|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Học giả Nguyễn Hiến Lê
(1912 - 22.12.1984)
Nguyễn Hiến Lê, một tác giả của hơn một trăm cuốn sách, một nhà biên khảo có nhiều công trình to lớn, một dịch giả chuyển ngữ được những tinh túy văn chương ra Việt ngữ, một học giả được nhiều nể trọng của văn giới, và cũng là một người đã trung thực khi viết hồi ký. Đọc những tác phẩm về văn học, về triết học, về xã hội học, về sử học, về ngôn ngữ học, hay các sách học làm người, chúng ta mới thấy được sự sâu sắc phong phú nhưng lại được diễn tả bằng một văn phòng rõ ràng chính xác những đơn giản nên nhiều vấn đề khúc mắc phức tạp trở thành dễ hiểu. Thế mà, ông lại khiêm tốn nói rằng ông cầm bút viết để tự học hỏi. Không biết có phải đó là một điển hình kẻ sĩ để mấy vị hay cao ngạo khoe khoang phải suy nghĩ?
Đọc hồi ký “Đời Viết Văn Của Tôi”, chúng ta thấy được gì? Có phải qua những tác phẩm, ông muốn bày tỏ tấm lòng của mình với văn chương chữ nghĩa. Nhìn và quan sát người khác | dễ hơn là quan sát nhận định về chính mình. Ông cũng hiểu rất rõ điều ấy và trong phần mở đầu cuốn hồi ký ông đã rất khiêm nhượng:
“Chép hồi ký về đời mình, lại càng dễ bị nhiều người chê là chỉ nêu lên những cái hay của mình mà giấu những cái xấu, ngay khi tự vạch những cái xấu của mình ra thì nếu không phải do lòng tự cao cũng là để tự biện hộ. Dù là tập Confessions của J. J. Rousseau hay tập Autobiography của Bertrand Russel thì cũng chỉ đáng tin một phần nào mà thôi.
Tôi lại nhận thấy bây giờ chép lại tuổi thơ và thiếu niên, tôi bỏ đi gần hết những điều tôi đã chép năm 1935, mà tập tôi mới viết xong đây nếu chép lại từ 1974, đầu năm 1975, thì nội dung tất khác bây giờ nhiều, nếu trái lại tôi được sống đến năm 1985-1990 và lúc đó mới chép thì nội dung cũng lại khác, có thể khác xa nữa.
Tôi đã ghi tình cảm suy tư của tôi lúc này về một số việc đã xảy ra trong đời tôi mà tôi đã được nghe và thấy. Có nhiều chỗ tôi đã vô tình chép sai sự thực, hoặc bỏ sót, điều đó không sao tránh được. Lỗi ở ký tính con người, nó bị tình cảm sai khiến, lại thêm ở tuổi bảy mươi như tôi, nó suy giảm nhiều rồi.”
Ở trong nước vừa in Tuyển Tập Nguyễn Hiến Lê, gồm bốn cuốn bìa cứng toàn bộ gần bốn ngàn trang với Tập 1: Triết học, Tập 2: Sử học, Tập 3: Ngữ học và Tập 4: Văn học. Thật ra, như vậy vẫn chưa đầy đủ lắm với văn nghiệp của ông. Vẫn còn nhiều thiếu sót, dù bộ sách đã có bề dầy. Những công trình của ông, là những tài liệu khả tín cho những người lớp sau để có thể phác họa ra được một thực tế văn học của một thời đại nhiều đặc biệt.
Nguyễn Hiến Lê sinh năm 1912 và trong suốt cuộc đời đã trải qua rất nhiều biến cố của đất nước và dân tộc Việt Nam. Ông lớn lên khi lối học cổ điển “chi hồ dã đã bị suy vị và trường học đã dạy bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Ông cũng có một thời học chữ Nho và sau đó vào trường học. Người cha mất sớm nên trong gia đình mẹ góa con côi có lúc ông đã lêu lổng trốn học nhưng sau đó lại tu tỉnh và học hành tiến bộ hơn. Có lẽ, ông chịu ảnh hưởng của hai nền giáo dục và đó cũng là một điểm đặc biệt của ông.
Nguyễn Ngu Ý trong “Sống và Viết" đã có nhận định về Nguyễn Hiến Lê:
“Trong làng văn nước nhà, có lẽ không ai dự bị vào nghề lâu như anh: trên mười năm trời và thời hậu chiến chưa có tác giả nào viết, dịch đều và có sách xuất bản nhiều như anh; bốn mươi bốn quyền đã in và có độ một chục cuốn đang in hoặc sẽ in. Anh cũng lại là nhà văn mà nhiều người thắc mắc. Đã có hơn một người hỏi tôi:
- Anh Lê thuộc về lớp cổ hay lớp mới?
Quen anh trên mười năm mà tôi chưa từng tự hỏi như vậy bao giờ và tôi đã lúng túng không trả lời được.
Cứ xét lối làm việc thì anh là người mới: có tổ chức, có phương pháp như một nhà khoa học; nhưng xét lối sống, lối cư xử thì lại như một người cổ: thanh bạch, giản dị, chỉ ưa sách và hoa, ghét sự ồn ào, nhất là sự ồn ào của danh vọng, tính tình có vẻ như hơi nghiêm; đối với bạn bè thì chân thành nhưng cũng có cái vẻ đạm mạc của nhà Nho. Sách anh viết và dịch thì có những cuốn về tấn kiến thức như thuật về tổ chức, về tân giáo dục, về ngữ pháp, về kinh tế (học thuyết Fourastié); về chính trị (cuốn Xung Đột Trong Đời Sống Quốc Tế); mà lại có những cuốn về cổ học như Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc hay Đại Cương Triết Học Trung Quốc.
Anh rất trọng cái thực học mà có lúc đề cao đạo học, trọng lối tổ chức làm việc của u Mỹ mà lại ghét lối sống u Mỹ thích cái tinh thần tri túc, thanh đạm của phương Đông. Trong cuốn Một Niềm Tin anh khuyên thanh niên phải xắn tay áo và thắt bụng lại, sản xuất gấp đôi mà tiêu pha bớt đi để nước nhà mới có cơ thịnh vượng được, nhưng riêng anh có nhiều cơ hội làm giàu một cách lương thiện thì anh lại gạt đi. Anh viết cuốn “Tổ Chức Công Việc Theo Khoa Học” rồi lại dịch cuốn “The Importance of Living” (Một quan niệm sống đẹp) của Lâm Ngữ Đường. Anh rất thích ít bài cổ văn Trung Quốc như A Phòng Cung Phú, Đằng Vương Các Tự, Bắc Sơn Di Văn mà lại cũng rất thích các tác giả mới như Marcel Proust.
Anh theo dõi những trào lưu tư tưởng mới của thế giới mà cũng vẫn đọc những tác phẩm của cổ nhân, đọc cả sách về đông y, về tử vi, tử bình, bói dã hạc, về địa lý (môn phong thủy hồi xưa), mà đọc trong bản chữ Hán, đọc để biết. Văn anh viết có bài nửa biền nửa tản như bài Hương Sắc Trong Vườn Văn, có đoạn lại làm gợi nhớ tới lối hành văn của Michel Butor như đoạn cuối bài Đuổi Bắt Ảo Ảnh, nhưng xét chung thì anh rất ưa sự bình dị.
Cho nên bảo anh là cổ thì không đúng, mà bảo anh là mới thì anh cũng không mới hẳn. Anh có mâu thuẫn với anh chăng? Trong con người anh có hai phần chăng? Một phần chịu ảnh hưởng của gia đình, một phần chịu ảnh hưởng của học đường chăng? Nhưng bảo là mâu thuẫn thì có đúng không? Thế nào là mâu thuẫn? Thế nào là dung hòa? Tôi không biết được mà có lần đem ra hỏi lại anh, thì anh cũng không trả lời được, cho rằng đó là tùy theo nhận xét của mỗi người.”
Với tôi, tôi ngưỡng phục tác phẩm của ông. Với cách trình bày trong sáng, đơn giản nhưng không qua loa, người đọc dễ lãnh hội được những điều mà tác giả gửi gấm trong chữ viết. Và bàng bạc, trong chữ nghĩa, trong ý tưởng là cái tâm thẳng thắn và ý hướng giúp những người muốn học hỏi có dịp để đạt cho bằng được những kiến thức cần thiết cho đời sống.
Nhưng, tôi không thích ông ở ý hướng chính trị. Sống ở miền Nam nhưng lòng ông lại hướng về miền Bắc. Trong hồi ký ông viết:
“Cho tới năm 1974 tôi đã được biết ba xã hội: xã hội nông nghiệp của ông cha chúng ta, xã hội tư bản của Tây phương do ảnh hưởng của Pháp và vài nét xã hội tiêu thụ (societé de consommation) ở thời hậu kỹ nghệ (post-industriel) của Mỹ; ba xã hội đó tôi đã phác qua trong các phần trên.
Từ năm 1975 tôi lại được biết thêm một xã hội nữa mà người ta gọi là xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa. Tôi vốn có cảm tình với Việt Minh, với Cộng Sản, ghét thực dân Pháp, Mỹ, nhất là từ 1965 khi Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam, tôi khinh những chính phủ bù nhìn của Pháp, Mỹ. Tôi phục tinh thần hy sinh có kỷ luật của anh em kháng chiến và mỗi lần có thể giúp họ được gì thì tôi sẵn lòng giúp.”
Ông Nguyễn Hiến Lê đã viết thẳng thắn ra như vậy. Ông vẫn còn bị chiêu bài kháng chiến chống thực dân lôi cuốn mà không nhìn ra cái nguyên do của cuộc chiến ủy nhiệm của các thế lực cường quốc trên thế giới gây ra cuộc nội chiến tương tàn nồi da xáo thịt. Cái tâm lý ấy khá thông thường với người miền Nam chưa bị nếm mùi cải cách ruộng đất, chưa bị đảng trị một cách lộ liễu như ở miền Bắc.
Một hành động chống đối bất hợp tác với chính quyền VNCH là ông đã từ chối Giải Tuyên Dương Sự Nghiệp Văn học Nghệ Thuật năm 1973 của Phú Quốc Vụ Khanh Văn Hóa. Cũng như trước đó ông đã từ chối Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1967 khi ông được giải cùng với ông Giản Chi Nguyễn Hữu Văn. Ông từ chối với lý do là dùng hiện kim ấy để giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc và bản thân ông không tham dự giải...
Nhưng, sau khi đã sống với chế độ Cộng sản từ sau năm 1975. Ông nhận ra được sự thực và trong cuốn hồi ký đã giành ra một phần khá quan trọng nhận xét về thực trạng xã hội Việt Nam. Phần viết trong hồi ký ấy chỉ có bản in ở hải ngoại do nhà xuất bản Văn Nghệ của ông Từ Mẫn Võ Thắng Tiết là có, còn bản in ở trong nước của nhà xuất bản Hội Nhà Văn thì bị cắt xén và “biên tập” tơi bời.
Trong Tự Điển Văn học (bộ mới) xuất bản ở Sài Gòn năm 1992, Nguyễn Q. Thắng đã tóm gọn sự nghiệp văn học của ông Nguyễn Hiến Lê như sau:
“Ngòi bút Nguyễn Hiến Lê đề cập đến nhiều lĩnh vực mà ở lĩnh vực nào cũng có căn cứ khoa học, am tường cặn kẽ về các đối tượng, sâu sắc về các vấn đề được nhắc tới và không thiếu tính nghệ thuật.
Tác phẩm của ông bao gồm nhiều chủ đề như:
Văn học: Gồm một số tác phẩm đặc sắc và công phu như Hương Sắc Trong Vườn Văn (2 cuốn, 1962) Luyện Văn (3 cuốn, 1953), Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc (3 cuốn, 19541966), Tô Đông Pha (1970)... giới thiệu được những tinh hoa của văn học Trung Quốc cũng như nghệ thuật văn chương Việt Nam.
Ngôn ngữ học: Để Hiểu Văn Phạm (1952), Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (1963) Chúng Tôi Tập viết Tiếng việt... có nhiều phát kiến mới về ngôn ngữ học Việt Nam đồng thời vận dụng được những tiến bộ mới nhất của ngữ học hiện đại vào ngữ pháp tiếng Việt.
Triết học: Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc (2 cuốn 1966) Nho Giáo Một Triết Lý Chính Trị (1958), Liệt Tử và Dương Tử (1972), Một Lương Tâm Nổi Loạn (1970), Bertrand Russel(1971)... trình bày được một hệ thống triết học cổ điển Trung Hoa cũng như những tấm gương lớn về chân dung các triết gia Tây Phương hiện đại.
Sử học: Gồm một số tác phẩm về lịch sử và văn minh sử thế giới như: Lịch Sử Thế Giới (4 cuốn, 1955), Bài Học Isarael (1968), Bán Đảo Ả Rập (1969), Bí Mật Dầu Lửa (1969), Bài Học Của Lịch Sử (1972), Nguồn Gốc Văn Minh (1974), Văn Minh Ả Rập (1969), Sử ký Tư Mã Thiên (1970), Chiến Quốc Sách (1968), Đông Kinh Nghĩa Thục (1954), Sử Trung Quốc (3 cuốn, 1982 )... là những cái nhìn xuyên suốt về lịch sử văn minh sử thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam.
Gương danh nhân: gồm có một số tác phẩm viết về Gương hy sinh (1962), Gương Kiên Nhẫn (1964), Gương Chiến Đấu (1966), Ý Chí Sắt Đá (1971), Những Cuộc Đời Ngoại Hạng (1970), Einstein(1971)... là những bài học thiết thực cho nhiều lớp người nhất là thành phần thanh thiếu niên đang ở ngưỡng cửa của cuộc đời.
Giáo dục: trình bày những quan điểm về giáo dục về các lớp tuổi trong đời sống gia đình Việt Nam. Loại này gồm: Thế Hệ Ngày Mai (1953), Tìm Hiểu Con Chúng Ta (1966), Tự Học Để Thành Công (1954), Tự Học Một Nhu Cầu Của Thời Đại (1964), Làm Con Nên Nhớ (1968), Sống 24 Giờ (1956).
Tự luyện đức trí: Tác giả vừa dịch vừa nghiên cứu về các chuyên đề giáo dục có tính cách xã hội như: Tương Lai Trong Tay Ta (1962), Luyện Lý Trí (1965), Rèn Nghị Lực (1956), Ý Cao Tình Đẹp (1967). Loại này có trên hơn 20 cuốn có giá trị. Trước năm 1975 số ấn bản lên đến hàng vạn cuốn. Hiện nay các nhà xuất bản trong toàn quốc đang tiếp tục tái bản.
Cảo luận: là một số chuyên đề về văn chương, văn hóa, văn nghệ như Nghề Viết Văn (1956), Vấn Đề Xây Dựng Văn Hóa (1967), Mười Câu Chuyện Văn Chương (1975), Con Đường Hòa Bình (1971) là những đóng góp sáng giá của ông vào văn chương đạo đức và cảm thụ học thuật cho độc giả yêu mến văn nghệ.
Dịch thuật: Nguyễn Hiến Lê có một khả năng dịch thuật rất sung mãn. Từ khi bắt đầu cầm bút cho đến khi cuối đời ông có bằng chục công trình dịch thuật sáng giá nhất là các bộ tiểu thuyết lớn phương Tây như Chiến Tranh và Hòa Bình (4 cuốn, 1968), Cầu Trên Sông Drina (1972), Câu Chuyện Thương Tâm (1956), Kiếp Người (1962), Một Mùa Hè Vắng Bóng Chim (1990), Cổ Văn Trung Quốc... và một số lượng tác phẩm biên khảo viết bằng chữ Pháp, chữ Hán cổ cận thế giới.
Du ký: gồm một số quyển ghi chép lại các lần đi thực địa ở các địa phương. Loại này không phải là những tác phẩm thuần túy văn chương mà là những đóng góp thiết thực cho khoa học tự nhiên, xã hội, văn học nữa như Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười (1954), Đế ThiênĐế Thích.. cùng một số sách về quản trị công nghiệp, kinh tế, giáo khoa toán. Bên cạnh ông còn viết hơn 300 chuyên đề trên các tạp chí chuyên ngành (trong các tạp chí ở Sài Gòn trước 1975).."
Thật là một công trình văn học nghệ thuật đồ sộ. Ông là một học giả có nhiều uy tín trong giới trí thức và sau năm 1975, chế độ Cộng sản cũng có nhiều cư xử đặc biệt với ông. Những người như ông, như Bình Nguyên Lộc được níu kéo để tham gia vào sinh hoạt văn học nhưng đều bị cự tuyệt một cách khéo léo.
Năm 1981, ông Nguyễn Hiến Lê viết xong bộ hồi ký. Ở trong nước, nhà xuất bản Văn Học in năm 1993. Ở hải ngoại, nhà xuất bản Văn Nghệ của ông Từ Mẫn Võ Thắng Tiết in ra làm ba tập. Tập 1 xuất bản năm 1990, tập 2 xuất bản năm 1990, và tập 3 xuất bản năm 1998. So sánh hai bản in ở trong nước và ở hải ngoại, thấy sự khác biệt rất lớn. Bản in ở hải ngoại thì tông trọng bản thảo không sửa chữa nào quan trọng trong khi bản in ở trong nước thì bị cắt xén và “biên tập" tơi bời, nhất là những nhận định trung thực của tác giả Nguyễn Hiến Lê về tình trạng văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế ở trong nước. Ông phê phán chính xác, nói có sách mách có chứng và bằng chứng là chính thực tế của cuộc sống. Do đó, bản ở trong nước không có những phần ấy là một điều cố nhiên của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Trước 1975, ông đã đọc những bài tố Cộng cũng như đã nghe những người từ Bắc di cư vào Nam kể lại thời cải cách ruộng đất. Hay đã đọc những cuốn sách viết về đời sống ở Nga, với sự kềm kẹp của mật vụ và những vụ khủng bố trắng thời Stalin. Hoặc biến cố tết Mậu Thân năm 1968 với vụ thảm sát ở Huế. Cũng như ông đã đọc những lời chỉ trích chế độ Cộng sản của nhà văn Soljenitsyne và nhà bác học Sakharov cha đẻ ra bom nguyên tử của Nga. Rồi những André Gide, Bertrand Russel, mới đầu thiên động nhưng sau lại chỉ trích nặng nề, hay những Koestler, Georghiu, Djilas,... mới đầu là đảng viên trung kiên nhưng sau phản tỉnh chống đối gay gắt.
Dù vậy nhưng Nguyễn Hiến Lê vẫn thiên về miền Bắc và hy vọng rằng sau hiệp ước Paris sẽ có hòa bình và sẽ có chính phủ ba thành phần.
Nhưng, khi đã sống với Cộng sản, ông đã nhìn ra tất cả những khuyết điểm của một chế độ vô sản chuyên chính. Ông có những nhận xét rất xác thực, về đời sống người dân trong thời kỳ đó. Ông phân tích rõ ràng từ hệ thống hành chánh phường khóm, từ tinh thần làm việc bê trễ đến hệ thống giấy tờ phiền nhiễu phức tạp, cũng như nạn những lạm, ức hiếp dân chúng. Ông kể chuyện những ngày đổi tiền, biết bao nhiêu người trở thành tay trắng vì thủ đoạn ăn cướp tài sản người dân một cách công khai. Rồi ông nhận xét về kinh tế, về công nghiệp, nông nghiệp, mặt nào cũng đều thất bại thê thảm. Những công ty quốc doanh không tạo được sản phẩm, lại lối quản trị, làm việc lề mề, nên trở thành gánh nặng cho quốc gia. Những nông trường khai hoang, hoặc vùng kinh tế mới, làm theo chỉ thị và lấy có nên không có kết quả, và có thể là nơi lưu đày của những người sống ở thành phố. Về phân phối hàng hóa, thì ngăn sông chắn chợ, gây phiền hà cho dân. Rồi chiến dịch đánh tư sản, kiểm kê tài sản, những cuộc vơ vét, tịch thu của cải. Tóm lại, là cả một xã hội xuống cấp trầm trọng, tự do hạn chế, dân chúng nghèo khổ,...
Đọc Hồi ký Tập 3 của Nguyễn Hiến Lê, tôi có cảm giác như đang đọc một bản cáo trạng buộc tội chế độ Cộng sản một cách rất nặng nề. Trong hơn 200 trang giấy, ông viết thật chân thành, nêu lên những sự thực và gửi theo những nỗi niềm đau lòng của một người đã thức tỉnh dù hơi muộn màng. Dù được kể vào hàng nhà văn tiến bộ, và được chế độ mới dành cho nhiều ưu đãi cũng như mời mọc để tham dự các buổi lễ cũng như các sinh hoạt văn hóa nhưng ông | tránh né và luôn luôn làm người đứng ngoài.
Đọc những đoạn văn, viết thẳng thắn, không sợ sệt, không né tránh sự thực, tôi mới thấy cái tư cách kẻ sĩ vòi vọi của ông. Có những người, hồi trước thiên Cộng, nay muốn thay đổi suy tư mà vẫn chưa dám mạnh dạn, vẫn còn nói quanh nói co, không dám chấp nhận cái sai sót của mình. Còn với ông Nguyễn Hiến Lê, nghĩ gì viết nấy, không có áp lực nào làm ông thay đổi được thái độ.
Hãy đọc đoạn ông viết về phong trào vượt biên:
“Từ năm 1977, người ta dùng đường biển, phong trào vượt biên phát triển rất mạnh tới mức | một bà già nông dân miền Tây phải nói ”Cây cột đèn nếu đi được thì cũng đi”. Dù phải gian | lao khổ cực tới mức nào hễ ra khỏi được nước là sướng rồi, làm mồi cho cá mập vẫn còn hơn lại trong nước mà chết lần chết mòn, người ta nghĩ vậy.” (trang 109)
Hay:
“Người ta nhận định sai về tình trạng miền Nam. Trước ngày 30-4-1975, miền Nam rất chia rẽ, nhiều giáo phái đảng phái nhưng tiến bộ hơn miền Bắc nhiều về mức sống, kỹ thuật, nghệ thuật, văn hóa nhờ ngôn luận được tương đối tự do, nhờ được đọc sách báo ngoại quốc, biết tin tức thế giới, du lịch ngoại quốc, tiếp xúc với người ngoại quốc..., cả về đạo đức nữa, vì đủ ăn, người ta ít thèm khát mọi thứ, ít gian tham (tôi nói số đông) ít chịu làm cái công việc bỉ ổi là tố cáo người hàng xóm chứ đừng nói tới người thân, nói chung là không có hành động nhơ nhớp như nhiều cán bộ ở Bắc tôi đã kể ở trên. Tôi còn nhận thấy vì người Nam bị coi là nguy hết nên càng đoàn kết với nhau, thương nhau: cùng là ngụy với nhau mà!” (trang 115)
Hoặc:
”làm cho người dân tưởng rằng chỉ phải đi cải tạo nửa tháng mà rốt cuộc là phải đi 5-6 năm, có thể là 10 năm, bảo là cho họ đi học tập, cải tạo tinh thần mà sự thật để hành hạ, để trả thù, như vậy làm sao dân tin được chính quyền. Lệnh trung ương ban hành, địa phương không theo, làm ngược hẳn lại, lương hưu trí không phát, tiền tiết kiệm gửi ngân hàng không cho rút ra mà không thẳng thắn cho họ biết lý do, cứ làm thinh để dân chờ hết ngày này qua năm khác, chờ chán thì tuyệt vọng thôi không đòi hỏi nữa; cho người ta vượt biên bán chính thức, thu của mỗi người bao nhiêu lượng vàng rồi bỗng nhiên ngưng lại hết mà không trả đủ vàng lại cho người ta, thâu thuế của người ta và cho phép bán ở chợ trời rồi đột nhiên bao vây cả một khu, tịch thu hết hàng hóa, khi chưa nắm chính quyền thì hứa sẽ bỏ hết các thuế chợ, chia đất cho dân cày, nắm chính quyền được ít lâu thì thuế chợ còn nặng hơn trước, mới chia đất cho dân thì đã bắt đầu vào hợp tác xã nông nghiệp, bỏ quyền làm chủ miếng đất của họ mà làm chủ tập thể; tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng miền Nam theo chế độ dân chủ, trung lập, rồi một năm sau đã thống nhất quốc gia, hủy bỏ chế độ đó, bắt miền Nam theo chế độ xã hội chủ nghĩa như miền Bắc, báo chí, các đài phát thanh chi thông tin một chiều, không cho dân biết sự thực, đến nỗi chính các cán bộ ở bưng về cũng phàn nàn rằng báo chí nói láo hết, như vậy làm sao dân tin chính quyền được.” (trang 119-120)
Và rất nhiều những đoạn tương tự như thế trong tập hồi ký. Viết hồi ký có phải là ghi lại trung thực những sự kiện, tôi nghĩ như thế. Và xa xôi hơn, trong hoàn cảnh lúc đó, trong sự theo dõi ngặt nghèo như vậy, ông Nguyễn Hiến Lê đã viết được những trang sách để đời. Những người lớp sau, đọc những trang sách ấy, không còn bị che dấu bởi những lối viết mập mờ của những người viết không dám nói lên sự thực. Ngay như một người đi theo Cộng sản đến cuối đời như Thiếu Sơn Lê Sĩ Quí mà còn nói: “Thời trước mình viết, ngụy nó bỏ tù mình cũng không sao, bây giờ mà viết để cho cách mạng bắt giam mình thì kỳ quá mà lại kẹt cho họ nữa”.
Tôi là một người đọc rất nhiều sách của tác giả Nguyễn Hiến Lê, hầu như trên lãnh vực nào tôi cũng học hỏi được rất nhiều. Với tôi, ông là một ông thầy lớn, một học giả uyên bác, một người khảo cứu sâu sắc và cẩn trọng. Nhưng, còn một điều quan trọng hơn nữa là tôi kính phục cái tư cách kẻ sĩ của ông. Qua bộ hồi ký, ông tỏ lộ được cá tính của mình, của một người trí thức không bẻ cong sự thực. Và, ông đã can đảm nói lên cái nhầm lẫn của mình khi chưa sống với Cộng Sản. Ông là một trí thức đúng nghĩa trí thức.
- Thanh Tịnh và Tôi Đi Học Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Đọc thơ Trần Vấn Lệ Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Đọc Thơ Đường Ta Đi của Nguyễn Lê Minh Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Tưởng niệm Nguyễn Đức Lập Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Nguyễn Ðức Tùng: Từ “Thơ Ðến Từ Ðâu” đến “40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại” Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Đọc Thơ Trạch Gầm Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- “Những chuyện rất Việt Nam” của tác giả Đỗ Tiến Đức Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Từ Huỳnh Phan Anh đến Diễm Châu: Văn chương và thời thế Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Từ Huỳnh Phan Anh đến Diễm Châu: Văn chương và thời thế Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
- Lệ Khánh, Em là gái trời bắt xấu Nguyễn Mạnh Trinh Nhận định
• Nguyễn Hiến Lê, Kẻ Sĩ Trong Thời Đại Chúng Ta (Nguyễn Mạnh Trinh)
• Ông Nguyễn Hiến Lê Và Tôi (Đỗ Hồng Ngọc)
• Nhân đọc bản thảo cuốn “Nguyễn Hiến Lê” của Châu Hải Kỳ (Võ Phiến)
• Ông Nguyễn Hiến Lê và 100 tác phẩm (Bách Khoa)
• Ngõ Phất Lộc: Từ Nguyễn Hiến Lê đến Người Buôn Gió (Đoàn Thanh Liêm)
Nguyễn Hiến Lê (Ngô Thế Oanh)
Nguyễn Hiến Lê trong đời tôi (Nguyễn Mộng Giác)
Nguyễn Hiến Lê và Không Khí của Văn Hóa VNCH (Hoàng Anh Tuấn)
Nguyễn Hiến Lê, học giả tự học (Hoàng Yên Lưu)
Xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau năm 1975 qua cuốn Hồi kí của học giả Nguyễn Hiến Lê (Dung Khanh)
• Hồn Đại Việt, Giọng Hàn Thuyên (Nguyễn Hiến Lê)
• Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê)
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê (isach.info)
Tác phẩm trên Việt Nam Thư Quán
Tâm tình học giả Nguyễn Hiến Lê (Lê Phương Chi)
• Đọc Thơ Nguyên Lạc, Nghĩ Về Những Cuộc Hành Xác Tự Nguyện (T.Vấn)
• Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn (Nguyễn Văn Tuấn)
• Hà Đình Nguyên - Từ ngã ba Dầu Giây đi tìm những chuyện tình nghệ sĩ (Hoàng Nhân)
• Giáo sư Nguyễn Văn Sâm: Kim Long – Xích Phượng (Ngự Thuyết)
• Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương (Ngô Nguyên Nghiễm)
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)
Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng, Quyển Hạ
Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)
Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)
Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)
Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)
Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):
Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)
Sách Xưa (Quán Ven Đường)
Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)
(Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)
Hướng về miền Nam Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
Văn Học Miền Nam (Thụy Khuê)
Câu chuyện Văn học miền Nam: Tìm ở đâu?
(Trùng Dương)
Văn-Học Miền Nam qua một bộ “văn học sử” của Nguyễn Q. Thắng, trong nước (Nguyễn Vy Khanh)
Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 Nguyễn văn Lục
Đọc lại Tổng Quan Văn Học Miền Nam của Võ Phiến
Đặng Tiến
20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975
Nguyễn Văn Lục
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975 (Vương Trí Nhàn)
Trong dòng cảm thức Văn Học Miền Nam phân định thi ca hải ngoại (Trần Văn Nam)
Nguyễn Du (Dương Quảng Hàm)
Từ Hải Đón Kiều (Lệ Ba ngâm)
Tình Trong Như Đã Mặt Ngoài Còn E (Ái Vân ngâm)
Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba (Thanh Ngoan, A. Vân ngâm)
Nguyễn Bá Trác (Phạm Thế Ngũ)
Hồ Trường (Trần Lãng Minh ngâm)
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như (Phạm Thế Ngũ)
Dương Quảng Hàm (Viên Linh)
Hồ Hữu Tường (Thụy Khuê, Thiện Hỷ, Nguyễn Ngu Í, ...)
Vũ Hoàng Chương (Đặng Tiến, Võ Phiến, Tạ Tỵ, Viên Linh)
Bài Ca Bình Bắc (Trần Lãng Minh ngâm)
Đông Hồ (Hoài Thanh & Hoài Chân, Võ Phiến, Từ Mai)
Nguyễn Hiến Lê (Võ Phiến, Bách Khoa)
Tôi tìm lại Tự Lực Văn Đoàn (Martina Thucnhi Nguyễn)
Triển lãm và Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh (Thụy Khuê, Lưu Văn Vịnh, T.V.Phê)
Khái Hưng (Nguyễn T. Bách, Hoàng Trúc, Võ Doãn Nhẫn)
Nhóm Sáng Tạo (Võ Phiến)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo (Talawas)
Ấn phẩm xám và những người viết trẻ (Nguyễn Vy Khanh)
Khai Phá và các tạp chí khác thời chiến tranh ở miền Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)
Nhận định Văn học miền Nam thời chiến tranh
(Viết về nhiều tác giả, Blog Trần Hoài Thư)
Nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, ...)
Những nhà thơ chết trẻ: Quách Thoại, Nguyễn Nho Sa Mạc, Tô Đình Sự, Nguyễn Nho Nhượn
Tạp chí Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, ...)
Nhân Văn Giai Phẩm: Thụy An
Nguyễn Chí Thiện (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |