn, thắt nút và mở nút thường rất bất ngờ; nhân vật trong tác phẩm thường là nhân vật hành động, phiêu lưu mạo hiểm. Các cuốn tiểu thuyết của Phú Đức, Bửu Đình, Hồ Biểu Chánh đều thể hiện rõ đặc tính này.
Trong các tiểu thuyết của Phú Đức, nổi bật và được yêu thích hơn cả là bộ Châu về hiệp phố. Tiểu thuyết này mang màu sắc trinh thám võ hiệp đăng lần đầu trên báo Trung Lập (1926), nửa chừng chuyển qua đăng trên báo Công Luận từ số 371 (7/7/1926) với tên gọi Hoàn Ngọc Ẩn, đến số 374 lại đổi tên là Hiệp phố châu huờn. Khi xuất bản thành sách chính thức mang tên Châu về hiệp phố (nhà in Xưa Nay, 1926, 1927, 1928). Khoảng năm 1953 báo Thần Chung đăng lại Châu về hiệp phố. Về sau các tờ Bình Dân (1953), Đuốc Nhà Nam (1970) cũng cho đăng lại tiểu thuyết này. Cuốn tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử Tiểu anh hùng võ kiết (1929) sau khi xuất bản đã bị nhà cầm quyền tịch thu vì có nội dung khêu gợi tinh thần dân tộc, nhắc chuyện ngày xưa để nói chuyện hiện tại. Khi Tiểu anh hùng võ kiết được chuyển thể thành tuồng cải lương cũng bị cấm diễn đã cho thấy văn tài và tầm ảnh hưởng rộng của tiểu thuyết Phú Đức đối với xã hội.
Cuộc khủng khoảng kinh tế xã hội những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ trước khiến cho đời sống báo chí và văn học ở miền Nam trở nên ảm đạm. Các tiểu thuyết của Phú Đức không còn được hưởng ứng nồng nhiệt nữa. Hẳn có nhiều lý do nhưng quan trọng là lượng độc giả đông đảo vấp vào tình cảnh kinh tế khó khăn hoặc thất nghiệp. Ngoài ra, tình hình thế giới bị cuốn vào không khí của cuộc đại chiến, loại tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình trừu tượng trở nên ít thực tế, ít gây hứng thú cho độc giả. Giai đoạn từ 1932 cho đến khoảng 1953, các tiểu thuyết của Phú Đức ít xuất hiện trên mặt báo cũng như xuất bản thành sách như trước đó. Sau vài chục năm chờ đợi, gián đoạn, tiểu thuyết Phú Đức mới hồi sinh một cách “ngoạn mục” trong đời sống văn học và báo chí phương Nam.
Năm 1953, Phú Đức sáng lập tờ báo Bình Dân đăng các bộ tiểu thuyết mới cùng với những bộ ông đã sáng tác trước đây. Việc “tái xuất” các bộ tiểu thuyết ăn khách lừng danh một thời khiến ông được mệnh danh là “tiểu thuyết gia bổn cũ soạn lại”. Phú Đức đã bỏ công tu chỉnh các “bổn cũ” cho hợp thời trước khi chạy feuilleton. Đó là một trong những lý do khiến các bộ tiểu thuyết này vẫn hấp dẫn độc giả. Với tờ Bình Dân, Phú Đức làm luôn cả hai công việc chủ nhiệm và chủ bút, tái diễn chủ trương của tờ Công Luận trước đây khi cho đăng tiểu thuyết ngay trang nhất. Báo Bình Dân chỉ đăng toàn tiểu thuyết của Phú Đức, thuần tiểu thuyết, giống như tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy hay Tiểu Thuyết Thứ Năm. Thật bất ngờ, ngay từ số đầu tiên tờ Bình Dân đã gây sự chú ý của đông đảo độc giả, số lượng phát hành lên tới 70 ngàn bản, trở thành một trong số ít những tờ báo bán chạy ở Sài Gòn thời điểm đó.
Ngoài tờ Bình Dân Phú Đức còn cho ra tờ nhật báo Dân Thanh (1953-1954). Theo hồi ký của nhà báo Ngọa Long: “Huê lợi của tờ tuần báo Bình Dân đã nuôi sống tờ nhật báo Dân Thanh suốt hai năm trời: nếu thời cuộc không đổi thay thì cái thành tích này sẽ kéo dài bao lâu nữa” (5). Riêng Châu về hợp phố được báo Đuốc Nhà Nam (1970) đăng lại cũng thu hút được một lượng người đọc đông đảo. Đó là cái vinh hạnh cho Phú Đức vào quãng cuối đường văn nghệ, mà không phải người nào trong giới cầm bút Nam Bộ đương thời cũng có được.
Phú Đức từ giã làng văn vào ngày 4 tháng 3 năm 1970 tại tư gia đường Phó Đức Chính, Gia Định, hưởng thọ 70 tuổi (6). Với 45 tuổi nghề, Phú Đức là một nhà báo kỳ cựu, tiểu thuyết gia feuilleton tiêu biểu của miền Nam, có số lượng tác phẩm lớn, đăng báo nhiều lần và được yêu mến lâu dài trong lòng công chúng yêu văn chương.
_____________
(1), (5) Ngoạ Long, Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận, Văn học, số 136, Sài Gòn, 1971, tr.70.
(3) Vũ Bằng: Cái thú nhất đời của Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận, Văn học, số 136, Sài Gòn, 1971, tr.78-88.
(2), (4) Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phú Đức - một mẫu hình nhà văn Nam Bộ đặc biệt đầu thế kỷ XX, Nghiên cứu Văn học, số 7-2006, tr.19; 23.
(6) Theo cáo phó trên báo Đuốc Nhà Nam thì tang lễ nhà văn Phú Đức được tiến hành tại nhà thờ Tân Định sau đó an táng tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi Sài Gòn. Nghĩa trang đã được di dời sau ngày đất nước thống nhất, hiện chúng tôi vẫn chưa tìm được nơi an nghỉ của nhà văn.
* Nguồn: Kiến thức ngày nay, số 818, ngày 1-5-2013
- Phú Đức – tiểu thuyết gia feuilleton tiêu biểu của miền Nam Phan Mạnh Hùng Nhận định
• Phú Đức – tiểu thuyết gia feuilleton tiêu biểu của miền Nam (Phan Mạnh Hùng)
Nhà văn Phú Đức (Huỳnh Ái Tông)
Phú Đức (Diệp Thị Thanh Thủy)
Ba nhà báo cùng tên NGUYỄN ĐỨC NHUẬN (thanh việt thanh)
Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Trinh Thám của Phú Đức (Nguyễn Hùng Chiến)
• Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh (Viên Linh)
• Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ (Bùi Giáng)
• Bùi Giáng - Thi ca và Tư tưởng (Tuệ Sỹ)
• Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)
• Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |