|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy
(1985)
Tôi nhận được ”Hồi Ký Một Đời Người” vào một trong những ngày có nắng đẹp đầu năm 2009. Món quà là một quyển sách, lại đến vào một ngày đầu năm, đã làm tôi ”mê tín dị đoan” và hoan hỉ với một niềm vui nhẹ nhàng nghĩ thầm: ”Năm nay mình sẽ gặp hên!”. Lật vội những trang sách, lướt qua nội dung để ”đánh giá” quyển sách, tôi bỗng dưng bị thu hút bởi 2 câu kết thúc phần Lời Tựa:
”Tôi đang đi trong bóng xế cuộc đời
Và gởi gấm tất cả tâm hồn vào những dòng viết…”
Phạm Ngọc Lũy
”Bóng xế cuộc đời” tại thời điểm đó mang con số 74. Đó là năm tác giả cho xuất bản quyển sách. Còn nói đến năm tác giả bắt đầu viết sách, thì hẳn phải sớm hơn một số năm. Trước khi viết bài giới thiệu quyển sách nầy, chúng tôi đã có E-mail liên lạc với tác giả. Mỗi lần viết thư cho ông, chúng tôi nhận được ngay thư ông hồi đáp. Trong thư, đôi khi ông còn đi sâu hơn vào những điều cần nói rõ thêm. Năm nay ông đã 90. Thật phi thường một sức khỏe và một trí lực như ông.
Quyển sách qua phần nội dung, đã thấy được tâm tình ông hằng cưu mang, ôm ấp, đã làm đã thực hiện, và bây giờ xin gửi trao cho thế hệ sau.
Sách xuất bản đã một thời gian khá dài và không nói về một đề tài mới lạ. Trái lại là một đề tài đã cũ xưa. Thế mà, ở thời điểm nầy khi đọc nó tôi lại thấy mới, có thể sẽ luôn luôn mới, bởi vì qua cái nhìn trung thực của ông, nó đang nối quá khứ với hiện tại. Nó nối nỗi đau và những giọt nước mắt của ngày xưa với nụ cười và sự hiện hữu của chúng ta hôm nay. Nó cũng chính là sợi dây vô hình nối liền ba thế hệ. Thế hệ cha anh chú bác hào hùng của chúng ta, thế hệ chúng ta và thế hệ con của chúng ta. Để rồi sau đó thế hệ trẻ nầy tiếp nối thế hệ trẻ khác của một Việt Nam ngày mai. Quyển sách mang những dữ kiện xây một con đường, đóng vai trò của một nhịp cầu, nối kết tình người của con dân nước Việt trong một sự thông hiểu. Một hạnh phúc lớn một may mắn không nhỏ khi ta có được một sự thông hiểu đặt căn bản trên những nguồn tin tức trung thực về những biến cố và sự cố của đất nước chúng ta.
Sách ghi lại những biến động của thời cuộc nên sách không mang tính ướt át của một quyển tiểu thuyết lãng mạn trữ tình. Tuy là cuốn sách đầu tay, ông đã không ngần ngại khi cầm bút. Tác giả đã viết với mục đích ghi lại những trải nghiệm trong thời gian 70 năm của đời mình. Khi biết tôi sẽ viết bài giới thiệu sách ông, ông vui vẻ nói đùa rằng ”Lần đầu tiên cầm bút, xin nhẹ tay cho”. Ông muốn nói đến văn phong của một người viết sách chuyên nghiệp, mà tôi chắc chắn rằng, không là cái làm ông bận tâm. Với sở học của ông, ông đã cho quyển sách một giá trị cao về văn thức. Tôi chỉ có cái hạnh phúc của một độc giả và sự kính mến thán phục những đóng góp không ngừng nghỉ cho đời và cho ba thế hệ của cá nhân ông.
Dành nguyên một cuối tuần để đọc quyển sách nầy, tôi đã đọc từ trang đầu đến trang cuối bằng cả một sự chú tâm. Bên lò sưởi đốt bằng than hồng, với những ngụm cà phê nóng, tôi theo chân ông về thăm quê hương yêu dấu xa cách ngàn trùng. Dự phần vào một cuộc viễn du bằng ”tư tưởng” về thăm Đất Mẹ, tôi theo ông về quê nhà An Lễ, ra thành phố Nam Định, vào Sài Gòn… cùng ”tham dự” những vui buồn của ông.
Ông viết đơn giản, chân thực và gẫy gọn. Nội dung súc tích và những dữ kiện lịch sử lồng trong trải nghiệm cá nhân, tạo cho sách một sức lôi cuốn, vì sự sống động của những thăng trầm thời cuộc. Những họat động của cá nhân ông cùng bè bạn chiến hữu, với số phận, với những quyết định đã làm ông phải ”nổi trôi theo mệnh nước”. Ông đi sâu vào những biến động xảy ra trên đất nước Việt thân yêu của chúng ta ở thời kỳ Nạn Đói Ất Dậu, Việt Minh kháng chiến chống Pháp, thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất, đấu tố, rồi thời kỳ của cuộc tản cư và kháng chiến. Từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc với những biến cố thời cuộc ảnh hưởng trên đời sống của người dân, được đào sâu nói rộng với những phức tạp sôi nổi của nó, trong cách trình bày đơn giản mạch lạc đầy chi tiết của ngòi bút tác giả.
Trong hai ngày liên tiếp tôi theo chân ông đi qua 70 năm sống. Có lần ghé về thời thơ ấu của ông, cười chảy nước mắt vì cái dí dỏm trong câu chuyện ông kể, thời ông còn là đứa bé ăn táo nuốt luôn hột. ”Em ăn táo thế hột đâu?. Nghe giọng chị hỏi, nét mặt lộ vẽ sợ hãi, tôi cảm thấy ngay có sự gì bất thường nguy hiểm, vừa chỉ tay vào bụng vừa khóc thét lên. Chị Quy ôm chầm lấy tôi: ”Thôi chết rồi, khốn nạn em tôi, táo mọc thành cây trong bụng thì làm sao bây giờ?”. Chị Quy vừa khóc vừa dỗ, còn tôi cứ nghĩ đến cây táo mọc chui qua cổ rồi tỏa ra miệng, gai táo đâm vào miệng lưỡi thì chịu sao nỗi, lại càng khóc già”. Câu chuyện nào cũng được ông kết thúc bằng một thoáng ngậm ngùi cho cái tình gia đình bà con hàng xóm láng giềng, một thời ông đã sống và bây giờ đã xa, làm ông nhớ mãi. Theo những mẫu chuyện ông kể, tôi cười thì ít mà khóc và đau thì nhiều. Đã lắm lúc lòng quá xốn xang vì những gian nan cuộc đời đem lại cho con người. Nhưng trong sự gian nan đó, ông luôn cho thấy rõ cái hạnh phúc khi con người còn có nhau, để biết sống mà mở lòng đón nhận được người khác, cho tha nhân có chỗ đứng với ta và cùng ta.
Theo chân ông, thời còn là một cậu bé trường làng An Lễ, tôi đi qua làng qua xóm qua ngôi trường nhỏ con sông bến đò. Rồi ra đến tỉnh thành Nam Định ”xem” ông ăn bát phở và tô đậu hủ đầu tiên trong đời, trong cái ngơ ngác rất ư là ”Tuấn chàng trai nuớc Việt”! Những câu truyện kể của ông sống động hẳn trong lời văn tả cảnh tả tình. Theo dòng văn của ông, tôi đi khắp nơi gặp tất cả bạn bè người thân của ông, qua từng tên họ, đến từng con đường dốc phố theo trí nhớ ”ghê gớm” của ông. Cùng rơi nước mắt, cùng ngậm ngùi chua xót theo từng khung trời đầy tình người của ông. Những nơi ông đến đều có tình gia đình tình bạn hữu. Chùa Hương Tích, Đền Phủ Giầy của Liễu Hạnh công chúa với anh em, với điển tích với tình mẹ nồng ấm của ông…
Tôi tiếp tục ”lang thang” từ miền nầy đến miền khác, nghe ông kể những san sẻ những cảm nhận của mình. Tôi tiếp tục đi theo khi ông đã trở thành người thanh niên thông minh cao ráo, tính tình cương trực điềm đạm từ Nam Định đến Sài Gòn. Cho đến ngày ông là thuyền trưởng tàu Trường Xuân, tôi cùng bước xuống chiếc tàu với chuyến đi định mệnh. Theo chuyến hải hành gian nan trắc trở với người thuyền trưởng có một cuộc đời kiên cường, một sức sống cuồn cuộn trong một tâm hồn quá ư bình thản giản dị ôn nhu. Từ ông tôi học rõ được 2 điều: Tình người và sự tự trọng.
Hải trình cuối cùng và chuyến đi nổi tiếng thế giới
Viết về chuyến hải hành cuối cùng của người thuyền trưởng tàu Trường Xuân, ông đưa độc giả đi từ xúc động nầy đến xúc động khác, từ căng thẳng sợ hãi âu lo đến hồi hộp nín thở. Trong những tình trạng khó khăn qua những tình huống gay go luôn luôn ông vững niềm tin, sống và hành xử bằng một tấm lòng độ luợng và biết chấp nhận. Ông đã gặp nhiều may mắn vô cùng ngay trong giờ phút chót. Ở ông, có một sự lịch thiệp và tế nhị. Ở ông, có một sự nhẫn nại ôn hòa được thể hiện bằng tư tưởng qua hành động và lời nói. Tôi đã vẽ được trong tôi hình ảnh một người thuyền trưởng trầm tỉnh giàu tình cảm nhưng cứng rắn sáng suốt trước những quyết định phải làm và luôn luôn nghĩ đến người khác, đặc biệt lấy số đông và quyền lợi mọi người làm chuẩn.
Một ngày 30 tháng Tư đen
Khi kinh hòang trải dài từ đất liền đổ ra tới biển
Sài Gòn rên siết trên bước chân người hoang mang hỗn lọan
Hướng về biển cả mênh mông
Bỏ lại sau lưng uất hận nghìn trùng
Đem quằn quại đớn đau làm hành trang rời Đất Mẹ
…
Trời nước thênh thang, ông ôm một khát vọng vô vàn
Trải tình người từ cuối thuyền đến đầu mũi lái
Người thuyền trưởng đưa con tàu đi mãi… (1)
Viết bài giới thiệu sách ông, tôi may mắn đọc rõ biến cố 1975, khi Sài Gòn thất thủ. Một phần tâm tình, niềm tuyệt vọng và sự vượt thóat của Sài Gòn được nói đến. Biến động không là sự thuật lại của một cái nhìn với những gì chỉ xảy ra chung quanh một cá nhân, một gia đình, một nhóm người, mà được kể đến trong một cái nhìn và nguồn thông tin rộng trước tình thế sôi động của tháng tư năm đó. Sách súc tích và trung thực với những dữ kiện lịch sử, mà nhiều người trong chúng ta chắc chắn sẽ mong muốn đọc được.
Hơn ba chục năm qua ông chưa nguôi dòng lệ
Nhỏ trên nỗi buồn một cuộc chiến đau thương
Dùng tình thương ông trải vạn dặm đường
Nuôi lớn mãi tình quê hương không mai một
Một hòai bão ấm tim ông, người lữ thứ
Góp ân tình ông nhóm lửa quê hương (2)
HỒI KÝ MỘT ĐỜI NGƯỜI đặc biệt cho chúng ta một cái nhìn thông rõ vào những sự cố của biến cố 1975. Thế hệ ông cha chúng ta cần đọc quyển sách nầy để nhận diện và hãnh diện. Thế hệ chúng ta cần đọc quyển sách nầy để vững lòng. Thế hệ con trẻ của chúng ta cần đọc những quyển sách như thế nầy để hiểu rõ hơn về những gì người miền Nam đã sống và đã làm cho quê hương, để tri ân và kính trọng. Có được cái nhìn sáng rõ, có được niềm tự hào, một thế hệ sẽ có được cuộc sống vững vàng.
Lịch sử tị nạn thế giới ghi nhận nước Đan Mạch qua lòng nhân đạo rộng lớn của thuyền trưởng Anton Martin Olsen, tàu Clara Mærsk. Đan Mạch tạo được sự cảm phục của thế giới qua hành động cứu giúp số thuyền nhân lớn nhất trong lịch sử cứu người tị nạn từ trước đến nay. Clara Mærsk đã nhận sự cầu cứu xin giúp đỡ của thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy tàu Trường Xuân bằng vòng tay mở rộng đan đầy tình người đón lấy gần 4.000 người bơ vơ trên biển cả một ngày năm xưa của trên 33 năm về trước.
Qua những trang sách của ông chúng ta thấy được ”Trong bóng xế của cuộc đời” thuyền trưởng PHẠM NGỌC LŨY đầy ắp nắng ấm tình người. Lửa trong tim ông hiện tại là sự tích tụ và ủ ấm qua bao nhiêu tháng năm dài. Thể hiện bằng sự đấu tranh bằng tấm lòng của ông trước thời cuộc. Ông đã minh định một con đường và với cái nhìn rõ ràng về chính trị, ông vững niềm tin đặt bước chân mình bất cứ nơi đâu. Sách cho chúng ta thấy một chọn lựa đặt căn bản trên ”lời dạy vô thanh NGÔN HÀNH KÍNH TÍN”. Chọn cho mình một con đường có chính nghĩa, trước nhất mình đã biết Kính và Tín với chính mình. Biết tôn trọng đời sống của mình và sự tự trọng cần phải có, từ đó mình biết trọng người. Là chữ hiếu chúng ta trả được cho cha mẹ khi ngôn và hành có sự kính tín. Hay nói đúng hơn, chúng ta đang tiêu xài cái gia tài cha mẹ đã bỏ công hun đúc để trao cho ta: ”Ngôn Hành Kính Tín”. Một đời khổ nhọc nuôi con, khi con khôn lớn, cha mẹ chỉ mong con mình nhìn vào trường đời nhiễu nhương vẫn thấy được lời gửi gấm của gia tộc trong bốn chữ trên. Hạnh phúc của cha mẹ là thấy con mình thành nhân. Sống có nhân cách là sự trả hiếu đẹp nhất đối với cha mẹ.
Hòang hôn là điểm đến của bình minh. Nắng một ngày không hòan tòan tích tụ lại ở hòang hôn, mà nắng một ngày đi vào đời sống muôn người muôn vật và tạo sức sống. Nhìn hòang hôn ta biết đã có một ngày nắng ấm. Bình minh có cái rực rỡ của nó vì tràn đầy sinh lực. Hòang hôn có cái đẹp vì nó tạo sự rung cảm do âm hưởng của những rung động và giao động. Thấy được cái đẹp của ”bóng xế” là hiểu được sự tương tức của vạn vật.
Mầu thời gian dẫu độc quyền để đong tuổi tác
Không độc quyền giảm lửa ấm ở tim ông (3)
Xin mời bạn đọc quyển sách nầy để bắt đầu từ khởi điểm của một ”bóng xế”. Ngày ông tự mình đặt bước chân đầu tiên tạo nên con đường đời của chính ông. Con đường có hình bóng có tương lai một số rất nhiều chúng ta trong đó. Đọc để đón nhận và chuyển tải ngọn lửa và hơi ấm của dân tộc từ trái tim nầy đến trái tim khác, từ thế hệ nầy đến thế hệ khác qua lời nhắn nhủ ”Và gởi gấm tất cả tâm hồn vào những dòng viết…”. Năm nay tác giả đã trên 90, vẫn quắc thước, vẫn rạng ngời tình người, và vẫn giữ trong lòng một nỗi ngậm ngùi, cùng cái hạnh phúc cho quyết định đưa con tàu Trường Xuân quay về cập bến Sài Gòn, thực hiện cho bằng được chuyến hải hành ngàn dặm ra đi, chở theo khát vọng sống của gần bốn ngàn người vượt sóng.
Dù hiện tại khi phiêu bồng ngủ yên trong đáy mắt
Dù vết đồi mồi đã thay làn da rám nắng
Vẫn có nụ cười thắm đậm một tình thân
Như nắng ban mai như ánh trăng rằm
Sẽ sáng mãi lửa tình người trong tim ông nồng ấm (4)
UYÊN HẠNH
Đan Mạch 2/2.2009
* (1,2,3,4): NẮNG ẤM HÒANG HÔN – Thơ Uyên Hạnh
Phụ chú:
Thuyền chủ tàu Clara Mærsk là ông H.E. Arnold Mærsk Mc-Kinney Møller. Ông Arnold Mærsk Mc-Kinney Møller là ông chủ của Tập Đòan A.P. Møller-Mærsk A/S. Ông sinh năm 1913. Điều hành Tập Đòan A.P. Møller-Mærsk cho đến năm 2003, khi ông đã 90 tuồi, ông nghỉ làm việc và về hưu. Hiện ông vẫn rất khỏe mạnh và đang vui hưởng tuổi già.
Theo thống kê của Forbes ông được xếp hàng thứ 557 trong danh sách những người giàu nhất trên thế giới. Theo Berlingske Nyhedsmagasin vào năm 2007 tài sản của ông Mærsk Mc-Kinney Møller lên đến con số 1,8 tỉ Mỹ Kim. Là chủ nhân ông của một tài sản gồm 141 tỉ Crowns, ông Mærsk Mc-Kinney Møller là người giàu nhất Đan Mạch.
Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy hiện định cư tại Mỹ. Khi đến Mỹ ông và vợ tuổi đã cao. Không giàu tiền bạc nhưng ông bà rất giàu con. Ông bà có 9 người con. Những người con ông đã rất sung sướng được làm tròn chữ hiếu của mình bằng cách phụng dưỡng cha mẹ trong tuổi già. Ông không là người giàu tiền bạc của thế giới vật chất, nhưng trong con tim của 4.000 thuyền nhân năm đó và bây giờ đã ”sinh sôi nẩy nở” thành một tổng số khá lớn, trong lòng họ luôn luôn mang đậm nét hình ảnh của ông. Nếu làm thống kê về lãnh vực nầy, chắc chắn ông sẽ là một trong những người đứng đầu trong danh sách của những người giàu tình người nhất thế giới.
(nguồn: http://khoahocnet.com/)
- Đọc Hồi Ký Một Đời Người của Thuyền Trưởng Phạm Ngọc Lũy Uyên Hạnh Điểm sách
• Đọc Hồi Ký Một Đời Người của Thuyền Trưởng Phạm Ngọc Lũy (Uyên Hạnh)
- Cựu thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy qua đời (damtrungphan.wordpress.com)
- Tàu Trường Xuân và Thuyền Trưởng Phạm Ngọc Lũy (Giao Chỉ)
- Chuyến Hải Hành Cuối Cùng của Con Tàu Trường Xuân (Vũ Thụy Hoàng)
- Chuyến tầu định mệnh Trường Xuân Hành trình tìm tự do (Nguyễn Việt Cường)
- Truong Xuan's Last Voyage (Phạm Ngọc Lũy, Võ Đại Thiên & Đàm Trung Phán dịch)
- Con Tàu Trường Xuân (tapatalk.com)
- Thuyền Viễn Xứ Và Người Con Gái Trường Xuân (Nguyễn Tuấn Hòang)
- Trường Xuân - Trường Xuân (Giao Chỉ – San Jose)
- Tiểu sử niên trưởng Phạm Ngọc Lũy (vnhanghaiphap.free.fr)
• Hồi tưởng lại 32 năm trước về chuyến đi Định Mệnh của tàu Trường Xuân (Phạm Ngọc Lũy)
• Lá Rụng Về Cội (Phạm Ngọc Lũy)
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |