Nhà cách Mạng Lý Đông A
Thi nhân và tư tưởng gia Lý Đông A tên thật là Nguyễn Hữu Thanh, sinh năm 1921 tại tỉnh Hà Nam, Bắc Việt. Thuở nhỏ ông học bậc tiểu học tại trường làng và học thêm chữ Hán tại nhà, trước khi được gửi ra Hà Nội tiếp tục học tại một trường tư thục và tại chùa Quán Sứ năm 16 tuổi. Một năm sau đó, ông thường lui tới chùa Yên Tử trên một đỉnh núi và thiền tọa dưới gốc một cây thông già. Một hôm, trong lúc ông đang trầm ngâm thì một tia sáng đỏ rực từ trên trời chiếu xuống người ông. Hiện tượng siêu hình hiếm hoi này, được các tín đồ gọi là linh quang thần nhập thể, đã gia tăng sức mạnh tinh thần và trí tuệ của ông lên bội phần.
Chẳng bao lâu sau đó một nhóm “học-giả-trở-thành-cách-mạng-gia” thúc giục Lý Đông A gia nhập lực lượng Phục Quốc Quân của Nguyễn Hải Thần. Sau khi bị thua Việt Minh ở trận chiến Lạng Sơn năm 1940, Phục Quốc Quân phải bỏ chạy sang Tàu. Trong ba năm tại Liễu Châu, Lý Đông A giảng dạy binh pháp cho Trường Võ Bị Liễu Châu, cũng như đọc và viết sách trong thư viện Liễu Châu. Sau khi hồi hương năm 1943, ông phổ biến các tác phẩm của mình dưới danh hiệu Thái Việt Lý Đông A, và sáng lập Đảng Duy Dân. Các tác phẩm chính yếu gồm Huyết Hoa (tuyển tập nghị luận về nhân văn), Đạo Trường Ngâm (tuyển tập thi ca ái quốc), và Chu Tri Lục (giải thích thâm sâu về cương lĩnh Đảng Duy Dân).
Đầu năm 1946, khi Việt Minh thỏa thuận trong một hiệp ước để cho thực dân Pháp trở lại, ông quyết định đối đầu với lực lượng Việt Minh trong một trận chiến trên đồi Nga My. Sự mất tích kỳ bí của Lý Đông A sau cuộc giao tranh này đã để lại cho hậu thế một truyền thuyết về một thiên tài yểu tử, một lý thuyết gia chính trị xuất chúng, và một cá nhân có viễn kiến lạ thường đã có thể thấy trước điều gì sẽ xảy ra cho quê hương mình nhiều thập kỷ về sau. Trên căn bản các tác phẩm ông để lại, ta có thể nói Lý Đông A là nhà thơ và nhà tư tưởng chính trực nhất của dân Việt chúng ta trong thế kỷ 20.
Thi Nhiệt (một bài trong tuyển tập Đạo Trường Ngâm) phản ánh niềm tin ngay thẳng của tác giả vào sứ mệnh của các nhà văn là truyền cảm yêu thương, cho yêu thương ngấm vào những thăng trầm của lịch sử, và tán thưởng những chiến thắng không chỉ riêng cho mình:
Ta đã về đứng bên bờ Pắc Nậm [1]
Mặc heo may quấn quýt hồn cố hương [2]
Thấm hàng cây lấp ló những ven tường
Hòa làn khói mơ màng bao nhớ ước
Cách dòng nước ta là người mất nước [3]
Nước non ta, ai ngăn trở ta về [4]
Thấy người quê không tỏ được tình quê
Rõ trước mắt mà tìm đâu cho thấy
Hãy hét lớn hai bàn tay nắm lấy
Hãy khua tan quân địch của Rồng Tiên
Hãy làm cho giống Việt lại đoàn viên
Quê nước ở trong đáy dòng sông máu
CƯỚC CHÚ
[1] Pắc Nậm là tên (trong tiếng nói của một dân tộc thiểu số địa phương) một con sông nhỏ trong vùng Cao Bằng và Lạng Sơn gần biên giới Tàu-Việt. Chỗ mà Lý Đông A đứng trên bờ sông Pắc Nậm chỉ cách Hang Pắc Bó (nơi trú ẩn của Hồ Chí Minh) một vài cây số thôi.
[2] Gió heo may mùa thu khá lạnh, thường đi đôi với một bầu trời ảm đạm. Khi gió heo may mang theo những con chuồn chuồn, thì đó là dấu hiệu bão tố cũng sắp kéo đến – như một câu đồng giao cảnh cáo người dân quê: “Gió heo may, chuồn chuồn bay thì bão.” Ngọn gió này càng làm tăng nỗi nhớ nhà của tác giả và cũng làm sống lại cho ông những kỷ niệm, những ước nguyện chưa đạt được.
[3] Quê hương tác giả lúc đó đang nằm trong gọng kìm thực dân Pháp (và Bảo Đại là một ông vua bù nhìn tội nghiệp) khi bài thơ này được sáng tác năm 1943.
[4] Chủ từ của động từ “ngăn trở” trong câu thơ này có thể là thực dân Pháp, quân Việt Minh, hay cả hai. Nỗi đau lòng của một người mất nước cộng với mức bội bực vì không thể giao tiếp với đồng hương lan tỏa trong đoạn giữa này của bài “Thi Nhiệt.”