26-7-2019 | VĂN HỌC

Lữ Kiều, Giòng Suối Dịu Dàng Hơn Tình Yêu, Dữ Dội Như Định Mệnh

  TÔ THẨM HUY
Bởi vì tình yêu mạnh như cái chết
Và ghen tương quyết liệt tựa nấm mồ
Songs of Solomon

Mời nghe đối thoại của hai nhân vật trong kịch của Lữ Kiều:

- Tôi hiểu thấm thía một thứ tình cảm mạnh hơn tình yêu.

- Là gì?

- Hận thù.

“Tôi” là kẻ đã lên núi, đã trở về, và đã nhất quyết sẽ phá cầu.

Cầu nào? Tác giả không nói ra, nhưng ai cũng đoán biết. Hãy nghe nhân vật của ông nói:

- Nhà tôi ở đầu cầu, tôi đã lớn lên bên bến sông ấy, xuống tắm dưới chân cầu kia. Nhưng tôi tình nguyện phá, vì không thể làm khác. Chúng ta là những kẻ bất hạnh. Cậu đã mù nên chẳng trông thấy hòa bình. Còn tôi thì không sống đến ngày ấy.

- Trung, tại sao?

- Phá cầu tôi đau đớn lắm. Tôi vẫn là bạn cậu, Miên hãy nhớ như thế. Dù là hận thù, dù là tình ái, thì cũng chỉ là tình cảm.

Miên và Trung là hai người bạn từ thuở ấu thơ. Trong đời nhau đã bao lần cùng chạy nhảy nô đùa, bơi lội dưới giòng sông ấy. Miên đi lính bên này, rồi giải ngũ vì bị mù mắt. Trung lên núi theo bên kia, rồi trở về đặt mìn phá cầu. Việc phá cầu ấy đáng trách hay không đáng trách, đúng hay sai, hẳn đó không phải là điều cần nói ra ở đây. Cả cái tình tiết của cốt truyện, tuy là sườn của vở kịch, cũng nên thụt lui ra đằng sau. Nhường chỗ cho cái bi kịch là sự mâu thuẫn oái ăm, không phải cái mâu thuẫn đến từ hai thế đứng đối ngược nhau của Miên và Trung, mà là sự mâu thuẫn nằm chình ình giữa tâm hồn Trung.


Đã có ai yêu thương cây cầu ấy hơn Trung. Nhưng Trung vẫn phải phá sập nó vì không thể làm khác. Tại sao thế? Dù đau đớn lắm Trung vẫn phải phá cầu, bởi vì tình yêu, dù là hận thù, dù là tình ái, thì cũng chỉ là tình cảm. Cái bi kịch của Trung là ở chỗ ấy. Rằng cái biên giới giữa hận thùtình ái tự bao giờ đã bị Trung bôi xóa mất. Bảo đó là niềm chán chường đến tuyệt vọng, hay lòng hăng say đến quyết liệt, hay sự cay nghiệt của định mệnh, hay sự vô nghĩa đến lạnh lùng của mọi việc trên đời, có khác gì nhau không? Chúng ta là những kẻ bất hạnh.


Ví thử nếu không có chiến tranh, liệu Trung có thoát ra khỏi cái bi kịch ấy? Liệu Trung vẫn có thể tìm được lý do nào khác để gài mìn, rồi ở lại để cùng cây cầu nổ tan thân xác? Tại sao Mizoguchi đã đốt Kim Các Tự? Điều gì đã xô đẩy Trung đến cái mép rìa bi kịch của thân phận con người? Tôi không biết, nhưng tôi tin lời Trung nói là Trung sẽ bất hòa với đời mình nếu không giật mìn để phá cầu. Tôi như nghe thấy trong lời kịch những buổi chiều vàng đẹp đến muốn tự sát vì một tình yêu nào đó đã tức tưởi chết từ những ngày thơ ấu. Những ngày khi Miên và Trung cùng thẫm trong nắng vàng lúc mặt trời dần khuất, cùng say mê hát: Người yêu dấu ngàn đời thầu chăng, anh bước ra đi luyến tiếc hoài, đời còn có em nay là thôi.


Tại sao khi sắp sửa dẫn thân vào cõi chết Trung lại cảm thấy sung sướng khi gặp lại Kim, chị của Miên? Có hay không một thứ tình cảm âm thầm đã nhen nhúm trong lòng Trung mà mãi mãi không được thổ lộ. Liệu điều gì sẽ xảy ra nếu hình ảnh vàng ngợp của Kim Các Tự trong đầu Mizoguchi đã không làm anh bị bất lực khi đang ôm ấp người bạn gái? Liệu Miên có mãi mãi là kẻ mù lòa? Liệu Miên rồi sẽ tha thứ cho Trung?


Văn tức là người. Điều ấy có khi đúng, có khi sai. Có khi vừa đúng, vừa sai.



   Lữ Kiều & Lữ Quỳnh ngày hội ngộ

Tháng trước tôi được thêm hai người bạn. Thiền sư Phạm Văn Nhàn giới thiệu cho tôi hai người bạn lâu năm của anh, hai ông họ Lữ vốn tự xưa là đồng du hiệp thiếu: Lữ Quỳnh và Lữ Kiều.


Rồi hỏi: Thấy hai người bạn già của tôi ra sao?

Tôi trả lời: Mỗi người một vẻ. Lữ Quỳnh thâm trầm, nói nhiều bằng khuôn mặt. To và nặng như núi. A mountain never moves. Lữ Kiều tươi cười, ấm áp trong lời nói. Trong và vui như giòng suối. A spring adores its banks.


Thật không có nhận định nào sai lầm hơn. Ai mà có thể ngờ là ẩn sau tiếng cười róc rách của dòng suối ngọt ngào ấy lại là dập dồn thác ghềnh tuôn chảy, là cuồn cuộn cuồng lưu, là tưng bừng sóng nước. Đọc văn Lữ Kiều là bị đẩy vào cõi lung linh giữa hư và thực, giữa hồn nhiên và lý sự, giữa cao thượng và ích kỷ, giữa ham muốn và thánh thiện, giữa ý thức sáng suốt và mơ mộng lãng mạn, giữa xung đột và dằn vặt, tất cả trộn lẫn với nhau, đọc lên cứ như là say rượu.


Lữ Kiều của tập kịch Kẻ Phá Cầu, của tập truyện Trên Đôi Là Lô Cốt, là Lữ Kiều hai mươi tuổi của những ngày chiến tranh bom đạn. Là những đau đớn đến tàn nhẫn, những băn khoăn đầy ý thức của kẻ sĩ trong một đất nước nhiễu nhương, bên cạnh những rung động rạo rực của thèm khát yêu đương, có khi là thơ ngây, dại khờ, của một tâm hồn còn trong trắng, khao khát đi tìm cái đẹp ở trên đời. Vì thế họ gần gũi với chúng ta. Vì thế chúng ta vẫn có thể yêu Trung. Vì thế ta thấy mình bâng khuâng tự hỏi liệu Hiền có bao giờ đã cảm thấy sự rung động dạt dào trong lòng người em chồng những ngày nàng còn con gái, khi Cung đem thư của anh mình đến cho nàng? Và Nhị, ai trong chúng ta đã từng đối diện với tình cảm của một người yêu mình mà mình không muốn người ấy? Có khô không?


Vì thế đọc văn Lữ Kiều ta có thể yêu anh thân thiết như yêu một người bạn đã cùng mình chơi đùa, chạy nhảy từ những ngày lên năm, lên bảy, dù rằng ở trần gian này có thể anh có ít nhiều thâm niên công vụ hơn ta. Ai cũng chẳng đã một thời là hai mươi tuổi những ngày chiến tranh khói lửa. Mà có cần phải sống cùng một thời mới thông hiểu nhau không? Nguyễn Du chẳng đã hai trăm mấy chục năm ư? Tô Đông Pha thì cũng đã hơn nghìn năm rồi? Sao vẫn thân thiết là thế! Tôi đọc Lữ Kiều thấy anh gần gũi như hòn đá trước hiên nhà. Môn tiền cổ kiệt ngọa tà dương, Duyệt thế như lưu sự khả thương. Hòn đá cổ nằm dưới nắng tà, đang cùng ta nhìn cuộc đời trôi qua mà ngậm ngùi giọt lệ, cùng nhớ lại một thời âu lo chiến tranh, băn khoăn thân phận giống nòi. Cùng nhìn ra, thấy trái đất này nó đang quay. Ai ơi, kìa trái đất này nó đang quay.


Văn Lữ Kiều ngời lên ánh sáng, âm vang tiếng gọi phải tiếp ứng nhau. Phải làm sao tiếp ứng với những đốm lửa đang le lói cháy một mình, như lời nhắc nhở của St. Exupery. Và vì thế Lữ Kiều là đáng yêu, là ấm áp, là thao thức, là mang lại cho chúng ta sự tin tưởng ở nhau, là làm chúng ta muốn xích lại gần bên nhau hơn. You are forever responsible for what you have tamed. Tôi tin là Trung đã được Kim thuần hóa. Vì thế, giữa những sắt máu của tín điều quyết liệt, Trung vẫn là kẻ đáng yêu. Và nhờ thế, tôi vẫn có thể giữ được lòng tin tưởng rằng những kẻ ôm bom tự sát hôm nay không phải là những kẻ đã đánh mất lương tri.


Và nhờ thế, tôi giữ được niềm tin rằng sự thật có thể cứu rỗi chúng ta. Cuối cùng rồi, thiện sẽ thắng cái ác. Đấy chẳng phải là niềm hạnh phúc lớn lao sao?


Houston, Lễ Độc Lập 2019, Tiết Hạ Chí, Kỷ Hợi


Tô Thẩm Huy

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 85 tháng 7-2019
Chủ đề: Lữ Kiều Thân Trọng Minh