1. Head_

    Dương Quảng Hàm

    (14.7.1898 - 19.12.1946)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nhớ Phạm Ngọc Lư (Nguyễn Lệ Uyên) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      19-06-2017 | VĂN HỌC

      Nhớ Phạm Ngọc Lư

        NGUYỄN LỆ UYÊN
      Share File.php Share File
          

       

      “Trong cuộc chiến tàn khốc này, đứa nào
      sống sót là kẻ chiến thắng”
      (Phạm Ngọc Lư)


          Nhà thơ Phạm Ngọc Lư
         (1946 - 26.5.2017)

      Trong nửa thập niên 60, 70 (TK XX), bên cạnh những nhà văn nhà thơ mà tên tuổi của họ đã được khẳng định, còn có đông đảo những người viết trẻ: Họ, đa phần là những người không có tuổi thanh xuân yên ấm, lần lượt bị vãi ném vào chiến trường; số ít còn lại là công chức, sinh viên… đã có những đóng góp không nhỏ cho dòng văn học miền Nam – dòng văn học được xem là tự do sáng tạo có giá trị về mặt thẩm mỹ và nhân văn trong mỗi tác phẩm – với nhiều khuynh hướng dị biệt (viễn mơ, dấn thân, hiện sinh, hiện thực đối kháng…)


      Và, mặc dù dòng văn học này đã bị bức tử sau ngày 30.4.1975 bằng mọi cố gắng “tẩy xóa” của bên “thắng cuộc” dưới nhiều dạng thức khác nhau, nhưng nó, sau hơn 40 năm vẫn âm thầm và lặng lẽ chảy; vẫn đọng lại trong tâm thức độc giả những giá trị không thể đảo ngược. Nó luôn là cái mới của hôm nay, bởi đã tiếp cận với dòng văn học phương Tây qua các trào lưu nhưng vẫn giữ được hồn cốt văn hóa Việt qua biết bao biến động lịch sử.


      Những người viết thuộc thế-hệ-chiến-tranh này, có những người bỏ cuộc, nhưng không ít người đã thành danh, đã được công chúng đón nhận như một hiện tượng mới, chững chạc tiếp bước các bậc đàn anh, làm rạng rỡ cho một miền văn chương luôn bị phía bên kia dán cho nhiều nhãn mác thô thiển: Đó là Trần Thị Ngh. Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Hoài Thư, Vũ Hữu Định… Mỗi nhà văn trẻ đều mang một phong cách riêng, không lẫn lộn, không là cái bóng của các nhà văn đi trước, ít nhiều làm đa dạng, sáng đẹp cho thời kỳ này. Phạm Ngọc Lư trong số đó.


       

      Từ trái: Phạm Ngọc Lư-Trần Hoài Thư-NgLu-Phạm Văn Nhàn (ảnh chụp năm 1969)

      Anh xuất hiện lần đầu với những bài viết ngắn trong mục đoản văn trên tuần báo Nghệ Thuật (Mai Thảo chủ bút, Viên Linh thư ký toà soạn) vào cuối những năm 1966, ký tên Phạm Triều Nghi. Đến năm 1969, có thơ và truyện ngắn đăng tải đều đặn trên các tạp chí văn chương miền Nam: Văn, Vấn Đề, Bách Khoa, Trình Bày, Ý Thức… và ký tên thật.


      Trong lời bạt tôi viết cho tập thơ Đan Tâm của Lư, có một đoạn trích từ tập tiểu luận Vũ Trụ Thơ (1) của nhà phê bình văn học Đặng Tiến: “Yêu một tác phẩm nghệ thuật giống như yêu một người đàn bà ở điểm là mỗi lần yêu, chúng ta khám phá ở người tình một trinh tiết mới. Yêu một tác phẩm là sáng tạo một trinh tiết mới cho tác phẩm”.


      Tôi “yêu” những tác phẩm của Lư bởi sức sáng tạo không ngừng trong những câu chữ lấp lánh của anh! Riêng nhà văn Cung Tích Biền thì có cái nhìn sâu hơn, phân tích kỹ hơn:

      “Phạm Ngọc Lư khá điềm tĩnh trong hành trình sáng tác của mình, tuy sâu trong tâm khảm, từ biển rộng tâm linh, Lư vẫn cháy bỏng với những khắc khoải, tư duy. Trong bao năm Lư không chạy theo những trào lưu, trường phái, những hào nhoáng ồn ào của thị hiếu. Không làm con thiêu thân để chết non, tàn mùa theo những cám dỗ tức thời. Thơ Lư hình thức là mẫu mực, cổ điển. Vì ta cứ đủng đỉnh cái Riêng mình. Cái bình cổ sống rất lâu. Chính ở điểm này Lư thành công. Nói được rất nhiều trong biểu hiện điều Muốn Nói. Không cầu kỳ. Không đánh bóng ồn ào mặt ngoài bởi ngôn ngữ rỗng…” (2)

      Điều đáng nói, mặc dù rất thành công với những bài hành, thất ngôn, lục bát cùng những truyện ngắn phản ảnh những góc khuất của bộ mặt xã hội đương thời, một xã hội đảo điên, chiến tranh bùng vỡ ở mức độ ác liệt, để đưa vào tác phẩm với những cảm thức được chắc lọc đến từng chi tiết nhỏ, hoặc dùng điển tích để chuyển tải - và đã thành công, được độc giả thời bấy giờ (cả sau này) đánh giá cao – nhưng không bao giờ tự mãn, khoa trương mà luôn tìm đến cái mới hơn, đẹp hơn.


      * Thơ như một vết cứa vào tim người


      Với thơ, anh có một phong cách rất riêng, không lẫn với những người cầm bút cùng thời. Cũng vết về chiến tranh, về thân phận con người, về tình yêu, nỗi cô đơn, khao khát, về mặc cảm đọa đày, khốn cùng…nhưng không sử dụng loại ngôn ngữ sáo rỗng, thời thượng, mà vận dụng các điển tích, tiếng Việt-Hán để chuyển tải nội dung. Vì vậy, sau khi khép lại một bài thơ, người đọc có cảm giác đang chìm đắm trong những câu từ cổ kính, lấp lánh như những chiếc bình cổ. Nói khác, với một thủ thuật tài hoa, anh đã làm mới dòng thơ cổ điển mà không dẫm chân lên khuôn thước thơ cổ điển. Điều này cũng dễ hiểu, bởi từ nhỏ, anh đã học chữ Hán với ông nội và cha; lớn lên theo học ban Hán-Nôm Đại học Văn Khoa Huế, nên câu từ luôn được nâng niu, trau chuốt cẩn trọng.


      Nhà văn Đỗ Trường đã đưa ra nhận xét: “Thơ Phạm Ngọc Lư mang đậm chất cổ thi và sử dụng nhiều điển tích cũng như từ ngữ Hán Việt. Do vậy, thơ ông cổ kính sang trọng, nhưng khi đọc lên tưởng chừng rất dễ vỡ” (3).

      "Em từ tình sử bước ra

      Y trang yểu điệu đôi tà mộng bay…

      Chờ nhau gác gió lầu mây

      Nghìn đêm giọt nến rơi đầy trang thơ

      Nghìn đêm sông lạnh trăng mờ

      Trương Chi bạc tóc bên bờ Tương Giang

      Chiều nao nhất kiến hồng nhan

      Chiều nay xác bướm rơi vàng mộ hoa

      Áo xưa mộng mị đôi tà

      Đành thôi xếp lại Nam Kha gối đầu” (Thuyền Quyên).

      Cách đây 15 năm, từ Đà Nẵng Lư gửi thư cho tôi, có đoạn:

      “Theo tôi, nhà thơ=lãng mạn+cô đơn+bi thương+kiêu hãnh, trong đó “cô đơn” là thuộc tính bi thảm nhất. Chính trong cái cô đơn cùng cực, tôi thấy mình chết, ra đi và đã viết:


      Tâm hồn bật một tiếng kêu

      Vỡ ra lênh láng giữa chiều tang thương

      Âm ba đồng vọng mười phương

      Có ai thiên cổ đoạn trường hồi âm?

      Tay ai nâng nhẹ phù thân?

      Dìu tôi đi giữa phù trầm khổ đau

      Tôi và nước mắt dìu nhau

      Bơi qua bể khổ muôn màu nhấp nhô

      Tôi và cát bụi ngu ngơ

      Bay quanh trời đất đợi giờ tương sinh” (thư riêng đề ngày 27.10.2002).

      (Nếu nói rằng: Mỗi tác phẩm của nhà văn là những dự báo cho tương lai thì những câu thơ trên như một ám thị cho cái ngày định mệnh cuộc đời anh: Tôi và cát bụi ngu ngơ/Bay quanh trời đất đợi giờ tương sinh. Đó là ngày 26.5.2017 lúc 18h45 tại Đà Nẵng, gây bao thương tiếc cho bạn bè và độc gải hằng mến mộ anh, như lời anh Cung Tích Biền ghi trong thư: “Vắng bóng đời này, lại vĩnh cửu Chốn Kia. Mong Lư đời đời an nghỉ. CTB” (thư ngày 4/6).


      Cả cuộc tồn sinh của Lư, lúc nào anh cũng cảm thấy bất toàn, cô đơn, đau khổ… Chúng luôn đeo ám vào những trang thơ văn của anh. Anh loay hoay với bốn bức tường lạnh trong nhà trọ khi dạy học tại Tuy Hòa, loay hoay với đời sống vợ con sau 75. Lư than thở với tôi: “Mình bất tài, bất lực, hèn… sao?” . Đó là khoảng năm 1983 (hay 1984?), anh không chịu nổi ngày ngày phải đi bộ non 2 cây số, gánh từng gánh nước tưới những vồng khoai lang giữa bãi cát cao ngất nghểu ở HTX NN quê anh với chỉ 200grs nửa lúa nửa khoai sắn cho một ngày công (?!) sao đủ nuôi 4 miệng ăn, đành phải gạt nước mắt gửi vợ con về quê ngoại (Qui Nhơn) vào Long Khánh (Đồng Nai) đào đãi vàng, đốt than; xuống tận Hồng Ngự (Đồng Tháp) nấu rượu lậu, bán trái cây độ nhật… và “nghề” nào cũng thất bại, khiến anh đau đớn, quặn thắt hơn trong cuộc mưu sinh ở thời buổi ngăn sông cấm chợ! Thất chí chồng lên thất chí.

      Tuổi tác chừng này vẫn ngây thơ

      Ma xui quỷ khiến ra ngồi chợ

      Bán gió rao trăng… một núi dừa

      Lúc chán, rửa môi dăm chén rượu

      Lau chân mắc võng nằm lơ mơ

      Mây cuốn nắng thiu lòng u uẩn

      Tuồng đời như cảnh chợ ngày mưa

      Thôi để ta yên bên chén rượu

      Uống say… thành bại cũng bằng thừa

      Uống say… ném áo lên nóc quán

      Hết nợ hết duyên… vĩnh biệt dừa! (Ngồi Chợ)

      Cuộc mưu sinh đối với Lư trong giai đoạn này không dễ dàng chút nào. Từ biệt những ê chề miền Đông, Lư xuôi về vùng đất phương Nam. Nhưng đất phương Nam mênh mông sông nước, bạt ngàn màu xanh vờn phủ tính phóng khoáng ấy cũng chẳng dung nạp được anh trong đời thường, nói chi đến tình đồng điệu? Trong cảnh mênh mông, bạt ngàn kia, dường như khiến Lư cô đơn hơn, quặn thắt tâm can hơn khi đưa mắt trông vời phương Bắc, chốn quê nhà xa xôi:

      Chân trời giang rộng mênh mông

      Cố hương thăm thẳm tịnh không lối về

      Giang hà im bặt thuyền ghe

      Tha phương nhật mộ… não nề bèo mây (Chiều Qua Châu Thổ)

      Đó là bài thơ anh viết khoảng giữa năm 1986 lúc xuôi xuống Hồng Ngự. Ở đó cũng có vài người bạn, nhưng không phải bạn thơ mà là những bạn rượu tầm cỡ Tây Môn Khánh – theo lời anh kể lại! Những bữa rượu ấy không giúp anh nguôi ngoai nỗi cô đơn như một ám ảnh phải đeo mang. Hình ảnh những nơi anh ngụ cư ám vào tâm trí như những ám thị “bệnh hoạn” liên tưởng qua hàng cây, con sông, bến nước, đất đỏ ngấm vào tâm trí rồi đặt bút “tổng kết” trên mười năm lang bạt mưu sinh trong bài Bụi Đỏ viết năm 1994 và chú thích “sau chín năm ly tán”:

      Quê người nương náu kiếp lưu dân

      Bụi ba dan có phải hồng trần?

      Đỏ quạch mồ hôi chua cơm áo

      Cơm áo bạc tình… bán hết thanh xuân

      Đi giữa rừng cao su trùng điệp

      Lòng đau như vết cạo còn tươi

      Mủ cứ chảy bám dày tâm sự

      Tâm sự đùn cao như gò mối chôn người.

      … Đi lơ ngơ vừa tròn một giáp

      Mười hai năm lệ tủi đời câm

      Rượu Nam phương uống cùng tứ xứ

      Tứ xứ ly gia dễ mủi lòng

      Cũng dễ quên nhau khi hết rượu

      Cái ân tình có có không không

      Chốn đất khách lắm hào sảng nhưng không thiếu những “phàm phu”. Bên cạnh những “hào sĩ” những kẻ “nhân từ” là những tay “ích kỷ, lếu láo, say sưa…” khiến anh cảm thấy mệt nhoài với bến nước mười hai đục ngầu bụi đỏ; để sau đó tự hỏi và tự trả lời:


      Sao không quay về bến thứ mười ba:

      Bến nước trong xanh… soi bóng quê nhà!


      Mười hai năm lao thân lao trí đã đủ để anh vật vã những đau đớn, buồn tủi trong “hành trình” xuôi Nam, lang thang nơi đất khách kiếm tìm sự sống kể từ lúc xã hội bị đảo lộn, đạo đức, phẩm hạnh con người bị vãi tung ra lề đường; miếng cơm manh áo ẩn nấp trong những tráo trở. Cái bầy người được mệnh danh là quần chúng nhân dân, là nền móng cho một đất nước được chăn dắt bằng những tấm tem phiếu. Cái ăn cái mặc trở thành thước đo giá trị làm người. Cuộc tìm kiếm áo cơm cũng bình thường như bao con người khác cùng thời, nhưng đến phút cuối thì: Đỏ quạch mồ hôi chua cơm áo/ Cơm áo bạc tình bán hết thanh xuân. Hai câu thơ như hai vết cứa sâu hoắm lên thịt da, phơi lộ hết những bần hàn cơ cực trong một giai đoạn đau khổ tột cùng của bản thân anh trong giai đoạn cùng khổ của đất nước này. Ngoảnh lại, cả một đời làm người của Lư là hình ảnh con ngựa già đã chấm hết những hào quang một thuở!


      Ngồi thất thế như con ngựa ốm

      Nhớ đường trường thè lưỡi liếm chân (Tuy Hòa Năm Năm)


      Lời thơ ẩn lời than đến nao lòng, con ngựa ốm kia cũng là thân phận của người trí thức đã cùng đường, tuyệt lộ trong một xã hội bị đảo lộn mọi trật tự sau biến cố 30.4. Nhiều bài thơ trong hai tập Đan Tâm và Mây Nổi (đều do Thư Ấn Quán, HK ấn hành) của Lư, luôn thấp thoáng bóng dáng của kẻ sĩ thất thế nhưng vẫn giữ lòng tự trọng, liêm sỉ chối từ mọi danh vọng, tiền tài… lui về quê chịu cảnh sống thanh bần chứ không chịu khuất phục, quỳ gối khom lưng.


      Trong đời, khi tiếp cận với văn chương, tôi rất ngưỡng mộ và kính phục nhà thơ Hữu Loan sau Nhân văn giai phẩm, một nhân cách lớn trong hành xử với đời; đến cả cái giải thưởng “danh giá” của nhà cầm quyền, ông cũng phẩy tay, bịt mũi, nhắm mắt.


      Với Phạm Ngọc Lư thì khác, anh thuộc thế hệ con cháu của Phùng Cung, Hữu Loan, Lê Đạt… sống trong hoàn cảnh xã hội khác xa với “Nhóm Nhân Văn”, được thụ hưởng một nền giáo dục tử tế “nhân bản, dân tộc, khai phóng” nên khó dung hợp với xã hội mới, trong đó có thừa những lọc lừa, dối trá… phi đạo đức, phi nhân bản. Một xã hội như vậy hoàn toàn xa lạ với những con người cũ (SG) ! Nhưng xem chừng xã hội thời cải cách ruộng đất và xã hội đánh vào tư sản mại bản, cải tạo công thương nghiệp… không khác xa nhau trong cách “xử sự” với người dân!


      Cuối năm 2005 là thời gian anh quay về cố hương không lâu, nhìn cảnh đời nhí-nhố-xum-xoe-lừa-lọc (chữ của Lư), anh thấy thất vọng, cay đắng hơn và đặt bút viết liền một mạch bài thơ Đề Thơ Trước Mộ Thanh Xuân (khi mà mọi bưng bít thông tin về nhà thơ Hữu Loan được công khai trên mạng). Bài thơ khá dài, bộc lộ khí chất và bóng dáng của một kẻ sĩ thời hiện đại “không thèm ăn thóc nhà Chu”:

      “… Trèo lên xe trâu/ Lui về quê kiểng/ Mài răng gặm nhắm cái thanh bần!/ Lượm lặt nứa tre che căn lều nhỏ/ Phên cửa phong phanh suốt ngày no gió/ Người quen tâng bộc gọi mao lư/ Kẻ nôm na kêu đích danh nhà cỏ/ Chẳng hay ho gì cỏ với mao/ Thời bất lợi voi đành làm chó/ Phong tống thời lại giun dế hóa rồng/ … Tìm trong gia phong mấy lời răn dạy/ Hiểu đâu nhất thời/ Đâu là vạn đại/ Than ôi!/ Cái khôn mới hôm qua/ Hôm nay bổng trở thành cái dại/ Quay lưng với đời ư?/ Dòng đời cuồn cuộn/ Biển đời lợn cợn/ Bảy đục ba trong/ Quay mặt với người ư?/ Mặt người sắc nhọn/ Biển người sao mà ghê rợn/ Đua chen hôi lợi bòn danh/ Đâu dám ví mình với Đào Uyên Minh/ Tụng Quy khứ lai từ…” (4).

      Có thể xem Đề Thơ Trước Mộ Thanh Xuân là những lời tự sự, bày tỏ thái độ của nhà thơ trước xã hội hiện tại, sau khi phải nếm trải mọi cay đắng mà anh đã dầm cả thân mình, lặn hụp vào lớp nát nhão sự đời đen trắng, vàng thau lẫn lộn.

      …Phải ngươi ba chìm bảy nổi/ Bắt ta mười kiếp long đong/ Mây có – gió không/ tình câm – thơ điếc/ Giai nhân còn mà anh hùng hết/ Chưa mùa đông sao tóc xanh bạch tuyết/ Ngũ thập rồi, tay trắng xóa bạch vân/ Ô hô! / Thiên địa vô cùng/ Uống say mà khóc Đặng Dung – Thuật hoài/ Khóc rồi đập nát cơn say… (Túy Hoài)

      Trong gần 100 bài thơ ở hai tập Đan TâmMây Nổi, thì Biên Cương Hành là bài thơ gây ấn tượng mạnh cho độc giả từ ngày trước tới tận bây giờ.


      Biên Cương Hành được Lư thai nghén từ khi anh đổi về dạy học tại Củng Sơn, một quận lỵ nhỏ xíu (của Phú Yên) giáp ranh Cheo Reo, bị rừng núi bao phủ bốn bề, trước mặt là sông Ba sâu hoắm; mọi liên lạc với bên ngoài đều bị đóng kín bởi những họng súng của hai bên. Anh thường gọi nơi đây là “biên khu”, vì mỗi khi muốn về thành phố phải đi nhờ trực thăng quân đội, hoặc theo đoàn xe mở đường. Với một khoảng không gian chật hẹp heo hút, chập chùng đồi núi nhấp nhô, lính đông hơn dân và ngày đêm phải nghe tiếng bom đạn gầm réo khiến anh tưởng như rằng chính mình đang có mặt ngoài trận mạc!


      Tưởng cũng cần nhắc lại, một số bài viết về thơ Phạm Ngọc Lư, khi đề cập tới Biên Cương Hành, cho rằng Lư viết bài này khi anh tham gia hành quân trong chiến dịch Lam Sơn 719 vào mùa xuân 1971 của quân đội VNCH trên đất Hạ Lào và bị thất bại nặng nề. Hay như nhà thơ Viên Linh, trong bài viết “Thể hành trong thơ Việt Nam từ bài Tống biệt hành của Thâm Tâm”, đăng trên www.nguoiviet.com số August 21, 2013 cho rằng: “Nơi Phạm Ngọc Lư một nhà thơ trẻ thuộc lớp sau cùng của Miền Nam trước 1975, anh chiến đấu trên mặt trận Cao Nguyên miền Trung, nơi gió Lào tanh tưởi, mùa khô xào xạc, giặc nước rình mò , rừng xanh thắm máu. Người đi ở đây là lính ra trận, người theo dõi nơi quê nhà là thiếu phụ chờ mong: “Em đâu, quê nhà chong mắt đợi /Hồn theo mây trắng ra biên cương / Thôi em, yêu chi ta thêm tội / Vô duyên xui rơi lược vỡ gương / Ngày về không hẹn ngày hôn lễ / Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông.” (http://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/The-hanh-trong-tho-Viet-Nam-tu-bai-Tong-Biet-Hanh-cua-Tham-Tam-2849/)


      Điều này không đúng. Lư chỉ học quân sự 9 tuần ở quân trường Quang Trung và sau đó được biệt phái về trường cũ, chưa từng cầm súng ngoài chiến trường bao giờ.


      Lư khởi viết bài thơ này từ cuối năm 1971, sau đổi sang thể “hành” và hoàn thành vào tháng 5.1972. Sau vài lần nhuận sắc, Lư gửi bản thảo cho tạp chí Văn. Ông thư ký tòa soạn Trần Phong Giao đọc bài lai cảo và không tiếc lời khen, cho đăng ngay vào Văn số (?) tháng 10.1972. Có thể nói đây là bài thơ hay nhất trong cuộc đời làm thơ của Lư, đến độ khi đọc xong bài thơ này, nhà thơ Du Tử Lê phải thốt lên: “Biên Cương Hành của ông, đã như một trận động đất lớn: Bất ngờ. Sửng sốt. Thốn buốt tâm can thế hệ”. (5)


      Thế hệ đi trong chiến tranh “giải phóng và bảo vệ tự do” là bi kịch của dân tộc. Cuộc chiến tương tàn ấy đã gieo biết bao tang tóc cho triệu triệu người người dân hai miền. Lư đã sống trong những thời khắc kinh hoàng đó, nên anh không thể dửng dưng đứng bên lề. Không cầm súng bắn nhau, cũng không có mặt trên bất kỳ chiến trường ác liệt nào, nhưng hàng ngày, anh có thể “nhìn thấy” cảnh đầu rơi, máu đổ, thịt xương nát tan, lương dân gồng gánh chạy giặc, bỏ lại làng quê mịt mù khói lửa ngút cao và; hàng ngày anh còn chứng kiến những chiếc quan tài kẽm, những người vợ trẻ bồng con trong màu trắng khăn tang… Tất cả những hình ảnh có thật đó đã xoáy động tâm can anh để, cuối cùng phải bật ra những đớn đau trên trang giấy:

      Biên cương biên cương chào biên cương

      Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

      Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt

      Núi chập chùng như dãy mồ chôn

      Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết

      Thổi lấp rừng già bạt núi non

      Mùa khô tới theo chân thù địch

      Ta về theo cho rậm chiến trường

      Chiến trường ném binh như vãi đậu

      Đoàn quân ma bay khắp bốn phương

      Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi

      Núi mang cao điểm ngút oan hờn

      Đá mang dáng dấp hình chinh phụ

      Trơ vơ chóp núi đứng bồng con

      Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy

      Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương

      Biên cương biên cương đi biền biệt

      Chưa hết thanh xuân đã cùng đường

      (Vào đường dẫn này để đọc trọn bài thơ Biên cương hành:

      http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=8689)

      Biên cương hành mang tính khái quát cao cho cả một giai đoạn oan khốc của dân tộc. Những hình ảnh Lư mang vào thơ, từ núi, rừng, gió Lào, đá, người chinh phụ, núi vọng phu… đã khắc họa “một thời địa ngục của đất nước” (chữ của Du Tử Lê), không riêng cho bên này hay bên kia. Đó là xương cốt, là máu thịt của những người lính Quốc gia và Cộng sản bị hoài phí một cách oan uổng, dửng dưng máu lạnh.


      Đầu năm 1972, khi viết xong Biên cương Hành, Lư đã đọc cho chúng tôi nghe bên chiếu rượu trong đêm gió Lào cuồng dại trên mái nhà, nghe đến sởn gai ốc, rờn rợn da gà, khắp người tựa hồ có hàng ngàn mũi kim nhức buốt thịt xương. Gần nửa thế kỷ, mỗi khi nhớ bài hành này lập tức nhớ nguyên giọng đọc uất nghẹn của Lư, người đã hóa thân chữ nghĩa cho định mệnh của dân tộc trong chất giọng hiu hắt nghẹn ngào, như thể đó là lời than oán của những chinh phụ, những tiếng kêu la đau đớn của những người dân vô tội, của các chiến binh hấp hối ngoài trận mạc!


      Về mặt nào đó, Du Tử Lê đã chính xác khi đưa ra nhận định về bài thơ Biên cương hành của Lư: “Tôi gọi đó là “đoạn trường” bất thường của một bài thơ được sinh nở với định mệnh của một thứ cột tháp thảm họa khốc liệt. Mỗi con chữ không chỉ dính gân cốt, thịt, xương trăm ngàn đọa kiếp mà, còn cõng trên lưng cả những hồn ma oan khuất một thời địa ngục đất nước, quê hương nữa! Cho tới khi bài thơ, hội đủ những yếu tố để “đá vỡ, ngọc lộ,” ngời ngợi khí chất tư riêng, khắc họa Những hoắm, sâu thương tích phận người…” (link đã dẫn 5).


      Sau Biên cương hành, Lư viết bài Trên Đèo Bình Đê vào năm 1973, lúc hiệp định Paris vừa ký kết, nhưng hòa bình đã không đến, hai bên lại tiếp tục gây ra thảm cảnh “chiến trường ném binh như vãi đậu” để giành nhau từng thước đất cắm cờ (sic). Trên đường về Huế, qua đèo Bình Đê, Lư nhìn thấy cảnh xóm làng, ruộng vườn, với Tam Quan, Bồng Sơn (Bình Định) phía nam và Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) phía bắc đã tan nát vì binh lửa trong các trận đánh mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972!

      … Tháng tư/ Lửa bùng lên đâu chợ/ Lửa cháy quanh sông/ Lửa vây Hoài Đức/ Lửa đốt Bồng Sơn/ Người người tan xác giữa đồng/ Người người ngã gục bên dòng Lại giang/ Người người bỏ thân trên đường chạy loạn/ Đôi mắt trừng lên nỗi kinh hoàng/ Đôi mắt ngó về đâu chòng chọc/ Bốn bề khói lửa mù giăng/ Bốn bề binh đao cuồng nộ/ Bốn bề đổ nát tan hoang/ Chạy mau chạy mau người mẹ Hoài Ân/ Quang gánh trên vai chất đầy thống hận/ Máu bầm vướng víu bàn chân/ Chạy đi chạy đi người chị Hoài Nhơn/ Sao cứ nằm ôm con thơ đùm trong tay nải/ Máu khô đen khuôn mặt lạc thần/ Pháo tràn lan xối xả/ Lửa rần rật trên lưng/ Chạy về đâu?

      Lư đã đồng ý với nhận xét của tôi cách đây hơn 40 năm, trong một buổi trà dư tửu hậu rằng: Trên đèo Bình Đê, là những cảm xúc thật, về những cảnh tượng có thật đang xảy ra trước mắt. Những nát tan khói lửa ấy đã khơi dậy những cảm xúc chân thật để bật ra thơ, nhưng dẫu sao, khi đọc xong, tôi vẫn thấy nó (TĐBĐ) là cái bóng của Biên Cương Hành.


      Để khép lại phần viết về thơ Phạm Ngọc Lư, xin mượn nhận định sau đây của nhà văn Đỗ Trường: “Có thể nói, Biên Cương Hành là một trong những bài thơ hay nhất viết về chiến tranh, không chỉ của thi ca miền Nam, mà cho cả nền thi ca đất Việt. Đa số những bài viết về đề tài chiến tranh, hay cổ động chiến tranh thường có giá trị nhất thời. Nhưng Biên Cương Hành lại có sức sống dẻo dai và sự lan tỏa mạnh mẽ, bởi ngoài sự thật tàn khốc của chiến tranh, nó còn chứa đựng giá trị nghệ thuật cao” (link đã dẫn 3).


      Truyện là nỗi niềm thế hệ chiến tranh.


      Phạm Ngọc Lư viết truyện không nhiều, khoảng gần 20 truyện, đăng trên Văn, Bách Khoa, Vấn Đề, Ý Thức, Tuổi Ngọc… Sau năm 75, anh không còn giữ được truyện nào trong tay (do sách báo bị tịch thu). Giữa năm 2016, khi Lư lâm trọng bệnh, anh em nhóm Thư Ấn Quán đã dày công sao lục trong các thư viện HK, hoặc còn lưu giữ được những số báo có đăng truyện Lư, chia nhau đánh máy và cuối cùng nhà văn Trần Hoài Thư đã ngồi “vá” lại những truyện thất lạc này thành tập truyện Sợi Khói Bay Vòng gửi về VN như một tấm lòng của anh em đối với Lư. Trong lời mở cho tập truyện, Trần Hoài Thư viết: “Lấy tựa đề truyện ngắn Sợi Khói Bay Vòng không phải nó là truyện ngắn đặc sắc hay tiêu biểu. Những truyện của Phạm Ngọc Lư đều hay, đều đẹp, đều buồn. Có truyện tình. Có truyện chiến tranh. Có truyện nói về thân phận lưu đày nơi đất trích. Nhưng Sợi Khói Bay Vòng là truyện có thể chuyên chở hết tất cả cái định mệnh của tuổi trẻ, dù nam hay dù nữ…”.


      15 truyện trong Sợi Khói Bay Vòng, viết về nhiều đền tài khác nhau: tình yêu, thân phận làm người, nỗi cô đơn khắc khoải… nhưng tất cả đều lồng ghép trên tấm phông chiến tranh với nhiều gam màu ưu uất, có lúc như không tìm thấy lối thoát cho một tương lai tươi sáng với những chàng trai, cô gái thuộc thế-hệ-chiến-tranh này. Những thanh niên trên dưới 20 tưởng chừng như đang được thụ hưởng những chuỗi ngày tươi đẹp; nhưng thật ra đó chỉ là lớp vỏ che chắn bên ngoài khi những lời sấm truyền ngày càng lan rộng khắp làng quê, thành thị…: “Cả xóm người ta đồn rân: tháng Năm đổ máu, tháng Sáu hòa bình. Tháng Sáu âm lịch rồi đó cậu”. Hòa bình đâu không thấy, chỉ thấy máu tiếp tục đổ, nhà cửa ruộng vườn vẫn liên tục bị xới nát bởi bom đạn, lớp lớp thanh niên vẫn phải lao ra chiến trường: “Có thằng con chớ. Hắn bị bắt quân dịch hồi tết, nghe nói đang đánh giặc tận Cao Miên” (Cái Đuôi Sao Chổi, tạp chí Ý Thức, số 7). Và, hệ quả của nó là: “Cô gái bước lại mở hé cửa và bối rối xô Chấn lui. Nhưng anh cũng vừa kịp thấy cảnh tượng trước mắt: người đàn ông đang gục đầu trên cái rương gỗ khóc tức tưởi, bên cạnh bó nhang đang tỏa khói và mấy ngọn đèn cầy cháy leo lét, buồn thảm. Cô gái chảy dài nước mắt, nói mếu máo: Tội nghiệp anh tui phải nằm lại dọc đường đêm nay… Cái rương gỗ ấy đựng hài cốt anh tui!” (Cuối Ngày Cuối Đường, Văn số 223, 1973).


      Lư là nhà giáo, hàng ngày anh phải chứng kiến hoặc nghe kể lại lắm chuyện thương tâm, tang tóc. Trong truyện Một Dòng Sông Trong Miệng Ngậm, đăng trên Văn số 148, ngày 15.2.1970, mô tả những thanh niên tuổi từ 16 đến 19 ở một làng quê tranh tối tranh sáng, có người cày ruộng, có người tham gia du kích địa phương. Họ từng chăn bò tắm sông thuở nhỏ, nhưng kể từ khi trái tim biết rung động, chủ nghĩa vu vơ chen vào, lòng thù hận được trao tay thì tình làng nghĩa xóm vụt tắt nhanh chóng. Đó là nhân vật Mộc, một du kích địa phương đã hành xử với Tương, bạn mình như một kẻ thù đúng nghĩa:

      “Tương bị đánh thức dậy theo hai người lạ ra khỏi nhà, “cấp trên cần gặp mặt”… Bụng Tương đụng phải vật gì cứng nhọn, chừng đưa tay nắm lấy chàng mới biết mũi súng/ -Trói nó lại! Cùng lúc Tương dợm người thối lui, kịp nhận ra giọng thằng Mộc…/ Mày bắt tao hả Mộc?/ … Mày có tội trạng rõ ràng, tự hiểu lấy…/ Tao tội gì? Có phải mầy tư thù việc con Vui không bằng lòng mầy?/ … Sự thật mầy đã phản bội. Mấy hôm nay mầy trốn lên tỉnh tiết lộ bí mật của ủy ban, tội Việt gian, rõ chưa?”.

      Cuối cùng Tương bị đưa qua sông, bị bắn chết. Nhưng số phận Mộc sau đó cũng không hơn gì những người khác trong làng:

      “Sau này tôi mới nghe, thằng Mộc, thằng Giảng, thằng Chiêm đều bị bọn cán bộ cao cấp kết tội rồi hạ sát ngay phút đầu lính mình đổ bộ… Anh hỏi vì sao hả? Dã man thật, làm vậy cốt phòng ngừa việc mấy thằng ấy hồi chánh khai toạt những bí mật cơ sở… Những người trong làng bị chôn sống đều do tay thằng Mộc cả, bây giờ hắn chết rồi còn ai biết chỗ lấp xác mà tìm. Ghê quá anh à, hồi kháng chiến cũng có chôn tươi tụi Tây bắt được (chính mắt tui chứng kiến) nhưng đâu có tàn nhẫn ba bốn chục người một hầm bằng thời nầy…”.

      Hình như không gian và thời gian mà Lư mô tả trong truyện là một làng quê nào đó ở Thừa Thiên-Huế hồi tết Mậu Thân khiến chúng ta nhớ lại thời kỳ kinh hoàng: Cách mạng văn hóa ở Trung Hoa, Cải cách ruộng đất ở VN. Cũng vẫn những đứa con nít ấy, từ ngây thơ trong trắng bị chuyển qua lòng thù hận bởi những lời ru ngọt-ngào-man-trá, giống như các nhân vật thiếu niên của Khuất Đẩu trong Người Giữ Nhà Thờ Họ, làm rung chuyển cả xóm làng, làm ông cha chồng và nàng dâu hết phen hoảng sợ này tiếp đến những thoi thóp dập dờn khác, bao trùm căn nhà lá mái luôn kín cửa như hầm mộ chôn lấp cả hai cha con trong đó. Truyện Khuất Đẩu viết sau (2004), còn MDSTMN của Lư trước đó 34 năm, nhưng hành động, thái độ thì không khác gì nhau trong cách trui luyện của Cách mạng: “Gìa như tôi sống trải qua biết bao năm giặc giã nhưng chưa có lúc nào loạn lạc bằng thời nầy. Cái bọn con nít nổi lên làm cha chú mình không” (ám chỉ những Giảng, Mộc, Chiêm… - chú thích của người viết).


      Lớp thanh thiếu niên ấy, có người bên này, người bên kia do hoàn cảnh. Nhưng chắc chắn có điều rằng, không ai muốn lao vào chém giết nhau, trừ phi bị thúc ép, bị nhồi nhét. Rồi thì cũng có người tỉnh trí, nhận ra sự việc, có người mãi lú lấp vào những hào quang không thật. Và cũng có người vùng vẫy cố thoát ra khỏi vòng ám chướng vô định như lời kể nhân vật Cưu cho bạn mình nghe chuyện thật bi hài: “Tao đang bị quân cảnh truy tầm… Thằng con bác lớn tồng ngồng mà sửa khai sanh còn mười bốn tuổi. Tụi lính tóm được, lột quần nó lắc đầu chửi thề, đ.m 14 tuổi gì mà… khó coi quá. Nhưng tụi chúng không bắt nó đi quân dịch, lại nghịch ngợm bảo nó phải nhổ sạch lông mới được tha về. Thằng nhỏ cắn răng khóc ngất…” (Sợi Khói Bay Vòng (Văn, số 153 tháng 5.1970).


      Truyện này Lư viết trong thời gian dạy học tại quận lỵ heo hút miền núi Củng Sơn và hoàn thành cuối năm 1969 (Sau đó Lư viết tiếp bài thơ nổi tiếng Biên Cương Hành). Có thể coi đây là truyện ngắn chắc tay nhất của Lư, phản ảnh đúng cách nhìn, suy nghĩ và cách sống của tuổi trẻ thời chiến; trong đó là những vòng tròn không lối thoát, là tình yêu bị mất mát cùng những cay đắng về cuộc đời đối với thời cuộc đảo lộn, chiến tranh lan rộng khủng khiếp. Thái độ chán chường mệt mỏi ấy của những nhân vật trong SKBV đã nói lên đúng thực trạng xã hội miền Nam thời bấy giờ. Họ tìm thấy nhan nhản những nhậu nhẹt, đĩ điếm, gái bán bar, lính Mỹ… như những vệt xám ngoét trong tâm trí trên một nửa đất nước này. Nhân vật Bồng tự dưng chán nãn, chạy trốn Cưu, chạy trốn khói thuốc từ người Cưu, nhưng lại mơ hồ nhớ đến những sợi khói ấy, sâu tận đáy lòng: “Bồng hy vọng khi lên tới bến xe sẽ thấy Cưu đứng sẵn ở đó dù nàng sợ vô cùng mùi khói thuốc ngây ngất cuốn lấy mình từng sợi dày hơn cả mảng lưới”. Và rồi một “hắn” nào đó xuất hiện cạnh Bồng trên băng ghế xe đò chạy về T. với gói thuốc đúng với loại thuốc Cưu hút khiến Bồng trở nên hoang mang. “Hắn” xuống xe ở đoạn nào đó cô gái không hay, chỉ còn trơ lại gói thuốc chỉ còn vài điếu lẻ. Cô giữ lấy như nhìn thấy bóng dáng Cưu quanh quất đâu đây. Truyện được đẩy lên thành cao trào ở đoạn cuối, khi “hắn” bất ngờ xuất hiện trong tấm áo choàng, nón nĩ, bị vải đến từ giã Bồng. Còn Bồng thì luôn có sẵn gói thuốc trong người phòng hờ khi gặp “hắn” sẽ trả lại. Hai người gặp nhau và Bồng nói: “Trả lại anh. Ngồi nói chuyện hút cho hết cả bao rồi hãy đi. Tôi thèm ngửi mùi khói này lắm”. Níu kéo chút thực tế để liên tưởng, để nhớ nhung chút khói sương ngày cũ. Nó có thật và cũng là ảo ảnh, không thể nắm bắt trong tay, như “hắn” mệt mói thốt ra với cô gái: “Phải rồi, đời tôi chỉ là một cụm khói, một sợi khói bay vòng. Chẳng tới đâu, chẳng được gì”. Chưa hết, bất ngờ trong một buổi sáng nào đó, Cưu chuẩn bị trình diện nhập ngũ thì gặp Bồng “mặc áo dưỡng thai” đang đi trên đường, coi như mối tình chấm dứt bằng những núi kéo mơ hồ: “Tôi tin rằng tôi chưa mất em dù em đã có chồng…”. Họ xa nhau có vẻ không ray rức, đau khổ mà tỉnh táo, lạnh tanh: “Cưu còn đứng lại rút tấm lệnh gọi cuốn tròn giả làm điếu thuốc giắt lên môi”.


      Truyện rất kiệm lời thoại, chỉ là những suy nghĩ, những dằn vặt nội tâm đan xen vào nhau để xô đẩy tâm lý mỗi nhân vật ì ào như những lớp sóng vỗ mãi vào bờ đá… (Lối kết cấu truyện như vậy, bàng bạc đây đó trong các tác phẩm của những nhà văn trẻ trước 75. Đó là sự tỉnh táo ở Y Uyên, nức nở, bi phẫn ở Trần Hoài Thư, nhẩn nha mà dữ dội ở Hồ Minh Dũng, Phan Tấn Uẩn hay bình thản mà sâu lắng như Kinh Dương Vương.v.v. với những bối cảnh là làng quê nghèo khổ, là những người nông dân chất phác, ngơ ngác, là những thanh niên đang là lính trận, mất dần phương hướng, buông xuôi trong tình yêu và cuộc sống, cứ để cho dòng đời xô đi mà không cách gì chống chọi nổi với những cơn lốc tàn bạo của chiến tranh).


      Thân phận làm người đã khó, lại làm người trong thời buổi lửa đạn ngút trời càng thê thảm hơn. Đó là truyện Tàn Đông (Bách Khoa số 344) như cuộc đời biếm trích của thầy giáo Kiền và cô bạn y tá trọ chung nhà bị giam hãm ở một quận lỵ miền núi (Củng Sơn) âm u đến ngột ngạt, chỉ có niềm mơ ước nhỏ nhoi là có ngày được về thành phố để thấy ánh đèn, những con đường nhựa, những chùm bông màu vàng… Cả hai đều có một tâm trạng như nhau. “Chờ một ngày về lại thành phố, trốn thoát khỏi nơi rừng sâu nước độc nầy… phải có cánh mới bay vượt qua khỏi trùng lũy đồi núi chồng chất vây bủa chung quanh. Núi Cấm hiểm trở, núi Một vòi või, núi Lá rậm rì… và rừng Hòa Thán thâm u, rừng Hàm Long điệp điệp”. Sự mong ngóng có ngày được về thành phố như một ám ảnh nặng trĩu, như một hòn đá tảng đè trên vai hai người. Cô y tá: “Thì đành cười nói ra bộ thân mật với ổng một chút để tránh cảnh chầu chực đợi trực thăng cả tuần lễ không được sao?”. Còn thầy giáo Kiền, trong bức thư cho người bạn gái: “Em thử tưởng tượng da dẻ anh đang mốc meo, đóng vảy cá từng bợn dày, có thể lột ra được từng phiến mong mỏng như lớp lụa bọc ngoài củ hành củ tỏi… Em hãy gửi cho anh vài ánh mặt trời, một gói nắng, càng nhiều càng quý. Anh thèm lắm, thèm đến nỗi nhuốm bệnh…”.


      Cả hai mang nỗi đều hoài nhớ, mơ ước từ ngày này sang ngày khác trong khung cảnh chật chội cùng những bất trắc có thể đổ ập đến không biết lúc nào, bởi chiến trường không xa mà sát ngay trong thị trấn: “Mé sông ngoài vòng đai chi khu, đạn nổ rát hơn. Súng cối bắn đùng đùng tới tấp, bay vèo vèo trên đầu. Vách nhà rung chuyển liên hồi…Anh lôi bạn xuống khỏi giường, nàng thất thần ngã vào người anh mềm nhũn như kẻ vừa trúng đạn chết không kịp ngáp”.


      Sau trận tấn công vào quận lỵ, là quang cảnh đổ nát của ngôi trường Kiền dạy, những khuôn mặt “ngơ ngác” của đám học trò, và những xác chết “nhỏ thó, trẻ măng” ngoài bờ ruộng và kết thúc truyện: “Thằng này là học sinh mới trốn theo nẫu (6) dại dột chết uổng. Thầy nhớ nó chứ?/ Kiền nhìn khuôn mặt thâm tái dính đầy máu cục bùn đất, lắc đầu bỏ đi”.


      Có người, khi đọc đến câu cuối ở truyện này đã phê phán tác giả tạo ra nhân vật thầy giáo Kiền đã đánh mất lương tâm khi nhìn thấy đứa học trò cũ bị bắn chết khi tấn công vào quận lỵ, với cái “lắc đầu bỏ đi” là thái độ dửng dưng đứng trên lương thức con người bình thường. Tôi nghĩ “Kiền nhìn khuôn mặt thâm tái dính đầy máu cục bùn đất, lắc đầu bỏ đi” không hẳn là thái độ có ý thức chính trị rạch ròi như Đỗ Trường nhận định: “…sự chối bỏ không nhận (ra) người học trò của thày giáo Kiền, là thái độ chính trị cũng như tư tưởng yêu ghét rõ ràng của tác giả. Và thông qua hình ảnh cái chết của người học sinh ấy, tác giả còn muốn gửi thông điệp đến người đọc, sự tàn nhẫn của những kẻ dụ dỗ, mua chuộc trẻ em, phụ nữ làm bia đỡ đạn, trong cuộc nội chiến thảm khốc này” (7). Hành vi “lắc đầu bỏ đi” theo tôi, không phải là chối bỏ mà, trước hết là nỗi chán ngán đến cùng cực cuộc chiến tàn khốc này. Hậu quả để lại chỉ là những cái chết oan uổng, những cái chết không đáng chết như đứa học trò kia. Anh không bày tỏ một thái độ chính trị ở đoạn này, và cũng chẳng cần đưa ra một thông điệp nào để lên án chiến tranh. Anh viết và bỏ lửng ở đó để người đọc tự tìm kiếm câu trả lời. Và điều này Lư đã thành công, bởi có nhiều ý kiến trái chiều nhau.


      Chiến tranh thoáng hiện thoáng biến vô chừng trong các truyện ngắn của Phạm Ngọc Lư, nhưng bộ mặt thì không rõ rệt như một Phan Nhật Nam, Thảo Trường … hay một vài tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, những nhà văn đi trước Lư khá xa. Nó (CT) như một cái cớ để nói về thân phận làm người đang bị lọt thỏm vào vòng xoáy thời cuộc. Thân phận ấy là thanh niên, thầy giáo, công chức, học sinh và nhiều nhất là những người dân nông thôn, đang trong vùng tranh chấp: “Tới cầu sắt Đoan bữa kia... Tui mới lùa bò qua giữa cầu, chút nữa chết tan xác rồi. Bò kêu rống chen nhau nhảy xuống sông…” (Xóm Ven Rừng, Văn số 170, ngày 15.1.1971).


      Trong truyện ngắn Phạm Ngọc Lư, người đọc còn dễ dàng bắt gặp đây đó những lợn cợn tính dục được giấu kín đằng sau cảm giác bất chợt ập tới, nhưng nhẹ nhàng không òa vỡ, ngấu nghiến như các nhà văn trẻ cùng thời: “Cô vợ có chút ít nhan sắc, trung bình thôi, nhưng người tinh mắt ai cũng công nhận với tấm thân no tròn sinh lực ấy, với đôi vú chữ tâm (*), cặp mông no lẳng như thớt ngựa ấy cũng hứa hẹn sẽ đem lại cho ông vài đứa con…” (Xóm Ven Rừng, sđd).


      Có khi những dục tính được khơi gợi từ những tác động bên ngoài, như cái đêm hai bên đánh nhau trong phố: “…không chừng Cúc lường được mức độ tham lam quá đáng nơi bàn tay Huỳnh, nàng khẽ đẩy chàng ra giành lại tấm chăn cuốn quanh mình… Cúc ôm chầm lấy Huỳnh ghì đầu chàng vào ngực. Huỳnh thử lắng nghe nhịp tim Cúc đập hối hả, ngoạm lấy áo Cúc nhai kín miệng” (Nhà Hầm, Văn số 140. 1969). Và: “Bất ngờ nàng ôm chầm lấy anh lôi ngã sấp lên ngực, hơi thở nóng ran, hổn hển, dồn dập. Kiền nhúc nhích cựa nhẹ mình nhưng không dám gỡ vòng tay bạn đang quấn quýt siết chặt trên lưng” (Tàn Đông, Bách Khoa số 344). Những hành vi trên, phải chăng là tâm thức của những kẻ cô đơn, của những con người bị “lưu đày” nơi đất trích, của những số phận không có ngày mai, đang ở giữa lằn ranh sự sống và cái chết trong gang tấc?


      Đôi lúc tác giả đặt lý trí lên trên để kịp dìm nhục cảm xuống và dựng nên một sự tỉnh táo thái quá trong thời khắc mà hai kẻ yêu nhau đang ở một nơi vắng vẻ, gợi tình: “Gió vẫn phơn phớt phe phẩy lá dương chạm vào mặt nhồn nhột, ve vuốt một khoái cảm không rõ tên. Tôi bò tới chỗ Nhan ngồi.

      Thật tình em quá ngây thơ khi có ý ra đây Nhan à!

      - Anh sắp làm gì tôi?” (Cái Đuôi Sao Chổi, sđd).


      “Tôi” chẳng làm gì cả, mà “cầm lấy lon coca… uống từng hơi dài” như dằn cơn khoái cảm xuống. Vì vậy, dục tính trong truyện của Lư thường xảy ra do sự tình cờ ngẫu nhĩ, do ngoại cảnh đưa đẩy, tức quán tính trong tình thế “cuối đường”.


      Trong số gần 20 truyện Lư để lại, với tôi, có lẽ Mộng Thấy Mình Đã Chết (Ý Thức số 7 ngày15.1.1971) là truyện hay nhất. Anh đan xen giữa hiện sinh và siêu hình cùng chút xa gần trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử khiến câu chuyện hư hư thực thực. Mộng và thực ẩn hiện qua từng suy tưởng của nhân vật. Mộng Thấy Mình Đã Chết phần nào phản ảnh tâm trạng lớp thanh niên thời chiến ở miền Nam. Họ hoang mang và tuyệt vọng. Họ luôn luôn đeo mang sự chết trong từng hơi thở, giấc ngủ. Đó là những cái chết tình cờ, có thể đến bất kỳ lúc nào với bất kỳ ai, bất cứ đâu. Nó là nỗi ám ảnh thường xuyên đối với nhân vật xưng tôi. “Tôi” và Muội yêu nhau, nhưng lúc nào “tôi” cũng thấy Muội đã chết. Nàng đến với “tôi” trong cuộc sống thực mà như từ cõi mộng. Mộng và thực luôn trộn lẫn vào nhau ở hai nhân vật này: “Tôi đã chết? Con đò đưa linh hồn thả về bên kia bờ quá khứ cháy bùng lên, chìm xuống mặt biển sóng gió trùng trùng nô giỡn nhẫn tâm giữa nỗi quên lãng mông mênh ngút ngàn thiên địa tận… Anh đã chết vào sáng sớm ngày mồng 7 Tết dưới gốc cây nêu trước ngõ”.


      Có lẽ, thảm cảnh Mậu Thân ở Huế, với những gì đã chứng kiến khiến tinh thần Lư bị tổn thương, tạo nên những vết nứt toang hoác trong tâm tưởng anh, kéo dài khá lâu, hằn sâu vào tâm trí để bật ra câu chữ:

      “Em tưởng anh đã chết trong biến cố Mậu Thân ở Huế. Anh chết vỡ ngực, máu nhuộm đỏ cả chiếc sơ mi trắng nằm trước cổng nhà với cái tay nải còn rơi vướng cạnh đó”. Một đoạn khác: “Quả thật, tôi đã cầu mong cho cả thành phố ấy nổ tung lên. Ghê thay, tôi đã chết theo. Mẹ tôi, sau những ngày chạy loạn, đói, bệnh, thiếu cơm thiếu thuốc đã đau đớn lìa đời tại nhà một người bà con ở vùng quê. Bà chưa kịp về nằm giữa căn nhà đổ nát thở hơi thở cuối cùng như lời mong mỏi trăng trối lúc lâm chung, chưa kịp biết xác tôi có được chôn lấp đàng hoàng chưa hay đã bị heo chó rỉa rói mất rồi…”.

      Những gì đã xảy ra ở Huế là những vết thương đen đúa, tím bầm, cứa mãi vào con tim lịch sử dân tộc. Khép lại những dòng cuối cùng, truyện toát ra chút khắc khoải, nghèn nghẹn, như thể chính người đọc bị hóa thân cùng các nhân vật của anh.


      Với truyện ngắn, sau năm 1975 Lư buông bút, không viết một dòng nào (ngoại trừ thơ). Lý do cũng đơn giản, như trong thư viết giữa năm 2002 từ Đà Nẵng gửi cho tôi:

      “Con đường văn chương của tôi quá ngắn ngủi, sau 75, coi như tuyệt lộ. Đáng buồn. Tiếc thay giấc mộng của một thời thanh xuân! Bất phùng thời, đành vậy…không chơi, không tham dự gì với nền văn học nghệ thuật đương đại từ đó đến nay và mãi mãi… Muốn viết văn xuôi lắm nhưng chắc phải “học” lại đã, lâu năm quá, chữ nghĩa sét gỉ hết rồi…”.

      Để khép lại bài viết, chúng tôi xin dẫn nhận định sau của nhà biên khảo văn học Nguyễn Vy Khanh về những tác phẩm của Lư:

      “Chúng tôi có cảm tưởng tác phẩm của ông có điểm khác các nhà văn trẻ cùng thời đó. Có chiến-tranh nhưng không nhất thiết là đề tài chính, có tình-yêu nhưng không xuôi chảy, trơn tru, dễ dàng, có hiện thực đời-sống đang xảy ra nhưng rốt cùng chỉ là cái cớ, có triết lý nhưng cũng không phải để thuyết phục người đọc,... vì thiển nghĩ truyện và thơ ở Phạm Ngọc Lư đã đụng đến cái lõi nhân bản qua các phác thảo, nhận định, đã là những diễn biến tâm sinh lý ông trình bày để nhân-vật tự xuất hiện. Riêng lời văn con chữ mang thi tính đặc sắc, chọn lọc…” (Nguyễn Vy Khanh, Vài Cảm Nghĩ Về Thơ và Truyện Phạm Ngọc Lư, trg 104-105, TQBT số 70, tháng 6.2016).

      (Viết những dòng này, như những lời vĩnh biệt, nhớ đến Phạm Ngọc Lư, người bạn thân của tôi, cả đời khốn khó).

      Tuy Hòa, tháng 6.2017


      _________

      (*)

                      

       

      Chữ Tâm viết thường – Chữ Tâm cổ

       

      Theo Phạm Ngọc Lư, chữ tâm (cổ) là loại vú đẹp của người con gái, giải thích của nhà văn Tô Thẩm Huy và TÂQ.


      (1) Đặng Tiến, Vũ trụ thơ, NXB Giao Điểm, SG 1972

      (2) https://vietbao.com/p112a268374/nghi-ve-nha-tho-pham-ngoc-lu

      (3) http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:http://danlambaovn.blogspot.com/2015/06/pham-ngoc-lu-nguoi-van-giu-lua-cho-nen.html

      (4) Đào Tiềm (365 – 427) tự là Uyên Minh, người đời Đông Tấn, Trung Hoa. Ông làm huyện lệnh ở Bành Trạch, chán cảnh phải luồn cúi quan trên, than thở “ta đâu phải chỉ vì 3 đấu gạo (tức lương bổng) mà phải khom lưng ư?” bèn cởi trả áo mão cho triều đình, lui về quê ẩn cư, viết bài Quy khứ lai từ để bày tỏ chí hướng.

      (5) http://dutule.com/a7597/bien-cuong-hanh-dia-chan-thi-ca-pham-ngoc-lu-ky-02-

      (6) Nẫu: phương ngữ Bình Định, Phú Yên, đại từ ngôi thứ 3 chỉ số nhiều. Ở đây Nẫu chỉ những người lên núi theo VC.

      (7) https://sangtao.org/2016/10/06/vai-suy-nghi%CC%83-ve-ta%CC%A3p-truye%CC%A3n-so%CC%A3i-khoi-bay-vong-cu%CC%89a-pha%CC%A3m-ngo%CC%A3c-lu/


      Nguyễn Lệ Uyên

      Nguồn: tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Trần Thị NgH, viết: xạo ke , vẽ: cà rỡn Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Thơ Phương Tấn Là Đồng Vọng Những Đau Thương Của Dân Tộc Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Thơ Nhã Ca, một vài tư liệu nhỏ Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Cảnh Cửu Và Sự Cô Đơn Đến Tận Cùng Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Như Mới Hôm Qua Nguyễn Lệ Uyên Hồi ức

      - Gia Tài Của Võ Hồng Nguyễn Lệ Uyên Tham luận

      - Cát Bụi Mệt Mỏi, Bản Giao Hưởng Định Mệnh Của Nguyễn Đức Sơn Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Tình Muộn Nguyễn Lệ Uyên Truyện ngắn

      - Chinh Ba – Đi tìm tự do qua chiếc xương cụt? Nguyễn Lệ Uyên Nhận định

      - Bên Ngoài Hàng Rào Nguyễn Lệ Uyên Truyện ngắn

    3. Bài viết về nhà thơ Phạm Ngọc Lư (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Phạm Ngọc Lư

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Nhớ Phạm Ngọc Lư (Nguyễn Lệ Uyên)

      Vài suy nghĩ Về Tập Truyện Sợi Khói Bay Vòng Của Phạm Ngọc Lư (Đỗ Trường)

      Vài cảm nghĩ về thơ và truyện Phạm Ngọc Lư (Nguyễn Vy Khanh)

      Lưu Biệt và tính phổ quát trong thơ Phạm Ngọc Lư (Trần Hoài Thư)

      Phạm Ngọc Lư, người vẫn giữ lửa cho nền văn học miền Nam (Đỗ Trường)

      Đọc Đan Tâm của Phạm Ngọc Lư (Khuất Đẩu)

      Thơ Như Một Định Mệnh Oan Nghiệt (Nguyễn Lệ Uyên)

      Phạm Ngọc Lư (Học Xá)

      Vĩnh biệt Phạm Ngọc Lư (Trần Hoài Thư)

      Từ thơ thể loại “Hành,” tới thi ca một thời của Phạm Ngọc Lư (Du Tử Lê)

      “Biên cương hành”, địa-chấn-thi-ca Phạm Ngọc Lư (Kỳ 02) (Du Tử Lê)

      “‘Hành biên cương’, ‘đàn tràng chiêu hồn tử sĩ’, thời đại mới? (Du Tử Lê)

      Phạm Ngọc Lư (Luân Hoán)

      Đọc Đề thơ trước mộ thanh xuân (Trần Kiêm Đoàn)

      Nghĩ Về Nhà Thơ Phạm Ngọc Lư (Cung Tích Biền)

      Đọc Biên Cương Hành của tác giả Phạm Ngọc Lư (Huỳnh Xuân Sơn)

      Đọc Cố Lý Hành của tác giả Phạm Ngọc Lư (Huỳnh Xuân Sơn)

      Gặp Lư Ở Tuy Hòa (Huyền Chiêu)

      Đi Thăm Nhà Thơ Phạm Ngọc Lư (Nguyễn Quang Chơn)

       
      Thư Quán Bản Thảo số 70, chủ đề Phạm Ngọc Lư: (Bìa trước, bìa sau và 2 trang Mục lục)

       

       

      Bản .pdf

       

      Tác phẩm của Phạm Ngọc Lư

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      Xuân Thao, Thơ và Người (Phạm Ngọc Lư)

      Biên Cương Hành (Phạm Ngọc Lư)

      Trang Thơ Phạm Ngọc Lư (Phạm Ngọc Lư)

      Hoài Khanh và Thân Phận (Phạm Ngọc Lư)

      Nén Nhang Cho Người Bạc Mệnh (Phạm Ngọc Lư)

      Đan Tâm

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)

      Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)

      Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)

      Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Đọc sách “Hội họa Trung Quốc” của dịch giả Nguyễn Phố (Trần Hữu Thục)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)