1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Tuyển Dịch Thơ Văn Cổ (Phạm Khắc Hàm) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      24-01-2016 | VĂN HỌC

      Tuyển Dịch Thơ Văn Cổ

        PHẠM KHẮC HÀM
      Share File.php Share File
          

       

      1- MỤC ĐÍCH VIỆC TUYỂN DỊCH THƠ VĂN CỔ



         Giáo sư Phạm Khắc Hàm

      Như tên gọi, cuốn sách tuyển dịch một số thơ văn đời Ngô, Lê, Lý. Nhưng mục đích của nó không phải chỉ đơn thuần là giới thiệu thơ văn, mà còn muốn làm sống lại phần nào một thời rực rỡ đã chìm vào trong bóng tối. Qua thơ văn, ta sẽ thấy mỗi tác giả, thường cũng là những nhân vật lịch sử, kể lại một mẩu chuyện về đời mình, khiến cho trang văn học trở thành những trang lịch sử sống động.


      Như vậy, văn thơ đã minh họa lịch sử, nhiều khi một cách vô tình, trong khi các biến cố lịch sử luôn luôn là bối cảnh của văn thơ. Văn thơ và lịch sử đi đôi với nhau như bóng với hình như thế nên muốn hiểu rõ nội dung một bài thơ, ta cần biết rõ bối cảnh lịch sử của nó, và ngược lại, đôi khi nhờ thơ văn, ta có thể hiệu đính các sai lầm trong các sách viết về sử.


      Cũng vì hai bên có liên hệ chặt chẽ với nhau nên trước khi nói đến thơ văn, ta cũng nên nhắc lại sử. Người viết thường mở đầu mỗi giai đoạn văn học bằng một bảng ghi lại những mốc lịch sử đương thời.


      Để cân đổi hai nhu cầu trái ngược nhau là nhắc lại các biến cố đã làm thay đổi chiều hướng vận hành cửa sử mà không làm ngắt mạch văn thơ của một thời đại, người viết tạm chia thời gian từ họ Khúc đến nhà Lý làm hai giai đoạn: giai đoạn Igiai đoạn dựng nước từ Khúc Thừa Dụ tới nhà Tiền Lê, và giai đoạn IIgiai đoạn hùng cường đời nhà Lý.


      Để độc giả biết rõ trong hoàn cảnh nào, tác phẩm đã được làm ra, người viết cũng luôn luôn giới thiệu tác giả trước khi trích tuyển văn thơ. Có như thế, người đọc mới nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của bài thơ hay đoạn văn và cảm thông với tác giả hơn.


      Ngoài ra, nếu bài thơ hay đoạn văn nào đánh dấu một khúc quanh của lịch sử như bài Chiến Lược của vua Ngô Quyền, Chiếu Dời Đô của vua Lý Thái Tổ, Chiếu Nhường Ngôi của bà Lý Chiêu Hoàng, hoặc chứa đựng một nền minh triết cô xưa như bài Cáo Tập Thị Chúng của sư Mãn Giác, bài Ngôn Hoài của sư Dương Không Lộ cũng như hàng chục bài kệ khác, người viết cũng thấy cần phải bàn rộng thêm để làm sáng tỏ vấn đề. Vì thế cuối mỗi bài đặc sắc thường có một bài nghị luận nhỏ gọi là "LỜI BÀN."


      2- VẤN ĐỀ TUYỂN DỊCH


      A- Chú Giải Chữ Nho


      Người viết còn muốn nhắm vào một mục tiêu nữa là giúp người đọc đi vào thế giới chữ Nho.


      Thật vậy, kho tàng văn học của chúng ta được viết bằng chữ Nho nên muốn tìm về cội nguồn, người làm công tác văn học cần phải có một nền Hán học vững vàng. Mà cách học chữ Nho hứng thú nhất chính là đọc cổ thi. Cho nên việc giúp các bạn trẻ học Hán tự bằng thơ văn Lê-Lý-Trần là một chuyện cần làm [l].


      Cũng nên nhắc lại rằng ngoài Việt Nam và Trung Hoa, các nước Nhật Bản, Cao Ly đời xưa cũng dùng Hán tự làm quốc tự. Cho nên nếu biết chữ nho, các nhà khảo cứu có thể tham khảo các kho tàng văn học vĩ đại của bốn nước: Việt, Hoa, Cao Ly, Nhật Bản. Như vậy nhà khảo cứu sẽ có một nguồn tài liệu dồi dào vô tả.


      Để giúp các độc giả học loại chữ phức tạp này một cách dễ dàng, người viết đã chú giải các văn thơ cổ theo hai cách: Cách thứ nhất là dịch gần như nguyên văn, ý nghĩa các bài thơ hay đoạn văn được trích dẫn, do đó độc giả có thể hiểu ý nghĩa của từng câu. Cách thứ hai là giải nghĩa từng chữ Nho một, một cách chính xác.


      Để khỏi phân tâm người đọc, các lời chú giải này được tập trung trong phần CHÚ GIẢI ở cuối mỗi trang.


      B- DỊCH THƠ


      Làm thơ cũng như dịch thơ, là một vấn đề lớn trong văn học, cần nhiều giấy mực và thời gian mới bàn được một cách tương đối đầy đủ. Ở đây ta có thể nói một cách ngắn gọn là hồn của một bài thơ là hồn của tác giả và dịch thơ là chuyển cái hồn thơ từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Cho nên bàn về dịch thơ phải bắt đầu bằng việc bàn về thơ.


      Bàn Về Thơ


      Về phương diện cấu trúc, bài thơ nào cũng gồm có ba phần: (1) tư tưởng, xúc cảm, (2) ngôn từ và (3) nhạc điệu.


      Ngôn từ diễn tả tư tưởng, nhạc điệu diễn tả xúc cảm. Nhạc điệu luôn luôn nằm trong thể thơ, nhưng nó cũng có thể nằm tản mát trong toàn bộ bài thơ nếu tác giả nắm vững được nghệ thuật của thi ca.


      Các thể thơ truyền thống là thơ bảy chữ, thơ năm chữ, thơ bốn chữ, thơ lục bát và lục bát gián thất; mỗi thể có một nhạc điệu nội tại riêng, làm nhạc nền cho bài thơ. Nhạc nền này tùy thuộc rất nhiều vào độ dài của câu thơ (Xem Lời Bàn Phụ ở cuối chương).


      Dịch Thơ:


      Ý nghĩa chính xác của chữ dịch là chuyển dịch tư tưởng và cảm xúc từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, mà vẫn giữ nguyên nội dung. Để giữ nguyên tư tưởng thì ngươi ta dịch nghĩa, là việc mà dịch giả nào cũng làm. Để giữ lại cảm xúc thì giữ nguyên nhạc điệu. Cách dễ dàng nhất để giữ nguyên nhạc điệu là giữ nguyên thể thơ.


      Thí dụ như bài thơ đời Lý:

      Giang nguyệt mang mang, nhi phong lãnh lãnh;

      Cân y trước, vô thường cánh cánh.

      Thời quang tấn tốc, lão thôi nhân,

      Bách sự vô thành, thùy phục tính?


      Nếu dịch là:


      Trăng nước mênh mang, gió lạnh lạnh;

      Khăn áo vô thường, lòng canh cánh.

      Ngày xuân thôi thúc, người chóng già,

      Trăm sự không thành, ai có tính?

      thì tư tưởng và nhạc điệu trong bài thơ được giữ gần như nguyên vẹn. Dịch theo kiểu này là dịch theo đúng ý nghĩa của chữ dịch. Khổ một nỗi là dịch mà vừa giữ ý vừa giữ thể thơ thì nhiều khi bản dịch nghe cứng nhắc, không có hồn. Người dịch, nếu có tâm hồn nhà thơ, sẽ không chấp nhận dịch kiểu đó và sẽ thêm thắt ý kiến hay cảm xúc của mình vào. Dịch như vậy gọi là phóng dịch.


      Điển hình là bản Chinh phụ Ngâm Khúc Diễn Giải của bà Đoàn Thị Điểm. Chẳng hạn, mấy câu sau đây của Đặng Trần Côn:

      Sứ tinh thiên môn thôi hiếu phát,

      Hành nhân trọng pháp, khinh ly biệt.

      Cung tiễn hề... // tại yêu;

      Thê noa hề... // biệt khuyết...

      Chữ "hề" trong hai câu (3-4) miêu tả tiếng thở dài tạo ra sự ngắt quãng trong câu thơ. Khi đọc hai câu (3-4) bị ngắt thành những đoạn ngắn, ta có cảm tường như nghe thấy bước chân rầm rập của một đoàn quân ra trận.


      Bốn câu trên được bà Đoàn Thị Điểm dịch theo thể lục bát:

      Sứ trời sớm giục đường mây,

      Phép công là trọng, niềm tây sá nào.

      Đường rong ruổi, lưng đeo cung tiễn,

      Buổi tiễn đưa lòng bận [vướng] thê noa...

      Mấy câu thơ của nữ sĩ họ Đoàn trầm bổng du dương, nghe hay lắm. Chỉ có điều là cảm giác mà nó tạo ra là nhẹ nhàng thanh thoát, khác hẳn cảm giác của hai câu nguyên tác trên là nghiêm trang và của hai câu dưới là trầm hùng. Như vậy là bà họ Đoàn đã phổ vào trong nguyên bản, bản nhạc réo rắt trong lòng mình. Nghĩa là Bà đã phóng dịch chứ không dịch, theo đúng nghĩa của chữ DỊCH. Bây giờ ta đi tới vấn đề căn bản của việc dịch thơ là nên dịch hay nên phóng dịch?


      Câu trả lời tùy theo quan niệm của mỗi người. Các học giả thì cho là dịch càng sát nguyên bản bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nghĩa là dịch thì phải đúng là dịch.


      Nhận định như vậy là đúng, đáng tiếc là các vị ấy thường chỉ chú trọng tới tư tưởng mà ít để ý tới cảm xúc được diễn tả qua thể thơ, cho nên quí vị thường dùng lục bát để dịch thơ Đường. Bản dịch nhiều khi nghe rất du dương, nhưng du dương cách mấy cũng vẫn là phóng dịch, như ta đã nhận định ở trên. Thế mới biết, nói thì dễ nhưng mấy ai làm được đúng như lời nói.


      Người viết quan niệm hơi khác.


      Theo ngươi viết, thơ thì phải có hồn, nghĩa là làm ngươi đọc rung cảm. Nếu thơ không làm người đọc rung cảm thì không phải là "thơ" mà là văn vần, tương tự như "thơ khuyến thiện" của nhà chùa.


      Thơ có hồn làm người ta khóc, làm người ta cười. Hơn thế nữa, có thể làm bừng thức dậy cả một tiền kiếp, làm sống lại một khoảnh khắc của thiên cổ -như một cơn gió lạnh từ một cõi xa xôi nào đột nhiên thổi về- làm lạnh xương sống, nổi da gà... Cái nhiệm mầu của một bài thơ có hồn là như vậy.


      Cho nên cái mà ngươi viết thấy cần phải giữ lại trong bản dịch là cái hồn của thơ. Có làm được như vậy mới bắc được nhịp cầu thông cảm giữa người ngàn xưa với người của hôm nay.


      Nếu quan niệm là cần phải giữ lại là cái hồn của thơ thì ta sẽ thấy ngay là tất cả những cái khác, từ ngôn ngữ hình ảnh đến nhạc điệu âm thanh, tất cả những cái đó chỉ là phương tiện dùng để chuyên chở cái hồn của tác giả, biến nó thành hồn thơ.


      Làm thơ là sáng tạo, có thể tưởng tượng ra một thế giới trong trí tưởng, nên dịch thơ đâu cần phải làm nô lệ cho ngôn từ, dịch nguyên văn từng câu từng chữ. Dĩ nhiên là dịch sát được là quí, nhưng dịch sát mà vô hồn thì thà rằng phóng dịch mà có hồn vẫn hơn.


      Ngoài cách dịch và phóng dịch vừa nói ở trên, còn một cách nữa giúp người đọc thở lại không khí của thời xưa, là diễn tả lại cảm hứng của mình khi đọc cổ thi. Thơ cảm hứng này được gọi là phóng tác. Người viết thỉnh thoảng cũng phóng tác như vậy.


      Nói tóm lại, người viết biên soạn bộ sách "Thơ Văn Ngô-Lê-Lý""Thơ Văn đời Trần", không như một học giả mà như một nhà thơ trân quí tim óc của tiền nhân. Sai sót ắt phải có, nhưng người viết làm với tất cả sự trân trọng.


      3- VẤN ĐỀ THỂ THƠ


      Thơ cổ được làm theo nhiều thể - thể 4 chữ, thể 5 chữ, nhưng nhiều nhất là thể 7 chữ - nên đây cũng là một dịp để ta bàn qua về đặc tính của các thể thơ thường dùng, kể cả thể thuần túy Việt như lục bát, song thất lục bát.


      THỂ BẢY CHỮ


      Độ dài bảy chữ đủ để diễn tả một cách trọn vẹn sự xúc động cùng với ý niệm nên có thể coi như là thể lý tưởng. Có thể ví thể này với một sân khấu đủ lớn để diễn mọi tuồng tích làm rung động lòng người ở mức độ cao nhất.


      THỂ NĂM CHỮ


      Thể năm chữ có thể coi như thể bảy chữ rút ngắn lại, nên cách diễn tả phải cô đọng hơn, giản lược hơn. Có thể ví thể này với một sân khấu hẹp lại chỉ còn một nửa, các diễn viên không có đủ không gian để tung hoành nên dù tài năng thượng thặng, cách diễn xuất cũng trở nên ước lệ hơn. Họ vẫn có thể làm cho khán giả vui buồn, nhưng một cách nhẹ nhàng hơn.


      Có thể ví thể năm chữ với một nhà nho nghiêm nghị, ít nói, khi cười cũng chỉ cười tủm tỉm, khi khóc cũng chỉ để vài giọt nước mắt long lanh. Cho nên thể năm chữ có thể dùng để tả nỗi buồn tiêu sái của mùa thu, cũng có thể diễn tả cái hùng, nhưng cái hùng ở đây là một cái hùng đặc biệt, cái hùng của những bước chân đĩnh đạc chậm và trầm của đoàn quân ra trận.


      THỂ BỐN CHỮ


      Thể bốn chữ, quá ngắn nên chỉ có thể dùng để diễn tả những tình cảm chất phác, những tư tưởng đơn sơ, chẳng hạn như sự trống rỗng trong lòng khi nghe tiếng tí tách của đêm mưa.


      THỂ LỤC BÁT


      Thể này có hai đặc điểm, một là vần bao giờ cũng là vần bằng nên nhạc điệu của nó bao giờ cũng dìu dặt du dương. Hai là yêu vận lúc nào cũng nằm trong chữ thứ sáu của câu tám nên khi đọc, cho ta cảm giác đong đưa, giống như sự đong đưa của con lắc. Tính chất dìu dặt và đong đưa đưa tới một kết quả dị kỳmài mòn góc cạnh của tình cảm, làm giảm cường độ của cảm xúc nên vui không vui quá, buồn không buồn quá. Mọi tình cảm đều trở nên nhẹ nhàng. Thí dụ như hai câu thơ năm chữ sau đây chứa một nỗi buồn man mác:

      Cổ lai chinh chiến trường,

      Vạn lý vô nhân ốc...

      (Xưa nay nơi chiến trường,

      Vạn dặm không nhà cửa)


      được bà họ Đoàn dịch thành lục bát:


      Xưa nay chiến địa nhường bao,

      Nội không muôn dặm, xiết bao dãi dầu.

      Lời dịch thanh thoát, nhạc điệu du dương nhưng nỗi buồn man mác trong hai câu ngũ ngôn đã không còn.


      THỂ SONG THẤT LỤC BÁT


      Thể này mở đầu bằng hai câu bảy chữ tiếp theo là hai câu lục bát và cứ như thế tiếp tục dài dài. Thể này đã phá đi tính chất đong đưa làm cho nhạc điệu thêm biến hóa, nhưng tính chất du dương được giữ lại, nên một số tác giả dùng nó để làm những bài thơ trường thiên như Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm Khúc, v.v...


      Các bài thơ ngắn ít khi dùng thể này.


      Nhiều thể thơ mới chỉ là những biến thể của các thể thơ nói trên, như biến thể bảy chữ thành thể tám chữ, hoặc pha trộn bốn chữ với năm chữ, hoặc năm chữ với bảy chữ, v.v...


      MỘT THOÁNG NHÌN NỀN VĂN HỌC NGÔ-LÊ-LÝ


       

      Văn Học Đời Ngô-Lê-Lý (bìa trước và sau) - Nguồn: Kệ sách Học Xá

      Nước ta lập quốc thời nhà Ngô, vững vàng thời nhà Lê, cường thịnh thời nhà Lý. Lịch sử, địa lý và xã hội, nhân văn vốn đi với nhau như bóng với hình nên chỉ cần đọc Sử là ta đoán dược xã hội, nhân văn phát triển ra sao.


      1/ Nhà Ngô tự phong vương, đánh tan quân Nam Hán, mở đầu cho thời kỳ tự chủ của nước ta. Nhưng vì phải động viên sinh lạc vào chiến tranh và phòng vệ giặc tái xâm lăng nên tâm trí quốc dân bị thu hút vào binh bị. Có lẽ vì thế mà thời này không để lại thơ văn, ngoại trừ một đoạn sử ký ghi lại kế hoạch phá quân Nam Hán cho thấy cái khí độ oai hùng của nhà Ngô.


      2/ Tiếp theo là 22 năm nội loạn mười hai sứ làm hao tổn tinh lực quốc gia, cho đến khi nhà Đinh đánh bại các sứ và tự lập làm vua. Nhưng nhà Đinh chỉ tồn tại 14 năm, một thời gian quá ngắn nên không để lại áng thơ văn nào.


      3/ Khi Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn lên làm vua, Ông đã mở đầu triều đại mình bằng cuộc chiến thắng quân Tống và tái lập lại kỷ cương. Triều Lê tuy ngắn ngủi (29 năm), nhưng cũng đủ để nền văn học nở mấy đóa hoa, báo trước thời kỳ rực rỡ của đất nước sắp mở màn.


      4/ Nhà Lê mất, Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Lý Công Uẩn lên ngôi với sự ủng hộ của nhà chùa. Lý Thái Tổ đã đem vào trong cách trị nước cái tâm bao la của nhà Phật cùng với cái hùng của một võ tướng, mở ra những trang sử vẻ vang bậc nhất cho dân tộc.


      Một triều đại rực rỡ như thế hẳn nền văn học cũng phải rực rỡ tương đương. Mà đúng như vậy, vào thời kỳ này mới nở ra những đóa hoa thiền thật đẹp mà cũng thật nồng nàn như bài "Cáo Tật Thị Chúng" của sư Mãn Giác, trong có câu đầy tình người:

      Đừng bảo xuân tàn, hoa rụng hết,

      Đêm qua sân trước một cành mai.

      hoặc bài "Ngư Nhàn" của sư Không Lộ đẹp như một bức tranh thủy mặc:

      Vạn dặm sông xanh, trời vạn dặm,

      Xóm mờ sương khói, xóm dâu đay.

      Đáng tiếc là tấm giấy mỏng manh khó mà bảo toàn được nguyên vẹn trong các cơn binh hỏa, khi giặc Tầu sang cướp nước ta và mở chiến dịch đốt hết sách của ta trong ba năm ròng rã (từ 1407 đến 1410). Sự tàn phá man rợ đến độ những tác phẩm tuyệt thế về thiền như cuốn Tham Đồ Hiền Quyết của sư Viên Chiếu nay chỉ còn lại lõm bõm mấy câu thơ. Ta chỉ còn biết thở dài:


      Một dân tộc tự phụ là văn minh bậc nhất mà lại mọi rợ như thế ư?

      Nhân Nghĩa Khổng Mạnh hóa ra chỉ là giả đạo đức?


      Về phương diện chính trị thời đại Ngô-Lê-Lý có thể chia làm hai giai đoạn: Thời Ngô-Lê là giai đoạn lập quốc, thời nhà Lý là giai đoạn kiến quốc và phát triển.


      Văn học và cuộc sống của dân tộc đi đôi với nhau như bóng với hình, nên văn học cũng được chia làm hai giai đoạn: (l) thời Ngô-Lê là giai đoạn lập quốc nên văn học còn trong giai đoạn sơ khai, (2) thời nhà Lý là giai đoạn kiến quốc và phát triển nên văn học bắt đầu nở hoa.


      Như vậy việc nghiên cứu nền văn học thời Ngô-Lê-Lý sẽ được chia làm hai phần:

      Phần I: văn học thời Ngô-Lê,

      Phần II: văn học thời nhà Lý.


      Phạm Khắc Hàm

      (Văn Học Đời Ngô-Lê-Lý)
      (Nxb: Khởi Hành, 2013)

      1. Người viết cũng biên soạn cuốn sách "Tự Học Cho Nho" theo "Phương Pháp Tích Hợp" đi kèm với bộ sách này: Phương pháp này sẽ giúp các bạn trẻ học chữ Nho dễ dàng và nhanh chóng: Chỉ cần học hai chục bài cổ thi là biết được khoảng hai ngàn chữ nho căn bản.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022