1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nói Chuyện về Tiểu Thuyết Việt Nam Hiện Nay (Tác Giả tuần báo Nghệ Thuật) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      28-10-2012 | VĂN HỌC

      Nói Chuyện về Tiểu Thuyết Việt Nam Hiện Nay

          TÁC GIẢ của báo Nghệ Thuật
      Share File.php Share File
          

       

      Miền Nam không thiếu các Tạp chí Văn học Nghệ thuật, song hầu hết là các báo ra hàng tháng, hay nửa tháng mới ra một số, lớp nhiều tuổi qui tụ trên các tờ Văn Hóa tập san, Văn Hóa Ngày Nay, Giữ Thơm Quê Mẹ; lớp trẻ qui tụ trên các tờ Sáng Tạo, Văn Nghệ, Hiện Đại, Thế Kỷ 20... Nhưng báo văn chương ra hàng tuần, khoảng 1956 có tờ Nhân Loại của nhóm Tam ích, mãi 1965 mới có tờ Nghệ Thuật của Mai Thảo. Và sau này, 1969 có Khởi Hành.


      Nghệ Thuật tuy chỉ sống trong 2 năm, 56 số, song là tờ báo văn chương đầu tiên in offset nhiều màu rực rỡ, chú trọng tới sinh hoạt, thảo luận bàn tròn, phỏng vấn, vốn là lãnh vực trước đó ít được khai thác. Khởi Hành vừa thu thập được đủ bộ Nghệ Thuật, (trừ số 43 chưa thấy). Nơi số 9 tờ báo đã đăng tải bài ghi chép cuộc nói chuyện kể là kỳ thú giữa 9 tác giả, (tới nay 7 người đã khuất bóng), đề tài là "Nói chuyện về Tiểu Thuyết Việt Nam Hiện Nay." (1965). Xin đăng lại dưới đây.

      Đặt vấn đề thực trạng tiểu thuyết Việt Nam lên mặt thảm, chủ ý của Nghệ Thuật là đề cập đến một thực tế văn học, mà tầm quan trọng hàng đầu đích thực đang đòi hỏi những theo dõi và tìm hiểu thường xuyên, phía người viết cũng như phía người đọc tiểu thuyết. Thực tế tiểu thuyết Việt Nam hiện nay như thế nào? Thực tế đó nổi hình trong những hiện tượng, phát sinh từ những nguyên nhân, cấu thành bằng những động lực nào? Đó là những khía cạnh của vấn đề được trả lời bởi ý kiến những tác giả có mặt trong buổi nói chuyện mà những nét chính được ghi nhận tóm tắt sau đây. Cũng cần lưu ý: tinh thần cuộc nói chuyện khác biệt với tinh thần một cuộc tranh luận. Có thể cuộc nói chuyện không đưa tới một kết luận nào. Nhưng vấn đề đã được đặt ra. Và nhiều ý kiến họp lại bao giờ cũng có hiệu lực của một chiếu sáng khởi đầu và cần thiết.



         Nhà văn Mai Thảo
         (1927 - 1998)

      MAI THẢO:

      Nói đến tiểu thuyết Việt Nam hiện nay, không phải là xác nhận một trở thành đã hoàn tất, mà là theo rõi những chặng đường của một vận động đang tuần tự hình thành. Vận động đó là một vận động của ý thức, một vận động của nghệ thuật. Cũng là một vận động của một trí tuệ, của đời sống. Mùa màng gặt hái chưa đầy tay. Chúng ta chưa có những tác phẩm lớn. Nhưng hiện tượng nhìn thấy là một viễn tưởng tốt đẹp. Những nhà văn đáng nói đến nhất của chúng ta hiện nay đều thực hiện tác phẩm của mình qua một trưởng thành và một vươn tới nào đó của ý thức. Viết có suy nghĩ, có tìm kiếm, có thái độ. Mặc dầu còn một vài hiện tượng "nối dài" yếu hụt và lạc lõng, tiểu thuyết hiện nay đã được đặt ra khỏi vùng ảnh hưởng của tiểu thuyết tiền chiến. Đó là một trong những bằng chứng cụ thể về cố gắng đứng về phía cái mới ở những người viết bây giờ.


      Vậy có thể khẳng định cho tiểu thuyết bây giờ như những công trình thực hiện đánh dấu cho một thoát ly và một phá vỡ đáng kể. Bằng Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền trước hết như một mở đường, rồi đến những tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu v.v. theo sau là một số người viết trẻ khác mà tác phẩm đầu tay nào cũng là một thí nghiệm táo bạo và cần thiết, chúng ta đã nhìn thấy thấp thoáng những chân trời và những ngả đường mới trên đó Tiểu thuyết Việt Nam đang đi tới. Thu hẹp, thì là chối từ những tiêu chuẩn nghệ thuật đã làm nên giá trị và lẽ phải của tiểu thuyết quá khứ. Nhìn rộng và sâu vào hiện tượng, thì là những người viết bây giờ thảy đều đã phủ nhận và xa lạ hoàn toàn với cái thế giới của những tác phẩm cổ điển.



         Nhà thơ Viên Linh

      VIÊN LINH:

      Tôi đồng ý với anh Mai Thảo về nhận định Tiểu thuyết Việt Nam hiện nay là một vận động tuần tự hình thành, nghĩa là đang thoát ly và phá vỡ. Nói như thế còn có nghĩa là đồng ý hiện tại là một đổ nát. Trong đổ nát thế nào cũng có viễn ảnh một kiến trúc mới nhưng đồng thời cũng còn có những kẻ thâu lượm vôi vữa thừa thãi để kiếm ăn riêng. Vậy trước hết ta cũng cần thanh toán những kẻ xây sự nghiệp trên vài mảnh giá trị cũ, cho công trường chúng ta được quang đãng ạch sẽ.


      Tôi tạm xin lỗi các anh để chia lô công trình hôm nay. Tôi chia tiểu thuyết Việt Nam hiện tại ra làm những loại sau đây:


      - Loại hữu sự: Tiểu thuyết loại hữu sự kể một câu truyện nào đó mà câu chuyện ấy là chính. Tác giả nó lấy câu chuyện ấy để ngầy ngà người đọc qua mọi chi tiết. Nói một cách khác, nhân vật của loại hữu sự lúc nào cũng bận rộn với đạo lý làm người (đã được xác định) và lương tâm của hắn: tâm lý ấy thông suốt cả cuốn chuyện. Loại này, theo tôi đi song song với cải lương.


      - Loại thời sự: Gọi là thác loạn, gọi là tuổi hai mươi, khai thác những cái- buồn-nói-lên-lời của những tác giả thô thiển. Loại này đi song hành với tân nhạc cải cách và nhạc thời trang ngoại quốc.


      - Loại tâm sự: Câu chuyện không còn là chính nữa mà cảm xúc là chính. Thứ tâm sự ở đây có cái ướt át trữ tình, có các nhân vật phong nhã. Loại này đi song song với thơ tiền chiến, hiện đang còn kéo dài.


      - Loại vô sự: Vô sự ở đây không có nghĩa là không có chuyện gì mà là có rất nhiều chuyện trong một tác phẩm, rất nhiều nhân vật, rất nhiều mặt được nói đến. Cái chính không còn là câu chuyện, nhưng là sự việc, sự vật, là tất cả cái gì trông thấy kể cả không khí, cái vẻ, cái bóng của cuộc sống. Loại này đi song song với Thơ Tự Do.


      Thâu tóm ý kiến vừa trình bày, tôi thấy loại tiểu thuyết hữu sự sẽ còn kéo dài vì nó cần thiết cho những người đọc vô sự, và loại tiểu thuyết vô sự đang tiến tới một cách hùng vĩ, vì nó là công việc của người làm văn học nghệ thuật hữu sự. Nói cách khác, loại trên chỉ có giá trị với độc giả, còn chính những người viết ra nó thảy đều vô ích cho nghệ thuật.


      TẠ TỴ:

      Đồng ý với Mai Thảo là người viết hôm nay đã đẩy người đọc đứng chung trên điểm khởi hành. Nhưng ý thức tiến lên lại là chuyện khác. Chúng ta, người viết, không thể loại bỏ cuộc sống vì cuộc sống tạo thành mâu thuẫn. Mâu thuẫn khích động nghệ thuật và hình thành những trào lưu nghệ thuật mới. Nhưng chúng ta đừng quên chính cuộc sống đã giết những trào lưu đó một khi không còn thỏa mãn được đòi hỏi cấp bách của tâm hồn con người. Bởi vậy một trào lưu nghệ thuật sống được là nhờ sức sáng tạo dồi dào và thành đạt của nó. Nó phải cố gắng dù rằng cố gắng với nỗi bi thảm dằng dặc. Nó là hiện thân của nghệ thuật.



         Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn
         (1920 - 1979)

      NGUYỄN MẠNH CÔN:

      Vấn đề tiểu thuyết là một vấn đề lớn. Lớn như đời sống của một dân tộc, vì - đáng lẽ phải thế - tiểu thuyết thể hiện đời sống của dân tộc. Cuốn tiểu thuyết nào làm được như vậy sẽ được gọi là "tắc phẩm lớn" của thời đại - của một thời đại.

      Nhưng ở Việt Nam chưa có tác phẩm nào lớn, tại sao?

      Tôi muốn nói về cuộc sống thu hẹp trong thành phố, hoặc giả có điểm thêm một vài chuyến đi "đi cho nhanh để về cho sớm" không cho đa số những người cầm bút hiện nay là hy vọng của chúng ta, được biết gì về những biến động to lớn khủng khiếp đang xẩy tới bên ngoài Sài Gòn.


      Tôi không chối người ở trong Sài Gòn cũng lo nghĩ, cũng đau đớn. Nhưng kẻ không có đổ máu không thể hiểu cảm giác của người cụt mất chân tay. Mà chính những người đó mới làm nên cuộc sống thật, cuộc tranh đấu thật, dù ngả về phía nào cũng thế. Một cuộc ly dị đang thành hình. Tôi sợ những người cầm bút trẻ không làm gì khác hơn được là viết mãi về hè phố, với những tư tưởng quẩn quanh về "thái độ sống" tuy có thâm trầm nhưng hết sức trưởng giả và vô cùng ích kỷ.


      Tôi không có chủ tâm "làm luân lý" ở đây. Nếu chúng có lợi cho người cầm bút thì "trưởng giả" hay "ích kỷ" cũng có thể được coi là tốt. Điều tôi sợ là chúng sẽ làm cho người nghệ sĩ rời xa cuộc sống thật, để xác nhận cuộc sống "giả vờ" là cuộc sống thật. Quan niệm "giả vờ sống" là quan niệm hiện sinh của một số tác giả. Tây phương có đời sống quá đầy đủ và tương lai quá bảo đảm, có thể không cần biết đến đại chúng; hoặc giả, do nền nếp đã vững chắc của ngành xuất bản, có thể uốn nắn cả ý thức hưởng thụ nghệ thuật của đại chúng.


      Tôi không tin - đồng thời cũng không muốn - trạng thái ấy có thể đến trong xã hội Việt Nam. Một phút trước khi Khuất Duy Hải chết với chiếc trực thăng rơi, người ta không thể nói anh "giả vờ" làm phóng viên cho đài Sài Gòn. Một ngày sau trận đánh lớn, đứng ngắm hàng trăm xác chết của đồng bào - toàn là thanh niên - có ai nỡ bảo họ giả vờ chiến đấu và đang giả vờ chết? Tôi nghĩ rằng J.P. Sartre có trẻ lại và được tham dự cuộc sống trên đất nước ta, từ ngoại ô Sài Gòn trở ra, nhà văn này sẽ phải xác nhận rằng quả có một cuộc đấu tranh đích thực với những giá trị xác thịt và tâm tư đích thực. Ong ta sẽ viết về cuộc đấu tranh ấy. Hoặc nếu ông ta vì lẽ gì đó mà không ra khỏi đô thành được, thì cuộc sống ào ạt, mãnh liệt của một số đại chúng chiếm tỷ lệ rất lớn, sẽ đặt ông ta trước sự lựa chọn một là xác nhận, và tích cực tham dự cuộc sống ấy, rồi thể hiện nó vào tác phẩm; hai là phủ nhận nó, cứ lợi dụng những điều kiện sống (dù sao cũng còn) dễ dãi của một văn sĩ có độc giả, mà chối bỏ trách nhiệm, dụng đứng lên cái bộ mặt lập dị lơ mơ, lạc lõng, mà đồng thời cũng kiêu ngạo, dối trá của những "nhà trí thức đứng trên cuộc sống."


      MAI THẢO:

      Đối với người đọc, cái mà người viết bây giờ đã thực hiện được, là đã đẩy được người đọc mình đến đứng chung với mình trên một điểm khởi hành mới, thỏa thuận gia nhập với mình vào hành trình mới, cũng cảm thấy cần thiết như mình là phải có những thí nghiệm mới, đưa tới những khám phá và những thực hiện mới. Nội dung tiểu thuyết hiện nay dồn đuổi người đọc ra khỏi cái tinh thần thưởng ngoạn bình yên hằng cữu là thái độ xưa cũ của người đọc trước những tác phẩm cổ điển. Tác phẩm cổ điển là những cuốn kinh thánh bằng văn chương. Đọc và tin. Giữa tác phẩm cổ điển với tác giả cổ điển và người đọc là một trạng thái chấp nhận và thỏa thuận hoàn toàn về đời sống và cho chính bản thân người đọc.


      Đọc bây giờ khác. Đọc không còn đem lại yên ổn cho tâm hồn, mà trái lại, tiểu thuyết bây giờ bảo người đọc là cuộc đời không phải như vậy đâu, như trong những tác phẩm cổ điển. Bằng những lột trần tàn nhẫn, bằng những đào sâu xuống những tầng đáy chưa khám phá của tiềm thức và tâm linh, tiểu thuyết chúng ta hiện nay đã thành công một phần nào trên ý tưởng đem lại cho người đọc một đòi hỏi mới, tạo cho người đọc một nhận thức mới. Nói khác, ở ngườí đọc đã có một thái độ mới về tiêu chuẩn thưởng ngoạn. Qua tiểu thuyết chúng ta hiện nay, người viết và người đọc đã gặp nhau trên một đất đứng chung. Đó là những băn khoăn đòi xét lại.



         Họa sĩ Tạ Tỵ tự họa
         (1921 - 2004)

      TẠ TỴ:

      Nói rằng thất bại hay chưa đạt tới mức độ của cái mới hoàn toàn, tôi cho như thế chưa đúng. Tôi muốn nói, sự tồn tại của tiểu thuyết không phải do sự đạt tới hay trưởng thành mà chính ở những băn khoăn và chưa-tới-nơi ở mỗi con người viết cũng như người hưởng thụ. Nói đến tiểu thuyết hôm nay là nói đến sự vươn tới, sự bứt đi của mỗi đam mê, thôi thúc.


      VIÊN LINH:

      Về liên quan giữa người đọc và người viết, tôi xin dùng lại cái hình ảnh kiến trúc. Trong những tiểu thuyết cổ điển, mà tôi gọi là tiểu thuyết hữu sự, kiến trúc đã hoàn toàn xong, hoàn toàn hoàn tất khi người đọc bước vào, ngư ở trong đó, xoay chuyển nhìn ngắm những cái đã bày biện sẵn ở trong đó. Với những người viết mới, kiến trúc không bao giờ hoàn tất, nghĩa là người thưởng ngoạn bước vào đó không để ngự ở trong đó. Họ phải góp sức, họ phải cùng tạo tác với tác giả.


      Đẩy mạnh nhận định này, nảy sinh những vấn đề sau đây:

      - Giá trị một cuốn tiểu thuyết không-phải-bây-giờ vốn đã nằm sẵn trong số lượng độc giả có sẵn. Độc giả nhiều là cuốn sách có giá trị. Độc giả ít là tác giả tầm thường. Nói như vậy cũng có nghĩa là người ta viết để phục vụ một phương trình so sánh 2 phân số: mà phân số thứ hai bao giờ cũng lớn hơn phân số thứ nhất: làm sao được, khi độc giả là độc giả có sẵn, chiếm được bao nhiêu hay bấy nhiêu.


      - Với những nhà văn mới, tôi thấy họ từ chối số độc giả có sẵn: Tác phẩm sẽ tự tạo một khối độc giả mới. Vậy khi số thành không lớn, thì không phải tác phẩm không được đón nhận nhiều, mà bởi vì chính tác giả nó không chấp nhận phân số thứ hai, không làm một bài so sánh hai phân số.


      Theo ý tôi hiểu thì anh Mai Thảo khi nói về liên quan giữa người đọc và người viết, đã dường như coi người đọc là một khối cố định. Anh chỉ nói đến tác phẩm cổ điển và tác giả cổ điển. Tôi muốn thêm: còn có những độc giả cổ điển nữa. Tuy nhiên, độc giả mới Việt Nam bây giờ rất ý thức, rất nhiều, theo một tỷ lệ tương đối với nó cách đây 5, 10 năm. Nếu có ý kiến thắc mắc tại sao còn nhiều người đọc tiểu thuyết cổ điển hơn là tiểu thuyết mới, (cũng như nhiều người còn thích thơ tiền chiến hơn thơ tự do) tôi xin được trả lời: ở đâu cũng vậy, kẻ dở nhiều hơn người hay.


      Vậy thì, ở phía nào người viết và người đọc cũng có một mảnh đất chung hết, cái khác là mảnh đất ấy nó như thế nào mà thôi, một vườn hoa có rào dậu hay một khu rừng biên giới. Một Vương quốc hay một lãnh thổ Cộng Hòa. Nhân đây tôi cũng muốn nói với một số anh em đồng tuổi vắng mặt: có nhiều người không biết rằng các anh đang ấp ủ những tác phẩm riêng, hay đang viết, điều ấy không có giá trị gì hết: họ ở ngoài lãnh thổ Cộng Hòa của chúng ta.


      MAI THảO:

      Thất bại, đúng hơn là điểm chưa đạt tới được của những tiểu thuyết hiện nay, là người viết đứng về phía cái mới nhưng chưa hình thành được châu đáo, biểu hiện được sinh động thế nào là cái mới. Tiểu thuyết mới chỉ là một động lực phá vỡ được cái cũ mà chưa là một hiện tượng sáng tạo cấu thành được cái mới. Cho nên, nó chỉ mới tác động được ở người đọc như một lay chuyển bàng hoàng, nâng được cái việc đọc lên bình diện một suy nghĩ cần thiết, một đòi hỏi duyệt lại, một nhu cầu tìm kiếm. Và dừng lại ở đó.


      Còn thuyết phục được người đọc, làm ánh sáng, kim chỉ nam, ý thức dẫn đường cho người đọc bắt gặp được thực trạng đời sống thì chưa. Thất bại vừa nêu ra, theo ý tôi, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Người viết chúng ta chưa tích lũy được một vốn sống đầy đủ. Nhận thức về đời sống của người viết chúng ta cũng chưa thấu triệt và toàn diện. Những tiểu thuyết có ý thức nhất của chúng ta hiện nay mới chỉ là những hòn đá thăm đường. Nghe thấy cái tiếng động của hòn đá ném tới. Nhưng chưa nhìn thấy sự thực hiện hình trên nơi chốn hòn đá ném tới. Dẫn được người đọc đi theo. Nhưng chưa dẫn được người đọc tới nơi.


      VIÊN LINH:

      Nếu động lực mới chưa thành một cái nền, thì không phải là nó thất bại. Nó còn đang đi và nó chưa ngừng lại cũng như nó chưa quay đầu về. Tuy nhiên, quả là động lực ấy chưa được dùng hết, dường như vì vấn đề mục đích, một vấn đề cổ điển: viết để đi tời đâu, trong lúc này?



         Nhà văn Vũ Khắc Khoan
      (1917 - 1989)

      VŨ KHẮC KHOAN:

      Viết tiểu thuyết hôm nay theo tôi chỉ là một phương tiện thiếu thốn khả năng để con người bất lực tự thực hiện.


      TẠ TỴ:

      Tiểu thuyết không phải là một bài học luân lý hay đạo đức. Nó là cuộc sống với những khía cạnh tốt và xấu. Tôi tin rằng, không có một người viết nào khi cầm viết lại mang ý nghĩ khuyến dụ hoặc khích động con người lao vào tội lỗi, mà chính ra họ chỉ trình bày, hình dung và diễn đạt những-chứa-chấp-không-kìm- hãm được mà họ đã chịu đựng trong dằn vặt, đớn đau tột độ. Sinh hoạt văn học không phải là sinh hoạt phóng nhiệm, vì vậy đúng trước sự băng hoại tất nhiên của một dòng sông nào đó, con người có mặt phải phản ứng và phản ứng trung thành đến thô bạo những gì cần phải nói. Tiểu thuyết hôm nay không còn và không thể mang tính chất văn chương thuần túy mà nó cần phải nói lên, nói thật to tiếng nói của con người với tất cả thẩm quyền thiêng liêng mà nhân danh con người nó- có-được.


      VŨ KHẮC KHOAN:

      Người viết tiểu thuyết giờ đây cô đơn và ích kỷ. Nó không kêu lên, như Nguyễn Du:


      Bất tri tam bách dư niên hậu

      Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

      Nó viết cho nó.


      TẠ TỴ:

      Điều làm cho chúng ta thắc mắc, không phải là sự sợ hãi với viễn tượng đau buồn của chiến tranh hay niềm tuyệt vọng của con người trước vũ trụ mà chính ra người làm văn chương cũng như người hưởng thụ cho đến nay vẫn chưa có ý niệm chân xác về giá trị và sự trường cửu của văn chương trong ý thức tuyệt đối. Bởi thế, tiểu thuyết vẫn được hình dung như những miếng vá trên cuộc sống tả tơi chứ chưa hình thành một nguồn động lực luân lưu, dào dạt, xô vỡ mọi ý tưởng thoái hóa, đầu hàng. Tôi vẫn nghĩ, mãi mãi nghĩ rằng tiểu thuyết phải mang trách nhiệm về sự hiện diện của con người toàn bộ với mọi khía cạnh sắc bén để chứng minh sự cao quý của nghệ thuật và cuộc sống lớn bên ngoài. Đó là ý nghĩa duy nhất của tiểu thuyết.



         Nhà văn Thanh Nam

      THANH NAM:

      Những năm trước, khi ngồi vào bàn viết cầm đến bút là tôi nghĩ ngay đến độc giả. Truyện này tôi sẽ viết cho ai? Lớp độc giả nào đó sẽ đọc tôi? Và tôi hình dung thấy họ. Cốt truyện do đó không còn là của tôi nữa. Tôi sống, tôi nghĩ, tôi hành động theo những nhân vật của tôi. Như một số feuilletons tôi đã viết và đã in thành sách trong thời gian gần đây, tôi đã đóng vai một người kể chuyện cho một số người nghe hơn là một nhà văn viết một tác phẩm cho chính mình. Nói thẳng ra, tôi viết để sống. Tôi không chối cãi là ở những cuốn truyện đã có nhiều non kém, còn nhiều cẩu thả. Tôi cũng không ân hận gì về những điều đó. Tôi phản đối thái độ phủi tay trách nhiệm để nguy trang cho mình một khuôn mặt trí thức, tiến bộ. Tôi đứng về phía những anh em sống bằng ngòi bút, sống bằng cái nghề viết feuilletons khốn nạn ở xứ sở này. Nhưng tôi cũng không đồng ý với một vài đồng nghiệp của tôi đã hài lòng để tự khoác lên người mình cái danh hiệu văn sĩ, tiểu thuyết gia, vội vã nhận ngay chút danh vọng nhất thời, chút tên tuổi phù du để nghĩ rằng như vậy là đã đủ, đã có quyền tự mãn.


      Luôn đây, tôi cũng phản đối hai ý kiến quá khích của Viên Linh. Đó là việc Viên Linh đã chia... tiểu thuyết như chia lô đất để rồi kết án những kẻ đã thâu lượm vôi vữa thừa thãi để kiếm ăn riêng. Tôi nghĩ lời kết án đó có hơi nặng nề đối với những anh em kiếm sống hằng ngày bằng ngòi bút, những người mà theo tôi biết khi cầm bút chọn nghề cũng đã ôm ấp, nâng niu rất nhiều hoài bão nhưng cuối cùng đành phải thỏa hiệp với cuộc sống.


      Ý kiến thứ hai của Viên Linh mà tôi không đồng ý là Viên Linh đã... kết án độc giả. Anh giải quyết thắc mắc của Mai Thảo một cách quá dễ dãi, hồn nhiên khi phân tách tại sao nhiều người đọc tiểu thuyết cổ điển hơn là tiểu thuyết mới và cho rằng ở đâu thì kẻ dở Cũng nhiều hơn người hay.


      Sự thật, theo tôi nghĩ, kẻ dở và người hay ở đây không phải là độc giả mà là người viết. Chính người viết phải trách nhiệm lấy tình trạng đó chứ không thể trả lời xí xóa rằng... kẻ dở (người đọc) nhiều hơn người hay. Phải tìm hiểu thêm nữa, như người bán hàng tìm thị trường tiêu thụ, phải nghiên cứu tại sao món hàng này chạy, món hàng kia ế chứ không thể đơn giản kết luận rằng tại khách hàng không biết giá trị của loại hàng. Vấn đề này thật ra tế nhị vô cùng, phạm vi một buổi nói chuyện không thể cho tôi trình bày được hết ý kiến và tôi rất mong sẽ được trở lại trong một kỳ nói chuyện khác.


      Nói vậy không có nghĩa là tôi chống lại những ý kiến mà từ đầu các anh đã nêu ra trong buổi nói chuyện này. Tôi hiểu rõ nỗi băn khoăn của người cầm bút hôm nay. Viết cái gì? Viết để đi tới đâu trong lúc này?


      Xin thú thật là chính tôi- người cầm bút như một dũng sĩ sử dụng một đường gươm quen thuộc, theo lời Mai Thảo nói, cũng cảm thấy băn khoăn, lúng túng trước vấn đề đó. Thế nên, như tôi đã nói lúc đầu, những năm trước khi ngồi vào bàn viết là tôi đã nhìn thấy ngay độc giả của mình, viết dễ lắm, dễ hết sức. Bây giờ, tôi chịu. Không thể hình dung ra độc giả của mình là ai nữa. Không hiểu rằng tại mình mệt mỏi hay là tự cảm thấy độc giả đã mệt mỏi vì mình rồi?


      Tôi vốn ngại thảo luận và rất sợ bị phát biểu ý kiến, hôm nay nói như thế này kể cũng là quá nhiều rồi.

      Xin nhường lời để anh Sơn Nam cho biết thêm ý kiến.


      SƠN NAM:

      (Tác giả Hương Rừng Cà Mau cười nói đồng ý, đồng ý nhưng không nói rõ đồng ý ở điểm nào)



         Nhà văn Bình Nguyên Lộc

      BÌNH NGUYÊN LỘC:

      Theo tôi, những độc giả không có khuynh hướng xã hội cũng đang chờ đợi những cái gì mới lạ hơn, cái đó không phải là sự siêu hình (ở đây nên dùng danh-từ trừu tượng thì đúng hơn) của những tiểu thuyết gọi là tiểu thuyết mới. Họ chỉ cần một sự mới xoàng xoàng của quan niệm thứ nhì về tiểu thuyết mà thôi. Xin nói rõ thêm rằng độc giả đây là đại- đa- số trung lưu, chớ không phải bình dân đại chúng, mà cũng không phải một thiểu số trí thức.


      NGUYỄN MẠNH CÔN:

      Tôi không có ý bênh vực một lập trường "dấn thân" hay thóa mạ một lập trường "ngụy tín" nào hết. Tôi đã nói bất cứ lập trường nào cũng tốt, nếu nó đưa đến những tác phẩm lớn. Tôi chỉ sợ rằng các tài năng hiện tại của chúng ta - tôi không có ý gì giễu cợt - vì quá bận vào việc đi tìm bản thân (l'étant) nên họ không có dịp tự thể hiện bản ngã (l'être), nên chẳng bao lâu về sau, họ sẽ bị qua mặt bởi đại chúng về tâm lý. Và như thế chẳng hóa ra đáng tiếc lắm hay sao?


      Một bạn quen đã hỏi tôi: - Như vậy nhà văn phải làm gì về "sống thật"? Câu hỏi thật khó, mà tôi không có bổn phận trả lời. Vì sao? Vì ai có ý thức, người đó sẽ tự trả lời sao cho hợp với các điều kiện khách quan, chủ tâm của hắn. Tôi không ngu dại đến độ muốn làm thầy thiên hạ. Tôi chỉ nói lên sự lo lắng của tôi - lo lắng giữa hy vọng. Vì tôi không chối rằng hiện chúng ta có nhiều cây bút có thiên tư rất lớn. Kể cả ngành viết tiểu thuyết về tuổi thiếu niên - vốn dĩ là một ngành rất khó - cũng có những cây bút có triển vọng lạ lùng. Tôi chỉ sợ rằng, dù muốn dù không, một số nào đó trong họ vẫn còn chịu ảnh hưởng của những tác giả Tây phương cận đại (khi họ mới vào đời, bắt đầu muốn đập phá, thì gặp ngay những bậc thầy về đập phá: họ tin chỉ có mình mới hiểu những băn khoăn vế cuộc sống: chẳng khác những người mới được đọc Karl Marx lần đầu, bao giờ cũng tin chỉ có họ mới hiểu trạng thái "vong thân" của con người xã hội tư sản!) Họ đóng chặt cửa đưa vào khu vực kiến thức, không chịu tìm và cũng không tiếp nhận những tư tưởng hoặc cũ hơn - ví dụ của Khổng Tử - hoặc mới hơn, của khoa học. Họ đào sâu vào tâm hồn của chính họ và từ chối sự tiếp tay của người chung quanh. Theo chủ thuyết hoài nghi, họ là những người hay nói những lời quả quyết nhất. Đó là cái thảm trạng của con rắn cắn phải cái đuôi của chính nó.


      VŨ KHẮC KHOAN:

      Nhìn ra cuộc sống có nhà lầu, có người, có ánh trăng, bỗng người ta bắt gặp một hẻm nhỏ. Người ta bỗng nhiên thấy tự ràng buộc với cái hẻm nhỏ này. Cái hẻm nhỏ trở thành một cái cớ. Để đi sâu vào, để đào sâu hoắm thêm vào nữa. Để có lẽ đi tìm một hình ảnh của chính mình. Để có lẽ bắt gặp chính thân nhân của mình. Hẻm có thể khai thông. Mặt trời mọc phía bên kia hẻm nhỏ. Hẻm có thể đen ngòm hơn trước. Narcisse nhìn thấy Narcisse. Con người có thể nhìn thấy, phản ảnh qua mặt nước suối trong, một bộ mặt Satan. Tác giả và độc giả tiểu thuyết hôm nay là như vậy.


      MAI THẢO:

      Nếu dùng một hình ảnh để diễn tả tâm trạng của người viết tiểu thuyết bây giờ, cũng như để diễn tả tác động của tiểu thuyết bây giờ đối với lớp người thưởng ngoạn, thì đó là hình ảnh ngây ngất choáng váng của một kẻ lưu đầy lâu năm trong hầm tối, bước những bước lảo đảo đầu tiên giữa vùng mặt trời chói lọi của một ý thức được giải phóng và tự do. Tôi muốn nghĩ những tiểu thuyết hay nhất của chúng ta hiện nay là những bản tuyên ngôn, những bài đề tựa mở đầu cho những công trình sáng tạo đích thực chưa có nhưng tất yếu phải có.


      Nói là thí nghiệm cũng không đúng hẳn, nhưng nói là từng người chúng ta đang tự chia sẻ trong một hướng tới song song và đồng thời về rất nhiều ngả đường. Ngôn ngữ, bút pháp, đất đai trên đó tiểu thuyết chúng ta đang được xây dựng, thảy đều còn nằm trong giai đoạn vận động hình thành bằng những kết tinh, chọn lựa và kiếm tìm nhiều mặt. Điều đáng ghi nhận nhất là những cuốn kinh thánh văn chương một thời là những tác phẩm cổ điển đã được cả người viết và người đọc đồng lòng xếp vào bảo tàng viện.


      TRẦN THANH HIỆP:

      Cách đây hơn 5 năm, chúng ta đã có dịp nhận định về tiểu thuyết Việt Nam trong khuôn khổ một cuộc thảo luận về vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết. Hồi đó chúng ta có thái độ hơi khe khắt. Không phải vì chúng ta muốn khe khắt mà tại vì chúng ta phải chối bỏ một số khuynh hướng bảo thủ, suy tôn vô điều kiện cái cũ. Thời gian vừa qua đã chứng tỏ rằng muốn có tiến bộ phải có sự đoạn tuyệt với quá khứ dù rằng sự đoạn tuyệt ấy chỉ có thể hữu ích nếu nó được thực hiện theo đúng "biện chứng" tiến hóa.


      Gần đây, nhận định chung về văn nghệ, tôi có dự đoán rằng trong vòng mười năm nữa, những người cầm bút tại miền Nam - tất nhiên có cả những người viết tiểu thuyết - chắc chắn sẽ sáng tác được những tác phẩm lớn có nhiều giá trị. Được yêu cầu trình bày ý kiến về tiểu thuyết Việt Nam hiện nay, tôi thấy vẫn còn có thể giữ nguyên lời dự đoán lạc quan của tôi. Nhân dịp này, tôi xin nói thêm một vài ý nghĩ khác của tôi cũng về vấn đề tiểu thuyết Việt Nam.


      Trong số các tác phẩm ngoại ngữ được nhiều người đọc nhất hiện nay ở đây có những tác phẩm của trường phái "Tiểu Thuyết Mới" (Nouveau Roman) mà đại diện là Alain Robbe- Grillet và Nathalie Sarraute. Cái mới dễ nhận nhất trong tác phẩm của họ là một bút pháp đặc biệt được mệnh danh là "chủ nghĩa khách quan." Rồi đây bút pháp ấy có thể sẽ được sử dụng tại Việt Nam trong nhũng tác phẩm sắp thành hình.


      Didier Anzieu trong tạp chí "Les Temps Modernes" số 233 tháng 10- 1965 có viết rằng tiểu thuyết của A. Robbe Grillet giống như những cảnh trống rỗng trong đó diễn ra những biến cố vô nghĩa và rải rác dăm ba đồ vật vô ích, không có ý nghĩa gì đối với con người. Người đọc chán ngán và mệt mỏi. Nhưng nếu chịu khó đọc thì sẽ thấy xúc cảm mạnh mẽ và sâu xa mà không thể hiểu thấu về nguồn gốc của sự cảm xúc đó là ở đâu. Đó là một sự cảm xúc thuần túy và huyền bí. Một sự giải thích không làm cho chúng ta hài lòng.


      Tuy nhiên, các ý kiến của Lucien Goldmann trong quyển "Pour une sociologie du Roman" có thể làm sáng tỏ quan điểm của Didier Anzieu. Theo L. Goldmann thì bút pháp của Robbe-Grillet đã là chứng tích của một thời đại trong đó con người trở nên thụ động hơn trước đối với đồng loại cũng như đối với ngoại vật. Vì sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hậu bán thế kỷ XX đưa tới hậu quả là một sự tiêu hủy bất cứ một sự quan trọng nào của cá thể trong các cơ cấu kinh tế và do đó trong toàn thể đời sông xã hội, một đời sống mà giá trị đổi chác và giá cả quan trọng hơn những đặc tính cố hữu của con người hay đồ vật. Có thể chúng ta không hoàn toàn đồng ý với L. Goldmannn với cách giải thích của ông về trường phái Tiểu Thuyết Mới.

      Nhưng về phương diện thực tế, một bút pháp chủ quan tuyệt đối để thiết lập nên những tương quan mới giữa người với người với ngoại vật bằng một sự đồng hóa (người=vật) vẫn có hậu quả là phi- nhân-hóa con người.


      VŨ KHẮC KHOAN:

      Từ Nietzsche, con người mất yên ổn, cái thế yên ổn người công dân lương thiện nhìn lên trên thấy Thượng Đế luôn luôn mỉm cười hiền hậu, đi ra ngã tư thành phố thấy ông đội xếp cầm gậy chỉ đường. Tâm trạng bất ổn này phát sinh tự Châu Âu, nơi trạm định cư đầu tiên của Thượng Đế, nơi thiết lập trung tâm huấn luyện của lứa đội xếp đầu tiên. Tâm trạng này, hôm nay, đã vượt nhiều biên giới, đã trở thành tâm trạng chung cho đa số thế hệ hôm nay, với một vài dị điểm địa phương. Ở đây, hôm nay cũng vậy. Bởi thêm vào Nietzsche còn bè lũ Marx, còn Freud, còn Sartre và đồng bọn, còn SKZ, còn B52. Thế hệ tiền chiến đã cảm thấy bất ổn trong cái thế giới trung hiếu tiết nghĩa. Thế hệ hôm nay dĩ nhiên cũng đã thấy ngột ngạt trong không khí một ấp Quỳnh Nê, một bến đò Gió.


      TRẦN THANH HIỆP:

      Tiểu thuyết Việt Nam trong một xã hội Việt Nam cổ truyền đang biến chuyển, nhưng chắc chưa thể tới mức độ của các xã hội tư bản tiền tiến nhất hiện tại - liệu có thể dung nạp được những tác phẩm kiểu trường phái Tiểu Thuyết Mới hay không?

      Câu trả lời dành cho tương lai nhưng tùy thuộc phần lớn vào ý thức sáng tạo của những người cầm bút bây giờ.


      VŨ KHẮC KHOAN:

      Thiên nhiên quằn quại, con người méo mó trên họa phẩm. Nhạc điệu hoặc hiện nguyên hình, thuần chất là nhịp ngày một điễn bái [chắc in sai, không hiểu là gì?] của trống da đen, hoặc mất hút trong những vần thơ bất đắc dĩ tự mệnh danh là Thơ tự do. Kèn trompette Armstrong bỏ bạn đồng hành yên phận, nổi loạn đào ngũ, rít lên từng cơn tuyệt vọng.


      Và tiểu thuyết dĩ nhiên cũng vậy. Đừng hỏi tại sao. Không có tại sao gì cả, khi những người con gái Sagan lại đắm mình trong lời nhạc Prévert, lại không biết ngon mà vẫn uống từng hơi Vat 69, không có tại sao gì cả khi họ yêu một cách rất bực mình. Tôi nghĩ rằng tôi cảm thông với tiểu thuyết hôm nay. Có thể tôi hiểu sai. Nhưng tôi không thích tiểu thuyết hôm nay.


      Tác Giả của báo Nghệ Thuật

      (Khởi hành số 192&193, Tháng 10&11.2012)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

    3. Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Bùi Giáng - Thi ca và Tư tưởng (Tuệ Sỹ)

      Nhà thơ Linh Phưong Và Tập Thơ "Mắt Biếc" (Nguyễn Nguyên Phưọng)

      Nguyễn Đức Nhân, Mây Trên Đỉnh Tà Ngào (Nguyễn Minh Nữu)

      Phùng Quán thèm được làm người (Trần Mạnh Hảo)

      Một tách cà-phê cho hai người (Lê HỮu)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá) Văn Học (Học Xá)

       

      Tác Giả

       

      Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)

        Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)

        Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)

        Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)

      Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)

        Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)

      Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)

      Dương Quảng Hàm (Viên Linh)

      Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)

      Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)

        Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)

      Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)

      Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)

      Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)

      Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn

      Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)

      Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)

      Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)

      Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)

      Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)

      Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh

       (Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)

      Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)

      Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn

      Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)

      Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An

      Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) An Khê,  Andrew Lâm,  Andrew X. Phạm,  Au Thị Phục An,  Bà Bút Trà,  Bà Tùng Long,  Bắc Phong,  Bàng Bá Lân,  Bảo Vân,  Bích Huyền,  Bích Khê,  Bình Nguyên Lộc,  Bùi Bảo Trúc,  Bùi Bích Hà,  Bùi Giáng,  

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)