|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
thơ lẻ
hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh
hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh,
hỏi hắn xem có mẹ cha tiên tổ?
hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh,
hỏi hắn xem có vợ con nòi giống?
hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh,
hỏi hắn xem phải chăng cha ông chưa bao giờ đổ máu,
hỏi hắn xem đất dưới chân đang da diết kêu gì?
hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh,
hỏi hắn xem hắn sẽ nói gì,
nếu mai này con cháu hỏi: hắn … hắn… làm gì khi
đất mẹ bị doạ đe,
hắn làm gì khi Tổ quốc lâm nguy,
khi người ta xuống đường biểu giương tình yêu Tổ quốc?
“cha đi làm lính dùi cui, vung đập xuống những đồng
bào cha yêu nước.
cha đi làm lính nồi niêu, bảo vệ cái xoong, gùi tiền
cho con đi bar, đi xe sang, đi du học”.
cha đi, cha đi…
thằng cha đó nó đi…
đi… đi… đi…
cứ đi đi …..
nó còn đi đâu nữa
nó đã chết lâu rồi, từ phút đầu được sống.
nó là cái xác, cái dùi cui di động.
cái nồi xoong đồi bại đồi nuy.
đừng nhìn vào ánh mắt kẻ đi bắt người ta,
anh sẽ chẳng thấy chút con người ở đó.
hãy cứ đi làm việc của mình.
hòa bình cũng quý như áo, cơm,
nhưng đất mẹ là máu trong tim,
từ thuở cha ông chưa bao giờ ngừng đập.
… yêu biết mấy những ngày Chủ nhật
được ngắm nhìn những ánh mắt Tự do
Hà Nội, 17.7.2011
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
bốn ngàn năm, giờ lại ngót trăm năm.
hết phong kiến độc tài, đến lũ bạch tuộc thực dân,
hết quân, hết vương, đến lũ tượng thần chủ nghĩa.
bao thế hệ siết rên trong gọng kềm nô lệ.
chuyên chế dã man đục rỗng chí con người.
cha tôi, ông tôi, bao thế hệ ngủ vùi.
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế.
không ánh mặt trời, bóng tối chí tôn,
lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị,
khủng bố dã man, reo rắc những kinh hoàng,
biến lẽ sống thành châm ngôn “mày phải sợ”.
mày phải sợ mày ơi mày phải sợ,
sợ nữa đi có sợ mãi được không,
cốt tủy mục rỗng rồi trí óc cũng tối đen,
mày lại đẻ ra lũ cháu con “biết sợ”.
bao thế hệ đã ngậm ngùi mắc nợ,
lũ chúng ta lẽ nào lại mắc nợ mai sau,
còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau,
sống cho xứng danh xưng con người trên mặt đất.
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể.
vì người ta cần ánh mặt trời,
tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi!
Hà Nội, 25.2.2012
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
ở nơi đó tôi gặp những người ngay,
ở nơi đó đồng loại tôi đang sống.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
ở nơi đó giam giữ Tự do,
giam giữ những trái tim khao khát Sống.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
ở nơi đó giam giữ những nhà thơ,
giam giữ kẻ ngủ hoang để thức tỉnh muôn đồng bào
vô thức.
bắt nhà thơ giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thiên thể Tự do.
bắt Tự do giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thơ tứ Con người.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
thì chắc chắn là nhà tù cộng sản,
bởi vì tôi khao khát Tự do.
hà nội, 9.12.12
tôi đi qua cánh đồng lúa chín,
qua những nấm mồ, nặng trịch bê tông.
chẳng ai chết rồi đội mồ sống lại,
sao phải bê tông gạch ngói làm chi.
chẳng ai chết rồi đội mồ sống lại,
mà lũ kia đi lấy lời người đã chết tụng xưng.
lúa chín là lúa sắp tàn,
mưu ma cùng cực là đến hồi mạt vận.
tôi đi qua, qua những nấm mồ,
những mồ đất loe hoe bên khung cửa.
đất se se, đỏ quạnh máu cha ông,
dựng thịt da chôn côn trùng, cây cỏ,
máu hôm qua chảy ngược đến hôm nay,
ôm nấm mồ thời gian trắng xoá,
như tóc bà bạc hong trước hiên nhà,
như xương trắng cha ông mặt mòi muối mắt.
tôi đi qua, qua những lỗ châu mai,
những lỗ đen, đen ngòm hôm qua,
hướng họng súng đến hôm nay đe doạ,
thè lưỡi răng cắn xé đất quê hương,
đất quê hương mỗi người có một,
đừng hỏi tôi ai bạn ai thù.
đất quê tôi không có kẻ thù,
cả những kẻ hôm nay thè lưỡi nanh ngấu nghiến,
cũng sẽ được thứ tha,
bởi lịch sử vốn bao dung.
đất quê tôi chưa biết hận bao giờ,
vậy tôi xin những người hôm nay,
tự kết tội mình, ngay khi còn đương sống.
đất quê tôi bao đời đổ máu hồng,
phơi xương trắng,
mặn mòi nước mắt,
vẫn chỉ mong một buổi phục sinh,
không phải hỏi bạn thù, không phải lo diễn biến.
đất quê tôi chưa thù hận bao giờ,
đừng rày xéo nữa,
những người kia trên đất mẹ.
huế - hà nội, 3.5.2012
bom đạn qua lâu rồi,
vòng đen vẫn còn đó,
phạm tiến duật ơi,
vòng trắng vẫn quanh đây.
đêm hôm nay,
trời Vụ Bản mù sương,
đất không chiến tranh,
đất vẫn nhoà vòng trắng.
vòng trắng trên khuôn mặt,
người rám nắng,
trên vai áo sờn,
người giữ đất quê hương.
vòng trắng trên,
đôi mắt mẹ chúng ta,
sợ lắm lũ qủy ma,
hãi hùng hơn cái chết.
vì phải sống với thây ma di động,
với lũ vô lương, hèn nhát đến bất nhân.
phạm tiến duật ơi,
ông còn thích vẽ vời.
dừng lại hết đi!
đêm nay im lặng quá!
những vòng trắng,
lặng câm tuyên thệ.
ta hôm nay không vẽ những số không,
không vẽ những hờn căm,
không phân biệt địch ta,
không gieo bom vãi đạn.
tại sao ư? tại ta biết hận ai,
kẻ thù là ai,
dội bom đạn lên ai,
chẳng phải đồng bào mình hết thảy.
ta hôm nay cởi ra vòng trắng,
bỏ khăn tang,
ghì siết trong tay,
những đứa con ta, những đứa cướp ngày.
dạy chúng lẽ yêu thương,
bài học vỡ lòng Nhân tính.
dạy chúng biết lẽ nào là Sống,
lẽ nào là Tự do, đâu thương xót Đồng bào.
ta hôm nay,
đã cởi ra rồi,
không cần nữa đâu,
những số không vòng trắng
hà nội, 9.5.2012
mùa thu cội vàng - hoa mướp - đắng.
đất nước mình - vẫn chẳng được - Tự do.
sớm thu lạnh - gió cúi đầu - đưa đám,
một thế hệ - một thế hệ - một…
…. thôi xin đừng lần hồi - thêm một.
ai đem bán - tự do?
cho anh hỏi:
“em ơi - còn không vườn vương hương - hoa khế,
mà tím - mà thương - mà nhớ quá - quê mình?”.
em cười lúng liếng - hoa xoan:
“con cò bay lả bay la.
bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng.
đồng quê chúng chiếm hết rồi.
thân em cũng bán chợ giời - tiếc không anh…”
bắc ninh, 6.10.2012
trời mưa.
tôi đi.
phố vắng.
đêm dài.
chỉ có những hạt mưa.
khắc khoải.
như giọt nước mắt.
nước mắt cuộc đời.
chát mặn.
nước mắt em tôi.
những đứa trẻ không nhà.
nước mắt mẹ tôi, người lượm ve chai.
nước mắt ba tôi, người chạy xe ba gác.
nước mắt chị tôi, người công nhân thất nghiêp.
nước mắt anh tôi, mỗi lần tỉnh dậy, sau cơn phê
thuốc.
nước mắt người yêu tôi, gái bao nhà hàng.
đêm đen mịt mùng.
tôi vẫn đi.
tôi vẫn đi.
giữa những ánh mắt. giữa những cái nhìn.
lặng câm. ám ảnh. ớn lạnh.
tôi đi.
sài gòn, 8.6.2008
tường đổ rồi,
Béc-lin còn đó.
đừng nói với tôi,
về hiểu nhầm tai hại.
Béc-lin đã nhầm về chính Béc-lin?
đừng nói với tôi,
về hiểu nhầm tai hại.
hãy nói thật đi,
chúng ta sai.
chúng ta sai.
như lẽ tự nhiên,
như lịch sử ngàn đời có lỗi.
có sao đâu,
đơn giản,
chúng ta sai.
quá khứ chấm hết vào hôm nay,
và ai cũng biết mai chưa là tận thế.
vậy nhận đi,
chúng ta sai.
chúng ta sai.
chúng ta làm lại.
cha ông mình chẳng đã làm lại mãi đấy thôi.
nhân loại ngàn đời cũng sai rồi làm lại.
sao phải nặng nề,
bám víu.
chúng ta sai.
độc đảng là sai,
đa nguyên là tiến bộ,
dân chủ tự do là quyền cơ bản Con người.
phản bội lẽ này,
chúng ta sai.
nhận đi!
đừng nói với tôi,
về Dân chủ Tự do.
khi nói thật,
vẫn phải ngoái đầu nhìn lại.
đất nước mình không có Tự do.
nếu có một bức tường Hà Nội,
như Béc-lin,
ta sẽ xô đổ,
Hà Nội sẽ vẫn còn.
như Béc-lin,
bức tường đã đổ.
họ cũng như mình,
họ cũng đã từng sai.
hà nội, 29.5.2012
em ơi sân ga,
chiều mưa bay.
anh ngao ngán
trông đường ray eo hẹp,
o bế con tàu “Đổi mới” mấy chục năm.
mấy chục năm rồi,
còn bao nhiêu mấy nữa.
tàu sắt thâm sì,
“Đổi mới” xám tro,
tà vẹt gầy hao,
dan díu những lối mòn.
em ơi sân ga,
chiều nay mưa.
khách đợi tàu,
vẫn những con người cũ,
lam lũ, áo cơm,
cuộc sống chẳng đổi thay.
bao hao gầy,
gặm mòn từng đôi mắt,
ngó thăm thẳm vào đêm,
thấy dằng dặc chỉ đêm.
kẻ lên tàu,
như anh,
tìm nơi em.
hay tìm tới áo cơm, danh lợi.
hết thảy giống nhau,
mòn mỏi kiếp người.
mấy chục năm rồi,
còn bao nhiêu mấy nữa.
tàu quê mình,
bao đêm nữa phải qua.
bao mòn mỏi,
bao nhiêu trông ngóng,
mà nào thấy đâu,
một chút sáng cuối đường.
em ơi sân ga,
chiều như vẫn chưa qua?
hà nội – huế, 15.6.2012
đất nước mình,
còn có những thương binh,
không cụt chân, cụt tay,
mà tàn phế ở trái tim, khối óc.
đau lòng lắm,
con biết không,
chiến trận,
không giết nổi đồng đội ta,
họ chết giữa thời bình.
khi người ta đánh mất lương tâm mình,
mất lý trí,
trái tim,
thì tức là đã chết.
ôi bàn tay,
từng nắm bao xương thịt,
mắt lệ nhòa,
qua bao buổi tiễn đưa,
mà sao ta chưa ghê rợn bao giờ,
như hôm nay đây,
chôn xác đồng đội ta đang sống.
ai đã qua một cuộc chiến tranh,
bước khập khiễng,
trên sợi dây sinh tử,
sẽ hiểu được thiêng liêng sự sống,
nghĩa tồn sinh hơn mọi thứ trên đời.
họ sẽ không đòi hỏi đâu,
hạnh phúc được làm người,
đến phút này,
như ta là đã ra mắc nợ,
với đồng đội vô danh ngã xuống,
cả đời này không trả hết nói chi đòi.
nhớ lấy nghe con,
trả không hết nói chi đòi.
ta sinh ra vào buổi loạn ly,
ta không có lỗi,
cũng không có lý gì đòi quyền lợi,
ta ra chiến trường,
đó là phận sự của ta,
cũng như con giữ phận mình đang sống.
không ai có quyền chi đòi hỏi.
những người có quyền,
họ nằm xuống rồi con.
hà nội, 24.5.2012
dưới ngọn giáo
mang tên,
Ý thức hệ,
đất nước bị cầm tù.
Ý thức hệ,
đấu tố cha ông,
bỏ tù mọt gông,
bất cứ trái tim nào dám sống.
Ý thức hệ độc tài,
bội phản lẽ nhân sinh.
Ý thức hệ,
đẻ ra những điêu linh,
biến bệnh hoạn hoá ra lẽ thường tình.
người câm điếc hoá ra người biết sống.
quỳ gối, khom lưng ra kẻ ấy thiên tài.
dất nước tôi,
không còn thấy những hình hài,
nói dõng dạc tiếng Con người,
thuở ấu thơ mẹ dạy.
tội đấy phần ai,
ngoài mi,
Ý thức hệ độc tài.
hà nội, 19.5.2012
người mẹ hãi hùng,
thở dốc.
mặt thẫn thờ,
đau quá,
chết mất thôi.
cơn đau nhồi lên,
từ phía dưới.
máu trào ra,
lạy Chúa,
con tôi.
lạy Chúa,
nếu cần,
xin hãy cho con chết,
chỉ cầu mong đứa bé bình an.
người mẹ siết rên,
trong tâm khảm
mặc máu dưới mình,
đã lênh láng,
trào ra.
máu cơn đau trộn với nỗi lo âu,
chỉ kết thúc,
khi ta nghe tiếng khóc.
tiếng khóc ré lên,
trên Đất nước chúng ta,
và nỗi đau sẽ hết.
triệu trái tim còn chờ,
cơn đau còn tiếp diễn.
ôi! những nỗi đau dài.
chẳng sinh linh nào chào đời trên trái đất,
lại không mang theo nỗi đau của mẹ nó lúc trở cơn.
hà nội, 2.6.2012
hãy ngẩng mặt lên,
cho tôi thấy đôi mắt bạn.
không cần hét hò,
xin hãy cứ lặng im.
Đất mẹ có nói gì đâu,
Đất mẹ biết hết rồi.
hà nội, 1.7.2012
anh sợ lắm,
tiếng thét gào,
quyết liệt,
cả tiếng thì thầm,
đóng cửa bảo nhau.
anh sợ vô cùng,
em ơi,
đám đông,
những miệng lưỡi,
chực chờ nhai với nuốt.
sợ hơn cả,
ôi! những lời đường mật,
định kiến héo khô,
hôi hám bầy đàn.
nên thường khi,
anh vẫn thích mơ màng.
làn khói mỏng,
chiều tà ngai ngái.
nhè nhẹ qua,
mà lạ,
mà quen.
cho bờ môi em,
chẳng đừng đặng run lên,
cho son phấn,
thôi thêm màu tàn tạ,
một chút thôi,
nồng nàn,
không hối hả,
son phấn hết hững hờ,
son phấn cũng suy tư.
hà nội, 18.5.2012
Nhân vật
1 – Auguste, lấy hình mẫu từ Hoàng đế La Mã Augustus sinh năm 63 trước CN, mất năm 14 sau CN. 33
2 – Cinna, bạn cũng là địch thủ lớn nhất của Auguste.
3 – Camille, em gái của Auguste và cũng là người yêu của Cinna.
4 – Thần rừng
5 – Thanh gươm Abattit
6 – Giáo sỹ
7 – Nghệ sỹ
8 – Hoàng hậu Livie
Viện Nguyên lão muốn phong thần cho Auguste, một vinh dự còn cao hơn cả đế chế, đã biểu quyết tôn vinh và chuẩn bị xếp ông ngay khi còn sống vào hàng ngũ các vị thần.
Mở màn: Âm nhạc nổi lên.
Tại khu vườn hoàng gia, các cận vệ của Auguste bàn bạc về chuyện Hoàng đế được phong thần.
Cận vệ 1:
Nghề chúng ta chắc sắp tiêu tan,
vì làm sao để bảo vệ một vị thần,
với quyền năng vô biên,
có thể biến mọi thứ thành cỏ cây, súc vật?
Cận vệ 2:
A ha tội nghiệp cái anh này,
anh hỏi lạ và ngây ngô quá mức.
Đã bao giờ ta bảo vệ được ngài,
đã bao giờ ngài cần ta bảo vệ,
lũ chúng ta chỉ là thứ làm vì,
giờ cũng thế và sau này cũng thế.
ngài được phong thần,
ta sẽ được tăng lương thần vệ,
vẫn như thế, ngài vẫn cần cận vệ.
Cận vệ 3:
chúng ta và ngài chưa bao giờ tách biệt,
ngài hòa với ta trong sứ mệnh ngàn đời,
chúng ta tồn tại vì ngài, ngài tồn tại vì ta,
ngài được phong thần,
chúng ta cũng hưởng phần vinh quang của ông chủ.
Một tiếng chuông lớn, như chuông nhà thờ, như chuông tan họp… Đổi cảnh, các nhân vật từ trong Viện Nguyên lão đổ ra sân khấu, phiên họp biểu quyết việc phong thần đã kết thúc.
Giáo sỹ:
Chúng ta phong thần ngay khi ngài còn sống,
ngài sẽ ngự nơi thế giới thần linh,
còn chúng ta sẽ là thiên sứ,
thay mặt ngài ban mệnh lệnh đến thế gian.
Hết toan tính hết âm mưu cưỡng đoạt,
ngài sẽ giữ tuyệt đối tối cao quyền lực,
nơi thế giới thần linh và nơi đây trần thế.
Ngài tuyệt đối, ô hô ngài tuyệt đối,
tuyệt đối là không có gì.
tất cả sẽ về ta.
Ngài tuyệt đối, ô hô ngài tuyệt đối.
Rồi tất cả về ta, thiên sứ ban lệnh truyền,
thế gian này là của ta của ta của ta.
Nghệ sỹ:
Ngài được phong thần ta sẽ là tối cao nghệ sỹ.
Ta là nghệ sỹ của nghệ sỹ muôn đời.
Ta chạm hình ngài, ta vẽ mặt, đặt thơ,
Ngàn đời sau tôn thờ ngài qua bàn tay ta vẽ nặn.
Ô hô! Ngàn đời, ngàn đời.
Ô hô! Cái nhân loại ngàn đời con trẻ
sẽ ca tụng ngài vị thần, vị thánh,
thần thánh dưới bàn tay nhào nặn của ta,
thần thần thánh thánh từ tay nhào nặn.
Hoàng hậu Livie:
Ngài làm thần ta vẫn là hoàng hậu,
ta vẫn là hoàng hậu của ngài,
hoàng hậu một vị thần.
Ta vẫn là mẫu nghi thiên hạ.
Hậu cung là của ta.
Hậu cung trọn vẹn của ta.
Ngài làm thần, ngài sẽ được phong thần,
tất cả sẽ trong tay ta,
cung tần, mỹ nữ, cận vệ, thái y,
hết thảy trong tay này từ đây.
Camille:
Tại sao lại phải phong thần?
Như thế này thì có gì không tốt?
Tại sao lại muốn phong thần cho anh, Auguste
….
Bỗng vang lên tiếng hô từ hậu trường “Cinna về!”… đèn tắt, im lặng, rồi nhạc nổi lên cuồng nộ, như bão tố, như mưa sa, như cả núi sông, trời biển cuồn cuộn theo bước chân Cinna trở về.
Cinna:
Ta xưa đã chán cảnh người
Nay về đây chỉ vì Camille nàng hỡi,
Camille, Camille, Camille ….
Đổi cảnh, giữa núi rừng hoang dã
Thần rừng:
Sao ngươi lại muốn đến đây,
Bỏ bạn bỏ bè,
bỏ mẹ cha,
bỏ người yêu nhỏ bé.
Cinna:
Vì ta cô đơn,
Ta quá cô đơn giữa chốn con người,
Tham hận sân si muôn đời vẫn thế,
Cảnh đời tẻ nhạt chẳng có gì vui.
Từ Đông qua Tây từ Úc – Âu đến Tân thế giới,
Tất cả chỉ một màu già nua cũ kỹ,
Ta đã chán ngán quá chừng.
Thần rừng:
Nơi đây cũng đâu có gì vui
Lũ chim hót muôn đời một giọng
Cả tiếng suối từ thuở nào cũng thế
Vẫn núi, vẫn sông, vẫn mưa giông, gió bão
Chả phải muôn đời nay vẫn thế đó sao
Nơi đây nào có gì vui?
Hỡi chàng trai hãy kể ta nghe,
Chuyện người đời nơi trần thế!
Cinna:
A ha cuộc đời,
A ha con người,
Ngàn đời rồi vẫn còn như lũ trẻ
Kẻ thức tỉnh thì ngày đêm sầu muộn
Kẻ u mê thì như thú, như sâu
Mải miết kiếm
Mải miết tranh giành
Toàn là những hư danh ảo vọng
A ha cuộc đời,
A ha con người,
Ngài muốn biết phần nào trần thế?
Thần rừng:
Hỡi chàng trai hãy nói ta nghe
Trước hết về những con người chưa thức tỉnh!
Cinna:
Những kẻ này luôn chiếm lĩnh số đông
Đời nay, đời xưa và có lẽ đời sau cũng thế.
Khi sinh ra họ cũng là người.
Chỉ tha hóa khi đã nhiễm mầm giáo dục.
Học ăn học nói học cười,
Họ luôn cả thói đời nô lệ.
Nô lệ thói quen,
Nô lệ tập quán,
Nô lệ những đạo lý chết khô.
Họ mặc định chạy theo,
Tất cả những gì đám đông xui khiến.
Thần rừng:
Đám đông cũng có cái lý riêng,
Người ta nói đó là kinh nghiệm?
Cinna:
A ha lại kinh nghiệm!
Phải xem rằng nó là thứ khả nghi
Khi bản thân anh chưa bao giờ từng trải
Bi kịch của những kẻ u mê
Là mặc nhiên tin đó chính là chân lý
Và họ chui đầu vào rọ mắc bẫy thói quen, tập quán.
Thần rừng:
Chàng trai của ta,
anh đích thị là kẻ phản nghịch?
Cinna:
Ngài gọi đúng như thói đời vẫn gọi
Hỡi thần rừng nguyên ủy của ta ơi,
“Kẻ phản nghịch” là lưỡi gươm chí mạng
Chém vào bất cứ kẻ nào thức tỉnh giữa đám đông.
Nó mang trong mình sức mạnh ngàn cân
Của lịch sử của thói quen định kiến
Nhắm xuống cổ kẻ được gọi là phản nghịch.
Thần rừng:
Ta biết rồi, hãy nói cho ta
Kẻ thức tỉnh đỡ lưỡi gươm này có được?
Cinna:
Đây mới đúng là câu đáng hỏi!
Đa phần thì luôn bất khả thi,
Tức là cúi rạp mình dưới lưỡi gươm định kiến.
Mỗi con người trong cuộc đời tăm tối,
Cũng có đôi khi thức tỉnh chứ không phải tuyệt không!
Nhưng đa phần sẽ quay giáo chổng mông
Chui vào lại xó tăm, xó tối.
Thần rừng:
Nực cười nhỉ?
Họ không bao giờ xấu hổ?
Cinna:
Có chứ! nhưng này nhé
Họ có đầu tiên là lá chắn đám đông
Đám đông sẽ chở che
với tất cả sức bạo hành, cưỡng bức
Rồi thứ nữa họ vin vào ngụy biện.
Thần rừng:
Ngụy biện gì mà ghê vậy?
Cinna:
Ghê lắm, rất ghê là ghê!
Đó gọi là ngụy biện những cây cầu,
Họ chỉ là những cây cầu bắc cho mai sau từ quá khứ.
Thần rừng:
Như vậy cũng tốt chứ sao?
Ai lại bắc cho con cháu mình một cây cầu mục rỗng?
Cinna:
Nói thì thế mà thực kỳ không phải thế.
Cả lịch sử đè nặng lên vai,
Đời họ gánh chưa nổi nói chi cầu với kéo.
Cây cầu thực chỉ là hư danh,
Để họ trút lịch sử, hiện tại, tương lai lên vai con cháu.
Thần rừng:
Thế cuộc đời họ há chẳng thành vô nghĩa?
Cinna:
Đa phần chưa biết đến câu hỏi này,
Giá có biết thì cũng cúi mình trước lưỡi gươm định kiến.
Nên ngàn đời nay nước mắt cho mai sau,
người ta khóc cũng ít thôi, thần rừng ạ!
Còn như nước mắt biển dâu,
như đâu đâu vẫn nói,
đó đích thị là nước mắt cho người ta
cho riêng phần đời người ta ích kỷ.
Thần rừng:
Quả thực thế thì tệ quá chàng trai ạ?
Cinna:
Người ta chỉ có thể sống trọn vẹn đời mình,
Không thể sống đời cha, không sống cho đời con của họ.
Hiện tại là muôn đời lịch sử đổ lại và tương lai xô về
Không có những cây cầu, cũng chẳng gương chiếu hậu.
Thần rừng:
Anh đang nói đến những người thức tỉnh
Chẳng phải có gươm định kiến, chẳng phải họ sầu đau?
Cinna:
Gươm súng thì đời nào chả có,
Cả sầu đau muôn thuở khác chi đâu.
Mắc chi họ tự nhiên đau,
Họ đau để gánh bớt đau cho đời.
Tất cả rồi cũng sẽ tìm ra cách.
Thần rừng:
Sẽ có cách thật à?
Cinna:
Có chứ, có chứ, kiểu gì chả có!
Thần rừng:
Vậy phần anh, anh đã thấy ra chưa?
Cinna:
Chưa hẳn!
Nhưng trái tim ta đang mách bảo,
Hãy về với em, về với Camille!
Thần rừng:
Là về với cái xã hội văn minh,
nơi đã anh ngàn lần nguyền rủa?
Cinna:
Đúng thế!
Đổi cảnh, với âm thanh cuồng nộ của văn minh xã hội
Camille vào gặp Auguste báo tin Cinna đã trở về.
Auguste:
Em gái yêu của ta Camille,
Em đến báo cho ta Cinna đã về, chắc hẳn?
Camille:
Thì ra anh đã biết chuyện rồi,
Sao em không thấy trên gương mặt anh vui
Lại như có nét chi muôn lần sầu muộn?
Auguste:
Hỡi em gái nói chi lời khó hiểu,
Ta phải vui khi bạn ta về.
Người bạn đã cùng ta thuở u mê,
thoát cái đã hơn chục năm ròng
ngày Cinna đi tóc em vẫn còn thơm hoa cỏ.
Camille:
Vâng, tóc em thơm hoa cỏ,
Và bây giờ em đã là thiếu nữ,
Phải không anh, Auguste vĩ đại của em.
Auguste:
Vĩ đại, vĩ đại, ta thật là vĩ đại,
Chẳng phải em luôn thần tượng Cinna
Camille:
Hôm nay anh có chi rất lạ,
Chẳng phải anh luôn nhắc đến Cinna
Luôn ca tụng trước muôn ngàn dân chúng
Về tấm lòng cao cả của Cinna
Người chấp nhận muôn vàn gian khổ
Về với Thiên nhiên, lịch sử ngàn đời
Sống với thú rừng, với hoang dã thủy nguyên
Đặng để thấy con đường chân, thiện, mỹ.
Auguste trầm ngâm không nói.
Camille:
Em thực không thể nổi hiểu anh,
Anh phải thấy vui khi có Cinna ngày mai,
Trong lễ phong thần trong ngày trọng đại.
(Camille là như thế, không hiểu việc phong thần, thậm chí không thích nhưng cũng không phản đối và mặc nhiên thừa nhận, đó là ngày trọng đại)
Auguste:
Thôi được rồi em hãy trở lui
Để ta một mình, ta muốn riêng một cõi.
Đổi cảnh, còn lại một mình Auguste trên sân khấu, âm nhạc, tiếng rừng nổi lên
Auguste:
Hỡi thanh gươm Abattit ngàn đời
Ngươi đã nhuốm bao nhiêu máu con người nơi trần thế.
Thanh gươm Abattit (hóa thân trong một con người đeo mặt nạ):
Đủ để ngài thống trị cả thế gian,
Thế là ít hay nhiều ngài nhỉ?
Auguste:
Là đủ để tanh, tanh ngoé cả thế gian này
Ta cũng không biết thế là nhiều hay ít.
Abattit:
Ngài thấy sợ rồi sao, ôi Auguste của ta,
chẳng lẽ máu tanh đã ám ảnh được ngài,
ngài không muốn phong thần,
không muốn xa rời tanh máu?
Auguste:
Thần thánh nào chả dựng lên từ máu,
Có tượng thần nào không tạc bằng máu mỡ nhân dân.
Ngươi chưa hiểu chuyện rồi Abattit ạ.
Abattit:
Không có lẽ ngài không muốn thành thánh sống?
Auguste:
Cả đời cùng ta với âm mưu,
Ngươi lại chẳng hề nhận ra âm mưu phút cuối,
Ngẫm thử xem có gì thứ là vĩnh viễn,
Nếu không phải là thứ đã chết đi.
Cái gì chết đi sẽ là vĩnh viễn,
Chỉ cái chết mới vĩnh viễn trường tồn,
Chúng, tất cả bọn chúng, muốn phong thần
Ngay khi ta vẫn đang còn sống,
có khác chi muốn chôn sống thân ta
Trong vỏ bọc tự ta huyễn hoặc,
chúng dựng lên, hay chính cả từ ngươi.
Các ngươi sẽ mặc sức lộng quyền, tác quái.
Abattit:
Chưa khi nào tôi không thuộc về ngài
Chưa khi nào tôi mảy may nghĩ khác,
Hoàng đế của ta, oan cho ta quá người ơi?
Auguste đổi thái độ, vượt qua được trạng thái kích động.
Auguste:
Ừ, ta chẳng thể trách ngươi,
Cả thế gian này đã bị lừa,
Đã tự để bị lừa,
Kể cả ta cũng là nạn nhân,
Của âm mưu do chính ta sắp đặt.
Abattit:
Chẵng nhẽ không có cách gì cứu vãn?
Auguste:
Khế ước luôn là một âm mưu sắp đặt,
của người soạn ra và cả người ký nó.
Khi soạn ra khế ước Cộng hòa,
ta đã tròng vào cổ thế gian trăm ngàn cái ách,
thật không may là cho cả cổ ta.
Abattit:
Quả thật là tôi vẫn chưa hiểu?
Auguste:
Con người ta sinh ra tự do,
vì muốn sống cùng tha nhân,
nên người ta đẻ ra luật tục.
Con người ta sinh ra ham sống,
ham yêu và ham quyền lực tối cao.
Ta cũng thế, gã dân cày kia cũng thế.
Nhưng làm sao để thỏa mãn tất cả được đây,
vậy là ta phải có cái gọi là khế ước,
để điều hòa ham muốn khắp thế gian.
Abattit:
Vậy thì tốt chứ sao?
Auguste:
Nhưng khế ước là cái chết khô,
nó chỉ sống đúng một lần,
lúc người ta sinh ra nó.
rồi sau đó nó là tín điều lạc hậu,
là thứ gông cùm định chế người ta.
Con người và xã hội của anh ta,
là cơ thể sống, không ngừng vận động,
cái ham sống của ngày hôm qua,
không phải cái sống của ngày hôm nay ta có.
cái ham yêu của ngày hôm qua,
không phải cái yêu mà hôm nay ta say đắm.
cái ham quyền lực của ngày hôm qua,
không phải thứ thống trị ngày hôm nay ta theo đuổi.
và đương nhiên vào ngày mai sẽ khác.
Abattit:
Chả nhẽ không có gì là tối cao nguyên ủy?
Auguste:
Tuyệt đối không!
Abattit:
Tôi thực tình vẫn chưa hiểu tại sao,
ngài không thể cưỡng được việc phong thần.
nếu ngài thực tình không muốn,
đế chế này ai cưỡng được ý ngài?
Auguste:
Không riêng ai có thể cưỡng được ta,
Nhưng cả đế chế thì lại là chuyện khác.
Khi tất cả cùng chung một rọ,
Thì bản thân ta cũng hóa nô lệ của ta.
khi sở hữu thứ gì không thể rời bỏ,
thì chính là ta đã nô lệ nó rồi.
cái khế ước do ta đặt ra,
đã đặt ta lên quyền cao tuyệt đỉnh,
chả phải thứ ta không thể bỏ lúc này sao?
Abattit:
Nếu ngài chấp nhận phong thần,
Ngài sẽ thoát được khỏi vòng khế ước.
Lũ giáo sỹ chúng giành lấy kim cô,
Sẽ chịu luôn cả cái danh tội nhân thiên cổ?
Auguste:
Ngươi không biết lịch sử rất công minh?
Tội ta hậu thế ngàn đời xét soi, vạch ra hết cả.
Như cái đống thánh thần thuở trước,
Siết ghì mấy ngàn năm giờ vẫn lộ chân kim.
Vừa lúc Auguste gục xuống bàn thì gia nhân vào báo Cinna xin gặp.
Nhạc, dịu dàng êm ái.
Auguste và Cinna lại ngồi uống rượu với nhau như ngày nào
Auguste:
Cinna anh có thấy không,
Xung quanh ta vào lúc này đây,
toàn một lũ người người, ngợm ngợm.
Giờ lại bày trò phong thần, phong thánh,
Chắc anh hiểu ta, ta bế tắc rồi Cinna.
Cinna:
Nếu anh không tin,
tôi cũng đang muốn làm lại từ đầu,
tôi muốn đến cầu hôn Camille,
tôi không tìm thấy mình, giữa Tự nhiên, muông thú.
Auguste:
Tôi đã đánh mất mình thậm tệ,
Còn anh, anh không tìm thấy bản thân.
Hai chúng ta lẽ nào đều sai,
Không thể ngược trở lại Tự nhiên
Cũng không có cách hữu hiệu để đi vào Xã hội?
Cinna:
Sau trái cấm đầu tiên,
Loài người đã không thể nào dừng lại,
Tôi, anh và không ai có thể đi ngược chiều lịch sử.
Auguste:
Nhưng đế chế này chả phải một tay ta gầy dựng,
Lịch sử đế chế này còn ai viết ngoài ta?
Cinna:
Khi cầm bút viết nên lịch sử,
Anh thực ra chỉ là kẻ thi hành.
Auguste:
Đó là điều anh học từ Tự nhiên,
Từ nguyên thủy loài người anh đã gặp?
Cinna:
Đó là điều tôi nhận ra,
Khi rời khỏi nơi gọi là Tự nhiên hoang dã,
Trên đường tôi trở về với văn minh.
Với tình yêu thuở ban đầu, với Camille yêu dấu
Auguste:
Phần anh, anh có thể trở về,
với Camille, với tình yêu anh nguyên vẹn.
phần ta, ta đã tận số rồi,
bàn tay ta nợ máu đã quá nhiều,
chẳng thể nào trốn chạy được án tòa lịch sử.
Cinna:
Tội tôi cũng nặng như anh,
cưỡng bức Tự nhiên bằng nụ hôn máy móc.
Là thiên hạ còn u mê chưa tỏ,
chẳng có gì còn nguyên vẹn cả đâu.
Đến lượt tôi, tôi cũng sẽ chịu phần phán xử.
Auguste:
Chi bằng ta tự phán xử ta,
Quân bay đâu bày cho ta hương án.
Cinna lùi lại ánh mắt đầy vẻ ngạc nhiên. Hương án được bày ra. Auguste rút thanh gươm Abattit đeo bên mình.
Cinna (đổi giọng):
Ngài là một bậc quân vương,
Thân xác ngài không còn thuộc riêng phần ngài nữa,
Hương án này cũng chẳng có nghĩa chi,
không dễ để tự phán xử mình hữu hiệu.
Auguste cầm thanh Abattit lên tự cứa cổ mình và gục xuống. Bão tố nổi lên.
Đổi cảnh.
Ánh sáng chói lòa, cùng lúc hiện ra, cảnh Cinna ngự trên ngai vàng, phía sau là quan tài Auguste và gia quyến, bên tả là Nguyên Lão Viện, bên hữu là thần dân đế quốc.
Lời sấm từ hậu đài:
Lễ phong thần trở thành lễ tang Hoàng đế.
Theo di thư Auguste vĩ đại,
Cinna sẽ cưới Camille và kế vị ngai vàng.
Cinna:
Khi tượng thần sụp dưới chân đài,
Khế ước cũ sẽ không còn hiệu lực.
Viện Nguyên lão (đế theo):
Không còn hiệu lực!
Không còn hiệu lực!
Thần dân đế quốc và gia quyến Auguste ngơ ngác!
Cinna:
Abattit hãy thực thi lời ta,
Vô hiệu hóa hết lũ ban lệnh truyền,
Bắt lấy cho ta và xử tử ngay tức thì,
Hết thảy lũ người trong Nguyên Lão Viện.
Lệnh của Cinna lập tức được thực thi.
Thần dân:
Cinna vạn tuế!
Cinna vạn tuế!
Cinna vạn tuế!
Cinna:
Mẹ Thiên nhiên đã nói với ta rằng,
Chân lý không của riêng ai,
Mọi khế ước cũ xưa sẽ hủy bỏ,
Con người cần được trả về với Tự nhiên,
Chỉ có Tình yêu, Tình yêu và Tự do ngự trị.
Thần dân:
Không ai độc quyền chân lý!
Không ai độc quyền chân lý!
Chỉ còn tình yêu!
Chỉ còn tình yêu!
Cinna vạn tuế!
Cinna:
Cả Cinna cũng không còn vạn tuế,
Ngai vàng này cũng hủy bỏ từ đây,
Thần dân hãy tự mình lo đế chế.
Thần dân ngơ ngác, hỗn loạn. Bão tố nổi lên.
Đổi cảnh.
Auguste, tỉnh dậy sau một đêm ngủ gục trên bàn.
Auguste có thói quen ngủ ngay trên bàn khi đang uống rượu. Mồ hôi ướt đầm lưng, thanh Abattit vẫn trong tay ngài.
Auguste:
Thì ra chỉ là một giấc mơ!
Auguste nâng thanh Abattit lên và bẻ gãy, máu chảy đầm đìa nơi tay Auguste, hòa trong sấm chớp bão tố!
Auguste (mặt đầy hiểm ác):
Sẽ không ai còn chiếm đoạt được ngươi,
Abattit ngươi thuộc về ta vĩnh viễn,
Hết toan tính hết âm mưu chiếm đoạt
Từ đây quyền lực trọn vẹn thuộc về ta.
Auguste (hét lớn):
Quân bay đâu tìm bằng được Cinna,
Giết ngay hắn cho ta không cần phán xử,
Hắn là kẻ rắp tâm phản nghịch,
Nuôi âm mưu bạo loạn đế chế này,
Hãy cầm tù ngay con Camille,
Nó đồng lõa với Cinna,
muốn khơi dậy tình yêu xảo trá,
khơi dậy Tự do làm rối loạn nhân tâm.
Hết
hà nội, 28.4.2012
thơ n.đ.k
dackienn@gmail.com
(nguồn: anhbasam blog)
- Trang Thơ Nguyễn Đắc Kiên Nguyễn Đắc Kiên Thơ
• Từ Nguyễn Chí Thiện đến Nguyễn Đắc Kiên (Nguyễn Văn Lục)
• Trang Thơ Nguyễn Đắc Kiên (Nguyễn Đắc Kiên)
Thơ Nguyễn Đắc Kiên (rfa.org)
Trò chuyện với nhà báo Nguyễn Đắc Kiên
(Trần Phong Vũ, tintuchangngayonline.com)
Đọc “Hãy Ngẩng Mặt” của Nguyễn Đắc Kiên (Trịnh Bình An, dcvonline.net)
• Trang Thơ Nguyễn Đắc Kiên (Nguyễn Đắc Kiên)
Bài viết khiến nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị thôi việc (diendantheky.net)
(dackien.wordpress.com)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |